Chủ trại Nông Trang là ông Jones đã đóng cửa chuồng gà để đi ngủ, nhưng say quá nên không cài các cửa sập. Cầm cây đèn bão hắt thành quần sáng đung đưa qua lại, ông lảo đảo đi qua sân, rủ ủng qua cửa hậu, tới thùng bia trong bếp phụ châm một vại cuối ngày, rồi lên gác vào giường ngủ, nơi bà Jones đã o o ngáy kỹ.
Ánh sáng từ phòng ngủ vừa tắt, khắp khu chuồng trại đã lao xao nháo nhác hết cả. Suốt ngày hôm ấytrong trại đã truyền tin cho nhau rằng Ông Cả, con lợn giống Trung Bạch từng thắng giải đấu xảo ấy, vừa nằm mơ rất lạ vào đêm trước, nên có điều muốn trao đổi đến toàn thể súc vật ở trại. Tất cả đã thỏa thuận là toàn trại sẽ họp mặt trong nhà kho lớn ngay khi ông Jones rời đi yên ổn. Ông Cả (đây là cách gọi đã quen, chứ khi đi đấu xảo, tên nó ghi là Bạch Mao Willingdon) được cả trại tôn kính, con nào cũng sẵn sàng bớt một chút giờ ngủ để đến nghe điều nó muốn trình bày.
Ở đầu nhà kho lớn, trên cái bục dựng cao, Ông Cả đã sớm yên vị trong ổ rơm, dưới ngọn đèn bão treo trên rầm. Nó đã mười hai tuổi, tuy dạo này có hơi phệ, nhưng nhìn chung trông vẫn oai nghiêm, dáng vẻ thông tuệ và nhân từ bất chấp đôi răng nanh chưa bao giờ cắt. Chẳng mấy chốc các con vật khác lục tục tới, con nào con ấy tìm chỗ thoải mái theo thói quen loài mình. Đầu tiên là ba con chó: Hoa Chuông, Jessie và Hàm Nghiến, tiếp đến là đàn lợn, chúng ngồi xuống mặt rơm ngay trước cái bục cao. Gà mái đậu trên bậu cửa sổ, bồ câu vỗ cánh bay lên xà ngang, cừu và bò cái nằm xuống sau đàn lợn, ợ cỏ lên nhai lại. Đôi ngựa kéo xe thồ – Đấu Sĩ và Cỏ Ba Lá – vào cùng nhau, chậm rãi và cẩn thận lựa từng bước đặt bộ vó lớn rậm long, đề phòng giẫm phải con vật nhỏ nào lấp trong rơm. Cỏ Ba Lá là một chị ngựa đẩy đà hiền hậu, đã đến hồi trung tuổi, thân mình xổ ra sau bốn lần sinh nở không cách nào lấy lại dáng được. Đấu Sĩ than hình khổng lồ, cao gần mười tám gang tay, khỏe bằng hai ngựa thường. Sọc trắng dọc sống mũi khiến nó có vẻ hơi đần, và thực tình nó cũng không thuộc loại sáng láng gì lắm, nhưng được cái tính tình trung thực, sức làm việc chẳng ai bì, dê trắng Muriel và lừa Benjamin đi vào. Kể tuổi thì Benjamin già nhất trại, tính khí cũng khó chịu nhất hạng. Nó đã ít mở miệng thì chớ, hễ mở lại toàn buông ra những lời cay độc: chẳng hạn nó bảo trời cho nó cái đuôi xua ruồi, nhưng giá không có cái đuôi cũng chẳng có ruồi thì còn tốt hơn. Cả trại súc vật riêng mình nó không thấy cười bao giờ. Có ai hỏi, nó bảo nó chẳng thấy gì đáng cười sất. Tuy nhiên, dù không nói ra miệng, nó lại rất tận tình với Đấu Sĩ: mỗi Chủ Nhật lại thấy cả hai ở bên nhau trong bãi thả quay rào sau vườn quả, gặm cỏ cạnh nhau chẳng nói chẳng rằng.
