Bây Giờ Và Mãi Mãi

Chương 19



– Anh không làm chuyện này, Jessie ạ. Anh không để tâm đến chuyện khác, nhưng em phải hiểu cho anh. Anh không hãm hiếp cô ta.

– Em hiểu – Tiếng nói của chị thoảng qua như thì thầm, và chị đeo lấy tay anh.

Bà biện lý mạnh mẽ yêu cầu bị cáo phải được tống giam, trong lúc đợi thành án. Chuyện chỉ xảy ra trong vòng năm phút. Người ta dẫn Ian đi, và Jessie ở lại phòng xử án, đeo cứng lấy ông Martin. Chị cô đơn trên thế giới này, bám lấy một người đàn ông ít quen biết, Ian đã bỏ đi, đời chị cũng bỏ đi, mọi thứ đều bỏ đi. Hình như có người nào đã cầm búa đập đời chị, đập nát đời chị. Chị không còn phân biệt được thứ này với thứ khác, ai là Ian, ai là Jessie.

Chị không thể cử động, không thể mở miệng, thở không ra hơi và ông Martin đã dẫn chị ra khỏi phòng xử án, chậm chạp và thận trọng. Người thiếu phụ cao lớn, có vẻ mạnh khỏe đột nhiên bỗng biến thành con cù lần. Dường như không còn thứ gì trong người chị, toàn bộ thể chất của chị đã bẹp xuống. Mắt chị cứ dính chặt vào cánh cửa chúng đã dẫn anh đi qua, tưởng chừng như thế nào rồi anh cũng đi qua cửa đó mà trở lại với chị. Ông Martin không biết phải làm sao với chị. Chưa bao giờ ông phải ở lại một mình với một thân chủ trong tình trạng như thế này. Ông tự hỏi không hiểu có nên gọi tới cô thư ký hay vợ ông không. Phòng xử đã vắng tanh, chỉ còn ông thừa phát lại đợi khóa cửa. Lúc rời ghế, ông chánh án có nhìn chị, hối tiếc, nhưng Jessie không nhận thấy. Chị không thấy Houghton bỏ đi, ngay sau anh Ian một lát. Chị chỉ nghe được có một tiếng, cứ vang vọng trong đầu óc chị: có tội… có tội… có tội.

– Bà Jessie, tôi đưa bà về nhé! – Ông Martin cầm tay chị, nhẹ nhàng dẫn chị đi, và mừng thầm rằng chị chịu nghe theo. Ông không biết chắc rằng chị có nhận ra ông là ai, dẫn chị đi đâu, nhưng ông vui mừng thấy chị không chống cự, không đánh ông. Cuối cùng, Jessie ngừng bước, đưa cặp mắt hờ hững nhìn ông Martin:

– Không. Tôi… Tôi đứng đây đợi anh Ian. Tôi… tôi muốn… tôi cần anh ấy.

Chị đứng bên ông luật sư đứng tuổi, khóc như một đứa bé, hai tay ôm mặt và đôi vai rung rung. Ông Martin Schwartz dìu chị ngồi xuống một chiếc ghế chỗ hành lang, đưa cho chị chiếc khăn tay và vỗ vỗ trên vai chị.

Chị đã giữ chiếc ví, đồng hồ đeo tay và chìa khóa xe của anh Ian, nắm chặt trong tay như bảo vật để lại. Anh đã xa chị, túi rỗng không, cặp mắt ráo hoảnh.

– Bây giờ… chúng sẽ… làm… làm gì anh ấy? – Chị nói lắp bắp qua dòng lệ – Anh… anh… có thể về nhà không?

Ông Martin biết rằng Jessie đã gần với tình trạng mê sảng, không chịu nghe một điều gì gần gũi với sự thật đâu. Ông chỉ vỗ nhẹ lên vai chị, và đỡ chị đứng vững.

– Để tôi đưa bà về nhà trước đã. Sau đó, tôi cũng cần xuống đó thăm ông Ian. Ông tưởng nói vậy là vỗ về được chị, nhưng lại chỉ kích thích chị thêm.

– Tôi nữa chứ. Tôi cũng muốn thấy mặt anh ấy.

– Tối nay chưa được, bà Jessie ạ. Ta về nhà.

Vậy là đúng rồi. Chị đứng vịn cánh tay ông, theo ông ra khỏi tòa nhà cao tầng. Đi với chị chẳng khác nào với con búp bế chạy bằng máy.

– Ông Martin?

– Hử?

Hai người đã tới chỗ thoáng đãng, chị hít vào thật sâu và ông quay nhìn chị.

