Sau chuỗi cười, ông ta nước mắt ràn rụa rồi ho lên sù sụ.
Tâm Đăng cả sợ, vội vàng bước tới đấm lưng cho ông ta, hỏi rằng :
– Bệnh sư phụ,… sao sư phụ lại cười to thế?
Tiếng ho của lão bây giờ yếu dần. Lão run rẩy thò tay vào túi mò một viên thuốc màu trắng ra, nhét vào miệng.
Đây là lần thứ nhất kể từ ngày Tâm Đăng quen biết với ông ta, thấy ông ta uống thuốc.
Nuốt xong viên thuốc, cơn ho lập tức dằn xuống, Tâm Đăng mừng rỡ hỏi :
– Bệnh sư phụ có thuốc hay thế, cớ sao từ hồi nào tới giờ chẳng thấy uống?
Bệnh Hiệp lắc đầu :
– Mấy mươi năm nay, ta cương quyết không uống thuốc, nhưng mà… ngày hôm nay ta phải đầu hàng sự quyết định của ta khi xưa! Khi ta bắt đầu uống thuốc thì sinh mạng của ta gần kết thúc rồi đó.
Tâm Đăng rơi nước mắt nói rằng :
– Bệnh sư phụ đừng nói gở…
Bệnh Hiệp thở dài :
– Nhưng đó là sự thật! Chết không đáng tiếc, chỉ đáng tiếc một điều là ta chết không phải lúc và phải xương trắng chôn quê người.
Tâm Đăng nghe giọng nói não nề của Bệnh Hiệp, trong lòng bi thiết lắm, nước mắt xuống như mưa.
Bệnh Hiệp gượng cười nói :
– Con đừng khóc, biết đâu ta không chết…
Tâm Đăng nức nở :
– Con không muốn rời khỏi sư phụ…
Bệnh Hiệp sung sướng lắm vì thấy Tâm Đăng có lòng thành với mình.
Một con người ngang dọc, lừng lẫy trong làng võ, chẳng may lạc bước đến một nơi xa xôi, hẻo lánh, ở ngoài nghìn dặm này, lại vướng phải bệnh nặng, ông tin chắc rằng mình sẽ chết một cách lạnh lùng, bi thảm trong cái hang sâu thăm thẳm này.
Nào ngờ trời xanh có mắt, trước khi ngọn đèn sắp tắt, run rủi cho ông ta tìm gặp Tâm Đăng, để an ủi một người sắp sửa lìa khỏi cõi đời.
Và một điều làm ông vui lòng nhất là Tâm Đăng đã hứa sẽ giúp ông ta đi làm một việc mà ông ta suốt đời cho đó là một sự nhục nhã.
Ông ta tin chắc rằng Tâm Đăng sẽ thành công.
Bệnh Hiệp nắm chặt lấy tay của Tâm Đăng, không biết ông ta muốn mượn hơi ấm trong cơ thể chú, hay là muốn truyền hơi ấm sắp tàn trong mình của ông ta sang cho Tâm Đăng?
Ông ta vui vẻ mỉm cười, cất giọng nói :
– Tâm Đăng, vợ ta qua đời đã lâu, nhưng ta mường tượng như thấy nàng không bao giờ rời khỏi ta… ta nghĩ rằng mỗi ngày nàng đều ở kề cận bên ta… Bây giờ thì ta càng sung sướng vì ta biết rằng không bao lâu nữa, ta sẽ sang bên kia thế giới để chung sống với nàng.
Một già, một trẻ cũng nhau trò chuyện một cách tương đắc dưới hang sâu.
Một tiếng đồng hồ trôi qua, Bệnh Hiệp lại ho trở lại và ông ta cấp tốc nhét vào mồm thêm hai viên thuốc nữa.
Ông ta biết rằng đó không phải là biện pháp hay, vì rằng uống thuốc chỉ là phương pháp giải quyết cấp thời, đối với sinh mạng của ông ta không giúp ích chút nào cả.
Nhờ thuốc, ông lại bớt ho, và lại tiếp tục nói chuyện :
– Tâm Đăng, ta không bao giờ ngờ rằng ta lại có ý tưởng này, thật có lợi cho mi! Nếu mi bằng lòng thì ta lại truyền một môn võ nghệ đặc sắc của ta cho mi.
Tâm Đăng vui vẻ trả lời :
– Con bằng lòng học!
