Cú điện thoại đến đột ngột vào sáng thứ hai.
– Cô Dana Evans?
– Vâng.
– Tôi là bác sĩ Joel Hirschberg. Tôi ở quỹ bảo trợ trẻ em.
Dana lắng nghe, bối rối.
– Vâng!
– Ông Elliot Cromwell cho tôi biết cô nói với ông ấy rằng đang gặp khó khăn với việc lắp tay giả cho con trai cô.
Dana suy nghĩ một lát.
– Vâng, có lẽ như vậy.
– Ông Cromwell đã cho tôi xem hồ sơ. Quỹ chúng tôi được thành lập để giúp đỡ các trẻ em ở các đất nước bị chiến tranh chia cắt. Theo những gì ông Cromwell nói với tôi, con trai cô hoàn toàn đủ tiêu chuẩn được nhận sự trợ giúp. Không hiểu cô có vui lòng cho cháu đến gặp chúng tôi không?
– Vâng, tôi… được, dĩ nhiên.
Họ hẹn nhau vào cuối ngày hôm đó.
Khi Kemal từ trường về nhà, Dana vui vẻ nói:
– Cô và cháu sẽ đến gặp bác sĩ để bàn về một cánh tay mới cho cháu. Cháu thích chứ?
Kemal nghĩ ngợi.
– Cháu không biết. Nó không phải là một cánh tay thật.
– Nó sẽ rất giống với một cánh tay thật. Được chứ?
– Tuyệt vời.
Bác sĩ Joel Hirschberg xấp xỉ năm mươi tuổi, vẫn còn đầy sức lôi cuốn, thái độ đứng đắn ẩn giấu một năng lực tiềm tàng.
Chào hỏi xong, Dana lên tiếng.
– Bác sĩ, tôi muốn giải thích trước rằng chúng ta phải thu xếp một số vấn đề về tài chính, vì tôi được cho biết rằng Kemal đang ở tuổi lớn, một cánh tay mới sẽ…
Bác sĩ Hirschberg ngắt lời nàng.
– Như tôi đã nới với cô qua điện thoại, cô Evans, quỹ bảo trợ trẻ em được thành lập đặc biệt để giúp đỡ các em nhỏ ở những đất nước đang có chiến tranh. Chúng tôi sẽ lo luôn phần chi phỉ.
Dana thấy người nhẹ hẳn đi. Thật là tuyệt diệu.
Nàng thầm cầu nguyện. Chúa phù hộ cho Elliot Cromwell.
Bác sĩ Hirschberg quay sang Kemal.
– Nào, để tôi xem qua cháu nhé, anh bạn trẻ.
Ba mươi phút sau ông ta nói với Dana:
– Tôi nghĩ chúng ta có thể giải quyết vụ việc này ổn thoả. Ông ta kéo một tấm bản đồ trên tường xuống. Chúng tôi có hai loại tay giả, loại cơ điện và loại cáp điều khiển. Như cô thấy ở đây, loại tay cơ điện được làm bằng nhựa và bọc bằng một loại găng trông giống da người. Ông ta cười với Kemal. Trông nó như tay thật vậy.
Kemal hỏi:
– Nó có cử động không?
Bác sĩ Hirschberg nói:
– Kemal, cháu có bao giờ nghĩ đến việc cử động tay của mình không? Ý của bác là cái tay không còn ở đây nữa ấy?
– Có, Kemal trả lời.
– Tốt, bây giờ mỗi khi cháu nghĩ đến cánh tay ảo, những cơ ở đó sẽ tự động nhận biết và truyền tín hiệu xuống cánh tay của cháu. Nói một cách khác là cháu có thể mở nắm bàn tay chỉ bằng cách nghĩ về nó.
Mặt Kemal sáng bừng lên.
– Cháu à? Làm sao… cháu có thể tháo ra và lắp vào?
– Rất đơn giản, Kemal. Cháu chỉ việc kéo nó ra. Có một miếng lót nylon mỏng ở xung quanh cánh tay.