– Ta có thể chống… chống án?

Chị đã bình tĩnh hơn. Vẫn còn bồng bềnh giữa lý trí và vô trí, nhưng chị đã hiểu được sự việc xảy ra.

– Chúng ta sẽ bàn bạc về chuyện đó.

– Ngay bây giờ. Tôi muốn thảo luận ngay bây giờ.

Chị đang đứng trên bậc thềm Tòa Thị sảnh, trong tình trạng hoang mang và mê sảng, vào lúc sáu giờ tối. Khó mà tin nỗi người đàn bà rũ rượi này lại là nàng Jessie Clarke tự tin và ưa ngụy biện.

– Không, bà Jessie, bây giờ chưa được. Tôi muốn bàn lại với ông Ian trước đã. Và tôi muốn đưa bà về. Nếu biết tôi không đưa bà về tận nhà, ông Ian sẽ rối trí rất nhiều.

Ôi, lạy Chúa, chị gây đủ chuyện khó khăn. Nội cái việc đưa chị vào xe cũng đủ mất bao nhiêu thời giờ.

– Tôi muốn đi thăm anh Ian – Chị đứng trên bậc thềm hờn dỗi như con nít, lại mất lý trí – Tôi… tôi cần anh Ian… – Và nước mắt lại tuôn xuống, và nhờ vậy mà việc đưa chị vào xe được dễ dàng hơn. Nhưng chị lại chợt nhớ ra rằng chị cần lái chiếc xe Volvo về. Xe của anh Ian cơ mà.

– Ngày mai, tôi sẽ sai người đưa về cho bà, bà Jessie ạ. Chỉ việc đưa tôi tấm phiếu giữ xe của bà.

Chị đưa cho ông, và ông mở máy chiếc Mercedes màu nâu sô cô la. Lúc lái xe đưa chị về, ông luôn luôn để mắt nhòm chừng. Trông chị lơ đãng , đầu tóc bù xù, và ông tự hỏi lúc đưa chị về nhà rồi có nên kêu bác sĩ riêng của chị không. Ông vừa hỏi tới, chị phản đối rầm rĩ, ông vội hỏi:

– Một bà bạn được chăng? Gần đây có người nào tôi có thể mời tới không?

Ông rất ngại để chị ở một mình. Nhưng chị chỉ lắc đầu quầy quậy, im lặng, mắt nhìn hờ hững. Chị đang nghĩ tới bồi thẩm đoàn… tới Margaret Burton… thanh tra Houghton… chị muốn giết cả bọn chúng… chúng đã cướp anh Ian…

– Jessie, Jessie!

Chị đưa cặp mắt trắng dã nhìn ông Martin. Hai người đã tới trước căn nhà đường Vallejo.

– Ồ! – Chị lại lặng lẽ gật đầu, cẩn thận mở cửa xe phía bên chị – Tôi… Ông có đi thăm anh Ian ngay lúc này không?

– Có. Bà có điều gì muốn nhắn không?

Chị vội gật đầu, cố giữ giọng nói được bình thường.

– Chỉ cần nhắn rằng… rằng… – Nhưng chị thổn thức, nói không được.

– Tôi sẽ nói rằng bà nhắn gửi tình yêu nhé! – Chị gật đầu tỏ ý hàm ân, và nhìn vào mắt ông với vẻ hầu như đã trở lại bình thường. Nét hoang mang đã mờ nhạt. Ông chỉ còn thấy vẻ xúc động và đau khổ – Bà Jessie, tôi… rất buồn.

– Tôi hiểu.

Chị quay đi, đóng cửa xe, và chậm rãi tiến lại gần nhà. Chị di chuyển như một bà lão, và chiếc Mercedes màu nâu từ từ chạy đi. Nhìn chị lúc này là sai lầm. Cứ để chị với nỗi đau khổ riêng tư lại tử tế hơn. Nhưng không bao giờ quên nỗi dáng điệu của chị, chậm chạp bước trên lối đi lót gạch, đầu cúi xuống, tóc tai bù xù, tay nắm chặt những di vật của Ian. Ông không chịu nỗi cảnh tượng đó.

