Sáng thứ Sáu khi chúng tôi vào phòng, trên mỗi bàn đã có một tờ kiểm tra. Mỗi tờ đều được đánh dấu và viết tên sẵn. Tôi được chín tám điểm. Tôi sướng rơn trong khi Freddy Barnett thì tiu nghỉu. Cậu ta được có năm ba điểm! Thầy Benedict không hề đả động gì đến chuyện chúng tôi không viết tên vào bài kiểm tra. Thầy chỉ đứng đó cười cười. “Chào cả lớp,” thầy nói mà không hắng giọng như mọi khi. Tôi nghĩ thế là thầy đã thắng ván này.
Sau đó thầy lại nhắc chúng tôi về dự án cá nhân. Thầy bảo chúng tôi đừng chờ đến phút cuối mới mong nảy ra ý gì đó bất chợt. Thầy bảo hết tuần này mỗi người nên xác định rõ chủ đề của mình và bắt đầu viết.
Tôi nghĩ nát cả óc cũng không ra cái gì có ý nghĩa mà tôi sẵn lòng chia sẻ với thầy Benedict. Tức là làm sao tôi có thể viết một bài nghiên cứu suốt cả năm về cái áo lót và các câu chuyện liên quan đến nó được. Hoặc tình cảm của tôi với Moose. Hay về Chúa. Được không nhỉ? Không hẳn là về Chúa – không bao giờ tôi để lộ chuyện đó cho thầy Benedict biết – mà về tôn giáo nói chung có thể cũng không nốt. Nếu chọn được tôn giáo, tôi đã biết mình muốn tham gia các đoàn thể hay Trung tâm Cộng đồng Do Thái. Điều ấy có ý nghĩa đấy chứ nhỉ? Đáng lẽ tôi phải nghĩ ra từ trước.
Chúa có đó không? Là con, Margaret. Chúa nghĩ sao nếu con làm dự án về tôn giáo. Chúa đồng ý nhé? Con sẽ kể Chúa nghe mọi chuyện và sẽ không làm bất cứ điều gì mà không hỏi ý kiến Người. Con nghĩ đã đến lúc con quyết định mình là ai rồi. Con không thể không là ai mãi được, Chúa nhỉ?
Sáng thứ Bảy, mẹ tôi lái xe đưa tôi lên đường cái, tới trạm xe buýt New York. Đó là lần đầu tiên tôi đi một mình, nên mẹ lo lắng lắm.
“Nghe này, Margaret… đừng ngồi cạnh đàn ông. Cũng đừng ngồi một mình hay ngồi cạnh cô nào xinh quá nhé. Tìm chỗ đầu xe mà ngồi. Nếu xe không có điều hòa thì mở cửa sổ ra nhé. Khi tới nơi rồi, hãy hỏi một phụ nữ đường xuống nghe chưa. Bà sẽ chờ con ở quầy lễ tân.”
“Con biết rồi, biết rồi.” Nhà tôi đã đến đó chơi hàng tỉ lần nhưng khi xe buýt đến, mẹ tôi vẫn nhoài người ra khỏi xe, nói với người lái xe buýt.
“Con gái tôi đi một mình. Anh để ý cháu hộ tôi nhé. Nó chưa đi bao giờ.”
“Yên trí!” người lái xe trả lời. Sau đó, mẹ vẫy tay chào. Tôi nhăn mặt quay đi chỗ khác.
Tôi thấy bà đúng vị trí đã hẹn. Bà hôn tôi thật nồng nhiệt. Người bà tỏa mùi thơm dễ chịu lắm. Bà mặc bộ đồ màu xanh lá và kẻ viền mắt cũng màu xanh lá nốt. Tóc bà màu vàng ánh bạc. Bà nhuộm tóc hầu như một tháng một lần.
Khi chúng tôi ra khỏi bến xe cuối, bà bảo: “Cháu xinh lắm, Margaret. Mái tóc đẹp quá cơ!”
Bà lúc nào cũng nói những câu thật dễ thương. Mà tóc tôi cũng đẹp hơn thật. Tôi thấy trong sách bảo là nếu chải đầu đúng cách, tóc có thể mọc ra vài phân mỗi tháng.
Chúng tôi ăn trưa ở nhà hàng gần Trung tâm Lincoln. Lúc đang nhâm nhi cái bánh pút đinh sô cô la, tôi thì thầm: “Cháu đang mặc áo lót đấy. Bà có nhìn thấy không?”
“Có chứ, bà thấy chứ,” bà trả lời.
“Bà thấy hả?” tôi ngạc nhiên lắm, quên cả ăn. “Trông cháu thế nào ạ?”
