Ba hôm sau, tôi cố ý chọn một bộ thật sang trọng để ra oai với Thẩm Tề. Đó là bộ váy đắt tiền mẹ tôi đặt may cho. Váy áo màu đỏ nhạt mặc kèm với quần dài màu hồng đào, trông rất hợp với tôi. Thợ may nói tôi là cô gái mặc màu đỏ nhạt đẹp nhất mà bà từng gặp.
Ngắm từ đầu đến chân một lượt, thấy đã ổn thoả tôi bèn dẫn Tuyết Yên ra ngoài.
Tôi đến quán trà sớm hơn giờ hẹn một khắc. Tốt lắm, lần đàm phán này nhất định tôi nắm quyền chủ đạo.
Nào ngờ Thẩm Tề cũng đến ngay sau tôi luôn.
Tiếng gõ cửa vang lên, tôi nói:
– Mời vào.
Cửa mở ra, một người bước qua ngạch cửa. Tôi ngước mắt nhìn lên.
Tuy đôi giày Thẩm Tề mang rất bình thường, là loại giày đám con em dòng thứ thấp kém nhất trong nhà quan lại cũng chả thèm mang, nhưng nó chẳng hề ảnh hưởng đến bước chân của chàng. Áo bào màu xanh nhạt chàng mặc trông khá cũ. Xem ra đúng như lời cha tôi nói, gia cảnh chàng chẳng tốt lắm. Có điều dáng người chàng không phải kiểu còm cõi, mặc áo bào cũ cũng không thấy gầy yếu.
Nhìn lên trên lại thấy gương mặt chàng y như hình trong tranh vẽ. Quả xứng với lời khen chi lan ngọc thụ. Mắt, mũi, miệng như đúc ra cùng một khuôn với mỹ nam trong truyện. Chỗ khác biệt duy nhất có lẽ là ánh mắt. Ánh mắt quyết chí kiên định cùng với nét cười trên mặt làm người ta thấy như hết thảy đều nằm trong tay chàng.
Vẻ ngoài của chàng thật sự chẳng có chút cương trực nào hết. Theo như lời của Tuyết Yên thì đây là tướng của quan tham.
Trong lúc tôi bận bịu quan sát thì chàng bước tới trước mặt tôi, thi lễ rồi nói:
– Tại hạ là Thẩm Tề.
Tôi gật đầu đáp lại:
– Chào Thẩm công tử. Tôi là Vạn Y. Mời anh ngồi.
Chàng ngồi xuống.
Tôi không quan sát chàng nữa, vào thẳng vấn đề luôn.
– Thẩm công tử, hôm nay tôi hẹn anh ra đây là có lời muốn nói.
Chàng rót một chén trà để trước mặt tôi, nói:
– Thẩm mỗ xin lắng tai nghe.
– Tôi muốn biết vì sao Thẩm công tử đồng ý với mối hôn sự này. Rõ ràng anh có nhiều lựa chọn tốt hơn kia mà.
– Không dám dối gạt Vạn cô nương, đúng thật là Thẩm mỗ không nhất thiết phải đồng ý với mối hôn sự này. Tuy nhiên, ngày trước khi lệnh tôn bàn bạc với tôi đã nói rằng, nếu tôi chịu đồng ý thì về sau ông sẽ dốc lòng cất nhắc cho tôi. Sau khi suy nghĩ cân nhắc thiệt hơn, ngẫm thấy được lợi nhiều hơn hại, nên tôi đã đồng ý.
– Lợi nhiều hơn hại? Ý nghĩ này của Thẩm công tử quả là khác hẳn với người bình thường.
Chàng có vẻ hơi mỉm cười, lại nói tiếp:
– Hẳn Vạn cô nương không biết. Song thân tôi đã mất từ lâu. Đối với tôi, cưới vợ hay ở rể cũng chẳng khác là bao. Nhà tôi chẳng phải gia đình quan lại gì, tổ tiên nhiều đời không làm ruộng thì buôn bán, cũng chả có gia nghiệp to lớn gì để thừa kế cả. Mà mối hôn sự nào lại càng quan trọng với tôi hơn. Rốt cuộc lệnh tôn có thể cho tôi bàn đạp, ao ước của biết bao kẻ sĩ. Có vài người quý thanh danh, chỉ muốn tự mình nỗ lực trên con đường làm quan. Mà tôi thì không phải loại người ấy. Cả nhà tôi chỉ còn mình tôi. Người ta có chỉ trích tôi cũng chả sao. Từ nhỏ tôi đã không để ý chuyện người ta nghĩ gì rồi. Vì thế chuyện ở rể này rõ ràng chẳng có chỗ hại nào với tôi cả.
Tôi không ngờ chàng thẳng thắn, chân thành như thế. Xem ra quả thật chàng rất có thành ý.
Tôi hỏi tiếp:
– Được, vậy tôi lại hỏi anh, anh có nghiêm túc với cuộc hôn nhân này không?
– Vạn cô nương nói đùa rồi. Nếu không nghiêm túc, hôm nay tôi sẽ không đến như đã hẹn.
Chàng hiểu sai ý của tôi mất rồi.
– Ý tôi là anh có nghĩ là sẽ nghiêm túc chung sống với tôi không? Tôn trọng lẫn nhau như khách không?
Dường như chàng bị sốc vì lời nói huỵch toẹt này của tôi. Đúng thật là nói thẳng ra như vậy không giống như việc làm của thiên kim khuê tú.
