Ở ngã ba quan đạo, một bên là lối dẫn đến Hoài Nam với một cánh rừng
chạy dọc theo suốt con đường, lối còn lại là một sơn đạo thoạt nhìn qua
đã biết đó là lối đi gập ghềnh sỏi đá.
Và lối sơn đạo đó do không thể phóng tầm nhìn xa tít mắt, đủ biết đó là lối đi khúc khủyu cam go.
Dù vậy hai bên sơn đạo hôm nay không hiểu sao bỗng xuất hiện khá nhiều người.
Những người này tuy có dáng vẻ khẩn trương nhưng họ lại không phải bọn
liệp hộ đang tụ tập lại để chuẩn bị một chuyến săn thú rừng quy mô.
Minh định được điều này là do không ai trong họ mang theo cung tên, khí giới hữu hiệu để săn thú.
Quái lạ! Vậy phải có nguyên do để họ tụ tập ở một nơi heo hút này. Là nguyên do nào?
Thần sắc khẩn trương của họ chợt khẩn trong hơn khi có những âm thanh lạ tai vang lên từ quan đạo phía trước, đoạn sắp dẫn đến ngã ba vừa nói.
Cạch! Sột!
Cạch! Soạt!
Trong họ chợt có tiếng xì xào :
– Là hắn?
Chỉ là một câu nghi vấn ngắn gọn nhưng lại có tác dụng to tát.
Không ai bảo ai, những kẻ đang tụ tập nơi đây đều âm thầm chuẩn bị khí giới.
Nếu là đao, họ trầm trong đưa về phía trước, hướng thanh đao chúc xuống dưới nền đường.
Nếu là kiếm họ nhẹ nhàng nâng lên cao, thủ trước mặt. Còn những ai không dùng khí giới thì song thủ cũng bắt đầu run run, chứng tỏ họ đang dồn
khí lực vào đó.
Những thái độ mang tính chuẩn bị này cho thấy họ tuy không săn thú nhưng cũng là thái độ của những kẻ đi săn. Họ săn người! Người nào?
Ở Cạch! Sột!
Cạch! Soạt!
Những âm thanh lạ tai vang đến ngày càng lúc càng gần.
Với khoảng cách gần như thế có người thử thò đầu nhìn.
Không để lộ bất kỳ hình tích nào người nọ vừa đưa đầu ra lập tức rụt lại với một nụ cười lạnh trên môi.
Người này chợt gật đầu với những ai đang chờ đợi kết quả của cái nhìn dò xét.
– Đúng là hắn!
Sự khẩn trương lập tức dâng lên đến đỉnh điểm. Nhưng tất cả chỉ dừng lại ở đó với những tiếng lào thào nói vào tai nhau.
– Đừng manh động. Cứ theo bố trí, hãy chờ cánh bên kia ra mặt đã xem diễn biến thế nào!
Cánh bên kia?
Hóa ra không riêng lối sơn đạo có người mai phục? Và cánh bên kia, phải
chăng muốn ám chỉ ở khu rừng chạy dọc suốt con đường dẫn đến Hoài Nam
cũng có mai phục?
Là ai mai phục?
Không biết!
Đến như chủ nhân của những âm thanh lạ tai kia cũng không thể biết rằng
chính y đang là đối tượng của một cuộc săn đuổi vô tiền khoáng hậu.
Y vẫn thản nhiên tay chống kiếm chống chân lê bước, đi vào lối dẫn đến Hoài Nam.
Cạch! Sột!
Cạch! Soạt!
Những bước chân khó nhọc của y bất ngờ bị chận lại bởi những bóng nhân
ảnh thấp thoáng và những tiếng niệm Phật không ngờ được vang lên ở đây.
– A di đà Phật!
Vút! Vút! Vút!
Thoáng bất ngờ chủ nhân của những âm thanh lạ tai bắt đầu nhìn sững vào những vị tăng nhân vừa xuất hiện ngăn lối.
Chờ y hỏi, không nghe y hỏi, một vị tăng nhân có niên kỷ xấp xỉ thất tuần đành phải lên tiếng :
– A di đà Phật! Thí chủ cho hỏi tôn tính đại danh của thí chủ là gì?
Ánh mắt của người bị hỏi, sau một thoáng vô hồn bỗng trở nên thích thú.
