Chuyện Tình

Chương 8



– Jenny, dẫu sao thì cũng chưa phải là ngoại trưởng. Ơn trời, cuối cùng chúng tôi đã ngồi trên xe về Cambridge.

– Oliver, tuy vậy lẽ ra anh vẫn có thể tỏ ra nhiệt tình hơn.

– Anh đã nói “chúc mừng ba” rồi còn gì.

– Anh quả là cao cả.

– Thế em muốn anh nói gi?

– Ôi thôi. Em phát ốm lên được.

– Không phải chỉ riêng em.

Chúng tôi cho xe chạy một lúc lâu không nói gì với nhau. Tuy vậy có một cái gì đó làm tôi băn khoăn. Sau một lúc lâu, tôi hỏi nàng, như vừa chợt nghĩ lại:

– Cái gì làm em phải ốm, Jen?

– Cách anh xử tệ với cha anh.

– Thế còn cách ông ấy xử tệ với anh, em không thấy làm sao à?

Tôi đã nhỡ miệng chọc phải một tổ kiến. Thực vậy Jenny bắt đầu một bải thuyết giáo có bài có bản về tình nghĩa cha con, bộc lộ toàn bộ căn bệnh tình cảm đặc thù Y- đại-lợi- Địa Trung Hải. Nói ngắn gọn, tôi là một đứa con trai bất hiếu. Nàng nói:

– Anh chỉ khiêu khích cụ, làm trái ý cụ, luôn luôn chọc tức cụ.

– Nhẽ nào em không nhận thấy chính là ngược lại hải Jen?

– Em cho rằng anh không từ một điều gì để “hạ” Oliver Barrett III.

– Người ta không thể “hạ” Oliver Barrett III được đâu.

Nàng để cho trôi qua một vài phút im lặng khó hiểu rồi mới trả lời:

– Có lẽ trừ phi lấy Jenny Cavilleri làm vợ…

Tôi giữ bình tĩnh một lúc khá lâu, đủ thời gian đánh xe vào bãi đỗ của quán ăn hải sản rồi mới quay sang Jenny và thả cho sự giận dữ của tôi bùng ra:

– Có thực là em nghĩ thế không?

Nàng trả lời rất bình thản:

– Em cho rằng có phần như thế đấy.

Tôi hét lên:

– Jenny, em không tin là anh yêu em à?

– Có chứ, – Giọng nàng vẫn bình thản – Nhưng về một mặt nào đó, anh còn yêu cả ở chỗ em là con số không trên phương diện xã hội.

Tôi không biết nòi gì ngoài cách trả lời là không phải. Tôi nói như vậy nhiều lần ở nhiều bậc giọng khác nhau. Sự thực, tôi bàng hoàng đến nỗi tôi thậm chí hình dung là có thể có một chút xíu sự thật trong cái điều ghê tởm nàng vừa nói ra.

Thực ra, cả nàng cũng không thật bình tĩnh.

– Em không dám phán xét, Oliver ạ. Nhưng em nghĩ rằng có phần như thế đấy. Ngay em đây này, em biết em yêu không chỉ riêng bản thân anh. Em còn yêu cả cái tên anh nữa.

Nàng quay mặt đi và tôi tưởng có nhẽ nàng sẽ khóc. Nhưng nàng không khóc, nàng nói nốt ý nghĩ của mình.

– Vả chăng, tất cả những cái đó cũng là một phần của anh.

Tôi nín lặng một lúc, thẫn thờ nhìn tất biển quảng cáo bằng đèn neon nhấp nháy sáng lên rồi tắt đi dòng chữ “Sò tươi”. Điều mà tôi quý biết bao ở Jenny là nàng biết nhìn vào tận đáy tâm hồn tôi, hiểu được những điều không cần đợi tôi nói ra thành lời. Đó chính là điều kiện nàng đang làm. Nhưng liệu tôi có chịu đựng được ý nghĩ tôi không hoàn hảo không? Còn nàng thì đã chấp nhận sự không hoàn hảo của tôi và cả của nàng rồi. Tôi không biết nên nói gì bây giờ.

– Em có muốn ăn sò không Jen?

– Anh có muốn một quả đấm vào giữa mặt không Oliver?

– Có.

Nàng nắm tay lại và nhẹ nhàng đặt lên má tôi. Tôi hôn cái nắm tay đó rồi nhích lại gần để ôm nàng, nhưng nàng đã đẩy người tôi ra và quát bằng một giọng đanh lãi như một nữ gangster:

– Lo việc lái. Cầm lấy tay lái và nhất ga.

Tôi tuân lệnh răm rắp.

°°°

Điểm chính trong bài diễn thuyết của cha tôi là nói về cái mà ông coi là một sự nhanh chóng thái quá, một sự vội vã, một sự hấp tấp. Tôi quên mất chính xác là những từ gì, nhưng tôi còn nhớ nội dung bài thuyết giáo của ông lúc hai chúng tôi ăn trưa với nhau tại câu lạc bộ Harvard chủ yếu nói đến việc tôi đi quá nhanh. Ông ấy đã nói xa xôi đến điều đó và bảo rằng khi ăn tôi không được chưa nhai đã nuốt. Tôi cũng nói xa xôi một cách lễ độ để ông ấy hiểu rằng, về phần tôi, tôi đã là một người lớn, bởi vậy ông ấy không có quyền sửa – ngay cả bình phẩm – cách cư xử của tôi. Ông ấy lưu ý tôi rằng ngay các nhà lãnh đạo thế giới thỉnh thoảng cũng còn cần đến những lời phê bình xây dựng. Tôi coi đó là một lời ám chỉ khá lộ liễu đến hoạt động của ông ấy tại Washingto dưới thời chính quyền Rudeven nhiệm kỳ đầu. Nhưng tôi không có bụng dạ nào thúc đẩy ông lào vào kể lể những kỷ niệm của ông về Rudeven hoặc vai trò của chính ông trong công cuộc cải cách các ngân hàng ở Mỹ. Vì thế tôi nín thinh.

