Bông Hồng Vàng Và Bình Minh Mưa

Chương 25



Đã lâu lắm rồi, khoảng hơn mười năm trước, tôi đã định bụng viết một cuốn sách không dễ gì viết nổi, nhưng là một cuốn sách thú vị, như lúc ấy tôi đã nghĩ và cả bây giờ nữa tôi vẫn nghĩ như thế.

Cuốn sách đó gồm những tiểu sử của những con người xuất chúng.

Tiểu sử của họ phải ngắn và đẹp.

Thậm chí tôi đã bắt đầu lập danh sách những con người xuất chúng cho cuốn sách ấy.

Tôi quyết định đặt vào trong cuốn sách của tôi vài mẩu đời của những người bình thường nhất mà tôi đã gặp, những người không tên tuổi, bị chìm trong quên lãng, nhưng trong thực tế lại chẳng kém gì những người đã trở thành danh tiếng và được người đời trọng vọng. Họ chẳng qua không gặp may và không để lại được dấu vết gì cho đời sau, dù chỉ là một dấu vết mờ nhạt.. Phần lớn, họ là những người không vụ lợi, biết xả thân vì nghĩa và là những người cùng bị lôi cuốn bởi một niềm say mê chung.

Thuyền trưởng đường sông Olenin-Volgar – con người có một cuộc đời muôn màu muôn vẻ – là một trong những người như thế. Ông lớn lên trong một gia đình yêu âm nhạc và học hát ở Ý. Nhưng rồi ông muốn cuốc bộ khắp châu Âu nên đã bỏ học và thực sự đã làm một người hát rong lang thang khắp các nước Ý, Tây Ban Nha, Pháp. Ở nước nào ông cũng hát những bài hát bằng tiếng của nước ấy trong nhịp đệm của cây lục huyền cầm.

Tôi được biết Olenin-Volgar tại tòa soạn một trong những tờ báo hàng ngày ở Moskva, năm 1924. Một hôm, sau giờ làm việc chúng tôi đề nghị Olenin-Volgar hát cho nghe vài bài trong chương trình hát rong của ông. Không biết người ta kiếm đâu được một cây ghi-ta và thế là ông già gầy còm, thấp bé, trong bộ quần áo thuyền trưởng đường sông, bỗng chốc đã biến thành một nghệ sĩ điêu luyện, một diễn viên và một danh ca xuất chúng. Giọng ông hoàn toàn trẻ.

Chúng tôi lặng đi, lắng nghe những giai điệu Ý phóng khoáng chảy trôi, tiếng ầm ầm đứt đoạn trong những bài hát của dân miền Basque, bài Marseillaise hoan hỉ trong tiếng kèn đồng lanh lảnh và khói súng mù mịt.

Sau khi đã đi lang thang khắp châu Âu, Olenin-Volgar làm thủy thủ trên những con tàu viễn dương, đoạt bằng hoa tiêu đường trường, ngang dọc Địa Trung hải nhiều lần, rồi mới trở về Nga và làm thuyền trưởng đường sông Volga. Hồi tôi mới quen ông, Olenin-Volgar đưa tàu chở khách từ Moskva đi Nizhny Novgorođ.

Ông là người đầu tiên dám mạo hiểm đưa con tàu chở khách to lớn vốn dùng để chạy trên giang lộ Volga qua các đập nước hẹp và cũ kỹ của sông Moskva. Mọi người – thuyền trưởng, kỹ sư – quả quyết rằng việc ấy không thể thực hiện được.

Ông là người đầu tiên đề nghị nắn lại dòng sông Moskva trong vùng Marchugi nổi tiếng, nơi dòng sông uốn khúc đến nỗi chỉ cần nhìn cái hình thù ngoằn ngoèo không biết bao nhiêu lần của nó trên bản đồ cũng đã đủ hoa mắt.

Olenin-Volgar đã viết nhiều bài tuyệt hay về những dòng sông Nga. Ngày nay những bài ấy đã bị thất tán và chìm trong quên lãng. Ông biết đủ mọi xoáy nước, bãi cạn và những đống gỗ chìm trên hàng chục con sông. Ông có những kế hoạch đơn giản và không ai ngờ tới về việc cải tiến phương tiện đi lại và vận chuyển đường thủy trên những dòng sông ấy.