Cùng với ánh mắt đó, người bị hỏi đột nhiên hỏi lại :
– Trước khi đáp ta muốn minh bạch một điều, phải chăng đại sư luôn hỏi tính danh của bất kỳ ai tình cờ đi ngang qua đây?
Vị tăng nhân không hề chớp mắt :
– A di đà Phật! Điều tối kỵ của người xuất gia là không được vọng ngữ.
Thú thật bần tăng chỉ hỏi như thế đối với riêng thí chủ mà thôi.
Vẫn chống kiếm để giữ cân bằng cho đôi chân vốn khập khiễng, y gật đầu :
– Rất minh bạch. Vậy trước khi hỏi, dường như đại sư đã được báo trước tại hạ là ai?
Vị tăng nhân khẽ chớp mắt :
– Không sai! Và nếu bần tăng được tin báo không lầm, thí chủ chính là Cơ Thạch, di tử của Cơ Vĩnh Khoái Kiếm?
Ánh mắt của Cơ Thạch lại lóe lên tia nhìn thích thú :
– Tin này hoàn toàn không lầm! Nhưng không biết người đưa tin cho đại sư là ai? Và người đó sao không xuất hiện? Mong đại sư minh thị!
Đối với những nghi vấn liên quan đến người đưa tin, dường như vị tăng nhân cố tình lẩn tránh.
Điều đó được minh chứng qua câu lục vấn kế tiếp của vị tăng nhân, với đề tài bỗng được chuyển đổi :
– A di đà Phật! Cho hỏi phải chăng thí chủ đang có ý định đi đến Hoài Nam?
Cũng không muốn hỏi lại những câu đã bị vị tăng nhân cố tình lẩn tránh, Cơ Thạch gật đầu :
– Tin này hoàn toàn xác đáng. Đúng vậy! Tại hạ quả có ý định đó.
Vị tăng nhân vô tình không nhận ra câu gán ép của Cơ Thạch. Và thế là Cơ Thạch đã rõ cũng chính người đưa tin đã cáo giác hướng đi của chàng cho vị tăng nhân biết.
Vị tăng nhân bỗng hít mạng một hơi thanh khí :
– Và thí chủ muốn đến Phong Nguyệt trang?
Cơ Thạch vừa gật đầu vừa liền nói luôn một thôi dài :
– A di đà Phật! Sáu năm trước chính lệnh tôn cũng theo lối này đi đến
Phong Nguyệt trang. Sau dó không những chỉ riêng Phong Nguyệt trang, cả
tam trang Phong Vân, Phong Nguyệt, Phong Tuyết đều bị hủy diệt. Lần đi
này của thí chủ thật ra có ý gì? Tìm những người đã chết hay hy vọng tìm thấy người còn sống?
Không hề lầm kế của vị tăng nhân vì bảo tìm người đã chết thì phi lý,
bảo tìm người còn sống phải chăng Cơ Thạch muốn trảm thảo trừ căn?
Do đó, Cơ Thạch bỗng cười vang :
– Thiện Duyên! Lão không cần phải dài dòng rào trước đón sau nữa. Thật
không ngờ cho đến nay lão vẫn quan tâm muốn tìm hiểu những gì có liên
quan đến ánh Tử Quang như sáu năm trước đã quan tâm! Việc tại hạ đi đâu, đến đâu và dừng ở đâu, đó là việc riêng của tại hạ. Lão đừng hỏi, vô
ích! Nếu giữa chúng ta không còn gì để nói, đại sư, xin nhường đường.
Vị tăng nhân chính là Thiện Duyên và Thiện Duyên bỗng trầm giọng :
– A di đà Phật! Bần tăng sẽ nhượng đường nếu thí chủ ngay bây giờ khai báo rõ sư thừa.
Cơ Thạch nheo mắt :
– A! Tại hạ hiểu rồi. Hóa ra đại sư không vì Phong Nguyệt trang cũng
không vì ánh Tử Quang năm nào. Là đại sư chỉ muôn biết sư thừa của tại
hạ?
Thiện Duyên gật đầu :
– Đúng vậy! Chủ ý của bần tăng chỉ có thế.
Cơ Thạch cười nhẹ :
– Gia phụ có danh là Khoái Kiếm. Và xuất xứ sư thừa của gia phụ có lẽ
đại sư cũng rõ. Đại sư hỏi sư thừa của tại hạ phải chăng là câu hỏi
thừa?
