Đầu hạ, hoa cỏ sặc sỡ đã tàn, chỉ còn sắc lá đậm nhạt đua chen. Thời tiết bắt đầu oi ả, nhưng về chiều tối, khí trời vẫn vương vất lạnh.
Nhược Hi đứng tựa thành cầu, ngắm bóng trăng loang theo sóng, lẩm bẩm: “Vừa đón xuân tới, lại tiễn xuân đi.” Xuân qua xuân lại, nàng vào cung đã được ba năm rồi.
Hồi tuyển tú nữ, Nhược Hi những tưởng Khang Hy sẽ đích thân chọn lựa, nhưng không phải. Đầu tiên, người có địa vị cao nhất trong hậu cung bấy giờ là Quý phi Đông Giai và vài hoàng phi tôn quý khác cùng xem xét soạn ra một danh sách thích hợp đệ lên. Khang Hy duyệt xong, phê chuẩn rồi mới tiến hành chọn lọc. Chính ở vòng phê chuẩn này, Nhược Hi bị loại.
Về sau, khi nương nương các cung chọn nữ quan, lại có hai bà không hẹn mà cùng chấm Nhược Hi. Một bà là Huệ phi Nạp Lạt, mẹ đẻ của Đại a ca, bà còn lại là Đức phi Ô Nhã, mẹ đẻ của Tứ và Thập Tứ a ca. Thái giám lo việc tuyển tú nữ cảm thấy khó xử, đành trình lên Quý phi Đông Giai. Quý phi ngẫm nghĩ hồi lâu, cuối cùng sắp xếp để Nhược Hi đến lo việc hầu trà cho Khang Hy ở cung Càn Thanh.
Trà nước, nhìn qua tưởng rất đơn giản, nhưng đã là việc liên quan đến Hoàng đế thì đơn giản đến đâu cũng thành phức tạp. Nhược Hi vốn biết thưởng trà là một nghệ thuật, nhưng không thể ngờ lại nhiều quy tắc đến thế. Nàng phải học từ đầu, từng điều một, cách phân biệt lá trà, đánh giá nước hãm, kiểm soát nhiệt độ, chọn lựa ấm chén, phương pháp thử độc, tư thế rót trà, dáng điệu bưng trà, và phải ghi nhớ cả những sở thích đặc biệt của Khang Hy, tuyệt đối không được phép phạm phải một chút sai lầm nào. Học mất ba tháng liền, thầy dạy mới gật đầu ưng ý.
Một mặt, việc Nhược Hi đến cung Càn Thanh có vẻ hơi kỳ lạ, bởi vậy thái giám cung nữ từ nhỏ đến lớn đều không muốn làm mếch lòng nàng, cư xử với nàng rất thân thiện; mặt khác, bản thân Nhược Hi cũng hết sức cẩn trọng lời nói việc làm, thái độ lại khiêm nhường hòa nhã, chẳng bao lâu đã được mọi người xung quanh đón nhận. Đến năm nay, Nhược Hi đã đứng đầu một nhóm mười hai cung nữ lo việc trà nước và sinh hoạt hằng ngày cho cung Càn Thanh.
Nhớ lại ba năm vừa qua, Nhược Hi bất giác thở dài với bóng trăng dưới nước rồi quay mình chậm chạp đi về phòng. Mai còn phải trực nữa!
oOo
Nhược Hi đang ở chái sảnh, chỉ dẫn Vân Hương và Ngọc Đàn chọn trà thì tiểu thái giám Vương Hỉ rảo chân đi vào, cúi chào qua quýt rồi hấp tấp nói:
– Vạn tuế gia vừa tan triều!
Nhược Hi mỉm cười:
– Tan triều thì tan triều! Cậu rối rít thế làm gì? Cẩn thận kẻo bị sư phụ trông thấy thì lại ăn mắng!
Vương Hỉ thở mạnh:
– Lần này chính sư phụ sai tôi về trước, dặn chị chú ý thị hầu đấy! Hôm nay trên triều có người dâng tấu vạch tội thái tử.
Nghe vậy, Nhược Hi không còn dám cười nữa:
– Thay tôi đa tạ sư phụ cậu!
Vương Hỉ chào vội rồi chạy biến đi. Nhược Hi quay lại bảo Vân Hương Ngọc Đàn:
Bạn đang đọc chuyện tại
TruyệnFULL.vn
– Các chị nghe cả chưa? Hôm nay tập trung toàn bộ tinh thần mà phục thị cho cẩn thận.
Hai người liền vâng dạ.
