Cô Gái Mãn Châu

Chương 33: Hai gã áo vàng



Là một lão giang hồ, tuy lỡ trớn nhưng lão Mông Bất Danh trở bộ mặt thật nhanh :

– Hoặc giả thương thế của hắn không đến nỗi lắm nên hắn còn đi nổi.

Lý Đức Uy gật gật nhè nhẹ :

– Hoặc giả…

Mông Bất Danh chộp hỏi ngay :

– Người bạn có cần lão cho biết lai lịch của đám này không ha?

Lý Đức Uy đáp :

– Nếu được thế thì còn gì hay nữa.

Mông Bất Danh nói :

– Bọn Lệ Tam Tuyệt là đám “Thập đại kiếm sĩ” của Sấm tặc Lý tự Thành.

Lý Đức Uy à thật dài :

– Như vậy thì bọn họ là thuộc hạ của Sấm Vương… thảo nào…

Mông Bất Danh nói :

– Cứ theo chúng nói thì chúng vâng mạng đến Trường An để dọ thám tình hình chớ chưa phải là hành động.

Lý Đức Uy nói :

– Chưa chớ không phải không hành động, chỉ cần vừa sức là chúng làm ngay, bất cứ chuyện gì có lợi cho chúng Tứ đại bá vương Bạch Liên giáo “Mãn Châu” và thêm bọn Lý tự Thành nữa, Trường An quả nhiên bây giờ thành chỗ phong vân tụ hội, hổ được long đằng…

Mông Bất Danh hừ hừ :

– Còn gì nữa, người bạn, bao nhiêu đó ứng phó mệt rồi, bận rộn quá rồi…

Trong lời nói có thêm lời nói, chuyện đó Lý Đức Uy sao lại chẳng biết hắn cười :

– Tôi không thể phủ nhận đó là sự thực, nhưng theo tôi nghĩ cũng chưa phải đến cái mức mà không ứng phó được đâu.

Mông Bất Danh chớp mắt :

– Ta cũng chờ xem cái số gọi là trung can tiết tháo, nghĩa sĩ nghĩa siết làm sao với cuộc diện ngoại xâm nội loạn này. Thôi, bạn lo việc của bạn đi, ta kiếm chỗ ngủ cái đã.

Nhưng rồi lão cau mày :

– Mẹ họ, tới nữa rồi, như vầy thì đêm nay kể như hết ngủ…

Lý Đức Uy nói :

– Có thể bọn kiếm sĩ của Sấm tặc đến nữa đó, Mông lão nếu sợ chuyện phiền hà thì cứ việc trở về chỗ cũ…

Hắn cười cười hất mặt lên cây sà ngang.

Mông Bất Danh nhún nhún vai :

– Chính ta cũng nghĩ như thế đó. Nơi đây chết cha nó một thằng trong khi mình có mặt nơi đây, chuyện đó không thể giải quyết được suông bằng lời nói.

Ông ta nhún chân nhảy thót lên cây sà ngang ẩn mình vào hóc tối.

Đúng là một con người không ưa vấy chuyện nếu chuyện đó không có lợi cho mình.

Giống y như lão có râu nằm dưới đất, cũng trường kiếm, cũng áo vàng. Hai tên.

Khác hơn lão nằm dưới đất là mặt hai người hung ác hơn, sát khí nhiều hơn.

Lão có râu hơn Lệ Tam Tuyệt, hai gã này hơn lão có râu, họ giống y như tuồng hát bội, đám tướng cạnh ra trước, kép chánh thủng thẳng ra sau. Thinh sắc phải hơn hẳn nhau nhiều.

Không biết Sấm Vương Lý Tự Thành còn đến mức nào.

Lý Đức Uy đứng thong dong quay lưng về hướng họ, y như hắn không hề hay biết có hai người đến mé sau lưng.

Cả hai cùng biến sắc, họ nhận tình hình rất nhanh và họ hành động cũng rất nhanh. Họ chỉ thoáng lên là đã có ngay thế gọng kềm, một người trước mặt, một người sau lưng, Lý Đức Uy đứng giữa.

Gã đứng trước mặt Lý Đức Uy cất giọng lạnh lùng :

– Người này ai giết?