Thiện Duyên cao giọng :
– Dù biết là thừa bần tăng mong thí chủ ngoan ngoãn nói ra.
– Nói ra thì sao? Không nói thì sao?
Thiện Duyên quắc mắt :
– Thí chủ nên nói thì hơn. Bần tăng không ngại nói thẳng, thí chủ không nói là tự chuốc họa vào thân.
Cơ Thạch kêu lên :
– Chuốc họa? Đạo lý gì vậy đại sư?
Rồi không để Thiện Duyên lên tiếng, Cơ Thạch bỗng thở dài :
– Thôi được. Nếu là vậy tại hạ xin nói sư thừa của tại hạ có liên quan đến sư thừa của gia phụ. Như vậy đủ chưa?
Thiện Duyên nghi ngờ :
– Thí chủ nói thật?
Cơ Thạch gật đầu :
– Không còn gì thật hơn?
Thiện Duyên chép miệng :
– Lời nói kém thành thật này của thí chủ khiến bần tăng khó xử.
– Khó xử ư? Sao lại khó xử?
Thiện Duyên bỗng lùi lại :
– A di đà Phật! Bần tăng đành dùng biện pháp khác để tìm hiểu sư thừa
của thí chủ vậy! Duyên Hoàng! Hãy lãnh giáo vài cao chiêu của Cơ thí
chủ.
Trong hàng ngũ những tăng nhân đứng phía sau, Duyên Hoàng là người có niên kỷ chưa đến tam tuần liền nhấc thiền trượng lao đến.
Vút!
Dừng lại cách Cơ Thạch nửa trượng, Duyên Hoàng thủ lễ khách sáo :
– Cơ thí chủ! Bần táng nhận lệnh dụ phải hầu giá. Mong thí chủ lượng thứ!!
Vù…
Đoán biết rõ ý đồ của Thiện Duyên, Cơ Thạch cười nhẹ với Duyên Hoàng :
– Đại sư nói qua rồi. Chính tại hạ mới mong đại sư lượng thứ. Xem kiếm!
Véo…
Thiền trượng nặng nên chiêu thức rất trầm trọng thế nhưng Cơ Thạch vẫn thản nhiên đưa thẳng, kiếm vào bóng trượng.
Choang!
Kiếm và trượng chạm nhau tạo lên tiếng ngân dài. Và người phải hồi bộ do bị chấn kình tác động chính là Duyên Hoàng đại sư.
Thiện Duyên bỗng nhăn mặt :
– Nội lực của Duyên Hoàng kém xa đối phương. Duyên Hạnh, Duyên Giác, hai ngươi lên đi.
Với mệnh lệnh này hai vị tăng nhân khác cùng trạc tuổi Duyên Hoàng, lập tức cử thiền trượng xông ra :
– Cơ thí chủ xin thứ lỗi!
– Tiếp trượng!
Vù…
Vù…
Bị ba ngọn thiền trượng cùng một lúc vây hãm Cơ Thạch vẫn ung dung cười :
– Chư vị bất tất phải nhân nhượng. Cẩn trọng! Tại hạ cũng không hề nhân nhượng! Đỡ!
Véo… Véo…
Với kiếm chiêu cố tình phát nhanh, Cơ Thạch lần lượt điểm vào thân pháp của ba ngọn thiền trượng.
Choang! Choang! Choang!
Cùng với ba tiếng ngân vang là ba bóng nhân ảnh bị chấn lùi.
Thiện Duyên như bất ngờ trước kết quả này, vội hô hoán :
– Hảo nội lực! Thiện Nhân! Tam sư đệ lên đi.
Nhưng Thiện Nhân chưa kịp động thân, tiếng quát đanh giọng của Cơ Thạch bỗng vang lên :
– Mau buông!
Choang!
Choang! Choang!
Tiếng ngân vang lần này không phải do kiếm và trượng chạm nhau. Mà là do ba ngọn thiền trượng rơi nặng nề xuống đất tạo thành.
Thiện Duyên động nộ khi nhìn thấy ba đệ tử Duyên Hoàng, Duyên Hạnh và
Duyên Giác đang dùng tay này chộp vào uyển mạch của tay kia. Họ đều bị
Cơ Thạch dùng kiếm thích vào uyển mạch, buộc họ phải buông rơi thiền
trượng.
Thiện Duyên quát :
– Nhanh lên nào, Thiện Nhân!
Vút!