Chị nghe tiếng nổ máy chạy đi, và hờ hững nhìn bồn hoa của vợ chồng chị, trong lúc tiến lại gần nhà. Đây có phải căn nhà chị mới ở đó ăn bữa trưa nay với anh Ian chăng? Có phải ngôi nhà anh chị đã chung sống chăng? Chị ngửng đầu nhìn lên tưởng như chưa hề được thấy nó lần nào, và chị ngừng chân tưởng như không tài nào tiến thêm một bước. Chị cất cao một chân, chậm chạp bước lên thềm nhà, nhưng chân kia sao nặng quá, cất không nỗi. Chị không làm nỗi, cũng chẳng muốn làm. Chị không thể vào căn nhà này. Thiếu anh Ian, vô làm chi? Lẻ loi vô làm chi… không… không thể như vậy…

– Ôi! Chúa ơi! Không được! – Chị quỵ gối trước bậc thềm trước nhà, nức nở, đầu cúi xuống, tay nắm chặt những đồ vật trước đây chất đầy túi anh Ian. Có tiếng người gọi tên chị. Chị không quay lại. Không phải tiếng Ian. Việc gì phải bận tâm trả lời… không phải tiếng anh Ian… anh đã đi rồi.

Mọi người đã đi rồi. Chị có cảm tưởng anh đã chết trong phòng xử án – Hay là chị đã chết? Người kia lại cất tiếng gọi chị và chị có cảm tưởng đã tan biến trong nền gạch thềm nhà. Đồ đạc trong túi xách của chị vương vãi trên bậc thềm, gấu váy của chị đã đụng phải gạch, tóc chị xõa xuống che lấy khuôn mặt lợt lạt, như tấm mạng của quả phụ.

– Jessie, Jessie!

Chị nghe tiếng chân chạy hối hả phía sau, nhưng chị không tài nào quay lại. Chị không đủ sức. Mọi chuyện hết cả rồi.

– Jessie… em cưng… có chuyện gì bất ổn?

Đó là bà Astrid. Jessie quay lại nhìn vào mặt bà, nước mắt lại tuôn như mưa.

– Chuyện gì xảy ra? Nói cho chị biết? Mọi việc sẽ êm xuôi thôi. Hãy yên tâm.

Bà vuốt tóc Jessie, dỗ dành như dỗ trẻ, lau nước mắt cho chị, nhưng nước mắt chị cứ tiếp tục chảy xuống.

– Có phải tại Ian không? Nói cho chị biết đi, em cưng, có phải tại Ian không?

Jessie gật đầu, vẻ hoang mang và đau khổ, và bà Astrid nghe trái tim bà ngừng đập… Ồ, không, lẽ nào Ian lại tệ vậy?… Nều phải anh Tom, không thể có chuyện này đâu. Không!

– Anh ấy phạm tội hiếp dâm – Jessie có cảm tưởng như những lời chị nói như ở miệng một người khác tuôn ra, chứ không phải miệng chị, và bà Astrid tưởng như chính mình bị sỉ nhục – Ảnh đang ngồi tù.

– Lạy Chúa, không! Jessie!

Nhưng đó là dự thật. Bà biết rõ, khi thấy Jessie gật đầu, chịu cho bà dịu dàng dẫn vào nhà, đặt lên giường. Mấy viên thuốc bà Astrid đưa cho đã khiến chị dễ chịu cấp kỳ. Từ ngày chồng mất, bà luôn luôn đem thuốc bên mình.

oOo Lúc ba giờ rưỡi sáng, Jessie thức dậy. Ngôi nhà yên tĩnh, có thể nghe tiếng tic-tắc của đồng hồ. Phòng ngủ tối om, nhưng phòng khách có bật đèn. Chị lắng nghe tiếng động của Ian: tiếng gõ máy chữ, tiếng ghế cọt kẹt. Chị ngồi dậy trên giường, lắng nghe, nhưng không tiếng gì, và đầu óc chị quay cuồng. Rồi chị nhớ tới mấy viên thuốc, bà Astrid, đến mọi chuyện đã xảy ra thế nào. Chị ngồi trên giường, với tay lấy bao thuốc, đôi tay run run. Chị vẫn còn mặc áo thun, mang vớ. Chiếc áo khoác và chiếc váy vắt qua một chiếc ghế. Chị không nhớ nỗi đã lên giường bằng cách nào. Chị chỉ nhớ giọng nói của bà Astrid, thật dịu dàng, nói nhiều câu, nhưng chị không hiểu rõ, rồi chị lăn ra ngủ. Nhưng phải có một người nào ở đây chứ?… Có một người nào đó chứ?… Không, lúc này chẳng có ai, chị ở một mình.

Chị cứ nằm hút thuốc trong phòng ngủ tối om, mắt khô ráo, hơi lợm giọng và còn say thuốc. Đột nhiên, chị đưa tay với lấy ống điện thoại, dò số và gọi.

– Nhà tù thành phố đây, Langdorf đây.

