Cô Gái Và Hoa Cẩm Chướng

Chương 5



Vào thứ Bảy, ngày cuối cùng của tháng Mười Một, Nancy đi Manchester với đoàn diễn viên của vở Moonlight in Arcady, và Madden tháp tùng với đoàn như đã định sẵn. Vở kịch sẽ được trình diễn vào ngày thứ Hai sau đó tại Nhà Hát Hoàng Gia, và vì bất cứ vở kịch nào của Chesham cũng lên báo trang nhất, họ có một buổi tiễn biệt long trọng tại St. Pancras. Nancy ở trong trạng thái vui vẻ nhất. Nàng có đầy lẵng tay những hoa là hoa, lại đứng ở vị trí chính giữa trong hai kiểu chụp nhóm, và một tấm khác với chính David Chesham. Katharine, lường trước được sự phô trương với công chúng của Nancy, đã dàn xếp với các đại lý về việc này.

Về phần Madden, nàng phải công nhận rằng, chàng rất chững chạc, giữ khoảng cách vừa phải, và chú trọng tới Nancy với phong cách kín đáo thực thụ chỉ có ở chàng. Katharine chỉ có thì giờ nói vài lời với chàng trước khi đoàn tàu chuyển bánh, chỉ là lời nhắc nhở tượng trưng là chàng chăm sóc Nancy chu đáo, rồi nàng trở về nhà với cảm giác mến chàng hơn bao giờ.

Sáng thứ Ba, nàng lật báo một cách háo hức. Như đã dự đoán, không có tin tức gì nhiều ở các báo London, mặc dù nhiều đoạn có nhắc đến vở kịch mới. Chỉ có tờ nhật báo Manchester có một cột dài, nhưng chỉ nói chung chung với vẻ tán dương ca ngợi khách sáo. Với nhịp đập kiêu hãnh Katharine lướt qua một thông cáo tán tụng tài trình diễn của Nancy. Chính Katharine đã xem Nancy trình diễn trong hết các vở kịch từ trước đến giờ nên không nghi ngờ gì về tài năng của nàng. Nàng thật sự tài hoa. Theo như sự phác hoạ của người phụ nữ trẻ hiện đại mà nàng là một, rằng nàng có thể trình diễn mà không cần phải có sự tận lực sáng tạo, sự mệt nhọc và tuổi trẻ không biết mệt cho các cảnh đương thời, bao gồm luôn độ chính xác và mỉa mai để trở thành không chỉ là một chân dung tượng hình mà còn là một nét trào phúng.

Với tất cả những niềm kiêu hãnh và sự thích thú đích thực cho sự tiến bộ không ngừng của Nancy trên sàn diễn, Katharine vẫn có một thái độ mang vẻ gia ân cho nàng. Nàng không thật sự xem nó quan trọng khi Nancy, với sự xúc cảm mãnh liệt thật lòng, bảo rằng nàng sẽ cống hiến sự nghiệp và cuộc đời vào kịch nghệ. Kịch nghệ, Katharine cười thầm, chỉ là một cái gì đó to lớn nhưng không chắc chắn, trong khi Nancy lại mỏng manh và xinh đẹp, ở vị trí sẵn sàng hiến dâng cho hạnh phúc, rằng sự tương quan giữa hai điều đó đều phi lý. Hơn nữa, điều này không ngăn cản Katharine vui với thành công hiện tại của Nancy. Nàng hy vọng vở kịch này sẽ được trình chiếu dài dài cho đến khi tới khu West End này. Ít ra, nàng ngẫm nghĩ, tình huống Madden có lẽ sẽ có thời gian để tự giải quyết phần nào.

Trong hai ngày kế tiếp, Katharine bận rộn với sự chuẩn bị cho chuyến đi, nàng bù đầu với nhiều công việc quan trọng khác hơn là chú tâm vào vở kịch. Nhưng vào thứ Sáu, nàng chợt có một sự nhắc nhở không ngờ nổi. Khoảng trưa trưa điện thoại chợt reo vang, giọng của Madden đập vào tai nàng.

“Ông vẫn còn ở miền bắc chứ?” nàng hỏi gặng chàng khi sự ngạc nhiên đột ngột lúc đầu lắng xuống.

“Không,” chàng trả lời. “Tôi đang ở trong một khách sạn tại đây. Tôi phải trở lại London ngày hôm qua. Công việc khẩn cấp. Thật là khó khăn khi dứt ra, nhưng tôi phải trở về.”

“Vở kịch như thế nào rồi?”

“Ồ, rất hay, tuyệt vời,” chàng đáp, có lẽ hơi quá nhanh. “Nancy thật là xuất sắc. Tôi muốn kể cho cô nghe tất cả. Thế nào, Cô Lorimer, cô đi ăn trưa với tôi chứ?”