Cháu không thể bơi với nó, nhưng cháu có thể làm được những việc khác. Nó cũng như đôi giày vậy. Đêm cháu tháo ra và ban ngày thì đeo vào.
– Nó có nặng lắm không? Dana hỏi.
– Khoảng một trăm bảy mươi gam đến bốn trăm gam.
Dana quay sang Kemal.
– Cháu nghĩ sao? Chúng ta thử chứ?
Kemal cố gắng kiềm chế cơn phấn khích.
– Nó sẽ trông như thật chứ?
Bác sĩ Hirschberg mỉm cười.
– Trông như thật! Đã từ lâu cháu chỉ có một cánh tay trái, vậy từ nay cháu phải cố gắng quên chuyện đó đi. Sẽ tốn thời gian đấy, Kemal. Chúng tôi sẽ chỉnh cánh tay cho phù hợp với cháu, nhưng cháu phải xem qua cánh tay để học cách coi nó như là một phần của cơ thể mình và điều khiển tín hiệu.
Kemal hít một hơi thở sâu.
– Được ạ.
Dana ôm chặt lấy Kemal.
– Sẽ thật là tuyệt diệu, nàng nói. Và cố ngăn nước mắt trào ra.
Bác sĩ Hirschberg nhìn họ một lát rồi mỉm cười.
– Nào, chúng ta bắt đầu.
Về đến văn phòng, Dana đi ngay sang gặp Cromwell.
– Elliot, chúng tôi vừa ở chỗ bác sĩ Hirschberg về.
– Tốt. Tôi hy vọng là ông ấy giúp được cho Kemal.
– Có lẽ là được Tôi không thể nói tôi biết ơn ông nhiều, nhiều đến mức nào.
– Dana, không phải nói biết ơn gì cả. Tôi rất vui vì có thể giúp được cho cô. Nhớ cho tôi biết chuyện tiến hành ra sao nhé.
– Vâng. Chúa phù hộ cho ông…
– Hoa đến? Olivia đi vào văn phòng với một bó hoa to trên tay.
– Đẹp quá!, Dana thốt lên.
Nàng mở phong bì ra và đọc tấm thiệp.
“Cô Evans thân mến, người bạn của chúng ta trông bề ngoài hung hãn, nhưng thực chất không phải vậy. Mong là cô sẽ thích bó hoa. Jack Stone”.
Dana ngắm nghía tấm thiếp một lát. Thật thú vị, nàng nghĩ. Jeff đã nói ông ta rất là ghê gớm. Vậy ai đúng ai sai. Dana có cảm giác Jack Stone rất ghét công việc của anh ta.Và cả ông chủ nữa. Mình sẽ nhớ điền.
***
Dana gọi đến FRA gặp Jack Stone.
– Anh Jack Stone phải không? Tôi muốn cảm ơn anh về…
– Cô đang ở văn phòng à?
– Vâng. Tôi…
– Để tôi gọi lại cho cô. Rồi anh ta dập máy.
– Cô Evans, sẽ tất cho cả hai chúng ta hơn nếu không ai biết chúng ta đang nói chuyện. Tôi đã cố gắng làm ông ấy thay đổi thái độ, nhưng ông ấy rất cứng đầu. Nếu như cô cần tôi… ý tôi là thật sự cần tôi… tôi sẽ đưa cô số điện thoại riêng của tôi. Cô có thể gọi lúc nào cũng được.
– Cảm ơn anh. Dana ghi lại số điện thoại của anh ta.
– Cô Evans…
– Vâng!
– Không có gì. Hãy cẩn thận.
Tướng Booster đã đợi sẵn khi Jack Stone đến chỗ làm vào buổi sáng hôm ấy.
– Jack, tôi có cảm giác là con điếm Evans đang cố tình gây rắc rối. Tôi muốn anh để ý đến nó. Và nhớ báo cáo cho tôi.
– Tôi sẽ lo vụ này.
Chỉ có điều là sẽ không có báo cáo gì. Và anh ta gửi hoa cho Dana.
***
Dana và Jeff ngồi trong phòng ăn của nhân viên đài truyền hình nói chuyện về cánh tay giả của Kemal.
