Cát Bụi Giang Hồ

Chương 32: Sơn lưu



Thư Hương làm thinh lâu quá, Lữ Ngọc Hồ vụt hỏi :

– Vừa rồi chúng ta nói chuyện tới đâu?

Thư Hương ửng mặt cười :

– Nói về bốn vị Hộ pháp của Thiếu Lâm.

Lữ Ngọc Hồ nói :

– Hai vị Đại Hộ pháp là hai người lớn tuổi, tu vi cao thâm, trừ khi đại sự, còn thì bình thường rất ít ra mặt.

Thư Hương hỏi :

– Còn hai tiểu Hộ pháp?

Lữ Ngọc Hồ đáp :

– Thông thường là khoảng trung niên, quân sư tại Thiếu Lâm tự cũng là hai người ấy. Vì thế, họ phải là hai vị công bình mẫn cán, võ công thì tự nhiên cũng phải cao.

Thư Hương nói :

– Như vậy cũng không phải “tiểu”.

Lữ Ngọc Hồ gật gật đầu :

– Vô Danh hòa thượng vốn là vị tiểu sư đệ của đương kim Phương trượng.

Thư Hương nói :

– Nhưng nếu như thế thì ông ta cũng tầm thường.

Lữ Ngọc Hồ nói :

– Thế nhưng trong mấy trăm năm nay, dám dây vào đám Hộ pháp của Thiếu Lâm thì chỉ có một thứ người.

Thư Hương hỏi :

– Thứ người nào?

Lữ Ngọc Hồ đáp :

– Người điên!

Thư Hương cau mặt nói :

– Tại sao người điên lại còn dây dưa vào đám Hòa thượng?

Lữ Ngọc Hồ nói :

– Điều đó thì phải có hai nguyên nhân…

Thư Hương nhìn hắn trầm ngâm…

Lữ Ngọc Hồ nói tiếp :

– Một thứ do chính họ phát điên, một thứ do người khác mà điên.

Thư Hương chớp chớp mắt :

– Anh cho rằng số người đó đã bị Vô Danh hòa thượng bức bách?

Lữ Ngọc Hồ gật đầu :

– Chắc chắn tôi đoán không lầm.

Thư Hương hỏi :

– Nhưng Vô Danh hòa thượng tại sao lại bức họ?

Lữ Ngọc Hồ đáp :

– Tại vì tên của ông ta là “Đa Sự”.

Thư Hương hỏi :

– Đã là Thiếu Lâm hộ pháp thì tại sao còn “đa sự” làm chi?

Lữ Ngọc Hồ nói :

– Tôi chỉ nói ông ta “vốn là” Thiếu Lâm họ pháp thôi.

Thư Hương hỏi :

– “Vốn là” thì có nghĩa là bây giờ thì không phải?

Lữ Ngọc Hồ đáp :

– Sáu bảy năm về trước đã là không phải…

Thư Hương hỏi :

– Bị đuổi à?

Lữ Ngọc Hồ đáp :

– Không phải, tự ông ta bỏ đi.

Thư Hương cau mặt :

– Rất khó khăn lắm mới leo lên tới địa vị như thế, tại làm sao ông ta lại bỏ đi?

Lữ Ngọc Hồ cười :

– Tại vì Thiếu Lâm quá lạnh mà ông ta thì quá nóng.

Thư Hương trầm ngâm :

– Kẻ xuất gia đáng lý không nên nóng…

Lữ Ngọc Hồ nói :

– Vì thế cho nên ông ta mới quyết xuống địa ngục.

Thư Hương gật gật nhưng lại thở dài :

– Đúng rồi, bây giờ tôi mới rõ ý nghĩa câu nói đó.

Lữ Ngọc Hồ hỏi :

– Hiểu sao?

Thư Hương đáp :

– Có những người xuống địa ngục, không phải vì bị tống xuống mà là để cứu người.

Lữ Ngọc Hồ cười :

– Cô hiểu rõ câu nói ấy như thế là cô đã lớn rồi.