Bệnh Hiệp tươi cười nói :
– Trước kia ta đã từng nói cho mi biết, ta chỉ truyền một môn võ nghệ cho mi mà thôi nhưng bây giờ ta yêu thích mi lắm, vả lại ta là người gần đất xa trời… không biết chết đi ngày nào, ta không muốn võ thuật của ta phải thất truyền, biết đâu mi học xong môn võ này, vài ba mươi năm sau sẽ làm được những việc lừng lẫy trong làng võ, võ thuật của thằng Lạc Giang Nguyên này không tiêu tan theo mây khói…
Tâm Đăng nghe mỗi câu nói nào của Bệnh Hiệp cũng nhuốm đầy màu sắc trối trăng của một người sắp chết, vội nói lảng sang chuyện khác :
– Bệnh sư phụ võ công cái thế, chẳng biết sẽ truyền lại môn nào cho con?
Bệnh Hiệp nghĩ đến khoảng thời gian vàng son lộng lẫy, khi mà ông ta đang làm mưa làm gió trên chỗ giang hồ, ông lẩm bẩm :
– Mi nói đúng, võ công của ta thật là đáng sợ, nếu ta không nhuốm bệnh, thì ta không thua thầy mi là Cô Trúc, còn đến như hạng của Lư Âu, Khúc Tinh, Nam Hải thất kỳ đều phải kém ta một bậc, nhưng mà… vì chứng bệnh trầm kha này nên Cô Trúc vượt hơn ta, đến Lư Âu cũng hơn ta một chút, đó là một sự bất công bằng…
Tâm Đăng nghe đến đây, trong lòng hối tiếc, chú trách cao xanh cớ sao ác nghiệt, làm cho Bệnh Hiệp phải mang bệnh mà thua sút kẻ đương thời.
Bệnh Hiệp tiếp tục nói :
– Ngày xưa ta nhờ một đường võ học mà dọc ngang thiên hạ, cho tới Cô Trúc mà còn nể mặt ta, đó là Cửu Hà Thiên Phong chưởng… Ta còn nhớ lần thứ nhất ta so tài với Cô Trúc, lúc đó ta chỉ độ chừng hai mươi tuổi, hắn thua ta một chưởng, nổi giận trở về mà ra công rèn luyện, do đó mới sáng tạo ra đường võ danh chấn giang hồ Cô Trúc chưởng, nhưng mà sau đó ta đã không còn dùng đến chưởng.
Tâm Đăng lấy làm lạ vội hỏi :
– Sao? Tại sao sư phụ không dùng chưởng?
Bệnh Hiệp thở dài :
– Kể từ khi mang bệnh thì ta không dùng đến chưởng, vì vậy mà Cô Trúc vẫn lấy làm hối tiếc, vì khi ông ta luyện xong Cô Trúc chưởng, liệu đã nắm chắc phần thắng trong tay, thì ta lại không dùng chưởng để đấu với hắn, do đó mãi đến giờ khắp trong làng võ chỉ có mỗi ta là hưởng cái danh dự đã thắng Cô Trúc một chưởng…
Nói đến đây, Bệnh Hiệp cười đắc chí, vì cho rằng đương kim đệ nhất cao thủ còn phải thua trong tay ông ta, thì hẳn đó là một điều vinh dự tột cùng.
Tâm Đăng cũng vui lây, Bệnh Hiệp lại tiếp tục nói :
– Cửu Hà Thiên Phong chưởng có tất cả mười đòn, mỗi đòn sáu thế, bây giờ bắt đầu học thiệt…
Thế rồi Bệnh Hiệp truyền lời thiệu cho Tâm Đăng, một già một trẻ đọc ê a trong hang thẳm.
Đang đọc ngon trớn, bỗng Bệnh Hiệp dừng phắt lại, bảo nhỏ vào tai Tâm Đăng :
– Có người đang đến, mi hãy nấp vào trong kia!
Tâm Đăng tuy lấy làm lạ nhưng ngoan ngoãn vâng lời, nhảy xổ vào một góc tường, thu mình nín thở mà nhìn ra ngoài.
Quả nhiên từ ngoài cửa động có tiếng chân rào rạo đi vào, tiếp đó là tiếng hỏi khàn khàn của Bệnh Hiệp :
– Ai đó?
Người ấy đi thật nhanh, câu hỏi của Bệnh Hiệp chưa dứt thì hắn ta đã tới trước mặt của Bệnh Hiệp rồi.
Tâm Đăng nhóng cổ nhìn ra bất giác giật mình vì đó chính là Cô Trúc sư phụ.