Những lúc rảnh rỗi ông dịch cuốn “Thần khúc” của Dante ra tiếng Nga.

Đó là một con người nghiêm nghị, tốt bụng và hiếu động, người chủ trương mọi nghề đều đáng trọng bởi chúng phục vụ sự nghiệp của nhân dân và giúp cho mỗi người có cơ hội tỏ ra mình là “một con người tốt đẹp trên đất đai tốt đẹp này”.

Tôi còn quen một con người giản dị và đáng yêu khác là giám đốc viện bảo tàng địa phương tại một thành phố nhỏ miền Trung Á.

Viện bảo tàng đặt trong một ngôi nhà cổ kính. Ông giám đốc không có người giúp việc nào khác, ngoài bà vợ. Hai người không những chỉ trông nom viện bảo tàng đâu ra đó, mà còn tự tay sửa chữa nhà cửa, kiếm củi sưởi và làm đủ mọi việc nặng nhọc linh tinh khác.

Một hôm, tôi bắt gặp hai người đang làm một công việc kỳ quặc. Họ đi đi lại lại mãi trong cái phố nhỏ lặng lẽ đầy cỏ mọc và nhặt cho bằng hết những hòn đá, những viên gạch vỡ nào còn nằm vương vãi quanh viện bảo tàng.

Thì ra lũ trẻ đã lấy đá ném vỡ cửa kính viện bảo tàng. Để sau này chúng không còn cái để mà ném nữa, ông giám đốc mới quyết định nhặt hết đá, gạch ngoài phố mang vào sân.

Mọi vật trong viện bảo tàng, từ bức thêu ren cổ xưa hoặc viên gạch phẳng hiếm hoi của thế kỷ thứ XIV đến một mẩu than bùn và xác ướp con chuột nước Arhentina – con nutri – cách đây ít lâu vừa được thả vào những đầm lầy địa phương để gây giống, tất cả đều được nghiên cứu và ghi chép cẩn thận.

Nhưng con người khiêm tốn, bao giờ cũng nói khẽ, vừa nói vừa đằng hắng vì bối rối, mỗi lần giới thiệu bức tranh của họa sĩ Pereplechikov là lại tươi hơn hớn. Ông đã tìm ra bức tranh ấy trong một tu viện đóng cửa.

Thực vậy, đó là một bức phong cảnh tuyệt đẹp mà họa sĩ đã nhìn qua khung cửa sổ sâu thẳm mà vẽ. Một buổi chiều trắng phương Bắc với những cây bạch dương mơn mởn ngủ yên và mặt nước trắng như thiếc trên một con hồ nhỏ.

Ông làm việc vất vả. Người ta không coi ông ra gì. Ông làm việc trong yên lặng, không quấy rầy ai. Nhưng dù cho viện bảo tàng của ông có không mang lại nhiều lợi ích đi chăng nữa thì chẳng lẽ bản thân sự tồn tại của một con người như thế lại không phải là tấm gương về lòng trung thành với sự nghiệp, tính khiêm tốn và tình yêu quê hương, cho những người ở đây, nhất là cho thanh niên, hay sao?

Mới đây tôi vừa tìm được danh sách những con người xuất chúng mà tôi đã lập ra để viết cuốn sách nói trên. Danh sách ấy rất lớn. Tôi không thể viết ra đây toàn bộ. Vì thế tôi chỉ chọn hú họa lấy một số nhà văn.

Bên cạnh tên mỗi nhà văn tôi viết những ghi chép ngắn ngủi và lộn xộn về những cảm giác của tôi, chúng gắn với nhà văn này hay nhà văn khác.

Để cho rõ hơn tôi xin dẫn ra dưới đây một vài đoạn ghi chép ấy. Tôi đã xếp chúng lại cho gọn và mở rộng thêm.

