Paula O�Neill đứng nơi cửa sổ phòng ngủ trong căn hộ ở đại lộ Thứ Năm, nhìn ra quang cảnh công viên Trung tâm. Ngoài trời nắng nóng, nhưng không ẩm ướt, ánh sáng nhấp nháy tươi vui. Cây cối trong công viên xanh tươi vươn cao trên bầu trời trong sáng, và phía bên kia công viên, thành phố Manhattan vươn lên trên nền chân trời trong thật huy hoàng lộng lẫy. Ánh sáng mặt trời phản chiếu từ hàng ngàn cánh cửa sổ, khiến cho những tòa nhà chọc trời lung linh trong bầu không khí trong vắt, sáng sủa.
Bà nghĩ trên thế giới không có thành phố nào như thế này. Bà thích thành phố New York ngay từ khi còn bé, mới đến đây với bà ngoại. Bà Emma cũng bị thành phố lộng gió, sinh động, ồn ào này thu hút, thành phố mà bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra được hết. Bà Emma thường nói như thế với bà, và thường nói thêm rằng: “Ở đây bầu trời có giới hạn, Paula à. Cháu đừng quên như thế”.
Quay người rời khỏi cửa sổ, Paula bước ra ngoài phòng ngủ, đi vào tiền sảnh để đến thư viện, đôi giày cao gót gõ lóc cóc trên nền nhà lát đá cẩm thạch màu đen trắng. Phòng thư viện là nơi bà thích nhất trong số các phòng ở trong căn hộ này. Theo bà Emma, đây cũng là nơi ông ngoại bà thích nhất. Bà Emma có lần nói rằng ông ngoại bà thích ván ốp tường màu đen ở đây, thích những cuốn sách bìa bọc da màu đỏ, thích đồ xưa từ thời George mà bà đã lựa chọn, thích hơi ấm tỏa ra từ vải gấm màu hồng sẫm làm màn che cửa sổ và dùng bọc ghế nệm dài. Bà ngoại đã nói:
– Ông ấy thường nói phòng này trông có vẻ giản dị, không cồng kềnh, nặng nề. Nhưng ông cũng thích cách trang hoàng của bà tại các ngôi nhà khác của chúng ta.
Ông Paul McGill đã mua căn hộ ở đại lộ Thứ Năm này cho Emma và ông ở trong thập niên 1930. Đây là căn hộ hai tầng rộng rãi được nhà kiến trúc sư nổi tiếng Rosairio Candela vẽ kiểu vào năm 1931. Ssau khi Paul chết yểu vào năm 1939, Emma có ý định bán ngôi nhà, nhưng sau đó không bán. Khi ấy chiến tranh bắt đầu bùng nổ, bà quá bận công việc với cửa hàng Blitz ở London, nên không quan tâm đến ngôi nhà ở Manhattan. Có lần Emma nói với Paula:
– Bà mừng vì đã không bán ngôi nhà. Nhờ có ngôi nhà này mà mỗi lần đến Hoa Kỳ, chúng ta được sống ở đấy thoải mái, tự do, khỏi phải đi ở khách sạn.
Khi bà Emma mất, Paula và em trai bà là Philip được cùng thừa hưởng ngôi nhà, nhưng mọi người trong gia đình đều sử dụng ngôi nhà mỗi khi họ đến Mỹ, nhất là các anh chị họ Emily và Winston Harte, và em gái của Emily là bà Amanda Linde, họ đến đây luôn. Mọi người đều thích ngôi nhà, rất tự hào về vẻ đẹp kỳ lạ của nó. Ngôi nhà sang trọng, ấm cúng mà không khoa trương, nó mang dấu ấn của bà Emma Harte về mọi mặt, và đã phản ảnh rõ ràng khiếu thẩm mỹ của bà về màu sắc, về sự tinh tế trong cách chơi đồ cổ và thưởng thức hội họa.