Lý Đức Uy điềm đạm :

– Tôi nói không biết, khi tôi đến thì người này đã chết rồi, các ông có tin không?

Gã đứng trước nói :

– Không tin.

Lý Đức Uy nói :

– Như vậy thì khỏi nói, hai vị cứ xem và biết lấy.

Gã đứng trước trầm giọng :

– Ngươi là…

Lý Đức Uy nói ngay :

– Không phải địch thì là bạn và ngược lại. Hỏi cũng chẳng ích gì.

Một tiếng hừ lạnh ngắt phía sau, tên đứng sau giương năm ngón tay như móc câu bấu ngay lên bả vai phải của Lý Đức Uy.

Lý Đức Uy nghiêng qua bên trái, chân phải nhích ra sau, bàn tay xòe ra chặt ngay vào cổ tay của hắn.

Tên đứng sau hốt hoảng thu tay lại.

Tên đứng trước bây giờ thành bên trái, hắn gằn gằn :

– Khá, thân thủ khá nhanh, thảo nào…

Cánh tay phải hắn hất lên, ánh kiếm thoáng thoáng y như những đom đóm màu trắng xóa.

Thật xứng danh là “Thập đại kiếm sĩ” của Lý Tự Thành, hắn vung kiếm bằng cổ tay, mũi kiếm biến nhanh và thật chính xác.

Tay trái của Lý Đức Uy nhấc lên, câu quạt điểm ngay thân kiếm của gã áo vàng, đồng thời tay phải đặt vào hông, ánh thép nhoáng lên.

Tay phải hắn có thêm thanh kiếm nhỏ và hơi ngắn.

Từ trên cây sà ngang nóc miếu vụt có tiếng kêu thảng thốt :

– Ngư Trường kiếm!

Hai tên áo vàng khiếp đảm, vừa khiếp đảm vì thấy thanh Ngư Trường kiếm, vừa khiếp đảm vì có tiếng thình lình.

Tên cầm kiếm bị ngọn quạt của Lý Đức Uy điểm trúng, thân kiếm giạt ra, và khi thu tay quạt lại, trên đường thu lại đó, mũi quạt ghé ngang mặt hắn…

Tên áo váng rú lên một tiếng, từ trán hắn vụt có một lỗ sâu sâu, hắn dội khựng lại trợn tròn hai mắt và sau đó là một vòi máu vụt ra.

Thây người ngã xuống.

Tiếp theo, một tiếng thét khác, dữ dằn hơn, gã còn lại phạt ngang thanh trường kiếm, tiếng gió nghe veo véo…

Thanh Ngư Trường kiếm trong tay Lý Đức Uy nhoáng lên, không còn thấy thân kiếm nữa, chỉ thấy ánh hào quang.

Là người luyện võ, gã áo vàng rất biết Ngư Trường kiếm là thanh kiếm cổ, bất cứ món binh khí nào đụng vào đều cũng bị cắt đôi, hắn lật đật rút thanh kiếm lại.

Nhưng nếu hắn cứ để thanh kiếm bị tiện ngang thì còn đỡ, khi hắn rút về thì tay hắn chạm ngay cánh quạt bên tay trái của Lý Đức Uy.

Hắn rống len?một tiếng nhảy vọt lên và hướng ra phía cửa.

Lý Đức Uy nhảy lên sau, nhưng vẫn đến trước vì hắn nhảy ngang, tên áo vàng chưa nghiêng mình ra ngoài là đã bị chận đứng.

Thanh Ngư Trường kiếm lại loáng lên, gã áo vàng cúi rạp mình khi chân hắn vừa chấm đất, hắn cố để cho đường kiếm của đối phương lướt ngang đầu.

Thêm một lần nữa, hắn quên.

Thanh trường kiếm quả nhiên lợi hại nhưng cánh quạt càng lợi hại nhiều hơn, hắn vừa khom mình xuống là bật đứng trở lên, ngay giữa trán hắn có ngay một lỗ.

Cái lỗ trên trán chưa kịp bựt máu thì máu nơi ngực hắn phun ra trước, thanh Ngư Trường kiếm đi một cái thật ngọt, ngọt đến mức thân hắn không hề bị dội.