Thiện Nhân vừa lao lên vừa niệm Phật :
– Bần tăng xin được chỉ giáo! A di đà Phật!
Vù… Vù…
Phát hiện Thiện Nhân đại sư đang thi thố chưởng lực uy mãnh, Cơ Thạch bật quát :
– Hảo chưởng pháp! Xem kiếm!
Véo…
Là sư đệ của một Phương trượng Chưởng môn, Thiện Nhân đương nhiên có nội lực vượt trội bọn Duyên Hoàng.
Do đó sau tiếng chấn kình, chính Thiện Nhân là người chủ động xông vào lần thứ hai :
– Kiếm pháp của thí chủ như chưa phải Khoái Kiếm của lệnh tôn? Đỡ!
Ào… Ào…
Cơ Thạch lạnh giọng :
– Phải chăng đại sư đợi đến lúc bị kiếm thương mới biết thế nào là Khoái Kiếm? Đỡ!
Véo…
Ầm!
Thiện Nhân lại xông lên lần thứ ba :
– Hãy xem Tán Hoa Kim Cang chỉ!
Viu… Viu…
Bỗng dưng Thiện Nhân đổi chưởng sang chỉ kình.
Cơ Thạch vội bật tung người lên cao :
– Đại sư quyết liệt đến thế sao? Càng tốt! Đỡ!
Tả kình của Cơ Thạch lập tức vẫy ra hất ra một lực đạo mang theo hàn khí lạnh toát.
Vù… Vù…
Phát hiện Cơ Thạch buộc phải dùng chưởng, Thiện Duyên đại sư lập tức căng mắt nhìn và Thiện Duyên phải kinh nghi kêu lên :
– Sao lại là chưởng này?
Cũng kêu như vậy, Thiện Nhân càng thêm thất sắc khi phát hiện Tán Hoa
Kim Cang chỉ như không đủ lực vượt qua bóng chưởng dày đặc của Cơ Thạch :
– Sao là công phu này? Nào phải là công phu kia?
Tuy thừa biết tại sao Thiện Nhân phải kêu như thế, Cơ Thạch không những không giải thích mà còn bất ngờ hất kiếm lao đến :
– Đến lượt tại hạ phải lãnh giáo cao chiêu của đại sư. Đỡ!
Véo… Véo…
Nhìn ánh kiếm lia đến thật nhanh, Thiện Nhân vội vàng thối lùi, hết trượng này đến trượng khác.
Vút!
Như âm hồn bất tán, kiếm của Cơ Thạch vẫn tiếp tục bức dồn Thiện Nhân.
Véo…
Phẫn nộ vì hành vi đang muốn lấy mạng Thiện Nhân của Cơ Thạch, Thiện Duyên ở bên ngoài lập tức xông vào :
– Chớ quá bức người! A di đà Phật! Hãy đỡ!
Vút!
Vù… Vù…
Không hề giấu nụ cười đắc ý, Cơ Thạch bất ngờ chuyến hướng, lao cả người lẫn kiếm vào Thiện Duyên :
– Đại sư hãy cẩn trọng!
Véo…
Ầm!
Không thể ngờ Cơ Thạch lại có phản ứng nhanh như vậy, Thiện Duyên tuy
không bị chấn lùi nhưng vì hoang mang nên toàn thân có phần bị chững
lại.
Cơ Thạch lập tức quát :
– Đao kiếm vốn vô tình. Đại sư! Đỡ!
Đến lượt Thiện Duyên bị ánh kiếm chớp lóe ngay vào người. Thiện Duyên đành hồi bộ, như khi nãy Thiện Nhân cũng đã hồi bộ.
Vút!
Nhưng, với nụ cười đắc ý vẫn nở trên môi, Cơ Thạch lao bám nhanh hơn Véo…
Phập!
Thân pháp của Cơ Thạch lần này nhanh hơn lần đeo bám Thiện Nhân, đó là điều Thiện Duyên hoàn toàn không ngờ.
Vì không ngờ nên Thiện Duyên không thể tránh kịp kiếm chiêu của Cơ Thạch.
Kết quả Thiện Duyên bị kiếm của Cơ Thạch rạch toạt một đường dài, dọc theo chiều dài của cánh tay hữu.
Bị kiếm thương, Thiện Duyên giận dữ quát :
– Không cần phải nhân nhượng nữa? Mau phát động La Hán trận lấy mạng ác đồ Cơ Thạch.