Paula ngồi vào bàn làm việc, lòng cảm thấy quá cảm phục bà ngoại, quá khiếp sợ trước những thành quả của bà. Paula không thể tưởng tượng nỗi khi nhìn những công việc mà ngoại đã làm trong đời bà: cô gái nghèo xuất thân ở Fairley, một ngôi làng xơ xác trên những cánh đồng hoang ở Yorkshire, bắt đầu đi làm gia nhân lúc mới mười hai tuổi cho gia đình Fairley ở Fairley Hall. Thế nhưng, có phải bà đã tạo nên thành quả này không? Paula tự hỏi. Thành quả này từ đâu đến, tài năng này, khiếu thưởng thức nghệ thuật, sực hiểu biết sâu sắc về nghệ thuật này? Và chí khí, nghị lực, sức mạnh, quyết tâm của bà từ đâu mà ra? Làm sao bà thu thập được ý chí bất khuất ấy để leo lên đỉnh vinh quang? Làm sao cô gái giúp việc nhỏ bé ấy trở thành mệnh phụ phu nhân, thành nhà đại tư bản thành đạt độc nhất vô nhị được? Bà Emma Harte hầu như một mình đã tạo nên một đế quốc tư sản mại bản tầm cỡ quốc tế có giá trị hàng tỷ bảng Anh và đã để lại cho con cháu một di sản kỳ diệu về uy quyền, giàu có và uy tín.
Thật không có ai giống như bà, Paula nghĩ, mắt vẫn nhìn vào khoảng không trước mặt. Emma là người độc nhất vô nhị, nhiều người đã làm theo khuôn mẫu của bà nhưng đều thất bại.
Chuông điện thoại reo, Paula đưa tay nhấc máy.
– Alô?
– Chào mẹ, con Linnet đây.
– Chào cưng, tuyệt quá! Mọi người khỏe không? Công việc tân trang các cửa hàng tiến hành ra sao rồi? – Paula hỏi, bà thấy vui vô cùng khi nghe giọng con gái.
– Ồ rất tốt, con sung sướng… – Linnet dừng lại, hít vào một hơi dài rồi nói nhanh, – mẹ à, để con nói chuyện xảy ra hôm nay cho mẹ nghe. Bây giờ thì yên ổn cả rồi, mọi sự đều tốt đẹp. Thật đấy, nhưng con nghĩ tốt hơn là con phải nói hết cho mẹ biết. Và…
– Chuyện gì thế, Linnet? – Paula vội vàng cắt ngang lời cô. – Mẹ hy vọng, mọi người đều bình an vô sự chứ? – Bà bỗng nhớ lại cái ngày ông anh họ Winston Harte đã gọi Shane ở Conneticut để báo tin bố và chồng bà chết trong trận tuyết lở tại Chamonix. Hai cánh tay bà nổi da gà và bà căng thẳng, tự hỏi không biết có tin gì xấu sắp đến hay không.
– Phải, phải, mọi người đều bình an, – Linnet đáp rồi kể cho bà nghe những chuyện đã xảy ra.
– Ôi lạy Chúa, không ai bị gì! Adele không sao! Nhưng nó đã được tìm ra rồi phải không? Con nói mọi người đều bình an vô sự cả phải không?
– Dạ phải, nó đã về lại Pennistone Royal với Tessa, bình an vô sự rồi. – Linnet im lặng một lát rồi nói thêm. – Con đã mời Jack đến, ổng hiện đang ở đây, mẹ à. Mẹ nói chuyện với ổng, lát nữa con sẽ nói chuyện lại với mẹ.
– Xin chào Paula, – Jack nói.
– Chào Jack, tôi rất sung sướng khi có ông ở đấy, – Paula đáp, bà nhận thấy giọng của mình có vẻ mất tự nhiên.
– Mọi người đều bình an vô sự, – ông nói tiếp bằng một giọng bình tĩnh để trấn an bà. Ông luôn luôn thương mến Paula. Có nhiều người trong gia đình tin rằng ông thương thầm nhớ trộm bà từ lâu rồi. – Như Linnet đã nói, con bé yên ổn. Paula này, bây giờ tôi xin đề nghị bà phải đặt hệ thống an ninh ở đây mới được. Bà không có gì để bảo đảm an ninh ở đây hết. Chỉ có máy báo động khi có kẻ trộm thôi, thật rất nguy hiểm.