Đôi ngựa vừa nằm xuống, đã thấy lứa vịt con mới mồ côi xếp hang một vào nhà kho, vừa chiếp chiếp yếu ớt vừa ngó dọc ngó ngang, tìm một chỗ tránh không bị xéo phải. Cỏ Ba Lá khoanh đôi chân trước to cộ thành bức tường bao lấy chúng, lũ vịt liền rúc vào nhau ở bên trong rồi lập tức ngủ thiếp. Mãi sau cùng mới thấy Mollie, ả ngựa bạch xinh xắn ngốc nghếch vẫn kéo xe ngựa cho ông Jones õng ẹo đi vào, vừa đi vừa nhai một viên đường. Nó chọn chỗ ngay phía trước rồi cứ lúc lắc bộ bờm trắng, cốt làm xung quanh để ý đến mấy dải nơ đỏ tết trên bờm. Sau rốt đến con mèo, như thường lệ, nó nhìn quanh kiếm chỗ nào ấm nhất, rồi lách vào giữa Đấu Sĩ và Cỏ Ba Lá, và ngồi đó rừ rừ mãn nguyện suốt cả bài phát biểu của Ông Cả mà chẳng để vào đầu chữ nào.
Giờ thì súc vật cả trại đã có mặt dù, chỉ trừ Tiên Tri, con quạ nhà, đang ngủ trên cây sào sau cửa hậu. Khi Ông Cả thấy mọi con đề đã ngồi ấm chỗ và chăm chú chờ đợi, nó hắng giọng và bắt đầu:
“Hỡi các đồng chí! Các đồng chí đều đã nghe nói tới giấc mơ kỳ lạ của tôi đêm qua. Nhưng chuyện giấc mơ tôi sẽ nói sau. Có một điều khác tôi cần nói trước. Thưa các đồng chí, tôi không nghĩ mình còn ở lại với các đồng chí được nhiều tháng nữa, thế nhưng trước khi chết tôi thấy mình có bổn phận truyền đạt lại những điều tôi đã chiêm nghiệm bấy lâu. Tôi đã sống khá lâu rồi, đã có nghiều thời gian nằm một mình trong chuồng mà suy ngẫm, và tôi dám nói mình thấu hiểu bản chất cuộc sống trên trái đất này hơn bất cứ con vật nào hiện đang còn sống. Đấy chính là điều tôi muốn nói với các đồng chí hôm nay.
“Giờ các đồng chí hãy nghĩ thử xem, bản chất cuộc sống của chúng ta đây là như thế nào? Chúng ta cứ nhìn thẳng vào sự thực: đời chúng ta vừa khổ sở, vừa nặng nhọc, lại ngắn ngủi. Chúng ta được sinh ra, chúng ta được nuôi ăn vừa đủ cầm hơi mà sống, ai có khả năng thì bị buộc làm việc cho đến khi sức cùng lực kiệt, và ngay khi không còn hữu ích nữa là ta sẽ bị xẻ thịt một cách dã man không thương xót. Khắp nước Anh không con vật nào quá một tuổi mà còn biết thế nào là sung sướnghay nhàn nhã. Khắp nước Anh không con vật nào được tự d. Đời con vật là đời khổ cực, nô lệ: sự thực rành rành là thế.
“Nhưng có phải đấy là quy luật tự nhiên sẵn có hay không? Có phải mảnh đất dưới chân ta đây cằn cỗi đến nỗi không cung cấp được một cuộc sống đủ đầy cho những ai sống trên đó? Không đâu, các đồng chí ạ, một ngàn lần không! Đất đai nước Anh màu mỡ, khí hậu nước Anh thuận hòa, thừa đủ cung cấp thức ăn dồi dào cho một lượng súc vật lớn hơn nhiều hiện tại. Chi riêng trang trại chúng ta cũng đủ nuôi sống một tá ngựa, hai chục bò, hàng tram cừu – mà đấy là sống tiện nghi và phẩm giá vượt xa những gì ta có thể hình dung được. Vậy thì tại sao, tại sao chúng ta cứ sống mãi trong cảnh lầm than này? Đấy là vì gần như toàn bộ sản phẩm sinh ra từ lao động của ta đều bị con người cướp mất. Chính đấy, hỡi các đồng chí, là lời giải đáp cho mọi vấn đề của chúng ta. Tất cả chỉ tóm gọn trong một chữ: Người. Người là kẻ thù thực sự duy nhất của chúng ta. Chỉ cần loại bỏ Người, thì sẽ nhổ phăng vĩnh viễn được gốc rễ của đói kém và lao lực quá độ.
