Chuyện Dài Bất Tận

Chương 2: Chọn atréju



Bình thường những buổi hội họp liên quan đến sự hưng thịnh của vương quốc Tưởng Tượng đều diễn ra tại triều đình, nơi đặt ngai vàng. Nội điện nằm trong Tháp Ngà, phía dưới Mộc lan đình chỉ vài tầng.

Nhưng giờ đây căn phòng tròn rộng này đầy tiếng thì thào. Bốn trăm chín mươi chín thầy thuốc giỏi nhất toàn vương quốc Tưởng Tượng tụ về đây. Họ họp thành những nhóm to, nhóm nhỏ thì thầm bàn tán. Người từ mấy ngày trước, người mới đây – vị nào cũng đều đã chẩn bệnh cho Nữ-thiếu-hoàng – và vị nào cũng cố đem hết tài sức chữa cho bà. Nhưng không ai chữa khỏi, không ai biết bà bị bệnh gì và vì nguyên do nào, phải chữa ra sao. Vị thứ năm trăm – người thầy thuốc nổi tiếng nhất vương quốc Tưởng Tượng, người được truyền tụng rằng không cây thuốc nào, không bùa phép nào, không bí mật nào của thiên nhiên mà ông không biết – hiện đang thăm bệnh Nữ-thiếu-hoàng được mấy tiếng đồng hồ rồi và mọi người căng thẳng chờ kết quả chẩn bệnh của ông.

Nhưng đương nhiên ta không nên hình dung sự tụ họp này giống như một đại hội y sĩ nơi thế giới con người. Dĩ nhiên trong vương quốc Tưởng Tượng có nhiều sinh linh mang hình thù ít nhiều giống con người, đồng thời cũng có nhiều sinh linh giống thú vật hay những sinh thể với cấu trúc hoàn toàn khác hẳn. Những kẻ đưa tin đang hối hả nhốn nháo ngoài kia thuộc bao nhiêu chủng loại thì giới y sĩ trong này cũng như thế. Có những thầy thuốc lùn râu bạc gù lưng, lại có những bà lang tiên nữ trong y phục óng ánh màu xanh bạc, sao trời lấp lánh trên mái tóc, có thủy thần bụng bự mà tay chân có màng bơi (bồn tắm ngồi được bầy riêng cho họ), thì cũng có những thầy thuốc rắn trắng nằm cuộn tròn trên cái bàn dài kê giữa phòng, có những nàng tiên ong, thậm chí có cả phù thủy, dơi hút máu và những bóng ma, những thứ nói chung bị coi là không mấy lợi cho sức khỏe.

Để hiểu về sự hiện diện của những người vừa kể thì nhất thiết phải biết như sau:

Nữ-thiếu-hoàng – như danh hiệu cho thấy – tuy là bà chúa của biết bao đất nước trong vương quốc Tưởng Tượng mênh mông, nhưng trên thực tế bà khác một bà chúa bình thường rất nhiều, hay nói đúng hơn: khác hẳn.

Bà không cai trị, cũng chưa hề dùng bạo lực hay sử dụng quyền lực của mình, bà không ra lệnh, không xử tội ai, bà không can thiệp vào chuyện gì và không hề phải chống lại kẻ thù nào, vì chẳng ai nghĩ đến chuyện nổi loạn hay làm phương hại đến bà. Với bà thì ai cũng bình đẳng như ai.

Bà chỉ hiện diện thế thôi, nhưng hiện diện theo cách đặc biệt: bà là trung tâm của mọi đời sống trong vương quốc Tưởng Tượng.

Mỗi sinh linh ở đó, dù hiền hay ác, dù đẹp hay xấu, dù vui tính hay nghiêm nghị, dù khờ dại hay sáng suốt, tất cả, tất cả đều chỉ hiện hữu nhờ có sự hiện hữu của bà. Không có bà thì họ không thể tồn tại, y như cơ thể con người không thể tồn tại nếu thiếu trái tim.

Không ai hiểu thấu hết điều bí mật này của bà, nhưng mọi người đều biết như thế. Cho nên mọi sinh linh trong vương quốc Tưởng Tượng đều kính trọng và quan tâm đến sinh mạng của bà. Vì cái chết của bà sẽ đồng thời là cái chết của mọi người, là sự suy tàn của vương quốc Tưởng Tượng mênh mông.

Bastian nghĩ sang chuyện khác.