– Shane có nhắc tôi nhiều lần về việc này rồi, chúng tôi không ai ngờ có chuyện như thế này… nhưng đã xảy ra việc bắt cóc. Ông nói đúng. Vấn đề an ninh là quan trọng. Ông có thể làm việc đó cho chúng tôi được không, Jack?
– Được. Tôi sẽ có những người chuyên môn giỏi nhất để làm việc ấy ngay tức khắc, nội trong ngày mai.
– Ý kiến thật tuyệt vời, cám ơn ông đã giúp chúng tôi rất nhiều việc. Tôi sẽ nhớ ơn ông mãi.
– Xin bà nhớ cho là tôi sẵn sàng giúp bà.
– Tôi nói chuyện với Tessa được không, Jack?
– Được chứ, cô ấy đang đứng gần bên tôi đây, tôi sẽ nói chuyện lại với bà sau.
– Chào mẹ, – Tessa lên tiếng rồi bỗng dừng lại, nghẹn ngào.
– Tessa con, mẹ rất buồn về chuyện đã xảy ra, rất buồn. Chắc hôm nay con rất khổ sở.
– Dạ phải, – Tessa đáp. – Nhưng con rất sung sướng báo cho mẹ biết là Adele hoàn toàn khỏe mạnh, nó không có vẻ lo sợ gì hết, ngoại trừ việc nó nghĩ là nó mất con búp bê vải. Bây giờ nó ngủ rồi và đêm nay Elvira sẽ ngủ trong phòng nó. Mẹ à, Mark rất khốn nạn, anh ta làm việc này là để bắt bí con. Anh ta dùng Adele để làm việc này là một hành động quá sai lầm. Anh ta muốn cùng bảo dưỡng Adele.
– Hắn sẽ không bao giờ có quyền ấy, Tessa, bảo đảm với con như thế. Khi Jack điều tra Mark, ông ấy đã thu được nhiều thông tin ghê tởm và mẹ tin rằng khi ra tòa hắn sẽ được xem như là một ông bố không xứng đáng chăm sóc con. Con hứa với hắn cái gì để nhận lại Adele, cưng?
– Chỉ những việc mà chúng con đã bàn thảo trước đây thôi. Ngôi nhà ở Hampstead, những chiếc xem để trong gara ở đấy và một số tiền. Không hứa gì thêm nữa, con rất lo về việc cùng chăm sóc con. Con nói việc này sẽ được các luật sư bàn thảo sau.
– Con thật giỏi. Và từ bây giờ cứ để các luật sư làm việc với nhau.
– Dạ, thưa mẹ, nhưng con đã phải đề nghị với anh ta nhiều thứ để anh ta đem trả Adele lại.
– Mẹ biết con phải làm thế, mẹ nghĩ con làm thế là tốt. Điều chúng ta cần làm là phải định giá cho đúng, con chắc không muốn Mark lẽo đẽo ăn bám con suốt đời.
– Con có thể ở đây được chứ? Jack nói tình hình hoàn toàn yên ổn rồi, ông nói, Mark sẽ không đến quấy rầy con nữa đâu. Đêm nay ông sẽ khóa trái cổng trước và cổng sau, ổng sẽ làm cho ở đây an toàn.
– Được, mẹ nghĩ con cứ ở đấy như kế hoạch con đã vạch ra. Dĩ nhiên Jack bảo đảm an ninh ở đấy như thế là rất tốt, và ông ấy hành động với Mark như thế là đúng, có lẽ hắn sẽ ân hận việc hắn đã làm. Emsie và Desmond có khỏe không? Chắc hai đứa có ở đấy khi việc này xảy ra chứ?
– Hai đứa đi cưỡi ngựa. Nhưng chúng muốn chào mẹ, con chuyển điện thoại cho chúng đây, mẹ.
° ° °
Sau khi tắt máy, Paula ngồi một lát, suy nghĩ về những việc mà Jack và các con bà vừa nói với bà. Bà cũng đã nói chuyện với India và Evan. Mọi người đều có vẻ nhất trí với nhau rằng có thể có Jonathan Ainsley nhúng tay vào việc này.
