Sau khi từ thành phố X
trở về, tôi phát hiện ra Giả Tếu Ảnh và Trịnh Thường đã quấn quýt như hình với
bóng. Quen ba ngày rồi yêu nhau, quen một tuần thì quấn quýt như hình với bóng,
sau nửa tháng là qua đêm không về.
Mối tình đầu thời phổ
thông cứ chậm chạp trôi, còn ở đại học cho dù là tình thứ nhất hay tình thứ
hai, thứ ba thì cũng đều phát triển nhanh chóng, chạy đua với thời gian.
Do tính cách hướng nội,
nên tôi cô đơn một mình, không làm quen thêm bạn mới cũng không tham gia bất cứ
hoạt động mang tính đoàn thể nào, chỉ ngày ngày nhốt mình trong thư viện đọc
sách.
Thời gian ở thư viện cũng thường xuyên có người con
trai đến bắt chuyện để hỏi giờ, hỏi đường, hỏi chỗ để sách, hỏi tôi có phải tên
là A, B, C, D gì đó không… nói chung cho dù họ bắt đầu câu chuyện bằng cách nào
thì đến phút chót vẫn hỏi tên và số điện thoại của tôi.
Mỗi lần nói chuyện với
những người con trai đó xong, lúc quay về kí túc xá, tôi lại tự ngắm kĩ mình
trong gương. Tôi phát hiện ra là mình càng ngày càng xinh đẹp, không còn đen
đủi, xấu xí như cô bé ngày xưa mẹ vẫn hay chê bai nữa rồi.
Bạn cùng phòng bắt đầu
đua nhau hỏi tôi về cách làm trắng, cách giữ eo và cách làm cho nở ngực, còn
tôi lúc đi đường đã không còn cố ý khom lưng, cúi mặt xuống để che giấu đi
những điểm nữ tính của mình nữa rồi. Dần dần, khi mọi người khen tôi xinh, tôi
đã không còn đỏ mặt, không còn cảm thấy ngượng ngùng hay đoán già đoán non xem
họ đang có ý trêu tôi hay không nữa rồi.
Có điều giống như việc
không phải người con gái nào cũng có người chủ động đến bắt chuyện, không phải
người con trai nào cũng bắt chuyện thành công. Bắt chuyện nếu hay thì gọi là
tán tỉnh, nếu dở thì gọi là quấy rối. Con trai không bao giờ muốn nhìn những
người con gái vừa xấu vừa béo; con gái cũng vậy, cảm thấy không cần thiết phải
hạ mình quan tâm đến những thằng con trai rác rưởi. Nếu như bạn cảm thấy những
câu nói này của tôi khó nghe, hoặc làm tổn thương đến lòng tự trọng của bạn thì
hiệu quả của việc “Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng” của tôi đã đạt được.
Bạn cần phải tự xem xét lại xem có phải là mình quá xấu không?
Tôi và Lương Triết quen
nhau trong một bối cảnh bắt chuyện làm quen như thế.
Lúc còn học phổ thông,
chúng tôi rất ghét sự quản lý của các thầy cô. Lên đến đại học, chẳng còn thầy cô nào quản, những người thực sự quản
chúng tôi, làm chúng tôi sống không thoải mái là đám người làm hậu cần. Rõ ràng
là ba lạng gạo nhưng lại chỉ đưa cho chúng tôi một tí tẹo cơm như cho mèo ăn
vậy, rõ ràng gọi là phòng để nước sôi nhưng lúc nào cũng chỉ cung cấp nước sôi
“95” độ. Rõ ràng là thủ thư nhưng lại luôn làm mất sách rồi đổ lỗi cho học sinh
chưa trả.
Gặp phải hai chuyện trước
thì thôi cho qua, chứ gặp phải chuyện thứ ba thì không thể không đập bàn đập
ghế kêu oan. Bởi vì làm mất sách là phải đền tiền, vô duyên vô cớ sao lại bắt
tôi rút tiền trong túi ra trả tiền cho thứ không phải mình làm sai.
