Cái Chết Của Ba Người Lính Ngự Lâm

Chương 60: Hồi kết cuộc



Bốn năm sau chuyện vừa qua có hai người kỵ sĩ rất sang đi qua Blois vào lúc tảng sáng, thấy rõ mọi sự đã được xếp đặt đầy đủ để đón chào Louis XIV về săn chim trong vùng hai bên sông Loire, ở giữa Meung và Amboise.

Đó là hai viên quan trông coi đoàn chó săn và bầy chim ưng của Nhà vua – hai nhân vật rất được kính nể dưới thời Louis XIV nhưng đã bị người kế tục không đoái hoài tới.

Hai người kỵ sĩ đó sau khi quan sát tình hình khu săn, có ý kiến rõ rệt rồi ra về thì trông thấy nhiều nhóm binh sĩ được các hạ sĩ quan xếp đặt rải rác nơi các lối vào vùng khoanh săn. Đến sau họ và viên chưởng quan ngồi trên ngựa tốt, nổi bật với trang phục thêu kim tuyến. Tóc ông ngả màu xám, râu đã hơi bạc.

Hình như ông hơi khòm mặc dù vẫn còn điều khiển con ngựa thật dễ dàng và vẫn liếc mắt nhìn chung quanh kiểm soát công việc Người chưởng quan trông coi chó săn nói với bạn:

– Ông d Artagnan không bao giờ già cả. Lớn hơn chúng ta mười tuổi mà trông ngài cưỡi ngựa lại còn trẻ hơn ta.

Người chưởng quan trông coi chim ưng đáp:

– Đúng đấy Hai mươi năm qua rồi mà tôi thấy ngài vẫn vậy thôi.

Ông quan này đã lầm. Từ bốn năm nay d Artagnan như đã trải qua mười hai năm. Năm tháng siết nanh vuốt tàn nhẫn lên mắt ông, trán ông nhăn lại, và đôi bàn tay ngày xưa sạm nắng và mạnh mẽ nay trắng ra như là máu đã bắt đầu nguội lạnh đi trên ấy d Artagnan đến gần hai viên chưởng quan kia với dáng nhã nhặn của người trên. Hai người kính cẩn chào lại ông. Người trông coi chim ưng nói:

– Chúng tôi thật may mắn được gặp ngài d Artagnan ở đây!

Người chưởng quan trả lời:

– Chính tôi mới phải nói câu ấy đấy, các ngài ạ. Vì bây giờ thì Nhà vua cần chim săn hơn là cần ngự lâm quân đấy?

Người trông coi chim ưng thở dài:

– Cũng chẳng như thời xưa tốt đẹp đâu. Ngài d Artagnan có nhớ thời mà Đức Hoàng thượng ăn cắp chim ác là trong vườn nho không? Ô! Lúc đó thì ngài chưa là chưởng quan ngự lâm quân!

D Artagnan vui vẻ tiếp lời:

– Và còn ngài lúc đó chỉ là lính chân chì. Chuyện chẳng quan trọng gì, nhưng dù sao cũng là cái thời xưa tốt đẹp ấy, thời tuổi trẻ của chúng tôi. Chào ngài chưởng quan đội chó săn.

– Ngài làm cho tôi hân hạnh quá, ngài Bá tước ạ, – người kia trả lời.

D Artagnan không trả lời vì chữ Bá tước không làm ông ngạc nhiên, ông đã được phong tước đó từ bốn năm trước rồi.

Người trông coi chim ưng tiếp tục:

– Ngài không thấy mệt vì đoạn đường dài vừa trải qua sao?

Từ đây đến Pignerol(1) có dễ đến hai trăm dặm đấy phải không?

– Hai trăm sáu chục vòng đi và chừng ấy trong vòng về, – D Artagnan thản nhiên trả lời.

– Và ông ta không việc gì chứ, – người trông coi chim hỏi nhỏ.

– Sao? – D Artagnan hỏi.

Người trông coi chim vẫn tiếp tục thấp giọng.

– Kìa, ông Fouquet khốn khổ đấy mà!

Người chưởng quan trông coi bầy chó thận trọng tránh ra xa. D Artagnan trả lời:

– Không! Con người đó suy sụp đến mức tệ hại rồi. Ông ta không chịu hiểu rằng ở tù còn là một ân huệ. Ông ta cho rằng nghị viện sẽ công nhận ông vô tội bằng hình thức phát vãng và lưu đày, như thế là được tự do. Ông không biết rằng người ta muốn giết ông và nếu muốn dứt ông ra khỏi nanh vuốt của nghị viện thì quả thật thiên nan vạn nan.

– Ờ, đúng, con người khốn khổ đó suýt nữa là lên máy chém rồi. Người ta nói là có lúc ông Colbert đã ra lệnh cho ông giám đốc nhà ngục Bastille thi hành việc đó rồi.

– Bỏ qua đi! – D Artagnan nét mặt trầm tư, gạt đi.

Lúc ấy người chưởng quan trông coi bầy chó tiến lại gần và nói:

– Thế mà bây giờ ông Fouquet lại ở Pignerol. Ông ta đã ăn cắp nhiều của Đức vua, như thế là đáng lắm. Thế mà còn được có hân hạnh là ngài áp giải đi.