Hồi nào đến giờ, Cô Trúc vẫn giữ sắc mặt lạnh lùng, nhưng hôm nay ông ta lộ vẻ thật là xúc động, nói nho nhỏ :
– Ông bạn già ơi, tôi tới thăm bệnh của ông đây.
Bệnh Hiệp vốn đang nhắm nghiền cặp mắt, nghe câu nói mở bừng mắt dậy, run rẩy nói một cách cảm động :
– À, Cô Trúc! Đã gần hai mươi năm rồi nhỉ?
Cô Trúc khom lưng xuống nhìn vào tận mắt của Bệnh Hiệp rồi nắm lấy tay của ông ta, trên gương mặt răn reo của người bạn già đó ứa ra hai dòng lệ…
Đây là một tay kình địch và cũng mà một người bạn thân của Bệnh Hiệp. Ngày xưa ông ta mạnh mẽ, hùng tráng biết dường nào, nhưng bây giờ lại trở thành một kẻ bệnh hoạn, gầy gò và mệt nhọc…
Thời gian đã tàn phá sức khoẻ của con người một cách tàn nhẫn, nhưng mà ông ta vẫn gắng gượng bám lấy cuộc sống, mong mỏi rằng trước ngày nhắm mắt chào đời, có thể rửa được mối hận thù bất cộng đái thiên trên vùng đất Tây Tạng.
Cô Trúc rơi nước mắt hỏi rằng :
– Giang Nguyên! Bệnh của mi thế nào?
Bệnh Hiệp nở một nụ cười bi thảm :
– Chắc có lẽ ta chỉ sống thêm vài ngày nữa thôi. Hai ta thảy đều có mặt ở Tây Tạng, hai mươi năm nay vẫn trốn tránh lẫn nhau, cớ sao hôm nay mi lại tới đây thăm ta?
Cô Trúc thở dài, buông bàn tay của Bệnh Hiệp ra rồi nói :
– Ừ… gần hai mươi năm… mãi đến mấy ngày trước ta mới biết mi trú ngụ gần Bố Đạt La Cung, vì vậy nên quyết định đến đây thăm mi một lần…
Cô Trúc đưa mắt ngắm nhìn bộ xương khô nói :
– Đây là phu nhân?
Bệnh Hiệp gật gù trả lời :
– Chính nàng… Mi chắc còn nhớ cái chết bi thảm của nàng?
Cô Trúc trả lời :
– Ta còn nhớ, thật là kinh rợn!
Bệnh Hiệp trầm ngâm một chút mới mở lời :
– Ngày hôm nay mi đến thăm ta, ta lấy làm cảm kích… nhưng mà… ta vẫn biết tính tình của mi, mi đến đây chắc có một việc gì cần đến ta!
Cô Trúc đỏ bừng sắc mặt, ông thong thả đứng dậy, suy nghĩ đến lời sắp nói của mình. Bởi vì ông không nhẫn tâm quấy rầy một người sắp chết.
Cô Trúc gầm đầu xuống đất, đi đi lại lại giữa gian phòng tối tăm ẩm ướt, một bầu không khí nặng nề bao trùm lấy hai người bạn già, cả ba người có mặt trong gian phòng thảy đều nghe rõ mồn một hơi thở của người kia.
Lâu lắm Cô Trúc ngồi xuống trước mặt Bệnh Hiệp hỏi :
– Trong động này còn một người nữa, ai đó?
Tâm Đăng nghe nói giật mình, vội thu mình vào sát vách, vểnh tai nghe ngóng.
Bệnh Hiệp nói :
– Đó là một người chẳng quan hệ gì đến mi… Mi cần gì cứ nói thẳng ra!
Cô Trúc ngần ngừ một lát rồi bỗng gằn giọng nói :
– Chúng ta thảy đều là những người thảm bại trên phần đất Tây Tạng, những món bảo vật của chúng ta thảy đều rơi vào tay kẻ khác. Lệnh phù của ta, lông Khổng Tước của mi, Lục Cốt Châm của Lư Âu…
Bệnh Hiệp trợn trừng cặp mắt, gắt gỏng nói :
– Ta biết! Ta biết!… Những điều đó ta không bao giờ quên được, mi hà tất phải nhắc!
Cô Trúc vẫn trịnh trọng nói tiếp :
– Ta biết mi đến chết cũng không quên. Mà đồng thời ta cũng biết tại sao mi đến chết cũng không rời Tây Tạng!