Vì thế cuối tuần đó, lúc
bà thủ thư nói với tôi là tôi chưa trả cuốn Bốn năm phấn hồng, bắt tôi phải đền gấp đôi giá bìa sách là 36 tệ, tôi
nói: “Sao lại chưa trả chứ? Lần trước em mượn ba quyển sách, em đã trả hết cùng
một lúc rồi, sao lại có một quyển chưa trả?”
Bà ta thản nhiên trả lời:
“Tôi làm sao mà biết được! Trên máy rõ ràng hiện lên là quyển Bốn
năm phấn hồng em chưa trả.”
“Em trả rồi. Em khẳng
định là em đã trả rồi.”
“Em khẳng định thì có tác
dụng gì chứ!” Bà ta đưa mắt lườm tôi. Có lẽ là do cuối tuần, thư viện chỉ có
mình bà ta trực nên không được thoải mái, thái độ vô cùng khó chịu.
“Em trả thật rồi mà! Các
cô ở thư viện thường xuyên có những chuyện như thế này, lúc học sinh trả sách,
để sách chồng lên đống sách đã trả nhưng lại không chịu quét vạch cẩn thận, cứ
vứt bừa vào kho rồi đến lúc lại trách bọn em chưa trả.” Tôi vạch rõ ra vết hổng
trong cung cách làm việc của bọn họ.
“Em phải biết mình đang
nói gì chứ!” Bà ta đứng hẳn dậy, dùng tay chỉ thẳng vào mặt tôi.
“Sợ gì chứ!” Cuối cùng
tôi đã nói ra những điều không nên nói. Trừ mẹ tôi ra, tôi không có sự kiên
nhẫn với bất kì ai. Tại sao tôi phải nhẫn nhịn chứ, bà chẳng phải là mẹ tôi.
“Mày nói thêm câu nữa
xem, đồ mất dạy! Bố mẹ mày không dạy mày à? Thế mà cũng là sinh viên!” Bà ta
tiếp tục quát lại, trợn mắt nhìn tôi.
“Không có bố mẹ dạy à?” Câu đó chọc đúng vào nỗi đau của tôi,
làm tôi cảm thấy vô cùng khó xử. Tôi giận dữ cần quyển sách chưa được nhập vào
kho ném thẳng vào người bà ta, hình như kiểu bạo lực này tôi được di truyền từ
mẹ!
Tôi chỉ nghe thấy tiếng
kêu thất thanh của bà ta, cuốn sách sượt qua người bà ta rơi xuống đất. Bà ta
cúi xuống nhặt sách lên, nói: “Loạn rồi! Loạn thật rồi!” Bà ta xông ra khỏi
quầy, chạy ra hành lang gọi thầy quản lý thư viện ở phòng bên cạnh.
Thầy quản lý thư viện
khoảng trên năm mươi tuổi, tóc đã hoa râm, trông có vẻ khá nhã nhặn, hiền lành.
“Sao thế, sao thế, có chuyện gì thế?” Thầy quản lý thư viện thấy bà thủ thư
đằng đằng sát khí, ngạc nhiên hỏi.
“Em sinh viện này đấy!
Đúng là vô giáo dục! Không những làm mất sách mà còn chửi người, đánh người!”
Bà thủ thư béo ịch lên tiếng kết tội tôi trước.
“Thưa thầy quản lý, em
nghĩ thầy là người sáng suốt nên em muốn nói với thầy hai việc: thứ nhất, sách
chắc chắn là em đã trả lại thư viện rồi; thứ hai, người chửi người đánh chính
là cô thủ thư ở chỗ thầy.” Tôi giả bộ vô tội giải thích với thầy quản lý.
“Mày nói điêu!” Bà thủ
thư béo ịch lại nhảy dựng lên.
Tôi định xông vào cãi cho
đến cùng nhưng vì mục đích cuối cùng nên vẫn cố gắng kìm nén.
Quay người lại nhìn thấy
một người con trai đã chứng kiến cuộc cãi nhau của chúng tôi từ đầu đến cuối,
tôi liền giả bộ vô tội chỉ vào người con trai đó nói: “Bạn này đã chứng kiến
hết cả, bạn ấy có thể làm chứng.”