Nó lại chợt thấy hiện ra trong hồi ức cái hành lang dài trong nhà thương, nơi người ta giải phẫu mẹ nó. Nó cùng với bố ngồi chờ nhiều giờ trước phòng giải phẫu. Các bác sĩ và y tá đi qua đi lại. Khi bố hỏi về tình trạng của mẹ thì chỉ nghe họ đánh trống lảng. Có vẻ không người nào biết rõ về tình trạng của mẹ. Sau cùng có một ông đầu hói, áo choàng trắng, vẻ mệt mỏi và u uất. Ông bảo bố con nó rằng ông lấy làm tiếc vì mọi cố gắng đều đã vô ích. Ông bắt tay hai bố con, lẩm bẩm “thành thật chia buồn”.

Sau đó quan hệ giữa bố và Bastian trở nên khác hẳn.

Không phải chỉ bề ngoài, vì Bastian có đủ mọi thứ nó muốn. Nó có cái xe đạp ba số[1], một xe lửa chạy điện, nhiều viên thuốc bổ, năm mươi ba quyển sách, một con chuột lông vàng[2], một hồ nuôi cá nước ấm, một máy ảnh nhỏ, sáu con dao bỏ túi và đủ thứ linh tinh. Nhưng nói chung nó không ưa tất cả những thứ ấy.

[1] Có nhiều xe đạp được gắn cần số để thay đổi vận tốc. Ít nhất là 3 số, có những xe tới hơn 20 số.

[2] Có nơi gọi là con “bọ”.

?Bastian nhớ lại rằng trước đây bố thường thích đùa với nó. Thỉnh thoảng bố còn kể hay đọc truyện cho nó nghe nữa cơ. Nhưng từ dạo ấy là hết. Nó không trò chuyện được với bố. Như có một bức tường vô hình quanh bố, không ai xuyên qua nổi. Bố không hề rầy la, cũng chẳng ngợi khen. Kể cả khi Bastian phải ở lại lớp bố cũng chẳng nói năng gì. Bố chỉ lơ đãng rầu rĩ nhìn nó và Bastian cảm thấy như bố không có ở đó. Nó thường cảm thấy như thế khi ở gần bố. Tối tối, khi hai bố con ngồi trước máy truyền hình thì Bastian để ý thấy bố không hề xem mà nghĩ ngợi tận nơi đâu xa lắm mà nó không thể tới nổi. Hay đôi khi hai bố con cùng xem một quyển sách thì Bastian thấy bố chẳng đọc gì cả mà cứ nhìn cả giờ đồng hồ vào cùng một trang, chứ không lật tiếp.

Bastian biết bố buồn. Chính nó hồi đó cũng đã khóc nhiều đêm dài, khóc đến nôn ọe, nhưng dần dần cũng qua. Với lại nó còn đây cơ mà. Sao bố không bao giờ trò chuyện với nó về mẹ, về những chuyện quan trọng, mà chỉ toàn nói về những chuyện cần thiết nhất thôi?

– Phải chi ta biết được, một ông thần lửa cao nhòng, gầy nhom có bộ râu bằng lửa đỏ nói, bệnh của bà do đâu mà ra. Bà không sốt, không sưng chỗ nào cả, không nổi ban, không bị viêm. Cứ như bà đang kiệt quệ vậy. Không biết tại sao.

Sau mỗi câu nói miệng ông lại phun ra một bụm khói, rồi nó biến thành những hình thù. Lần này là hình một dấu chấm hỏi.

Một con quạ già rụng lông, trông như một củ khoai to mà ai đó đã cắm ngang dọc lên đó vài cọng lông đen, quác quác trả lời (y là chuyên gia về bệnh cảm lạnh):

– Bà không ho, không sổ mũi, thật hoàn toàn không phải là bệnh tật theo nghĩa y học.

Y đẩy cái kính to xù trên mỏ nhìn những người đứng chung quanh vẻ thách thức.

– Có một điều theo tôi là rõ ràng, tiếng một con bọ hung kêu vo vo (bọ hung đôi khi còn được gọi là “người vo viên thuốc tễ”), giữa bệnh của bà và những chuyện đáng sợ mà những kẻ đưa tin từ khắp vương quốc Tưởng Tượng báo cho chúng ta biết có mối liên quan đầy bí ẩn.

– Thôi đi ông, một con mực đực giễu cợt phản đối, ông thì lúc nào và chỗ nào cũng thấy liên quan đầy bí ẩn cả.

– Còn ông chẳng đời nào nhìn qua nổi vành lọ mực của ông! Con bọ hung nổi cáu kêu vo vo.

– Thôi mà các đồng nghiệp! Một bóng ma má hóp mặc áo choàng trắng dài khóc thút thít xen vào. Chúng ta không muốn lâm vào những tranh cãi cá nhân, không khách quan. Và nhất là xin các vị làm ơn nói nhỏ lại cho!