Dana nói:
– Em vui quá, anh yêu. Chuyện này sẽ làm thay đổi mọi thứ.
– Nó sẽ xúc động lắm đây. Jeff nói. Anh biết mình cũng vậy.
– Và tuyệt vời hơn là quỹ bảo trợ trẻ em sẽ thanh toán toàn bộ chi phí. Nếu chúng ta có thể…
Chuông điện thoại di động của Jeff vang lên.
– Xin lỗi em. Anh mở máy ra. A lô?… Ồ… Anh liếc Dana.
– Không… không sao… Tiếp đi…
Dana ngồi yên, cố gắng lắng nghe.
– Ừ. Anh hiểu… Được… Có lẽ không có gì nghiêm trọng, nhưng em cũng nên đến gặp bác sĩ. Bây giờ em đang ở đâu? Brazil? Ở đó cũng có vài bác sĩ giỏi. Dĩ nhiên… Anh hiểu… Không. Cuộc đàm thoại có vẻ như kéo dài mãi. Cuối cùng Jeff nói:
– Giữ gìn sức khoẻ nhé.
Tạm biệt. Anh bỏ máy xuống.
– Dana hỏi:
– Rachel à?
– Ừ. Cô ấy có vài rắc rối về sức khoẻ. Cô ấy phải huỷ bỏ công việc ở Rio. Trước đây cô ấy chưa bao giờ như thế?
– Tại sao cô ấy lại gọi cho anh, Jeff.
– Cô ấy không còn ai khác, em yêu. Rachel hoàn toàn cô độc.
– Tạm biệt, Jeff.
***
Rachel miễn cưỡng dập máy, lòng buồn bực không muốn đứng lên. Cô nhìn qua cửa sổ tới Sugarloaf ở phía xa rồi nhìn xuống bãi biển Ipanema ở bên dưới. Rồi cô đi vào phòng ngủ, nằm xuống, toàn thân như kiệt quệ, những hình ảnh của ngày hôm đó quay cuồng trong đầu. Buổi sáng cô chụp ảnh quảng cáo cho American Express, kiểu ngoài bãi biển.
Đến trưa, ông đạo diễn nói:
– Cuộn cuối cùng đẹp lắm. Rachel. Nhưng chúng ta hãy chụp thêm một cuộn nữa.
Cô định nói vâng nhưng lại thấy mình trả lời:
– Không. Tôi rất tiếc. Tôi không thể.
Ông ta ngạc nhiên nhìn cô.
– Gì cơ?
– Tôi đang rất mệt. Ông tha lỗi cho tôi.
Cô quay lại, chạy vào khách sạn, qua đại sảnh, trở về phòng mình. Người cô run lên và cơn buồn nôn ập đến. Chuyện gì xảy ra với mình thế này? Trán cô nóng bừng.
Cô nhấc điện thoại lên và gọi cho Jeff. Giọng nói của anh làm cô thấy dễ chịu hơn. Chúa phù hộ cho anh. Anh luôn ở bên mình, chỗ dựa an toàn của mình. Khi cuộc nói chuyện kết thúc, Rachel nằm trên giường và nghĩ ngợi. Chúng ta đã có những quãng thời gian tuyệt vời. Anh ấy luôn luôn vui vẻ. Chúng ta thích làm những điều giống nhau, và chúng ta thích được chia sẻ với nhau. Sao mình lại để anh ấy ra đi cơ chứ! Cô nhớ lại cuộc hôn nhân đã tan vỡ như thế nào.
Nó bắt đầu từ một cú điện thoại.
– Cô Rachel Stevens?
– Vâng!
– Ông Roderick Marshall muốn gặp cô.
Một trong những đạo diễn quan trọng nhất ở Hollywood.
– Cô Stevens?
– Vâng!
– Tôi là Roderick Marshall. Cô có biết tôi là ai không?
Cô đã xem vài bộ phim của ông ta.
– Dĩ nhiên là tôi biết, ông Marshall.