Bệnh Hiệp cười lạnh lùng :
– Thì mi cũng như ta, đều vì lời hứa hai mươi năm về trước…
Bệnh Hiệp chưa nói dứt lời thì Cô Trúc đã to tiếng :
– Phải! Ta vì lời hứa hai mươi năm về trước… nhưng mà ta đã thành công một nửa, ta rất có thể hy vọng được thành công trọn vẹn.
Ngừng một chút, Bệnh Hiệp nói :
– Ta không trách mi, ta biết việc ấy sẽ làm tổn thương đến mi rất nhiều, ông bạn già ơi, mi có tin rằng nếu ta không mang bệnh thì ta đã thành công rồi?
Cô Trúc gật đầu :
– Ta tin!
Hai người lại bắt đầu trầm ngâm lặng lẽ, Tâm Đăng nghe mẩu đối thoại của hai người trong lòng lấy làm kinh dị, nhưng chú không dám bước ra hỏi rõ, còn đang bần thần bỗng nghe Cô Trúc nói :
– Ta thâu một tên đồ đệ, dốc hết tâm trí để dạy nó, thảy đều là vì lời hẹn ước hai mươi năm về trước… Bây giờ chỉ còn hai năm nữa.
Bệnh Hiệp không trả lời, chỉ ầm ờ nghe không rõ, Cô Trúc cất cao giọng :
– Nhưng bây giờ nó không còn là một đứa học trò của riêng ta, chính mi cũng đang truyền võ cho nó!
Bệnh Hiệp giật mình, ngẩng phắt đầu lên trả lời :
– Ta… phải, ta đang truyền võ nghệ cho nó!
Tâm Đăng sợ hãi lắm, chú biết rằng tính tình của sư phụ rất cao ngạo, nếu biết mình lén học võ với người khác, chắc sẽ nổi giận lôi đình.
Giọng nói của Cô Trúc lạc hẳn đi :
– Tại sao? Chẳng lẽ mi tìm không ra một người khác? Mi biết rằng ta đã tốn mười năm tâm huyết, mối nhục mười tám năm trước của ta, trong hai năm cuối cùng này sẽ nhờ thằng nhỏ này mà rửa hận… Mi… tại sao mi làm như thế? Nếu mi làm như thế thì việc làm của chúng ta thảy đều lỡ dở…
Bệnh Hiệp nghe đến đây, kêu lên thất thanh :
– Đừng nói nữa! Đừng nói nữa! Ta không bao giờ có ý định thu đồ đệ, như mi đã biết, ta luôn tin chắc rằng ta sẽ thành công, nhưng mà… báo cho mi biết ta đã đến hồ Tuấn Mã…
Cô Trúc nghe đến đây, giật mình, tròn xoe cặp mắt :
– Sao? Mi đã đến hồ Tuấn Mã…
Bệnh Hiệp gật gù, trả lời một câu bi thảm :
– Phải! Ta đã đến đó và ta đã thất bại, ta thọ trọng thương..
Cô Trúc im lìm lâu lắm, Bệnh Hiệp nói tiếp :
– Ta gặp Tâm Đăng, nên việc làm dang dở của ta trong kiếp sống này, chỉ biết ký thác cho nó…
Cô Trúc hốt hoảng nói :
– Thế còn ta? Như mi đã biết, mười tám năm về trước, chúng ta đã quy định chỉ có thể làm một việc cho ta hoặc cho mi, nhưng sao bây giờ mi lại bắt buộc thằng Tâm Đăng bỏ rơi ta mà đi phục vụ cho mi?
Bệnh Hiệp cười chua chát :
– Ta biết ta làm như thế là sai… Nhưng mà không còn cách nào khác nữa, trong lòng của ta rối rắm lắm, ta rất mong tìm được một phương sách lưỡng toàn…
Cô Trúc nổi giận, lắc đầu quầy quậy :
– Không thể được! Mi biết rằng ta có thể đến hồ Tuấn Mã lúc nào cũng được, ta có thể lấy hết những món của ta và mi một cách dễ dàng… nhưng mà ta không như thế bởi vì ta luôn luôn giữ lời đã hứa…
Bệnh Hiệp lạnh lùng nói :
– Mi đợi thằng Tâm Đăng đi lấy món tín vật của mi về rồi tái xuất giang hồ, đi tìm thằng Trác Đặc Ba mà thanh toán…
Cô Trúc hậm hực nói :
– Ta làm sao có thể buông tha được cái thằng hèn hạ vô sỉ đó! Ta muốn cho nó sẽ sức cùng lực kiệt dưới đường võ Cô Trúc chưởng của ta, và sẽ cho nó chết một chưởng cuối cùng.
