Chai Thời Gian

Chương 27



“Mình còn nhớ những ngày bốn đứa chúng ta – Eik, Chai, cậu và mình – còn bá vai bá cổ đi trên phố đến tối mịt. Mình nghĩ đó là năm cuối mình học cùng với mọi người. Chắc cậu không nhận ra, nhưng đó là quãng thời gian đẹp nhất mình từng có và mình sẽ mãi mãi ghi nhớ nó.”

Giọng Porm kéo tâm trí tôi khỏi những sự kiện trong quá khứ. Tôi lặng lẽ nhìn nó. Ánh đèn nê ông từ bến đỗ xe buýt soi tỏ gương mặt Porm. Mặc dù vài năm đã trôi qua kể từ những tháng ngày nó vừa nhắc đến, hầu như chẳng có gì thay đổi ở Porm mà tôi từng biết, kể cả nét cảm xúc kỳ lạ trong mắt nó mỗi khi nhìn tôi. “Vậy, cậu định làm gì?” nó hỏi đầy quan tâm.

“Chả biết.” Tôi thở dài.

“Cậu chẳng bao giờ biết điều gì…”

“Mình không giống cậu: cậu biết mọi thứ nhưng chẳng bao giờ đạy được điều gì.”

“Sao cậu biết mình chưa bao giờ đạt được điều gì?” Porm nhìn thẳng vào tôi, sẵn sàng cho một cuộc khẩu chiến, khiến tôi không khỏi nhớ tới nom nó lóng ngóng thế nào khi cãi nhau với Chai. Tôi vẫn nhớ cách nó đỏ mặt mỗi khi nhận ra mình không phải là đối thủ của thằng bạn, cách nó vò đầu tôi hoặc thậm chí đấm vào lòng bàn tay mình, trong khi Chai ngẩng cao đầu, môi dưới trề ra thành một nụ cười chiến thắng ranh mãnh.

“Thôi được rồi.” Tôi phẩy tay. “Giờ mình không tranh cãi với cậu về điều này nữa.”

Porm yên lặng một lát, rồi khẽ nói, “Ning sao rồi?”

“Ning sao rồi?”

Tôi bật dậy từ băng ghế trong căn nhà chật hẹp khi người đàn bà to béo mà Porm gọi là bác sĩ đi vào qua cánh cửa kính. Bà ta dừng lại trước mặt chúng tôi, rồi chậm rãi lột đôi găng cao su màu da cam khỏi tay. Đôi mắt bà ta lạnh nhạt và khuôn mặt không biểu lộ cảm xúc gì, như một chiếc mặt nạ. “Sao lại để muộn thế?” bà ta hỏi, mắt tập trung vào một điểm phía trên đầu tôi.

“Chúng cháu vừa mới phát hiện ra,” Porm trả lời hộ khi thấy tôi đờ người ra.

“Phải rồi,” bà bác sĩ nói, bằng một giọng tôi không đoán định nổi. “Tất cả các cô cậu đều nói như vậy. Coi như mình không biết và đẩy người khác vào nguy hiểm.”

“Chúng tôi trả tiền cho bà đấy. Chúng tôi không đến để xin xỏ ân huệ nào cả.” Tôi đứng thẳng lên đối mặt với bà ta.

“Cậu nghĩ tiền của cậu là to lắm hả?” bà ta tiếp tục, vẫn bằng giọng ấy. “Để tôi hỏi: liệu nó có đủ to để mua mạng sống cho cô bé kia không nếu chuyện không may xảy ra?”

“Nó sao rồi ạ?” Porm lao đến, run run hỏi.

“Không sao, nhưng cần nghỉ ngơi một thời gian.”

Chúng tôi nhìn nhau, thở phào nhẹ nhõm.

“Còn một điều khác hai cô cậu nên biết,” bà bác sĩ khẽ khàng nói. “Cô bé đó không thể có con được nữa.”

Trong thoáng chốc, tôi nhìn thấy nét bi đát và xót xa trong đôi mắt lạnh nhạt ấy.

Khi ấy, tôi không nghĩ nhiều về chuyện đó, nhưng vài năm sau, khi thấy biểu cảm tương tự trong mắt Ning, tôi thấu hiểu trọn vẹn người bác sĩ ấy cảm thấy thế nào hôm đó.

Ning rơi vào trạng thái trầm cảm sau khi phá thai. Nó khép mình lại và từ chối gặp gỡ hay nói chuyện với bất cứ ai, kể cả tôi hay bác Ngop, người mà trước đây nó từng thân thiết. Nó trở nên gầy gò đến mức mẹ phải liên tục nhắc nó ăn nhiều hơn.