Như tôi đã nói, hai chúng tôi đang ăn trưa (tôi ăn quá nhanh, theo ý kiến của cha tôi) tại câu lạc bộ Harvard ở Boston. Nghĩa là xung quanh chúng tôi toàn là người của ông ấy: bạn học, đồng nghiệp, khách hàng của ông ấy, những người ngưỡng một ông ấy, vân vân. Thật là một vở được dàn dựng tuyệt đẹp. Chịu khó lắng tai một chúg là có thể nghe thấy những tiếng thì thầm như “Oliver Barrett kia kìa” hay “Barrett, nhà thể thao kỳ cựu đấy”.

Một lần nữa, chúng tôi lại lao vào một trong những cuộc nói chuyện không ra chuyện thường xảy ra giữa hai cha con chúng tôi. Duy lần này, chính cái cách nói úp mở, mơ hồ của hai cha con chúng tôi đậm nét hơn bao giờ hết và làm cho tôi không chịu nổi.

– Ba, ba chưa nói gì với con về Jenny cả.

– Con muốn ba nói gì với con. Con đã đặt ba và mẹ trước việc đã rồi, chẳng phải à?

– Nhưng ba thấy Jenny thế nào?

– Ba thấy cô Jenny thật đáng khâm phục. Một cô gái xuất thân như cô ấy mà vào được trường Radcliffe.

Cái thứ thuốc xoa mang tính dễ dãi giả hiệu ấy là cách lẩn tránh vấn đề của ông ấy đấy.

– Ba nói vào việc đi.

– Việc thì không dính dáng gì đến cô gái kia, mà là dính dáng đến con.

– Thế ư? – Tôi nói.

– Đó là sự nổi loạn của con, – Ông ấy nói thêm – Mày đang nổi loạn đấy, con ạ.

– Ba, con không thấy vì lẽ gì mà việc cưới một cô nữ sinh trường Radcliffe vừa đẹp vừa thông minh lại là một sự nổi loạn. Jenny không phải là một cô gái hippy, cũng không phải đui què sứt mẻ gì…

– Ta có thể lập một bảng liệt kê dài những điều cô gái ấy không phải.

A! Đến vấn đề rồi đây.

– Cái gì làm ba không ưa nhất… Vì Jenny theo đạo Thiên Chúa, hay vì Jenny nghèo?

Ông hơi ngả đầu sang phía tôi để có thể nói nhỏ:

– Còn mày, cái gì làm mày ưa nhất?

Tôi muốn đứng dậy bỏ đi. Tôi bảo với ông ấy thế.

Ở lại đây và nói chuyện như một trang nam nhi – ông ấy bảo tôi.

Nói như vậy là để đối lập với cái gì? Với một đứa trẻ con? Một đứa con gái? Một con chuột? Bất kể thế nào, tôi ở lại.

“Bố khỉ” lấy làm thích thú ghê lắm trước việc tôi ở lại. Tôi thấy rõ ông ta coi đó là thêm một thắng lợi mới sau biết bao thắng lợi khác của ông đối với tôi. Oliver Barrett III nói:

– Điều mà ba yêu cầu con chỉ là chờ đợi một chút.

– Ba nói rõ “một chút” là thế nào?

– Học xong luật đã. Nếu đây là chuyện nghiêm chỉnh thì nó chịu thử thách của thời gian.

– Đây là chuyện nghiêm chỉnh, và con không thấy vì lẽ gì con phải tuân theo một sự thử thách độc đoán.

Nói thế là đủ rõ rồi, tôi nghĩ vậy. Tôi cưỡng lại ông. Chống lại đòi hỏi của ông muốn áp chế và kiểm soát đời tôi.

– Oliver.

Ông ấy bắt đầu một hiệp mới.

– Có một điều hình như mày quên.

– Ba hãy nhắc lại con rõ, – tôi cố gắng lắm mới nói nổi thành lời trong khi cảm thấy cơn giận trong người bừng bừng nổi lên.

Mày chưa đến hai mươi tuổi. Về mặt pháp lý, mày chưa đến tuổi trưởng thành.

– Cái pháp lý của ba, con cóc cần.

Có lẽ một vài người khách ngồi ăn gần đấy có nghe thấy tiếng tôi. Như để bù lại giọng nói oang oang của tôi, Oliver III dằn giọng nói nhỏ:

– Mày cứ lấy nó ngay bây giờ đi, nhưng đã vậy đừng có mà đến hỏi tao một cái gì nữa, dù là hỏi giờ.

Mặc cho người ngoài có nghe thấy hay không, tôi nói to:

– Nhưng ba thì có bao giờ biết giờ đâu.

Tôi bước ra khỏi cuộc sống của ông ấy và bắt đầu cuộc sống cho tôi.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.