Thanh kiếm vừa rút ra, thân hình gã áo vàng ngã sấp, hắn không la được tiếng nào.

Lau sạch máu trên thân kiếm vào chiếc áo vàng, Lý Đức Uy chưa ngẩng lên thì đã nghe tiếng sau lưng :

– Quá, quá mức. Giết tận sát tuyệt, độc dữ!

Lý Đức Uy chầm chậm quay lại :

– Mãn Châu là giặc ngoại xâm, tội của chúng không nặng bằng bọn Hán gian bán nước. Bọn Lý tự Thành là bậc thế gia vọng tộc lại đi làm chuyện phản loạn, trong khi giặc đánh sát biên cương, tội của chúng lại cao hơn một bậc, giết như thế chưa độc bằng chúng đưa sanh linh vào đồ thán.

Mông Bất Danh nhún nhún vai :

– Người bạn thì luôn luôn có lý.

Lão nhìn chằm vào thanh “Ngư Trường kiếm” và miệng lão lầm bầm :

– “Ngư Trường kiếm” và “Tử Kim đao” cùng nên danh một lượt cùng lui về vườn một lượt, lại cùng tái xuất hiện một lượt, đúng là một chuyện nhịp nhàng!

Lý Đức Uy nhìn thân kiếm ngời ngời, mắt hắn cũng ngời ngời :

– Ngư Trường kiếm ra mặt không phải để làm cho tình hình náo nhiệt, coi chơi, cũng không phải ra mặt để tranh đoạt lợi, nó ra mặt để khử trừ bọn quên giống quên giòng, quên tổ tiên đất nước…

Mông Bất Danh thụt lùi chớp mắt :

– Bạn hù hoài vậy bạn. Ý?ta không phải thứ gan tép riu đâu nghe.

Lý Đức Uy cười, hắn thu thanh trường kiếm và vòng tay :

– Tôi còn phải đi tìm vị Triệu cô nương, xin tạm cáo từ, có duyên mình sẽ còn gặp lại nhau.

Hắn quay mình trở ra phía cửa.

Mông Bất Danh nói với :

– Người bạn trẻ, tốt hơn hết là mình đừng gặp nhau nữa, ta không khoái gặp bạn đâu.

Lý Đức Uy nói mà không quya mặt lại.

– Có nhiều lúc con người không chủ động được đâu.

Mông Bất Danh không nói nữa, lão đứng yên nhưng mặt lão trầm ngâm.

* * * * *

Nơi đó là khu rừng liễu.

Liễu là giống người ta trồng làm cảnh, nó ít khi thành rừng, nơi đây có lẽ trước kia là chỗ do người ta tạo dựng, lâu đời, thắng cảnh mất đi hoang phế thành rừng.

Qua khỏi khu rừng liễu phía trước vách núi dựng đứng lên như đao chém, thật cao, thật thẳng.

Phía bên trái vách núi, thác nước đổ từ trên cao. Thác nước trắng xoá, tiếng dội ào ào.

Tiếng nước liên tục tạo thành một âm thanh rền là lạ.

Tiếng nước đổ không lớn, nhưng trong vùng núi tạo thành tiếng dội và vì liên tục nên từ xa đã nghe văng vẳng nhưng nếu đến gần thì cũng không nghe thấy lớn hơn.

Thác nước đổ chạy dài xuống đồng bằng trở thành ngọn suối, nghe đâu từ đó đổ xuống tới Bá Kiều.

Bên phải của vách đá có dốc núi lài lài, trên dốc núi có gian nhà tranh củ kỹ, phên vách xiêu vẹo, y như một căn nhà hoang.

Cứ nhìn dáng bên ngoài, gian nhà này dựng lên ít nhứt cũng phải hơn bốn năm rồi, vì tranh đã mục mà cây cột nhiều chỗ cũng đã đứt chân.

Giá như một kẻ co1 nhà, có nơi về nhứt định khi ngang qua gian nhà như thế, chắc chắn không ai ghé mắt làm gì, nhưng đối với kẻ không nhà, không có chỗ nhứt định để về thì nó vẫn là nơi đáng giá.