Nhưng từ nhỏ tôi đã vậy rồi. Cha mẹ chưa từng ép buộc tôi gì cả, tôi cũng không cần vì giữ thể diện cho cha mà ép buộc mình. Vì thế có gì là tôi nói thẳng luôn, quanh co lòng vòng chỉ tổ khiến mọi chuyện phức tạp thêm.
Thấy chàng nghẹn lời, tôi lại nói thêm:
– Nói thẳng với anh, tôi biết hai ta kết hôn không tình yêu. Nhưng tôi không định hời hợi với chuyện hôn nhân của mình. Nếu anh bằng lòng nghiêm túc sống chung với tôi thì tôi cũng vậy. Nếu ở chung hợp thì hai ta cứ tiếp tục như thế. Nếu không hợp thì ly hôn hoặc anh viết cho tôi phong thư bỏ vợ, sau này cưới gả gì không làm phiền nhau. Anh thấy sao?
Thẩm Tề đứng lên, chắp tay thi lễ với tôi:
– Cô nương, Thẩm mỗ chưa từng nghĩ sẽ trêu đùa cô nương. Say này Thẩm mỗ đương nhiên sẽ nghiêm túc chung sống với cô nương, cố gắng không để cô nương thất vọng.
Được lắm, khá hợp với ý tôi.
– Được. Tôi còn cần xác định với anh một vài điều nữa. Trước đây anh từng cưới vợ sinh con hoặc có hôn ước với ai chưa?
Tuy người mà cha sai đi tìm hiểu tin tức đã báo lại rằng chàng chưa vợ chưa con, nhưng tôi nghĩ vẫn nên xác nhận với chàng một lần.
– Thẩm mỗ chưa từng cưới vợ, chưa từng có con, chưa từng đính ước gì với người ta, trong nhà cũng không có chị em họ hàng xa gì cả.
– Vậy bây giờ chàng có người trong lòng không?
– Thẩm mỗ luôn một thân một mình, tu thân dưỡng tính, chưa từng nảy sinh tình cảm với ai.
Mục tiêu đã đạt một nửa nên giọng điệu tôi cũng nhẹ nhàng hơn.
– Được, để phòng bất trắc, mời anh ký tên đóng dấu vào tờ chứng nhận này.
Tôi đưa giấy chứng nhận mấy hôm trước Tuyết Yên viết cho chàng. Chàng đọc rồi viết hai chữ “Thẩm Tề” vào sau tên của tôi ở mặt sau.
Tôi thu lại giấy chứng nhận, nói:
– Tốt rồi, hôm nay chúng ta đã đạt được nhận thức chung. Hi vọng sau này đôi bên sẽ đối xử chân thành, chung sống hoà thuận với nhau.
– Thẩm mỗ sẽ khắc ghi trong lòng.
Mục tiêu đã đạt được, về nhà đọc tiểu thuyết thôi!
– Xin cáo từ.
– Để Thẩm mỗ đưa cô nương về.
Để làm gì? Cũng đâu phải quan hệ tôi yêu anh, anh yêu tôi.
– Không cần, tôi còn ghé nơi khác nữa. Thẩm công tử cứ tự nhiên.
Thẩm Tể cười, cúi đầu uống chén trà rồi ra về.
Giải quyết xong một nỗi băn khoăn, tôi thấy nhẹ lòng ghê gớm. Tôi với Tuyết Yên ghé tiệm sách Trường An coi thử gần đây có tiểu thuyết gì mới không.
…
Ở một nơi khác, suốt quãng đường về nhà Thẩm Tề vẫn luôn nghĩ đến vị Vạn Y cô nương kia.
Thật ra lúc đầu nhận được thiệp mời của Vạn Y, Thẩm Tề đã nghĩ rằng nàng muốn hỏi mình xem có yêu nàng hay không, hoặc nàng muốn báo cho mình biết nàng đã có người yêu, khuyên mình từ bỏ. Thẩm Tề vẫn nghĩ đám cô nương con nhà thế gia đều giống nhau cả, thảy đều để ý phu quân có yêu mình hay không. Nếu không yêu thì sẽ làm rộn một phen. Vì thế Thẩm Tề cũng đã chuẩn bị sẵn một kịch bản. Nếu bị hỏi thì chàng sẽ bịa là may mắn thoáng thấy bóng lưng xinh đẹp tuyệt vời của Vạn cô nương nên mới xin hỏi cưới.
Nào ngờ vừa mới vào cửa, nhìn thấy vị cô nương kia, mặt mày mang nét quyến rũ riêng, khuôn trăng như ngọc, lúc chưa ngẩng đầu cũng đã thu hút ánh mắt người ta. Nàng ăn vận sang trọng quý giá, vừa nhìn đã biết là lớn lên trong nhung lụa. Bảo sao đám trai cùng trường với chàng thường so sánh nàng với Lạc Thần. Lúc nàng khẽ ngước lên, đôi mắt đào hoa nhìn như đa tình nhưng thật ra lại vô tình. Quả thật lúc nàng lên tiếng, Thẩm Tề nhận ra vị cô nương này chẳng hề coi trọng tình yêu.
Những lời vừa nãy Thẩm Tề nói với Vạn Y đều là thật lòng.
Vạn Y chân thành thẳng thắn khiến Thẩm Tề bị bất ngờ, nhưng có qua có lại, đôi bên đều trải lòng với nhau.
Vạn Y này thật đặc biệt. Thẩm Tề hơi tò mò, không biết cha mẹ nàng dạy dỗ thế nào mà nàng lại ứng xử… khác người bình thường đến vậy.
Tóm lại, chung sống với vị Vạn cô nương này hẳn thú vị lắm đây.