– Tôi đã xem nhiều bức ảnh của cô. Hãng Fox chúng tôi cần cô. Cô có sẵn lòng đến Hollywood quay thử một đoạn phim không?
Rachel do dự một lát.
– Tôi không biết. Ý tôi là tôi không biết mình có khả năng diễn xuất không. Tôi chưa bao giờ…
– Đừng lo. Chuyện đó cứ để tôi. Dĩ nhiên chúng tôi sẽ thanh toán mọi chi phí cho cô. Chính tôi sẽ đạo diễn đoạn phim quay thử. Khi nào cô có thể đến đây?
Rachel nghĩ đến thời gian biểu của mình:
– Ba tuần nữa.
– Tốt. Chúng tôi sẽ thu xếp mọi việc.
Khi dập máy, Rachel nhận ra mình đã không hỏi ý kiến Jeff. Anh ấy không quan tâm đâu, cô nghĩ. Dù sao thì chúng mình cũng hiếm khi được ở bên nhau mà.
– Hollywood? Jeff nhắc lại.
– Chỉ là may rủi thôi mà, Jeff.
Anh gật đầu.
– Được, em cứ đi đi: Có thể em sẽ trở nên nổi tiếng.
– Anh đi với em chứ?
– Em yêu, bọn anh phải thi đấu ở Cleveland vào thứ hai, rồi đi Washington và tiếp theo là Chicago. Bọn anh còn rất nhiều trận đấu. Anh nghĩ là đội bóng sẽ gặp khó khăn nếu một cầu thủ ném bóng chính không có mặt.
– Tệ quá. Cô cố tỏ ra bình thường. Cuộc sống của chúng ta dường như không bao giờ cùng nhau, phải không, Jeff.
– Không thường xuyên lắm.
Rachel định nói gì thêm, nhưng cô nghĩ, đây không phải lúc.
Một nhân viên trường quay đón Rachel ở sân bay Los Angeles với một chiếc limousine dài ngoẵng.
– Tên tôi là Henry Ford, anh ta cười. Không quan hệ gì? (1). Họ gọi tôi là Hank.
Chiếc xe hoà vào dòng xe cộ trên đường. Anh ta tặng ngay cho Rachel một bài tường thuật tại chỗ.
– Lần đầu đến Hollywood à, cô Stevens?
– Không, tôi đến đây nhiều rồi. Lần cuối là cách đây hai năm.
– À nó đã thay đổi nhiều rồi. Nó lớn hơn và tốt hơn bây giờ hết. Chúng tôi đã bố trí cho cô nghỉ ở Chateau Marmont. Đó là nơi các nhân vật nổi tiếng thường ở.
Rachel giả vờ bị ấn tượng.
– Thật à?
– Ồ, vâng. John Belushi đã chết ở đấy, cô biết đấy, sau khi dùng thuốc quá liều.
– Ồ!
– Gable cũng đã từng ở đấy, cả Paul Newman, Marilin Monroe.
Những cái tên liên tục được tuôn ra. Rachel không buồn nghe nữa.
Chateau Marmot ở ngay phía bắc đại lộ Hoàng hôn, trông như một lâu đài trong phim.
Henry Rord nói:
– Hai giờ tôi đến đây đưa cô tới trường quay. Cô sẽ gặp Roderick Marshall ở đó.
– Tôi sẽ chuẩn bị sẵn sàng.
***
Hai tiếng sau Rachel đã ở trong văn phòng của Roderick Marshall. Ông ta khoảng ngoài bốn mươi, nhỏ bé và rắn chắc, với năng lượng của một chiếc máy phát điện.
– Cô sẽ vui mừng vì mình đã đến đây, ông ta nói. Tôi sẽ biến cô thành một ngôi sao lớn. Đoạn phim của cô được quay vào ngày mai. Phụ tá của tôi sẽ đưa cô đi chọn quần áo phù hợp. Cô sẽ quay thử một cảnh trong bộ phim lớn của chúng tôi.
Kết thúc của một giấc mơ.