Chekhov[40]

[40] Trong cuốn “Bông hồng vàng” do nhà xuất bản Literarura Artistike ở Kishinyov (nước cộng hoà Mondavya hiện nay) ấn hành năm 1987, mà nhà văn Nguyễn Hữu Hiệu có nhã ý gửi cho tôi, không thấy có đoạn này về Chekhov. Nó được thay thế bằng một đoạn khác. Ngoài ra còn có những đoạn không khác không có trong Paustovsky toàn tập in năm 1958.

Không rõ có phải tác giả thay không, vì ấn bản này được in khi tác giả đã qua đời?

Trong văn học, những cuốn sổ tay của Chekhov tồn tại độc lập như một thể văn đặc biệt. Ông rất ít dùng sổ tay trong việc viết văn.

Sổ tay của Ilf, Alphonse Daudet, nhật ký của Lev Tolstoy, anh em Goncourt, nhà văn Pháp Renard và rất nhiều ghi chép của các nhà văn, nhà thơ khác cũng tồn tại như một thể đặc biệt như thế.

Những cuốn sổ tay có đầy đủ quyền tồn tại trong văn học như một thể độc lập. Nhưng riêng tôi, trái với ý kiến của nhiều nhà văn khác, tôi cho rằng những cuốn sổ tay hầu như vô dụng đối với công việc cơ bản của nhà văn.

Đã có thời tôi ghi sổ tay. Nhưng cứ mỗi lần tôi lấy ở trong đó ra một ghi chép thú vị và đặt nó vào một truyện ngắn hay một truyện dài thì y như rằng cái đoạn văn ấy lại trở thành cứng quèo. Trong truyện, nó cộm lên như một dị vật.

Tôi chỉ có thể giải thích điều đó bằng cách nói rằng việc lựa chọn chất liệu tốt nhất là nhờ trí nhớ. Những gì còn lại trong trí nhớ và không bị quên đi, cái đó mới quý. Những gì cứ phải ghi chép cho khỏi quên là cái không quý bằng và hiếm có trường hợp chúng trở thành hữu ích cho nhà văn.

Trí nhớ như một cái rây thần, nó để cho cát bụi lọt qua nhưng giữ lại những vụn vàng.

Chekhov có một nghề thứ hai. Ông là thầy thuốc. Chắc chắn nếu mỗi nhà văn có một nghề thứ hai và làm nghề ấy trong một thời gian, thì điều đó sẽ có ích cho nhà văn.

Việc Chekhov là thầy thuốc chẳng những giúp cho ông hiểu biết con người mà còn ảnh hưởng cả đến văn phong của ông. Nếu Chekhov chẳng phải là thầy thuốc có dễ ông đã chẳng tạo ra được loại văn xuôi chính xác, có tính phân tích sắc như dao giải phẫu.

Một số truyện ngắn của ông (thí dụ “Phòng Số Sáu”, “Câu Chuyện Đáng Ngán”, “Người Đàn Bà Phù Phiếm” và nhiều nhiều nữa) và được viết ra như những chẩn đoán tâm lý mẫu mực.

Văn của ông không sao chịu nổi dù chỉ chút xíu bụi bậm và vết bẩn. Chekhov viết: “Cần phải vứt đi những cái thừa, rửa sạch câu văn khỏi những “tùy theo”, “nhờ ở”, cần phải chú ý đến nhạc tính của văn và không để cho những chữ “thì”, “là”, “mà” đứng gần sát nhau trong một câu.

Ông thẳng cánh đuổi ra khỏi văn ông những từ như “appétit”, “flirt” “idéal”, “disque”, “écran”. Chúng làm ông ghê tởm.

Cuộc đời của Chekhov đáng để ta học tập. Ông kể lại rằng trong một thời gian dài, nhiều năm, ông đã phải gian khổ đấu tranh vứt bỏ từng chút, từng chút một, chất nô lệ trong người. Chỉ cần trải ra những bức ảnh của Chekhov theo tuần tự năm tháng – từ lúc ông còn là thanh niên cho đến những năm cuối đời – là đủ thấy rõ cái nét thị dân mờ mờ phủ bên ngoài ông mất dần và gương mặt ông trở nên nghiêm nghị thêm, lớn lao thêm và đẹp thêm mãi, cả trang phục của ông cũng thanh thoát và duyên dáng thêm mãi.

