Chiến Tranh Và Hòa Bình

Quyển 2 - Chương 13



Ngay đêm ấy, sau khi từ biệt viên Tổng trưởng bộ chiến tranh, công tước Andrey trở về quân doanh nhưng bản thân chàng cũng không biết tìm nó ở đâu và lo lắng trên đường đi đến Kremx chàng sẽ bị quân Pháp bắt.

Ở Bruyn bao nhiêu cư dân của cung đình đều đã chuẩn bị hành lý để ra đi và những hành lý nặng đã được gửi đến Olmuytx. Đến gần Etxelxdorf, công tước Andrey rẽ ra đường cái; trên con đường này quân đội Nga đang kéo đi hết sức vội vàng và hỗn độn. Con đường chật ních những xe chở hành lý đến nỗi không thể nào đi xe ngựa được. Công tước Andrey bảo một đội trưởng cô-dắc cấp cho mình một con ngựa và một người cô-dắc, rồi vừa đói vừa mệt, chàng đi tìm Tổng tư lệnh và xe hành lý của mình. Trên đường đi chàng nghe những tin dồn cực kỳ bi đát về tình hình quân đội và cánh quân bỏ chạy hỗn độn lại xác nhận những tin đồn ấy.

“Cái quân Nga kia mà vàng của nước Anh đã mang từ chân trời góc biển tới đây, chúng ta sẽ cho nó chịu chung một số phận ấy (số phận của đạo quân ở Ulm)”. Chàng sực nhớ tới lời của Buônapáctê trong bản nhật lệnh ban bố cho quân đội trước khi mở chiến dịch; những lời này khiến chàng kinh ngạc trước thiên tài lỗi lạc của vị anh hùng mà chàng hâm mộ, đồng thời cũng nhen nhóm trong lòng chàng niềm hi vọng giành được vinh quang. “Nếu ta chẳng có cách nào khác ngoài cái chết ra? – Chàng nghĩ thầm – Được! Nếu cần thì được lắm! Ta sẽ làm cái việc đó chẳng kém một người nào hết”.

Công tước Andrey khinh bỉ nhìn những toán quân hỗn loạn, những chiếc, xe chở hành lý, những chiếc xe chở lương thực, những khẩu đại bác kéo nhau đi, kìn kìn, rồi lại những chiếc xe chở hành lý đủ các kiểu, đuổi vượt nhau đi thành hàng ba hàng tư làm nghẽn cả con dường lầy lội từ khắp mọi phía, phía trước cũng như phía sau, xa gần đều có tiếng xe rầm rập, tiếng xe trạm, xe vận tải và xe con lăn lạch cạch, tiếng vó ngựa lóc cóc, tiếng roi da quất đen đét, thấy binh lính, quân hầu và sĩ quan thét inh ỏi, mắng nhiếc om sòm.

Dọc đường ta liệt những con ngựa chết gục, bị lột da rồi cũng có, chưa lột da cũng có, những chiếc xe ngựa thồ bị gẫy, bên cạnh xe có vài người lính ngồi thui thủi không biết đang chờ đợi cái gì; khi thì lại thấy những người lứnh lạc ngũ kéo nhau thành từng đoàn đi vào các làng lân cận hay mang ở các làng ra nào gà, nào cừu, nào cỏ khô, hay những bọc lớn đựng đầy những thứ gì không rõ. Ở những đoạn đường lên dốc hay xuống dốc người dồn lại đông nghịt, tiếng hò hét không ngớt hoà vào thành một tiếng rên dài. Quân lính lội trong lớp bùn ngập đến dầu gối tay đẩy súng đại bác và xe thồ; roi da quất đen đét, ngựa thi nhau trượt chân, luôn luôn có những sợi dây da kéo xe bị đứt, và những lồng ngực mệt lả buông ra những lời chửi rủa tục tằn. Các sĩ quan chỉ huy cuộc hành quân khi thì cưỡi ngựa đi về phía trước, khi thì lại đi về phía sau, len giữa các xe chở hành lý. Tiếng nói của họ nghe thật yếu ớt giữa tiếng ồn ào của đám đông hỗn dộn, và nét mặt của họ cho thấy rõ ràng họ đã tuyệt vọng không còn thấy có cách gì khắc phục tình trạng hỗn độn này nữa.

“Cái quân đội chính giáo đáng yêu đấy”, Andrey nghĩ thầm, sực nhớ tới lời nói của Bilibin. Chàng cưỡi ngựa đến gần một đội xe chở đồ, hy vọng có thể hỏi những người ở trong đội xem Tổng tư lệnh ở đâu. Ngay trước mắt chàng là một chiếc xe ngựa ký quái, hình như binh sĩ đã tự túc về phương tiện và vật liệu để lắp nên nó, làm thành một thứ trung gian giữa cái xe dài, cái xe hòm nhỏ và cái xe chở khách. Một người lính ngồi đánh xe, và dưới cái diềm xe bằng da ở phía sau mui xe là một người đàn bà mình quấn đầy khăn.