Bệnh Hiệp nổi lên một chuỗi cười cuồng loạn, ông ta nói :
– Cô Trúc, ta rất tán thành ý kiến của mi! Nếu ta không mang bệnh thì Trác Đặc Ba cũng đã chết dưới bàn tay của ta rồi. Nhưng mà… nếu như Tâm Đăng không thành công thì sao?
Cô Trúc nghe nói giật mình biến sắc, ông ta lắc đầu mà rằng :
– Không, nhất định nó sẽ thành công!
Bệnh Hiệp mỉm cười trả lời :
– Vạn nhất nó không thành công thì sao?
Cô Trúc rất sợ hãi phải nghe câu nói này, ông ta im lặng một chặp rồi mới nói :
– Vạn nhất mà… thì ta nhất quyết sẽ tái xuất giang hồ.
Bệnh Hiệp vội vàng hỏi :
– Vậy thì chẳng hóa ra mi làm trái ngược với lời hứa mười tám năm về trước?
Trong bóng tối Cô Trúc mặt mày biến sắc, ông cắn môi mình nói :
– Ta có cách nói cho xuôi… Ta sẽ bảo rằng ta sẽ phục thù cho đồ đệ của ta.
Bệnh Hiệp giật mình, không ngờ Cô Trúc lại nghĩ đến điều này, ông ta thầm phục sự thông minh của Cô Trúc nhưng ông thầm ghê tởm cho cái sự dụng tâm này, ông ta nở nụ cười khinh bỉ :
– Thì ra mi có ý định muốn dùng chú tiểu Tâm Đăng như một vật hy sinh, ngõ hầu đánh đổi lấy sự tự do cho mi…
Cô Trúc thình lình đứng phắt dậy kêu lên thất thanh :
– Mi đừng nói nhảm, nếu ta có dụng tâm đê hèn như thế, ta không cần chờ đợi những mười tám năm trường, ta đã tìm một người khác làm việc này trước Tâm Đăng…
Bệnh Hiệp suy nghĩ thấy câu nói này có lý nên không nói gì nữa, ông ta nghĩ thầm :
– Tâm Đăng là học trò của hắn, ta không thể chiếm lấy, vì làm như vậy sẽ vô tình làm cho công lao dạy dỗ mười mấy năm trường của hắn sẽ trôi theo dòng nước… Thôi! Ta hãy bỏ ý định đó đi! Tự mình ra đi một chuyến, mặc dầu rất có thể ta sẽ chết trong chuyến đi này…
Bệnh Hiệp là một lão già đáng kính, tính tình cương trực, không muốn chiếm cứ sở thích của người.
Ông ta thà hy sinh tên tuổi của mình, chứ không đi mượn một sự thành công không danh dự.
Bệnh Hiệp ủ rũ nói :
– Cô Trúc ơi, ta đã bỏ ý định của ta. Ta không muốn Tâm Đăng làm giùm công việc của ta nữa, chỉ có một điều là vẫn tiếp tục truyền võ cho nó.
Cô Trúc nghe nói, trong lòng cả mừng, ông ta nắm lấy bàn tay của Bệnh Hiệp nói một câu đầy cảm xúc :
– Giang Nguyên ơi, ta cám ơn mi lắm.
Bệnh Hiệp lắc đầu thở dài :
– Thằng đó là học trò của mi, mi bất tất phải cảm ơn.
Chứng bệnh của ta đã thâm nhập vào mạch Nhiệm rồi, ta chỉ có thể sống thêm năm này nữa thôi… ta chắc chết trong sự thanh danh tan nát…
Cô Trúc bỗng chộp lấy cườm tay của Bệnh Hiệp, thò hai ngón tay ra bắt mạch, giây lâu mới cười nói :
– Giang Nguyên, mi đã nhận xét sai lầm, bệnh của mi chưa vào đến mạch Nhiệm.
Bệnh Hiệp nghe nói, lòng mừng khấp khởi, vội hỏi :
– Thật ư?
Một con người vào sinh ra tử, dũng cảm như ông ta mà giờ phút này cũng rất sợ tử thần uy hiếp.
Nhưng Cô Trúc nói tiếp :
– Mặc dầu bệnh của mi chưa vào đến mạch Nhiệm, nhưng cũng đã vào đến mạch Bì.