– Tôi muốn nói chuyện với ông Ian Clarke. Ông làm ơn…

– Ông nhà làm việc ở đây ư? Giọng viên trung sĩ tỏ vẻ ngạc nhiên.

– Không. Anh bị đưa về trại giam ngày hôm qua. Sau một phiên tòa.

Chị không muốn khai thật tội trạng và chị ngạc nhiên không hiểu tại sao giọng chị cứng cỏi. Chị không thấy mình cứng cỏi, nhưng chị biết rằng nếu chị giữ được giọng bình thản, họ có thể thỏa mãn yêu cầu của chị. Chị cần phải giữ giọng cho thật bình thản, và oai vệ một chút…

– Thưa bà, ông ấy đang ở nhà giam của quận, chứ không ở đây. Và dù sao chăng nữa bà cũng không thể nói chuyện với ông đâu.

– Tôi hiểu. Ông có số điện thoại chỗ đó chăng?

Chị định nói là có chuyện khẩn cấp nhưng lại thôi. Chị rất sợ nói dối với họ. Viên trung sĩ trực cho chị số điện thoại trại giam quận, ở Pháp đình, và chị vội gọi về chỗ đó. Nhưng không được việc. Họ nói rằng ngày mốt chị mới được phép thăm chồng. Và anh không có quyền nhận điện thoại gọi tới. Rồi họ gác máy.

Jessie khẽ nhún vai và bật đèn lên. Trong phòng rất lạnh. Chị khoác áo ngủ, và để nguyên bít tất, bước ra phòng khách. Chị đứng giữa phòng, nhìn quanh. Căn phòng bừa bộn, không đến nỗi bừa bãi quá, nhưng cũng đủ nhắc nhở chị, gợi cho chị nhớ lại cảm giác êm ái khi nằm trên ghế nệm, và trên chiếc gối, chị còn thấy dấu lõm xuống, rành rành có người đã ghé đầu vào, chị thấy cuốn sách anh đã đọc vào kỳ nghỉ cuối tuần, đôi giày của anh dưới gầm ghế… của anh… Chị cảm thấy nước mắt dâng lên, nghẹn ngào, và chị quay đi, bước xuống nhà bếp tìm một thứ gì để uống… trà… cà phê… Coca… một thứ gì… miệng chị khô rang, đầu chị lùng bùng, nhưng mọi vật khác đều rõ ràng. Chị cảm thấy chén dĩa ăn trưa vẫn còn trong chậu rửa bát, và tờ báo vẫn nằm nguyên trong ngăn bàn, gấp lại ở bài báo viết về tội hiếp dâm. Hình như anh vẫn còn ở trong phòng, mới chạy quanh đâu đây, hình như… Jessie ngồi xuống trước bàn nhà bếp, gục đầu và òa lên khóc.

Phòng làm việc ở trong tình trạng rất xấu. Tệ hại. Đen thui, trống rỗng và hoang vắng. Hình như nó đang trông đợi anh xuất hiện, nhưng anh không về nên sinh hoạt trong đó phải ngừng trệ. Nó cần có anh mới hoạt động, anh là linh hồn của phòng làm việc. Và của chị nữa, của Jessie. Chị cần anh hơn là phòng làm việc cần đến anh. Chị nhón gót, từng bước chân, như một đứa bé hoang mang, đứng chỗ cửa, đưa tay sờ từng cuốn sách của anh, chiếc áo sơ mi của anh, cầm đôi giày của anh ôm sát vào người, nhảy dựng mỗi lần thấy một bóng đen khác lạ. Chị cô đơn quá, lẻ loi trong ngôi nhà này, giữa đêm khuya, lẻ loi trong thế giới. Không có người nào giúp đỡ chị, săn sóc đến chị, hay làm một điều gì, dù tệ hại đi nữa, cho chị. Chị mở miệng định la, nhưng không ra tiếng. Chị ngồi bệt xuống sàn nhà, cầm đôi giày, chờ đợi. Nhưng chẳng người nào tới. Chị lẻ loi.