Tôi rất tự tin nói ra câu
đó. Bởi vì tôi tin là người con trai đó chẳng có lí do gì mà lại từ chối giúp
một cô gái trẻ như tôi để giúp đỡ một bà thủ thư béo ịch suốt ngày quát tháo
sinh viên chúng tôi, coi chúng tôi chẳng ra cái gì.
Cứ thế này mà cãi nhau
với bà thủ thư thì chẳng bao giờ kết thúc
được. Nhưng chỉ cần người con trai đó đứng ra làm trọng tài, tôi tin là tôi sẽ
thắng. Bà thủ thư nói không có lý gì, tại sao tôi lại phải khách khí với bà ấy
cơ chứ?
Đối với những người vô
liêm sỉ như bà thủ thư này thì cần phải có cách cao tay hơn để trị.
Tôi đưa ánh mắt cầu cứu
nhìn cậu con trai kia, cố gắng dùng ánh mắt để truyền tải thông điệp: Bạn ơi,
cơ hội anh hùng cứu mỹ nhân đã đến rồi.
Cậu con trai đó bước lại
gần chỗ chúng tôi, vô cùng chân thật nhìn thầy quản lý, thao thao bất tuyệt
nói: “Những người như cô thủ thư đấy thực sự đã làm xấu đi hình ảnh của thư
viện. Lúc em chuẩn bị trả sách, bạn gái này trông rất đáng thương. Bạn ấy chỉ
hỏi có vài câu thôi mà cô thủ thư đã mắng bạn ấy, dùng tay chỉ thắng vào mặt
bạn ấy. Em cũng nhìn không vừa mắt, nếu như thầy không đến thì em đang định gọi
110 để báo cảnh sát rồi.”
Tôi phối hợp tác chiến
bằng cách làm cho mắt ướt đẫm nước. Chỉ cần khóc là có thể khóc được ngay, mà
còn có thể khóc rất thảm thương, làm động lòng chắc ẩn của người con trai.
Thầy quản lý lập tức xin
lỗi chúng tôi, bà thủ thư định nói gì đó nhưng đã bị thầy quản lý gọi về phòng.
Thầy quản lý gọi một người khác đến đưa chúng tôi đi kiểm tra trong kho sách có
đúng là quyển đó đã trả hay không.
Không uổng công đấu tranh
đến cùng, sau một hồi tìm kiếm, tôi đã tìm thấy quyển sách Bốn năm phấn
hồng mà bà thủ thư béo ịch cứ leo lẻo
cái miệng nói là chắc chắn tôi
chưa trả. Cứ như là làm người chết trong quan tài sống lại, quyển sách tìm được
đã là bằng chứng xác thực cho cách thức làm việc tắc trách của bà thủ thư. Cuối
cùng tôi đã được một lần vênh váo mặt mày trước mấy bà thủ thư già ở thư viện.
Tôi như trút bỏ được gánh
nặng, xuống tầng một đến tủ gửi đồ lấy túi. Bỗng có người đập nhẹ vào vai tôi
từ phía sau ngoảnh lại nhìn thì ra là người anh hùng vừa cứu mỹ nhân lúc nãy.
Nhìn kĩ, anh ta có đôi mắt một mí và đôi môi mỏng, đúng kiểu con trai mà tôi
khá thích.
Anh ta đứng đó rồi nói
với tôi: “Xin chào người đẹp. Tôi muốn làm quen với bạn, có được không?”
“Ồ!”
“Tôi muốn biết số điện
thoại của bạn.”
“Ừ…m!”
“Sao bạn không nói gì
vậy?”
Tôi cười, có thể là anh
ta không biết, tôi không thích những anh chàng quá chủ động bởi vì sự tấn công
của những anh chàng đó làm tôi cảm thấy không được an toàn.
“Tôi đã biết bạn là Thuỷ
Tha Tha.” Anh ta nói tiếp.
Tôi vô cùng kinh ngạc
nhìn anh ta: “Làm sao mà bạn biết được?”
“Bạn nói cho tôi biết số điện thoại của bạn đi, tôi sẽ nói cho bạn biết
tại sao tôi lại biết tên bạn. Điều đó sẽ đem đến cho bạn một niềm vui, còn nếu
không bạn sẽ bị thiệt đó!” Anh ta nói với vẻ mặt đắc thắng.