Công tước Andrey cưỡi ngựa lại gần đang định hỏi người lính thì những tiếng kêu tuyệt vọng của người đàn bà ngồi ở dưới diềm xe khiến cho chàng chú ý. Viên sĩ quan chỉ huy đoàn xe lấy roi đánh người lính đánh xe này vì anh ta muốn vượt lên trước xe khác.

Chiếc roi quật vào diềm xe. Người đàn bàn kêu ré lên. Nhìn thấy công tước Andrey bà ta thò đầu ra khỏi mui xe và giơ hai cánh gầy gò ra ngoài đơng khăn quấn quanh người, vấy vẫy cất tiếng kêu thất thanh.

– Ngài sĩ quan phụ tá ơi. Thưa ngài sĩ quan phụ tá! Ngài che chở cho chúng tôi với! Là thế này! Tôi là vợ y sĩ trung đoàn khinh binh thứ bảy, họ không cho tôi đi… Chúng tôi bị tụt lại sau, lạc mất đồng đội rồi.

– Tao băm xác mày ra, mày có lùi lại không! Viên vĩ quan nổi giận quát người lính, mày đưa con mẹ chết tiệt của mày quay lại ngay!

– Ngài sĩ quan phụ tá ơi, ngài cứu tôi với! Như thế này là thế nào, bà vợ y sĩ kêu lên.

– Ông làm ơn cho cái xe này đi trước. Ông không thấy đây là một người đàn bà sao? – Công tước Andrey tiến gần viên sĩ quan nói. Viên sĩ quan đưa mắt nhìn chàng không đáp, rồi quay về phía người lính.

– Rồi tao cho mày biết tay. Có lùi ngay không!

– Ông để cho họ đi, tôi bảo ông. – công tước Andrey nhắc lại một lần nữa, đôi môi mím chặt.

– Còn mày là cái thá gì mới được chứ! – Viên sĩ quan bỗng điên tiết lên nói với chàng, giọng hùng hổ – Mày là cái thá gì? Mày (Hắn nhấn mạnh đặc biệt chữ mày) là chỉ huy hẳn? Ở đây tao chỉ huy chứ không phải mày. Còn thằng kia thì quay lại ngay – hắn nhắc lại – không tao băm xác mày ra bây giờ.

Viên sĩ quan hình như rất thích thú với thành ngữ này.

Hắn sửa cho anh sĩ quan phụ tá oắt con kia một mẻ – đằng sau có tiếng nói.

Công tước Andrey thấy rằng viên sĩ quan đã lâm vào cái trạng thái phẫn nộ vô cớ khiến cho người ta như điên như dại, không còn nhớ mình nói gì nữa. Chàng thấy rằng trong việc can thiệp giúp bà vợ ông y sĩ có một điều mà chàng sợ nhất trên đời, tức là cái mà người ta gọi là “sự lố bịch” nhưng bản năng chàng lại nói khác. Viên sĩ quan chưa kịp nói hết mấy tiếng cuối thì công tước Andrey gương mặt biến sắc đi vì tức giận, đã tiến đến gần hắn và giơ roi lên.

– Ông – làm – ơn – cho – họ – đi!

Viên sĩ quan khoát tay một cái và vội vã thúc ngựa lảng đi nơi khác mồm càu nhàu:

– Hỗn độn như thế này đều là do những bọn ở bộ tham mưu hết. Ông muốn làm gì thì ông làm.

Công tước Andrey không ngước mắt lên, vội vã rời khỏi bà vợ ông y sĩ đang gọi chàng là cứu tinh. Chàng lợm giọng khi nhớ lại từng chi tiết nhỏ nhặt của cái cảnh xấu hổ ấy và phi ngựa về phía trước mặt đến cái làng mà người ta nói với chàng là có Tổng tư lệnh ở đấy.

Sau khi vào làng, chàng xuống ngựa đi bộ đến ngôi nhà gần nhất với ý định nghỉ ở đấy một lát, dù chỉ một phút thôi, ăn uống qua loa và ổn định lại tất cả những ý nghĩ đau xót, nhục nhã đang dằn vặt chàng. “Đó là côn đồ chứ không còn là quân đội nữa”, chàng nghĩ thầm trong khi bước về phía ngôi nhà gần nhất. Bỗng một giọng nói quen thuộc gọi tên chàng. Chàng quay lại. Khuôn mặt tuấn tú của Nexvitxki thò ra ngoài một cái cửa sổ nhỏ.