oOo Lúc đó là chín giờ rưỡi sáng, Jessie đang ngồi trong bồn tắm, cố xua đuổi những nỗi bực bội hoang mang, thì chợt nghe tiếng chuông reo ngoài cửa. Bây giờ mọi chuyện êm xuôi rồi. Phải, mọi chuyện đã qua rồi. Chị sẽ ngồi trong bồn tắm một lúc lâu, sau đó làm một ly trà, ăn sáng qua loa, rồi mặc áo quần để ra tiệm. Có thể chị sẽ nằm nhà suốt ngày, hay… Nhưng mọi chuyện êm xuôi rồi. Trước hết là tắm nước nóng, rồi… Nhưng chị không thể gọi cho anh Ian. Chị không được phép nói chuyện với anh, trong lúc chị rất cần nói chuyện với anh. Jessie hít vào thật sâu, và lắng nghe. Dường như tiếng chuông reo ngoài cửa thì phải, hay chỉ là tiếng nước chảy, đánh lừa tai chị? Nhưng không phải. Tiếng chuông cứ tiếp tục reo. Nhưng chị cần gì phải trả lời nhỉ? Lúc này chị chỉ cần hít thở đều đặn, giữ cho bình thản, nước nóng sẽ khiến tâm trí chị thư giãn. Anh Ian đã chỉ cho chị cánh này, cách giữ cho bình thản, tránh bực bội hoang mang, hồi mà má chị… và cậu Jake… Nhưng tiếng chuông ngoài cửa cứ reng mãi. Jessie nhảy ra khỏi bồn tắm, với lấy chiếc khăn lau, chạy ra cửa lỡ đó là anh Ian thì sao? Chị nắm hết chìa khóa của anh rồi mà. Lỡ ra… Jessie từ phòng tắm chạy ra cửa trước, nước chảy ròng ròng khắp nhà. Chị tươi cười, đôi mắt long lanh sáng rực, chiếc khăn tắm vắt ngang thân hình. Chị kéo mạnh cánh cửa, quên cả chuyện hỏi ai ở ngoài ở ngoài đó, và chị nhảy lùi lại ngạc nhiên. Chị kinh ngạc quá đỗi, không nghĩ đến chuyện đóng cửa trở lại, cứ đứng yên tại chỗ, tim đập thùm thụp.

– Chào bà. Ở địa vị bà, tôi chẳng mở cửa tiếp khách theo cách bất nhã như thế đâu.

Chị ngó vội xuống, nắm chặt chiếc khăn tắm. Người gọi cửa là thanh tra Houghton .

– Tôi… ông mạnh chứ? Tôi giúp được cho ông điều gì chăng?

Chị đứng thẳng người, oai vệ, dù chỉ mang trên người mình có chiếc khăn tắm.

– Không có chi. Tôi chỉ có ý đến thăm coi bà ra sao thôi.

Trong ánh mắt hắn có một vẻ diễu cợt, đắc thắng, ánh mắt mà hôm trước ở ngoài tòa chị đã không để ý, bây giờ nó gợi cho chị ước muốn móc mắt hắn.

– Tôi vẫn mạnh. (Cái mặt đểu giả của anh ạ). Có chuyện gì khác chăng?

– Mời bà đi uống cà phê, được không bà Clarke? – Thái độ mời mọc của hắn có vẻ dối trá.

– Quả thật không được, ông thanh tra ạ. Tôi không uống đâu. Vả lại tôi cũng sắp sửa phải đi làm rồi. Nếu có chuyện gì muốn bàn bạc với tôi, xin ông cứ vô một tiệm nào ở đường Thống Nhất làm một ly, rồi một giờ sau lại gặp tôi tại văn phòng.

– Giỡn hả? Dầu sao thì hôm qua bà cũng bị xúc động mạnh?

Chị nhắm mắt lại, cố nén cơn buồn nôn dâng lên cổ họng. Thằng cha này thật thô bỉ, Nhưng lúc này chị không thể tỏ thái độ nhút nhát nữa. Không thể. Chị còn nghe văng vẳng lời anh Ian nói với chị “Ô-kê?” theo cách đặc biệt của riêng anh, và chị đã lặng lẽ gật đầu đáp khẽ “Ô-kê”.

– Vâng, quả là cơn choáng váng. Ông thích thú chuyện đó chứ, ông thanh tra? Tôi muốn nói là vui sướng trước cảnh bất hạnh của kẻ khác.

– Tôi không nhìn sự việc theo cách đó.

Hắn rút bao thuốc ra mời chị một điếu. Chị lắc đầu. Chuyện này thì hắn thích thú là cái chắc.

– Tôi không dè đấy. Cô Burton hẳn phải là vui thích lắm.

– Rất nhiều.

Hắn mỉm cười nhìn chị qua khói thuốc, và chị phải tự trấn áp để đừng đánh hắn, và đừng vả miệng hắn. Tự kiềm chế còn cực hơn giữ cho khỏi đau yếu.

– Bây giờ bà tính sao?

À, thì ra mục đích của hắn đây rồi.

– Ông muốn nói gì?

– Bà có chương trình gì chăng?