Thư Hương bĩu môi :

– Lớn lâu rồi chớ.

Lữ Ngọc Hồ nói :

– Cô vốn chỉ là một cô gái lớn, bây giờ mới là người lớn.

Thư Hương làm thinh.

Chính nàng cũng mới nhận ra rằng trong vòng mấy ngày nay, nàng đã trưởng thành nhiều, gần như chỉ trong vòng mấy ngày, nàng đã lớn nhiều hơn cả mười mấy năm qua.

Nàng cũng hiểu cái nghĩa khác biệt của “cô gái lớn” và “người lớn” mà Lữ Ngọc Hồ vừa mới nói.

Khoảng cách giữa hai cái đó, một “cô gái lớn” không làm sao thấy được.

Thật lâu, Thư Hương vụt hỏi :

– Vừa rồi, nhà sư già nói một câu lạ lùng, anh có nhớ không?

Lữ Ngọc Hồ nói :

– Lão Hòa thượng đó nói mười câu thì đã hết tám câu lạ lùng rồi.

Thư Hương nói :

– Nhưng câu này thì đặc biệt Lữ Ngọc Hồ hỏi :

– Câu gì?

Thư Hương đáp :

– Không phải một câu mà đúng lý thì chỉ là hai tiếng.

Lữ Ngọc Hồ hỏi :

– Hai tiếng gì?

Thư Hương đáp :

– Sơn Lưu!

Lữ Ngọc Hồ chớp mắt.

Hình như vừa nghe hai tiếng đó là mặt hắn có nhiều thay đổi.

Thư Hương nói tiếp :

– Nhà sư già nói Vô Danh hòa thượng đáng xuống địa ngục bởi vì ông ta nhập Sơn Lưu. Anh có nghe không?

Lữ Ngọc Hồ gật gật đầu.

Thư Hương hỏi :

– Sơn Lưu là cái gì?

Trầm ngâm một lúc khá lâu, Lữ Ngọc Hồ đáp :

– Sơn Lưu là một đám người.

Thư Hương cau mặt :

– Một đám người?

Lữ Ngọc Hồ gật đầu :

– Một đám bằng hữu, họ cùng một ý nghĩ, một sở thích như nhau họp lại, họ lấy hai tiếng “Sơn Lưu” đặt tên cho nhóm họp.

Thư Hương hỏi :

– Họ giống nhau ở một sở thích nào?

Lữ Ngọc Hồ đáp :

– Hạ địa ngục!

Thư Hương gặn lại :

– Hạ địa ngục để cứu người?

Lữ Ngọc Hồ gật đầu.

Thư Hương trầm ngâm :

– Trong con mắt của họ, sòng bạc cũng là địa ngục, họ muốn cứu số người trầm luân trong đó cho nên họ nhập sòng bạc để biến nơi ấy thành chùa?

Lữ Ngọc Hồ nói :

– Theo họ, chùa ít nhất cũng không phải là địa ngục, nhưng không có thứ chất độc làm cho con người tiêu ma tâm chí.

Thư Hương nói :

– Thế nhưng họ làm thế, nhất định những người mở sòng bạc sẽ thù họ tới xương.

Lữ Ngọc Hồ nói :

– Chẳng những người mở sòng bạc, mà đến con bạc cũng thù họ luôn.

Thư Hương hỏi :

– Chính vì thế cho nên số người ấy mới… thèm cái mạng của lão?

Lữ Ngọc Hồ gật đầu cười.

Thư Hương cau mặt :

– Chuyện trong giang hồ, khi ở nhà tôi nghe cũng đã nhiều, thế sao lại không nghe đến hai tiếng “Sơn Lưu”?

Lữ Ngọc Hồ đáp :

– Vì tuy không thành một tổ chức hẳn hòi, nhưng họ làm việc có nguyên tắc lắm.

Thư Hương nói :

– Làm một chuyện tốt mà lại phải giấu nữa sao?