Jonathan Ainsley. Anh em cô cậu ruột với bà và là kẻ thù không đội trời chung của bà. Kẻ thù với gia đình thân cận của bà. Kẻ thù của toàn gia tộc Harte. Và kẻ thù của cả gia tộc O�Neill và Kallinski nữa, vì hai gia tộc này là thông gia với gia tộc Harte. Bà biết y đã ghét bà và Emily, Winston và Shane từ khi còn nhỏ, khi y không có lý do gì để ghét họ. Lý do rất đơn giả, y là người xấu, lòng đầy ganh tị và tham lam.
Mới đây, y đã lôi kéo Mark Longden vào quỹ đạo của y bằng cách thuê Mark vẽ kiểu ngôi nhà mới của y tại Bắc Yorkshire. Mark đã cắn câu, bị lôi cuốn vào cuộc sống sa đọa của Jonathan, và điều không tránh khỏi là gã trở thành con tốt của Jonathan. Người anh họ của bà khỏi phải ra tay làm việc gì gây đau đớn cho bà, mà chỉ rỉ tai Mark Longden để gã gây ra nhiều chuyện rắc rối cho Tessa.
Bà không biết làm sao để giải quyết với Jonatham vào lúc này, nhưng cuối cùng bà sẽ tìm ra cách để thắng được y. Còn đối với Mark, bà đã có cách để làm cho gã không thể gây nguy hiểm cho con gái và cháu của bà. Ngày mai bà sẽ thực hiện các kế hoạch này.
Bà nhìn cái đồng hồ có hình cỗ xe ngựa trên bàn làm việc, thấy đã quá năm giờ, bà phân vân không biết có chuyện gì xảy ra cho Emily không. Dì ấy không thể đến dự buổi họp của hội đồng quản trị các công ty Harte được à? Dĩ nhiên là được chứ, Emily rất cần mẫn và…
– Xin lỗi tôi về quá trễ! – Emily thốt lên, bà vội vã đi vào thư viện, mặt hơi đỏ. – Ôi tuyệt quá, ở đây dễ chịu, mát mẻ quá. Ngoài trời như cái lò lửa. – Bỗng Emily ngừng nói, nhìn người chị ho và cau mày. – Có gì không ổn à, Paula? Sao trông chị có vẻ căng thẳng thế?
– Xin chào Emily, – Paula đáp, bà đi quanh cái bàn làm việc, đến hôn lên má người em họ. – Tôi vừa nghe một chuyện rất kinh khủng, nhưng bây giờ mọi việc đều yên ổn cả rồi. Lát nữa tôi sẽ nói cho dì nghe, bây giờ chúng ta uống tách trà đã nhé? Hay dì muốn uống trà đá?
Emily ngồi xuống ghế nệm dài, không rời mắt khỏi Paula, bà ta nói:
– Tôi uống trà đá cho mát. Tôi đi bảo Alice pha trà nhé?
– Không, không để tôi làm. Winston cũng sẽ từ Toronto về chứ? Tôi cần nói cho chị ấy biết chúng ta có bao nhiêu người ăn tối.
– Chỉ có chị và tôi thôi, cưng à. Winston hôm nay chưa về. Có lẽ ngày mai mới về và chắc Shane thứ sáu mới đến, theo đúng như kế hoạch.
– Đúng thế. Anh ấy sẽ đi chuyến máy bay sáng từ Nassan. Tối nay chúng ta là cặp góa phụ tạm thời. – Nói xong, Paula bước ra khỏi phòng, xuống bếp nói với Alice, người quản gia, rồi quay lại.
Bà đến ngồi vào cái ghế trước mặt Emily:
– Hôm nay ở Pennistone Royal có một chuyện rất lộn xộn xảy ra. – Paula nói, bà vắn tắt kể cho Emily nghe chuyện đã xảy ra ở Yorkshire.