Câu nói này như một gáo nước lạnh dội vào đầu của Bệnh Hiệp, ông ta bất giác thất vọng thở dài, Cô Trúc nói tiếp :
– Bệnh của mi chỉ biến chứng trong vòng mười hôm gần đây mà thôi, nhưng tim mi vẫn còn mạnh, ít nhất còn sống thêm hai năm nữa!
Bệnh Hiệp im lìm không trả lời, Cô Trúc nói lảng sang chuyện khác :
– Những người bạn già của chúng ta hồi mười tám năm về trước bây giờ thảy đều lục tục kéo trở về Tây Tạng, theo ta biết thì Lư Âu và Vạn Giao ở luẩn quẩn gần đây… Còn như bọn Khúc Tinh và Nam Hải thất kỳ thì chưa thấy tăm hơi gì cả…
Bệnh Hiệp trả lời :
– Ta cũng biết bọn họ ở gần đây, nhưng bọn họ lại không biết hành tung của ta…
Họ tưởng rằng ta đã khuất phục đầu hàng rồi.
Cô Trúc nói tiếp :
– Bố Đạt La Cung gần đây liên tiếp xảy ra nhiều việc lạ, nào là Y Khắc bị giết một cách bi thảm, Tạng Tháp bị chặt mất hai ngón tay và mất tích một cách ly kỳ… ta e rằng vụ án Tàm Tang hồi mười tám năm về trước lại bắt đầu khơi mào rồi đó, mà vai chính là những người trong chúng ta…
Tâm Đăng nghe đến đây, vừa kinh sợ vừa kỳ quặc nghĩ thầm :
– Mấy tháng nay sư phụ không có mặt tại vùng này, cớ sao việc gì ông ta cũng biết?
Lúc đó thì hai người kia lại bắt sang chuyện khác, bàn tán một hồi Cô Trúc muốn đứng dậy cáo từ, Tâm Đăng nghe Bệnh Hiệp nói :
– Cám ơn mi đã đến đây thăm ta, nhưng lần sau thì không cần phải đến.
Cô Trúc cười :
– Ta không đến! Nhưng ta sẽ phái thằng Tâm Đăng đến.
Bệnh Hiệp nghe nói gật đầu mỉm cười, phần Cô Trúc cũng nở một nụ cười chua chát rồi cáo từ người bạn già rồi lui ra…
Tâm Đăng chờ cho tiếng chân của ông ta lui khỏi động rồi, mới đi đến bên cạnh Bệnh Hiệp hỏi rằng :
– Thưa sư phụ, sư phụ chắc chắn sẽ còn sống thêm hai năm nữa!
Bệnh Hiệp vỗ vai Tâm Đăng :
– Phải! Nhưng mà ta sống cũng như chết…
Tâm Đăng cả sợ hỏi :
– Tại sao?
Bệnh Hiệp lại ngứa cổ, ông ta nhét thêm một viên thuốc vào miệng để dằn cơn ho xuống, đoạn trả lời :
– Ban nãy mi đã nghe, bệnh của ta đã vào đến mạch Bì, mười ngày sau sẽ trở nặng, tới chừng đó ta sẽ không thể cựa quậy, không thể nói chuyện, vậy thì cầm bằng như người đã chết.
Tâm Đăng kêu lên một tiếng kinh hoàng, Bệnh Hiệp mỉm cười chua chát nói tiếp :
– Mi đừng sợ, đã có cách!
Bỗng ông ta nắm lấy tay của Tâm Đăng, nói một câu thiết yếu :
– Ban nãy ta có nhờ mi đến hồ Tuấn Mã lấy giùm lông Khổng Tước màu đỏ, nhưng bây giờ ta thay đổi ý kiến, không cần phải đi nữa.
Tâm Đăng hỏi :
– Tại sao? Sư phụ truyền võ công cho con mục đích chỉ vì chuyện này.
Bệnh Hiệp thở dài nói :
– Chỉ vì sư phụ của mi cũng sẽ bảo mi đến đó lấy giùm cho ông ta một vật, mà mười tám năm về trước chúng ta đã có lời hứa với người bên hồ Tuấn Mã rằng: Cái người mà chúng ta phái đi chỉ được phép lấy mỗi một vật mà thôi… Nay sư phụ của mi tốn hao không biết bao nhiêu là tâm huyết, chịu khó nhọc hơn mười năm trời để truyền võ cho mi, chẳng lẽ mi bỏ ông ấy mà lo cho ta?
