Chiến Tranh Và Hòa Bình

Quyển 5 - Chương 12



Khi cỗ xe chở công tước Andrey và Piotr dừng lại trước thềm chính của ngôi nhà ở Lưxye Gôrư thì trời đã xấm tối. Trong khi xe tiến vào cổng, công tước Andrey mỉm cười nhắc Piotr lưu ý đến cái cảnh hốt hoảng cuống quýt bấy giờ đang diễn ra ở thềm sau. Một người đàn bà lưng còng, vai mang bị, và một người đàn ông thấp, bé để tóc dài, mặc áo đen, nhìn thấy chiếc xe ngựa đi vào liền chạy vội ra cửa sau. Hai người đàn bà chạy theo họ và cả bốn người ngoái cổ nhớn nhác nhìn cái xe ngựa rồi hốt hoảng chạy lên bậc thềm cửa sau.

– Đấy là những “con người nhà Trời” của Masa đấy – công tước Andrey nói. – Thấy xe chúng mình đến họ tưởng là ông cụ. Đây là việc duy nhất mà Masa không nghe lời ông cụ; ông cụ ra lệnh đuổi những người hành hương, còn Masa thì lại tiếp họ.

– Nhưng “người nhà Trời” là thế nào? – Piotr hỏi.

Công tước Andrey chưa kịp trả lời, thì mấy người đầy tớ đã chạy ra đón tiếp. Chàng hỏi họ xem lão công tước đi đâu và đã sắp về chưa.

– Lão công tước hiện ở trên tỉnh, và có lẽ chỉ lát nữa là về đến nhà.

Công tước Andrey đưa Piotr vào căn phòng riêng của chàng trong nhà lão công tước, một căn phòng bao giờ cũng được dọn đẹp tươm tất sẵn sàng đón tiếp chàng, rồi bước sang phòng trẻ.

– Đến thăm em gái tôi – công tước Andrey nói với Piotr – Tôi chưa gặp cô ta; bây giờ cô ta đang lén lút ngồi với những “người nhà Trời” của cô ta. Thế nào cô ta cũng sẽ luống cuống, nhưng kệ cô ấy cậu sẽ được thấy những con người nhà Trời. Ngộ nghĩnh lắm kia, thật đấy!

– Những con người nhà Trời là thế nào? – Piotr hỏi.

– Rồi cậu sẽ thấy.

Quả nhiên công tước tiểu thư Maria rất luống cuống khi hai người bước vào. Mặt tiểu thư ửng lên từng đám đỏ. Trong gian phòng ấm cúng của nàng với những ngọn đèn chong leo lét trước cáitủ thờ đựng tượng thánh, một cậu thiếu niên còn ít tuổi, mũi dài, tóc dài, ăn mặc theo lối tu sĩ, đang ngồi bên cạnh nàng trên đi-văng trước chiếc xamovar.

Một bà già gầy gò, nhăn nheo, vẻ mặt hiền lành như mặt trẻ con, đang ngồi trên ghế bành, cạnh hai người.

– Anh Andrey ư? Sao không báo trước cho em biết? – Tiểu thư Maria nói với giọng trách móc dịu dàng. Nàng đứng ra trước những người hành hương như một con gà mái mẹ che chở cho đàn gà con.

– Rất hân hạnh được gặp anh. Tôi rất sung sướng được gặp anh!

Nàng nói với Piotr khi chàng hôn tay nàng. Nàng biết chàng từ khi còn nhỏ và đến nay tình bạn của chàng với Andrey, nỗi bất hạnh của chàng trong hôn nhân và nhất là cái khuôn mặt hiền hậu và chất phác của chàng làm cho nàng có thiện cảm. Nàng nhìn chàng với cặp mắt trong sáng và đẹp đẽ của nàng, dường như muốn nói: “Tôi rất quý mến anh nhưng xin anh đừng chế nhạo những người bạn của tôi”. Sau khi trao đổi những lời chào hỏi đầu tiên, họ ngồi xuống.

– À cả Ivanuska cũng ở đây à, – công tước Andrey nói, mỉm cười hất hàm về phía người hành hương trẻ tuổi.

– Andrey! – Công tước tiểu thư Maria nói, giọng van lơn.

– Cậu phải biết rằng đó là một người đàn bà – Công tước Andrey nói với Piotr.