Emily nghe xong, bà đáp:
– Chắc Tessa đã trải qua một ngày khủng khiếp, và thật nhờ Chúa mới tai qua nạn khỏi được như thế. Tình hình có thể diễn ra rất tệ. Mà này Paula, – Emily nghiêng người tới trước, nói tiếp bằng một giọng bình tĩnh hơn. – Tôi đồng ý với Linnet và Tessa, có lẽ ông Jonathan gian ác có dính dáng vào chuyện này, chắc ổng có tham gia với hắn.
– Tôi đồng ý, nhưng hiện tại tôi chưa nghĩ ra cách đối phó với lão ta. Tuy nhiên, tôi sẽ có cách làm cho Mark Longden tuân theo điều kiện của tôi. Tôi đã vạch ra được kế hoạch mới cách đây nửa giờ và tôi định ngày mai sẽ thực hiện kế hoạch.
° ° °
Sau khi Emily về phòng riêng nghỉ ngơi đợi giờ ăn tối, Paula ngồi nơi bàn làm việc một lát, suy nghĩ đến các kế hoạch hành động trong vài ngày sắp đến. Nhưng bỗng chiếc đồng hồ ngoài hành lang đánh giờ vang lên làm cho bà giật mình, sự tập trung tư tưởng biến mất.
Bà ngồi dựa lưng ra ghế, suy nghĩ về� Tessa, về đứa cháu ngoại Adele, và về những chuyện đã xảy ra ở Pennistone Royal trong ngày hôm nay. Thật nhờ ơn Chúa họ mới được bình an. Bà ước chi có Shane – chồng bà – ở đây. Bà quay đầu nhìn tấm hình để trên cái bàn tròn gần đấy, rồi bà đứng dậy, bước đến cái bàn.
Bà ngồi xuống cái ghế gần đấy, lấy khung ảnh có lồng bức hình của Shane lên xem, nụ cười nở trên môi bà. Bà nhớ nhiều năm trước, khi chồng bà đang còn là chàng trai hai mươi sáu tuổi, bà thấy ông tuyệt vời biết bao, khi ấy ông rất đẹp trai, và yêu đời. Bà Emma thường nói về ông như thế nào nhỉ? Bà thường nói ông rất quyến rũ. Và đấy là sự thật. Paula chưa bao giờ thấy ai, đàn ông hay đàn bà, có sức quyến rũ như thế. Tóc đen, mắt đen, ông đúng là dân Ireland. Đen một trăm phần trăm và bà thường trêu ông rằng ông đã hôn Tượng Đá Quyến Rũ. Nghe thế, ông đáp lại: “Anh thừa hưởng tài ăn nói lưu loát của ông nội”. Và bà thường trả lời: “Bà Emma nói ông Blackie đã hôn ba Tượng Đá Quyến Rũ”.
Bỗng bà nhìn sang tấm ảnh chụp Tessa, Lorne với Shane, và bà nghĩ: cuộc đời kể cũng thật vui. Chồng bà đã nuôi nấng dạy dỗ chúng như con ruột của mình từ khi chúng mới biết đi chập chững, và bà nghĩ Lorne đã yêu Shane biết bao, nhưng thỉnh thoảng bà vẫn tự hỏi, không biết Tessa nghĩ về ông ra sao.
Dĩ nhiên nó thương yêu ông. Paula tự nhủ. Mọi người đều thương yêu Shane. Bà ngoại. Mẹ mình. Winston Harte, người bạn thân nhất của ông, người thường tranh luận với ông khi họ còn là thanh niên. Và Emily nữa. Và Sally với Anthony Standish. Mọi người đều biết Shane là người nổi tiếng nhất trong ba gia tộc thông gia và các nơi khác.