Nexvitxki đang nhai nhồm nhoàm một cái gì ở trong miệng, vẫy tay gọi chàng lại.

– Bolkonxki, Bolkonxki! Anh không nghe tôi gọi sao. Lại đây mau lên.

Bước vào nhà công tước Andrey thấy Nexvitxki và một viên sĩ quan phụ tá khác đang ăn. Họ tíu tít hỏi chàng xem có biết tin gì mới không. Trên khuôn mặt quen thuộc của họ chàng thấy biểu lộ vẻ lo lắng và sốt ruột. Vẻ này đặc biệt hiện rõ trên khuôn mặt của Nexvitxki.

– Tổng tư lệnh ở đâu? – Công tước Andrey hỏi.

– Ở đây, ở trong nhà kia kìa. – Viên sĩ quan phụ tá nói. Nghe nói là vừa kí hoà ước đầu hàng phải không? – Nexvitxki hỏi.

– Chính tôi định hỏi anh câu ấy đấy. Tôi chỉ biết một điều là tôi khó nhọc lắm mới đến được đây để gặp các anh.

– Thế anh có biết tình hình chúng tôi ra sao không? Thật là kinh khủng! Anh ạ, tôi xin nhận lỗi. Chúng mình đã cười Mack, nhưng bây giờ chúng mình lại còn gay hơn – Nexvitxki nói – Nhưng anh ngồi xuống đây uống cái gì đã chứ!

– Công tước ạ, bây giờ thì công tước đừng hòng tìm ra xe cộ gì của công tước nữa hết, còn cái anh chàng Piotr của công tước thì chẳng ai biết nó ở đâu rồi – Viên sĩ quan phụ tá kia nói.

– Thế bộ tư lệnh ở đâu?

– Chúng tôi nghỉ đêm ở Znaim.

– Riêng tôi thì tôi đã chất tất cả những thứ gì cần thiết lên lưng hai con ngựa – Nexvitxki nói – Chúng buộc hành lý cho tôi cừ lắm.

Dù có phải chạy qua miền núi ở Bohemie cũng không sao. Anh ốm phải không? Anh ốm thật rồi, nếu không tại sao anh lại rùng mình thế kia – Nexvitxki nói, vì nhận thấy công tước Andrey giật mình như chạm phải điện.

– Không sao đâu – công tước Andrey đáp.

Chính trong giây phút ấy chàng sực nhớ tới việc mình vừa chạm trán với viên sĩ quan coi việc vận tải và bà vợ viên y sĩ.

– Tổng tư lệnh làm gì ở đây? – chàng hỏi.

– Tôi chẳng hiểu gì hết, – Nexvitxki nói.

– Còn tôi thì tôi chỉ biết một điều là tất cả đều ghê tởm, ghê tởm – Công tước Andrey nói, và đi về phía ngôi nhà dành cho Tổng tư lệnh.

Chàng đi qua cái xe ngựa của Kutuzov, qua mấy con ngựa đã mệt lả của các sĩ quan tuỳ tùng, qua mấy người cô-dắc đang nói chuyện oang oang với nhau và bước vào phòng ngoài.

Như người ta đã nói với chàng, Kutuzov ở trong ngôi nhà gỗ cùng với công tước Bagration và Vairother, viên tướng Áo thay thế Smitch vừa tử trận. Ở căn phòng ngoài Kozlovxki đang ngồi sổm trước mặt một người thư kí. Người này đã vén ống tay áo quân phục lên và đang hí hoáy viết trên một cái thùng lật sấp. Mặt Kozlovxki phờ phạc, Có thể thấy rõ là đêm qua ông ta không ngủ. Ông ta ngước mắt nhìn công tước Andrey không buồn gật chào.

– Hàng thứ hai… anh biết chưa? Kozlovxki đọc tiếp cho viên thư ký – … trung đoàn pháo, thủ thành Kiev, trung đoàn Podolxki.

– Thưa ngài không sao viết kịp được! – Viên thư ký đáp lại, giọng vô lễ và giận dữ, và đưa mắt nhìn Kozlovxki.

Vừa lúc ấy từ sau cánh cửa đưa ra giọng nói sôi nổi và bực bội của Kutuzov xen vào một giọng nói khác nghe là lạ. Căn cứ vào giọng những câu nói này, vào thái độ lơ đễnh khi Kozlovxki nhìn chàng, vào cái giọng vô lễ của người thư ký mệt lả, vào việc viên thư ký và Kozlovxki ngồi dưới đất và bên cái thùng ở ngay sát cạnh Tổng tư lệnh, vào việc những người cô-dắc giữ ngựa cười oang oang ở ngoài cửa sổ, căn cứ vào tất cả những điều đó công tước Andrey có cảm giác là thế nào cũng sẽ xảy ra một việc gì quan trọng và không may.