“Người là sinh vật duy nhất chỉ tiêu thụ chứ không sản xuất. Hắn ta không cho sữa, hắn ta không đẻ trứng, hắn ta yếu sức không kéo nỗi cày, hắn ta chạy chậm không bắt nổi thỏ. Thế mà hắn ta lại là chúa tể của mọi loài vật. Hắn bắt chúng ta làm việc, rồi thí cho phần tối thiểu để ta không chết đói, còn thì hắn ta giữ tất cho mình. Chính nhờ sức chúng ta mà đồng ruộng được cày, nhờ phân chúng ta mà đất thêm màu mỡ, nhưng trong chúng ta có ai sở hữu được gì hơn bộ da bọc xương? Các chị bò trước mặt tôi đây, năm vừa qua các chị đã cho bao nhiều nghìn ga long sữa? Sữa ấy đáng ra phải dành để nuôi lớn những chú bê lực lưỡng, giờ thì đã đi đâu cả rồi? Thì từng giọt đã đổ vào họng kẻ thù của chúng ta. Còn các chị gà mái, riêng năm qua các chị đã đẻ bao nhiêu quả trứng, và bao nhiêu trong ấy được nở thành những chú gà con? Tất cả số còn lại đã đi ra chợ để túi tiền của Jones và đám người làm thêm nặng. Chị nữa, chị Cỏ Ba Lá, bốn cô cậu ngựa chị đã sinh ra, đáng lẽ phải là niềm vui và chỗ dựa khi chị tuổi cao sức yếu, giờ đâu hết rồi? Chúng nó vừa lên một là bị bán – chị chẳng bao giờ còn được gặp đứa nào nữa. Đổi lại bốn lần nằm bếp cùng cả đời cật lực trên đồng ruộng – chị được gì ngoài bữa ăn mạt hạng với bốn vách chuông?
“Đã khổ cực như thế mà chúng ta cũng không được quyền sống hết tuổi thọ trời cho nữa. Tôi thì không có gì phàn nàn cho bản thân, tôi thuộc vào số may mắn. Tôi đã sống mười hai tuổi và đã có hơn bốn trăm đứa con. Cuộc sống tự nhiên của loài lợn là thế. Nhưng rốt cuộc chẳng con vật nào thoát khỏi lưỡi dao ác nghiệt. Mấy chú lợn thịt ngồi trước mặt tôi đây, chỉ trong một năm nữa từng chú một rồi sẽ gào thét mà trút hơi thở cuối cùng trên mặt thớt. Cái kết cuộc kinh hoàng ấy đợi sẵn từng kẻ trong chúng ta: bò hay lợn, gà hay cừu, không chừa ai hết. Cả ngựa với chó cũng đừng mong thoát được. Anh Đấu Sĩ, cái ngày những bắp thịt vạm vỡ kia xọp đi cũng là ngày Jones bán anh cho tay hàng thịt ngựa, kẻ sẽ cắt cổ anh rồi luộc chín, ném cho lũ chó săn cáo. Còn mấy chị chó kia, khi nào các chị thân già răng rụng, Jones sẽ buộc gạch vào cổ các chị mà đem dìm xuống cái ao hắn gặp lần đầu tiên.
