…mộc- mạc, hóm hỉnh và nhân văn.”
– Le Figaro
Người tôi gầy, lẻo khoẻo, thẳng đuột, ấy thế mà mỗi lần đi ngang qua, lão Shomintsu lại hào hứng nói:
– Ta thấy một người to lớn trong cậu. Bực cả mình! Nhìn thẳng, trông tôi như một bộ da cá trích phơi khô trên một que diêm; nhìn nghiêng… không thể nhìn thấy tôi theo chiều nghiêng, tôi được sinh ra theo không gian hai chiều chứ không phải ba chiều; giống như một hình vẽ, trông tôi cứ phẳng tuột.
– Ta thấy một người to lớn trong cậu. Mấy hôm đầu, tôi không đáp lại vì còn nghi ngờ chính mình: tôi thường nghĩ rằng người ta hay tấn công tôi bằng lời nói, bằng những cái nhăn mặt, bằng những cử chỉ, rồi sau đó nhận ra là mình nhầm, tôi suy diễn, bóp méo, thậm chí là tưởng tượng.
Huyễn tưởng, tôi e là như vậy, người ta gọi kiểu ảo tưởng lặp đi lặp lại này như vậy, đúng thế, tôi huyễn tưởng, hơn thế nữa, tôi còn dị ứng.
– Này Jun, hãy bình tĩnh nào, mày đang tự giết mình đấy, tôi tự răn mình. Cái lão dặt dẹo này không nói thế đâu.
Lần thứ ba, khi Shomintsu tới gần, không cần nói cũng biết tai tôi đang căng ra như chân của một tay lính khi ngắm bắn: không được nghe thiếu một từ nào, không được sót một âm tiết nào, tôi sẽ nắm lấy bất cứ tiếng gầm gừ nào mà lão đầu bạc này phát ra.
– Ta thấy một người to lớn trong cậu.
– Lão biến đi!
Lần này, tôi chắc chắn mình đã nghe rõ.
Còn lão ta thì không có vẻ gì để tâm đến câu trả lời của tôi: lão mỉm cười và tiếp tục đi dạo như thể tôi đã chẳng có phản ứng gì.
Hôm sau, khi dừng lại, lão hét tướng lên với vẻ mặt hào hứng của người vừa mới nghĩ ra câu nói ngay lúc đó:
– Ta thấy một người to lớn trong cậu.
– Lão là người đầu đất hay sao thế?
Không cách nào làm lão hết dính vào tôi! Bốp! Ngày nào lão cũng đập lại câu đó.
– Ta thấy một người to lớn trong cậu.
– Đi bệnh viện chữa đi!
Từ bây giờ tôi đáp lại như vậy, sáng nào cũng thế, tùy theo độ bực tức của mình, với một vài biến thể như “Đeo kính vào đi bố già, kẻo đâm đầu vào tường bây giờ”, “Nhiều kẻ đã bị bắt vào nhà thương điên vì những câu ít điên hơn thế đấy!”, thậm chí là: “Đừng làm tôi bực mình, nếu không tôi cho lão nuốt ba cái răng còn lại trên mồm lão đấy”.
Không hề suy chuyển, Shomintsu lắc mõm và tiếp tục đi, hỉ hả, ung dung, chẳng để tâm đến việc tôi vừa quát mắng lão. Một con rùa. Tôi có cảm giác đang nói chuyện với một con rùa trong vòng ba mươi giây, bởi lẽ lão có cái mặt nhăn nhúm, sắc xanh kaki, nhẵn nhụi, hai con mắt nhỏ xíu nấp dưới cặp mi già nua, đúng vậy, một con rùa có cái cổ khô héo oằn xuống dưới một cái sọ nặng nề rồi mất tích trong những nếp gấp của bộ quần áo cắt khéo không chê vào đâu được của lão, thẳng như được phết hồ, một cái mai cứng ngắc. Tôi còn tự hỏi không biết căn bệnh nào khiến lão cứ khăng khăng như thế: lão mù, điếc, hâm hay hèn nhát? Lão dở hơi không để đâu cho hết.
