Bởi Vì Thấu Hiểu Cho Nên Từ Bi

Chương 3: Trâm anh thế tộc



Trong ký ức của người già, vầng trăng ba mươi năm trước tươi vui, to tròn và trắng sáng hơn vầng trăng hiện tại; nhưng sau chặng đường gian khổ ba mươi năm, nhìn lại, ánh trăng dẫu có lung linh hơn, thì cũng khó tránh đượm chút thê lương[1].

(Trương Ái Linh ngữ lục)

[1] Trích Cái gông vàng của Trương Ái Linh, Trần Quang Đức dịch.

Ráng chiều cô lẻ, nước thu trong veo. Ngồi tựa bên song cửa cũ kỹ, nhìn hoa rơi mưa bay, lại thấy trăng sáng giữa trời, cuối cùng hiểu ra, chỉ cần nội tâm thấu suốt, cho dù thân ở thời loạn, gió mây ập tới, ngày tháng vẫn có thể giản đơn, tĩnh lặng và sáng sủa. Lý Bạch có thơ rằng:

Kim nhân bất kiến cổ thời nguyệt

Kim nguyệt tằng kinh chiếu cổ nhân

(Người nay chẳng thấy trăng thuở trước,

Trăng nay đã từng chiếu kẻ xưa).

Đúng thế, cho dù thế sự, non sông nhiều phen gió táp mưa sa, thì vầng trăng tỏa sáng ngàn dặm đó vẫn thủy chung vẫn thanh tịnh tựa lưu ly.

Đời người mênh mang, chúng ta chẳng qua chỉ là một ngôi sao trong dòng ngân hà vời vợi, là một ngọn sóng trong biển ngăn ngắt xanh. Rơi xuống thế gian này như thế nào, chúng ta không thể biết; và sẽ rơi vào đâu, chúng ta cũng không thể chọn lựa. Tóm lại, vinh hoa và nghèo khổ, huyên náo và tịch liêu của kiếp trước, đều không liên quan đến kiếp này. Sinh mệnh căn bản đã chất chứa quá nhiều điều kinh ngạc và hư ảo, không ai có thể giải thích một cách rõ ràng lời giải ẩn giấu đằng sau màn kịch.

Trương Ái Linh cũng là một vì sao, may gặp buổi vén bức mây chiều, nên cô càng tỏa sáng. Trong tiết giữa thu chớm lạnh của chín mươi năm về trước, cô chào đời giữa Thượng Hải mênh mông sóng nước. Đó là ngày mười chín tháng tám m lịch, chỉ mấy ngày sau hôm rằm, hẳn ban đêm vẫn còn ánh trăng nhàn nhạt tưới tắm trên những bậc thềm ngõ hẻm, lầu gác cửa sổ. Dường như từ đây, cô đã kết duyên với trăng thu, bị sự thanh tịnh này quẩn quanh một đời.

Nhân duyên trên thế gian hòa hợp, chẳng phải ngẫu nhiên. Nhiều năm về sau, cô viết: “Vầng trăng của ba mươi năm trước là một quầng sáng đẫm màu cam, to cỡ đồng xu, cũ kỹ và mơ hồ như giọt lệ rớt trên trang giấy Đóa Vân Hiên[2]”. Người con gái này, khi còn chưa kinh qua bao mưa xuân gió thu, đã sớm hiểu thế sự, thông tỏ nhân tình. Có người nói, sự tài tình phi thường của Trương Ái Linh bắt nguồn từ huyết thống cao quý của cô. Cho nên đến giờ, khi nhắc tới Trương Ái Linh, người ta vẫn say sưa chuyện trò về việc cô là trâm anh thế tộc, xuất thân từ gia đình giàu sang.

[2] Đóa Vân Hiên: Tên một hãng giấy nổi tiếng của Thượng Hải.

Lẽ nào không biết, cùng với sự suy vong của đế quốc Đại Thanh, những quý tộc quan lại cuối đời Thanh mất đi chỗ dựa huy hoàng giá trị, biết bao kẻ cam chịu sinh tồn một cách đồi bại và sa sút trong thời Dân Quốc. Trương Ái Linh sinh ra trong gia đình giàu có họ Trương ở tô giới chung Thượng Hải, cạnh dòng Tô Châu, Thượng Hải. Ngôi nhà kiểu Châu u cũ cuối đời Thanh đầu Quốc dân ấy chính là món quà duy nhất mà danh nhân Lý Hồng Chương cuối đời Thanh để lại cho đời sau.