Tâm Đăng thật là nan giải, không ngờ sự việc lại biến chuyển như vầy, thật làm cho Bệnh Hiệp vừa đau khổ, vừa thất vọng.
Tâm Đăng khóc sướt mướt :
– Buổi ban sơ ông đã biết tôi là học trò của Cô Trúc, ông còn truyền võ nghệ cho tôi làm gì?
Bệnh Hiệp thở dài :
– Đó là do lòng ích kỷ của ta, nhưng bây giờ ta nghĩ làm như thế thật là một điều mất danh dự.
Tâm Đăng ruột rối như tơ vò, chỉ khóc mà nói rằng :
– Tôi bất chấp! Tôi sẽ làm xong công việc cho sư phụ rồi sẽ làm công việc kia cho Cô Trúc sư phụ…
Bệnh Hiệp lấy làm cảm kích, nước mắt xuống ròng ròng, bỗng có một ý niệm thoáng qua trong trí, và ông ta run rẩy, mừng rỡ nói rằng :
– Ta có cách làm cho mi trở thành hai người mà đối phương nhìn không ra, và mi có thể đàng hàng thi hành lấy hai vật…
Tâm Đăng mừng rỡ, vội hỏi :
– Cách gì thế, thưa sư phụ?
Bệnh Hiệp trả lời :
– Mi đừng nóng nảy, rồi đây ta sẽ cho mi biết, nhưng mi chỉ cần nhớ kỹ rằng khi hành sự cho ta thì đừng dùng võ công của Cô Trúc, còn khi làm giùm cho Cô Trúc thì đừng dùng võ công của ta… Ngày mai ta phải dời chỗ ở đến một mái đồi bên phía tả của Bố Đạt La Cung, nơi ấy có một ngôi nhà bằng đá, đúng ngọ ngày mai mi đến đó tìm ta.
Tâm Đăng ngơ ngác hỏi :
– Tại sao sư phụ lại dời ra khỏi nơi này?
– Mi không cần biết, bây giờ hãy về cho ta ngơi nghỉ…
Tâm Đăng không dám làm phiền Bệnh Hiệp, vội vàng đứng dậy lui ra.
Ra khỏi cửa động thấy mặt trời đã ngả về tây, đã gần đến giờ thụ trai buổi chiều nên chú vội vã đi về phía cổng hậu của Bố Đạt La Cung.
Chính vào lúc chú sắp sửa vào cổng chùa thì bỗng thoáng nghe sau lưng có tiếng gió dậy vì vèo. Nhanh như chớp. Tâm Đăng lách mình sang cánh tả hai bước, và một tiếng “bốp” vang lên, thì ra đó là một hòn sỏi ném trúng tường rơi xuống đất.
Tâm Đăng lấy làm kinh dị quay đầu lại, thấy trên triền đồi gần đó có một người thiếu nữ mặc đồ Tây Tạng, đứng dưới một gốc cây cổ thụ, trên mặt nàng che ngang một vuông lụa mỏng…
Nhìn kỹ, thì ra đó là Mặc Lâm Na!
Tâm Đăng tim đập rộn ràng, lòng mừng khấp khởi, chú cất giọng kêu :
– Cô làm gì đứng đó?
Mặc Lâm Na vẫy tay cười rằng :
– Mi sang đây, cớ sao đứng xa xa mà nói chuyện?
Tâm Đăng không muốn đến gần Mặc Lâm Na, nhưng không biết có một mãnh lực vô hình nào đã đưa đẩy chú lần bước tới.
Dường như chú là một miếng sắt mà Mặc Lâm Na là một miếng đá nam châm vậy.
Tâm Đăng đi đến cách nàng chừng năm thước thì dừng chân lại, chú thoáng nghe thấy một mùi hương thoang thoảng, bất giác sắc mặt đỏ bừng, ấp úng nói :
– Cô gọi tôi làm gì?
Mặc Lâm Na bỗng cười lên khúc khích, Tâm Đăng cảm thấy tiếng nàng cười nghe vui tai hơn tiếng oanh hót trên đầu ngọn liễu, nàng dùng tiếng Tây Tạng nói :
– Ta hỏi mi đi đâu suốt buổi chiều hôm nay mà ta tìm không thấy?
Tâm Đăng ấp úng nói chẳng ra lời, chú không biết Mặc Lâm Na tìm mình có chuyện chi, chú đánh trống lảng hỏi :
– Cô tìm tôi có việc gì?
– Ta muốn nói với mi một việc.
– Việc gì?