Mắt bà nhìn qua những tấm ảnh khác, và khi bà thấy hình chụp họ hồi còn tuổi vị thành niên, bà bật cười thành tiếng. Một tấm hình chụp họ vào mùa hè ở tại Heron�s Nest (Tổ Diệc), ngôi nhà của bà Emma ở tại Scarborough bên bờ biển. Năm đó các chàng trai lập ban nhạc. Họ gọi ban nhạc là The Herons và dĩ nhiên Shane làm trưởng ban. Ông ấy còn chơi dương cầm và làm ca sĩ. Alexander chơi trống và chũm chọe, khi ấy ổng là “Chàng tóc hung đỏ” yêu dấu của bà, và tội nghiệp chàng đã chết từ lâu rồi. Michael Kallinski chơi khẩu cầm, Jonathan kéo vĩ cầm, Philip thổi sáo. Nhưng chính Winston cho mình là người quan trọng nhất, là thành phần có tài nhất trong nhóm. Chàng ăn mặc theo kiểu của Bix Beiderbecke, sau khi xem phim “Young man with a horn” (Người thanh niên có sừng), và cứ tưởng là mình cực kỳ tài giỏi. Họ rất thắc mắc là không biết chàng đã học thổi kèn đồng ở đâu, và Emma cười nhạt, nói rằng chàng không học ở đâu hết, và chuyện này làm cho vấn đề trở nên rắc rối. Lúc ấy họ đã tụ tập lại vui chơi với nhau thật vui.
Bà nhớ Shane là một phần của đời bà từ lâu. Bà đã chú ý đến ông từ khi mới bốn tuổi, còn ông thì tám tuổi, và ông đi đâu thì bà lẽo đẽo theo đấy.
Vào một buổi chiều mùa hè, Shane nói với bà, ông có sáng kiến rất kỳ diệu. Ông nói bà phải làm hoàng hậu Boadicea, lãnh tụ của người Anh thời trung cổ, và ông sẽ làm chồng bà, người yêu của bà. – Nhưng phải cải trang cho giống, – Shane nói. “Ta phải cải trang như thế nào cho giống?” – bà hỏi, cặp mắt màu tím chan chứ tình thương yêu và tự hào vì được làm bạn của ông. “Chúng ta phải sơn xanh”, – chú bé mới tám tuổi trả lời. Rồi chú bắt đầu sơn xanh hết cho cô bé, sau khi đã cởi áo của cô bé ra. Cô bé nhất quyết cứ mặc quần lót dài đến đầu, vì cô là một cô bé đoan trang. Sau đó bà Emma mừng vì cô đã làm thế. Ít ra thì chỉ có các lỗ chân lông bị bít thôi, như thế cô bé vẫn không sao. Tuy nhiên, Shane đã thuyết phục bà sơn xanh cho ông để hai người giống nhau, ông cũng mặc quần lót khi sơn. Thế là ông Blackie đến gặp bà Emma, yêu cầu trừng phạt đứa cháu nội của ông, và chú bé phải trả giá thật xứng đáng với trò nghịch ngợm của mình. Ông Blackie đã nói: “Đồ con nít tinh quái!”.
Paula cười thầm, bà nhớ cảnh bà Emma và ông Blackie đã tắm nước nhựa thông cho hai người… còn tệ hơn là bị đánh nữa.
Màu xanh, bà nghĩ, nhớ lại những viên đá hoa màu xanh dễ thương của bà, Shane đã làm sao đó để mất của bà. Ông đền lại cho bà những viên mới, nhưng không đẹp bằng, và thế là bà nghỉ chơi với ông một thời gian dài.
Thế rồi một hôm, khi họ đã khôn lớn, ông đem tặng cho bà cái hộp da nhỏ màu đỏ, khi bà mở hộp ra, bà sung sướng thấy trong hộp có đôi hoa tai bằng saphire thật đẹp. Shane cúi xuống hôn bà và nói: “Anh hy vọng đôi hoa tai làm cho em vừa ý… Chúng sẽ thay cho những viên đá hoa màu xanh mà anh đã làm mất khi em sáu tuổi, hay gần như thế.”
Rồi sau đó thật lâu, bà lấy Shane.
Phải, cuộc đời thật kỳ lạ, bà lại nghĩ. Họ cùng lớn lên với nhau, xa nhau khi ở tuổi vị thành niên, rồi ông đi học nội trú, học đại học, bà ít khi gặp ông.
Và rồi bà gặp Jim Fairley, ông làm việc cho bà Emma, hai người yêu nhau. Hay là bà nghĩ như thế. Rồi bà lấy Jim, sinh hạ cặp sinh đôi, là Tessa và Lorne.
