Bí Ẩn Tông Đồ Thứ 13

Chương 7



Cả sáng nay, từ khi viên cảnh sát đưa ông trở về tu viện, cha Nil ngồi lả trên ghế đẩu, tập tài liệu mà ông đang nghiên cứu về các tình tiết quanh cái chết của Jesus không hề được mở ra lần nào. Phòng ở của tu sĩ không có ghế tựa, nên ông không có chỗ nào để ngả người ra mà suy ngẫm. Tuy nhiên, bất kể tư thế ngồi gò bó ấy, tâm trí ông vẫn đang bay về với quá khứ. Cả tu viện tĩnh mịch như đang được bọc trong một lớp bông: tất cả các giờ học của tu viện đã bị hoãn lại cho đến khi lễ tang cha Andrei kết thúc. Còn một giờ nữa mới đến lễ mixa.

Andrei… Người duy nhất có thể chia sẻ với ông những tìm tòi, khám phá. Người duy nhất có thể hiểu, thậm chí đôi khi còn đoán trước được các kết luận của ông.

– Nil ạ, đừng bao giờ sợ hãi sự thật. Chính là để tìm kiếm sự thật, để biết sự thật mà cha vào tu viện này. Sự thật sẽ biến cha thành một kẻ cô đơn, thậm chí còn có thể khiến cha chuốc lấy thất bại. Đừng bao giờ quên rằng chính sự thật đã dẫn Jesus và rất nhiều người sau Người đến chỗ chết. Tôi đã tiếp cận được với sự thật qua những bản viết tay mà tôi giải mã từ bốn mươi năm nay. Nhưng vì rất ít người có thể theo được tôi trong chuyên môn này, và cũng vì tôi không bao giờ nói ra những kết luận của mình, nên người ta tin tưởng ở tôi. Còn cha, cha đã phát hiện ra… một số điều ngay trong kinh Phúc âm. Hãy cẩn thận, vì nếu như Giáo hội đã vùi lấp những điều này vào quên lãng từ rất lâu rồi, thì có nghĩa là công khai nói ra sẽ là một việc nguy hiểm.

– Kinh Phúc âm theo lời Thánh Jean có trong chương trình học tập của tu viện năm nay. Tôi không thể nào lẩn tránh một câu hỏi: ai là tác giả của kinh này? Vai trò của môn đồ cưng bí ẩn trong âm mưu thời đó, cũng như trong suốt thời kỳ quan trọng tiếp theo cái chết của Jesus là gì?

Là con trai của những người Nga di cư cải đạo sang Công giáo, khả năng thiên phú về ngôn ngữ đã khiến Andrei trở thành người phụ trách ba thư viện của tu viện, một chức vụ rất nhạy cảm mà chỉ những người có uy tín mới được giao phó. Khi mỉm cười, trông ông giống như một nhà truyền giáo già.

– Bạn của tôi… Từ khởi nguồn, câu hỏi này đã được né tránh. Và hẳn là cha cũng đã bắt đầu hiểu tại sao, đúng không? Vậy thì hãy cứ làm như những người đi trước: đừng nói hết tất cả những gì cha biết. Học trò của cha trong tu viện này sẽ không dung thứ cho điều đó đâu… và trong trường hợp này, thì tôi cho cho cha đấy!

Cha Andrei nói đúng. Từ ba mươi năm nay, Giáo hội Công giáo đang phải đương đầu với tình trạng khủng hoảng chưa từng có. Những người vô thần thường chạy theo các giáo phái mới hoặc chuyển sang theo đạo Phật, khiến cộng đồng Cơ Đốc giáo hết sức khó chịu. Không còn tìm đâu ra những giáo sư vững vàng để giảng dạy giáo lý thuần khiết trong những buổi thuyết giáo ngày càng vắng người tham dự.

Vì thế, Roma đã quyết định tập hợp những học viên ưu tú nhất còn lại vào một trường học, một kiểu trường dòng như thời Trung cổ. Khoảng hai chục học viên được giao phó cho tu viện này, và các tu sĩ uyên bác của tu viện chịu trách nhiệm giảng dạy. Các tu sĩ đã lựa chọn con đường tránh xa thế giới thối nát này sẽ trang bị cho các học viên trẻ tuổi của trường dòng chiếc áo giáp sự thật cần thiết để họ có thể tồn tại.