Khoản tiền bị mất trong két hôm ấy khiến nhà tôi trở nên căng thẳng suốt một thời gian. Khi Ning và tôi về nhà, mẹ đang cáu điên vì không tìm thấy chìa khoá két sắt.

“Hai đứa đi đâu từ sáng sớm thế hả? Mày cũng chẳng thèm để lại chìa khoá nữa!” Mẹ tuôn ra một tràng ngay khi thấy tôi.

“Con quên mất.” Tôi đi trước Ning qua mặt mẹ. “Chắc con để trong phòng.”

“Lên lấy ngay!” mẹ nói. “Thế còn két tiền thì sao? Nó còn ở trong ngăn kéo không?”

“Tất nhiên ạ,” tôi trả lời đoạn vội vã đưa Ning lên gác. Khi nó đã vào phòng mình, tôi về phòng, thả người xuống giường, và sau một hồi thì xuống dưới nhà với bộ mặt buồn rầu rất hợp hoàn cảnh.

“Chìa khoá đâu? Nó đâu rồi?” Mẹ ngước lên nhìn tôi chăm chăm khi tôi đi xuống.

“Không tìm thấy, mẹ ạ. Con không biết để đâu nữa,” tôi trả lời, tránh nhìn ánh mắt của bà.

“Làm sao mà có một cái chìa khoá mày cũng không giữ nổi? Tao giao cho mày có mấy tiếng đồng hồ thôi mà lại ra nông nỗi thế này đây! Chắc mày chẳng thèm để ý, chỉ nhăm nhăm chạy ra ngoài thôi chứ gì.”

“Bớt nóng đi em! Sao em không nói năng nhẹ nhàng với thằng bé một chút?” bác Amorn đang ngồi ở góc phòng đọc báo và hút thuốc ôn tồn nhắc mẹ.

“Làm sao mà em bớt nóng được? Bất cứ khi nào em nhờ bọn nó đỡ đần, mọi việc đều rối tung rối mù hết.”

“Nat, cháu nghĩ lại cẩn thận xem nào.” Bác Amorn gấp tờ báo lại để trên bàn. “Có khi nào cháy đánh rơi nó ở đâu không?”

“Cháu không ra ngoài đúng không, Nat?” Bác Ngop thò đầu ra từ trong bếp. “Nếu có đánh rơi thì nó phải ở đâu đó quanh đây thôi.”

“Ngop, chị hỏi mấy người quét dọn nhà hàng xem,” mẹ ra lệnh.

“Hôm nay là Chủ nhật, họ có đến đâu.”

“Thế này thì chẳng lẽ tôi phải chờ đến ngày mai mới mở két à?”

“Sao phải vội thế em? Mà sao em lại cứ muốn phải mở két ngay chứ?” bác Amorn hỏi, nghe chừng khó chịu.

“Vì tiền để trong két chứ sao nữa.”

“Hầy!” Bác Amorn thở dài. “Nat chỉ trông hộ có một lát, có phải kiếm thêm được bạc vạn gì đâu. Với cả, hôm nay chúng ta đóng cửa, cũng chẳng có gì mà vội. Giờ mọi người giúp nhau tìm chìa khoá đi. Anh chắc chắn cuối cùng cũng tìm thấy thôi. Như thế tốt hơn là mắng mỏ thằng bé nhiều.”

“Anh lúc nào cũng đứng về phía bọn nó và bắt em phải bình tĩnh bất cứ khi nào có chuyện.”

“Ừ thì thế có gì sai?” Bác Amorn rít tẩu. “Mắng mỏ thì có ích gì chứ? Chỉ tổ làm em bực dọc hơn thôi.”

“Cám ơn,” mẹ nói vẻ chế nhạo. “Nếu em từ tốn như anh thì chẳng mấy bữa mà vào rừng quy ẩn.”

“Cô muốn ăn gì không?” bác Ngop hỏi mẹ. “Chị nấu cho.”

“Ý hay đấy,” bác Amorn vội vàng đổi chủ đề. “Em ăn một ít cơm rang nhé, bà xã?”

“Cũng được.” Mẹ lưỡng lự gật đầu.

“Cháu thì sao, Nat?” bác Amorn quay lại hỏi tôi.