D Artagnan căm ghét nhìn ông chủ chó và nói:

– Thưa ông, nếu có ai nói là ông ăn vỏ bánh mì của chó ông thì không những là tôi không tin và về sau nếu ông bị nhốt vì lẽ đó thì tôi phàn nàn cho ông, và không chịu người ta nói xấu ông đâu. Tuy nhiên dù ông có rõ ra là người có tư cách đến mấy đi nữa thì ông cũng không bén gót được ông Fouquet đáng thương kia đâu.

Sau khi phải chịu lời khiển trách nặng nề đó, người chưởng quan trông coi bầy chó của Nhà vua phải cúi đầu và lui ra sau ông trông coi chim hài hước. Ông này nói nhỏ với d Artagnan:

– Hắn ta đang cảm thấy bằng lòng. Lúc này, săn bằng chó là hợp thời trang mà. Nếu hắn ta là người coi chim thì không nói thế đâu.

D Artagnan cười buồn vì thấy một vấn đề chính trị quan trọng như thế lại được giải quyết nhờ một sự bất mãn quyền lợi nhỏ nhoi đến thế! Ông nghĩ thêm một lúc về cuộc sống huy hoàng của viên tổng giám về cơ nghìệp sụp đổ của ông ta, về cái chết thê thảm đón chờ ông ta, và hỏi cho xong chuyện:

– Ông Fouquet có ưa lồng chim không?

– A, thưa ngài, ông ta mê lắm. – Người chủ chim trả lời với một giọng cay đắng và một tiếng thở dài buồn bã như bài điếu tang cho ông Fouquet.

D Artagnan tiếp tục đi vào trong đồng, bỏ qua chuyện có một người bất mãn và một người buồn rầu.

Phía xa đã thấy bóng những người săn đứng ở các ngả đường vào rừng, các chòm lông vũ của các mũ kỵ sĩ vút qua như sao băng trong các vạt đất thưa cây và những con ngựa trắng lấp loáng một lúc dưới bóng râm. D Artagnan lại nói:

– Các ông bắt chúng tôi săn lâu phải không? Tôi đang mệt, các ông nên bắt chim cho chúng tôi nhanh đi. Cò hay là thiên nga đấy?

Người chủ chim săn trả lời:

– Bắt cả hai, thưa ngài d Artagnan, nhưng ngài không phải lo ngại. Hoàng thượng không rành săn bắn đâu, Ngài không săn cho mình mà là vì muốn cho các bà mệnh phụ giải trí thôi.

Ông nhấn mạnh các chữ bà mệnh phụ khiến d Artagnan phải chú ý và ngạc nhiên “A” liền một tiếng, nhìn người chủ chim.

Viên chưởng quan trông coi bầy chó được dịp mỉm cười cầu tài với d Artagnan. D Artagnan nói:

– À, ông cứ cười đi. Tôi không biết tin gì hết. Tôi đi vắng một tháng, mới về hôm qua thôi. Lúc tôi đi, Hoàng gia đang buồn vì Thái hậu mất, Nhà vua không muốn vui đùa gì từ khi Anne d Autriche thở hơi cuối cùng. Nhưng ở đời này, chuyện gì rồi cũng phải đến hồi kết cục. Nhà vua bây giờ không còn buồn nữa, càng hay!

Người chưởng quan trông coi chó săn cười lớn:

– Rồi tất cả lại bắt đầu.

D Artagnan kêu lên một tiếng “A!” thứ hai vì nôn nóng muốn biết nhưng vì thể hiện không thể hạ mình hỏi kẻ dưới.

– Chắc là có cái gì bắt đầu đấy, phải không?

Người coi chó nháy mắt cười đầy ý nghĩa, nhưng d Artagnan không muốn hỏi ông ta mà lại quay về phía người coi chim:

– Hoàng thượng có xuất hiện sớm không?

– Tôi sẽ cho chim săn bay lên lúc bảy giờ.

– Hoàng hậu thế nào?

– Thưa, ngài đỡ hơn rồi.

– Ngài buồn gì thế? Đừng ngại cho tôi biết, ông bạn thân mến ạ.

– Hình như là Hoàng hậu phàn nàn Đức vua hờ hững với ngài từ lúc Thái hậu mất đi.

D Artagnan kêu lên:

– Ồ thật tội nghiệp. Chắc bà ghét tiểu thư De La Vallière lắm.

Người coi chim trả lời:

– Không phải Tiểu thư De La Vallière đâu!

– Thế thì ai?

Tiếng còi săn gọi chó và chim làm ngắt quãng câu chuyện.

Hai người chưởng quan cắm cổ chạy bỏ d Artagnan lại một mình. Nhà vua xuất hiện đằng xa, chung quanh có các bà mệnh phụ và các lính kỵ binh.

Cả đoàn người tiến lên từng bước, trật tự và đẹp mắt, có còi săn và kèn thúc chó, ngựa hăng lên, cảnh chuyển động này với tiếng ồn ào trong vùng ánh sáng lấp loáng, ngày nay không thể nào tưởng tượng ra được mà phải nhờ vào các ngón nghề của sân khấu dối trá tô vẽ ra thôi.

Mắt d Artagnan hơi kém vẫn thấy có ba chiếc xe sau nhóm người đó: Chiếc xe đầu là dành cho Hoàng thượng. Xe không người.

D Artagnan tìm không ra tiểu thư De La Vallière bên cạnh vua nên nhìn vào xe thứ hai và thấy tiểu thư trong đó. Nàng ngồi một mình với hai phụ nữ có vẻ cũng đang chán nản như nàng.