Lữ Ngọc Hồ nói :

– Làm một chuyện xấu mà phải giấu thì mới đúng là chuyện xấu, làm chuyện tốt mà không muốn cho người biết thì mới đúng là chuyện tốt.

Thư Hương lắc đầu :

– Muốn làm được thế chắc là khó lắm.

Lữ Ngọc Hồ gật đầu :

– Đâu có dễ được.

Thư Hương lim dim đôi mắt :

– Đối phó với người xấu hình như không dễ…

Lữ Ngọc Hồ cười :

– Chính vì thế hành động của đám Sơn Lưu thận trọng lắm, sơ sẩy một chút là mất mạng như chơi.

Thư Hương nói :

– Vậy mà họ vẫn cứ làm, biết nguy hiểm mà vẫn cứ làm?

Lữ Ngọc Hồ nói :

– Biết nguy hiểm đến đâu, họ cũng vẫn cứ làm, cho đến chết họ cũng không màng, họ không biết sợ là gì cả.

Thư Hương thở ra, nàng nhìn vào khoảng trống không và nói bâng quơ :

– Một ngày nào đó tôi sẽ tìm cách để biết họ…

Lữ Ngọc Hồ lắc đầu :

– Sợ không dễ lắm đâu…

Thư Hương hỏi :

– Anh bảo không gặp được họ à?

Lữ Ngọc Hồ nói :

– Họ là những con người không cần danh lợi, họ không cho ai biết thì làm sao mà gặp được.

Thư Hương hỏi :

– Anh có biết họ là những ai không?

Lữ Ngọc Hồ đáp :

– Cho đến bây giờ thì tôi cũng chỉ biết có mỗi một mình Vô Danh đại sư, mà nếu ông ta còn sống thì cũng chưa chắc Vô Danh đại sư đã nói cho mình biết.

Thư Hương nói :

– Ngoài ông ta ra, có thể còn lão Đạo sĩ và Tú tài.

Lữ Ngọc Hồ gật đầu :

– Họ cũng có thể là người trong Sơn Lưu, mà cũng có thể không phải, trừ trường hợp họ nói ra, còn thì rất khó mà đoán định được.

Thư Hương trầm ngâm :

– Đám người đó đã có Hòa thượng, có Đạo sĩ, Tú tài, chắc chắn sẽ còn nhiều nhân vật lạ lùng hơn nữa.

Lữ Ngọc Hồ nói :

– Nghe nói trong Sơn Lưu thành phần phức tạp lắm, người của bọn họ không thuần nhất như những bang phái khác.

Thư Hương nói :

– Ngoài việc đồng một ý chí, chắc cũng phải được một người có danh vọng lắm mới tổ chức được đám Sơn Lưu, anh có nghĩ vậy không?

Lữ Ngọc Hồ đáp :

– Tự nhiên là phải như thế.

Thư Hương hỏi :

– Anh nghĩ xem người đó là ai? Có thể cỡ như Liễu Phong Cốt, Nhạc Hoàn Sơn?

Lữ Ngọc Hồ hỏi :

– Cô có biết những người đó không?

Thư Hương lắc đầu…

Lữ Ngọc Hồ cười :

– Tôi cũng không biết họ.

Thư Hương ngạc nhiên :

– Ủa, anh cũng không biết họ? Nhưng anh có thử đoán được không?

Lữ Ngọc Hồ lắc đầu :

– Không!

Thư Hương hỏi :

– Sao vậy?

Lữ Ngọc Hồ chỉ trong bụng :

– Bụng mà trống thì không thể nghĩ gì cả.

* * * * *

Bụng trống thì không hay, nhưng đã trống thì có những cái hay.

Trong một thành thị chen chúc, có nhiều chỗ y như là người ta xây nhà lên cả trên những ngôi mộ để ở.

Vậy mà thỉnh thoảng lại có những khoảng đất trống không ai biết nguyên nhân.

Những khu đất trống như thế có khi trước đó người ta chuẩn bị xây nhà, chuẩn bị dựng phái, hoặc cơ xưởng, nhưng không hiểu tại sao người ta lại bỏ luôn.