Katharine suy nghĩ. Nàng không có các cuộc họp nào. Nhưng nàng lại không muốn chịu ơn Madden. Nàng nói:

“Không. Ông đi ăn trưa với tôi.”

“Được thôi.” Chàng nhận lời không ngần ngại. “Cô đón tôi ở đây. Chúng ta chỉ đi tới chỗ nào có vẻ yên tĩnh. Tôi đề nghị chúng ta tới một trong những quán ăn rẻ tiền trên phố Fleet Street mà tôi được nghe nhắc đến nhiều lần.”

Khoảng một tiếng sau, Katharine tán thành với lời yêu cầu của chàng, ngồi đối diện với Madden trong một ngăn chỗ nhỏ của Cheshire Cheese, bị bao bọc bởi những tiếng lăng xăng niềm nở đón chào khách và lắng nghe chàng kể chuyện về chuyến đi tới miền bắc. Chàng nói rất ấm cúng. Ngày mở màn khai diễn thành công tốt đẹp, họ trình diễn cho những nhà khá giả, và Nancy đặc biệt tuyệt vời.

Còn Katharine, lắng nghe không một lời phê bình, đôi mắt nàng dán chặt trên khuôn mặt ngăm ngăm đen cứ lắc lư, đọc được sự do dự của chàng giữa những lời nói và sự phủ nhận con người mình thật sự ra sao.

“Họ đang thắt chặt một vài cảnh lại,” chàng kết luận. “Và thay đổi đoạn cuối của màn hai. Cần phải củng cố nhiều khi trình diễn ở đây.”

“Ông không nghĩ tốt cho nó lắm,” Katharine đáp thẳng thừng.

“À, không,” chàng công nhận một cách thật thà. “Vở kịch đó chẳng xứng với Nancy chút nào!”

Mặc dù chàng không biết nhiều và Katharine không ra dấu hiệu gì hết, nhưng đó là câu trả lời trung thực mà chàng có thể nói ra. Cách nói chuyện một cách ngay thẳng đơn giản như thế, nó đâm thẳng vào tim Katharine và đập tan đi thành kiến cuối cùng của nàng dành cho chàng. Nàng quyết định ngay giây phút đó nàng có thể mến Madden và có thể chấp nhận chàng không điều kiện.

“Anh yêu Nancy nhiều lắm, có phải không?” nàng hỏi.

“Tôi thật sự yêu nàng, Cô Lorimer,” chàng trả lời một cách vững tin. “Đó là tại sao tôi muốn nói chuyện với cô hôm nay.”

Có một sự ngưng đọng, rồi nàng nói, bẻ vụn mẩu bánh mì thành những mảnh vụn nhỏ xíu: “Tôi dám nói rằng anh thấy tôi rất là khó chịu, tôi có thể nói luôn là hay nghi ngờ. Nhưng không sao, tôi rất thương Nancy – thương nàng vô vàn. Nàng là tất cả mọi thứ trên thế gian này đối với tôi.” Nàng ngẩng mặt lên rất nhanh, gần như có vẻ biện hộ, một màu tái nhạt trên má của nàng. “Xin lỗi vì tôi quá xúc động và cổ hủ, nhưng tôi chỉ muốn giải thích thái độ của tôi. Tôi rất muốn Nancy được hạnh phúc, và mặc kệ những lời nhạo báng giễu cợt khó chịu thời nay tôi biết chỉ có một điều làm nàng hạnh phúc là lấy được một người chồng đúng nghĩa, một người thương yêu nàng, một người sẽ đưa nàng xa rời cái sự nghiệp sân khấu vớ vẩn này và cho nàng một mái nhà ấm cúng và – ôi trời, ôi trời,” nàng đột nhiên ngừng lại một cách tự giác, “tôi lại lảm nhảm rồi. Tôi không thể dừng được. Có lỗi thời hay không, đó chính là những gì tôi cảm nhận cho Nancy.”

“Tin tôi đi,” chàng đáp lại rất chân thành, “đó cũng chính là những lời tôi muốn nói với cô. Vâng, tôi rất vui mừng khi biết cô có những tình cảm như vậy, vì đó cũng chính là những tình cảm tôi có. Nancy là một cô diễn viên nhí tuyệt vời, nhưng – à, tôi thật là không thích nàng lãng phí thời gian với những vở kịch ngớ ngẩn như vậy và làm những trò phô trương như cái lần ở đài B.B.C. Nếu tôi nghĩ không lầm, chỉ có tốn thời gian thôi chứ chẳng ích gì. Ồ, tôi biết nàng rất muốn đóng các vở của Shakespear. Chẳng phải đó là điều các cô diễn viên trẻ đều muốn ư? Nói cho cùng, khi nàng lấy tôi, mặc dù tôi biết tôi chẳng phải là một Romeo, tôi thà nàng là một Juliet của tôi.”