Phía trái Nhà vua một người phụ nữ đẹp lộng lẫy ngồi trên con ngựa hung hăng, cánh tay điều khiển thật lành nghề. Vua mỉm cười với nàng và nàng cười lại. Khi nàng nói, mọi người đều cười phá lên.

– Ta biết người này rồi, – D Artagnan nghĩ thầm. – Nhưng nàng là ai nhỉ?

Lúc đó Nhà vua vừa thấy d Artagnan và kêu lên:

– Ồ, Bá tước đã trở về rồi. Sao ông không tới gặp ta?

Người chưởng quan trả lời:

– Thưa, khi tôi đến thì Hoàng thượng đã ngủ còn khi tôi đi sáng nay, thì ngài chưa thức.

Louis trả lời vẻ thỏa mãn:

– Lại vẫn thế thôi. Bá tước nghỉ đi, ta ra lệnh cho ông đấy. Tối nay đến ăn cơm với ta.

Một tràng tiếng xì xào ngưỡng mộ bao quanh d Artagnan như vuốt ve ông. Mọi người xúm lại. Ăn tối với Nhà vua không dễ có như với Henri IV đâu. Nhà vua tiến lên vài bước, một toán sau tiếp theo, giữa đó ông Colbert nổi bật lên. Ông này vui vẻ nói:

– Xin chào ông d Artagnan. Chắc ông đi đường suôn sẻ phải không?

– Thưa ông, vâng, – D Artagnan vừa nói vừa giật cương ngựa và chào.

– Tôi nghe nói Hoàng thượng mời ông dùng cơm tối nay phải không? Chắc là ông sẽ gặp bạn cũ đấy.

– Bạn cũ? – D Artagnan hỏi mà lòng quặn thắt khi phải ngược dòng thời gian, nơi đã ngập chìm bao nhiêu tình thâm, bao nhiêu hàn thù.

Colbert trả lời:

– Đó là ngài hầu tước d Améda mới từ Tây Ban Nha đến đây sáng nay.

D Artagnan nhìn quanh:

– Hầu tước d Alaméda?

– Tôi đây!

Một ông già tóc trắng như tuyết khom mình bước qua cửa xe tiến về phía d Artagnan.

D Artagnan sững sờ kêu lên:

– Aramis!

Ông để mặc cho đôi tay gầy ốm run run choàng lên cổ ông. Colbert lẳng lặng quan sát một lúc rồi thúc ngựa tiến lên, để cho hai người bạn cũ chuyện trò. Người lính ngự lâm nắm tay Aramis:

– Thế là bạn ở đây, con người bị lưu đày, tên phản loạn lại ở Pháp rồi.

Giám mục xứ Vannes mỉm cười:

– Và tôi lại ăn tối với bạn trong cung. Đúng rồi, chắc bạn sẽ hỏi ở trên đời này, chuyện trung thành là cái quái gì phải không? Này, để cho xe của nàng La Vallirère đáng thương đi qua. Bạn trông, nàng thật có dáng lo lắng, đôi mắt héo hon vì khóc lóc đang nhìn ông vua đi ngựa đàng xa kia!

– Với ai thế?

– Với tiểu thư De Tonnay Charente bây giờ đã là Bà De Montespan.

Aramis trả lời. Họ vừa theo dõi cuộc săn, vừa nói chuyện với nhau. Người đánh xe của Aramis khéo léo đưa họ đến ngay lúc con chim ưng đuổi theo con mồi bắt nó hạ cánh và sà xuống chộp nó.

Nhà vua bước xuống đi bộ. Bà De Montespan cũng bắt chước theo. Mọi người đến trước một ngôi nhà nguyện đơn độc náp dưới những thân cây lớn bắt đầu rụng lá dưới cơn gió mùa thu. Phía sau nhà nguyện là một khoảng đất có cửa nan đan chặn lại. Con chim ưng đã buộc con mồi rơi trong khoảng đất ấy và Nhà vua đi vào để nhổ sợi lông đầu tiên của nó theo tục lệ.

Ai nấy đều vây quanh nhà nguyện và hàng rào; Aramis muốn bước xuống xe, nhưng d Artagnan chặn lại:

– Bạn có biết sự tình cờ đã đưa chúng ta đến đâu không?

– Không. – Hầu tước trả lời.

D Artagnan trả lời mà tâm hồn xúc cảm vì kỷ niệm buồn xưa.

– Có những người tôi quen chôn ở đây.

Aramis không đoán ra được gì hết. Nhưng đôi chân ông cũng run run khi bước qua cánh cửa nhà nguyện mở ra theo cánh tay d Artagnan. Ông hỏi:

– Họ được chôn ở đâu?

– Đằng kia, trong khoảng đất rào. Bạn trông thấy cây thập tự giá dưới cây trắc bá nhỏ chứ? Cây trắc bá trồng trên mộ họ.

Bạn đừng vào, Nhà vua sắp đến ngay vì con cò rơi xuống đấy.

Không ai biết họ mà họ thì thấy được khuôn mặt tái xanh cả nàng La Vallière bị lãng quên trong xe, đang đưa mắt buồn bã nhìn nơi cổng vào. Rồi nàng bị lòng ghen tức thúc đẩy liền bước vào nhà nguyện, đứng dựa cây cột nhìn Nhà vua đứng trong khu đất, tươi cười vẫy tay gọi Bà De Montespan đến gần, chớ sợ hãi gì ông.