“Vậy chẳng phải rõ như ban ngày, hỡi các đồng chí, rằng tất cả nưhngx điều tàn ác đổ xuống đời chúng ta đây đều do ách chuyên chế của con người mà ra? Chỉ cần loại bỏ Người là mọi sản phẩm từ lao động của ta đều sẽ thuộc về ta. Gần như tức thì ta sẽ được tự do và giàu có. Như vậy hỏi ta phải làm gì? Tất nhiên là phải phấn đấu ngày đêm, cống hiến trọn tinh thần và sức lực để mà lật đổ loài người! Thông điệp của tôi cho các đồng chí chỉ có một lời đó thôi: Khởi nghĩa! Tôi không biết khi nào thì Khởi nghĩa sẽ nổ ra, có thể tuần sau mà cũng có thể một trăm năm nữa, những tôi biết, rành rành như tôi biết có ổ rơm dưới chân mình đây, rằng sớm hay muộn công lý cũng sẽ được thực thi. Hãy kiên định mục đích ấy, hỡi các đồng chí, trong suốt quãng đời ngắn ngủi còn lại của mình! Và trên hết, hãy truyền lại thông điệp của tôi cho lớp hậu sinh, để các thế hệ về sau tiếp tục đấu tranh cho đến ngày thắng lợi.
“Và xin nhớ cho, các đồng chí ạ, phải cương quyết đừng bao giờ dao động. Đừng để luận điệu xuyên tạc đánh lạc hướng. Đừng nghe kẻ nào rao giảng rằng Người và súc vật có chung quyền lợi, rằng thịnh vượng của bên này cũng là phát đạt của bên kia. Chỉ rặt là dối trá thôi. Con người không vì quyền lợi của bất kỳ sinh vật nào khác ngoài chính bản thân hắn. Còn giữa loài vật chúng ta với nhau, cần phải tuyệt đối đoàn kết, tuyệt đối đồng tâm đồng chí đấu tranh. Mọi con người đều là kẻ thù. Mọi con vật đều là đồng chí.
Đúng lúc ấy xảy ra náo loạn ầm ĩ. Trong lúc Ông Cả phát biểu, có bốn con chuột lớn bò từ trong hang chuột ravaf ngồi xổm lắng nghe. Bầy chó bất chợt nhìn thấy, và may nhờ trong tích tắc vẫn kịp chui tọt vào hàng mà lũ chuột mới toàn mạng. Ông Cả giơ móng lên đề nghị trật tự.
“Các đồng chí,” nó nói, “có một điểm ta cần thống nhất ngay bây giờ. Các động vật hoang như chuột hay thỏ, họ là bạn hay là kẻ thù của chúng ta? Chúng ta hãy đưa ra bỏ phiếu. Tôi xin đặt câu hỏi với hội nghị: Chuột có phải là đồng chí không?”
Cuộc bỏ phiếu nhoáng cái đã xong, đa số áp đảo công nhận chuột cũng là đồng chí. Phiếu chống chỉ có bốn, ba con chó và con mèo, mà như sau này phát hiện, mèo ta đã bỏ hai đằng. Ông Cả tiếp tục.
“Tôi không cần nhiều lời nữa. Tôi chỉ muốn nhắc lại, luôn luôn các đồng chí phải nhớ bổn phận là căm thù Người cùng những thói tục của Người. Bất cứ thứ gì đi hai chân đều là kẻ thù. Bất cứ thứ gì đi bốn chân hay có cánh đều là bằng hữu. Và phải nhớ thêm rằng, đã chiến đấu chông lại Người, chúng ta không được thay đổi thành ra giống như chúng. Kể cả sau này khuất phục được chúng rồi, các đồng chí cũng không được tiêm nhiễm các thói hư tật xấu của chúng. Không con vật nào được phép sống trong nhà, hoặc ngủ trên giường, hoặc mặc quần áo, hoặc uống bia rượu, hoặc hút thuốc lá, hoặc dung đến tiền, hoặc trao đổi buôn bán. Mọi thói quen của Người đều xấu. Và trên hết, không con vật nào được phép áp chế giống loài mình. Yếu hay khỏe, khôn ngoan hay chất phác, chúng ta cũng là an hem. Không con vật nào được giết hại một con vật khác. Mọi con vật đều bình đẳng.