Chúng ta có thể tưởng tượng vào năm đó, tòa nhà ấy đẳng cấp đến nhường nào. Hoa viên tao nhã, sinh sống an nhàn, những nơi ánh nắng mặt trời chiếu rọi đến cỏ cây đều xanh tốt. Lịch sử đổi thay, thời gian mấy mươi năm, đã biến rất nhiều dòng tộc, gia đình giàu có như vậy trở thành cát bụi. Từ đây, triều đại lại có thêm một vết thương ngầm sâu kín chẳng thể chạm tới được. Chính trong tòa nhà cổ xưa đó, Trương Ái Linh vẫn còn có thể cảm nhận được hơi ấm sót lại của tiền nhân. Chỉ là quá khứ huy hoàng đã không thể tồn tại nữa.

Nguồn ebooks: http://www.luv-ebook.com

Sau này, Trương Ái Linh từng nói rất xúc động rằng: “Tôi không kịp nhìn thấy họ, cho nên quan hệ với họ chỉ là kiểu duy trì vô điều kiện trong im lặng, nhìn tưởng vô dụng, không có hiệu quả, nhưng là thứ tôi cần nhất. Họ chỉ lặng lẽ nằm trong dòng máu của tôi, đợi khi tôi chết sẽ lại chết thêm lần nữa. Tôi yêu họ”. Họ ở đây, đương nhiên cũng bao gồm Lý Hồng Chương. Có thể thấy, Trương Ái Linh không hề thực sự vô tình, dưới vẻ bề ngoài tưởng như lạnh lùng của cô, lại ẩn chứa một trái tim nhiệt thành, hoài cổ. Lý Hồng Chương là một trọng thần cuối triều Thanh. Ông làm quan đến Trực lệ Tổng đốc kiêm Bắc Dương thông thương đại thần, nhận Văn Hoa điện đại học sĩ. Ông nội Trương Ái Linh – Trương Bội Luân – sống vào thời Thanh, cũng là một nhân vật thanh liêm trong chốn quan trường thời xưa, chính trực tự phụ. Ông không chỉ lưu danh trong lịch sử, mà còn được viết trong Nghiệt hải hoa – một trong bốn tiểu thuyết phê phán nổi tiếng. Khi Trương Bội Luân ngoài tứ tuần, hoan lộ trắc trở, Lý Hồng Chương đã dang tay giúp đỡ, đem ái nữ mới hai mươi hai tuổi đầu là Lý Cúc Ngẫu gả cho ông. Xét cho cùng, nguyên nhân có thể là vì chính trị, có thể là vì điều gì đó khác, mà ta không thể nào biết được.

Tuy ưu thế trên quan trường của Trương Bội Luân đã mất, không thể khôi phục địa vị, nhưng Lý Hồng Chương không hề bạc đãi vợ chồng họ, ông vẫn cho con gái số của hồi môn rất hậu hĩnh. Còn cụ thể bao nhiêu ruộng đất, mấy căn nhà, giá trị cổ phiếu như thế nào, thì không có con số thống kê chính xác. Mấy chục năm sau, phân chia tài sản đến đời cha của Trương Ái Linh, tính ra cũng có tám căn nhà, hoa viên kiểu Tây và lượng lớn ruộng đất ở An Huy, Hà Bắc, Thiên Tân.

Sênh ca tuy đã dứt, âm vang vọng sân nhà. Ánh đèn kia thắp sáng, tiến khách xuống lầu xa. Lịch sử giống như một vở kịch đã tàn, nhưng sự phồn hoa huyên nào và khí thế ngút trời đó vẫn còn vang vọng hồi lâu trong đêm tối của thời đại, không chịu lùi xa. Chiến tranh Giáp Ngọ[3] nổ ra, thủy quân Bắc Dương lại vấp phải thất bại, đế quốc Đại Thanh buộc phải ký “Hiệp ước Mã Quan” nhục nhã. Lý Hồng Chương vì thế mà trở thành tội đồ của dân tộc, cửa nhà tan nát. Không lâu sau, Lý Hồng Chương chết đi trong nỗi đau đớn hồn phách không tiêu tan được. Trong khi đó, Trương Bội Luân càng trở nên tồi tệ, uống rượu giải sầu, sống hết đời tàn.