Tất cả những tăng nhân cùng xuất hiện với Thiện Duyên, đếm đi đếm lại có đúng chín người. Vừa nghe lệnh của Thiện Duyên, cả chín người cùng lao
ra.
Vút! Vút!
Cùng lúc đó, ở phía có sơn đạo chợt vang lên nhiều tiếng quát. Và những tiếng quát này hầu như mang hai ý nghĩa trái ngược nhau.
Người thì quát :
– Dừng tay!
Kẻ thì hô hoán :
– Nhanh lên! Đừng để tiểu tử thoát!
Vút! Vút!
Nhìn những nhân vật vừa xuất hiện, Cơ Thạch bỗng cao ngạo cười :
– Không ngờ Võ lâm Thất đại phái đều có mặt. Hay lắm! Ha… ha… Hay lắm!
Bất chấp những nhân vật được Cơ Thạch gọi đích danh là Võ lâm Thất đại phái đang lũ lượt xuất hiện, Thiện Duyên vẫn gào to :
– Cứ lập trận La Hán.
Đến lúc này Cơ Thạch mới vận toàn lực quát lên thật to :
– Dừng tay!
Tiếng quát hàm chứa nguồn nội lực kinh nhân của Cơ Thạch ngay lập tức
làm cho mọi người đương nhiên phải đứng lại, kể cả chín vị tăng nhân do
Thiện Nhân dẫn đầu định sắp bày La Hán trận vây hãm Cơ Thạch cũng phải
dừng lại.
Không để mọi người kịp trấn tĩnh, Cơ Thạch cứ lồng lộng lên tiếng :
– Nếu sáu năm trước tại hạ không dám nói thì bây giờ trước mặt chư vị đây, tại hạ xin nói.
Đưa tay chỉ vào Thiện Duyên sau đó là Thiện Nhân, Cơ Thạch nói rành rọt :
– Song thân của tại hạ chính là do hai lão khẩu Phật tâm xà này hãm hại. Kể cả Thiện Ngộ tăng cũng có phần.
Nhìn thấy Thiện Duyên và Thiện Nhân mấp máy môi định nói, Cơ Thạch quát lớn :
– Hôm nay có cao xanh minh chứng, Cơ Thạch mỗ quyết báo thù cho thân
sinh phụ mẫu. Những đệ tử khác của phái Thiếu Lâm nếu không tin có thể
về hỏi lại Thiện Ngộ.
Dứt lời bất kể những vị tăng nhân đang đứng xung quanh Cơ Thạch ung dung đi những bước đi khập khiễng về phía Thiện Nhân.
Sợ hãi Thiện Nhân lùi dần.
Trong khi đó Thiện Duyên bất ngờ hô hoán :
– Lời phiến diện của tiểu tử là lời không đáng tin. Bần tăng và Cơ Vĩnh
vô thù vô oán nhất định chuyện này là do tiểu tử bịa đặt.
Cơ Thạch cười lớn :
– Thật không ngờ một kẻ xuất gia như lão lại dám ngoa ngôn xảo ngữ. Nếu
biết trước như vậy, kiếm vừa rồi, lão đâu thể toàn mạng. Ác tăng! Lần
này đố lão thoát chết! Đỡ!
Vút!
Cơ Thạch chưa kịp xuất kiếm bất ngờ có bóng người ngăn lại :
– Cơ thiếu hiệp hãy chậm đã!
Cơ Thạch lừ mắt nhìn nhân vật đó :
– Hóa ra là Chưởng môn phái Điểm Thương. Quách chưởng môn có điều gì cần chỉ dạy?
Quánh Phú vốn có dáng vẻ của một văn nhân nên lời lẽ thật ôn tồn :
– Chỉ dạy thì không có. Nhưng để minh định một Chưởng môn của một đại
phái là kẻ sát nhân ta nghĩ thiếu hiệp cần phải có bằng chứng xác đáng.
Cơ Thạch lạnh giọng :
– Chính mắt tại hạ nhìn thấy chưa đủ bằng chứng sao?
Huệ Tâm sư thái, Chưởng môn của phái Nga Mi chợt bước ra :
– Nam mô di đà Phật! Bần ni e rằng ở đây như có điều gì ngộ nhận.
Cơ Thạch khinh khỉnh nhìn Huệ Tâm sư thái :
– Điều gì là ngộ nhân, điều gì không? Sao sư thái không nói rõ hơn?