Vì giữa rừng hoang núi vắng, cho dầu nhà có xiêu vẹo tranh có mục nát, gian nhà đó vẫn là chỗ tốt để che nắng đụt mưa…

Dòng nước từ thác cao đổ xuống thật trong, nhưng khi đổ ra dòng nước trở thành đục ngầu, nhìn nước dưới dòng rất khó mà hình dung được chất trong nguyên thủy của nó.

Nhưng ở đây có khác, không phải đã đổ xuống dòng, vì thế nước chưa đục hẳn, nhưng khi thoát ra khỏi đám rừng liễu, nước vụt đổi màu, một màu hồng hồng như máu loang.

Không phải giống, mà quả thật là màu máu loãng, vì Nghệ Thường đang giặt quần áo bên rừng liễu.

Nàng hơi cúi mặt xuống, tóc nàng bỏ xõa bờ vai, ngọn gió sáng nhẹ thổi qua tóc nàng bay phất phới.

Hai tay vò quần áo nàng đã hơi mệt, có lẽ nước trên nguồn lạnh lắm.

Quần áo nàng đang giật là quần áo của Lệ Tam Tuyệt, thế nhưng lòng nàng đang nghĩ về La Hán.

Bây giờ chàng ở đâu, bàn tay ngâm nước đến lạnh của nàng đáng lý phải giặt quần áo cho chàng.

Càng nghĩ, tâm thần nàng càng như mộng, nàng thấy La Hán, nàng thấy mặt hắn trong nước, nàng thấy hắn đang cười với nàng.

Nàng nhoẻn miệng cười với hắn.

Nhưng thình lình nụ cười của nàng tắt ngấm, bóng rọi dưới nước không phải là La Hán mà là đạo sĩ.

Sao vậy? Không lẽ La Hán đã xuất gia?

Không, bộ mặt đó không phải là bộ mặt của La Hán. Da mặt của La Hán xạm đen, da mặt này trắng mắt.

La Hán mắt to mày đậm, mặt này mắt nhỏ mày thưa.

La Hán có chót mũi nho và thẳng… mặt này mũi nhọn và quặp xuống.

Bộ mặt La Hán thông minh tuấn tú, bộ mặt này loắt choắt điêu ngoa…

Nghệ Thường hoảng hốt, nàng nhận ra rồi, nàng mơ mộng quá, nàng nhóng thẳng mình lên nhưng nàng chưa kịp quay lại thì một bàn tay phía sau đã chận lấy vai nàng.

Nghệ Thường cảm nghe bàn tay nặng như khối đá, nàng ngồi thụn mình lại nhưng cũng chưa có thể quay đầu.

Giọng nói khàn khàn phát lên :

– Tiểu Cô nương, đừng sợ. Tôi là đạo sĩ du phương, khi ngang qua đây chợt nghe tâm động, tôi bấm tay đoán quẻ biết rằng nơi đây có một kẻ đang mang thương, cần phải được cứu trị.

Nghệ Thường xanh mặt, nàng cố giữ cho giọng nói đừng run :

– Đa tạ đạo trưởng, nơi đây không ai mang thương…

giọng cười từ phía sau lưng :

– Con nhỏ, nhất là con gái không nên nói dối, bộ quần áo đang giặt đó không phải đã dính máu sao?

Nghệ Thường nói :

– Sáng sớm cắt cổ con gà, không ý tứ để bắn máu vào mình nên phải mang đi giặt…

tiếng sau lưng vẫn cứ cười :

– Tiểu cô nương, mắt ta chưa hoa, bộ quần áo con trai mà?

Nghệ Thường đáp :

– Bộ đồ của ca ca tôi.

Tiếng sau lưng lại cười :

– Tiểu cô nương, bảo đừng có nói dối, người trong gian nhà tranh không phải ca ca của Cô nương, ca ca của Cô nương không có ở trong nhà này, tôi đưa Cô nương đi đến ca ca của Cô nương nghe?

Nghệ Thường nói :

– Không, tôi ở tại đây, tôi không đi, tôi không đi đâu cả.

Tiếng cười vẫn y như cũ :

– Tiểu cô nương, tôi biết rồi Cô nương sẽ đi, tôi cần đưa Cô nương đi đến một chỗ, chẳng có ca ca của cô, mà còn có một người cô ngày đêm mơ tưởng, để tôi nhớ hắn họ gì nghe. À… à đúng rồi, hắn họ Bạch tên La Hán.