Những cuộc trò chuyện tương tự như thế diễn ra trong khắp đại sảnh đặt ngai vàng. Có thể ai đó ngạc nhiên sao các sinh linh khác nhau đến thế lại hiểu nhau được. Nhưng vì ở vương quốc Tưởng Tượng hầu hết mọi sinh linh, kể cả thú vật, đều thông thạo ít nhất hai thứ tiếng: một là tiếng của riêng họ, chỉ nói với kẻ cùng chủng loại mà người ngoài không ai hiểu cả, hai là tiếng phổ thông, người ta gọi là tiếng Tưởng Tượng chuẩn, hay Ngôn ngữ lớn. Ai cũng biết thứ tiếng này, tuy vẫn có kẻ sử dụng một cách hơi khác thường.

Chợt căn phòng trở nên yên ắng hẳn, mọi cặp mắt đổ dồn về cái cửa ra vào lớn có hai cánh vừa mở ra. Cairon, bậc thầy nổi tiếng với nhiều huyền thoại được thêu dệt về nghề thuốc, bước vào.

Lão là một sinh linh mà xưa kia người ta gọi là Người-ngựa[3]. Lão mang hình thù con người cho tới hông, phần còn lại là của cơ thể ngựa. Cairon là một Người-ngựa-đen, quê lão ở xa lắm, tuốt dưới miền Nam. Vì thế mà phần giống người của lão đen như gỗ mun, chỉ có tóc và râu là trắng và xoăn, phần ngựa lại có sọc như ngựa vằn. Lão đội một cái mũ kỳ dị đan bằng cói. Lão đeo quanh cổ một sợi dây chuyền gắn một tấm bùa lớn bằng vàng có hình hai con rắn, một trắng một đen, ngậm đuôi nhau thành một hình bầu dục.

[3] Nguyên văn “Zentaur”: sinh linh nửa người nửa ngựa theo thần thoại Hy Lạp.

Bastian sửng sốt nín thở. Nó gấp sách lại – song vẫn cẩn thận để ngón tay làm dấu – nhìn kỹ lần nữa cái bìa. Đúng là hai con rắn ngậm đuôi nhau thành hình bầu dục! Dấu hiệu lạ lùng này có nghĩa gì nhỉ?

Ở vương quốc Tưởng Tượng ai cũng biết tấm mề đay này mang ý nghĩa: đây là người được Nữ-thiếu-hoàng giao sứ mạng và có quyền nhân danh bà hành động, như thể chính bà hiện diện.

Ai cũng biết tên nó là AURYN. Người ta đồn rằng nó ban cho kẻ đeo nó những sức mạnh huyền bí, tuy không rõ thật hư.

Nhưng có nhiều người kiêng cái tên này, chỉ gọi nó là “Bảo vật” hay “Biểu trưng” hay Pantakel[4] hoặc đơn giản là “Hào quang”.

[4] Do M. Ende tự đặt ra, không có trong từ vựng Đức, nghĩa chắc cũng tương tự như “Bảo vật”.

Hóa ra quyển sách này cũng mang “Biểu trưng” của Nữ-thiếu-hoàng!

Tiếng rì rầm lan khắp căn phòng, có cả dăm ba tiếng kêu sửng sốt. Đã từ lâu lắm rồi không ai được giao phó “Bảo vật” này.

Cairon giậm chân ngựa vài cái cho đến lúc lắng tiếng huyên náo, rồi trầm giọng nói:

– Xin các bạn đừng quá ngạc nhiên, tôi chỉ đeo AURYN một thời gian ngắn thôi. Tôi chỉ là người chuyển giao. Chẳng bao lâu nữa tôi sẽ trao “Hào quang” này cho một kẻ xứng đáng.

Căn phòng im lặng đến căng thẳng.

– Tôi không muốn dùng lời hoa mỹ hòng làm giảm nhẹ sự thất bại của chúng ta, Cairon nói tiếp. Tất cả chúng ta đều bất lực trước chứng bệnh của Nữ-thiếu-hoàng. Chúng ta chỉ biết rằng sự hủy diệt vương quốc Tưởng Tượng đã đồng thời đến với chứng bệnh này. Chúng ta không biết nhiều hơn nữa, kể cả điều y thuật sẽ cứu được bà không. Nhưng có thể là – và tôi mong rằng không ai trong các bạn thấy bị xúc phạm khi tôi nói thẳng điều này – có thể là chúng ta, những kẻ đang tụ họp ở đây, không đủ kiến thức, không đủ thông tuệ. Điều hy vọng cuối cùng và duy nhất của tôi là ở đâu đó trong vương quốc bao la này còn có một sinh linh, sáng suốt hơn chúng ta, cho chúng ta lời khuyên và sự giúp đỡ. Nhưng điều này hoàn toàn không có gì chắc chắn cả. Bất luận khả năng cứu giúp ấy ở đâu thì một điều chắc chắn vẫn là: để tìm ra phương thuốc cần phải có một người biết tìm dấu vết, biết phát hiện lối đi ở những nơi khó đi, không lùi bước trước hiểm nguy gian khổ, nói gọn: cần một anh hùng. Và Nữ-thiếu-hoàng đã cho tôi biết tên vị anh hùng ấy, người được bà giao phó số phận của bà và của toàn thể chúng ta: tên y là Atréju, sống tại Biển Cỏ sau Núi Bạc. Tôi sẽ trao AURYN cho y và phái y vào cuộc đại tìm kiếm. Giờ thì các bạn rõ cả rồi đấy.