– Có, làm việc. Và ngày mai đi thăm chồng. Và tuần sau, đi ăn tối với bạn bè… Hắn lại mỉm cười, nhưng không có vẻ vui thích.

– Ông đi tù rồi, thì cuộc hôn nhân của ông bà có thể hư hỏng nhiều đó, bà Clarke. Giọng hắn nghe có vẻ rất tử tế.

– Có thể. Hầu như chuyện gì cũng có thể khiến hôn nhân bị hư hỏng nếu ta muốn để cho nó hư hỏng. Tất cả tùy thuộc có chỗ cuộc hôn nhân của ta có thật tốt đẹp không, và ta có cố gắng giữ cho nó được tốt đẹp hay không.

– Cuộc hôn nhân của bà tốt đẹp tới mức nào?

– Tuyệt vời. Và ông thanh tra Houghton ạ, trong thâm tâm tôi, tôi cảm ơn ông đã quan tâm đến. Tôi đoán chắc với ông rằng tôi sẽ đề cập đến chuyện này với chồng tôi cũng như với luật sư của chúng tôi. Tôi biết rằng ông Clarke nhà tôi sẽ xúc động sâu đậm. Ông biết chăng, quả thật ông là con người rất nhiều tình cảm đấy, ông thanh tra ạ, hay nói cho đúng ông đặc biệt ưa thích xía vô chuyện hôn nhân đấy.

Đôi mắt hắn long lanh nhìn vào mắt chị, nhưng muộn mất rồi: hắn đã xía vô chuyện người khác, đã tới nhà chị, đã rung chuông, và sáng nay hắn đã mắc sai lầm.

– Ông biết chăng, cụ thể hóa sự việc, tôi nghĩ rằng có thể sẽ gọi điện thoại cho thượng cấp của ông, báo cho họ biết ông là người ưa soi mói thế nào: ông tưởng rằng có quyền quan tâm đến cuộc hôn nhân của tôi?

Hắn nhét lại bao thuốc lá vào trong túi, nụ cười tắt hẳn.

– Được rồi. Tôi đã nắm được vấn đề.

– Thật ư? Của tôi? Sao nhanh thế, ông thanh tra?

Hắn rít hàm răng – Con chó!

– Ông muốn tôi phải xin lỗi ông nữa ư?

– Tôi nói “con chó!” đấy, bà kể luôn chuyện đó với thượng cấp của tôi xem sao. Nhưng cô bé ạ, nếu phải địa vị của em, anh chẳng bận tâm thưa gửi đâu. Em đã gặp nhiều chuyện phiền phức lắm rồi, và còn lâu lắm mới được gặp mặt anh chồng. Nếu quên đi thì hay hơn, em ạ. Em và anh chàng văn sĩ ba xu của em sẽ bỏ nhau thôi. Vậy nên khi nào em chán không thiết ngồi một mình chỗ tối tăm nữa, thì bắt đầu ngó quanh đi là vừa. Ngoài kia thiếu gì những người ngon lành hơn anh chàng em đang quyến luyến.

– Ồ, thật ư? Chắc ngươi là một trong những con người có thớ đó?

Chị giận run lên, giọng nói cao lên, đốp chát thẳng thừng.

– Em muốn lựa chọn ai tùy ý, nhưng chắc rồi em cũng chẳng lựa được người nào cho hay đâu. Hẹn em hai tháng nữa, anh sẽ trở lại.

– Ra khỏi đây ngay, thanh tra. Và nếu ta còn thấy ngươi héo lánh gần đây, dù đem theo lệnh xét nhà hay không, ta cũng gọi cho ông chánh án, ông thị trưởng, hay đội chữa lửa. Cũng có thể ta kêu cứu bất cứ người nào. Cũng có thể ta đứng chỗ cửa sổ nhắm bắn ngay ngươi.

Hắn nhướng cặp lông mày, tỏ vẻ quan tâm:

– Cô có súng?

– Lúc này thì chưa, nhưng sẽ có. Rõ ràng ta cần đến một khẩu.

Hắn mở miệng định nói câu gì, nhưng chị đã lùi một bước, xô cửa đánh sầm. Về mặt chiến thuật, thì hành động này rất dở, nhưng nhờ vậy mà chị cảm thấy dễ chịu hơn. Trong nhất thời, khi trở vào nhà, chị vội chạy xuống bếp, và phải hai tiếng đồng hồ sau chị mới thôi xúc động.

