Bí Ẩn Tông Đồ Thứ 13

Chương 86



Leeland bước từng bước ngắt quãng trên những viên đá lát mấp mô ở đường Salaria Antica. “Nil từng thích đi qua con đường này để đến nhà mình biết bao…Ồ, mình nghĩ đến cậu ấy ở thời quá khứ rồi!”

Ông đã giữ được cha Jean trong thư viện một lúc lâu, nhưng lại từ chối lời mời ăn trưa cộng đồng của ông này:

– Cha Nil và tôi có hẹn ở Vatican vào đầu giờ chiều. Hẳn là ông ấy đã đi trước mà không chờ tôi, tối nay ông ấy sẽ quay về…muộn.

Cha Nil sẽ không quay về; giờ này hẳn ông đang ở bến Termini, sẵn sàng lên một chuyến tàu đi Arezzo. Hoặc đã đi rồi.

Lòng tràn đầy lo sợ, nhưng Leeland cảm thấy hoàn toàn nhẹ nhàng: thật ra, con người ông đã trống rỗng đến từng thớ thịt nhỏ, đến từng đầu ngón tay. Life is over. Điều ông từ chối chấp nhận từ khi bị đày đến Vatican, sự thật mà ông tự che giấu chính mình, quãng thời gian ngắn ngủi cha Nil đến Roma khiến ông phải thừa nhận một cách hiển nhiên: cuộc sống của ông chẳng còn ý nghĩa gì, niềm vui sống đã rời bỏ ông.

Không hiểu vì sao, ông thấy mình đang đứng trước cửa căn hộ của mình. Đẩy cánh cửa bằng bàn tay run rẩy, khép nó lại và khó nhọc ngồi xuống bên chiếc đàn piano. Liệu ông có thể chơi đàn được nữa không? Nhưng … cho ai nghe?

Ở tầng dưới, Moktar đã ngồi lại vào vị trí nghe trộm của mình và cho chạy máy ghi âm. Hôm nay người Mỹ này về nhà muộn hơn thường lệ, và chỉ có một mình: vậy là ông ta đã để cha Nil lại Vatican, người Pháp này hẳn đang nói chuyện với Breczinsky. Hắn lựa tư thế ngồi thoải mái, tai nghe đeo trên tai. Cha Nil sẽ quay lại vào cuối buổi chiều, và ông ta sẽ nói chuyện với Leeland. Đến đêm ông ta sẽ về San Girolamo, như thường lệ. Đi bộ, trên những đường phố tối tăm và vắng vẻ. Bạn ông ta sẽ đi cùng một đoạn.

Trước hết là người Mỹ. Rồi đến kẻ còn lại.

Nhưng cha Nil không quay lại. Vẫn ngồi bên chiếcđàn piano, Leeland nhìn bóng tối xâm chiếm căn phòng. Ông không bật đèn: ông dồn hết sức chiến đấu với nỗi sợ hãi, chiến đấu với chính bản thân mình. Ông chỉ còn một việc phải làm, Lev đã vô tình mang đến cho ông cách giải quyết. Nhưng liệu ông có đủ quyết tâm và dũng cảm để ra đi không?

Một giờ sau, màn đêm đã trùm xuống Roma. Những cuộn băng từ vẫn quay không: người Pháp đó làm gì nhỉ? Đột nhiên Moktar nghe thấy ở căn hộ phía trên có những tiếng động không rõ rệt, và cửa ra vào căn hộ mở ra rồi đóng lại. Hắn nhấc tai nghe khỏi đầu và đến bên cửa sổ: Leeland, một mình, ra khỏi toà nhà và đi qua phố. Họ hẹn gặp nhau trên đường đến San Girolamo chăng? Nếu thế thì càng đơn giản hơn.

Moktar chuồn khỏi toà nhà. Hắn mang theo vũ khí là một con dao găm và một sợi dây thép. Hắn luôn thích dùng dao hoặc thắt cổ. Tiếp xúc trực tiếp với cơ thể của kẻ phản bội mang lại cho cái chết giá trị thực của nó. Mossad thường thích sử dụng những tay súng xuất sắc, nhưng Chúa của người Do Thái chỉ là một điều viễn vông xa xôi; đối với một người Hồi giáo, có thể đến với Chúa ngay trong thực tế của cuộc chiến giáp lá cà. Đấng Tiên tri chưa bao giờ dùng đến mũi tên, mà dùng thanh kiếm của Người. Nếu có thể, hắn sẽ thắt cổ người Mỹ đó. Cảm thấy tim ông ta ngừng đập dưới tay hắn, tim của người đã sẵn sàng cung cấp cho những người ở tổ quốc của ông ta một vũ khí mang tính quyết định chống lại người Hồi giáo.