Nhược Hi thầm nghĩ, từ khi cậu ruột của thái tử Dận Nhưng là Sách Ngạch Đồ mưu phản bất thành bị bắt giam, tuy bề ngoài không liên đới đến thái tử, song vị trí của y không được vững vàng như trước nữa. Dận Nhưng là đứa con mà Khang Hy yêu thích nhất, lại do Khang Hy đích thân dạy dỗ từ nhỏ, nhưng có lẽ cũng vì được nuông chiều đặc biệt nên so với các a ca khác, tài đức y chẳng lấy gì làm xuất chúng, chưa kể các a ca cứ lăm le dòm dỏ vị trí của y, nói chung cái ghế của y lung lay lắm rồi.
Giờ đây, Khang Hy đang phải đấu tranh giữa tình cảm và lý trí. Một mặt, ông đã nhận ra Dận Nhưng không phải nhân tuyển phù hợp để kế thừa đế vị, song mặt khác, Dận Nhưng lại là đứa con duy nhất ông giữ bên cạnh tự tay nuôi dưỡng. Thêm vào đó, tình cảm với người vợ se tơ kết tóc là Hiếu Thành Nhân hoàng hậu Hách Xá Lí khiến Khang Hy còn băn khoăn chưa quyết về việc phế bỏ. Nghĩ đoạn, Nhược Hi không nén được tiếng thở dài, hôm nay Khang Hy phải trực tiếp đối mặt với quyết định khó khăn này rồi.
Bên ngoài chợt vang tiếng tiếp giá, biết Khang Hy đã về tới nơi, Nhược Hi vội bảo Vân Hương súc trà. Vân Hương Ngọc Đàn cuống quýt cả lên, Nhược Hi thì lo chuẩn bị ấm chén. Nghĩ hôm nay Khang Hy không vui, chắc hẳn không muốn trông thấy các màu rực rỡ, nàng bèn chọn bộ đồ trà men lam vân cúc. Theo tâm lý học hiện đại thì màu xanh lam có thể khiến người ta trấn tĩnh bình tâm.
Nhược Hi bưng khay trà thong thả đi vào phòng, thấy các ghế xung quanh đều có người ngồi, nhưng bầu không khí lặng phắc như tờ. Nàng không dám liếc ngang liếc dọc, tới gần bàn Khang Hy thì nhẹ nhàng hạ chén xuống, rồi cúi đầu chầm chậm lui ra.
Ra khỏi rèm, Nhược Hi mới thôi nín thở. Nàng nhỏ giọng hỏi thái giám gần đấy:
– Những ai trong phòng vậy?
Tiểu thái giám thì thào đáp:
– Tứ gia, Bát gia, Cửu gia, Thập gia, Thập Tam gia, Thập Tứ gia.
Nhược Hi nghĩ thầm, chưa bao giờ tề tựu đông đủ thế này, xem ra Khang Hy định hỏi ý kiến bọn họ đây. Nàng hấp tấp đi xuống, định bảo Vân Hương Ngọc Đàn chuẩn bị trà, nhưng chưa kịp mở miệng, Ngọc Đàn đã cười nói:
– Xong xuôi hết rồi. Lúc nãy chị vừa ra, Vương Hỉ liền vào báo các a ca đến, bởi vậy tôi vội vàng sắp xếp trước.
Nhược Hi gật đầu ra ý tán thưởng, đoạn lại gần xem xét. Đang xem thì Ngọc Đàn lại nhanh nhảu:
– Nhớ hết quy tắc rồi! Tứ a ca thích Thái bình hầu khôi, Bát a ca thích Nhật chú tuyết nha, Cửu a ca thích Minh tiền long tỉnh, Thập a ca thế nào cũng xong, Thập Tam a ca thích…
Nhược Hi bật cười xua tay:
– Đủ rồi, đủ rồi! Chị nhớ là được!
Vân Hương cười nói:
– Chả trách người trong cung đều khen Mã Nhi Thái cô nương chu đáo. Người hầu trà ngự phòng trước đây chỉ chú ý tới sở thích của Vạn tuế gia, giờ chị lại dặn chúng tôi phải ghi nhớ cả khẩu vị của các a ca.
Nhược Hi vừa sắp chén, vừa nghĩ thầm, tôi làm thế là có lý do riêng, chỉ hiềm không thể nói rõ mà thôi.
Vân Hương bưng khay trà theo Nhược Hi. Hai người tới trước rèm sa thì nghe tiếng Khang Hy:
– Các con nghĩ thế nào về tấu chương của Lễ bộ trên triều hôm nay?
Nhược Hi bất thần dừng chân, bụng bảo dạ, lỗi lầm của thái tử thì vô khối, lần này lại gây ra chuyện gì đây? Thấy Nhược Hi đứng yên, thái giám vén rèm không kiềm được ánh mắt ngạc nhiên. Nhược Hi vội bước vào, thong thả đi đến bên Tứ a ca, nhẹ nhàng đặt trà của chàng xuống bàn, đoạn xoay mình đến trước bàn Bát a ca, đang cúi mặt đặt trà thì nghe Tứ a ca chậm rãi thưa:
– Theo nhi thần, xưa nay Nhị ca thường đối xử với thuộc hạ quá đỗi khoan dung, có khi một kẻ không biết điều hơn lẽ thiệt trong số đó đã lén lút dùng danh nghĩa Nhị ca mà ăn của đút.