“Giờ thì, các đồng chí ạ, tôi sẽ kể lại giấc mơ đêm qua. Tôi không đủ lời lẽ mà mô tả lại giấc mơ ấy cho các đồng chí. Đấy là giấc mơ về mặt đất này một mai khi Người đã hoàn toàn vắng bóng. Nhưng nó lại khiến tôi nhớ lại một điều tôi đã quên từ lâu lắm. Rất nhiều năm trước, khi tôi còn là một chú lợn con, mẹ tôi cùng các bà lợn nái vẫn thường hát một bài hát cổ mà họ chỉ nhớ giai điệu cùng bốn chữ đầu. Từ tấm bé tôi đã thuộc giai điệu ấy nhưng đã quên bẳng từ lâu rồi. Song đêm qua trong giấc mơ, giai điệu kia đã trở về với tôi. Không chỉ thế mà cả lời ca cũng trở lại – tôi tin chắc đấy là những lời giới súc vật kia đã hát, những lời đã phai khỏi trí nhớ nhiều thế hệ nay. Tôi sẽ hát bài đó cho các đồng chí nghe. Tôi đã già rồi, giọng cũng đã khàn, nhưng được tôi dạy giai điệu rồi thì các đồng chí có thể tự hát hay hơn. Bài hát tên là Súc vật Anh quốc.
Ông Cả húng hắng giọng rồi cất tiếng hát. Đúng là giọng nó hơi khan như đã nói, nhưng nó vẫn hát rất khỏe, và giai điệu bài hát khá náo nức, lai giữa giai điệu Song thất và Lục bát. Lời hát như thế này:
Súc vật Ai Len và Anh quốc
Ở đất này hay thuộc nơi đâu
Nghe tin báo trước từ lâu
Về tương lai đó một màu sáng tươi
Sớm muộn gì ngày vui cũng đến
Lũ người kia sẽ xuống bùn đen
Đồi xanh cho chí ruộng vườn
Để riếng súc vật an nhàn dạo chơi
Mũi ta thôi bị cùm đồng siết
Vai ta đâu còn ách cày bừa
Roi đòn ngừng quất sớm trưa
Hàm thiếc đinh sắt cũng vừa gỉ han
Tới ngày đó giàu sang khó tả
Biết bao nhiêu cả nả, cửa nhà
Lúa, ngô, khoai, sắn, đậu, cà
Của mình cả đấy ai mà dám tranh
Đồng ruộng sẽ bừng lên xán lạn
Nước trong nguồn hết cạn lại đầy
Gió trời vi vút thế này
Là mừng súc vật đến ngày tự do
Vì ngày đó chúng ta chung sức
Dẫu thân này chết trước bình minh
Ngựa bò gà ngỗng súc sinh
Nhất tề tranh đấu mà giành tự do
Súc vật Ai Len và Anh quốc
Ở đất này hay thuộc nơi đâu
Nghe tin thời báo cho mau
Kìa tương lai đó một màu sáng tươi.
Bài hát khiến đám thú vật phấn khích vô kể. Ông Cả còn chưa hát hết bài, chúng đã bắt chước hát theo. Cả những con vật trì độn nhất cũng đã nhớ được giai điệu cùng vài chữ lõm bõm, còn những con thông minh như lợn hay chó thì chỉ vài phút là thuộc long cả bài. Rồi sau vài lần duyệt thử, cả trại hát vang Súc vật Anh quốc thành một dàn đồng ca rộn rã. Đàn bò rống lên, lũ chó tru lên, đám cừu be lên, tốp ngựa hí lên, bầy vịt quạc lên. Chúng hào hứng với bài ca đến nỗi hát liền một mạch năm lần không nghỉ, và chắc sẽ còn hát đến sáng nếu không bị ngăn cản giữa chừng.
Không may là tiếng ồn ào đã đánh thức ông Jones, ông ta lập tức bật dậy khỏi giường, tin chắc là có cáo vào trong sân. Tóm vội cây sung vẫn dựng góc phòng ngủ, ông ta bắn một tràng đạn số 6 vào bóng tối. Loạt đạn găm vào tường nhà kho, cuộc hội họp cuống cuồng giải tán. Con nào con ấy chạy về chỗ ngủ của mình. Bầy chim bay lên sào, đám thú nằm xuống rơm, và trong chốc lát cả trại đã thiếp ngủ.