Shane sang New York, để điều hành chuỗi khách sạn O�Neill ở bên kia bờ Đại Tây Dương. Nhưng ông không lấy vợ, bỗng họ nhận ra họ đã yêu nhau từ lúc nào.
Họ khám phá ra điều này trong nhà kho cũ kỳ diệu của Shane ở Milford, một ốc đảo thanh bình ở vùng quê của bang Connecticut. Và họ thề nguyền sẽ sống với nhau đến đầu bạc răng long. Dù sao cũng phải thế. Vì họ đã có ý định như thế từ lâu.
Trò đời kể cũng thật trớ trêu, bà lẩm bẩm một mình. Jim Fairley và bố bà – ông David Amory, đi nghỉ trượt băng ở Chamonix, đều bị chết trong một trận lở tuyết. Winston và Emily ngày hôm ấy không đi trược băng nên đã thoát chết. “Số họ chưa chết”, – Paula thì thào nói. Chính Emma cũng thường nói như thế. “Khi chưa đến số chết thì người ta cứ sống”.
Bà đau buồn cho Jim và bố bà một thời gian dài, bà khổ sở vì bà mang mặc cảm tội lỗi tày trời. Bà có tội vì đã xua đuổi Shane đi. Nhưng cuối cùng bà nhận ra bà yêu ông biết bao, và cần ông, bà nghĩ rằng ông là cả cuộc đời bà. Ông vẫn còn đấy.
° ° °
Mẹ của Evan, bà Marietta Hughes rất tức giận. Lại một lần nữa, ông Owen xử sự với thái độ cậy quyền, và bà cảm thấy muốn bóp cổ ông. Nhưng vì mẹ bà thường nói, không có người đàn ông nào đáng phải bị giết về tội xấu xa của họ hết, cho nên bà đành không dùng đến biện pháp gây chết chóc này.
Biện pháp bà phải dùng đến lúc này là cao chạy xa bay vài giờ cho hạ hỏa để bình tĩnh trở lại. Cho nên bà chụp cái xắc tay, lấy cái bao mua hàng giấu trong đống áo quần của bà ở trong tủ đã mấy ngày, rồi ra khỏi căn hộ. Thậm chí bà không vào trong phòng ngủ để chào ông mà đi. Chắc khi ông biết bà đi rồi, thế nào ông cũng lo.
Khi bà đi thang máy xuống tiền sảnh khách sạn, bà mong sao đừng gặp những người chủ của khác sạn, George và Arlette Thomas, nhất là Arlette, người bạn luôn muốn mời bà tách trà hay ly cà phê để nói chuyện phiếm về Evan. Bà nghĩ cái bà người Pháp này thương mến Evan và không có ý đồ gì có hại hết. Nhưng Marietta thường cảm thất thật khó chịu nếu bị buộc phải nói đến những người trong gia đình bà, nhất là Evan, người rất đặc biệt đối với bà.
May thay bà không bị ai gặp. Trời hôm ấy thật đẹp, chỉ hơi ẩm ướt thôi, nhưng bà mừng vì trời không mưa. Hôm qua trời mưa như trút. Bà ghét mưa. Owen cho rằng vì bà ở California đến, nhưng đấy không phải là lý do.
Ông không biết lý do bà ghét mưa. Vì cái ngày bất hạnh nhất của đời bà đã xảy ra trong mưa ở London… vào cái hôm khủng khiếp khiến cho đời bà như tan nát thành tro bụi, và bà cảm thấy như thể toàn thân bị nước mưa cuốn trôi. Phải, cuộc đời bà chấm dứt trong mưa vào ngày hôm ấy. Chỉ có sự hiện hữu mà thôi. Và từ khi ấy bà chỉ còn hiện hữu.
Chiếc taxi dừng lại trước mắt bà, bà bước vào, đưa cho tài xế địa chỉ ngân hàng của bà, rồi ngồi dựa người ra ghế. Bà sung sướng vì đã ra khỏi khách sạn mà không bị George hay Arlette chặn lại để nói chuyện, và bà mừng nhất là cái bao mua hàng giấu trong tủ quần áo được bà mang đi mà không ai trông thấy.