– Bảy giờ sáng mai cô sẽ được hoá trang và làm tóc. Tôi đoán là không có gì mới đối với cô, nhỉ?
Rachel yếu ớt trả lời:
– Không.
– Cô đến đây một mình à, Rachel?
– Vâng.
– Vậy tại sao tối nay chúng ta không cùng đi dùng bữa?
Rachel suy nghĩ một lát.
– Cũng được.
– Tôi sẽ đón cô vào lúc tám giờ.
Bữa tối trở thành cuộc du ngoạn trong thành phố.
– Nếu cô biết chỗ để đến… và cô có thể vào, Roderick Marshall bảo Rachel:
– Los Angeles có một vài hộp đêm hấp dẫn nhất thế giới.
Cuộc đi chơi tối bắt đầu từ Standart, một quán bar, một khách sạn thời thượng trên đại lộ Hoàng hôn. Khi đi qua bàn lễ tân, Rachel dừng lại nhìn. Bên cạnh bàn, đằng sau cửa sổ kính mờ ảo là một bức tranh người sống, một người mẫu khoả thân.
– Có tuyệt không?
– Không thể tin được, Rachel nói.
Đó là biểu tượng của những hộp đêm đông đúc, ầm ỹ, và đến cuối cuộc đi chơi, Rachel thấy mình kiệt sức.
Roderick Marshall đưa cô về đến khách sạn.
– Ngủ ngon. Ngày mai cả cuộc đời cô sẽ thay đổi.
***
Bảy giờ sáng, Rachel có mặt trong phòng hoá trang. Bob Van Dusen, nhân viên hoá trang, nhìn cô với vẻ khen ngợi và nói:
– Và họ sẽ trả tiền cho tôi vì chuyện này.
Rachel cười.
– Cô không cần trang điểm nhiều. Cứ để tự nhiên cũng đã quá đẹp rồi.
– Cám ơn.
Khi Rachel đã sẵn sàng, nhân viên phục trang giúp cô mặc chiếc váy mà họ chuẩn bị từ chiều hôm trước. Trợ lý đạo diễn dẫn cô ra. Roderick Marshall và cả đoàn làm phim đã chờ sẵn.
Ông ta ngắm nhìn Rachel một lát rồi nói.
– Tuyệt. Chúng ta sẽ chia cảnh quay thử ra làm hai phần, Rachel. Cô ngồi ở cái ghế này và tôi sẽ hỏi cô vài câu từ bên ngoài ống kính. Giữ bình tĩnh nhé.
– Được. Còn phần thứ hai?
– Là cảnh quay thử mà tôi đã nói.
Rachel ngồi xuống và người quay phim hướng ống kính vào nàng. Roderick Marshall đứng ngoài khuôn hình.
– Cô sẵn sàng chưa?
– Rồi.
– Tốt. Hãy thả lỏng. Cô sẽ thành công thôi. Máy. Diễn.
– Chào cô.
– Chào ông.
– Nghe nói cô là một người mẫu?
Rachel mỉm cười.
– Vâng.
– Cô bắt đầu công việc như thế nào?
– Năm đó tôi mười lăm tuổi. Ông chủ của một hãng người mẫu nhìn thấy tôi ở quán ăn với mẹ tôi, ông ta lại nói chuyện với bà và vài ngày sau tôi trở thành người mẫu.
Cuộc đối thoại kéo dài mười lăm phút và Rachel tỏ ra khá thoải mái.
– Cắt! Tuyệt vời! Roderick Marshall trao cho nàng một kịch bản phân cảnh ngắn. Chúng ta nghỉ giải lao.
Cô đọc cái này đi. Khi nào sẵn sàng, hãy bảo tôi và chúng ta sẽ tiến hành. Cô có khả năng lắm, Rachel.
Rachel đọc kịch bản. Đó là cảnh một bà vợ yêu cầu chồng mình ly hôn. Cô đọc lại lần nữa.
– Tôi sẵn sàng.
Rachel được giới thiệu với Kevin Webster, người sẽ diễn xuất cùng mình – một chàng tuổi trẻ đẹp trai theo kiểu Hollywood.