Hắn đi theo Leeland, Leeland vừa vòng qua quảng trường Saint Peter mà không đi qua dưới hàng cột, và rẽ vào đường Borgo Santo Spirito. Ông đi về hướng Lâu đài San Angelo: trời rét căm căm, người Roma vốn chịu rét kém nên thu mình ở nhà. Nếu hai người đó hẹn gặp nhau dưới chân lâu đài, hẳn là vì họ biết ở đó sẽ không có một bóng người. Càng tốt.

Lúc này Leeland bướcđi nhẹ nhàng và cảm thấy lòng mình tĩnh lặng. Trong căn phòng tranh tối tranh sáng, ông đã đưa ra quyết định, tự nhắc lại những từ Lev đã dùng: “Một kẻ giết người, một kẻ chuyên nghiệp. Hãy đi đi, trốn trong một tu viện…” Ông sẽ không đi, ông sẽ không trốn. Ngược lại, ông sẽ đi về phía định mệnh của mình, như ông đang làm lúc này, có thể nhìn thấy ông từ bất cứ đâu. Tự sát là điều cấm kỵ đối với một người Cơ Đốc, ông không bao giờ tự chấm dứt cuộc sống không còn là sống mà từ nay trở đi ông phải chịu đựng. Nhưng thật tốt nếu có người khác đảm đương việc này. Ông đến bên bờ trái sông Tiber, đi qua Lâu đài San Angelo, bước vào đường Lungotevere. Vài chiếc ô tô hiếm hoi đi qua con đường nhô ra bên trên sông Tiber, rồi rẽ trái về hướng cầu Cavour. Không có một người đi dạo nào, hơi ẩm bốc lên từ mặt sông và cái lạnh cắt da cắt thịt.

Đến cầu Umberto số I, ông quay đầu lại. Dưới ánh sáng đèn đường, ông thấp thoáng nhìn thấy một người đi bộ cũng đang đi dọc lan can cầu như ông. Ông bước chậm lại, và có cảm giác người kia cũng làm như vậy. Chắc chắn là hắn rồi. Đừng chạy, đừng ẩn nấp, đừng trốn.

Life is over. Em Anselm, những ảo tưởng của ông đã vỗ cánh bay! Cải cách Giáo hội, hôn nhân của các linh mục, chấm dứt nỗi đau khổ dai dẳng cho chừng ấy con người rộng lượng, sự chay tịnh áp đặt bởi một Giáo hội bị mắc chứng co cơ trước tình yêu của con người… Ông nhìn thấy một cầu thang bằng đá dẫn xuống bờ sông Tiber: không ngần ngại, ông bước xuống.

Kè sông chỉ sáng lờ mờ, và được lát đá theo kiểu cũ. Ông bước về phía trước, ngắm nghía làn nước đen thắt lại ở đoạn này, dòng chảy mãnh liệt giội vào những vách đá nằm rải rác trong lòng sông. Những khóm sậy, khóm cây dại rậm rạp phủ đầy triền dốc thẳng đứng chạy xuống đến tận mặt nước. Roma chưa bao giờ rũ bỏ hoàn toàn sắc thái của một thành phố tỉnh lẻ.

Phía sau, ông nghe thấy tiếng bước chân người đàn ông đang bước xuống cầu thang, rồi vang lên trên nền đá kè sông và tiến lại gần ông. Mặc dù ông đã có tuổi, nhưng phẩm chất tu sĩ trong ông đã từng giúp ông thoát khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam. Ông vẫn thường tự hỏi liệu ở đó ông có chứng tỏ được sự dũng cảm về thể chất không. Trước cái bóng của kẻ thù đang quyết giết mình, liệu cơ thể ông sẽ phản ứng thế nào? Ông mỉm cười: bờ sông này sẽ là Việt Nam của ông, và tim ông không đập nhanh hơn thường lệ.

Một kẻ giết người, một kẻ chuyên nghiệp. Ông sẽ cảm thấy thế nào? Ông có bị đau đớn không?

Người này đi theo người kia, họ đến gần những chiếc vòm của cầu Cavour. Ngay phía sau, một bức tường cao chắn ngang kè sông, chấm dứt đoạn đường dạo chơi rất được người dân Roma mến chuộng khi thời tiết đẹp. Dọc theo bức tường, không có chiếc cầu thang nào: để trèo lên được đường cao tốc chạy dọc sông Tiber, phải quay lại con đường ông đã đi qua. Và đối mặt với người đang đi theo ông.

Leeland hít một hơi dài và nhắm mắt lại một lát. Ông cảm thấy rất bình tĩnh, nhưng ông sẽ không nhìn mặt người kia. Hãy để cái chết đến từ phía sau, như một kẻ gian lận.

Không quay đầu lại, ông cả quyết tiến vào phía bên dưới vòm cầu tối tăm.

Từ phía sau, ông nghe tiếng bước chân một người đang chạy như để lấy đà. Tiếng bước chân này rất nhẹ, chỉ hơi lướt trên bề mặt những viên đá lát.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.