Bỏ riết đến mức không ai còn biết chủ của nó là ai.

Người ta chỉ biết đó là khoảng đất vô chủ, có thể ai muốn thả bò thả heo gì cũng được, đánh lộn giết người cũng được, mà cũng có thể làm chỗ phóng uế thì cũng không thấy có ai phiền hà.

Ai muốn làm gì thì làm, nhưng tuyệt nhiên không một ai nghĩ đến việc kiếm ra tiền trên khoảng đất như thế.

Vậy mà có một tay thấy kiếm được và làm ngay.

Đó là gã bán thịt vò viên.

Hắn thấy, hắn làm và làm liền.

Giá như hắn chỉ quảy cái gánh, hay đẩy một cái xe nho nhỏ đó thì hắn sẽ tàn theo cái mảnh đất mà ai cũng chê đó rồi, nhưng hắn chọn thì hắn phải biết cái sống, hắn phải làm cho… sống.

Cái thùng nấu của hắn cũng như những thùng nấu thường, nhưng hắn đóng giàn bên ngoài thật lớn, hắn chất thật nhiều tô chén và đặc biệt là hắn đi bứng nhiều thứ cây nho nhỏ có tàn chừng quá đầu người, nhưng dễ sống, đem trồng theo những cái bàn của hắn.

Hắn làm những cái bàn nho nhỏ bốn người, hai người, hắn kê dài theo những tàn cây của hắn.

Ban đầu, hắn nhờ bạn bè thân thuộc rao hàng, rao bằng cách “rao tai”, nói rằng :

Đặc biệt, thằng đó chỉ bán một món thôi và món đó ngon hết chỗ chê”…

Hắn khôn ngoan hơn nữa, hắn cho người thân tín đi thỉnh khách bằng lối mời dễ dãi, gọi là: “tôi biết chỗ ngon lắm, tôi mời anh đi một bữa”.

Cố nhiên những bữa đó là hắn chịu.

Mỗi xóm, mỗi vùng, hắn chịu tốn một vài việc mời như thế.

Lập tức thiên hạ rủ nhau.

Cũng tầm thường thôi, nhưng sau đó là… nổi tiếng.

Hắn chọn ngay một cái tên, đặt thanh hiệu nghe rất lạ và rất bình dân: “Bảy Rưởi”!

* * * * *

Thư Hương hỏi :

– Sao lại không tám không bảy, mà là bảy “rưởi”?

Lữ Ngọc Hồ đáp :

– Bất cứ là thịt vò viên không, hay vò viên hủ tiếu cũng đều bảy rưởi, bảy xu rưởi đó biết không?

Thư Hương gật đầu :

– Biết rồi, nhưng tôi muốn hỏi tại sao không bán bảy xu hay tám xu mà lại bán bảy rưởi?

Lữ Ngọc Hồ cười :

– Bảy thì lời ít, còn tám thì khách thấy nhiều.

Thư Hương nói :

– Bao nhiêu mà nhiều, bảy rưởi cũng thế mà tám thì cũng có hơn là bao?

Lữ Ngọc Hồ đáp :

– Cô không buôn bán nên cô không biết, cái “rưởi” đó lợi hại lắm, nói “tám” thì nghe nhiều, nhưng nói “bảy rưởi” thì nghe ít, cô không biết chớ, ở những thành thị, người ta bán hàng giá đáng trăm lượng, họ chỉ nói “chín mươi chín” lượng thôi, ban đầu tôi cũng thắc mắc như cô, nhưng sau này thì tôi thấy họ khôn. Ngoài ra, nó còn có chỗ lạ tai, gợi tánh tò mò, bây giờ thì khắp nơi phụ cận, ai lại không nghe không biết “Bảy Rưởi”.

Thư Hương hỏi :

– Chỗ đó đông khách lắm phải không?

Lữ Ngọc Hồ đáp :

– Lạng quạng không có chỗ ngồi…

Thật không có chỗ ngồi.