Bà De Montespan cầm tay Nhà vua. Ngài đưa tay nhổ sợi lông đầu tiên của con cò vừa bị chim ưng hạ, rồi giắt lông lên chiếc mũ của người bạn gái xinh đẹp.

Đến lượt nàng mỉm cười âu yếm hôn bàn tay vừa trao quà tặng, Nhà vua sung sướng hỏi:

– Nàng đổi lại cho ta thứ gì?

Nàng bẻ một nhánh trắc bá dâng cho Nhà vua mà lòng tràn đầy hy vọng. Aramis nói nhỏ với d Artagnan:

– Món quà không vui, vì là của cây trắc bá che nấm mồ.

D Artagnan nói to:

– Đúng thế, đó là mồ của Raoul De Bragelonne, Raoul yên nghỉ dưới chiếc thập tự giá bên cạnh người cha Athos.

Có tiếng rên rỉ vọng lại sau lưng họ và một người đàn bà ngã xuống ngất đi. Tiểu thư De La Vallière đã thấy hết và nghe hết. D Artagnan lẩm bẩm: “Người đàn bà đáng thương! Từ nay nàng sống mãi trong đau khổ.”

Tối hôm đó, d Artagnan ngồi dự tiệc vua thiết bên cạnh ông Colbert và Hầu tước d Alaméda. Nhà vua rất vui, lễ mực hết độ với Hoàng hậu, rất chiều chuộng Đức bà lúc bấy giờ đang ngồi phía trái ông và rất buồn. Người ta tưởng như vẫn ở thời bình yên xưa cũ vào thời Nhà vua nhìn vào mắt Thái hậu trông chờ một dấu hiệu đồng ý hay không của người mẹ khi ông phát biểu.

Hai hay ba lần. Nhà vua nói chuyện với Aramis, gọi ông là ngài đại sứ khiến cho d Artagnan càng ngạc nhiên tại sao người bạn loạn thần của ông lại được ung dung tự tại như thế giữa triều đình.

Nhà vua đứng dậy nói chuyện với cô em dâu trong khi Đức ông vẻ mặt lo lắng nói chuyện với Hoàng hậu mà không rời mắt khỏi bà vợ và ông hoàng anh.

Aramis, d Artagnan và Colbert lại có đề tài vô thưởng vô phạt. Họ nói về các ông tể tướng trước, Colbert kể về Mazarin và kể về Richelieu.

D Artagnan lúc nào cũng thấy con người có đôi lông mày dày, cái trán, cái trán thấp đó, hiểu biết thật rộng và tính tình thật vui. Còn Aramis ngạc nhiên thấy một con người nghiêm túc như thế sao lại sử dụng một dáng dấp vô tư để chặn lùi một đề tài quan trọng hơn mà cả ba đều thấy sắp phải bàn tới ngay nhưng không ai có ý gợi ra trước cả.

Người ta thấy Đức ông có dáng bối rối vì câu chuyện trao đổi giữa Nhà vua và Đức bà. Mắt Đức bà đỏ hoe; có phải bà sắp than vãn điều gì? Có phải bà sắp gây ra chuyện ồn ào nhỏ ngay giữa triều?

Nhà vua dắt bà ra một chỗ riêng và hỏi với giọng dịu dàng, nhắc nhở bà nhớ lại những ngày được yêu thương.

– Này cô em của ta, tại sao đôi mắt đẹp kia lại khóc?

– Không, thưa ngài – ông em ta lại ghen rồi phải không, cô em ta?

Bà liếc nhìn về phía Đức ông, muốn nhắc Nhà vua nên coi chừng.

– Thưa vâng.

Nhà vua nói:

– Em nghe đây, nếu bạn bè của em có làm em phiền thì đó không phải là lỗi ở em trai ta đâu.

Ngài nói thật dịu dàng khiến Đưc bà lâu nay phải đè nén nỗi buồn, lúc này được ân cần chăm sóc, suýt bật khóc.

– Này, này, cô em thân mến, hãy tin nơi người anh này mà kể ra cái gì làm em buồn. Ta sẽ lấy quyền vua mà chấm dứt cho.

Đức bà, ngước đôi mắt đẹp buồn lên nói:

– Không phải bạn bè em làm em buồn. Họ không có mặt ở đây hay trốn chạy cả rồi. Những người đó đều hết sức tốt, hết sức trung thành, thế mà người ta lại dèm pha với Hoàng thượng.

– Cô nói tới tên Guiche(2) mà ta cho đầy theo lời yêu cầu của em trai ta đấy ư?

– Từ ngày bị phạt đầy bất công như thế, anh ta lúc nào cũng muốn tự tử cho xong!

– Bất công à. Em nói sao?

– Bất công đến mức mà nếu không có lòng kính trọng, và thêm tình thân đối với Hoàng thượng thì…

– Thì sao?

– Thì em đã xin với anh Charles của em… Nhất định sẽ được.

Nhà vua giật nẩy mình:

– Sao?

– Em sẽ xin với anh ấy trình với ngài là đức ông chồng của em và ông hiệp sĩ De Lorraine, người tin cẩn của ông, không phải là không có trách nhiệm trong việc giày vò danh dự và hạnh phúc của em đâu?

Nhà vua nói:

– Lại có chuyện gì của ông hiệp sĩ De Lorraine, cái khuôn mặt khó đăm đăm đấy.

– Hắn là kẻ thù không đội trời chung với em đấy! Chừng nào mà hắn còn ở chung nhà với em vì chồng em lưu giữ và cho hắn đủ quyền hành, thì em còn là người thấp giá nhất của vương quốc này.