Không biết bằng một tiềm lực nào, Nghệ Thường vụt đứng phắt lên và quay nhanh lại…

Tên đạo sĩ đứng trước mặt cô ta, bộ mặt của hắn là bộ mặt mà nàng nhìn thấy bóng dưới nước khi nãy.

Bây giờ bàn tay đặt trên vai của Nghệ Thường đã buông xuống và hắn lùi ra sau một bước.

Nghệ Thường nhìn thẳng vào mặt hắn, giọng nàng rắn rỏi lạ lùng :

– La Hán… đã lọt vào tay các ngươi phải không?

Tên đạo sĩ cười :

– Nói tiếng “lọt” nghe không được ổn, không có ai ép buộc hắn hết, tại vì hắn tình nguyện gia nhập, bây giờ có đuổi hắn cũng kh6ng đi.

Nghệ Thường nói :

– Ta không tin, La Hán không phải hạng người như thế.

Tên đạo sĩ cười :

– bất luận là hạng người nào, nhưng chắc chắn hắn là đàn ông, có phải thế không?

Nghệ Thường trừng mắt :

– thủ đoạn của các ngươi ti tiện.

Tên đạo sĩ cười khà khà :

– Tại vì cô nhìn không quen mắt những chuyện như thế, nên mới trốn đi, phải không?

Nghệ Thường đáp :

– Đúng, hành động của các ngươi quỷ thần đều căm phẫn, các ngươi là bọn hạ lưu vô sỉ.

Tên đạo sĩ hỏi :

– Nói gì thì nói, bây giờ cô có muốn gặp La Hán không?

Nghệ Thường đáp :

– Ta sẽ đi theo ngươi, nhưng bây giờ ta muốn nói vài lời từ biệt với người trong gian nhà tranh.

Tên đạo sĩ cười gian trá :

– Để ta nói thay cho cô.

Nghệ Thường hoảng hốt, nàng chợt hiểu tên đạo sĩ sẽ vào giết chết Lệ Tam Tuyệt để bịt miệng.

Nàng ăn năng không còn kịp nữa.

Tại sao nàng không làm thinh đi theo tên đao sĩ? Tại sao nàng còn muốn nói vài lời với Lệ Tam Tuyệt làm chi?

Tình cảnh thủy chung của nàng thật là tai hại, bây giờ muốn gì cũng không còn kịp nữa rồi.

Nàng muốn lạ thật lớn cho Lệ Tam Tuyệt nghe. Nhưng nàng mở miệng không thành tiếng, cổ nàng nghẹn ngang.

Nàng không có tình cảm gì với Lệ Tam Tuyệt nhưng nàng chỉ thương hại hắn, thương hại con người nhất điểm lương tâm…

Hơn nữa, hắn đang mang thương không người chăm sóc.

Và dầu với mục đích như thế nào, hắn cũng đã cứu nàng thoát khỏi cái chết ô nhục bởi bàn tay tàn dật hung bạo của chủ nhân hắn.

Bây giờ nàng biết rất rõ ràng, nhưng biết để làm chi?

Nàng cắn răng nhìn tên đạo sĩ đi vào gian nhà, nàng đứt ruột nhìn hắn trở ra, không có tiếng động nào của Lệ Tam Tuyệt.

Nàng đã căm hận bọn Bạch Liên giáo, bây giờ nàng còn căm hận thấu xương. Lệ Tam Tuyệt đâu có thù oán gì với họ, thế mà họ cũng không dung cho một kẻ bị trọng thương, không dung một kẻ đang bất động trên giường bệnh!

Trước hết nàng quen với La Hán, bây giờ La Hán đã trầm luân sa đọa…

Kế đến nàng gặp Lệ Tam Tuyệt, hắn trở thành bệnh nhân và có thể đã chết rồi, chết ngay trên giường bệnh.

Lão già có râu định cưỡng bức nàng, cũng chết dưới thanh kiếm của người thuộc hạ.

Và nàng lại nhớ đến đại sư ca, người mà nàng âm thầm yêu mến cuối cùng cũng đã không còn.

Càng nghĩ, nàng chợt cảm thấy hình như mình là một cô gái… bất tường.