Các vị sẽ nói với tôi rằng, để thoát khỏi chuyện này, tôi chỉ cần không đứng ở cái ngã tư đó vào buổi sáng ; có điều, tôi chẳng có sự lựa chọn nào cả. Mười lăm tuổi rồi, phải biết tự kiếm sống chứ. Nhất là khi không có ai nương tựa. Nếu tôi không đứng lì ở góc phố mang tên Đỏ Rực, dưới tòa nhà xây bằng gạch hồng nơi xuất bản các quyển tiểu thuyết-ảnh ngớ ngẩn nhất nước Nhật, một vị trí chiến lược nằm giữa cửa ga tàu điện ngầm và bến xe buýt, tôi sẽ không thể nào kiếm đủ khách để đẩy hết chỗ hàng của mình.
Sự thực là lão Shomintsu làm tôi tò mò bởi điều mà lão gào tướng lên hằng ngày là một sự ngu xuẩn. Nó khác với kiểu của những người thông minh, với vẻ rất quan tâm, suốt ngày dồn dập hỏi tôi những câu đại loại như: “Tại sao ở tuổi này cháu lại không đến trường?”, “Thế gia đình có biết cháu ở đây không?”, “Cháu không có bố mẹ để chăm sóc cháu à? Họ mất cả rồi à?”, chừng ấy những câu hỏi có nghĩa, rõ ràng mà tôi không trả lời.
À có chứ, đôi khi có một câu hỏi khác được lặp lại: “Mày không xấu hổ khi bán những thứ này à?” Những khi đó, tôi đã có sẵn một câu trả lời: “Không, tôi chỉ xấu hổ khi mua nó thôi”, nhưng trên thực tế, chẳng bao giờ tôi nói thế vì không thể mạo hiểm để mất đi một khách hàng tiềm năng.
Tóm lại, cái lão Shomintsu nhìn thấy tôi là một người to lớn, với vẻ ngoài lơ ngơ của lão, có lợi thế hơn người là tâm trí lão ở một nơi, chân lão lại bước về một nẻo; ở cái thành phố Tokyo này, nơi đám đông chạy theo cùng một hướng, nơi người này giống hệt người khác, lão ta có vẻ khác biệt. Chưa đi tới mức khẳng định rằng điều đó làm tôi có cảm tình, không, tôi không yêu ai cả, nhưng điều đó làm tôi thấy lão ít phản cảm hơn.
Bởi cần phải nói với các vị là vào thời đó, tôi bị dị ứng. Tôi không chịu được bất cứ thứ gì trên trái đất này. Thậm chí cả chính tôi nữa. Một chủ đề hấp dẫn với các bác sĩ nếu họ quan tâm đến trường hợp của tôi: tôi dị ứng với tất cả. Không có gì lôi cuốn tôi, tôi ghê tởm tất cả, sống làm cho tôi ngứa ngáy, hít thở làm tôi nổi cáu, nhìn xung quanh khiến tôi muốn đâm đầu vào tường cho phọt óc, quan sát loài người làm tôi thấy buồn nôn, chịu đựng lời nói của họ làm da tôi phủ đầy vẩy eczema, lại gần sự xấu xí của họ làm tôi rùng mình, giao du với họ làm tôi nghẹt thở; còn chạm vào họ, chỉ nghĩ đến đó thôi đã khiến tôi phát ngất. Tóm lại, tôi đã tự vò nặn cuộc đời mình theo sự què quặt của tôi: vĩnh biệt trường học, tôi không có bạn, tôi bán hàng mà không tào lao gì với khách, tôi ăn thức ăn công nghiệp – đồ hộp, cháo ăn liền – ăn một mình, nép dưới những tấm ván công trường, tối đến, tôi ngủ trong những nơi vắng vẻ, thường là những chỗ hôi hám, miễn sao được ngủ một mình.