Ở nước ta có một góc nhỏ, nơi mà người nào cũng gửi gắm một phần trái tim mình. Đó là ngôi nhà của Chekhov ở Autka.

Đối với những người thuộc thế hệ tôi, ngôi nhà đó không khác gì một khung cửa sổ sáng đèn. Từ khu vườn tối, ta có thể nhìn qua khung cửa ấy để thấy thuở thiếu thời đã hầu như quên lãng của mình. Và được nghe giọng nói trìu mến của Marya Pavlovna – cô Masa đáng yêu của Chekhov – người mà cả nước ta biết đến và yêu mến như một người ruột thịt.

Tôi tới ngôi nhà đó lần chót vào năm 1949.

Tôi ngồi bên Marya Pavlovna ở ngoài hiên. Những bụi hoa trắng ngào ngạt che khuất biển và thành phố Yanta.

Marya Pavlovna nói rằng bụi hoa um tùm ấy là do Anton Pavlovich Chekhov tự tay trồng và ông dã đặt tên cho nó nhưng bà không sao nhớ ra được cái tên rắc rối ấy.

Bà nói chuyện ấy đơn giản, như thể Chekhov còn sống, ông mới ở đây và chỉ đi đâu đó ít lâu, tới Moskva hoặc Nitza.

Tôi hái một đóa trà hoa trong vườn Chekhov, tặng em gái bé cùng đi với chúng tôi tới nhà bà Marya Pavlovna. Nhưng cô “Trà hoa nữ” vô tư kia đã đánh rơi mất bông hoa từ trên cầu xuống suối Uchanzu và bông hoa trôi ra Hắc Hải. Không thể nào giận em bé cho được, nhất là trong một ngày tưởng chừng có thể gặp Chekhov ở mọi lối ngoặt trong các phố. Và ông sẽ khó chịu đấy khi nghe người ta mắng mỏ đứa cháu gái bé bỏng có đôi mắt nâu kia chỉ vì chuyện không đâu, chỉ vì nó đánh mất một bông hoa ngắt trong vườn ông.

Aleksandr Blok

Blok có một bài thơ đầu tay ít người biết đến: “Đêm Ấm Áp Trùm Lên Hải Đảo”.

Trong bài thơ ấy có một câu kéo dài và dịu dàng, nó gợi lên trong trí ta cả cái đẹp đẽ của tuổi thanh xuân mờ ảo: “Mùa xuân mơ ước xa xôi của mình… “.

Đó không phải là những từ thường. Đó là ánh hào quang. Hào quang đó tạo ra toàn bộ con người Blok.

Lần nào đến Leningrađ tôi cũng muốn được đi bộ (chỉ đi bộ chứ không đi xe buýt hoặc xe điện) tới sông Briaska để nhìn thấy ngôi nhà nơi Blok đã sống và ở đấy ông qua đời.

Một hôm tôi đi và bị lạc giữa những khu phố vắng vẻ và những nhánh sông dài ngập bùn lầy và khi hỏi chẳng thấy nhà Blok đâu. Nhưng vô tình tôi gặp trong một ngõ hẻm cỏ mọc dầy, một tấm bảng kỷ niệm ở một ngôi nhà gạch đã bạc màu. Thì ra Đostoevsky đã ở ngôi nhà này.

Mãi gần đây tôi mới tìm ra ngôi nhà của Blok trên bờ sông Pryashka.

Mùa thu tàn đã rắc đầy lá úa trên dòng sông đen. Bên kia sông bắt đầu khu ngoại ô của công nhân cảng trong thành phố. Trên nền trời sắp tối trông rõ những nhà máy, những xưởng đóng tàu, những cột buồm và những làn khói. Nhưng trên sông Pryashka thì lại vắng vẻ và im lìm như trong một tỉnh lỵ xa xôi.

