Chiến Tranh Và Hòa Bình

Quyển 4 - Chương 7



Hai tháng đã trôi qua từ khi tin quân ta bại trận ở Austerlix và tin công tước Andrey tử nạn về đến Lưxye Gorư, và có nhiều bức thư nhờ đại sứ quán gửi đi, tuy người ta đã ra sức tìm kiếm dò hỏi khắp nơi, thi hài của công tước vẫn chưa tìm được, mà trong danh sách tù binh cũng không có tên chàng. Điều làm cho gia quyến khổ tâm nhất là người họ cũng vẫn có thể hy vọng rằng công tước đã được dân sở tại thu nhặt trên chiến trường và hiện nay đang ở một nơi nào đó, hoặc đang dưỡng bệnh hoặc đang hấp hối một thân một mình nơi quê người đất khách, không có cách gì báo tin về nhà.

Thoạt tiên, lão công tước biết quân ta đã thua trận Auxterlilx là vì các báo có đăng một tin rất lui hoàn toàn có trật tự. Đọc bản thông báo chính thức này, lão công tước hiểu rằng quân ta đã thua trận.

Tám ngày sau khi tờ báo đưa tin ấy, một bức thư của Kutuzov đến báo cho công tước biết số phận của con mình.

“Cháu, ông ta viết – Ngã xuống ngay trước mặt tôi, tay cầm cờ trong khi dẫn đầu cả binh đoàn tiến lên với tư thế một trang anh hùng xứng đáng với cha mình và Tổ quốc. Tôi và toàn quân rất lấy làm phiền lòng rằng mãi cho đến nay chúng tôi vẫn chưa biết cháu sống chết ra sao. Tôi tự an ủi và xin an ủi ngài với niềm hy vọng là cháu còn sống, vì nếu không thì cháu đã có tên trong danh sách những sĩ quan tìm được ở chiến trường, – danh sách ấy hiện ở trong tay tôi, do quyết định hiệp thương hai bên trao lại”.

Lão công tước tiếp được tin này vào lúc đêm khuya, khi đang ngồi một mình trong phòng làm việc. Sáng hôm sau, lão công tước đi bách bộ đúng buổi như mọi khi; nhưng ông lặng thinh trước mặt người quản lý, người làm vườn, viên kiến trúc sư và tuy có vẻ tức giận, ông vẫn không nói gì với ai hết.

Khi công tước tiểu thư Maria cũng đúng giờ như mọi khi, bước vào thư phòng, lão công tước vẫn làm việc bên bàn tiện và theo lệ thường, ông không quay đầu lại.

– À công tước tiểu thư Maria! – công tước bỗng nói giọng gượng gạo, rồi vứt con dao tiện. (Bánh xe ở bàn tiện đang dở đà vẫn chạy thêm một lúc. Về sau công tước tiểu thư Maria còn nhớ rất lâu tiếng rít tắt dần của chiếc bánh xe, hoà làm một trong tâm trí nàng với việc xảy ra sau đó).

Công tước tiểu thư đến cạnh cha, nàng nhìn thấy mặt ông cụ, và bỗng nhiên cảm thấy một cái gì đổ vỡ. Nàng hoa mắt lên. Nhìn gương mặt ông cụ, không buồn rầu, không đau thương, mà lại có vẻ độc ác và như đang cố gắng gượng tự chủ, nàng biết rằng một tai hoạ ghê gớm đang treo trên đầu nàng, nó sẽ nghiền nát nàng, mối tai hoạ lớn nhất trong đời nàng, một tai hoạ mà nàng chưa trải qua bao giờ, một tai hoạ không thể cứu vãn được, không thể quan niệm được, cái chết của một người nàng yêu dấu.

– Cha ơi, anh Andrey!

Công tước tiểu thư vốn xấu xí và vụng về nhưng khi nàng nói mấy tiếng ấy, nỗi đau thương và sự quên mình của nàng có một sức quyến rũ không lời nào tả được, đến nỗi cha nàng không chống đỡ nổi cái nhìn của nàng mà phải ngoảnh mặt đi với một tiếng nấc nghẹn ngào.

– Ta đã nhận được tin. Trong số tù binh, trong số những người trận vong đều không có tên nó. Kutuzov có viết thư – Ông cụ quát lên, giọng the thé, tưởng chừng như muốn đuổi công tước tiểu thư ra – Anh mày đã tử trận rồi!

Công tước tiểu thư không ngã, cũng không ngất đi. Mặt nàng vốn đã xanh xao, nhưng khi nghe những lời ấy, nàng biến sắc hẳn đi và đôi mắt đẹp của nàng như chiếu rọi những hào quang. Tưởng chừng như có một niềm vui, một niềm vui tuyệt vời, không liên quan với những nỗi vui buồn của thời gian, tràn lẫn cả nỗi đau thương vô hạn trong lòng nàng. Nàng quên hết nôi khiếp sợ của nàng đối với cha bước tới cầm tay ông cụ, kéo về phía mình rồi đưa hai cánh tay ôm lấy cải cổ khô cằn và gân guốc của cha.

– Cha ơi! Cha đừng ngoảnh mặt đi nữa, Cha hãy cùng khóc.

– Quân đốn mạt, quân khốn nạn! – Ông cụ vừa quát lớn vừa né xa mặt nàng, – Thí quân đội, thí bao nhiêu mạng người? Tại sao? Đi đi con, nói cho Liza biết đi.