Nàng mỉm cười, tới phiên nàng nói câu tóm tắt mà nàng cố gắng diễn đạt. “Thế là chúng ta hiểu nhau rồi. Chúng ta là bạn nhé. Và anh cứ việc tính tới với Nancy.”

“Thật là một nhẹ nhõm cho tôi, Cô Lorimer. Và trong lúc chúng ta thảo luận như thế này, nếu cô không phản đối, tôi nghĩ tôi có thể gọi cô là Katharine.”

“Anh cứ tự nhiên tuỳ ý. Miễn là đừng có đổ thừa tôi là bà đứng tuổi đi kèm trông nom các cô gái trẻ.”

“Nếu cô là một bà như thế,” chàng kéo dài giọng, “tôi nghĩ cô là một người tử tế nhất mà tôi từng gặp.”

Cả hai đều cười, và sự căng thẳng nảy sinh vô tình trong những ngày vừa qua được giải toả. Một sự im lặng tiếp nối. Madden, chợt nhận ra vấn đề khó khăn đã được nói ra vừa đủ, không có ý gì để nói tiếp. Thay vào đó, chàng nhìn quanh căn phòng cũ kỹ, trên những bức tường thời gian làm nhạt màu có treo những di tích của quá khứ xa xưa.

“Tôi lúc nào cũng muốn tới đây,” chàng nhận xét. “Tôi cho rằng có hơi tầm thường và Mỹ hoá với cô. Nhưng đó là sự thật. Nó luôn tạo cho tôi những ấn tượng mạnh rằng tôi đã ăn trưa tại Cheshire Cheese.”

“Thức ăn ngon mà,” nàng đồng ý.

Chàng mỉm cười. “Ồ, cô biết không phải cái đó mà, Cô Lorimer – à, xin lỗi, ý tôi là Katharine. Dĩ nhiên là cái bánh nướng này ngon tuyệt; nhưng tôi đang nghĩ tới Dr. Johnson và Boswell và Goldsmith. Bằng cách nào họ đến đây và nói chuyện và viết lách và uống bia dưới những mái nhà kiến trúc cũ kỹ như thế này. Và không có gì thay đổi hết. Những anh hầu bàn vẫn chạy lăng xăng chung quanh trong cái tạp dề và nói oang oang qua cái cửa sập như thể có những chuyến xe ngựa chở khách đến. Ồ, tôi dám chắc rằng những thứ nguyên thuỷ như thế – ngây thơ trong trắng, tôi nghĩ cô gọi như thế – nhưng tôi lại yêu thích những thứ cũ kỹ, và tôi chắc tôi sẽ chẳng bao giờ có đủ chúng.”

Sự hứng thú của chàng thật dễ lan truyền. Nàng nói:

“Có rất nhiều thứ để ngắm ở London nếu anh có nhã ý.”

Chàng gật đầu và nhón lấy một nhánh cần tây từ dĩa pha-lê cổ đặt trên tấm khăn trải bàn ca-rô. “Vâng, tôi biết. Tôi quá bận với Nancy nên không có mấy cơ hội. Tôi không nghĩ nàng sẽ tháp tùng theo tôi đi tới các viện bảo tàng.” Chàng mỉm cười lần nữa, và trở nên nghiêm trang. “Nhưng tôi nghĩ tôi sẽ đi lòng vòng trưa nay. Có rất nhiều thứ tôi muốn xem ngay tại thành phố nếu tôi có thể tìm ra.”

Chàng quá là thật lòng với ý định của mình khiến cho tim Katharine cảm chàng thêm. Nàng tự nhủ rằng chàng có thể sẽ không quen biết một ai tại London này ngoài nàng, và nàng thoáng tưởng tượng ra cảnh chàng phải hỏi thăm chỉ đường từ những viên cảnh sát và bị lạc còn hơn là nằm dài một cách chán nản thất vọng trong phòng pha lẫn ảm đảm của khách sạn Inns of Court. Nàng kêu lên trong cơn bốc đồng:

“Giả sử tôi có thể dẫn anh đi đâu đó. Tôi phải biết nhiều thứ ở đây hơn các người khác.”

Mặt chàng sáng lên với một vẻ thật là quyến rũ. “Ồ, thật thế ư? Nhưng cô có thể chán. Và cô còn có nhiều việc để làm.”

“Tôi nghĩ là tôi có thể sắp xếp thời gian.” Môi nàng chụm lại thành một nụ cười. “Có thể nó không làm tôi chán đến nỗi như anh tưởng đâu.”