Đó là nơi ẩn náu kỳ lạ đối với một nhà thơ như Blok. Có thể Blok đã chọn nơi vắng vẻ và gần biển này vì nó trả lại sự yên tĩnh cho trái tim bối rối của con người.

Guy de Maupassant

Ông che giấu chúng ta cuộc đời mình.

Renard nói về Maupassant.

Maupassant có một chiếc thuyền nhỏ ở miền duyên hải Riviera tên là “Người bạn thiết”. Ông đã viết tác phẩm vang dội nhất và cay đắng nhất của ông trên con thuyền này: truyện “Trên mặt nước”.

Có hai thủy thủ làm công trên chiếc “Người bạn thiết” của Maupassant. Người nhiều tuổi tên là Bernard.

Hai thủy thủ không để lộ ra một lời nói nào, một cử chỉ nào, để Maupassant biết rằng họ đang lo lắng cho ông, mặc dầu họ biết có chuyện không hay vừa mới xảy ra với “ông chủ” và ông có thể phát điên không phải vì suy nghĩ, mà chỉ vì những cơn buốt óc không tài nào chịu nổi.

Khi Maupassant qua đời, hai thủy thủ nọ gửi tới tòa soạn một trong những tờ báo hàng ngày ở Paris một bức thư, ngắn ngủi và vụng về, tràn ngập một nỗi đau khổ lớn của con người. Có lẽ chỉ có hai người bình thường kia, trái với quan niệm sai lạc chung của mọi người về Maupassant, biết rằng chủ họ có một tâm hồn tự hào và cả thẹn.

Họ có thể làm gì để tưởng nhớ Maupassant?

Họ chỉ biết cố gắng hết sức mình sao cho con thuyền mà Maupassant yêu mến khỏi rơi vào bàn tay thờ ơ của kẻ khác.

Và hai thủy thủ đã cố gắng. Có thể kéo dài việc bán thuyền ra bao nhiêu họ kéo bấy nhiêu. Nhưng họ là những người nghèo khổ và chỉ có trời chứng giám, họ đã chật vật đến thế nào.

Họ cầu cứu bạn bè Maupassant, cầu cứu các nhà văn Pháp, nhưng vô hiệu. Thế là chiếc thuyền bị rơi vào tay bá tước Bartelemi – một tay nhà giàu vô công rồi nghề.

Khi Bernard hấp hối, ông nói với những người chung quanh:

– Tôi nghĩ rằng tôi đã là một thủy thủ không tồi.

Không thể nào diễn tả giản dị hơn ý nghĩ về một cuộc sống cao thượng mà ta đã sống qua. Tiếc thay, lại chỉ rất ít người có thẩm quyền nói về mình bằng những lời như thế.

Những lời đó là di huấn mà Maupassant dặn lại chúng ta qua miệng người thủy thủ nọ.

Ông đã đi qua con người viết văn rất nhanh chóng. Ông nói: “Tôi bước vào văn nghiệp như một mảnh sao băng và ra khỏi nó như một tia chớp”.

Là nhà quan sát tàn nhẫn cái thối tha của con người, nhà giải phẫu đặt tên cho cuộc đời là: “bệnh viện thực hành cho nhà văn”, trước khi chết ít lâu, ông đã vươn tới sự trong sạch, ca ngợi tình yêu-đau khổ và tình yêu-sung sướng.

Ngay đến giờ phút cuối cùng, khi tưởng như óc mình đã bị một thứ muối độc nào đó ăn ruỗng, ông còn tuyệt vọng mà nghĩ rằng ông đã phung phí mất bao nhiêu lòng chân thành trong cuộc đời hối hả và long đong của mình.

Ông kêu gọi con người đi đâu? Ông dẫn dắt người ta đến chỗ nào? Ông hứa gì với họ? Ông có dùng được đôi tay khỏe mạnh của người chèo thuyền và của nhà văn giúp đỡ họ được không?

Ông hiểu ông đã không làm điều đó và nếu như ông đem lòng trắc ẩn thêm vào những gì ông đã viết thì ông đã có thể vĩnh viễn trở thành ông Thiện trong trí nhớ của nhân loại.

