Bút Vẽ Giang Sơn, Mực Tô Xã Tắc

Quyển 1 - Chương 14: Lưu phái



Sáng sớm ngày hôm sau, Nguyễn Phong đã cùng Vũ Ngôn đi ra khỏi làng. Mục tiêu của họ chính là leo lên đỉnh núi Thanh Long. Theo như Vũ Ngôn nói, đỉnh núi là nơi tập trung linh khí của cả ngọn núi, lại ít có bóng người, vẫn giữ được hoàn cảnh nguyên thủy. Lên đỉnh núi tu luyện, hiệu quả rèn luyện sẽ tốt hơn rất nhiều so với ở chân núi. Hơn nữa, hoàn cảnh càng nguyên thủy thì càng dễ dàng cho thư pháp gia cảm ứng được chân hồn của sự vật. Chính vì vậy, việc leo lên đỉnh núi lần này là bắt buộc.

Thân thể Nguyễn Phong vốn đã không được khỏe mạnh, hơn nữa độ tuổi lại khá nhỏ, cho nên việc leo núi cũng khá vất vả. Từ sáng sớm đến tận khi mặt trời đã gần đến đỉnh đầu, hai người mới leo được tới đỉnh núi. Thời gian kéo dài, đa phần là vì Nguyễn Phong phải dừng lại nghỉ lấy hơi giữa đường.Đến đỉnh núi, Nguyễn Phong lần đầu tiên biết thế nào là cảm giác ngắm nhìn sự vật từ trên cao. Đây không giống như đứng từ tầng cao của một tòa nhà cao tầng nhìn xuống đường phố. Tầm nhìn không bị hạn chế như trong thành phố, Nguyễn Phong phóng tầm mắt ra khắp đất trời. Nhìn rừng cây xanh mướt một màu, trải dài như vô cùng bao quanh thôn làng Vĩnh Thái, lại nhìn từng đám mây trắng lơ lửng trôi trên bầu trời, cảm giác gần trong khoảng cách, tưởng như giơ tay mà với được mây. Con người đứng trên đỉnh núi, đứng giữa đất trời, cảm giác như làm chủ được cả thiên địa rộng lớn bao la. Trong lòng Nguyễn Phong, tâm tình sôi trào kịch liệt, kích động như muốn trào ra khỏi cơ thể mà hòa cùng mây trắng gió xanh, hòa cùng trời trong đất rộng.

Một lúc lâu sau, đợi cho tâm tình Nguyễn Phong đã ổn định lại, Vũ Ngôn mới lên tiếng: “Cảm giác đứng trên đỉnh núi không tệ chứ! Lần đầu tiên ta đến nơi này, tâm tình cũng kích động như con vậy, cái cảm giác đỉnh thiên lập địa ấy thật dễ khiến người ta xúc động. Quay lại chuyện chính của chúng ta hôm nay. Đầu tiên ta muốn giới thiệu cho con về những lưu phái cơ bản của thư pháp gia”

“Đầu tiên phải kể đến hệ phái thư pháp truyền thống. Nói cách khác chính là những thư pháp gia sử dụng chân hồn để điều động sức mạnh thiên nhiên. Lưu phái này đã tồn tại từ rất lâu, bắt đầu từ khi chữ viết được sáng lập đã xuất hiện như thư pháp gia truyền thống này. Điểm mạnh của thư pháp gia truyền thống là sự tinh thuần trong thư pháp, chân hồn của họ thường thuần khiết hơn so với những thư pháp gia khác, cho nên khả năng điều động sức mạnh tự nhiên, cũng như cấp độ sức mạnh cũng cao hơn rất nhiều so với các thư pháp gia khác. Đây là điểm mạnh, nhưng cũng là điểm yếu của bọn họ. Nói đúng hơn, sự cố chấp với truyền thống chính là điểm yếu của các thư pháp gia này. Họ dành cả đời để nghiên cứu chữ viết, cũng dành cả đời để liên lạc với chân hồn, chính vì vậy, dù cho sức mạnh của thư pháp họ viết ra rất to lớn, nhưng lại thiếu khuyết sự sáng tạo, rất dễ bị đối phương khai thác vào những điểm yếu cố hữu của họ”