Nói xong lão Người-ngựa liền bước huỳnh huỵch ra khỏi phòng.

Những người còn lại ngơ ngác nhìn nhau.

– Tên người anh hùng ấy là gì? Một người hỏi.

– Atréju hay sao đó, người khác đáp.

– Chưa hề nghe! Người thứ ba lẩm bẩm. Và bốn trăm chín mươi chín thầy thuốc thảy đều lắc đầu đầy âu lo.

Đồng hồ trên tháp điểm mười giờ. Bastian ngạc nhiên sao thời gian đi nhanh thế. Trong lớp học thì thông thường mỗi giờ đối với nó như kéo dài vô cùng tận. Lúc này lớp nó ở dưới kia đang có tiết Sử của thầy Droehn gầy gò, hay cáu gắt, ông đặc biệt thích đem Bastian ra làm trò cười trước cả lớp, chỉ vì nó không thể nào nhớ nổi các trận đánh xảy ra vào những năm nào hay ngày sinh và thời gian cầm quyền của những nhân vật nào đó.

Biển Cỏ nằm sau Núi Bạc, cách Tháp Ngà rất nhiều ngày đường. Đó là một thảo nguyên mênh mông và bằng phẳng như biển cả. Cỏ căng nhựa mọc cao bằng đầu người, khi gió lùa qua thì đồng cỏ nhấp nhô như sóng trên đại dương và rì rào như nước chảy.

Dân sống ở đây có tên là “Người cỏ” hay “Người-da-xanh”. Tóc họ xanh đen, cả đàn ông cũng để dài, đôi khi tết thành bím, da họ màu xanh lục sẫm hơi ngả sang nâu, giống như màu trái ô-liu. Họ sống cuộc đời đạm bạc, khắc khổ và vất vả; con cái họ – trai cũng như gái – được dạy dỗ thành người dũng cảm, hào hiệp và biết tự hào. Chúng phải học chịu đựng nóng lạnh, thiếu thốn ghê gớm và phải chứng tỏ được can đảm. Điều này cần thiết vì Người-da-xanh là một dân tộc săn bắn. Mọi thứ cần cho sinh hoạt họ đều làm từ loại cỏ cứng đầy xơ của thảo nguyên hay từ giống trâu đỏ màu huyết dụ vẫn kéo từng bầy qua Biển Cỏ.

Loài trâu đỏ này to gần gấp đôi trâu bò thường, lông màu huyết dụ dài óng ánh như tơ và cặp sừng rất lớn nhọn hoắt cứng tựa dao găm. Bình thường chúng rất hiền, nhưng khi gặp nguy hay bị tấn công thì chúng trở nên thật đáng sợ như sức mạnh của thiên nhiên. Không ai, trừ những Người-da-xanh, dám săn giống thú này, mà họ lại chỉ săn bằng cung tên. Họ chuộng lối đánh nhau nghĩa hiệp, cho nên vẫn thường xảy ra chuyện không phải con mồi bị chết mà là kẻ đi săn. Người-da-xanh quý trọng và hâm mộ trâu đỏ màu huyết dụ nên cho rằng chỉ những ai sẵn sàng chịu bị chúng húc chết mới được quyền săn chúng.

Tin về bệnh tật của Nữ-thiếu-hoàng và tai họa đang đe dọa toàn vương quốc Tưởng Tượng chưa truyền tới đất nước này. Lâu lắm rồi không có khách lữ hành nào ghé vào lều trại của Người-da-xanh. Bấy giờ cỏ căng nhựa hơn bao giờ hết; ngày sáng, đêm đầy trăng sao. Mọi sự có vẻ như đều tốt lành cả.