Đúng hai giờ rưỡi khi họ bước ra khỏi phố Fleet Street, và dưới vòm St. Paul dựng sừng sững hiên ngang trên cao ngay trên đầu họ, cả hai bước tới khu phố Strand. Katharine chưa tới khu này của thành phố cả mấy năm nay, và nó gây cho nàng, như nàng nửa đoán trước trong lời trò chuyện với Madden, một cảm giác xúc động lâng lâng khi bước trên những vỉa hè đã từng biết đến những bước chân chạy nhảy của nàng lúc còn thơ ấu. Khi họ đi ngang qua khu Law Courts, nàng nhận ra nét quen thuộc của một di tích – St. Clemen Danes, ga tàu điện ngầm của nàng, quán trà mà nàng hay ăn trưa, thường là với ổ bánh mì nhỏ kẹp xúc xích và tách cacao – cả một sự hình dung dần dần về quãng thời thơ ấu quay trở ngược lại gây cho nàng một nỗi nhớ nhà nhanh chóng và sâu sắc. Thật là chẳng bao nhiêu, mặc cho sự việc diễn tiến và sự ngưng trệ của xe cộ làm trở ngại vướng víu trên đường phố, những thay đổi đã qua thật chẳng có bao nhiêu.

Tránh những cảnh đã biết rõ, nàng chỉ cho Madden vùng ngoại vi của khu Inns of Court, căn nhà chòi mà Ben Johnson đã từng làm việc, ngôi thánh đường nhỏ mà tiếng chuông giới nghiêm vẫn còn vang lên mỗi tối. Rồi họ đi thăm luôn cả nhà thờ thánh St. Mary-le-Strand, nơi mà mỗi giờ ăn trưa, nàng hay lang thang tới đó.

Madden, như chàng đã diễn tả, chàng mê tít ngôi nhà thờ này. Nhưng Katharine không dừng lại lâu. Trí óc và bước chân của nàng dường như ngoặc đi không tự nguyện về phía cuối của khu Holborn, và cuối cùng với nỗi thắt nhỏ nhoi trong tim, nàng dẫn đường vào khu Staple Inn Courtyard. Nếu trong một khắc trước, họ bị vây quanh bởi sự hỗn loạn của đường phố loảng xoảng, thì khắc kế tiếp họ lại ở ngay vùng nước đọng yên tĩnh, phía trước là mặt tiền cổ kính của nhà trọ, được làm dịu đi bằng những tiếng kêu ríu rít liên hồi của đàn chim én đậu trên cành cây đu phía trên đầu họ. Xa khỏi tiếng thì thầm của giao thông là sự yên lặng thật tuyệt đối, một cử động duy nhất chỉ là tiếng mổ ngái ngủ của vài con bồ câu trên mặt đường rải sỏi cuội.

“Thật là tuyệt diệu,” Madden nói chậm rãi khi họ ngồi xuống cái ghế dài. “Ngay giữa trung tâm điểm của London. Tôi đã đọc về nó ở đâu đây – đúng thế, nó ở trong Edwin Drood, có phải không? Đúng vậy, thật tuyệt vời. Thật là một nơi để mà mơ tưởng!”

“Tôi cũng thường hay nghĩ như vậy,” Katharine đáp.

Chàng ngó nàng thật sắc, sửng sốt vì cái vẻ kỳ lạ của giọng nàng. Trong một phút, chàng im lặng, rồi với giọng ít thân mật hơn bình thường chàng nói:

“Tôi có để ý – không cưỡng được, tôi cho rằng – tất cả những cảnh vật quanh đây có một ý nghĩa gì đối với cô. Tại sao cô không kể cho tôi nghe?”

“Không có gì để kể thật mà.” Nàng cười gượng gạo. “Khi tôi khoảng mười bảy hay mười tám, tôi làm chỗ gần đây. Tôi thường hay đến đây và ngồi tại chỗ này, những lúc nghỉ giải lao. Anh thấy đó, chỉ là những uỷ mị tình cảm nhảm nhí. Tại sao tôi lại trừng phạt anh với những điều đó được?”

“Bởi vì tôi muốn cô nói,” chàng nằn nì. “Tôi quan tâm muốn biết cô bắt đầu ra đời như thế nào. Tôi nghĩ là tôi hiểu cô. Tôi cũng có những giai đoạn gian lao khi mới bước vào đời.”

Nàng không thể hiểu nổi những yếu điểm của nàng, nàng có sự bằng lòng ngầm như bị thúc đẩy bởi một người lạ gợi ý đến cảnh vật, hầu như là nàng tự tái tạo lại cho riêng mình, cũng gần như là cho chàng, những hình ảnh đa cảm của thời con gái. Phía trên, bầu trời ửng ánh ấm áp yên tịnh. Một buổi trưa êm dịu kỳ lạ. Ngay dưới chân họ, những chú bồ câu mổ và bước đi khệnh khạng. Âm thanh trầm bổng của thành thị vọng lại như tiếng sóng nhào từ bãi biễn xa xa.