Bà Astrid tới vào lúc mười một giờ, mang theo bó hoa, và thịt gà chiên mua cho Jessie, cùng với một túi xách đựng đầy trái cây và một lọ nhỏ đựng thuốc viên màu vàng. Nhưng bà kiên trì đứng ngoài cửa, bấm chuông cả hai chục phút vẫn không thấy người lên tiếng. Bà biết chắc Jessie ở nhà, vì bà đã gọi điện thoại, hỏi ở tiệm cho chắc ăn. Cuối cùng bà bối rối quá chừng, gõ cửa nhà bếp ầm ầm. Jessie cẩn thận, hé rèm cửa nhòm ra, và khi thấy bà Astrid, chị vội nhảy xuống ghế. Chị cứ tưởng Houghton trở lại.

– Trời ơi! Em! Chị cứ tưởng có chuyện gì. Tại sao chị bấm chuông em không chịu lên tiếng? Sợ rắc rối với bọn nhà báo hả?

– Không! Không có vấn đề đó, chỉ tại… ồ… em không biết là chị. – Jessie lại rưng rưng nước mắt, đứng lặng như đứa trẻ mới lớn, và chị kể cho bà Astrid nghe chuyện Houghton tới thăm – Em không chịu nỗi. Hắn… ác độc quá hắn tỏ vẻ vui sướng về việc mới xảy ra. Hắn nói tới… cuộc hôn nhân của chúng em… Chị kể đến đâu, khóc đến đấy, và bà Astrid phải đở chị ngồi xuống.

– Tại sao em không tới ở với chị một thời gian, hả Jessie? Chị sẽ để riêng cho em một chỗ phòng khách, và em tránh đi vài ngày?

– Không!

Jessie nhảy xuống, và đi tới đi lui quanh phòng, đập tay vào chiếc ghế lúc đang ngang qua, hoặc nhặt một vật nào đó lên, lại để xuống liền. Một loạt những cử động thừa thãi nhưng bà Astrid lại nhận ra ngay: hồi ông Tom mới mất, bà cũng hoạt động y hệt.

– Không, cám ơn chị Astrid. Nhưng em muốn ở lại đây với… với… Chị mê đi, không biết mình muốn nói gì.

– … Với những đồ vật của anh Ian.

– Chị hiểu, nhưng ý kiến đó chưa phải là ý kiến tốt. Và lại, em sẽ tránh được đụng chạm với những người như tên cảnh sát kia. Lỡ có kẻ ra mắt kiểu đó thì sao? Em muốn giải quyết cách nào?

– Em không mở cửa cho vô nữa.

– Em không thể sống kiểu đó, Jessie. Ian không muốn em như vậy đâu.

– Vâng, anh ấy không muốn vậy. Quả thật…đúng vậy…em… Ồ, lạy Chúa! Chị Astrid ơi, em điên lên mất. Em không thể… thiếu Ian, em không biết phải làm gì.

– Nhưng em có mất Ian đâu? Em sẽ đi thăm chú ấy. Chị vẫn chưa hiểu rõ chuyện, nhưng em sẽ giải quyết được êm xuôi. Chú ấy không đi luôn, Jessie ạ. Lạy Chúa thương chúng con, anh Ian không chết. Em cứ cư xử như có Ian ở nhà vậy.

– Nhưng anh không ở đây – Giọng chị nghe thê thảm, đáng thương – Em cần có ảnh ở đây. Thiếu ảnh, em hóa điên, em sẽ… em sẽ… – Không, không được làm vậy. Dù muốn điên, em cũng không được làm vậy. Giữ vững tâm trí, Jessie, và ngồi xuống đây. Tức khắc. Nào, ngồi xuống đi chứ.

Jessie cứ nhảy chồm chỗm giữa mấy chiếc ghế như con choi choi, trong năm phút đồng hồ. Bà Astrid cất giọng thê lương: – Em ăn sáng chưa?

Jessie lắc đầu, định nói chị không muốn ăn, nhưng bà Astrid đã buông tay chị ra, biến vào nhà bếp. Năm phút sau, bà ló mặt ra, bưng ra bánh mì nướng, mứt và trái cây cùng với một ly cà phê bốc khói.

– Em muốn uống cà-phê không?

Jessie lắc đầu, nhắm mắt lại một lát.

– Em không tin nỗi những chuyện xảy ra, chị Astrid ạ.

– Đừng nên nghĩ đến vội. Em không giữ nỗi lý trí để suy nghĩ đâu, và vì thế không nên cố gắng, Bao giờ em được thăm anh Ian?

Jessie vừa nghe hỏi, liền mở mắt ra, và thở dài.

– Ngày mai.

– Được rồi. Vậy thì điều cần nhất bây giờ là cố giữ cho được bình thản, đợi ngày mai. Em làm được vậy chứ, phải không?

