Chai Thời Gian

Chương 12



Cái ngày ở đảo Samet ấy đã qua lâu lắm rồi. Những gì còn đọng lại chỉ là kỷ niệm về những tai nạn lặt vặt, những trò trêu chọc nhau của đám bạn và những ý nghĩ cùng tình cảm mà thời gian không thể xóa mờ.

Tôi yêu biển và thường mơ về biển. Mặc cho những giấc mơ của tôi đã thay đổi theo tuổi tác, từ nỗi sợ hãi thành khao khát phiêu lưu, từ run rẩy kích động thành yên bình tĩnh lặng, nhưng biển thì không bao giờ thay đổi. Lòng biển mênh mông chứa đựng sự sống và vạn vật, lúc dịu dàng êm ái, khi sục sôi thịnh nộ, để rồi một lần nữa lại trở về vẻ yên ả phẳng lặng trong một vòng quay không ngưng nghỉ.

Tôi vẫn ở nhà bố như một người lạ. Thậm chí dù bố và Waeo cố gắng gần gũi với tôi hơn, tôi tin rằng thẳm sâu trong thâm tâm chúng tôi vẫn còn xa cách nhau nhiều lắm. Tôi không định rõ nổi liệu có phải chính tôi là người tạo ra khoảng cách hay chỉ đơn giản là chúng tôi không thể gắn bó được. Tôi biết một phần câu trả lời là do tôi lớn lên trong tiếng càu nhàu không ngớt của mẹ về bố, mặc dù tiềm thức của tôi chưa bao giờ ngừng chống lại, đến nỗi cuối cùng tôi đã vô tình đứng về phía bố. Tôi cố tình chỉ nghĩ tới những ký ức tốt đẹp về bố – cái đêm chỉ có ba chúng tôi, bố, tôi và Ning chống chọi với dông bão cuồng nộ bên ngoài; những con thằn lằn mắt đỏ; bãi biển mà bố vừa bế Ning vừa dắt tay tôi đi xa khỏi chỗ mẹ, nói những lời ngọt ngào thể hiện bố yêu tôi.

Những kỷ niệm đó khiến tôi đau đớn xiết bao, nhất là khi tôi phải đứng giữa bố mẹ, mắc kẹt trong thực tế của cuộc đời này.

Tôi phát hiện ra thầy Wa-thin sống cùng một con hẻm với bố vào một lần thầy lên trùng chuyến xe buýt với tôi và hai thầy trò cùng đi dọc hẻm.

“Sao con bỏ học đàn?” thầy Wa-thin nghiêm túc hỏi tôi.

“Con, ừm…” Tôi khựng lại, cố nghĩ ra lý do nào đó. “Con nghĩ con không có năng khiếu.”

“Con có chắc là không còn lý do nào khác không?” Thầy dừng lại đợi tôi bắt kịp đi song song cùng thầy.

“Có ạ,” tôi đáp, cúi gầm mặt.

“Được rồi.” Thầy Wa-thin gật gù. “Dù sao, con cũng không nên vội đánh giá bản thân. Không ai biết trước được mình sẽ tiến xa được tới đâu nếu chưa cố hết sức.”

“Sao thầy lại trở thành giáo viên dạy nhạc ạ?” tôi hỏi sau khi hai thầy trò yên lặng bước đi được một lúc.

“Nói thế nào nhỉ?” Thầy Wa-thin lặng đi, chìm vào suy tư. “Chắc do ích kỷ. Thầy thích làm điều mình muốn hơn là những gì người khác muốn ở thầy.” Thầy bật cười khe khẽ. “Khi thầy còn trẻ, bố mẹ muốn thầy học lên cao để thành ông nọ bà kia. Ừ thì thầy biết là họ yêu thương và muốn điều tốt cho thầy, nhưng thầy làm thế nào được khi đã trót đặt cả trái tim mình vào âm nhạc?”

“Đó không phải là ích kỷ thầy ạ.” Tôi ngước lên nhìn thầy. “Con nghĩ chính những người lớn bắt ép con cái mình thành ông nọ bà kia mới là những người ích kỷ, bởi họ chẳng bao giờ để tâm đến điều con cái họ muốn.”

“Từ bao giờ đây lại trở thành vấn đề về khoảng cách giữa các thế hệ thế nhỉ?” thầy cười thích thú. “Ghé qua nhà thầy nhé, để con biết nhà và sau này nếu có lúc nào đó con muốn đến thì còn biết đường.”

Nhà thầy Wa-thin là một ngôi nhà thuê bé xíu nằm trong cùng khu đất với chủ nhà. Bao quanh khu đất là một hàng rào sắt hoen gỉ và những bụi chuối không ai chăm sóc.

“Nhà tôi ở con hẻm

Tên gọi là Hẻm Chuối

Hàng xóm lũ khỉ nhép

Mê chén chuối chết thôi…”

Tôi đọc một đoạn trong bài thơ của Wat Wanlayangkoon mà Porm đã cắt từ một tờ báo ra đính lên bảng cuối lớp.

“Nhà ngươi đừng có được thể.” Thầy Wa-thin giả giọng lồng tiếng trên ti vi. “Dù khỉ hay là con gì, kẻ nào dám vọc vầy chuối ở đất này sẽ bị ông chủ nhà xử tội chết, quyết không tha.”

“Ồ! Ông ta ghê đấy chứ ạ?” Tôi cười khúc khích nhìn về phía nhà chính. Từ kiến trúc tổng thể, tôi có thể thấy đây hẳn phải là một căn nhà xinh đẹp trước khi nó cũ nát như hiện nay.