– Tốt, Roderick Marshall nói. Vào việc thôi. Máy. Diễn.
Rachel nhìn Kevin Webster:
– Sáng nay em đã nói chuyện với luật sư, Cliff.
– Anh có nghe nói. Nhẽ ra em nên nói với anh trước chứ?
– Em đã nói chuyện đó với anh rồi. Em đã nói với anh từ năm ngoái. Hôn nhân của chúng ta không còn nữa. Anh đã không nghe em, Jeff!
– Cắt! Roderick nói. Rachel, anh ta tên là Cliff.
Rachel nói với vẻ xấu hổ:
– Tôi xin lỗi.
– Làm lại nhé. Take hai.
Cảnh này đúng là nói về Jeff và mình, Rachel nghĩ.
Hôn nhân của mình đã không còn nữa. Làm sao chúng ta có thể như thế? Chúng ta sống những cuộc sống riêng biệt. Chúng ta hiếm khi được gặp nhau. Chúng ta đều gặp những con người hấp dẫn mà không thể quan hệ chỉ vì một tờ giấy giá thú đã từ lâu không còn ý nghĩa.
– Rachel?
– Tôi xin lỗi.
Cảnh quay lại bắt đầu.
Vào lúc kết thúc công việc, cô đã đưa ra hai quyết định: Cô không thuộc về Hollywood. Và cô muốn li dị…
Giờ đây, nằm một mình ở Rio, lên cơn sốt và kiệt sức Rachel nghĩ:
– Mình đã sai lầm. Mình không nên, không bao giờ nên li dị Jeff.
***
Lúc Kemal tan học vào ngày thứ ba, Dana dẫn nó đến gặp ông bác sĩ. Cánh tay giả này trông như thật hoạt động rất tốt, nhưng Kemal hãy còn khó khăn để quen thuộc với nó, cả về khía cạnh vật chất lẫn tâm lý.
– Cháu sẽ có cảm giác là phải gắn với một vật thể xa lạ, ông ta giải thích với Dana. – Công việc của chúng tôi là làm cho cháu chấp nhận nó như một phẩn của cơ thể mình. Cháu sẽ phải quen với việc mình có hai tay như trước kia. Thường là giai đoạn này mất từ hai đến ba tháng. Tôi phải nhắc nhở cô rằng đây sẽ là quãng thời gian rất khó khăn đấy.
– Chúng tôi sẽ cố gắng vượt qua, Dana quả quyết.
Nhưng mọi chuyện không phải dễ đến thế. Sáng hôm sau Kemal ra khỏi phòng mà không có cánh tay giả.
– Cháu xong rồi.
Dana ngạc nhiên nhìn nó.
– Cánh tay đâu, Kemal?
Kemal bướng bỉnh giơ tay trái lên.
– Nó vẫn ở đây.
– Cháu biết cô muốn nói gì mà. Cánh tay giả đâu?
– Khó chịu lắm. Cháu sẽ không đeo nó nữa.
– Cháu sẽ quen với nó thôi. Cô thề đấy. Cháu phải cho mình một cơ hội chứ. Cô sẽ giúp cháu…
– Không ai giúp được cháu hết. Cháu là một thằng què.
***
Dana lại đến gặp thanh tra Marcus Abrams. Khi nàng bước vào, ông ta đang ngồi hoàn tất các báo cáo.
Marcus Abrams ngước mắt lên với vẻ cau có.
– Cô có biết tôi ghét cái công việc khốn kiếp này ở điểm nào không? Ông ta chỉ vào đống giấy tờ. Đây này. Tôi chỉ có thể suốt ngày lê la ngoài phố bắn giết mà thôi. Ồ, tôi quên mất. Cô là phóng viên phải không? Đừng trích dẫn những gì tôi nói nhé.
– Quá muộn rồi.
– Và hôm nay tôi có thể giúp gì cho cô, cô Evans?
– Tôi đến hỏi về vụ Sinisi. Đã khám tử thi chưa?
– Như thường lệ thôi mà, ông ta lấy từ ngăn kéo bàn ra mấy tờ giấy.