[3] Là cuộc chiến tranh giữa Đại Thanh và Đế quốc Nhật Bản, diễn ra từ 1894 đến 1895, đánh mốc sự suy yếu của nhà Thanh và chứng tỏ sự thành công của quá trình hiện đại hóa do công cuộc Minh Trị duy tân mang lại so với Phong trào Dương Vụ ở Trung Quốc.

Sau khi Lý Hồng Chương chết được một năm, Trương Bội Luân cũng u uất mà chết. Ông bỏ lại cho người vợ yêu một đứa con trai và một đứa con gái, con trai chính là cha của Trương Ái Linh – Trương Đình Trọng, con gái là người cô mà Trương Ái Linh luôn yêu quý – Trương Mậu Uyên. Một gia tộc phồn hoa nay sa sút, đã mang đến cho họ một cảm giác bi thương khó có thể nói thành lời. Cho dù gia tài đồ sộ mà tiền triều để lại vẫn có thể giúp họ sống một cuộc sống cơm no áo ấm, nhưng rốt cuộc cũng sẽ có một ngày miệng ăn núi lở. Tình hình này tựa như ánh chiều tà ngắn ngủi rơi rớt trước khi mặt trời lặn, mang một vẻ mặt tráng lệ và tiếc nuối không thể níu kéo nổi.

Trong những năm đầu thời Dân Quốc, những gia đình quý tộc sa sút như thế nhiều không đếm xuể. Từ cảnh tượng huy hoàng khách khứa tấp nập, trong chớp mắt rơi vào xó xỉnh không người hỏi đến. Có người lòng đầy oán thán, có người say mềm rồi chết trong mộng, có người sợ hãi bất an, cũng có người sống gian đơn cho qua ngày đoạn tháng. Họ sống trong những phòng xá mà tổ tiên để lại, nhìn vạn vật thế gian qua khung cửa sổ. Từ lúc nào, những tháng ngày vàng son từng thuộc về họ đã thuộc về người khác.

Cha của Trương Ái Linh – Trương Đình Trọng – là một nhân vật bi kịch của thời đại ấy. Từ nhỏ ông đã đọc thuộc văn bát cổ, cả ngày dạo bước trong phòng ngâm nga, thao thao bất tuyệt. Nhưng từ khi nền khoa cử bị bãi bỏ, ông học vấn một bồ mà đã chẳng có chỗ dùng, dù ông cũng muốn bắt kịp trào lưu của thời đại, muốn bước ra khỏi bóng đen của gia tộc hủ bại này. Nhưng, thân là hậu duệ của danh thần tiền triều, ông tiến thoái lưỡng nan trong tình cảnh nhân sinh mới cũ pha tạp, cả cuộc đời ông không thoát ra nổi tập tục mà tổ tiên để lại. Ông còn chưa từng được giương buồm đi xa, thì đã đánh mất phương hướng.

Trương Ái Linh còn nhớ, thuở nhỏ nhìn thấy trong phòng của phụ thân đâu đâu cũng chất đống bừa bãi đủ loại báo cỡ nhỏ, cô có cảm giác trở về nhà. Sau này, Trương Ái Linh thích đọc các loại tạp chí thành thị, cũng là do chịu ảnh hưởng của cha. Và cả hứng thú đối với Hồng lâu mộng, Tam quốc diễn nghĩa của cô, cũng bắt nguồn từ ông. Thậm chí từ khi còn rất nhỏ, cô đã có thể cảm nhận được nỗi cô độc chẳng biết đi đâu về đâu trong nội tâm của cha mình. Cô nói, trong gian phòng của cha vĩnh viễn là buổi chiều, ngồi lâu ở nơi đây là sẽ càng cảm thấy bị chìm xuống, chìm xuống.

Sau đó, vị di thiếu[4] của tiền triều này, vì không thể phát triển chí hướng, mà đã nhiễm thói xấu như hút thuốc phiện, cưới vợ lẽ. Ông muốn dùng một loại niềm vui khác một trời một vực với lý tưởng của mình, để tự làm tê liệt bản thân. Trương Ái Linh cũng giống cha mình, kế thừa huyết thống quý tộc rơi rớt, dùng phương thức của riêng mình, tiếp tục sống một cách vừa hèn mọn vừa cao ngạo. Chỉ là rốt cuộc họ vẫn không sống trong thời đại của Lý Hồng Chương, cho nên sự vinh nhục của họ không hề liên quan trực tiếp. Cả cuộc đời của họ, chưa từng được sống giàu có một cách thực sự.