Ngay cả việc tư duy thôi cũng làm tôi đau đớn. Suy nghĩ ư? Không cần thiết. Nhớ lại ư? Tôi tránh việc đó… Dự đoán ư? Tôi cũng tránh luôn. Tôi cắt mình ra khỏi quá khứ và tương lai. Hoặc ít ra là, tôi buộc mình làm như thế… Bởi lẽ, nếu như việc quẳng ký ức đi chẳng gây phiền hà gì cho tôi vì nó đầy rẫy những kỷ niệm đau đớn thì việc thôi không nghĩ đến những cảnh tượng đẹp đẽ lại luôn là một sự giằng xé. Tuy nhiên, tôi cấm mình làm việc đó vì tôi biết mình sẽ lãnh đủ vào lúc tỉnh giấc, khi tôi nhận ra rằng những điều đó là chuyện viển vông.
– Ta thấy một người to lớn trong cậu.
Không biết hôm thứ Hai ấy tôi bị làm sao nữa? Tôi không trả lời. Tôi cắm đầu vào một mớ bùng nhùng những suy nghĩ thảm hại, rối đến mức tôi không nhận ra lão
Shomintsu đã đứng lại, chú ý đến tôi và cũng không nhận thấy câu nói của lão.
Vì thế, lão nhắc lại rất to:
– Ta thấy một người to lớn trong cậu.
Tôi ngước mắt lên nhìn lão. Lão nhận ra rằng tôi đã nghe tiếng và nhấn mạnh:
– Cậu không tin ta khi ta khẳng định rằng ta thấy một người to lớn trong cậu.
– Này lão rùa, tôi cóc quan tâm đến những điều vớ vẩn lão nói! Tôi không muốn nói chuyện với ai: điều đó làm tôi mệt chết! Lão nghe thủng chưa?
– Tại sao?
– Tôi dị ứng.
– Dị ứng với cái gì?
– Dị ứng với tất cả.
– Từ bao giờ?
– Người ta cho rằng dị ứng là cái đến bất chợt, vèo một cái, một buổi sáng khi ngủ dậy bỗng dưng lão bị dị ứng. Đúng là một sự ngớ ngẩn! Với tôi, dị ứng đến dần dần. Tôi không biết nó bắt đầu từ bao giờ. Tôi chỉ biết là trước đó rất lâu, tôi không thế.
– Ta hiểu rồi, hiểu rồi…, lão già thì thầm giọng hiểu biết.
– Không, lão chẳng hiểu gì cả! Không ai hiểu tôi và lão thì càng ít hơn nữa. Tất cả cái lão có khả năng thấy, tôi nói lão đấy, là những cái không tồn tại.
– Chuyện cậu dị ứng hả?
– Không, lão ngốc: chuyện tôi là người to lớn ấy!
Hết hơi, tôi vừa nói chuyện nhiều hơn những gì tôi nói trong sáu tháng. Để cho xong chuyện với lão, tôi xắn quần dài lên.
– Nhìn kỹ đi lão rùa, đầu gối tôi to hơn đùi.
Vào thời đó, tôi vẫn còn tự hào về đầu gối của mình vì chúng xấu xí, mất cân đối so với cơ thể tôi. Vì căm thù chính mình, tôi chỉ chịu được những cái trông khủng khiếp trên cơ thể mình; gần như vô thức, tôi phát triển một thứ mỹ cảm lộn ngược, một thứ mỹ cảm gắn liền với những dị dạng của mình, bệnh còi xương, hai đầu gối quặt vào trong và yết hầu lồi một cục.
– Lão thấy chưa bố già, tôi trông giống một con gà. Khớp thì to và chẳng có cơ xung quanh.
Shomintsu gật đầu đồng ý.
– Khối xương rắn chắc này khẳng định trực giác của ta đã đúng, ông già hào hứng, có một người to lớn đang ngủ trong cơ thể cậu! Cần phải đánh thức anh ta dậy, cho anh ta ăn, cho anh ta phát triển.
– Thôi ngay! Tôi không thấy việc trở nên to lớn có lọi ích gì.
– Không à? Cậu thích gầy giơ xương… cậu thích mình gầy gò phải không?
– Tôi ghê tởm mình! Lão không nghe thấy à? Tôi dị ứng. Dị ứng với tất cả! Những gì tôi nói còn mù mờ lắm hả?