“Lưu phái thứ hai của thư pháp gia là lưu phái ảo thư. Nói là ảo thư, thực ra chính là sử dụng giả hồn của chữ, kết hợp với chân hồn, từ đó vận dụng sức mạnh thiên nhiên để tạo nên ảo mộng, vây khốn kẻ địch. Có thể nói người sáng chế ra ảo thư phái chính là một thiên tài, hắn đã phát huy giả hồn của thư pháp đến mức tối đa. Tuy rằng ảo thư phái chú trọng vào việc sử dụng ảo cảnh để vây khốn kẻ địch, nhưng điều đó không có nghĩa là sức mạnh của họ thấp kém. Ngược lại, ảo cảnh được phát huy đến cao độ, có thể khiến cho kẻ địch bị tấn công tinh thần mạnh mẽ, từ đó tàn phá linh hồn kẻ địch, nhẹ thì trở thành kẻ ngu ngốc, nặng thì linh hồn trực tiếp vỡ nát mà chết. Khuyết điểm duy nhất của ảo thư phái là sức mạnh của ảo cảnh phụ thuộc vào sự chênh lệch sức mạnh linh hồn giữa thư pháp gia và kẻ địch. Nếu tinh thần lực của kẻ địch mạnh mẽ thì ảo cảnh khó lòng làm tổn thương đến kẻ địch, chỉ có thể vây không chúng kéo dài thời gian. Thậm chí thư pháp gia còn có thể bị ảo cảnh cắn trả khi kẻ địch có tinh thần lực vượt hơn bản thân”

“Thứ ba chính là trận thư phái. Nói cách khác chính là dùng thư pháp để kết hợp thành trận pháp, nhằm gia tăng thêm sức mạnh của thư pháp. Người sáng lập ra trận thư phái này cũng là một kẻ thiên tài. Hắn vốn xuất thân từ truyền thống thư phái, nhưng linh hồn của bản thân lại bị tổn thương do di chứng bệnh tật từ bé, chính vì vậy liên kết linh hồn giữa hắn và sự vật rất lỏng lẻo, uy lực của thư pháp cũng yếu. Tuy nhiên hắn lại không cam chịu với số phận, luôn muốn vượt lên trên bệnh tật của bản thân. Bằng quyết tâm và nỗ lực trong hơn năm mươi năm, hắn đã nghiên cứu ra cách để kết hợp thư pháp lại với nhau, tạo thành trận pháp dựa theo các thuyết ngũ hành bát quái, khiến lực sát thương của thư pháp nhảy vọt. Trận thư phái trải qua sự phát triển của hắn và đệ tử, đã đạt đến đỉnh cao, mà thành quả chính là phù lục thường thấy. Tuy rằng về sau có một bộ phận phù lục sư đã rời xa thư pháp, sử dụng phù lục để lừa gạt dân thường, khiến cho uy danh của trận thư phái bị suy giảm. Nhưng không thể không công nhận, những đóng góp của tổ sư trận thư phái đã giúp giới thư pháp có một bước tiến rõ rệt”