– Anh Andrey, em van anh! – tiểu thư Maria nhắc lại.

Có thể thấy rõ rằng công tước Andrey chế nhạo những người hành hương và tiểu thư Maria bênh vực họ một cách vô hiệu như thế nào đã thành một thói quen giữa hai người.

– Nhưng em ạ – công tước Andrey nói – Lẽ ra, em phải biết ơn anh mới phải, vì anh đã cắt nghĩa cho anh Piotr hiểu rõ tình thân của em với người trẻ tuổi kia là như thế nào?

– Thật à? Piotr nói đoạn đưa mắt nhìn vào mặt Ivanuska qua đôi kính trắng, vẻ tò mò và nghiêm trang, khiến tiểu thư Maria rất cảm ơn chàng. Trong khi đó Ivanuska cũng hiểu rằng người ta đang nói về mình, đôi mắt linh khôn nhìn hết người này đến người khác.

Công tước tiểu thư Maria lo sợ cho các bạn của mình như vậy cũng vô ích, vì họ chẳng hề mảy may sợ sệt. Bà già cúi mặt xuống nhưng vẫn liếc mắt nhìn hai người mới vào, bà ta úp ly trà đã uống cạn lên đĩa tách, đặt miếng đường cắn dở bên cạnh và điềm tĩnh ngồi yên không nhúc nhích trên ghế bành, chờ đợi người ta rót trà mời mình uống nữa, Ivanuska trong khi đưa đĩa tách lên miệng nhấp trà vẫn liếc nhìn hai người thanh niên với cặp mắt tinh ranh của đàn bà.

– Bà ở đâu, ở Kiev(1) phải không? – Công tước Andrey hỏi bà già.

– Thưa cậu tôi có ở đấy – bà già nhanh nhẩu đáp, – Ngày lễ Giáng sinh tôi đã may mắn được các vị Phúc lộc truyền cho những điều bí ẩn thiêng liêng của thiên đường và bây giờ thưa cậu tôi ở Kolyazin(2), ở đấy vừa có một thánh ân rất lớn.

– Thế Ivanuska đi với bà phải không?

– Không, thưa ngài, tôi đi một mình – Ivanuska cố lấy giọng trầm đáp. – Mãi đến Yukhov tôi và bà Pelagheyuska mới gặp nhau.

Bà Pelagheyuska ngắt lời người bạn hành hương hẳn là bà ta muốn kể lại những điều bà đã được thấy.

– Thưa ngài ở Kolyazin vừa có một thánh ân lớn hiển hiện.

– Thế nào? Lại những thánh cốt mới chứ gì? – Công tước Andrey hỏi.

– Kìa anh Andrey, em van anh – tiểu thư Maria nói – Bà Pelagheyuska, bà đừng kê nữa.

– Ồ kìa tiểu thư, tại sao lại không kể. Tôi mến cậu nhà lắm, cậu tốt lắm. Cậu nhà được Chúa chọn lựa: cậu đã cho tôi mười rúp, tôi còn nhớ. Lúc tôi ở Kiev, ông Kolyazin là một người ngây dại(3) có nói với tôi (ông ta thực là người nhà trời, ông ta đi chân không mùa đông cũng như mùa hạ) ông ta nói với tôi thế này, bà đến đây làm gì đây không phải chỗ của bà, bà hãy đi Kolyazin đi, ở đấy có một pho tượng thánh đã hiển hiện. Nghe nói thế tôi liền từ biệt mộ các vị phúc lộc rồi ra đi…

Tất cả mọi người im lặng, chỉ có bà hành hương nói một mình giọng đều đều, chốc chốc lại xuýt xoa.

– Thưa ngài, tôi đến Kolyazin, dân ở đây nói với tôi: một thánh ân lớn đã hiển hiện, đầu thánh chảy trên má của Đức mẹ Chúa trời.

– Thôi được rồi, được rồi, sau hãy kể – tiểu thư Maria đỏ mặt nói.

– Cho phép tôi hỏi bà ta một câu – Piotr nói – chính mắt bà trông thấy à?

– Chứ sao nữa, thưa ngài, chính tôi đã được cái hân hạnh ấy, mặt Đức mẹ sáng rực lên như ánh sáng thiên đường và dấu thánh trên má của Đức mẹ cứ nhỏ giọt, nhỏ giọt xuống…

Piotr nãy giờ vẫn chăm chú lắng nghe bà hành hương, nói một cách ngây thơ:

– Ô thế thì đúng là lừa bịp rồi!