Nhà vua thong thả nói:

– Thế cô cho rằng ông vua nước Anh, người anh em của ta là tốt với cô hơn ta chứ gì? Cho nên cô mới đi cầu cứu với ông.

– Hơn là nhờ cậy ở trong nước, thưa Hoàng thượng, đúng đấy – Nàng lên giọng kiêu hãnh.

Nhà vua trả lời:

– Cô là cháu của Henri IV như ta đấy.

Henriette nói:

– Thế thì xin ngài hãy ra tay đi.

– Chúng ta phải liên kết với nhau trong việc này.

– Ngài cứ bắt đầu trước.

– Cô nói là ta đã bất công khi cho đày Guiche à?

Nàng đỏ mặt:

– Thưa vâng.

– Thế thì Guiche sẽ trở về.

– Tốt lắm.

– Bây giờ là chuyện cô nói rằng ta có lỗi để hiệp sĩ De Lorraine ở trong nhà cô và xúi Đức ông chống lại cô.

– Xin ngài nhớ kỹ câu vừa nói: ông hiệp sĩ De Lorraine là người có thể làm đủ chuyện đồi bại xấu xa đấy.

– Ông hiệp sĩ De Lorraine sẽ không làm phiền cô nữa. Ta hứa như thế.

– À, thế thì bước đầu hợp tác tốt đấy. Em xin ký liên minh. Nhưng đó là phần của ngài, còn em phải đóng góp gì đây?

– Xin cô thay vì để ta bất hoà với anh Charles của cô, phải khiến cho ông ta thành người thân thiện nhất với ta.

– Chuyện đó dễ lắm.

– A, không dễ đâu. Trong tình thân bình thường, người ta ôm nhau, mời tiệc nhau và chỉ tốn có một cái hôn hay một bữa ăn tổn phí chẳng bao nhiêu. Nhưng tình bạn chính trị thì…

– Ồ thế đây là một tình bạn chính trị!

– Đúng đấy cô em ạ. Và như thế là thay vì ngoéo tay, tiệc tùng phải có quân tước phục vụ đầy đủ, trung thành cho bạn, phải có các chiến thuyền trang bị đại bác, lương thực. Như thế thì không phải lúc nào trong kho cũng đủ để tạo nên loại tình bạn ấy đâu.

– Ô! Hoàng thượng nói đúng đấy, tủ sắt của vua nước Anh mấy lúc sau này rủng rỉnh khá lắm.

– Về phần cô em, cô em có thừa sức ảnh hưởng đến vua nước Anh và chắc sẽ thu hoạch được nhiều hơn bất cứ ông đại sứ nào của ta.

– Như thế thì em phải đi London một chuyến, ông anh ạ.

Nhà vua hấp tấp nói:

– Ta đã nghĩ đến điều ấy rồi. Chắc là một chuyến viễn du như thế sẽ làm cho cô đỡ bận trí hơn.

Đức bà chặn lại:

– Tuy nhiên cũng có thể là em sẽ thất bại. Vua nước Anh có những ông cố vấn sừng sỏ lắm.

– Cô muốn nói các bà cố vấn à?

– Đúng như vậy. Ví dụ như nếu Hoàng thượng bảo em xin vua nước Anh làm đồng minh chiến đấu.

– Chiến đấu à?

– Vâng. Thế là các bà cố vấn của Nhà vua, – bảy người tất cả: Tiểu thư Stewart. Tiểu thư Gwyn, Tiểu thư Wells. Cô nương Orchay, Tiểu thư Zunga, Cô nương Daws và bà Bá tước De Castelmaine sẽ xúm lại nói với vua là chiến tranh tốn nhiều tiền lắm, trang bị tàu chiến ở Portsmouth, ở Greenwich không bằng mở dạ vũ hay bày bữa ăn nhẹ ở Hampton Court đâu.

– Như thế cuộc điều đình thất bại?

– À mấy bà đó sẽ làm thất bại mọi cuộc điều đình nào không phải của họ đề xướng.

– Cô em biết ta có ý định gì không?

– Không. Ngài nói đi.

– Cô tìm quanh cô thế nào cũng ra một bà cố vấn đủ sức hùng biện đánh tan ý xấu của bảy người kia.

– Thưa ngài, được đấy. Để em đi tìm.

– Nhất định phải ra.

– Ta mong thế.

– Phải là một người đẹp, một khuôn mặt dễ ưa bao giờ cũng hơn là một kẻ dị hình phải không?

– Nhất định thế rồi.

– Lanh trí, vui vẻ, táo bạo.

– Nhất định.

Thuộc dòng quý tộc đủ để đến bên vua mà không vụng về lúng túng. Nhưng cũng không quá cao để dòng quý tộc khỏi phải ngượng ngùng.

– Đúng quá rồi.

– Và biết một chút tiếng Anh.

Đức bà hấp lấp kêu lên:

– Chúa ơi, một người như thế phải như Tiểu thư De Kéroualle chẳng hạn.

Louis XIV nói:

– Đúng rồi. Cô tìm ra rồi. Chính cô tìm ra đấy cô em ạ.

– Em sẽ mang cô ta đi. Chắc là cô ta không phàn nàn chứ gì?

– Không đâu, trước tiên ta sẽ phong cô la là đặc mệnh toàn quyền hấp dẫn. Và sau đó ta sẽ cấp cho quyền hưởng thụ di sản theo chức tước.