Nhưng một ngày nọ một lão Người-ngựa-đen tóc bạc phơ đến khu lều trại. Mồ hôi nhỏ giọt từ bộ lông, trông lão có vẻ kiệt sức, khuôn mặt râu ria hom hem. Lão đội một cái mũ kỳ dị đan bằng cói, cổ đeo dây chuyền gắn một tấm bùa lớn bằng vàng. Đó chính là lão Cairon.

Lão đứng giữa khu đất trống, chung quanh là các ngôi lều dựng theo vòng tròn, cứ thế xích dần ra ngoài. Đó là nơi các bô lão họp bàn, cũng là nơi vào ngày hội mọi người nhảy múa, ca hát những bài hát cổ xưa. Lão đứng chờ và nhìn quanh, nhưng chỉ thấy toàn ông già bà cả, trẻ con chen lấn quanh lão, tò mò nhìn lão chòng chọc. Lão sốt ruột giậm chân ngựa.

– Các nhà săn bắn nam nữ đâu cả rồi? Lão phì phò, bỏ mũ rồi lau trán.

Một bà tóc bạc bồng một đứa bé trên tay đáp:

– Họ đi săn cả rồi. Ba bốn ngày nữa mới về.

– Atréju cùng đi với họ à? Lão Người-ngựa hỏi.

– Phải, người lạ ạ, nhưng làm sao ông biết y?

– Ta nào có biết y. Đi gọi y về đây cho ta!

– Này người lạ, một ông lão chống gậy đáp, y không thích đến đâu, vì hôm nay là ngày săn bắn[5] của y, bắt đầu lúc mặt trời lặn. Ông biết như thế nghĩa là gì không?

[5] Một hình thức thử thách con trai đến tuổi trưởng thành.

Cairon lắc bờm, giậm chân ngựa.

– Ta không biết và điều ấy cũng chẳng quan trọng, vì bây giờ y có việc quan trọng hơn để làm. Mấy người chắc biết cái “Biểu trưng” ta đang đeo đây. Vậy hãy đi kéo y về ngay cho ta!

– Đúng là “Bảo vật”, một cô gái nói, và chúng tôi biết ông từ chỗ Nữ-thiếu-hoàng đến. Nhưng ông là ai?

– Ta là Cairon, lão Người-ngựa gầm gừ, thầy thuốc Cairon, nếu các ngươi từng nghe đến tên ta.

Một bà lão gù tiến ra trước nói to:

– Phải, đúng thế thật. Tôi nhận ra được ông ta. Hồi còn trẻ, tôi từng có lần được thấy ông ta. Ông ta là thầy thuốc nổi tiếng tài giỏi nhất toàn vương quốc Tưởng Tượng đấy!

Lão Người-ngựa gật đầu với bà lão.

– Cám ơn mụ, lão nói, vậy bây giờ có ai sẵn lòng đi tìm gã Atréju này về cho. Gấp lắm. Tính mạng của Nữ-thiếu-hoàng đang lâm nguy.

– Cháu đi cho! Một bé gái chừng năm, sáu tuổi kêu to.

Cô bé chạy đi; ít giây sau người ta thấy một con ngựa không yên phi nước đại giữa những cái lều.

– Có thế chứ! Cairon gầm gừ rồi lăn ra bất tỉnh.

Khi tỉnh lại mới đầu lão không biết đang ở đâu, vì chung quanh tối om. Mãi sau lão mới nhận ra dần rằng mình đang nằm trên những tấm chăn lông thú mềm trong một cái lều rộng. Hình như trời đang tối. Qua khe màn cửa có ánh lửa lọt vào trong lều.

– Lạy đinh đóng móng! Lão lẩm bẩm thử ngồi dậy, mình nằm đây bao lâu rồi nhỉ?

Một cái đầu thò qua khe màn cửa rồi lại rụt ra, tiếp theo có tiếng người nói:

– Đúng thế, hình như ông ta đã dậy rồi.

Và màn cửa bị kéo sang bên, một thiếu niên chừng mười tuổi bước vào. Gã mang quần dài và giày da trâu. Gã cởi trần, quanh vai vắt một áo choàng đỏ màu huyết dụ dài chấm đất, chắc dệt bằng lông trâu. Mái tóc dài đen xanh của gã buộc túm ra sau với một sợi dây da thành một dúm tóc. Trên vầng trán và đôi má màu xanh ô-liu bôi mấy vệt trắng trang điểm. Ngoại trừ đôi mắt đen long lanh giận dữ nhìn kẻ lạ mặt, gương mặt gã hoàn toàn vô cảm.

