Tiểu thuyết
Cô hỏi tôi một tiểu thuyết thành hình ra sao. Thưa cô, nếu tôi biết được thì không khi nào tôi viết. Đó không phải là lời nói đùa giỡn. Tôi muốn bảo rằng tiểu thuyết gia nào có ý thức quá rõ rệt về kĩ thuật của mình thì là có tội lớn.
Có những tiểu thuyết chế tác ra. Một nhà văn nọ muốn chống đỡ một luận đề mà viết một tiểu thuyết. Nhân vật nọ tượng trưng cho cái Ác (bọn “gian” trong các kịch truyền kì, quân “đê tiện” trong tiểu thuyế hiện sinh) ; một nhân vật khác là hiện thân của Đạo đức, Tự do, Tín ngưỡng hoặc Cách mạng (vì bản chất các nhân vật chính thay đổi tuỳ thời). Tới cuối truyện, cái Thiện muốn ra sao thì cũng thắng cuộc, mà tiểu thuyết gia thì thua cuộc.
Một nhà văn khác có phương pháp – gia truyền : Lựa một thiếu nữ càng đẹp và cảm động càng tốt. Sau nhiều bất hạnh lớn, cho cô ta gặp được chàng “hiệp sĩ” của cô. Rồi cô ta gặp một tình địch vào hạng yêu tinh. Chiến đấu lâu dài. Tình tiết gay cấn. Tới phút cuối, sự trong sạch thắng được. Thêm vị nhục cảm vào, nhiều hay ít tuỳ thị hiếu độc giả. Cứ viết lại truyện đó suốt đời. Tới lần nhào nặn thứ hai mươi thì giàu có lớn.
Nhà văn thứ ba lựa một thời đại lịch sử , bi thảm và phóng đãng thì càng tốt. (Các nhà khám thời Cách mạng là một khung cảnh rất thích hợp vì lẽ ái tình và máy chém ở sát nhau ; các chiến tranh thời Đế chinh thứ nhất cũng thích hợp nữa vì những cuộc xâm lăng đất đai thật vẻ vang xen với những cuộc xâm chiếm trái tim đàn bà ; thời Phục hưng ở Anh thích hợp vì các thói sa đoạ ; thời đại Louis XV hoặc Phụ chính cũng thích hợp vì có Lộc Uyển (1) hoặc các bữa ăn tối thân mật : Đế Chinh thứ nhì cũng thích hợp vì các kì nữ sang trọng). Lựa được một thời đại nào rồi thì tạo một nhân vật đàn bà đẹp không sao cầm lòng được mà rất trân tráo, tàn nhẫn, và cứ ba chục trang lại cho mĩ nhân đó lên giường nằm với một người đàn ông khác. Cam đoan bán hết trăm ngàn bản. Cú ba truyện lại đổi thời đại.
Những phương pháp đó gây được những tài sản lớn, nhưng không tạo được các danh tác. Cái nguồn đẹp thường bí mật, chảy ở trong lòng đất. Một tiểu thuyết chân chính thì đáp ứng được một nhu cầu nơi tâm hồn Stendhal, Balzac thích viết những truyện để có thể sống lại cuộc đời mình mà đeo những mặt nạ khác. Anh chàng Fabrice trong truyện La Chartreuse de Parme là Stendhal nếu Stendhal được làm một nhà quí phá Ý trẻ đẹp ; Luicen Leuwen là Stendhal trung uý bảnh trai, con một chủ ngân hàng cực giàu. “Một nhà văn tìm cách tự đền bù cho mình vì đã bị một số phận bât công nào đó”. Đôi khi khó mà nhìn sâu vào sau cái mặt nạ được. Flaubert bảo : ” Bà Bovary là tôi”. Nhờ vậy mà Bà Bovary thành một danh tác.
Nhờ đâu mà một tiểu thuyết gia nhận được rằng một đề tài nào đó mình viết thì sẽ rất hay ? Nhờ điểm này : rất xúc động khi nghĩ tới nó. Nếu nó đụng nhằm một điểm dễ cảm, một hồi kí đau xót, hoặc đôi khi say mê, thì tác phẩm có hi vọng hay đấy. Nhưng phải có hai điều kiện. Phải lùi lại xa xa một chút, hoặcnhư Balzac nói, phải có một thời gian thai nghén. “Thơ là một cảm xúc người ta nhớ lại trong khi lòng được bình tĩnh”. Lúc mà ta vừa mới mất một mối tình, không phải là lúc có thể đem mối tình đó ra viết thành tiểu thuyết. Vết thương còn chảy máu, phải băng bó nó lại, đừng kích thích nó. Khi nào nó lành miệng rồi, chạm vào nó mới thấy một cái thú chua chát. Nó không còn nhức nhối làm cho ta thét lên ; nhưng còn đủ đau để làm cho ta rên rỉ, ca hát. Tôi hiểu theo cái nghĩa của thi sĩ, mà cũng là cái nghĩa của tiểu thuyết gia.
Điều kiện thứ nhì : phải đi tới một cách gián tiếp. Cô bạn kiều diễm không quen biết của tôi, nếu cô muốn viết một tiểu thuyết thì đừng kể cuộc đời của chính cô mà không thay đổi gì hết. Cô sẽ mắc cỡ mà không viết được đâu, ít nhất là tôi mong vậy. Cô cứ kể một truyện gần giống truyện của cô, một truyện có thể cho cô diễn tình cảm của cô được mà vẫn có ảo tưởng rằng được một chiếc mặt nạ che chở. Và nếu cô viết xong thì xin đừng gởi bản thảo cho tôi đấy nhé. Tôi sẽ đánh lạc nó đấy.
(1) Khu vườn ở Versailles, vua Louis XV đến đó với các tình nhân chốc lát của ông.