Marietta để cái xắc tay bên cạnh ở trên xe, nhưng cái bao mua hàng thì để trên lòng bà. Bà làm như thể đồ trong bao là chất nổ, nên phải cẩn thận. Bà không biết đồ trong bao có giúp gì bà không, nhưng bà biết rất rõ giá trị của nó.
Bỗng bà nghĩ rằng việc bà mở chương mục ở ngân hàng Barclays là khôn ngoan. Tiền bạc bà gởi không bao nhiêu, nhưng người trong ngân hàng này biết bà, và việc thuê thùng ký gởi an toàn không gặp khó khăn gì. Bà sẽ yên tâm khi gói hàng đã được gởi an toàn ở ngân hàng. Rồi bà sẽ đi đến cửa hàng Fortnum & Mason, uống cà phê ở nhà hàng ăn uống, có lẽ đi xem lướt qua cửa hàng một vòng. Có thể bà sẽ mua cái mũ, mặc dù bà biết bà không đi đâu đặc biệt để đội mũ. Nhưng bà thường thích mũ.
Thường thường bà sẽ đến cửa hàng Harte ở khu Thương xá Knightbridge để uống cà phê, nhưng bà sợ gặp Evan ở đấy. Họ làm như thể họ còn ở tại Conneticut và đến tuần sau mới đến London. Owen đã quyết định đến sớm hơn dự kiến. Ông nói: “Đến sớm để chúng ta có thì giờ quen múi giờ ở đấy”. – Nhưng bà nghĩ ông làm thế là có ý đồ. Ông muốn đến sớm hơn dự kiến là để làm cho Evan ngạc nhiên.
Marietta không thích như thế, nhưng bà giữ im lặng. Đã từ lâu bà không muốn tranh cãi với Owen. Hầu như lúc nào bà cũng giữ ý kiến riêng của mình; tuy nhiên, việc này không ngăn cấm được bà thực hiện kế hoạch riêng của bà và khi mà thái độ của ông có liên quan đến con gái của họ.
Owen luôn luôn tin ông có quyền với Evan. Chắc có lẽ ông xử sự như thể ông có quyền với Evan. Khi cô còn nhỏ, ông đã chiếm lấy con gái của họ, ông đẩy “bà” ra ngoài. Bà mất Evan vì ông chiếm hữ cô bé, mà có lẽ còn vì lỗi lầm của bà nữa. Bà nắm chặt cái bao mua hàng, mấy khớp tay trắng bệch khi bà nghĩ đến quá khứ. Thỉnh thoảng người ta làm cái gì đấy, chỉ là một việc nhỏ thôi, nhưng có thể thu được nhiều kết quả lâu dài.
Chiếc taxi dừng lại, bà bước nhanh xuống xe, trả tiền cho tài xế, rồi đi vào ngân hàng. Công việc rất dễ dàng… Chỉ trong mấy phút là bà đã để cái vậy quý giá vào ngăn gởi đồ an toàn và cất chìa khóa vào ví xách. Bây giờ sẽ không có gì nguy hiểm nữa, cái gói sẽ không bị mất hay bị trộm.
Chỉ sau đó một lát, khi bà ngồi uống cà phê trong nhà hàng Fortnum, bà lại nảy ra một ý nghĩ thật khủng khiếp. Nếu bà bệnh mà chết thì sao, hay là bị tai nạn, hay trở thành người mất trí thì sao? Cái gói trong ngăn ký gởi an toàn sẽ như thế nào? Chỉ có mình bà biết cái gói ấy mà thôi. Bà phải nói cho người nào biết mới được. Nhưng biết người nào đáng tin?
Marietta nhếch mép mỉm cười châm biếm, không có ai để cho bà tin cậy là vì bà không có ai quen đáng cho bà tin tưởng. Phải nhờ luật sư, bà nghĩ mình cần luật sư để làm di chúc. Phải, mình phải làm như thế. Bà có vài thứ giá trị muốn để lại. Cũng như cái gói trong ngăn ký gởi an toàn, sẽ để cho con gái Evan của bà. Người mà bà thương yêu nhất trên cõi đời này.