– Tốt.

Cô em thân mến ơi, ta thấy như cô đã lên đường rồi và sẽ khuây khoả mọi nỗi buồn đau.

– Em đi với hai điều kiện. Điều kiện thứ nhất là em phải biết đi điều đình chuyện gì.

– Chuyện này. Cô biết bọn Hòa Lan chửi bới ta trên báo hàng ngày và cũng tỏ thái độ dân chủ để làm nhục ta. Ta thì không thích dân chủ.

– Điều đó thấy rõ rồi, thưa ngài.

– Ta không chịu được cảnh các ông vua trên mặt biển như họ tự xưng đấy, lại nắm toàn quyền thương mại của nước Pháp trên đất âu và sẽ chiếm hết các tài sản của châu Âu. Một lực lượng như thế ở quá gần ta, cô em ạ.

– Nhưng họ là đồng minh của ngài mà?

– Chính vì thế mà họ đã sai trái khi cho đánh tấm huy chương tượng trưng nước Hà Lan che cả mặt trời với chú thích “Mặt trời dừng lại trước mặt ta”. Kiểu này không mấy thân thiện phải không?

– Em tưởng là ngài đã quên chuyện khổ tâm ấy rồi chứ?

– Ta không bao giờ quên đâu cô em ạ. Nếu các bạn thực sự của ta, như ông anh Charles của cô, muốn giúp ta thì…

Đức bà có vẻ lo nghĩ, Louis XIV nói:

– Cô nghe đây: phải chia nhau vùng biển chiếm lĩnh. Trong việc này, ta không xứng để thay Hà Lan ư?

Đức bà trả lời:

– Chuyện này thì để Tiểu thư Kéroualle lo điều đình.

– Thế còn điều kiện thứ hai của cô là gì?

– Phải có sự đồng ý của chồng em.

– Cô sẽ có!

– Thế thì thưa anh, em sẽ đi.

Nghe câu này, Louis XIV quay về phía góc Colbert, Aramis và d Artagnan đứng, gật đầu làm hiệu.

Thế là Colbert cắt đứt câu chuyện dở chừng và nói với Aramis:

– Thưa ngài đại sứ, bây giờ ta nói chuyện công vụ nhé?

D Artagnan kín đáo rút lui. Ông đi về phía lò sưởi, cách khoảng vừa đủ để nghe những lời Nhà vua sắp nói với Đức ông khi ông này bước gần lại, lòng đầy lo lắng.

Gương mặt Nhà vua thật rạng rỡ và có vẻ cương quyết của con người từ trước đến nay không gặp gì trái ý ở nước Pháp và từ nay trở đi sẽ không gặp gì trái ý trên khắp châu Âu. Nhà vua nói với người em:

– Thưa ông, ta không bằng lòng về ông hiệp sĩ De Lorraine. Ông là người che chở ông ta, ông hãy khuyên ông ta đi chơi vài tháng.

Những lời nói đó ào ào đổ xuống đầu Đức ông, khiến ông phải kêu lên:

– Ông hiệp sĩ làm gì mà Hoàng thượng không bằng lòng thế?

Ông liếc mắt giận dữ về phía Đức bà. Nhà vua lạnh lùng tiếp:

– Khi ông ta đi, ta sẽ nói lý do. Và cũng vào lúc Đức bà đã qua Anh rồi.

– Bà ấy đi Anh? – Đức ông sững sờ, lẩm bẩm.

Nhà vua tiếp tục:

– Trong tám ngày nữa; còn hai chúng ta sẽ đi đến một nơi nói sau.

Thế rồi Nhà vua quay gót sau khi mỉm cười để xoa dịu nỗi cay đắng của ông em trước hai tin kia. Trong lúc đó Colbert vẫn nói chuyện với Hầu tước d Alaméda:

– Thưa ngài, đây là lúc chúng ta thỏa thuận với nhau. Tôi đã nối sợi dây liên lạc giữa ngài và Nhà vua, chuyện đó chỉ là bổn phận tôi phải làm cho một người xứng đáng như ngài thôi. Nhưng vì có khi ngài lại đối xử với tôi theo tình bằng hữu nên tôi phải tìm dịp chứng tỏ. Ngài lại là người Pháp hơn người Tây Ban Nha. Cho nên xin ngài trả lời thật tình, lúc chúng tôi chống Hòa Lan thì Tây Ban Nha có đứng trung lập không.

Aramis trả lời:

– Thưa ngài, quyền lợi của Tây Ban Nha thật rõ ràng: Dùng Hòa Lan gây rối châu Âu là chủ trương của chúng tôi, nhưng đó là trường hợp nước Pháp liên minh với Hòa Lan. Nhưng nếu chống nhau thì ngài hẳn biết là có chiến tranh trên mặt biển và tôi nghĩ là nước Pháp không thể giữ ưu thế, phải không?

Colbert quay lại thấy d Artagnan đi tìm một người nói chuyện trong lúc Nhà vua và Đức ông thì thầm. Ông gọi d Artagnan và nói nhỏ với Aramis.

– Ngài muốn chúng ta nói chuyện với ông d Artagnan!

– Ồ tất nhiên rồi. – Viên đại sứ trả lời.

Colbert nói với d Artagnan vừa kịp đến:

– Ngài d Alaméda và tôi vừa nhận định rằng chiến tranh với Hà Lan phải xảy ra trên mặt biển.