Thoạt đầu, những lời nói của nàng có vẻ ngập ngừng, nhưng với vẻ thông cảm khi chàng lắng nghe làm chúng trở nên có hình hài và màu sắc. Nàng bắt đầu là một thư ký đánh máy với các hãng Twiss và Wardrop. Tình hình ở nhà thì túng quẫn, cái nghèo đói cứ chực chờ đâu đó dưới cái lớp mỏng bề ngoài của vùng ngoại ô sang trọng, và cha nàng, người bao gồm những tính hời hợt của một người môi giới nhà cửa không thành công và với tính sôi nổi của một người thuyết giáo, đã tìm cho nàng chỗ làm này. Một người đàn ông cứng rắn, cay đắng với nét nghiêm nghị chai đá và nụ cười lạnh lẽo, ông chỉ có tí xíu cảm thông với nàng và không hy vọng, chính xác là tỏ vẻ khinh thường nàng sẽ chẳng làm nên trò trống gì. Twiss, một người thuộc hội giáo đoàn, nhận nàng vào làm như là một “ơn huệ”.

Cũng chính sự việc này, có lẽ vậy, làm nàng quyết định nỗ lực và tôi luyện tính nhạy cảm thời trẻ trung chống chọi với đời. Nàng không ngần ngại tỏ ọi người ở nhà biết – cha nàng, tất cả mọi người. Một tham vọng từ từ nảy mầm. Ngày ngày nàng đi làm trong vội vã, mặc độc nhất đôi bít tất dài bằng vải bông đen và chiếc váy chật trội, ăn uống thiếu thốn nhưng háo hức và tỉnh táo. Nhịp đập lôi cuốn của London cổ kính là mối kích động không ngừng tới nàng. Nàng ngắm nhìn với đôi mắt xoe tròn trong sự biểu lộ của giàu có và sang trọng; về nhà trễ từ văn phòng tồi tàn, nàng hay đứng bên ngoài khu Covent Garden dưới mưa để ngắm nhìn những nhân vật có địa vị cao sang vai vế lên xuống. Và trong khi đó nàng lại cặm cụi đánh máy, đánh tốc ký, giữ sổ sách kế toán. Nàng chiếm được cảm tình tốt từ ngài Twiss và ngay cả từ ngài Wardrop. Nàng được tăng lương một, hai lần cho đến khi nàng kiếm được một khoản tiền kha khá là hai bảng Anh và năm hào một tuần. Cha nàng biết tin với vẻ hoài nghi khinh miệt.

Và rồi, bốn năm sau, khi nàng chỉ mới hai mươi hai, cơ hội đến. Già Eugene Hart, với nghề kinh doông đồ cổ ở gần đường Oxford, một ngày nào đó chợt chặn nàng lại trong cửa hàng của ông để hỏi xem nàng có muốn là thư ký riêng của ông với tiền lương là hai trăm bảng Anh một năm. Già Eugene là một người Do Thái, ngăm ngăm đen, nhân từ và nổi tiếng khôn ngoan, thường hay đến thiết lập mối làm ăn với Twiss và Wardrop cho những chuyến giao dịch liên quan đến sự tu bổ và thỉnh thoảng – đây chỉ là lời thì thầm – một sự chế tạo hoàn toàn món đồ cổ nào đó. Ông hay chú ý đến Katharine và tiềm năng của nàng từ khoé mắt bí hiểm và siêu phàm, với bản năng chính xác nơi nòi giống của ông.

Quả là một cái xoắn mạnh cho nàng nếu rời cửa hàng ở Holborn trong khi lời mời mọc của Hart như con đường đề bạt mở rộng có vẻ cám dỗ và dứt khoát. Bởi vì bổn phận của nàng không bắt buộc nàng ngồi bàn giấy suốt ngày, nàng bắt đầu học “thương mại”, nhận biết những đồ gỗ cũ kỹ, thời điểm và tiêu chuẩn của chúng, chỉ bằng cái liếc nhìn nước bóng trên mặt đồ gỗ cổ cũng nhận ra số tuổi thực sự. Nàng tham dự các cuộc buôn bán mọi nơi với Hart, từ Vernon ở khu West End tới những nhà thôn dã tuyệt mỹ ở miền Bắc. Chẳng mấy chốc, với năng khiếu hiển nhiên của nàng và tình trạng sức khoẻ của ông xuống dốc, ông Hart cho phép nàng đi một mình.