– Này người lạ, lão muốn gặp tôi có chuyện gì? Gã hỏi. Tại sao lão đến lều của tôi? Và tại sao lão phá ngang buổi săn bắn của tôi? Nếu hôm nay tôi giết được con trâu to – mũi tên đã nằm trên dây cung của tôi khi người ta đến gọi – thì ngày mai tôi sẽ chính thức được mang danh hiệu một người săn bắn. Bây giờ tôi phải chờ nguyên một năm nữa. Tại sao mới được chứ?

Lão Người-ngựa ngơ ngác đăm đăm nhìn gã.

– Chẳng lẽ, cuối cùng lão lên tiếng, cậu là Atréju đó ư?

– Đúng thế, người lạ ạ.

– Chẳng lẽ không còn ai khác, một người lớn, một nhà săn bắn đầy kinh nghiệm trùng tên này sao?

– Không, tôi là Atréju, chứ không còn ai khác.

Lão Cairon ngồi phịch xuống chăn nệm, thở hổn hển:

– Một đứa con nít! Một thằng trẻ con! Quả thật khó mà hiểu nổi những quyết định của Nữ-thiếu-hoàng.

Atréju vẫn yên lặng đứng chờ, không nhúc nhích.

– Atréju, hãy thứ lỗi cho ta, Cairon nói – lão cố hết sức mới nén nổi kích động, ta không cố ý xúc phạm đến cậu, nhưng chỉ vì ta quá kinh ngạc đến mất tự chủ! Ta không còn biết phải nghĩ gì nữa! Ta thành thật tự hỏi Nữ-thiếu-hoàng có thật biết điều mình làm không khi bà chọn một đứa trẻ như cậu. Quả là điên rồ quá sức! Còn nếu bà quyết định việc này vì có chủ đích thì… thì…

Rồi lão lắc đầu lia lịa nói:

– Không! Không! Nếu biết rõ bà phái ta đi gặp một người như thế này để trao nhiệm vụ thì ta đã từ chối phắt. Phải, nếu biết thì ta đã từ chối phắt!

– Nhiệm vụ gì? Atréju hỏi.

– Thật quái gở! Cairon lớn tiếng, lão không nén nổi bực dọc. Để hoàn thành nhiệm vụ bà giao phó thì có lẽ ngay cả đối với người anh hùng vĩ đại và giàu kinh nghiệm nhất cũng là một việc bất khả thi, còn với cậu thì… Bà phái cậu đi vào nơi vô định để tìm gì đó mà không ai biết nó như thế nào. Không ai có thể giúp được cậu, không ai có thể cố vấn cậu, không ai có thể lường trước được cậu sẽ gặp những chuyện gì. Vậy mà cậu phải quyết định ngay tức thì có nhận nhiệm vụ đó không. Không được chần chừ một nháy mắt. Ta đã phi nước đại suốt mười ngày đêm không ngừng nghỉ để gặp cậu. Nhưng bây giờ thì… ước gì ta đã không tới được nơi đây! Ta già quá rồi, sức đã kiệt rồi. Làm ơn cho ta xin ngụm nước!

Atréju chạy đi múc một bình nước suối tươi mát. Lão Người-ngựa uống từng ngụm lớn, rồi lão chùi râu nói với vẻ bình tĩnh hơn:

– A, cám ơn, đã khát quá! Giờ thì ta khỏe hơn rồi. Atréju nghe này, cậu không cần phải nhận nhiệm vụ này. Nữ-thiếu-hoàng để tùy ý cậu, chứ bà không ra lệnh cho cậu. Ta sẽ tâu lên bà để bà tìm người khác. Bà không thể biết được rằng cậu là một thiếu niên. Bà đã nhầm cậu với người khác, nhất định là thế.

– Nhiệm vụ gì vậy? Atréju muốn biết.

– Tìm thuốc chữa cho Nữ-thiếu-hoàng, lão Người-ngựa đáp, để cứu vương quốc Tưởng Tượng.

– Bà bị bệnh ư? Atréju ngạc nhiên hỏi.

Cairon bèn kể lể về bệnh tình của Nữ-thiếu-hoàng và về điều mà những người đưa tin từ mọi miền thuộc vương quốc Tưởng Tượng đã thông báo. Atréju luôn miệng hỏi còn lão Người-ngựa cố giải đáp, thành một buổi trò chuyện thâu đêm. Atréju càng biết rõ về mức độ tai ương giáng xuống vương quốc Tưởng Tượng thì nét kinh hoàng càng lộ rõ trên gương mặt vốn khép kín của gã.

– Thế mà tôi tuyệt chẳng biết gì cả, gã mấp máy đôi môi xám nhợt.

Cairon đưa cặp mắt đầy nghiêm trọng và lo âu dưới hàng lông mày bạc trắng nhìn gã thiếu niên.