Jessie gật đầu, nhưng chị cũng không dám chắc. Vậy là còn một ngày, một đêm, và một buổi sáng nữa, mà ban đêm là lúc tệ hại hơn cả. Biết bao ma quái, tiếng nói, tiếng vọng thật là khủng khiếp. Và phải ráng sống cho đến lúc thấy mặt Ian.

Nhưng có một điều chị muốn làm ngay. Ngay bây giờ, trước khi gặp Ian. Đó là chuyện bàn luận với ông Martin về kháng án. Lúc chị gọi tới, ông đang có mặt tại văn phòng, và tỏ ra chịu nhún.

– Jessie, bà khỏe hẳn chứ?

– Tôi mạnh. Anh Ian thế nào? – Giọng chị nhấn mạnh từng chữ, và ở đầu dây bên kia, ông Martin cau mặt. Ông nhớ lại vẻ mặt chị vào tối qua, lúc ông thả chị xuống xe.

– Ông nhà đã lại tinh thần, nhưng vẫn còn xúc động.

– Tôi có thể tưởng tượng ra được. – Giọng chị thật nhẹ, và chị lơ đãng mỉm cười – xúc động? Thì cả hai người đều bị, nào phải chỉ một mình anh? Ông Martin ạ, tôi gọi dây nói là muốn hỏi ông một điều, ngay lúc này đây, vì ngày mai tôi phải đi thăm anh Ian rồi.

– Chuyện chi?

– Tôi muốn biết chúng tôi phải làm gì để chống án, thủ tục ra sao? Ông có lo dùm chăng. Lo hết mọi việc. (Và chúng tôi hpải trả bao nhiêu tiền nữa đây? Đó là vấn đề khác đấy nhỉ?

– Được rồi, chúng ta sẽ bàn chuyện đó sau khi thành án, bà Jessie ạ. Nếu ông được hưởng thời gian thử thách, thì không vội gì mà phải tính chuyện thượng tố, trừ phi cần cho tư pháp lý lịch của ông thì không kể, nghĩa là muốn cho lý lịch của ông không ghi một tội trạng nào thì không kể. Có lẽ ông cũng muốn vậy. Nhưng theo tôi nghĩ, bà nên đợi sau khi thành án rồi hãy quyết định. Thời gian hạn định để làm thủ tục thượng tố không nhiều, nhưng cũng dư thời giờ cho bà quyết định.

– Bao giờ thì thành án?

– Kể từ ngày mai, còn bốn tuần lễ nữa.

– Tại sao phải đợi đến tận lúc đó?

– Là vì, bà Jessie ạ, bà không biết rõ chuyện gì sẽ xảy ra. Nếu họ cho ông về, hưởng thời gian thử thách, thì ông Ian không cần tốn đồng xu cắc bạc trong món tiền còn lại của ông hay của bà, để kháng án. Đây không phải trường hợp của ông, vì ông có nghề nghiệp nhất định đâu mà cần tư pháp lý lịch phải trong sạch. Đúng đó, nếu ông có nghề nghiệp đòi hỏi tư pháp lý lịch, thì vụ án này có thể gây hại cho ông đó. – Ông đắn đo một hồi rồi nói tiếp – Và nếu ông được tự do, bà còn cần phải lo nghĩ đến chuyện gì nữa?

– Ông nói “nếu được tự do” là nghĩa làm sao? – Jessie lại cảm thấy rối bời.

– Được rồi. Trong trường hợp phủ định, họ sẽ không cho ông hưởng thời gian thử thác, sẽ tống ông vào ngục. Trong trường hợp đó, bà có thể làm đơn thượng tố. Nhưng bà Jessie ạ, bà làm đơn thượng tố thì có nghĩa là phải ra một tòa án khác, lại phải đeo đuổi mọi thủ tục xét xử như trước, và chúng ta vẫn phải trưng ra được thêm bằng chứng nào, không chuyện gì thay đổi hết. Vì thế, bà lại phải qua mọi giai đoạn cũ, mà có lẽ chẳng được lợi gì them. Theo tôi nghĩ, việc chúng ta cần thúc đây bây giờ là xin được hưởng thời gian thử thách. Và chúng ta có thể lo chuyện kháng án sau khi biết rõ chuyện xảy ra thế nào. Đồng ý?

Jessie miễn cưỡng đồng ý, và gác máy. Ông ta muốn nói gì, “nếu” chúng cho Ian được tự do là nghĩa làm sao? Chữ “nếu” ấy là thế nào?


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.