[4] Người trung thành với triều đại trước.

Mẫu thân của Trương Ái Linh là Hoàng Tố Quỳnh, cũng là một thiên kim tiểu thư con nhà danh giá. Nhưng bà không hề tình nguyện trước cuộc hôn nhân do gia tộc sắp đặt này. Chưa từng được học trong trường học thế hệ mới, thậm chí vẫn còn bó chân, nhưng bà khước từ sự cổ hủ, khát vọng cái mới, sùng bái sự độc lập, không muốn phụ thuộc vào một người đàn ông như Trương Đình Trọng. Trương Ái Linh cũng từng nói mẹ cô là “gót sen ba tấc bước qua hai thời đại”.

Hoàng Tố Quỳnh đã bị lây nhiễm những sự vật mới của phong trào Ngũ Tứ, trở thành một người phụ nữ thời thượng của thời kì đầu Dân Quốc. Cũng vì sự quả cảm mà cuộc đời sau này của bà sinh ra biết bao sự kinh ngạc không ngờ. Nhìn bức ảnh đen trắng của Hoàng Tố Quỳnh, dung mạo thanh tú, ánh mắt sâu thẳm, toát lên một vẻ cô độc cao ngạo và cao xa. Người phụ nữ như thế, làm sao có thể chịu đựng được cuộc sống kiểu sống say chết mộng như Trương Đình Trọng? Có lẽ để duy trì cuộc hôn nhân này, vì nghĩ cho con cái, mà bà đã thử khuyên nhủ, cấm đoán, cố gắng, nhưng Trương Đình Trọng khi đó đã nghiện thuốc phiện quá nặng, dù muốn quay đầu, cũng đành lực bất tòng tâm.

Cho nên, Hoàng Tố Quỳnh lòng đã nguội lạnh, tự tìm nguồn vui cho mình, bỏ công sức học piano, học ngoại ngữ, học cắt may. Mặc kệ Trương Đình Trọng nhốt mình hút thuốc nhả khói mù mịt trong phòng, nạp thiếp hay chơi gái bên ngoài, bà đều chưa từng hỏi đến. Bất cứ lời căn vặn hay nhắc nhở nào, đều là phiền toái. Hoàng Tố Quỳnh không chỉ không quan tâm đến chồng, mà thậm chí còn nỡ bỏ rơi hai đứa con, bắt đầu cuộc sống của riêng mình.

Người cô của Trương Ái Linh – Trương Mậu Uyên – cũng là một người phụ nữ thế hệ mới. Bà cũng không vừa mắt với sự hủ bại của Trương Đình Trọng, anh mình, và khá hợp với chị dâu Hoàng Tố Quỳnh. Tình cảm gắn bó như chị em gái giữa họ đã mang lại ít nhiều không khí tươi mới cho gia đình trầm uất này. Người cô Trương Mậu Uyên đã mang đến vô vàn tình cảm trìu mến và dịu dàng cho cuộc đời sau này của Trương Ái Linh. Trương Ái Linh từng kể rằng: “Con người thời loạn, sống ngày nào hay ngày ấy, không có mái nhà thực sự. Thế nhưng, mái nhà của cô tôi lại mang đến cho tôi một cảm giác vĩnh viễn lâu dài”.

Mặc dù, trong con người Trương Ái Linh chảy tràn dòng máu quý tộc, nhưng trong gia tộc chưa từng bừng nở mà đã tàn lụi này, cuộc đời của cô chắc chắn đã có thêm rất nhiều kịch tính. Trước sau tôi vẫn tin rằng, tài hoa của một người không hề liên quan đến sự ra đời của người đó, hết thảy nhân quả, đều có duyên từ kiếp trước. Há không biết, vị thần của vận mệnh đã sớm đợi chờ trên ngã rẽ mà bạn buộc phải đi qua trong kiếp này, không hẹn mà gặp bạn. Sau đó dùng phương thức mà ngài xác định, quyết định cả đời bạn. Trương Ái Linh, ngôi sao ban sớm sáng lấp lánh này, cũng không thoát khỏi tháng ngày êm dịu, không trốn nổi mọi loại kiếp số của trần thế.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.