Huệ Tâm sư thái như không quan tâm đến thái độ miệt thị của Cơ Thạch :
– Thiếu Lâm phái là một danh môn chánh phái, không những thế còn là thái sơn bắc đẩu của võ lâm. Hành vi trước giờ của Thiếu Lâm luôn vì sự tồn
vong của giang hồ. Như hôm nay chẳng hạn.
Cơ Thạch cười nhẹ :
– Hôm nay thì sao? Phải chăng Thiếu Lâm phái vì cho tại hạ là đại ma đầu nên hiệu triệu Thất đại phái cùng xuất hiện?
Bất chợt có tiếng quát xen vào :
– Không sai! Tiểu tử ngươi tuy chưa là đại ma đầu nhưng điều đó trước sau gì cũng xảy ra.
Cơ Thạch xạ tia mắt lạnh lùng nhìn nhân vật vừa nói :
– Nếu tại hạ nhớ không lầm tôn giá chính là Ưng Trảo Nhiếp Hồn Bạch Điền Quang là Chưởng môn Không Động phái?
Bạch Điền Quang hùng hổ tiến đến :
– Chính ta! Nếu sáu năm trước không vì Điểm Thương, Nga Mi nhị phái ngăn cản, khi đó ngươi đã chết. Đến lúc này Thất đại phái nào lo, vì biết
ngươi là kẻ luyện được sở học Cổ Huyết thành?
Cơ Thạch nheo mắt nhìn lão Bạch :
– Cổ Huyết thành? Sao bỗng dưng lão đề cập đến Cổ Huyết thành?
Bạch Điền Quang cười lớn :
– Theo thông tin bọn ta thu thập, đã có người nhìn thấy ngươi vận dụng
Bạch Thạch Thiên Thủ, là công phu của Cổ Huyết thành. Ngươi không dám
thừa nhận sao? Ha… ha…
Cơ Thạch không hề dao động, một cái chớp mắt cũng không :
– Tin đó do đâu mà có? Nghĩ lại, từ lúc xuất đạo cho đến bây giờ tại hạ
chỉ mới hai lượt cùng người động thủ và đều là người của hắc đạo Hoài
Giang. Từ lúc nào Thất đại phái liên minh với hắc đạo?
Quách Phú chợt nghi hoặc :
– Thiếu hiệp nói thật chứ?
Đưa mắt nhìn qua Thiện Duyên đại sư, Quách Phú lộ ý nghi ngờ :
– Thất đại phái biết tin là do Phương trượng cho người thông báo. Quách
mỗ mạn phép hỏi phải chăng đó là tin có từ bọn Tạ Linh Oai?
Thiện Duyên bỗng chắp tay niệm Phật :
– A di đà Phật! Lúc nhận được tin bần tăng có hứa là sẽ giữ kín thân phận của người đưa tin. Quách chưởng môn xin lượng thứ.
Du Hoàng Vân, Chưởng môn Côn Luân phái bỗng lăm lăm kiếm xăm xăm tiến đến :
– Bất luận kẻ đưa tin là ai, tà hay chánh một khi tiểu tử đã là truyền
nhân của Cổ Huyết thành, chúng ta không việc gì phải tha thứ y.
Chưởng môn Hoa Sơn phái, Trác Thiện Hữu cùng lên tiếng phụ họa :
– Rất có thể ánh Tử Quang năm xưa có liên quan đến môn công phu đã bị Cổ Huyết thành bốn mươi năm trước chiếm đoạt. Trước khi giết tiểu tử, Trác mỗ nghĩ chúng ta cần phải tra hỏi để biết rõ tung tích của môn công phu đó.
Nghĩ thế một vị đạo nhân lộ vẻ kinh hoàng kêu lên :
– Trác chưởng môn muốn nói Tử Khí Tam Ngươn chưởng ở Quan Vũ miếu Mạnh gia?
Trác Thiện Hữu có phần do dự :
– Vô Lượng đạo trưởng thử nghĩ xem, nếu ánh Tử Quang kia không liên quan đến Cổ Huyết thành, tại sao bây giờ tiểu tử nghiễm nhiên là người của
Cổ Huyết thành?
