Trác Đặc Ba thấy Tâm Đăng có thể phân tâm mà làm cả hai việc trong một lúc, cả sợ nghĩ thầm :
– Nếu không thừa dịp nghìn năm một thủa mà thanh toán thằng này thì thật là hậu hoạn vô cùng.
Vừa nghĩ, ông ta tiếp tục ném ra thêm hai viên nữa, hai viên ám khí lần này chia ra làm hai ngõ tấn công vào huyệt Thái Dương của Tâm Đăng và huyệt Mi Tâm của Tần Trường Sơn.
Tâm Đăng biết rằng nếu mình ra sức kháng cự thì thật là thập phần nguy hiểm nhưng tình thế bắt buộc chàng không thể bó tay chờ chết, vì vậy mà chàng dồn hết sức mạnh vào hai bàn tay để rồi một lần nữa đánh bay hai viên ám khí.
Lần này thì hai người không thể gượng gạo nữa, sau khi đẩy trôi hai viên ám khí rồi, Tâm Đăng đầu nhức như búa bổ, mắt nổ đom đóm, rú lên hai tiếng kinh hoàng rồi ngất đi.
Còn Tần Trường Sơn thì rũ người ra hôn mê bất tỉnh.
Hai người trẻ tuổi ôm lấy nhau mà khe khẽ cựa quậy trên mặt đất, và từ trong bóng tối, Trác Đặc Ba đắc ý phi thường thong thả bước ra.
Ông ta ngắm nhìn Tâm Đăng một chập thong thả nói rằng :
– Mi chẳng lo tu hành niệm Phật, lại tự mình đâm đầu vào rọ, vậy chớ trách ta là người độc ác…
Nói rồi từ từ dựng bàn tay hữu lên, sẵn sàng giáng xuống một chưởng đưa Tâm Đăng vào chỗ chết.
Chính vào lúc tính mạng Tâm Đăng đang treo trên sợi tóc, chợt từ trong một chỗ tối u ám có hai tiếng ho khàn khàn vang lên.
Trác Đặc Ba giật mình, tức khắc thu tay trở về, lạnh lùng hỏi :
– Ông bạn nào đó, sao không nghỉ ngơi trong Nhất Tâm lâu mà lại lần mò đến đây? Hay là đôi bên muốn hủy lời giao ước?
Câu nói chưa dứt thì bên kia có một giọng nói khàn khàn của một lão già đưa sang :
– Đồ khốn kiếp, chớ vô lễ với ta.
Trác Đặc Ba giật mình đánh thót, vì suốt đời ông ta chưa hề bị ai dùng lời lẽ nặng nề đến thế. Biết người này len lỏi vào chỗ tâm phúc của mình, chắc không phải là kẻ tầm thường, vội nói :
– Mi là ai? Hãy chường mặt ra đây!
Lão già bật phì cười trả lời :
– Ta nãy giờ đứng trông từ đầu chí cuối, mi là một nhân vật lẫy lừng, mà lại thừa lúc hai đứa trẻ đang lâm vòng nguy biến, ném luôn sáu viên ám khí mà chẳng hại được ai…
Trác Đặc Ba nổi giận xung thiên thét hỏi :
– Mi đã vào Tây Tạng đệ nhất gia, không bạn tức là thù, chúng ta hãy bước ra ngoài kia đàm đạo.
Người trong bóng tối vỗ tay cười ha hả :
– Hay lắm, chỗ này tối tăm u ám, ta lấy làm khó chịu, hãy ra ngoài kia mà đàm đạo, hai thằng nhỏ này cứ để lại đây, có chết ta cũng không trách mi…
Tiếng nói của lão già càng lúc càng nhỏ, đến mấy chữ cuối cùng thì văng vẳng như một đường tơ, thoáng nghe qua dường như ông ta đã thoát ra khỏi đường hầm.
Trác Đặc Ba cả sợ, vội vàng nhún mình đuổi theo nhanh như một cơn gió thoảng.