– Đúng rồi.

– Ngài nghĩ thế nào.

– Tôi nghĩ rằng muốn đánh nhau trên biển thì phải có một đạo quân bộ thật lớn mạnh.

Colbert tưởng mình nghe lầm:

– Thế nào?

– Sao lại phải có quân bộ? – Aramis hỏi.

– Bởi vì Hoàng thượng mà không có quân Anh giúp thì sẽ bị đánh bại và bị đánh bại thì nước Pháp sẽ bị chiếm hoặc là từ các cửa biển do quân Hòa Lan đổ vào, hoặc là từ đất liền của Tây Ban Nha.

Aramis hỏi:

– Tây Ban Nha trung lập thì sao?

D Artagnan trả lời:

– Hoàng thượng còn mạnh thì Tây Ban Nha còn trung lập.

Colbert thán phục khối óc thông thái của d Artagnan, con người suy nghĩ bao giờ cũng thật thấu đáo đủ mọi khía cạnh của vấn đề Còn Aramis thì mỉm cười vì ông biết quá rõ là về phương diện ngoại giao thì không ai hơn d Artagnan được.

Colbert như tất cả mọi con người kiêu ngạo khác cứ cho rằng mình sẽ thành công, nên nói tiếp:

– Ai bảo với ngài d Artagnan rằng Hoàng thượng không có thủy quân?

Người chưởng quan:

– A, tôi không quan tâm đến chi tiết. Tôi là dân đi biển loại tồi. Tôi là dân nóng tính nên ghét biển. Tuy nhiên tôi có ý kiến là vì nước Pháp có hàng trăm cửa biển cho nên nếu có tàu thì sẽ có hải quân.

Colbert rút từ trong túi ra một cuốn sổ tay có chia làm hai cột. Trên cột thứ nhất là tên các tàu, cột thứ nhì ghi tóm số đại bác, số người trang bị cho tàu. Ông nói với d Artagnan:

– Tôi cũng có ý kiến như ngài nên tôi sai liệt kê các con tàu mới đóng thêm và thấy là ba mươi lăm chiếc.

D Artagnan kêu lên:

– Ba mươi lăm chiếc tàu! Vô lý.

– Nghĩa là khoảng hai ngàn cỗ đại bác Hoàng thượng hiện có trong tay. Với ba mươi lăm tàu thì được ba hạm đội, nhưng tôi thì muốn có đến năm hạm đội.

Aramis kêu lên:

– Năm!

– Thưa các ngài, cuối năm nay là có đủ năm. Hoàng thượng sẽ có năm chục tàu hoạt động. Phải cật lực mới có phải không?

D Artagnan nói:

– Chế tạo tàu thì khó, nhưng còn có thể được. Nhưng làm sao trang bị được. Ở Pháp không có lò đúc súng, cũng không có nơi làm đạn dược.

Colbert hân hoan trả lời:

– D Artagnan, theo kiểu nói của Nhà vua.

Nhưng người chưởng quan chỉ cười thôi.

– Không, tôi không biết.

– Đây cũng là một người do tôi phát hiện. Một chuyên viên sắm sửa. Ông Florant này mua cho tôi được 350.000 louis sắt để làm trái đạn, 200.000 louis thuốc súng, 12 giàn gỗ phương bắc, cây mồi lửa, lựu đạn; chổi quét, dầu nhựa tiết kiệm được 7% nếu như tôi sản xuất thứ này tại Pháp.

D Artagnan trả lời:

– Ý kiến lấy gậy ông đập lưng ông như thế là hay đấy.

– Không phải sao? Có tính thêm hư hao nữa.

Thế rồi Colbert cười to vì khoái trá với câu nói đùa của mình rồi nói thêm:

– Vì thế tôi mới lộ ra với ngài đại sứ để Tây Ban Nha chịu đứng trung lập và nước Anh chịu giúp chúng ta.

Aramis nói:

– Nếu nước Anh giúp các ngài thì tôi bảo đảm sự trung lập của Tây Ban Nha.

Colbert vội vã theo với tính xởi lởi bộp chộp của ông:

– Cứ làm đi. Về chuyện Tây Ban Nha thì ngài sẽ không có huân chương Sợi giây vàng đâu, ngài d Alaméda ạ. Tôi nghe Hoàng thượng nói là thích trao cho ngài huân chương St. Michel thì hơn.

Aramis nghiêng mình cảm tạ. D Artagnan nghĩ thầm:

– Ôi tiếc là Porthos không có ở đây. Hoàng thượng rộng rãi như thế này thì anh chàng lương thiện đó sẽ lãnh biết bao nhiêu ân huệ!

Colbert lại nói:

– Xin nói riêng với ngài d Artagnan. Tôi cam đoan là ngài sẽ biết cách dẫn đoàn ngự lâm quân đi Hòa Lan. Ngài biết bơi không?

Rồi ông ta cười như một người quen vui tính. D Artagnan trả lời:

– Như một con lươn đấy.

– Phải đi qua các kênh rạch, qua ao đầm, cực lắm và có nhiều người bơi giỏi đã chết đuối rồi đấy, ngài d Artagnan ạ.

Người lính ngự lâm trả lời:

– Tôi sống chết vì Hoàng thượng. Nhưng ở mặt trận thì nước không nhiều bằng lửa đâu, cho nên tôi báo trước cho ngài biết là tôi chọn lửa trước hết. Tôi già rồi, nước lạnh lắm, trong khi lửa sưởi ấm được tôi, ngài Colbert ạ.