Ai gặp nàng, quen nàng, yêu nàng, cho đến địch cưỡng bức nàng, trước sau lần lượt đều chết cả.

Bất giác, nàng rờ lên mi mắt, nàng không thấy mục ruồi mà người ta gọi là “thương phu trích lệ”.

Người ta bảo “đàn bà là mối họa”, như vậy nàng có phải chính là thứ đàn bà “mối họa” ấy hay không?

Tên đạo sĩbước lại vỗ vai nàng, hắn cười :

– Tiểu cô nương, bây giờ cô có thể yên ổn ra đi, tôi đã cho bằng hữu của cô đầy đủ “linh dược” rồi, lâu lắm chừng ba ngày thì thân thể của hắn sẽ… yên.

Nghệ Thường hận thấu xương Bạch Liên giáo, hận thấu xương cái tên đạo sĩ không phải con người, đang đứng trước mặt nàng, nàng thật bình tĩnh trong cái cam hận đó, nàng nói :

– Đa tạ, như vậy thì ta đi đã yên rồi.

Tên đạo sĩ cười :

– Tiểu cô nương, nàng thông minh lắm, nàng hiểu biết lắm, hãy theo ta.

Hắn đưa tay định nắm lấy tay nàng, nhưng nàng rụt tay lại xẵng giọng :

– Ta đi được, để ta đi.

Tên đạo sĩ cười khà, hắn quay mình đi trước.

Nghệ Thường im lặng theo hắn, nàng không quay đầu nhìn lại gian nhà tranh, nàng không đành quay đầu lại.

* * * * *

Hoàng hôn.

Mặt trời đã hụp xuống góc Tây rồi, ánh trăng vàng ửng đỏ rọi trên dòng nước thành một màu hồng.

Từng đàn chim mỏi mệt bay qua, chúng nhắm vào vùng rậm nhất trong rừng nơi chúng đã xây sẵn ổ.

Trong rừng liễu có một người đi ra.

Đó là một lão già, lão già áo rách: Cùng Thần Mông Bất Danh.

Hình như lão đi đã dài đường, dáng lão có phần mỏi mệt.

Lão dừng lại bên ngoài rừng liễu, lão thở phào như xả bớt cơn nặng nhọc vì đường xa và mắt lão đảo chung quanh.

Lão chợt nhìn chằm chằm vào gian nhà tranh, trong nhà bây giờ tối thui, không thấy ánh đèn.

Giờ này đáng lý nhà ai đó phải lên đèn.

Mông Bất Danh bước thẳng vào gian nhà tranh, tay lão vẫn xách bộ quần áo đẫm nước, có lẽ bộ quần áo này lão với được từ hạ lưu, cùng có thể vớt được tận dưới “Bá Kiều”, cũng có thể trên một chút và lão đã theo dòng nước ngược lên.

Đến bên ngoài cửa gian nhà tranh, lão dừng lại, mắt và mũi lão làm việc.

Mắt lão hơi chậm nhưng mũi lão làm việc thật đắc lực, y như con cọp đói lâu ngày bắt gặp hơi chồn, lão phóng vào nhà như gió.

Một hồi lau, lão lại từ trong nhà tranh đi ra, mày lão nhua lại thật sâu, mắt lão lại dò quanh bốn phía.

Cuối cùng tia mắt dính vào một chỗ, đúng là chỗ mà Nghệ Thường ngồi giặt áo.

Lão lần tới, bây giờ mắt lão làm việc đắc lực hơn mũi, lão nhận ra hai thứ dấu chân.

Một thứ nhỏ, không cần nhìn lâu, đủ biết đó là chân con gái.

Một thứ lớn, dấu giày tròn đầu, dấu lún của đế khá cao, thứ giày ít thấy.

Lão thấy dấu đi vào nhà tranh đấu lớn, dấu nhỏ đi về phía rừng liễu, sau đó, mất luôn.

Đôi mày lão không dần ra nổi, lão suy nghĩ thật lâu.

Mắt, mũi bây giờ nhường cho bộ óc.

Thình lình, lão phóng vào rừng liễu, mất dạng.

Bộ quần áo ướt, lão bỏ lại trên bờ suối…


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.