– Giờ thì cậu biết sự thể như thế nào rồi, cho nên chắc cậu hiểu vì sao ta mất bình tĩnh khi thấy cậu. Nhưng quả thật Nữ-thiếu-hoàng đã nói tên cậu. “Hãy đi tìm cho ra Atréju!” bà bảo ta. “Ta đặt hết tin tưởng vào y. Hãy hỏi y có bằng lòng làm cuộc đại tìm kiếm vì ta và vì vương quốc Tưởng Tượng không,” bà nói. Ta không rõ vì sao bà lại chọn cậu. Có lẽ chỉ một thiếu niên như cậu mới giải nổi bài toán nan giải này chăng. Ta không rõ và không góp ý với cậu được.

Atréju ngồi cúi đầu lặng lẽ. Gã hiểu đây là một thử thách cho mình, còn khó hơn chuyện săn bắn của gã rất nhiều. Ngay cả nhà săn bắn vĩ đại nhất và thạo tìm dấu chân nhất cũng không thành công nổi. Với gã là quá khó.

– Sao? Lão Người-ngựa hỏi khẽ, cậu ưng chịu không?

Atréju ngẩng đầu nhìn lão.

– Tôi chịu, gã kiên quyết nói.

Cairon chậm rãi gật đầu rồi gỡ sợi dây chuyền với tấm bùa bằng vàng đeo vào cổ Atréju.

– AURYN cho cậu quyền lực, lão nghiêm trang nói, nhưng cậu không được sử dụng, vì ngay chính Nữ-thiếu-hoàng cũng chưa từng dùng đến quyền lực của bà. AURYN sẽ che chở và hướng dẫn cậu, nhưng bất kể thấy gì cậu cũng không bao giờ được can thiệp vào, vì từ giây phút này trở đi ý riêng của cậu chẳng còn đáng kể gì nữa. Cho nên cậu ra đi mà không được mang theo khí giới. Cậu phải để mặc cho chuyện gì tới cứ tới. Cậu phải như Nữ-thiếu-hoàng: xem thiện ác, đẹp xấu, khờ dại và sáng suốt như nhau. Cậu chỉ được phép tìm và hỏi, chứ không được tùy tâm phán xét. Atréju, cậu không bao giờ được quên điều đó!

– AURYN! Atréju thành kính lặp lại, tôi muốn được xứng đáng với “Bảo vật”. Bao giờ tôi phải lên đường?

– Ngay tức thì, Cairon đáp. Không ai biết cuộc đại tìm kiếm của cậu sẽ kéo dài bao lâu. Có thể ngay bây giờ đã phải chạy đua từng giờ rồi. Cậu hãy từ biệt bố mẹ và anh chị em đi!

– Tôi không còn ai để từ biệt cả, Atréju đáp. Cả bố lẫn mẹ tôi đều bị trâu húc chết, sau khi tôi chào đời chưa bao lâu.

– Thế ai nuôi dạy cậu?

– Hết thảy các ông các bà. Thành ra họ gọi tôi là Atréju, trong Ngôn-ngữ-lớn có nghĩa là “con trai của mọi người”.

Không ai hiểu ý nghĩa điều này hơn Bastian. Ấy là bố nó vẫn còn sống đấy. Còn Atréju mồ côi cả cha lẫn mẹ. Bù lại Atréju được hết thảy các ông các bà cùng nuôi dạy, thành “con trai của mọi người”, trong khi nó – Bastian – về cơ bản lại chẳng có ai, đúng thế, nó là “con trai của không ai”. Nhưng Bastian vẫn mừng vì nhờ thế mà nó giống Atréju được chút ít, bằng không thì tiếc thay nó khác hẳn gã về can đảm, kiên quyết và hình dáng. Tuy nhiên nó, Bastian, cũng đang làm cuộc đại tìm kiếm mà không biết sẽ tới đâu và kết thúc thế nào.

– Vậy thì tốt hơn cả cậu lên đường mà không cần từ biệt, lão Người-ngựa nói. – Ta ở lại giải thích đầu đuôi cho họ.

Khuôn mặt Atréju đanh lại.

– Tôi nên bắt đầu từ đâu? Gã hỏi.

– Từ khắp nơi và không từ đâu cả, Cairon đáp. Từ giờ trở đi cậu một thân một mình, không ai khuyên cậu được. Cứ như thế cho đến kết thúc Cuộc đại tìm kiếm, dù kết thúc thế nào đi nữa.

Atréju gật.

– Tạm biệt lão Cairon!

– Tạm biệt Atréju. Chúc cậu nhiều may mắn!