“Cũng không hẳn.” Thầy Wa-thin dẫn tôi bước lên một cầu thang ngắn tới hiên nhà, rồi thầy thọc tay vào túi quần lấy ra một chùm chìa khóa và tìm chìa cửa chính. “Nhưng ông ta keo kiệt kỳ lạ, không cho phép bất cứ ai động vào đồ của mình.”

Thầy mở cửa. Một mùi ẩm mốc thoáng phả ra. Thầy bật đèn trần, bước vào nhà, đẩy sofa về đúng chỗ của nó, ném tấm khăn ca rô vắt trên tay ghế vào một góc, rồi đi mở cửa sổ.

“Thầy ở đây bao lâu rồi ạ?” tôi vừa hỏi vừa giúp thầy móc rèm cửa sổ.

“Hơn hai năm,” thầy nhẹ nhàng đáp nhưng mắt vẫn dán vào nhà chính, như đang nhìn ngắm hay chờ đợi điều gì.

“Ở đây cũng ấm cúng đấy chứ,” tôi nói thêm trong khi tới ngồi xuống chiếc sofa đã sờn rách.

“Con tự lấy nước uống nhé.” Thầy quay lưng lại cửa sổ chỉ mấy chai nước trên cái tủ chén dài kê sát tường. “Nước mưa. Thầy tự trữ lại đấy.”

Tôi đi tới rót hai cốc nước. Thầy Wa-thin đi vào phòng ngủ và ngay sau đó quay ra mang theo cây vĩ cầm. “Thử tập đi,” thầy bảo rồi lại đi về phía cửa sổ.

“Thôi thầy ạ.” Tôi lắc đầu. “Con thích nghe thầy chơi hơn.”

“Bài gì bây giờ nhỉ?” thầy vừa hỏi vừa đưa vĩ cầm lên vai. “Ồ, biết rồi. Thầy sẽ chơi bài mà con thích.”

Giai điệu nao lòng của “Cây bồ đề buông mành” ngân lên. Thầy Wa-thin quay người khiến tôi thấy khuôn mặt nghiêng nghiêng của thầy. Chốc chốc thầy lại ngước lên khỏi cây đàn, đôi mắt trống rỗng đăm đăm nhìn ngôi nhà kia. Nắng chiều tràn ngập phòng tô điểm gò má cao, đôi mắt sâu và cái cằm tròn mạnh mẽ đầy tương phản của thầy.

Sau lần ấy tôi vẫn đến thăm thầy thường xuyên kể cả khi đã về ở với mẹ và Ning. Gần như lần nào cũng vậy, thầy sẽ chơi “Cây bồ đề buông mành” cho tôi nghe, nhưng thầy luôn ngừng giữa bài như thể đã hết hy vọng hay hứng thú. Và tôi để ý thấy rằng vào những ngày có một bóng người thấp thoáng sau rèm cửa sổ trắng nhà mình, trong căn phòng nằm ngay đối diện với phòng khách của thầy, thầy sẽ chơi nhạc với sự mê say lạ thường như thể muốn tỏ bày hết nhịp đập con tim mình qua giai điệu.

Nhiều năm sau tôi mới biết chuyện gì xảy ra trong căn nhà thuê nhỏ bé giữa vườn chuối đó. Tôi vẫn hay nghĩ về thầy Wa-thin cùng những khúc đàn của thầy và không thể không tự hỏi liệu có thực thầy dạy nhạc của mình là người ích kỷ chăng.

Càng gần đến đợt thi cuối học kỳ hai, Porm càng dính như keo lấy tôi, Chai và Eik. Bất kể chúng tôi đi đâu, làm gì, lúc nào nó cũng hoảng lên. Thỉnh thoảng, tôi nhìn nó mà thấy thương cảm, nhưng cũng có lúc con bé làm tôi phát bực.

“Sao cậu không thử ra chơi với lũ con gái cho thay đổi một chút đi?” Chai bực mình quát. “Chả mấy ngày nữa là vào trường nữ rồi, sao lại cứ bám lấy tụi con trai bọn mình?”

“Sao bây giờ cậu lại nói thế?” Mắt Porm đỏ hoe. “Cậu chưa bao giờ nói thế này cả.”

“À thế bây giờ là lỗi của mình hả?” Chai đứng bật dậy, lê cái chân tập tễnh mà la lối. “Đồ loạn giới tính, chính là cậu đấy!”

“Bình tĩnh đi nào, Chai!” Eik cảnh cáo. “Cái gì nhập vào cậu đấy hả?… Porm, cậu biết thừa nó thế nào mà. Cứ để nó sủa linh tinh một lúc rồi sẽ hạ hỏa thôi.”

“Mình không phải là chó.” Chai hét lên.

“Ôi, chết tiệt, xin lỗi, mình nhầm cậu là chó mới chết chứ,” Eik bật lại, làm tôi với Porm cười sằng sặc.

“Mình biết là mình làm các cậu khó chịu lắm,” Porm nói, giọng lạc đi, “nhưng chúng mình chẳng được ở gần nhau mấy ngày nữa. mình chỉ muốn mấy ngày ấy được ở bên cạnh các cậu, thế là đòi hỏi quá lắm sao? Các cậu không phải chịu đựng bản mặt mình lâu đâu. Các cậu biết mình chẳng còn bạn bè nào ngoài ba người các cậu, các cậu đuổi mình đi bây giờ thì mình đến với ai?”

Chai quay lại đi về phía Porm, và tôi chứng kiến tình bạn bền chặt dần xua tan u ám trong đôi mắt nó.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.