Công tước Andrey khẩn khoản hỏi Kozlovxki.

– Công tước đợi một lát, Kozlovxki nói – đây là mệnh lệnh điều quan gửi Bagration.

– Thế việc đầu hàng?

– Làm gì có! Đã có lệnh chuần bị chiến đấu!

Công tước Andrey đi về phía cửa có tiếng nói đưa ra. Nhưng ngay lúc chàng toan đẩy cửa thì tiếng nói ở trong phòng im bặt, cánh cửa tự mở ra và Kutuzov với cái mũ diều hâu trên khuôn mặt béo phì, hiện ta ở ngưỡng cửa. Công tước Andrey đứng đối diện với Kutuzov. Nhưng cứ trông thần sắc con mắt đợc nhất của tổng tư lệnh người ta cũng thấy rõ ràng những nỗi lo âu suy nghĩ đã làm cho ông bận tâm đến nỗi dường như che mờ cả thị giác của ông. Ông nhìn thẳng vào mặt viên sĩ quan phụ tá của mình mà không nhận ra.

– Thế nào, xong chưa? – Ông nói với Kozlovxki.

– Xong ngay đây ạ.

Bagration bước theo sau Tổng tư lệnh. Ông người thấp bé, khô khan tuy chưa già, có một khuôn mặt im lìm và rắn rỏi kiểu phương Đông.

– Tôi rất hân hạnh được trình diện, – công tước Andrey nhắc lại khá to, tay đưa một phong thư.

– A, ở Viên lại đấy à? Được! Để lát nữa, lát nữa.

Kutuzov tiễn Bagration ra thềm và nói với ông:

– Chúc ngài lập chiến công oanh liệt.

Gương mặt Kutuzov đột nhiên dịu lại, mấy giọt lệ rưng rưng ở khoé mắt. Ông lấy tay trái kéo Bagration về phía mình, bàn tay phải đeo nhân làm dấu chữ thập cầu phúc cho Bagration với một cử chỉ hình như đã quen thuộc lắm và giơ cái má phúng phính ra cho Bogration hôn. Nhưng Bagration không hôn vào má mà lại hôn vào cổ ông.

– Cầu Chúa phù hộ cho ngài. – Kutuzov nhắc lại và đi đến gần xe ngựa. Ông nói với Bolkonxki – Anh lên xe với tôi.

– Thưa tướng quân, tôi muốn được làm người có ích ở đây. Xin ngài cho phép tôi được ở trong đạo quân của công tước Bagration.

– Anh lên đây ngồi – Kutuzov nói khi nhận thấy Andrey chần chừ, rồi tiếp – Chính tôi cũng đang cần đến những sĩ, quan giỏi, chính tôi đang cần.

Hai người ngồi trên xe ngựa, vài phút im lặng trôi qua.

– Trước mắt chúng ta còn nhiều việc, rất nhiều việc – Kutuzov nói với cái giọng của một người già nhìn xa thấy rộng. Hình như ông đã hiểu tất cả những điều diễn ra trong óc công tước Andrey – Nếu ngày mai trong đạo quân của ông ta có được một phần mười trở về được thì ta sẽ cảm ơn Thượng đế – Ông nói thêm, như thể tự an ủi mình.

Công tước Andrey liếc mắt nhìn Kutuzov. Chàng bất giác nhìn vào những nếp sẹo đã được lau rửa sạch sẽ trên thái dương Kutuzov cách chừng mấy tấc: trong chiến dịch Izmail một viên đạn đã xuyên vào sọ vị nguyên soái ở chỗ ấy. Công tước Andrey nhìn con mắt của Kutuzov đã bị đạn xói bật và nghĩ thầm:

“Phải, ông ta có quyền nói đến cái chết của những người dưới quyền mình một cách điềm nhiên như vậy”.

Chàng nói:

– Chính vì vậy mà tôi xin phép ngài phái tôi đến chi đội ấy.

Kutuzov không đáp. Hình như ông đã quên điều công tước Andrey vừa nói với ông, và ông ngồi trầm ngâm suy nghĩ. Năm phút sau, mình khẽ lắc lư trên bộ díp êm của chiếc xe song mã, Kutuzov lại nói chuyện với công tước Andrey. Trên gương mặt của ông không còn dấu vết nào của sự xúc động. Giọng bỡn cợt và tế nhị, Kutuzov hỏi công tước Andrey về những chi tiết khi chàng bệ kiến hoàng đế, về những ý kiến của triều đình và về trận Kremx và về một vài người đàn bà mà hai người quen biết.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.