Như một đứa trẻ bị bỏ rơi, rụt rè và cau có, ông tìm đến cái dịu dàng. Ông tin rằng tình yêu không phải chỉ là nhục dục mà còn là sự hy sinh, là niềm vui thầm kín. Nhưng đã muộn mất rồi, trong ông chỉ còn lại độc những lời trách móc của lương tâm và những ăn năn hối tiếc.

Và ông tiếc, ông giận mình đã miệt thị vứt bỏ hạnh phúc, nhạo báng nó. Ông thường nhớ đến nữ họa sĩ Nga Bashkirtzeva. Nàng gần như là một đứa con gái nhỏ. Nàng đã yêu ông. Nhưng Maupassant đáp lại tình yêu của nàng bằng một cuộc trao đổi thư từ giễu cợt và còn hơi đỏng đảnh nữa là khác. Tính kiêu kỳ của đàn ông trong con người ông đã thỏa mãn. Ông không muốn gì hơn nữa.

Nhưng nhắc tới Bashkirtzeva mà làm chi! Ông còn tiếc một cô thợ trong một xưởng máy ở Paris hơn nhiều.

Paul Bourget đã tả lại câu chuyện xảy ra với cô thợ ấy. Maupassant phẫn nộ. Ai cho phép tên tâm lý gia phòng khách kia được lỗ mãng xông vào tấn bi kịch của con người? Tất nhiên, chính ông, chính Maupassant, đã có lỗi trong chuyện đó. Nhưng biết làm thế nào, còn cách gì cứu vãn được nữa khi ông chẳng còn sức lực và chất muối kia đã lắng cạn tầng tầng lớp lớp trong tâm trí ông? Ông thỉnh thoảng thậm chí còn nghe thấy cả tiếng lách tách của những tinh thể nhỏ bé và nhọn sắc của chúng khi chúng chọc sâu vào óc ông.

Cô thợ! Người con gái ngây thơ và kiều diễm! Nàng đọc rất nhiều truyện ngắn của ông, chỉ nhìn thấy ông một lần mà đã yêu ông với tất cả trái tim nồng cháy trong trắng như cặp mắt tỏa sáng của nàng.

Người con gái thực ngây thơ! Nàng biết Maupassant không có vợ và ông sống cô độc, và thế là ý nghĩ điên rồ muốn trao cho ông cả đời mình, săn sóc ông, làm bạn ông, làm vợ ông, làm nô lệ cho ông, và làm đầy tớ cho ông, đã dấy lên trong lòng nàng mạnh mẽ đến nỗi nàng không sao cưỡng lại được.

Nàng nghèo và ăn vận tồi tàn. Nàng chịu ăn đói suốt một năm trời, dành dụm từng xu để may một bộ cánh lộng lẫy để mặc trong lần đi gặp Maupassant.

Cuối cùng bộ cánh đã may xong. Nàng trở dậy từ sáng sớm, trong khi Paris còn ngủ, khi những giấc mộng còn phủ kín Paris như một màn sương và qua màn sương ấy le lói một mặt trời mới mọc. Lúc đó là giờ duy nhất có thể nghe tiếng chim hót trong những hàng bồ đề trên các đại lộ.

Nàng tắm qua loa bằng nước lạnh, từ tốn và nhẹ nhàng đi đôi tất mỏng tang và đôi giày nhỏ bóng loáng rồi đến bộ áo tuyệt đẹp, như mặc vào mình những vật quý mỏng manh đắt tiền. Nàng soi gương và không tin cả bóng mình. Trước mặt nàng là một cô gái kiều diễm, mảnh mai, rạng rỡ niềm vui và nỗi bối rối trong lòng với đôi mắt quầng thâm vì yêu và đôi môi đỏ tươi, dịu dàng. Phải, nàng sẽ đến trước Maupassant với sắc đẹp ấy và thú thực với ông tất cả.