“Một lưu phái khác của thư pháp giới là khí thư phái. Những người thuộc lưu phái này, kiêm tu cả võ công và thư pháp. Họ sử dụng thư pháp để đưa sức mạnh của tự nhiên vào binh khí, từ đó khiến cho binh khí mạnh mẽ hơn, mang theo uy thế của thiên nhiên để tiêu diệt kẻ thù. Người thuộc trận thư phái cũng khá nổi tiểng, không chỉ có võ công xuất chúng, họ còn là những luyện khí sư đại tài. Cao Lỗ thời An Dương Vương là một ví dụ điển hình. Hắn ta đã chế tạo ra nỏ thần uy chấn tám phương, đánh cho quân của Triệu Đà tan tác, nghe đến uy danh là phải sợ hãi. Nếu không phải vua An Dương Vương cả tin, để cho gian tế xâm nhập vào nội bộ, phá hoại nỏ thần, thì cũng không thể nào thất bại được. Truyền thuyết nói thần Kim Quy tặng cho An Dương Vương một chiếc móng rùa làm nẫy của nỏ, từ đó chế ra nỏ thần một lần bắn được cả nghìn mũi tên. Nhưng truyền thuyết không có nhắc đến, nỏ thần có khả năng mạnh mẽ như vậy, hoàn toàn là do tài năng của Cao Lỗ. Một chiếc móng rùa, làm sao đủ khả năng đối kháng vạn quân địch. Chính Cao Lỗ, bằng tài năng luyện khí của bản thân đã chế tạo ra chiếc nỏ thần, còn móng rùa, cũng chỉ là một loại tài liệu quý giá để chế nỏ mà thôi”.

“Lưu phái cuối cùng, cũng là lưu phái bí ẩn nhất của thư pháp giới, chính là cấm thư phái. Tương truyền chữ viết ban đầu được sáng tạo ra có uy lực vô cùng tận, nhưng khi được truyền lại cho con người, đã có một số chữ bị lược bỏ đi. Theo khảo cứu từ vô số tư liệu cổ, giới thư pháp hiện nay ước lượng số lượng chữ không được lưu truyền là tám chữ. Những chữ này có uy lực vô cùng, có khả năng làm điên đảo càn khôn, hủy thiên diệt địa. Chính vì sức mạnh của những chữ này, nên vị thần sáng tạo ra chữ viết chỉ truyền cho con người hình chữ, mà không truyền nghĩa của chữ. Mục đích của việc truyền chữ mà không giảng nghĩa này, có lẽ là để con người không thể lạm dụng chúng tự tuyệt đường sống của bản thân, nhưng vẫn đủ khả năng chống chọi nguy cơ từ kẻ địch. Tương truyền đến khi sự tồn vong của loài người lâm nguy, ý nghĩa của tám chữ này sẽ dần lộ ra để cứu vớt chúng sinh. Ngày nay, sự phát triển của các lưu phái thư pháp khác đã làm sức mạnh chung của loài người tăng lên, trong khi cấm thư lại quá mờ mịt xa vời, cho nên số người nghiên cứu cấm thư còn lại rất ít, có thể đếm trên đầu ngón tay. Vi sư cũng đã từng thử nghiên cứu cấm thư, nhưng quả thật là thu hoạch chẳng được bao nhiêu, cho nên ta cũng không cưỡng cầu. Nói thật, ta cũng không hy vọng ý nghĩa của tám chữ cấm thư được tìm ra, bởi khi đó loài người sẽ phải đối mặt với nguy cơ chưa từng có”

“Sư phụ, vậy ngài thuộc lưu phái nào trong số những lưu phái kể trên? Con thấy cả năm lưu phái đều rất mạnh, nếu là con, con sẽ học cả năm lưu phái, sau đó sử dụng ưu điểm của từng loại để bù đắp cho khuyết điểm của chúng, tạo ra một lưu phái thư pháp thống nhất, mạnh nhất” Nguyễn Phong nói ra ý tưởng kinh người, tràn đầy nhiệt huyết.

“Ha ha, ý tưởng rất hay, ta hy vọng học trò của ta sẽ đạt được mục tiêu của mình, giúp sư phụ cũng được thơm lây, danh lưu sử sách. Ta bây giờ, cũng đã không có ước vọng xa xôi gì nữa, chỉ làm một thầy đồ dạy chữ ở trong làng đã là tốt lắm rồi. Một người vô lưu vô phái như ta, có thể mong ước xa xôi gì chứ!” Nhắc đến vấn đề này, giọng điệu Vũ Ngôn có chút chua xót, dường như câu hỏi của Nguyễn Phong đã động đến vết thương lòng của hắn, một vết thương có lẽ sẽ chẳng bao giờ khỏi.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.