Khang Hy vừa nghe vừa gật gù. Nhược Hi thầm nghĩ, chắc là vụ thái tử tư túi một phần cống phẩm của Khang Hy. Lịch sử có chép, Khang Hy vô cùng tức giận về hành động của Dận Nhưng, nhưng cuối cùng không trừng phạt y mà chỉ xử lý những kẻ liên quan khác. Xem chừng lần này tình cảm của ông đã thắng thế.
Lúc Nhược Hi đưa trà đến chỗ Cửu a ca cũng là lúc Tứ a ca nói dứt câu. Thập a ca đế vào ngay:
– Một tên nô tài, cho dù gan to bằng giời mà không có người chống lưng thì cũng chẳng dám bừa bãi bớt xén cống phẩm dâng lên cho Hoàng a ma đâu!
Nhược Hi thở dài, cái tên anh Mười này, lúc nào cũng bộp chộp! Nàng chuyển bước đến gần Thập a ca, đoạn quay lại cái khay Vân Hương đang bưng, nhấc chén trà dành riêng cho gã, toan đặt xuống bàn thì lại nghe gã tiếp tục:
– Tứ ca nói phi lý lắm! Ngày thường Tứ ca rất thân với Nhị ca, chưa chừng vụ này Tứ ca cũng…
Đang thao thao, gã bỗng kêu lên, nhảy bật khỏi ghế.
Số là khi nhấc chén xuống, Nhược Hi đã bất cẩn đổ trà nóng vào tay Thập a ca. Tiểu thái giám đứng hầu gần đấy liền chạy tới lau giúp và kiểm tra xem gã có bị bỏng không. Nhược Hi thụp ngay xuống đất:
– Nô tỳ đáng chết! Nô tỳ đáng chết!
Nhưng trong lòng nàng lại nhủ: “Ngươi đắc tội với thái tử cũng chẳng sao, sớm muộn gì y cũng bị phế truất, song đắc tội với Tứ a ca thì hậu quả thê thảm khôn lường. Tuy ta không thể xoay chuyển kết cục, nhưng ta không nỡ lòng nào trơ mắt nhìn bi kịch ấy diễn ra.” Và thầm than: “Ngăn chặn được chút nào hay chút ấy vậy.”
Thập a ca nhìn Nhược Hi, giận lắm nhưng không tỏ thái độ, chỉ sợ làm rùm beng lên thì nàng lại bị trị tội, bèn bảo:
– Không sao đâu!
Bấy giờ, đại thái giám hầu cận Khang Hy là tổng quản Lý Đức Toàn bước lại mắng:
– Chân tay hậu đậu, còn không lui ra đi!
Khang Hy vẫn trầm tư mặc tưởng, tựa hồ chẳng bận tâm đến sự việc ầm ĩ này.
Nhược Hi đứng dậy lui ra, tới ngoài rèm thì nghe Khang Hy bảo:
– Hôm nay trẫm hơi mệt, các con về đi!
Nhược Hi nghĩ bụng: “Vậy là quyết định rồi đấy!”, và an tâm quay lại phòng trà. Nàng về tới nơi chưa bao lâu thì Vân Hương bưng khay vào, mặt có nét kinh hãi:
– Vừa nãy chị sao thế? Làm tôi sợ chết khiếp đi!
Nhược Hi cúi đầu ngồi im, không nói không rằng, nghĩ thầm Khang Hy là đấng quân vương nhân từ, miễn là bề tôi đừng vi phạm quy tắc thì ông đối xử rất khoan dung, hai nữa, người bị bỏng là Thập a ca, bất luận ra sao gã cũng sẽ xin tội hộ nàng. Bởi vậy tuy dạ bồn chồn, nhưng nàng cho rằng nghiêm trọng lắm thì chỉ tới mức bị lôi ra đánh roi mà thôi, không phải lo lắng đến tính mạng. Vả chăng lúc ấy ruột gan rối bời, những muốn giải quyết ngay vấn đề trước mắt nên không kịp cân nhắc hậu quả.
Nhược Hi đang ngồi lặng thinh thì Vương Hỉ vào tới, bước đến gần bảo:
– Chị à, sư phụ tôi gọi chị đấy!
Vân Hương và Ngọc Đàn nghe vậy đều lộ vẻ hoảng hốt, đứng bật cả dậy. Nhược Hi không nhìn bọn họ, đứng lên theo Vương Hỉ ra khỏi chái sảnh.