Maupassant ở một biệt thự bên ngoài thành phố. Nàng bấm chuông ngoài cổng. Một người bạn Maupassant ra mở. Y là một gã khinh bạc, ăn chơi trác táng, chuyên tán gái. Gã mỉm cười, nhìn nàng chòng chọc rồi trả lời rằng Maupassant không có nhà, rằng ông đã cùng với nhân tình đi Etreta vài ngày.

Nàng kêu lên và bước vội đi, bàn tay bé nhỏ bó chặt trong chiếc găng da mềm chới với bám lấy song sắt hàng rào.

Ông bạn của Maupassant đuổi theo, dìu nàng lên xe ngựa và đưa về Paris. Nàng khóc, nói không có mạch lạc đến chuyện trả thù và ngay tối hôm ấy, để chọc tức mình, chọc tức Maupassant, nàng đã hiến thân cho anh chàng chơi bời nọ.

Một năm sau nàng đã nổi tiếng ở Paris là một ả trong đám kỹ nữ trẻ. Còn Maupassant thì sau khi nghe câu chuyện do ông bạn kể lại đã không đuổi y đi, không cho y một cái tát, không thách đấu với y mà chỉ mỉm cười: ông thấy câu chuyện xảy ra với người con gái cũng hay hay. Thực vậy, nó cũng có thể là một đề tài không đến nỗi tồi cho một truyện ngắn!

Thật đáng sợ vì giờ đây không còn có thể nào lấy lại được khoảng thời gian khi người con gái ấy còn đứng bên hàng rào nhà ông như một mùa xuân nức hương và tin cậy đặt trái tim mình trong đôi bàn tay nhỏ nhắn mà trao cho ông nữa.

Ông không biết cả đến tên nàng ông và giờ đây ông gọi nàng bằng đủ mọi cái tên âu yếm mà ông có thể nghĩ ra.

Ông quằn quại vì đau đớn. Ông sẵn sàng hôn những vết chân nàng và van xin nàng tha lỗi. Chính ông, chính Maupassant vĩ đại và cao xa. Nhưng không còn cách gì cứu vãn được nữa rồi. Tất cả câu chuyện ấy chỉ còn là cái cớ để Bourger có thể viết thêm một giai thoại ngộ nghĩnh thuộc lĩnh vực những tình cảm khó hiểu của con người.

Khó hiểu ư? Không, những tình cảm ấy giờ đây rất dễ hiểu đối với ông! Chúng rất tốt lành, những tình cảm ấy! Chúng là cái thiêng liêng nhất trên tất cả những gì thiêng liêng trong cái thế giới không hoàn hảo của chúng ta. Và ông có thể viết ngay bây giờ về chuyện đó với tất cả sức mạnh của tài năng và kỹ xảo mà ông có nếu như không có cái chất muối kia. Nó đang gặm nhấm ông, mặc dầu ông nhổ nó ra từng vốc. Từng vốc lớn hăng xì.

Maxim Gorky

Người ta đã viết quá nhiều về Aleksey Maksimovich Gorky. Đến nỗi, nếu ông không phải là một con người phong phú vô tận thì chắc chắn ta sẽ dễ dàng bối rối, lùi bước và không dám thêm vào những gì đã được viết về ông lấy một dòng.

Gorky chiếm một địa vị lớn trong đời mỗi chúng ta. Tôi thậm chí dám nói rằng có cái “cảm giác Gorky” – cảm giác về sự có mặt thường xuyên của ông trong đời sống của chúng ta.

Đối với tôi, trong Gorky có cả nước Nga. Cũng như không thể hình dung nước Nga không có sông Volga, tôi không thể nào nghĩ rằng trong nước Nga lại không có Gorky.

Ông là người đại diện toàn quyền của nhân dân Nga tài năng vô tận. Ông yêu mến và hiểu biết nước Nga tường tận, hiểu biết nước Nga như cách các nhà địa chất nói, trong mọi “thiết diện”, cả trong không gian, cả trong thời gian. Ông không coi thường một cái gì trong đất nước này và không có gì mà ông không nhìn theo cách của ông, cách Gorky.

Đó là một người đi săn các tài năng, con người đánh dấu một thời đại. Từ những người như Gorky có thể bắt đầu một niên biểu.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.