– Có gì đáng nghi không?
Nàng nhìn thanh tra Abrams xem qua bản báo cáo.
– Không có chất cồn… không ma tuý… không. Ông ta ngước lên. Có vẻ như người phụ nữ này chán nản và đi đến quyết định kết liễu đời mình. Thế thôi!
– Thế thôi, Dana nói.
Tiếp theo Dana sang văn phòng của thanh tra Phoenix Wilson.
– Chào thanh tra Wilson.
– Cơn gió nào thổi cô đến đây thế?
– Không biết có tin tức gì mới về vụ ám sát Gary Winthrop không nhỉ?
Thanh tra Wilson thở dài và đưa tay lên gãi mũi.
– Chẳng có cái quái gì cả. Tôi đã nghĩ rằng đến lúc này thì một trong những bức tranh đó sẽ phải xuất hiện rồi. Đó là thứ mà chúng tôi đang trông chờ.
Dana định nói: “Tôi sẽ không nghĩ thế nếu tôi là ông”, nhưng nàng kìm lại.
– Không có bất kỳ manh mối nào sao?
– Không hề. Bọn khốn nạn đó đã biến mất tăm tích. Chúng tôi không xử lý nhiều vụ trộm cắp các tác phẩm nghệ thuật nhưng tôi biết tất cả đều có những quy luật nhất định. Đó là vấn đề đáng ngạc nhiên.
– Ngạc nhiên?
– Ừ. Vụ này thì lại khác.
– Khác… thế nào?
– Bọn tội phạm nghệ thuật không giết những người không có vũ trang, và cũng không có lý do gì để chúng hạ sát Gary Winthrop một cách tàn nhẫn như vậy.
– Ông ta dừng lại. Cô có hứng thú đặc biệt với vụ này đấy nhỉ?
– Không, Dana nói dối. Chỉ là tôi tò mò thôi. Tôi…
– Được rồi, thanh tra Wilson nói. Cứ giữ liên lạc nhé.
***
Kết thúc cuộc họp trong văn phòng tướng Booster ở tổng hành dinh FRA, ông ta quay sang Jack Stone và hỏi:
– Con mụ Evans hiện đang làm cái gì?
– Cô ả đi các nơi hỏi thăm tin tức, nhưng tôi nghĩ cũng không có hại gì. Không phải bất cứ chỗ nào cô ta cũng có thể đến được.
– Tôi không muốn thấy nó cứ rình mò lung tung. Bảo nó thôi ngay cái trò đó đi.
– Khi nào thì ông muốn làm việc này?
– Hôm qua.
***
Dana đang chuẩn bị cho bản tin tiếp theo thì Matt Baker đi vào và ngồi phịch xuống ghế.
– Tôi vừa nhận được một cú điện thoại liên quan đến cô.
Dana nhẹ nhàng nói:
– Người hâm mộ không thể chịu được tôi nữa à?
– Chỉ riêng người này không thể chịu nổi cô.
– Ồ?
– Cú điện thoại từ FRA. Họ yêu cầu cô ngừng điều tra vụ Taylor Winthrop. Không chính thức. Như lời họ nói thì đây chỉ là một lời khuyên tử tế. Có vẻ như họ muốn cô quan tâm đến công việc của mình nhiều hơn.
– Thế à? Dana nói. Chuyện này làm ông thắc mắc phải không? Tôi không lui bước chỉ vì một vài quan chức Chính phủ muốn tôi làm thế đâu. Sự việc bắt đầu ở Aspen, nơi Taylor và vợ bị chết trong đám cháy. Vậy thì tôi sẽ đến đó trước. Và nếu có phát hiện gì ở đó thì đây sẽ là một sự khởi đầu tuyệt vời cho Đường dây tội ác.
– Cô cần bao nhiêu thời gian?
– Khoảng một đến hai ngày.
– Vậy hãy đi đi.
Chú thích: Ý anh ta là không có bà con gì với Henry Ford người sáng lập ra hãng xe Ford nổi tiếng thế giới