“Dạ thôi ạ,” tôi trả lời đoạn chớp lấy cơ hội lẻn lên nhà. Tôi đứng lại trước cửa phòng Ning, nhưng đoán rằng lúc này nó muốn ở một mình, tôi bèn về phòng, ngồi lên ghế, lấy bức tranh dở dang ra tiếp tục vẽ.

Tôi không biết mình đã ngủ quên lúc nào, nhưng tiếng nện cửa rầm rầm đánh thức tôi dậy, giọng mẹ gắt gỏng bên ngoài. “Mày định ngủ hết cả ngày hả? Để tao gọi hết lần này đến lần khác như thế.”

“Sao thế ạ?” tôi hỏi, vẫn còn ngái ngủ.

“Một ngàn rưỡi bạt trong két đâu rồi?” Mẹ nhìn chằm chằm vào tôi.

“Sao ạ!” Tôi choàng tỉnh.

“Mất một ngàn rưỡi rồi. Tao đã so số tiền trong két với cuống các hoá đơn thanh toán.”

“À thế mẹ mở được ngăn kéo ra rồi ạ?”

“Rồi. Tao phải gọi thợ sửa khoá đến. Nếu chờ đến lúc tìm được chìa khoá thì giờ tao vẫn không biết là bị mất tiền.”

“Mẹ nghĩ con lấy trộm, phải không?” tôi nói vẻ nghiêm nghị.

“Tao không nói thế.” Mẹ dịu giọng lại. “Đi nào! Xuống nhà giải quyết chuyện này.”

Tôi lặng lẽ đi theo mẹ, băn khoăn không hiểu sao lại biến mất một ngàn bạt vì tôi chỉ lấy đúng năm trăm.

Tất cả mọi người trong quán nă đều đang ở dưới nhà chờ tôi. Bác Amorn ngồi hút tẩu ở chỗ yêu thích và có vẻ chẳng mấy lo lắng về chuyện đã xảy ra. Ning nom kiệt sức, ngồi đó chán nản, tương phản với bác Ngop bên cạnh có vẻ sốt sắng và tò mò. Những người giúp việc ngồi cùng nhau, vẻ mặt hóng hớt.

Tôi đứng lại ở giữa phòng trong khi mẹ bước đến ngồi trên chiếc ghế sau quầy. “Tao muốn biết chuyện gì đã xảy ra.” Bà nhặt các cuống hoá đơn lên. “Theo những hoá đơn này thì tối qua chúng ta đã kiếm được ba ngàn hai trăm bạt, nhưng giờ trong két sắt chỉ còn một ngàn bảy trăm.”

Mọi ánh mắt đều đổ dồn về tôi. “Con không hiểu,” tôi quả quyết, “Đến lúc đóng cửa, toàn bộ số tiền vẫn còn trong đấy.”

“Chị không hề đến gần cái ngăn kéo ấy.” Bác Ngop lên tiếng tự thanh minh.

Những người giúp việc bồn chồn nhìn nhau, còn Ning thì cúi đầu ngồi yên.

“Nếu không ai biết gì thì cả đống tiền ấy biến đi đâu rồi?” mẹ lên giọng.

“Em đã kiểm tra các thứ kỹ càng chưa?” bác Amorn cất tiếng lần đầu tiên. “Em có chắc đã cộng đúng không? Nào, đưa anh mấy cái hoá đơn, anh kiểm tra lại cho.”

“Em đã kiểm tra lại bốn năm lần rồi, em chắc chắn về số tiền bị mất.”

Mọi người im lặng nhìn lảng đi trong khi mẹ lia mắt quanh phòng. “Được rồi. Vì không ai biết gì cả nhưng mọi người đều làm ở đây cùng nhau, tất cả đều phải chịu trách nhiệm. Tôi sẽ trích ra một ngàn năm trăm bạt từ lương và tiền tiêu vặt của mỗi người.”

“Chị thấy như thế là sai,” bác Ngop phải đối. “Sao cô có thể đổ lỗi cho tất cả như nhau vì một việc mọi người không làm?”

“Đấy là cách tốt nhất,” mẹ kiên quyết. “Những người làm ở đây cần phải để mắt đến mọi thứ. Không thể cứ ngồi thảnh thơi rồi nói đấy không phải việc của mình được.” Bác Ngop xìu mặt xuống, nhưng không dám nói gì nữa.

Biện pháp mạnh ấy của mẹ đã giúp bà lấy lại số tiền bị mất, nhưng đến giờ tôi vẫn không biết ai đã lấy thêm một ngàn bạt trong ngăn kéo.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.