Cha Nil đảm nhận việc chú giải kinh Phúc âm. Ông không phải là một chuyên gia thực sự về các ngôn ngữ cổ, nên phối hợp làm việc cùng cha Andrei, người có thể đọc thông thạo tiếng Ai Cập cổ, tiếng Xiriat và rất nhiều tử ngữ khác.

Từ chỗ chỉ đơn thuần là làm việc cùng nhau, hai con người cô đơn đã trở thành bạn bè: tình yêu đối với các bản viết cổ xưa đã biến một điều hết sức khó khăn trong cuộc sống tu hành trở thành hiện thực.

Cha Nil vừa mất người bạn duy nhất này trong một bối cảnh thật thảm khốc. Cái chết đó khiến ông cảm thấy vô cùng đau buồn.

Cùng lúc đó, một bàn tay đầy căng thẳng đang bấm một số điện thoại quốc tế bắt đầu bằng mã 390, đường dây riêng (và vô cùng bảo mật) của Nhà nước Vatican. Trên ngón áp út bàn tay đó có đeo chiếc nhẫn trang trí bằng một viên ngọc mắt mèo đơn giản: tổng Giám mục Paris cảm thấy có trách nhiệm phải làm gương về tính khiêm tốn.

– Pronto?

Dưới mái vòm do Michel-Ange thiết kế, một bàn tay có những chiếc móng được cắt sửa kỹ lưỡng nhấc máy. Chiếc nhẫn giám mục được trang trí bằng một viên ngọc thạch anh màu xanh kỳ lạ: một hình thoi không đối xứng gắn trên xương nhẫn bằng bạc chạm trổ, tạo thành một cái nắp quan tài. Một thứ đồ trang sức rất có giá trị.

– Chào ngài, tôi là tổng Giám mục Paris… Thế sao, ngài đang định gọi cho tôi?… Vâng, một chuyện rất đáng tiếc, thực sự… nhưng… ngài đã biết rồi ạ?

“Sao lại thế được nhỉ? Tai nạn vừa xảy ra trong đêm qua mà.”

– Giữ kín tuyệt đối à? Chắc là khó đấy ạ, vì việc điều tra được giao cho Ga Orfèvres, có vẻ là một vụ giết người… Hồng y Giáo chủ à? Đúng vậy, tôi hiểu… Tự tử, phải không ạ? Vâng… đúng là tôi thấy chuyện này thật tồi tệ, tự tử là một tội lỗi mà lòng nhân từ của Chúa vẫn không thể chấm dứt được. Ngài nói… hãy để Chúa quyết định việc này?

Tổng Giám mục đưa tai nghe ra xa, mỉm cười. Tại Vatican, người ta ra lệnh cho Chúa thật dễ dàng.

– Alô? Vâng, tôi đang nghe đây… Cần sử dụng các mối quan hệ của tôi à? Tất nhiên, chúng tôi có quan hệ rất tốt với bộ Nội vụ. Được… tôi sẽ chịu trách nhiệm về việc này. Ngài hãy nói để Hồng y Giáo chủ yên tâm, đó sẽ là một vụ tự tử, và mọi chuyện sẽ kết thúc. Arrivederci, monsignore.[[3]]

Ông luôn thận trọng để không phung phí uy tín của mình đối với chính phủ. Tại sao lại phải chấm dứt việc điều tra về cái chết của một thầy tu, một học giả vô hại nhỉ? Tổng Giám mục Paris thở dài. Không nên tranh luận về một mệnh lệnh do Đức ông Calfo đưa ra, nhất là khi ngài chỉ truyền đạt lại yêu cầu rõ ràng của Hồng y Giáo chủ.

Ông bấm máy gọi tổng đài:

– Làm ơn nối máy cho tôi nói chuyện với bộ Nội vụ. Cảm ơn, tôi sẽ chờ…


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.