Thư Hương chưa bao giờ thấy chỗ nào mà nửa đêm gà gáy mà hiện tại lại tấp nập như thế này.

Ngựa có, xe có, đám đất trống mênh mông bây giờ trở thành chật hẹp.

Bao nhiêu bàn ghế, lớn nhỏ gì cũng đều chật ních.

Thư Hương thật nghĩ không ra, nhiều con ngựa thật tốt, nhiều cỗ xe thật quí, chứng tỏ chủ nhân giàu có sang trọng, thế mà lại đến đây để ăn “Bảy Rưởi”.

Mà đâu phải món ngon vật lạ, nó chỉ là “hủ tiếu vò viên”, không lạ mà cũng chưa chắc đã ngon hơn chỗ khác.

Vậy mà thiên hạ dập dìu.

Khu đất mênh mông, chỉ có mấy ngọn đèn lồng, lồng đèn ám khói lâu ngày, không còn sáng tỏ.

Đã ít đèn, đèn lại không tỏ, nên ánh sáng ở đây mờ mờ vàng vọt.

Chỗ ánh đèn không tới nhiều hơn chỗ sáng, người ta phải gầm mặt ăn thầm.

Thư Hương và Lữ Ngọc Hồ đứng xấn rấn một lúc lâu mới có được chỗ ngồi, chỗ mà ánh đèn không với tới.

Tự nhiên, ở một chỗ bóng tối trầm trầm như thế, không ai chú ý đến Lữ Ngọc Hồ.

Rồi phải một lúc khá lâu nữa, gã tiểu nhị mới mang cái khăn dính mở chạy lại, hắn đặt đũa muỗng, dĩa nước chấm lên bàn và hỏi trống không :

– Rượu không?

– Có.

– Bao nhiêu?

– Năm cân!

Hắn bỏ đi ngay.

Từ khi hỏi cho đến khi đi, hắn không thèm nhìn khách đến nửa con mắt.

Thư Hương nhìn theo hắn và cười mũi :

– Coi bộ hách dịch dữ vậy?

Lữ Ngọc Hồ cười :

– Mình đến ăn chứ không phải đến để… kết giao bằng hữu.

Thư Hương nói :

– Nhưng ít nhất hắn cũng phải hỏi xem mình ăn cái gì chứ?

Lữ Ngọc Hồ nói :

– Hỏi như thế là thừa, ở đây “độc món” mà.

Thư Hương cười.

Nàng nhìn quanh và thắc mắc :

– Đèn đâu có tốn bao nhiêu so với việc buôn bán phồn thịnh như thế này, tại sao lại hà tiện quá vậy cà?

Lữ Ngọc Hồ cười :

– Đâu phải hà tiện, trăm cái đèn nữa hắn cũng không tiếc, nhưng phải như thế này, chỗ sáng quá thì có thể hắn sẽ không bán được như thế này đâu.

Thư Hương hỏi :

– Tại sao kỳ vậy?

Lữ Ngọc Hồ cười :

– Cô không làm sao hiểu được, có lẽ cần phải nhìn lâu…

* * * * *

Nhiều chỗ có bàn mà ánh sáng vẫn không bò tới.

Những chỗ không có bàn, lại càng tối nhiều hơn nữa.

Thư Hương ngẩng mặt dòm quanh, nàng thấy phía trong tối thui trước mặt, có nhiều bóng người thấp thoáng.

Nơi đó, rất khó phân biệt màu áo của họ, càng không thể nhận ra mặt họ.

Không thấy rõ mặt nhưng mắt thì thấy, có nhiều cặp mắt long lanh rình rập, y như những cặp mắt mèo rình chuột.

Thư Hương ngạc nhiên :

– Đám người đó làm gì ở đó?

Lữ Ngọc Hồ đáp :

– Buôn bán.

Thư Hương càng ngạc nhiên hơn :

– Buôn bán? Buôn bán cái gì ở đó?