Mua đồ cho Hart không chỉ là trách nhiệm mà cũng là dấu chứng thực rõ ràng tài năng của nàng – nàng sẽ không bao giờ quên được lần đầu tiên đấu giá hồi hộp giữa nhiều góc độ trong nghề, nó dường như trưng bày nhiều khuôn mặt lạnh cứng không cảm tình của các tay buôn bán! Nàng trở nên, nếu không nói là quan trọng, chí không ít là hình tượng thích thú trong thế giới đồ cổ. Nàng dành dụm tiền, vì Hart đã tăng thêm tiền hoa hồng vào tiền lương hằng năm của nàng, và đặc biệt với những cuộc mua bán lớn, tiền để dành cũng tăng lên một khoản đáng kể hàng tháng. Nhưng hơn tất cả mọi thứ, nàng yêu nghề của mình tột bực, cái lộng lẫy hào nhoáng, cái khả năng và tầm xa kiến thức trong nghề.

Eugene Hart qua đời ba năm sau đó. Katharine với tư cách là người bạn tuyệt vời của ông, trở nên lẻ loi phiền muộn. Khi các cổ phần bị bán đi bởi lệnh của người thực thi di chúc và việc kinh doanh bị đóng cửa, nàng cảm thấy sự nghiệp của mình sụp đổ. Cũng tại thời điểm này, khi nàng ở trạng thái yếu thế nhất, bỗng dưng có thêm xáo trộn trong giới mua bán mày râu. Nàng làm quen với một người cố vấn pháp luật trẻ tuổi tên Cooper, người đang thăng tiến vững chắc trong nghề nghiệp của mình. George Cooper là một chàng trai trẻ trung thực, cần cù chịu khó và dễ mến. Lớn lên trong sự giáo dục và có truyền thống, anh cũng giống như nàng, thuộc dòng trung lưu đáng kính, một tầng lớp xã hội mà anh được sinh ra và với tính vững chãi trong nghề nghiệp, không nghi ngờ là anh sẽ còn tồn tại dai dẳng. Họ hẹn hò với nhau có vẻ kín đáo, Katharine và anh, và nàng thích anh rất nhiều. Về phần anh, anh yêu nàng say đắm. Và đến lúc anh ngỏ lời cầu hôn nàng.

Sự cám dỗ đối với Katharine thật quá sức tưởng tượng. Hai mươi lăm tuổi đời, với dòng máu chảy lành mạnh trong huyết quản, trong khoảnh khắc, ít nhất là với sự ngừng trệ trong sự nghiệp của nàng, tình hình không vui vẻ ở nhà vì có người cha già nua thường xuyên cằn nhằn nàng là vô giá trị, làm cho cuộc sống của nàng không thể chịu đựng nổi. Thật là hạnh phúc biết bao nếu nàng có nhà riêng, sống vui sướng với chồng, với con! Một sự nhạy cảm lan nhanh trong đầu nàng. Thật là khó khăn và cô đơn trên con đường kia và chưa chắc gì đã thành công!

Quả là một quyết định khủng khiếp cho nàng. Và George, không ngừng nhắc đi nhắc lại rằng anh cần câu trả lời của nàng. Rồi ngày đó cũng đến, một ngày mùa đông như thế này, khi nàng phải có lựa chọn dứt khoát, dường như định mệnh đã chia sẵn giữa nghề nghiệp và cuộc sống gia đình. Bối rối và buồn bực, nàng mang theo nỗi muộn phiền tới ngồi tại cái sân này và ngồi xuống tấm ghế băng dưới tàn cây, vật lộn với những mối ưu tư. Khi nàng đứng dậy, trời đã tối, nhưng nàng đã có quyết định. Sự nghiệp của nàng phải có trước. Mãi mãi, mãi mãi sẽ là sự nghiệp của nàng. Đêm hôm đó nàng viết lời từ hôn cho George Cooper và cũng chính giờ khắc đó nàng viết đơn xin làm phụ tá biên tập cho tờ Collector, một tờ tạp chí tháng chuyên về đồ gỗ, đồ trang trí nhà cửa và đồ mỹ thuật.

Một tuần sau, nàng có chân trong ban biên tập của tờ Collector và một năm sau trở thành tổng biên tập. Sau đó nàng tiến nhông từng bước vào khoảng trống là Antika Ltd., nữ chủ nhân của chính công ty mình. Nàng tiến cao, ãi. Nàng kết bạn cả với những người có thế lực, trở thành gần như một hình tượng ở London và New York. Và dĩ nhiên nàng cũng gặp nhiều khó khăn, ai mà chẳng thế? Nàng kiếm được rất nhiều tiền. Và nàng tiêu xài cũng nhiều. Nàng có thể giúp đỡ mẹ nàng và Nancy. Nàng đã, nếu từ đó có ý nghĩa gì đó, thành công như ý.