Người thiếu niên quay đi, dợm bước ra khỏi lều thì lão Người-ngựa gọi giật gã lại. Đứng trước nhau, lão đặt hai tay lên vai gã, nhìn vào mắt gã mỉm cười đầy kính trọng và chậm rãi nói:

– Ta bắt đầu hiểu tại sao Nữ-thiếu-hoàng lại chọn cậu rồi, Atréju ạ.

Atréju chỉ hơi cúi đầu rồi rảo bước ra ngoài.

Artax, con ngựa của gã, đứng chờ ngoài lều. Nó có đốm và nhỏ như ngựa rừng, chân ngắn và chắc nịch, ấy thế mà nó là con ngựa đua nhanh và dẻo dai nhất khắp vùng. Nó vẫn còn mang yên cương như lúc mới cùng Atréju từ chỗ săn về.

– Artax, Atréju thầm thì vỗ cổ nó, tụi mình phải lên đường. Tụi mình phải đi thật xa. Không ai biết tụi mình có trở về không và khi nào.

Con ngựa con gục gặc đầu, khẽ thở phì phì.

– Thưa cậu, vâng, nó đáp, thế còn chuyện săn bắn của cậu thì sao?

– Tụi mình còn đi săn một chuyến lớn hơn nhiều, Atréju nói rồi nhảy lên yên.

– Khoan, cậu chủ! Con ngựa con thở phì phì. Cậu quên vũ khí rồi. Cậu không định mang theo cung tên à?

– Đúng thế, Artax ạ, Atréju đáp, vì ta đeo “Hào quang” nên không được mang vũ khí.

– A! Ngựa con nói. Thế mình đi đâu?

– Đi đâu tùy bạn, Artax ạ, Atréju đáp, từ giây phút này trở đi chúng ta làm cuộc đại tìm kiếm.

Rồi người ngựa biến vào bóng đêm.

Cùng lúc ấy, ở một nơi khác trong vương quốc Tưởng Tượng xảy ra một chuyện mà không một ai hay biết, kể cả Atréju với Artax lẫn Cairon:

Tại một cánh đồng hoang xa xôi, vào ban đêm, bóng tối cô đặc lại thành một bóng dáng mờ ảo rất lớn. Nó cô đặc cho tới khi hiện hình thành một vật thể khổng lồ toàn màu đen trong bóng đêm như mực trên cánh đồng hoang nọ. Tuy vóc dáng chưa thật rõ song nó đã đứng trên bốn chân và trong đôi mắt của cái đầu bù xù khổng lồ rực lên ánh lửa xanh. Nó nghếch mõm đánh hơi một lúc lâu. Chợt nó có vẻ đã đánh hơi được cái mùi đang tìm kiếm, vì từ họng nó hắt ra một tiếng kêu căm phẫn trầm và đắc thắng.

Rồi nó phóng băng băng không một tiếng động trong đêm tối không một ánh sao.

Tháp đồng hồ điểm mười một giờ. Đã đến giờ ra chơi. Từ hành lang vẳng lên tiếng trẻ la ó chạy ào ra sân trường.

Bastian – vẫn ngồi xếp bằng trên lớp nệm dùng tập thể dục – cảm thấy chân tê chồn. Nó có phải người da đỏ[6] đâu. Nó đứng lên lấy từ trong cặp bánh mì và quả táo – để ăn lúc ra chơi – rồi đi đi lại lại một chút trong kho cho chân đỡ tê.

[6] Có lẽ người da đỏ quen ngồi xếp bằng (như ta vẫn hay thấy trong phim “cao bồi” Mỹ) chăng?

Rồi nó leo lên ngồi vắt vẻo trên con ngựa gỗ, tưởng tượng mình là Atréju phi nước đại trong đêm trên lưng con Artax. Nó ôm cổ ngựa.

– Họ! Nó kêu. Phi, Artax, họ! Họ!

Nó hết hồn. La to thế thì thật là quá thiếu thận trọng. Lỡ có ai nghe thấy thì sao? Nó chờ một lúc, lắng nghe. Song chỉ có những tiếng la trên sân trường vọng lên thôi.

Nó thấy hơi xấu hổ, trèo khỏi ngựa gỗ vì thấy mình cứ như một đứa con nít!

Bastian mở gói bánh mì, chùi táo vào quần thật kỹ, nhưng chưa cắn đã vội ngừng lại.

– Không được, nó nói to với chính mình, mình phải chia thức ăn dự trữ cẩn thận. Ai biết được mình phải sống với chỗ thức ăn này bao lâu nữa.

Nó miễn cưỡng gói bánh mì lại nhét vào cặp cùng với trái táo, rồi thở dài ngồi xuống nệm, với tay cầm quyển sách.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.