Bây giờ lại đến lượt Colbert thấy thán phục, thấy d Artagnan còn đầy khí phách hiên ngang của tuổi trẻ khi nói những lời ấy.

D Artagnan thấy kết quả lời nói của mình và vụt nhớ là người đi buôn bao giờ cũng đòi giá cao cho món hàng của mình khi nó có giá trị trên thị trường. Ông liền chuẩn bị đưa ra tính toán của mình. Lúc ấy, Colbert nói:

– Thế là chúng ta đi Hòa Lan phải không?

– Vâng, nhưng mà… nhưng mà trong chuyện này có lẫn lộn lợi ích và lòng tự ái. Làm ông chưởng quan ngự lâm quân được trả lương khá lắm. Nhưng ngài nên nhớ là hiện nay ta có đoàn cận vệ của Hoàng thượng và nhà quân vụ của Hoàng thượng nữa. Như thế thì viên chưởng quan ngự lâm quân phải chỉ huy hết tất cả các đơn vị này và chỉ riêng tiệc tùng, phô diễn, anh ta đã phải tốn cả trăm ngàn louis mỗi tháng rồi?

Colbert nói:

– Giả dụ rằng Hoàng thượng sẽ tính toán với ông thì sao?

D Artagnan thắc mắc về vấn đề tiền nong rồi, nên nói:

– Ôi ngài chưa hiểu rõ tôi. Tôi ngày xưa là trưởng toán ngự lâm của Hoàng thượng, bây giờ là chưởng quan già dặn, ngang hàng với Thống chế nước Pháp. Thế mà, có một ngày nào đó ở chiến hào, lại có mặt đến ba người, người chưởng quan cận vệ người chỉ huy toán lính gác của nhà quân vụ. Ờ, chẳng sao đâu tôi không khổ tâm việc đó đâu. Tôi quen rồi, tôi chịu đựng được hết.

Colbert hiểu ngay. Vả lại, ông cũng đã tiên liệu việc này.

Ông trả lời:

– Tôi đã nghĩ đến điều ngài vừa nói xong.

– Điều gì, thưa ngài?

– Chúng ta vừa nói đến kênh rạch, ao đầm có thể dìm chết người.

– Rồi sao?

– Thì ở đó người ta chết là do lỗi của một chiếc tàu, một tấm ván, một cây gậy.

– Vì một cây gậy, dù ngắn đến đâu cũng vậy. – D Artagnan nói.

– Đúng vậy, – Colbert trả lời. – Chính vì thế mà tôi không thấy ở đâu có chuyện một Thống chế nước Pháp lại chết đuối cả.

D Artagnan xanh mặt vì sung sướng nói giọng run run:

– Nếu tôi là Thống chế của nước Pháp, thì xứ sở sẽ hãnh diện về tôi. Nhưng muốn có gậy thống chế thì phải biết điều khiển cuộc viễn chinh đúng bậc chỉ huy.

Colbert nói với ông:

– Thưa ngài, trong quyển sổ này có một kế hoạch chiến dịch dự tính cho ngài chỉ huy cả đoàn quân mà Hoàng thượng sẽ đặt dưới tay ngài vào mùa xuân năm sau. Ngài suy nghĩ tính toán cho kỹ.

D Artagnan run run cầm quyền sổ, tay chạm tay Colbert.

Viên tể tướng thẳng thắn bắt thật chặt bàn tay của người ngự lâm và nói:

– Thưa ngài, cả hai chúng ta đều có thù phải trả với nhau.

– Tôi bắt đầu rồi đó, còn bây giờ thì đến lượt ngài! – D Artagnan trả lời:

– Tôi sẽ đền bù cho ngài. Tôi xin ngài nói với Hoàng thượng là gặp dịp chiến đấu nào đầu tiên thì hoặc sẽ có chiến thắng, hoặc tôi sẽ chết đi.

Colbert nói:

– Ngay bây giờ tôi sẽ cho thêu bông huệ vàng trên cây gậy thống chế của ngài.

Hôm sau, Aramis đến khách sạn từ giã d Artagnan để về lo liệu việc trung lập của Tây Ban Nha, d Artagnan nói:

– Chúng ta bây giờ chỉ còn có hai người để mà yêu thương cho cả bốn đấy!

Aramis nói:

– D Artagnan thân mến ơi, bạn chắc sẽ không còn gặp được tôi nữa. Tôi yêu thương bạn biết chừng nào. Tôi già rồi, lịm tắt, chết đi rồi.

– Bạn ạ, bạn còn sống dai hơn tôi, vì ngành ngoại giao đòi hỏi như thế. Nhưng tôi thì danh dự bắt tôi phải chết.

– Ôi, những người như chúng ta khi chết đi thì chỉ có đầy lòng vui sướng và đầy vinh quang mà thôi.

D Artagnan cười buồn:

– Ô! Lúc này là lúc tôi cảm thấy ham muốn nhất đấy, ngài Hầu tước ạ.

Họ lại ôm nhau lần nữa và hai giờ sau, họ chia tay nhau.

Chú thích:

(1) Pignerol nay thuộc nước Ý, có lúc thuộc Pháp là nơi nhốt Fouquet và Người Mặt sắt (trong truyện là Philippe)

(2) Guiche, Bá tước, tướng Pháp (1638-1673) nổi danh vì khả năng quân sự cũng như về những chuyện lăng nhăng


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.