Tôi rất muốn biết tại sao
anh ta lại biết tên tôi, vì thế đã đọc: “8888xxxx”
Không ngờ anh ta rút điện
thoại ra bấm số điện thoại phòng tôi, rồi lên tiếng hỏi: “Cho tôi gặp Thủy Tha
Tha.”
Anh ta muốn chứng thực số
điện thoại mà tôi vừa đọc.
Bỗng nhiên tôi cảm thấy
hơi bực mình, có thể anh ta thấy biểu hiện của tôi ở thư viện nên cho rằng việc
nói dối đã trở thành một tính cách của tôi, nghĩ thế tôi quay người đi thẳng.
Anh ta kéo tay tôi lại:
“Thẻ thư viện của bạn này! Lúc nãy bạn đánh rơi, tôi nhặt cho bạn đấy!”
Lương Triết và Thuỷ Tha
Tha đã làm quen với nhau như vậy. Năm đó anh ta học năm thứ ba, khoa Thông tin
điện tử. Tôi là sinh viên năm thứ nhất.
Tôi hôm đó Lương Triết
gọi điện cho tôi. Bây giờ chẳng còn nhớ là chúng tôi đã nói những gì nữa rồi,
chỉ nhớ câu đầu tiên anh ta hỏi tôi là: “Em đã có người yêu chưa?”
Tôi do dự một lúc rồi hỏi
lại: “Anh hỏi điều đó làm gì?”
Bên kia đầu dây anh ta
cười nói: “Không có gì, em không muốn trả lời thì đừng nói.”
Tôi hỏi lại: “Anh có
người yêu chưa?”
“Anh có rất nhiều người
yêu, có điều đã ở thì quá khứ rồi.” Đầu dây bên kia anh ta cười có vẻ hơi phô.
Gặp phải thằng có tính
lăng nhăng rồi. Tôi nghĩ. Nhưng cũng tốt, có lẽ đây là một đối tượng tốt để tôi
đỡ cô đơn.
Khi đó, tôi không thích
Lương Triết nhưng cũng không ghét anh ta, chỉ có điều trong lòng có chút bất an
bởi vì tôi hiểu là mình đang không chịu an phận.
Một phần lí do của cảm
giác bất an là vì Hứa Lật Dương. Khi đó tôi vẫn còn đang yêu anh, yêu thực sự.
Tôi nhớ anh, hay ngắm ảnh anh, tối nào cũng ngồi đợi điện thoại của anh, viết
thư cho anh, gửi quà cho anh thậm chí đan áo len cho anh.
Một phần bất an nữa là
chính bản thân mình. Giữa tôi và Hứa Lật Dương hình như chỉ là một cảm giác mơ
hồ, có thể nghe thấy tiếng nói của bên kia đầu dây điện thoại nhưng lại không
thể hôn đôi môi của anh; có thể ngắm dáng vóc anh qua ảnh nhưng lại không thể
ôm lấy cơ thể anh.
Khi tình yêu đã không còn
có thể cảm nhận được, không còn có thể động chạm vào nhàu mà chỉ còn có thể
nhớ, thì tôi không biết rằng việc mở cánh cửa khác cho mình có thể bị gọi là
không chung thuỷ và phản bội hay không?
Tôi yêu bản thân nhiều
hơn yêu Hứa Lật Dương. Đó là lí do duy nhất. Tôi cô đơn. Tôi cần một người ở
bên cạnh. Lúc đó cảm giác cô đơn rất gần còn cảm giác yêu đương lại ở rất xa.
Chúng tôi đã từng nghĩ là
người ta yêu mình, yêu sâm đậm nhưng thực ra chúng ta yêu bản thân mình hơn.
Thoát
khỏi những ràng buộc vốn có, chúng ta mới thấy mình cô độc. Có lẽ trên con
đường chúng ta đi tìm kiếm tình yêu, thực ra cái mà chúng ta kiếm tìm từ đầu
đến cuối chẳng qua là một góc ấm áp cho trái tim cô độc và cho cơ thể lạnh lẽo
của mình mà thôi.