Có một sự im lặng dài sau khi nàng xong câu chuyện. Rồi không nhìn về phía nàng, Madden tự động cầm lấy tay nàng, xiết thật chặt, rồi thả ra.

“Tôi rất mừng, và hân hạnh là cô đã kể cho tôi nghe, Katharine. Nhưng tôi nghĩ tôi tội nghiệp ột anh chàng trong câu chuyện.”

“Ai?” nàng gặng hỏi.

“George Cooper,” chàng đáp chậm rãi. “Nếu tôi đoán không lầm thì anh ta biết những thứ anh ta mất mát.”

Nàng mỉm cười dịu dàng nhưng u buồn. “Anh ta chẳng mất mát gì cả. Ngoài ra, anh ta đã có gia đình, tôi nghĩ vậy, và tuyệt đối hạnh phúc theo kiểu anh ta.”

Có lẽ chàng phân biệt được vẻ buồn bã trên khuôn mặt nàng, nỗi u sầu nhè nhẹ mà bất cứ kỷ niệm nào cũng mang tới, rồi với một cái liếc nhanh vào đồng hồ, chàng bật dậy một cách nhanh nhẹn.

“Đã quá giờ uống trà rồi. Và cô cũng đã lạnh lắm khi ngồi mãi ở đây. Bây giờ cô đi tới tiệm bánh nhỏ mà cô hay tới và cô phải uống ba tách trà nóng nữa.”

Dường như bây giờ đến phiên chàng ra lệnh trong cuộc đi chơi này, vì chàng đã dẫn nàng vượt qua dòng xe cộ tới quán A.B.C. nàng đã quá quen thuộc. Bên trong thật ấm áp và sáng sủa, một cái ấm lớn mạ kim loại trên quầy hàng kêu réo và bốc khói, dãy tường dài bọc kính phản chiếu sự lăng xăng đi lại của các cô hầu bàn và từng nhóm nhỏ ngồi ăn uống, cười đùa, trò chuyện xung quanh các dãy bàn tròn khảm vân cẩm thạch. Ai cũng có tách trà đầy và bánh mì rán tẩm bơ.

“Cái này,” Katharine nói, “thật là ngon.” Vẫn nhai chóp chép, nàng ngó hình mình trong gương và vén một cọng tóc vào trong vành nón, như thường lệ vẫn đội lệch về phía sau. “Trời ạ, tôi trông khủng khiếp làm sao!” Môi nàng cong lên. “Tôi xứng đáng với nó lắm. Cũng như bất cứ người đàn bà nào kể lại chuyện đời mình.”

“Tôi yêu cầu cô mà, phải không. Một ngày nào đó tôi cũng sẽ kể chuyện của tôi.”

Nụ cười của nàng dãn ra. “Đừng có nói với tôi rằng anh bán báo trên đường phố Cleveland.”

Chàng cười nham nhở. “Chắc hẳn rồi! Nhưng chỉ là đậu phộng thay cho báo.”

“Và anh đi chân trần?”

“Bất cứ lúc nào!” Chàng vừa vặn ăn xong miếng bánh mì nướng cuối cùng một cách kiểu cọ. “Bây giờ chỉ có một điều làm tôi lo lắng là tôi chỉ còn lại một mình vào suốt chiều tối. Cô không biết là tôi lạc lõng như thế nào nếu thiếu vắng Nancy. Tôi nghĩ tôi sẽ đếm từng giây từng phút cho đến khi nàng trở về vào ngày Chủ Nhật.” Chàng ngừng lại. “Cô có khi nào – có khi nào tiếp tục thương xót tôi mà đi xem một buổi diễn với tôi chăng?” Nhanh chóng chàng rút ra một tờ báo buổi chiều mà chàng đã mua bên ngoài và lấy ngón tay chạy dọc qua các tin. “Có một vài tuồng có thể xem được nếu chỉ ngó ở đây.”

“Anh chẳng thể nào biết được nếu chỉ ngó ở đây,” Katharine nói.

Nàng cảm thấy toàn bộ sự chịu ơn chàng, ít nhất là trong ngày, đã ngừng lại. Nàng không quan tâm lắm vào đi coi ca kịch, mặc dù nàng cũng theo ngón tay chàng rà theo chương trình cho tới khi thấy Nhà hát kịch Savoy, theo sự quan sát thú vị lúc ban đầu, là nơi hồi sinh cho Gilbert và Sullivan. Vở ca kịch tối nay là vở Iolanthe.

“Iolanthe!” nàng kêu lên gần như là không tự chủ.

Chàng nhướng đồi mắt. “Cô thích nó hả?”