Lữ Ngọc Hồ đáp :

– Bán cái thứ mà không cần ra ánh sáng.

Ngẫm nghĩ hồi lâu, Thư Hương gật gật đầu tỏ ra hiểu biết nhưng không biết nàng biết thật hay biết giả.

Chỗ vùng bóng tối đó, có đàn ông mà cũng có đàn bà.

Những người đàn bà đứng trong bóng tối đó để buôn bán cái gì?

À, bây giờ thì nàng đã biết rồi.

Thư Hương vội quay mặt về hướng khác, hướng có ánh sáng nhiều hơn.

Nàng không muốn nhìn vào chỗ bóng tối có đàn ông đàn bà “buôn bán” đó nữa.

Giá như thời gian trước đây, nhất là lúc nàng còn ở nhà, thấy cái cảnh đó, chắc chắn nàng đã bĩu môi và không chừng nàng còn nhổ thêm một bãi nước bọt nữa là khác, thế nhưng bây giờ thì không.

Nàng chỉ quay qua hướng khác và chầm chậm thở dài.

Nàng đã biết về những người đàn bà đó.

Không phải nàng quen với họ, nhưng tình cảnh của họ nàng không lạ lắm.

Có thể họ đi vào nghề đó bằng nhiều con đường khác nhau, có con đường bất đắc dĩ, có con đường bị cưỡng bách mà cũng có con đường… tự nguyện.

Nhưng bất cứ con đường nào, hiện tại của họ vẫn là đau khổ và tương lai của họ thật tối tăm…

Nàng không tán đồng nhưng cũng không khinh ghét.

Nàng không muốn nhìn lâu vào sinh hoạt của họ.

Nàng nhìn qua phía bên này.

Bên đây đủ các hạng người.

Có giầu mà cũng có nghèo, giang hồ cũng có mà nông phu cũng có.

Thật không nơi nào… bình dân bằng các quán ăn, nhất là quán ăn “Bảy Rưởi” này.

Ở đây, không ai giống ai, từ dáng cách cho đến đồng tiền, thân thế, nhưng họ đều giống nhau một điểm: thức ăn và rượu.

Thức ăn có thể nhiều hơn hay ít hơn, rượu cũng có thể nhiều hơn hay ít hơn, nhưng nhất định chỉ là một thứ nhiều hay ít, không biểu lộ được sự hơn kém, đến đây thì mọi người ai cũng như ai.

Ở đây bàn ghế giống nhau, thức ăn và rượu giống nhau, sự tiếp rước cũng không phân biệt, vì thế, thực khách đến đây là đã mặc nhiên chấp nhận tư cách “sàng sàng” đó, không chịu thì xin… đi chỗ khác.

Không một ai có tiếng phàn nàn.

Khách đông, thức ăn mang đến chậm, không một ai thúc hối.

Thực khách đến đây là đã quen biết quá rồi. Vả lại, ở đây bán về đêm, những ai đến đây cũng đều không gấp.

Về đêm, nhất là đêm về khuya, gấp thì không đến.

Thư Hương nhìn quanh, nàng chú ý không một ai có vẻ nôn nóng cả.

Hình như họ đến đây vừa ăn uống vừa… giết thì giờ.

Nghĩ đến “giết thì giờ” nàng mới chú ý đến chỗ khoáng khoát ở đây.

Đất trống và rộng, ban ngày có thể không đẹp, nhưng ban đêm thật mát, thật thoáng.

Nếu có người bực dọc vì gian nhà ẩm thấp của mình, hoặc bực dọc vì tâm tình thì thật không có chỗ nào “xả” cái bực dọc đó bằng ở chỗ này.

Phải quan sát, nhận xét khá đầy đủ khung cảnh ở đây như thế rồi thì thức ăn mới tới, như vậy “trong khi chờ”, thực khách sẽ có được một cái thủ “thưởng cảnh” bất đắc dĩ nhưng lại khá hay ho…

Bây giờ thì trước mặt đã có hai tô hơi bốc lên nghi ngút.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.