– Ồ thưa ngài, ngài nói gì lạ vậy! – Bà Pelagheyuska hoảng hốt kêu lên, đưa mắt nhìn tiểu thư Maria như muốn cầu cứu.

– Đấy là họ lừa dối nhân dân đấy – Piotr nhắc lại.

– Lạy Chúa tôi – bà hành hương vừa làm dấu thánh vừa nói – Ồ, ngài đừng nói thế. Đấy, có ông đại tướng không tin, ông ta nói là bọn tu sĩ lừa bịp, ông ta vừa dứt lời là mù mắt ngay. Thế rồi ông ta nằm mơ thấy Đức mẹ Peserxkaya đến gàp ông ta và nói: “Ngươi hãy tin ta, ta sẽ chữa cho ngươi khỏi”. Thế rồi ông ta cầu khẩn: “Đưa tôi đến Đức mẹ, đưa tôi đến Đức mẹ”. Tôi nói thực với ngài, chính mắt tôi trông thấy… họ đưa ông ta ra – cái ông bị mù ấy đến Đức mẹ. Ông ta đến trước tượng Đức mẹ quỳ xuống và nói: “Đức mẹ cứu con với, con xin dâng Đức mẹ tất cả những gì mà Sa hoàng đã ban tứ cho con”. Chính mắt tôi trông thấy có một ngôi sao dính vào tượng Đức mẹ. Thế rồi mắt ông ta sáng lại! Nói như vậy là có tội đây. Đức chúa sẽ trừng phạt cho mà xem – bà ta lên giọng răn dạy nói với Piotr.

– Nhưng làm thế nào ngôi sao lại có thể ở trên tượng thánh được? – Piotr hỏi. – Đức mẹ mà người ta cũng đề bạt lên chức tướng à? – công tước Andrey mỉm cười nói.

Pelagheyuska bỗng tái mặt đi và chắp hai tay lại:

– Ông ơi, sao ông lại ăn nói như vậy, xin Chúa tha tội cho ông, – bà ta làm dấu thánh, – Xin Chúa tha tội cho ông. Thưa tiểu thư, như vậy thế nghĩa là thế nào? – bà ta nói với công tước tiểu thư Maria, đoạn đứng dậy mếu máo nhặt cái bị, rõ ràng bà ta sợ hãi và xấu hổ vì đã nhận ơn huệ của một nhà trong đó người ta có thể nói những lời báng bổ như vậy, nhưng vẫn tiếc khi phải từ bỏ những ơn huệ đó.

– Ô hay, sao các anh lại thế? – Tiểu thư Maria nói – Các anh đừng đến chỗ tôi có hơn không?

– Nào có gì đâu, tôi chỉ nói đùa đấy thôi bà Pelagheyuska ạ – Piotr nói. – Thưa công tước tiểu thư, thực tình tôi không muốn làm phật ý bà ấy, tôi chỉ nói thế thôi. Bà dừng nghĩ gì, tôi chỉ nói đùa thế thôi – chàng vừa nói vừa mỉm cười bẽn lẽn như muốn chuộc lỗi.

Bà Pelagheyuska dừng lại có vẻ nghi ngờ, nhưng thấy gương mặt Piotr biểu lộ một lòng hối hận hết sức thành thật, và thấy công tước Andrey hết nhìn Piotr lại nhìn bà ta một cách dịu dàng nên cũng dần dần yên tâm.

Chú thích:

(1) Kiev là nơi đi hành hương trọng yếu nhất của Nga. Ở đấy có tu viện Petse và các ngôi mộ của 118 vị “phúc lộc” tức những người đã được tôn lên làm thánh sau khi chết (thường là tuẫn dạo).

(2) Kolyazin: một thành phố nhỏ ở tỉnh Tver ở đấy cũng có một tu viện nổi tiếng: khách hàng hương đến đấy đặc biệt vào ngày thứ sáu.

(3) Ngày trước có những người ngây dại hoặc giả cách ngây dại được tín đồ chính giáo xem là những “người nhà Trời” hay “người của thượng để” biết được những điều bí ẩn của thiên đường.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.