Thân hình của Trác Đặc Ba vừa khuất trong bóng tối thì một chiếc bóng mờ từ trong chỗ tối tăm ban nãy bay vù ra, đó là một lão già gầy như que củi, đầu tóc bạc phơ nhưng cặp mắt sáng ngời.
Ông ta thò tay xuống, dùng một thủ pháp vô cùng lanh lẹn, xoa nắn cho Tâm Đăng và Trường Sơn, sau khi thấy hai trẻ phục hồi sinh lực ông ta mới tập tễnh lần bước trở ra.
Dưới bóng trăng mờ, người ta phát giác lão già đó chính là sư phụ của Cô Trúc, Tiêu Lộ Tây!
Tiêu Lộ Tây khuất dạng rồi thì Tâm Đăng và Trường Sơn thảy đều bình tĩnh, Trường Sơn ôm lấy Tâm Đăng cảm kích nói rằng :
– Cám ơn sư huynh đã cứu ta…
Tâm Đăng mỉm cười trả lời :
– Chúng ta thảy đều là những người đồng chung cảnh ngộ… phải làm sao mà hiệp lực mà hạ Trác Đặc Ba để trừ một kẻ ác… Có phải sư huynh đã dò theo chỉ dẫn của Trác Đặc Ba mà đến đây.
Trường Sơn gật đầu :
– Phải, tôi theo những lời chỉ dẫn ghi trên thẻ mà lần mò vào đây không ngờ gặp phải luồng gió lạnh mà suýt chết.
Tâm Đăng lại hỏi :
– Có phải lệnh phù của Khúc sư bá nằm tại chỗ này?
– Phải, theo trên thẻ thì bảo rằng sau khi tránh được gió lạnh và gặp nước thì có thể lấy được lệnh phù.
Tâm Đăng cao hứng nói :
– Thế thì chúng ta mau tiến về phía trước để hoàn thành nhiệm vụ, tôi có thể giúp sư huynh một tay.
Chợt Trường Sơn níu ống tay áo của Tâm Đăng mà bảo khẽ :
– Hãy nghe…
Hai người lóng tai nghe ngóng quả thật đâu đây có tiếng nước đổ rì rào, tiếng nước khi khoan khi nhặt, lúc bổng lúc trầm, có lúc nghe rõ ràng, có lúc mơ hồ huyền ảo… Cả hai thảy đều tinh thần phấn chấn, đứng phắt dậy đi lần về phía đó.
Quanh có một lúc lâu, trước mắt hai người vụt có ánh sáng nổi lên, bày khai một cảnh tượng thật tân kỳ, thì ra đó là một con đường hầm thông ra một vùng thung lũng cảnh trí xanh tươi.
Cuối thung lũng có một thác nước đang đổ rì rào, bụi nước bay mù mịt.
Sau thác nước đó có một cái sơn động tối om om.
Tâm Đăng và Trường Sơn liếc xem địa thế, trong lòng phập phồng kinh dị, đồng cho rằng món lệnh phù của Khúc Tinh chắc giấu trong động đá đó.
Hai người nắm tay nhau nhắm thác nước mà đi lần tới, cách đó chừng năm trượng, đường đi vụt thình lình tắc nghẽn, vì rằng từ nơi đó muốn sang thác nước bên kia phải cách một khoảng trống gần hai mươi trượng.
Trường Sơn và Tâm Đăng thảy đều dừng gót trước sự chướng ngại lạ lùng của thiên nhiên đó, hai người thảy đều cau mày, cố tìm cách vượt sang.
Tâm Đăng nhìn khoảng cách khá xa đó mà ra chiều lo ngại, chợt nghe Trường Sơn nói :
– Môn khác thì ta kém, chứ còn khinh công… thì liệu chắc có thể vượt sang nổi…
Trường Sơn nói dứt lời, vội vàng nhảy vù tới, thân hình của chàng vừa mơn trớn thì chỉ vượt sang phân nửa, Tâm Đăng thấy anh ta vội vàng sử một thế Thiên Phong Nghênh Nhự, đảo nhẹ một vòng rồi vọt sang bờ bên kia.