Công tước tiểu thư ngồi phịch xuống chiếc ghế bành bên cạnh cha và khóc oà lên. Bây giờ nàng nhớ lại anh nàng lúc chàng từ biệt nàng và Liza với cái dáng điệu vừa âu yếm vừa trịch thượng. Nàng hồi tưởng thấy lại hình ảnh Andrey khi vừa âu yếm vừa mỉa mai. Chàng đeo cái tượng thánh vào cổ. “Anh ấy có tin Chúa không. Anh ấy đã mất đức tin, vậy nay anh đã tự hối chưa? Bây giờ anh có ở trên ấy không. Ở nơi tĩnh thổ muôn đời yên vui và hạnh phúc?” – nàng thầm nghĩ.

– Thưa cha, xin cha nói cho con biết sự việc đã xảy ra như thế nào? – nàng hỏi.

– Thôi, thôi, con đi đi, anh con đã bỏ mình trong cái trận mà người ta đã lùa bao nhiêu người Nga ưu tú nhất vào cõi chết, trong cái trận mà tất cả vinh quang của nước Nga đã tiêu vong. Thôi, công tước tiểu thư Maria, con hãy đi báo tin cho Liza đi. Rồi ta sẽ đến với các con.

Khi công tước tiểu thư Maria ở trong phòng ông cụ về, công tước phu nhân nhỏ nhắn đang ngồi thêu. Công tước phu nhân nhìn nàng với khoé mắt đặc biệt hướng vào nội tâm và đượm một niềm vui sướng thanh thản mà chỉ những người đàn bà có thai mới có được. Có thể thấy rõ đôi mắt phu nhân không trông thấy tiểu thư Maria mà lại nhìn vào bên trong bản thân – nhìn một cái gì diễm phúc và huyền bí đang diễn ra trong người nàng.

– Maria – công tước phu nhân vừa nói vừa rời khung thêu ngã người ra phía sau – cô đưa tay đây – Phu nhân nắm lấy tay công tước tiểu thư đặt lên bụng mình.

Mặt phu nhân mỉm cười, chờ đợi, cái môi thoáng phủ lông tơ cong lên và cứ giữ nguyên như thế, khiến phu nhân có một vẻ vui sướng trẻ thơ: Công tước tiểu thư Maria quỳ xuống trước phu nhân và úp mặt vào những nếp áo của chị dâu.

– Đấy đấy cô thấy không? Tôi thấy lạ quá: Và Maria ạ, thật đấy mĩnh sẽ yêu nó lắm cơ – Liza nói và nhìn cô em chồng, mắt sáng ngời vì hạnh phúc.

Công tước tiểu thư Maria không ngẩng đầu lên được, nàng khóc.

– Cô làm sao thế, Masa?

– Không, chỉ vì em thấy buồn, buồn về phần anh Andrey!

Nàng vừa nói vừa lau nước mắt trên áo chị dâu. Sáng hôm sau ấy đã nhiều lần nàng bắt đầu chuẩn bị tinh thần cho phu nhân, nhưng mỗi lần như vậy nước mắt nàng lại cứ trào ra khiến nàng không sao nói được. Phu nhân không hiểu tại sao nàng khóc, nhưng cũng sinh lo, mặc dầu phu nhân không có khiếu quan sát cho lắm. Phu nhân lặng thinh không nói, nhưng lo lắng đưa mắt nhìn quanh như muốn tìm cái gì. Trước bữa ăn, lão công tước – xưa nay nàng vẫn sợ ông cụ, nhưng bây giờ ông cụ lại có vẻ ưu phiền và ác nghiệt khác thường – vào phòng nàng rồi lại đi ra, không nói một lời. Phu nhân nhìn công tước tiểu thư Maria rồi nghĩ ngợi, trong đôi mắt lại hiện ra cái vẻ chú ý hướng vào bên trong của những người đàn bà có thai, và bỗng bật lên tiếng khóc.

– Nhà đã nhận được tin của Andrey à?

– Không, chị biết đấy, chúng ta chưa có thể nhận được tin, nhưng cha em lo lắm, mà em cũng thấy sợ.

– Thật không có gì chứ?

– Không, không có gì đâu!

Công tước tiểu thư Maria vừa nói vừa mạnh dạn nhìn chị dâu với đôi mắt trong sáng. Nàng quyết định không nói gì với phu nhân và cũng đã xin được cha nàng cùng giấu kín cái tin ghê gớm ấy cho đến khi phu nhân ở cữ xong, nghĩa là chỉ trong vài ngày nữa. Công tước tiểu thư Maria và lão công tước, mỗi người một cách, đều mang nặng và giấu giếm nỗi đau thương của mình. Lão công tước không muốn hy vọng; ông tin chắc rằng công tước Andrey đã tử trận, và, tuy đã sai một người tín cẩn sang Áo để thăm dò tung tích con, ông cũng đặt làm ở Moskva một đài kỷ niệm để dựng lên ở trong vườn, và cũng báo cho mọi người biết tin con mình đã chết. Lão công tước cố gắng không thay đổi gì trong cách sinh hoạt của mình, nhưng sức lực của ông không khỏi phụ lòng ông: ông đi bộ kém, ăn kém, ngủ kém và mỗi ngày một yếu đi.

Công tước tiểu thư Maria thì vẫn còn hy vọng. Nàng cầu nguyện cho anh nàng như một người còn sống và từng phút một vẫn mong ngóng đợi tin anh về.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.