Mặc Lâm Na bỗng gắt gỏng :
– Mi bước sang đây, ta không có ăn thịt mi mà hòng sợ.
Tâm Đăng lại bước thêm hai bước nữa và Mặc Lâm Na mới mở lời, nàng nói chuyện tíu tít, toàn là những chuyện mưa chuyện nắng, chẳng ăn nhằm vào đâu.
Rồi nàng lại kéo sang chuyện tụng kinh gõ mõ trong chùa, chuyện cây chuyện cỏ, câu chuyện kéo dài lằng nhằng, rồi lại nhảy sang đến việc Kim Cang Kinh là quyển kinh để phổ độ linh hồn người chết…
Bỗng Mặc Lâm Na cắt ngang câu chuyện :
– Trong chùa của mi hòa thượng nhiều quá, nếu nổi loạn lên thì thật là một vấn đề nan giải…
Câu chuyện càng đi sâu, Tâm Đăng càng bạo dạn, chú hỏi :
– Cớ sao cô cứ che mặt mãi thế?
Mặc Lâm Na thò tay ra dứt lấy một đóa hoa trên cành cây gần đó, vò nát trong lòng bàn tay của mình rồi trả lời :
– Ai bảo mi là nhà sư!
(Theo tục lệ của người Tây Tạng thì người đàn bà phải che mặt, để tránh cái tiếng quyến rũ thày tu).
Tâm Đăng nghe Mặc Lâm Na nói như thế, lộ vẻ buồn rầu, bất giác chú hỏi :
– Cô gỡ vuông lụa che mặt ra…
Nói xong câu nói bạo dạn này, Tâm Đăng cúi gầm đầu xuống, sắc mặt đỏ bừng, dường như đã làm một việc phạm tội, tụng thầm trong lòng :
– A di đà Phật!
Mặc Lâm Na bỗng cười lên khúc khích :
– Được, ta cũng ghét vuông lụa này lắm…
Nói đoạn nàng thò cánh tay ngà ngọc lên gỡ vuông lụa xuống, Tâm Đăng giật mình sửng sốt, định thần nhìn kỹ, bất giác tim đập rộn ràng, chú nghĩ mười mấy năm tu hành khổ nhọc, công phu bây giờ thảy đều trôi theo dòng nước…
Chú lấy làm lạ, tại vì sao chú có lòng hối hận!
Trước mắt chú là một gương mặt trắng nõn nà, hai làn mi cong vút, cặp mắt to và đen, sống mũi dọc dừa, mồm bé mà xinh, thấp thoáng ẩn hiện hai hàng răng đều đặn, đôi má của nàng hây hây đỏ.
Cả hai người thảy đều bị một thứ im lặng huyền diệu bao trùm, gương mặt đó lần đầu tiên trong đời của Tâm Đăng chỉ được dịp được trông thấy lần thứ nhất.
Chú nhìn nàng một cách tham lam, dường như muốn tìm kiếm một bảo vật gì trên khuôn mặt đó vậy.
Nhưng trong phút chốc, tiếng cười của Mặc Lâm Na lại phá tan bầu không khí im lìm, hai người trò chuyện giòn như bắp rang. Tâm Đăng kể hết những điều vui thú trong chùa, làm cho Mặc Lâm Na ôm bụng cười ngặt nghẽo.
Chợt có tiếng chuông chùa ngân nga đưa lại, Tâm Đăng bực tức cắn lấy môi mình, mỗi lần tiếng chuông báo hiệu thụ trai, đem đến cho mọi người một niềm vui, không ngờ hôm nay có người lại không thích!
Tâm Đăng tỏ vẻ quyến luyến, đứng dậy cáo từ, Mặc Lâm Na vội hỏi :
– Cớ sao có tiếng chuông thì mi lại muốn bỏ ta mà đi?
Tâm Đăng cười trả lời :
– Giờ thụ trai đã đến.
Mặc Lâm Na tức tối, gượng nở một nụ cười bất mãn, nàng nói với Tâm Đăng :
– Ngày mai vào giờ này, ta lại chờ mi ở đây.
Tâm Đăng cúi đầu vâng dạ, muốn nói thêm vài câu nữa, nhưng từ xa xa đã có bóng dáng mấy chú tiểu thập thò nhìn trộm, Tâm Đăng hổ thẹn, bất đắc dĩ phải chào Mặc Lâm Na rồi lui gót.
Mặc Lâm Na tiễn biệt Tâm Đăng bằng một nụ cười đắc thắng….