Tâm Đăng vỗ tay khen dậy nhưng lời khen chưa thốt ra khỏi cửa miệng thì chàng rú lên một tiếng kinh hoàng…
Thì ra Trường Sơn ỷ sư phụ mình khinh công cái thế, có biệt hiệu là Quá Thiên Phong, vì vậy mà cả gan vượt sang bên kia, nào ngờ thân hình của chàng vừa chạm vào thác nước thì bao nhiêu hơi sức tụ tại Đan Điền thảy đều bị sức mạnh của thác nước làm cho tan biến.
Vì vậy mà thân hình của Tần Trường Sơn bị hất ngược trở ra rơi xuống vực sâu thăm thẳm…
Trong cơn nguy nan cùng cấp, Tâm Đăng vớ lấy một hòn đá dưới chân mình, ném vù ra giữa vực rồi bay mình nhảy theo.
Tâm Đăng đi sau mà đến trước, ra đến giữa vực liền bắt kịp hòn đá kia, đè tay lên hòn đá để làm điểm tựa, Tâm Đăng sử một thế Xảo Phao Tú Cầu, lộn người để bay vù sang bên kia, vừa đúng lúc Tần Trường Sơn bay ngang trước mặt mình.
Tâm Đăng thò một tay vào vách núi để bám chặt lấy một mỏm đá, để cho hai bàn chân của chàng thò ra theo thế Thiết Kiều Song Bản…
Trường Sơn vừa bị làn sức mạnh của thác nước hất rơi xuống vực, những tưởng phen này mình phải vùi thây tại chốn này, thình lình bắt gặp hai bàn chân của Tâm Đăng thò ra nhanh như chớp.
Giữa cơn nguy biến, Trường Sơn vung một tay ra chộp một đường thần tốc vào gót chân của Tâm Đăng, và chí một chút tiếp sức đó, Trường Sơn đã kịp thời sử một thế Mãnh Hổ Qui Sơn đảo ngược lên mé.
Khá khen cho Tâm Đăng, chàng nghe Trường Sơn bị sức mạnh của thác nước đẩy ra một lần nữa, trong một giây phút ngắn ngủi đó chàng đã đánh cắp được thế võ của Trường Sơn, cũng dùng một thế Mãnh Hổ Qui Sơn, Tâm Đăng nhảy vù theo sát gót.
Vưa thoát lên triền núi, thò bàn tay ra đè lấy vai của Trường Sơn, Tâm Đăng xuống một cái Thiên Cân Tấn, và hai người đứng vững như trời trồng giữa cơn màn nước bay lấm tấm.
Tâm Đăng bảo nhỏ vào tai của Trường Sơn :
– Mau dùng Thiên Cân Tấn để xuyên qua màn nước.
Thế rồi hai người xiết chặt tay nhau, cứ mỗi một bước đi là xuống một cái Thiên Cân Tấn, nhờ vậy mà xuyên qua thác nước một cách yên lành, bằng không thì chắc đã bị sức nước đẩy trôi một lần nữa…
Qua khỏi màn nước, hai người lần bước vào trong cửa động tối om om.
Vừa quanh qua mọt con đường cong, Trường Sơn reo lên một tiếng vui mừng trông về phía trước, Tâm Đăng thấy giữa vùng tối đen thăm thẳm bỗng nổi lên một vùng sáng xanh rờn…
Trường Sơn kêu lên :
– Quả thật là lệnh phù của sư phụ…
Nói đoạn nắm tay áo của Tâm Đăng lôi nhanh về phía trước, Tâm Đăng vận nhãn quang lên nhìn thấy trên một cái bệ đá có để một chiếc hộp.