Mồm tôi tự liến thoắng; tôi cắn môi để ngăn mình nói tiếp. Bỗng dưng lại đi tâm sự với cái lão bù nhìn này? Chuyện gì đang xảy ra với tôi vậy? Sự chân thành bùng phát thành con ư? Cứ như thể bệnh dị ứng kinh niên chưa gây đủ rắc rối cho tôi hay sao ấy…
Lão ta chìa một chiếc vé ra cho tôi.
– Cầm lấy. Hãy đến xem giải đấu.
Không nghĩ ngợi gì cả, tôi đẩy tay lão ra bởi tôi cảm thấy một sự ghê tởm theo bản năng đối với những gì giống như sự hào phóng.
– Không.
– Cậu từ chối hay cậu không biết ta đưa cho cậu cái gì?
– Tôi không thèm.
– Thật tiếc, đó sẽ là một giải đấu tuyệt vời.
– Thi đấu gì?
– Vật su mô. Ta là chủ một lò vật. Thứ Bảy tới sẽ có nhiều nhà vô địch nổi tiếng thi đấu.
Tôi phá lên cười. Nói về chuyện này thì tôi cười thực sự, cười hồi lâu. Nếu có cái gì đó chắc chắn tôi không làm thì đó chính là việc đi xem một trận đấu su mô, đỉnh điểm của những gì tôi ghét ở Nhật Bản, đỉnh cao của những cái lỗi thời, núi Phú Sỹ của những điều khủng khiếp.
– Những đống mỡ hai trăm ki lô búi tóc, gần như trần truồng, một dải lụa quấn qua mông, hoa chân múa tay trong một vòng tròn, thôi cho tôi xin! Đưa cho tôi một tấm vé thôi chưa đủ, lão phải trả tiền cho tôi nếu muốn tôi đi xem những túi mỡ đập vào mặt nhau. Trả tôi nhiều tiền vào. Cực kỳ đắt vào.
– Bao nhiêu?
– Gì cơ?
– Bao nhiêu? Shomintsu nhắc lại. Ta phải trả cậu bao nhiêu để cậu đi xem một giải đấu su mô?
Mặt nghiêm nghị, lão ta thò tay vào túi lấy tiền.
Lão già bản lĩnh đấy, bái phục! Tôi lầm bầm bằng một giọng không quá cáu kỉnh:
– Đừng nói nhiều nữa, lão rùa. Lão không có tiền đâu. Mua cho tôi một món hàng nếu lão muốn giúp tôi.
Tôi chỉ xuống những vật phẩm dưới chân mình, xếp thành hàng trên mảnh khăn trải thẳng xuống mặt đường, lý do tôi phải đứng ở cái góc đầy người qua lại này trong khi tôi dị ứng với loài người. Lão liếc qua dãy hàng khoảng một giây rồi lẩm bẩm:
– Ôi không, ta sẽ xấu hổ khi mua những thứ như thế này.
Đúng ở điểm này, lão làm tôi cứng họng vì đó chính là điều tôi vẫn nghĩ.
Không chú ý đến lời đề nghị của tôi, lão lại đếm tiếp mấy tờ giấy bạc nhàu nhĩ trên tay mình.
– Cầm lấy, đây là tất cả những gì ta có trên người.
Lão vứt tiền xuống chỗ tôi bày hàng, sau đó nâng niu đặt chiếc vé xuống; quay phắt lưng lại và bước đi.
Quá đỗi ngạc nhiên, tôi đứng yên như trời trồng, không nói được câu nào. Sau đó, khi biết chắc không có ai nhìn thấy cảnh lúc nãy, tôi cúi xuống, nhặt lấy tiền và đút vào túi. Kỳ lạ. Tôi gần như cảm thấy xấu hổ vì đã kiếm được chừng ấy tiền mà không làm gì.
Để gột rửa cảm giác khó chịu này, tôi quơ lấy và xé nát tấm vé. “Không, tôi sẽ không đi xem trận đấu su mô của lão đâu. Không, lão rùa ạ, không có gã to lớn nào ngủ trong tôi cả. Không, bố già ạ, lão không mua được tôi đâu.” Mỗi mẩu vé rách tan trong tay tôi là chừng ấy phẩm giá của tôi được lấy lại.