Một lời nói dối
Ankara 16.3.1964
Acmét,
Thành thật xin lỗi bạn vì tôi quá chậm trả lời thư. Tôi đã nhận được thư của bạn từ hôm 8-3 kia, nhưng vì bận tối mắt tối mũi, chuẩn bị cho ngày 26-4 (1) nên tôi chưa viết thư trả lời ngay được. Trong ngày hội này, tôi có rất nhiều việc phải làm. Tôi phải tham gia đến ba, bốn tiết mục trong đêm văn nghệ cơ mà. Thế mà ngoài tập duợt các tiết mục múa, hát ra, tôi vẫn phải bảo đảm việc học tập tốt, vẫn phải học bài, làm bài tập như cũ. Vì vậy tôi chẳng còn chút xíu thời gian rảnh rỗi nào để ngồi viết thư cho bạn nữa. Những điều bạn
viết về Huseyin trong thư Trước làm tôi buồn quá. Tôi đã gởi cho nó một lá thư để nó vui hơn, tất nhiên tôi không đả động tí gì về bạn và những điều bạn viết.
Trong những ngày không viết được thư cho bạn, ở chỗ tôi đã xảy ra bao chuyện thú vị. Tiếc là lúc này tôi không thể kể hết cho bạn được, tôi chỉ xin kể một chuyện gần đây nhất. Đó là chuyện giữa Mentin và ba tôi. Đôi khi cậu em láu lỉnh của tôi cũng hay nói dối ba. Khi vớ được Mentin nói dối, ba tôi giận lắm. Thế nào ba cũng bắt nó đứng nghiêm chỉnh trước mặt ba hàng giờ để nghe giảng bài học luân lý :
– Con trai của ba, con muốn làm gì thì làm, nhưng đừng bao giờ nói dối ba. Trên đời này, một câu nói dối, dù nhỏ nhặt sẽ dẫn tới một lần nói dối khác lớn hơn nữa. Muốn giấu diếm lời nói dối của mình thì bắt buộc lại phải nói dối tệ hại hơn. Để lời nói dối khỏi bị lộ tẩy, người ta càng phải nói và làm những lời, những việc xấu xa hơn … Cứ như thế mãi, mỗi lời nói dối, tự bản thân nó kéo theo một tội lỗi. Đấy chính vì lẽ đó, ba cấm con không bao giờ được nói dối ba mẹ, nghe không? Con phải hứa từ hôm nay đi nào …
Ba tôi nói như vậy, nhưng thực tế lại luôn bắt Mentin nói dối, vì chỉ một lỗi nhỏ nhặt của nó, ba tôi cũng quát mắng, la rầy ầm ĩ cả nhà. Mentin muốn tránh mang tội, phải nói dối.
Tất nhiên nhiều khi nó bị ba tôi phát hiện và lại bị rầy la, giảng giải …
Cách đây ba hôm, vào buổi tối, Mentin hỏi tôi :
– Em phải bịa ra chuyện gì để nói dối ba tối nay cho yên thân đây ?
Chả là mấy ngày hôm trước ba tôi đã giục Mentin đi hớt tóc, vì đầu nó đã quá rậm rạp. Mentin tính ham chơi, nó lúc nào nhớ ra mà đến tiệm hớt tóc đâu. Vì vậy đã mấy ngày mà tóc nó còn dài nguyên, che kín cả tai. Sáng hôm đó, tôi còn nghe thấy ba tôi dặn nó phải lập tức đi đến tiệm hớt tóc :
– Tối nay, khi ba về, dứt khoát là tóc con đã được hớt gọn ghẽ rồi. Nếu không đừng có trách ba !
Tôi khuyên nhủ Mentin đừng có đặt chuyện nói dối :
– Tốt hơn hết em hãy thú thực với ba là em quên có được không ? Nếu em nói dối, thế nào cũng bị lộ.
– Em nói thật thì ba giận, lại mắng em … Em sẽ bảo ba là em đánh rơi tiền mất rồi …
– Thì đã có một lần em bảo mất tiền, nhưng ba đã phát hiện ra ngay còn gì.
– Thế thì em sẽ nói là trường bắt đóng tiền để mua một cuốn sách gì đó …
– Không ổn đâu, tốt nhất em hãy nói thật.
– Không, em sẽ bảo ở tiệm hớt tóc rất đông người và em đã không đến luợt, vì trời tối phải về nhà …
Cứ thế, Mentin ngồi thử hết câu nói dối này đến câu nói dối khác, nhưng chưa câu nào nó vừa ý lắm, vì nghe vẫn có vẻ không ổn.