Nàng hơi đỏ mặt, và sau một hồi giải thích. “Bây giờ tôi lại trở nên ngây ngô. Nhưng tôi thích Gilbert và Sullivan. Có lẽ hơn thế nữa là tôi muốn đi, tôi ít khi nào đi lắm. Tôi thường hay ngồi trong cái quán này, ngồi tưởng tượng và thả hồn theo vào chỗ ngồi hay phòng trưng bày cho Pinafore hay The Mikado hay Iolanthe. Nhưng hoặc là lớp học đêm hay ngày làm việc trễ tới khuya, tôi chẳng thể nào đi được.”

“Vậy thì, cô sẽ đi xem tối nay,” chàng tuyên bố chắc nịch và gọi người nữ hầu bàn cho giấy tính tiền.

Họ lấy chỗ dễ dàng, ngồi hơi phía sau, nhưng cũng dễ chịu khỏi bị dị nghị vì họ không ăn mặc chỉnh tề. Dàn nhạc bắt đầu chơi rồi chuyển sang khúc mở màn. Màn nhung được kéo lên. Katharine hoàn toàn để mình chi phối vào ánh sáng dịu nhẹ.

Thật là một phần thưởng tương xứng cho nàng. Thông thường nàng cảm thấy có đặc ân khi đi xem những đêm diễn đầu tiên của những vở kịch thời sự nổi tiếng và ca nhạc hài kịch hiện đại mà nàng có ít hứng thú cho nhịp điệu nhanh chóng không ngừng. Vở này lại khác hẳn. Nó hoà với tính cách nàng. Nó có vẻ dí dỏm và du dương êm ái. Nó có lỗi thời hay không? Nàng không biết và cũng không cần biết. Ở thế mạo hiểm rằng nàng có hơi cổ hủ, nàng có can đảm để thích nó thoải mái.

Madden cũng thích vở kịch luôn. Nàng có thể thấy điều đó. Chàng không nói gì nhiều. Chàng không có nhận xét thăm dò giữa các màn. Chàng không quấy rầy nàng với những mời mọc vớ vẩn với cà phê hay cà rem trong suốt buổi diễn. Chàng ngồi nghiêm túc phần lớn với má chàng tì lên lòng bàn tay và cùi chỏ dựa trên thanh dựa của ghế ngồi, người chàng ngồi thẳng, đôi mắt thẫm màu, ánh lên nét tiêu khiển và thích thú, chăm chú nhìn lên sân khấu. Nhưng khi vở diễn kết thúc và họ bước ra khỏi thính phòng và đứng chờ gọi tắc xi, chàng tuyên bố nhanh:

“Đó là một sự thết đãi khác mà tôi phải cảm ơn cô.” Chàng nói thêm: “Nancy sẽ hài lòng lắm rằng cô quá tốt với tôi. Tôi sẽ kể cho nàng nghe giây phút nàng về tới.”

Katharine mỉm cười. “Chính anh là người đã tiêu khiển tôi chứ.”

“Ồ, không,” chàng đáp nhanh. “Tôi rất tệ ở khoản giải trí thiên hạ. Và tôi nghĩ tối nay tôi còn tệ hơn bình thường. Thật sự ra thì tôi cũng tự hỏi không biết mọi việc xảy ra như thế nào ở Manchester.”

Cả hai cùng nghĩ về Nancy khi họ trên đường về khu phố Curzon Street. Khi chiếc tắc-xi đậu lại, nàng mời chàng vào nhà và uống một ly nước trước khi trở lại khách sạn. Chàng nhận lời. Họ lấy thang máy đi lên và bước vào căn hộ. Một bức điện tín nằm ngay ngắn trên một cái khay đặt ở hành lang nhỏ xíu. Nàng giật mở ra. Viết như thế này:

VỞ KỊCH HOÀN TOÀN THẤT BẠI MỞ MÀN Ở LONDON HOÃN LẠI KHÔNG BIẾT KHI NÀO CÓ NGHĨA LÀ TẤT CẢ ĐỀU TRÔI SẠCH CÓ THỂ CON VỀ NGÀY MAI YÊU VỚI TẤT CẢ NƯỚC MẮT VÀ NGUYỀN RỦA NANCY.

Mối quan tâm lan nhanh trên mặt chàng. Chàng cắn nhẹ môi mình và đón lấy bức điện tín từ tay nàng. “Tội nghiệp cô nhỏ. Thật là xấu số,” chàng lầm bầm nói khi đọc lại từ đầu. “Tôi đâu có muốn nàng từ bỏ nó cách này!”

Gần như ngay lập tức, như thể quên mất là chàng là khách của nàng, chàng vội vã từ biệt Katharine.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.