“Người lớn hơn nhiều,” bà gật gù trả lời giữa hai lần nhấp tách cà phê. Tôi không biết như thế có đúng không nên tạm thời cứ coi như là thật.
Sau đó, hai bà cháu đi nghe hòa nhạc.
Tôi không còn bồn chồn như hồi bé nữa. Tôi ngồi im lặng, chăm chú nghe nhạc. Lúc tạm nghỉ, hai bà cháu ra ngoài đi dạo. Tôi rất thích cái đài nước ở giữa Trung tâm Lincoln, còn thích hơn cả những buổi hòa nhạc. Tôi thích nhìn mọi người đi lại. Có lần, tôi còn thấy một cô người mẫu đứng chụp ảnh cạnh đài nước. Lúc đó trời lạnh như cắt mà cô vẫn mặc váy mùa hè. Thế là tôi quyết định không trở thành người mẫu. Cho dù về sau tôi có đẹp thế nào đi chăng nữa.
Trên đường đi taxi về trạm cuối của xe buýt, tôi chợt nghĩ ra bà là người Do Thái. Bà là người tuyệt vời nhất có thể giúp tôi bắt đầu dự án. Thế là tôi hỏi bà, “Lúc nào bà dẫn cháu đi lễ đền với nhé?”.
Bà nhìn tôi không chớp mắt. Tôi chưa thấy mắt bà mở to thế bao giờ.
“Cháu nói gì cơ? Cháu nói cháu muốn là người Do Thái đúng không?” bà nín thở.
“Không ạ. Cháu bảo muốn vào đền xem nó thế nào.”
“Ôi Margaret của bà!” bà ôm choàng lấy tôi. Tôi nghĩ chắc chú lái xe tưởng hai bà cháu bị điên. “Bà biết cháu là con gái Do Thái từ trong trứng nước mà! Bà biết mà!” Bà lôi khăn mùi xoa ra, chấm nhẹ lên mắt.
“Bà ơi, không phải đâu,” tôi cố giải thích. “Bà biết cháu không là gì mà.”
“Cháu nói thế thôi, nhưng bà không bao giờ tin. Không bao giờ!” Rồi bà điềm nhiên xì mũi. Xong xuôi, bà nói thêm: “Bà biết rồi. Ở Farbrook cháu có nhiều bạn Do Thái lắm đúng không?”
“Không ạ. Bạn bè cháu chả liên quan gì cả.”
“Thế tại sao? Bà không hiểu.”
“Cháu chỉ muốn xem nó như thế nào thôi. Được không ạ?” Chắc chắn tôi sẽ không hé răng tí gì về thầy Benedict.
Bà ngả lưng ra ghế, mỉm cười thật tươi. “Bà hồi hộp quá! Bà sẽ về nhà, gọi điện cho ngài giáo sĩ ngay. Cháu sẽ đến đó cùng bà vào ngày Tết Do Thái.” Nhưng đột nhiên bà nghiêm mặt, “Mẹ cháu có biết không?”
Tôi lắc đầu.
“Bố cháu?”
Tôi lại lắc.
Bà vỗ vỗ tay lên trán. “Phải nói với bố mẹ cháu là việc này không phải ý bà đâu nhé. Không thì mệt đấy!”
“Bà yên tâm đi ạ.”
“Vớ vẩn!” mẹ phản ứng như vậy ngay khi vừa nghe tin đó. “Con thừa biết bố mẹ nghĩ thế nào về tôn giáo rồi đấy.”
“Mẹ bảo khi lớn lên con có thể chọn cơ mà!”
“Nhưng Margaret, con chưa đủ lớn để được phép chọn!”
“Con chỉ muốn thử thôi,” tôi lý luận. “Con sẽ đến cả nhà thờ nữa, nên mẹ đừng nổi khùng làm gì được không!”
“Mẹ không nổi khùng! Mẹ chỉ thấy tuổi con mà bận tâm đến tôn giáo thì thật ngớ ngẩn.”
“Con đi được không ạ?” tôi vẫn cương quyết.
“Mẹ không cấm,” mẹ trả lời.
“Vâng. Thế thì con sẽ đi.”
Sáng ngày Tết Do Thái, tôi nằm trên giường, nói chuyện với Chúa.
Chúa có đó không? Là con, Margaret. Hôm nay, con sẽ đến đền thờ… với bà. Hôm nay là ngày lễ mà. Chắc Chúa cũng biết. Bố con nghĩ đây là một sai lầm, còn mẹ con bảo chuyện này thật rồ dại, nhưng con vẫn đi. Con tin nó sẽ giúp con quyết định con là ai. Chưa bao giờ con vào đền hay nhà thờ. Con sẽ tìm Người.