Trong chiếc hộp đó đặt một viên ngọc sáng ngời, trong bóng tối nó tỏa ra một thứ ánh sáng dìu dịu, rõ ràng là một viên ngọc giá trị liên thành.
Trường Sơn mừng rỡ thò tay ra chộp lấy viên ngọc quý, Tâm Đăng ngăn lại :
– Coi chừng có độc!
Nhưng nào ngăn kịp Trường Sơn, anh ta đã cầm viên ngọc trên tay mà ngắm nghía, rõ ràng trên ấy có khắc hai chứ triện vô cùng đẹp đẽ “Khúc Tinh”.
Trường Sơn nước mắt ràn rụa nói rằng :
– Đây quả thật là lệnh phù của sư phụ.
Tâm Đăng mừng rỡ nói :
– Mừng sư huynh đã thành…
Chữ “công” chưa kịp thốt ra khỏi cửa miệng thì Tần Trường Sơn bỗng nhiên gập người lại, rú lên một tiếng, đôi mắt trợn trừng, sùi bọt mép.
Tâm Đăng vỗ trán kêu trời, dang hai tay ra ôm lấy Tần Trường Sơn, hắn trợn trừng cặp mắt, hổn hển nói :
– Quả thật có độc…
Nói rồi ngất đi, Tâm Đăng điểm một loạt vào năm đại huyệt của anh ta ngõ hầu ngăn chặn sự công phạt của nọc độc.
Đoạn chàng xé một vạt áo ra lót tay, đoạn gỡ viên ngọc trong tay của Trường Sơn gói kỹ mà bỏ vào trong lòng.
Lúc bấy giờ Trường Sơn đã hôn mê bất tỉnh, gác cái xác không hồn của hắn trên vai, Tâm Đăng lui gót trở ra, khó khăn lắm chàng mới đưa được Trường Sơn ra khỏi màn nước.
Đứng giữa cái khoảng cách đáng sợ trước mặt, Tâm Đăng suy tính thật kỹ rồi thình lình ném vù Trường Sơn ra giữa vực…
Thân hình của Trường Sơn vừa toát khỏi tay của Tâm Đăng thì chàng cũng nhún chân nhảy tốc theo…
Ra đến giữa vực thì hai người vữa mãn trớn, nạt lên một tiếng Tâm Đăng vỗ mạnh vào lưng của Trường Sơn một chưởng, dùng sức mạnh của mình mà đưa anh ta vào bờ…
Trong lúc đó thì chàng cũng khôn khéo mượn sức đàn hồi của luồng chưởng phong để sử một thế Mãnh Hổ Qui Sơn như ban nãy mà yên lành bay vèo vào mé…
Qua đến bên kia, Tâm Đăng thấy Tần Trường Sơn đang nằm sóng soài trên mặt cát, chàng cúi xuống ôm xốc Trường Sơn dậy, chàng bàng hoàng ngơ ngác vì chàng sực nhớ ra mình không biết phải theo ngõ nào để trở lại Nhất Tâm lâu.
Chàng thò tay vào túi của Trường Sơn, may sao bắt gặp một miếng gỗ, trong đó có vẽ đường đi nước bước mà Trác Đặc Ba đã chỉ cho Tần Trường Sơn.
Do theo con đường ghi trên miếng gỗ, Tâm Đăng đi ngược trở về, may sao xuyên qua nhiều đoạn đường chằng chịt, đến khi trời vừa rựng sáng thì Tâm Đăng về đến nơi.
Chúng anh hùng thảy đều đổ xô ra hỏi đầu đuôi câu chuyện và lo chạy chữa thuốc men cho Tần Trường Sơn.
Phần Tâm Đăng thì lo ngơi nghỉ để chuẩn bị cho một hành trình khác nhiều cam go và trắc trở hơn, chàng nhất quyết sẽ tìm cho ra món lệnh phù của Vạn Giao trong vòng một hai hôm.