Chính buổi tối hôm đó, nhà tôi lại có khách. Hai vợ chồng bác Zaya, bạn của ba tôi, đến chơi nhà. Lẽ ra ba tôi phải có mặt ở nhà từ lâu, nhưng không biết vì sao vẫn chưa thấy bóng dáng. Mẹ tôi muốn giữ khách lại chơi nên xen giữa các câu chuyện hay nói câu :
– Nhà tôi chắc cũng sắp về …
Nhưng biết bao nhiêu cái “sắp” của mẹ tôi rồi mà ba tôi vẫn chẳng thấy xuất hiện. Mẹ tôi bắt đầu lo lắng thực sự :
– Thật là lạ ! Chưa bao giờ nhà tôi đi làm về trễ thế này. Không hiểu có chuyện gì xảy ra ?
Bây giờ đến luợt vợ chồng bác Zaya an ủi mẹ tôi :
– Chắc chẳng làm sao đâu chị ạ. Có lẽ anh ấy mắc công chuyện gì đó ở sở …
Nhưng mẹ tôi vẫn không yên tâm :
– Thường thường, khi bận công việc phải về muộn, nhà tôi vẫn báo Trước cho tôi biết.
Tôi và Mentin đói bụng quá phải ăn cơm Trước. Mẹ tôi sốt ruột quá, vẫn tiếp tục đợi ba mà chẳng hề đụng đến một tí thức ăn gì. Đến lúc đã quá muộn, Mentin buồn ngủ híp mắt nên đã đi ngủ. Hai người khách nói hết chuyện và đã quá khuya không tiện ở lại, định chào mẹ tôi để về thì chuông cửa réo vang.
– Trời ! Thế là cuối cùng anh ấy cũng đã về ! – Mẹ tôi reo lên nhẹ nhõm và định chạy ra mở cửa. Bác Zaya ngăn lại và nói nhỏ một cách thú vị :
– Chị để chúng tôi tránh sang phòng bên. Tôi muốn dành cho anh ấy một cú bất ngờ.
Hai người nói xong bèn đi trốn. Mẹ tôi ra mở cửa. Đúng là ba tôi thật. Mẹ tôi ân cần chào đón :
– Sao anh đi đâu mà giờ mới về ? Em lo quá … Tuởng có chuyện gì. Anh có việc đột xuất à ?
Ba tôi nói tỉnh khô :
– A, đâu có chuyện gì. Được tin Zaya bị bệnh nặng, tôi đến nhà thăm anh ấy …
Mẹ tôi nói giọng chưa chát :
– Ra thế đấy ! Nhưng anh về trễ quá, ở làm gì lâu vậy ?
– Trời, anh ấy bệnh nặng quá. Khốn khổ cho anh ấy, đang khỏe thế mà mắc bệnh hiểm nghèo. Như vậy làm sao tôi đến rồi đứng lên về ngay được, còn hỏi thăm này nọ, còn an ủi cho anh ấy vui lên …
– Khổ quá ! Anh ấy bị nặng thế kia u ?
Ba tôi đang kể tràng giang đại hải về bệnh tình rất nặng của bác Zaya thì chợt vợ chồng bác ấy cuời phá lên và xuất hiện trong phòng. Ba tôi ngây người ra như bị trời trồng :
– Uả, anh chị ở đây à ?
– Chúng tôi tính để dành cho anh một sự bất ngờ.
Mẹ tôi mỉm cuời đầy ý nghĩa :
– Thật là một sự bất ngờ đích đáng!
Ba tôi không nói thêm câu gì, guợng gạo chuyển sang hỏi thăm vợ chồng bác Zaya. Cả nhà ngồi vào bàn ăn. Ba tôi hỏi với vẻ quan tâm đặc biệt :
– Mentin đã đi ngủ rồi à ?
– Ba biết không, nó đã mệt lử vì phải ngồi suy nghĩ cách nói dối ba … Nó đi ngủ mà còn thấp thỏm, lo lắng vì chưa tìm được câu nói dối thích hợp, đó ba. Không biết nó đã nghĩ ra câu nói dối ba chưa ? …
Ba tôi điên tiết, mắng át đi không cho tôi nói tiếp :
– Tốt hơn là con hãy đi ngủ. Để kệ nó với ba. Con không thấy là đã quá khuya rồi sao ?
Thế là lần này Mentin thoát nạn. Sáng hôm sau, không thấy ba tôi đả động gì đến chuyện hớt tóc của nó nữa …
Tôi dừng lời, chúc bạn những điều tốt lành nhất.
Acmét, rất mong thư của bạn!
Bạn rất thân
Zeynep
(1) Ngày 26-4 ở Thổ Nhĩ Kỳ được xem là “Ngày toàn quốc bảo vệ thiếu nhi”, hay gọi tắt là “Ngày Thiếu Nhi”.