Vương Hỉ dẫn Nhược Hi đến tán cây phía trước, nơi Lý Đức Toàn đang đợi. Đưa Nhược Hi tới xong, Vương Hỉ rút lui. Nhược Hi bái chào rồi đứng im. Một lúc lâu sau, Lý Đức Toàn hắng giọng:
– Ta thấy cô xưa rày rất mực cẩn thận, vì sao hôm nay lại vụng về thế?
Nhược Hi chỉ đáp:
– Xin an đạt trách phạt!
Lý Đức Toàn thở dài, bảo:
– Trừ hết lương tháng tới!
Nhược Hi vội nhún gối:
– Đa tạ an đạt!
Lý Đức Toàn không để ý đến nàng nữa, quay mình bỏ đi, giọng khẽ buông lại như vô tình:
– Sống trong cung này, chẳng được nhiều lần may mắn như thế đâu!
Lý Đức Toàn đi rồi, Nhược Hi vẫn đứng nguyên tại chỗ, nỗi bi ai xen lẫn sợ hãi rịn dần ra khỏi tim, từ từ tuôn đi khắp châu thân, gặm nhấm sức lực nàng. Cảm thấy không đứng vững được nữa, nàng loạng choạng mấy bước rồi ngồi bệt xuống, úp mặt vào gối, hai tay ôm đầu, cắn chặt môi dưới, nước mắt mấp mé hàng mi, nhưng gắng nén lại không để trào ra. Đang gục đầu nghĩ ngợi, Nhược Hi chợt nghe bên trên có tiếng hỏi:
– Ngồi đây làm gì?
Nhận ra giọng Thập a ca, Nhược Hi không buồn phản ứng, vẫn vùi đầu ngồi yên. Thập a ca ngồi xổm xuống bên cạnh:
– Ê! Ta còn chưa trách cô làm ta bị bỏng, cô lại đã lên nước là sao?
Nhược Hi vẫn không đếm xỉa. Thập a ca yên lặng chốc lát, chợt cảm thấy bất an, bèn đưa tay nâng đầu Nhược Hi lên, rồi lộ vẻ sửng sốt, hỏi to:
– Sao lại cắn môi đến bật cả máu thế này? Lý Đức Toàn trách phạt ra sao?
Nhược Hi ngẩng đầu, phát hiện không chỉ có Thập a ca mà Tứ a ca, Bát a ca, Cửu a ca, Thập Tam và Thập Tứ a ca đều đang đứng xung quanh. Nàng hoảng hồn, vội đưa tay quệt môi, lập cập nhỏm dậy thỉnh an.
Thập a ca thấy nàng chỉ lo cúi chào, không trả lời câu hỏi của mình thì bực bội nói:
– Để ta đi tìm Lý Đức Toàn hỏi cho ngọn ngành.
Đoạn cất bước định đi, Nhược Hi bèn gọi khẽ:
– Quay lại đây!
Thập a ca dừng chân:
– Vậy nói xem!
Nhược Hi nhìn Thập a ca, tâm trạng hết sức phức tạp, buồn vì thói bộp chộp của gã, mà cũng cảm động vì thói bộp chộp của gã. Nàng đăm đăm nhìn một lúc, cuối cùng vừa lườm vừa đáp:
– Phạt một tháng lương của tôi.
Thập a ca vỗ đùi kêu lên:
– Vì một tháng lương mà cô giận đến nỗi này?
Nhược Hi dẩu môi:
– Sao lại không đến nỗi? Chút bạc ấy chẳng là gì với anh, nhưng tôi thì mong ngóng lắm. Hơn nữa, tôi chưa bị phạt bao giờ nên cũng thấy muối mặt.
Thập a ca cười an ủi:
– Được rồi, nguôi giận đi! Cô về nghĩ xem có thích đồ chơi hiếm lạ gì không, ta mua vào cho.
Nhược Hi mỉm cười không đáp. Nàng đứng im, các a ca cũng chẳng nói chẳng rằng. Tứ a ca và Bát a ca vẫn giữ vẻ mặt lãnh đạm dửng dưng và ôn hòa nhã nhặn thường trực, Cửu a ca u ám quan sát Nhược Hi. Thập Tam a ca thì cười nháy mắt, còn làm ra vẻ rất chi bất lực, Nhược Hi cười đáp lại gã. Thập Tứ thì nhíu mày, ưu tư ngó sang chỗ khác.
Nhược Hi lướt mắt một vòng, thấy không ai buồn nói năng, bèn cười ngọt ngào:
– Các vị a ca, nếu không có gì sai bảo, nô tỳ xin về trước.
Tứ a ca nhạt nhẽo đáp:
– Đi đi!
Nhược Hi cúi mình thỉnh an, rồi đi.