Vô Lượng đạo trưởng hoang mang :
– Suy diễn của Trác chưởng môn như có phần miễn cưỡng. Thân thủ của Cơ
Thạch như chúng ta đã lẻn nhìn thấy nào phải công phu Cổ Huyết thành? Và nếu là có đi nữa, từ ánh Tử Quang kia bỗng suy đến công phu Tử Khí Tam
Ngươn chưởng, bần đạo e không hoàn toàn đúng.
Phát hiện Cơ Thạch cứ đứng yên với sắc thái trầm tư kỳ lạ, Huệ Tâm sư thái chợt hỏi :
– Nam mô A di đà Phật! Kiếm của Cơ thí chủ tuy không giống lắm với Khoái Kiếm Cơ Vĩnh từng thi triển, nhưng chưởng hàn khí kia lại không phải
Bạch Thạch Thiên Thủ của Cổ Huyết thành. Cơ thí chủ cho hỏi, lệnh sư
thật sự là ai?
Nghe gọi Cơ Thạch giật mình :
– Sư thái gọi tại hạ?
Du Hoàng Vân bĩu môi :
– Ngươi đừng giả vờ nữa! Là nam nhi đại trượng phu cần phải quang minh
lỗi lạc. Nếu ngươi đúng là truyền nhân của Cổ Huyết thành, sao ngươi
không thừa nhận?
Cơ Thạch đưa cao thanh kiếm :
– Nếu Cổ Huyết thành đã từng thành danh nhờ kiếm pháp, không sai tại hạ sẽ nhận điều đó.
Nhìn thấy lão họ Du có phần đắc ý vì ngỡ Cơ Thạch nói như thế là đã thừa nhận, Cơ Thạch vội nói thêm :
– Và nếu là vậy các phái có dùng kiếm như Nga Mi, Võ Đang, Hoa Sơn và qúy phái Côn Luân có lẽ cùng là người Cổ Huyết thành.
Không ngờ bị Cơ Thạch đem ra làm trò đùa Du Hoàng Vân động nộ :
– Ngươi dám đem tính mạng ngươi ra làm trò đùa sao? Đáng chết! Đỡ!
Véo… Véo…
Bất ngờ bị Du Hoàng Vân công kích Cơ Thạch lạnh giọng :
– Đã từng nghe Tán Xuyên ngũ Vân Kiếm của phái Côn Luân khá lợi hại. Tại hạ không tự lượng sức, nguyện lĩnh giáo! Đỡ!
Véo…
Công kỳ vô bị, Cơ Thạch lấy nhanh làm đấu pháp chủ đạo, đưa kiếm lao thẳng vào vầng kiếm quang của họ Du.
Choang! Choang!
Tiếng kiếm và kiếm chạm nhau khiến Trác Thiện Hữu phải khâm phục :
– Quả nhiên là Khoái Kiếm danh bất hư truyền. Tiểu tử cẩn thận! Bổn Chưởng môn cũng muốn thử chiêu đây.
Véo… Véo…
Kiếm chiêu của Trác Thiện Hữu vừa xuất hiện, Quách Phú đứng cạnh đó bỗng quát lên :
– Dừng tay!
Và ngọn bút của Quách Phú liền xuất hiện giúp Cơ Thạch hóa giải chiêu kiếm của họ Trác.
Trác Thiên Hữu giận dữ :
– Quách Phú, ngươi có hành vi này vậy là ý gì?
Hóa giải xong chiêu kiếm, Quách Phú bước lùi lại :
– Chính Trác chưởng môn vừa mở miệng khen Khoái Kiếm phải chăng hàm ý Cơ thiếu hiệp không phải người Cổ Huyết thành?
Trác Thiên Hữu lung túng, nói không nên lời :
– Ta…
Huệ Tâm sư thái vội bước ra :
– Đã là vậy, tại sao chúng ta phải xem Cơ thí chủ như công địch võ lâm? Nam mô A di đà Phật!
Du Hoàng Vân do bị Cơ Thạch bức dồn, hậm hực nhảy ra :
– Đã có người nhìn thấy y dùng công phu Bạch Thạch Thiên Thủ. Không lẽ chuyện đó là giả?
Vô lượng đạo trưởng bỗng thở dài :
– Vô lượng thọ Phật! Là thật hay là giả bần đạo cho rằng cần phải hỏi
lại Phương trượng Thiếu Lâm phái xem kẻ đưa tin là ai và lời của kẻ đó
liệu có đáng tin không?
Đưa mắt nhìn quanh, Quách Phú kinh ngạc :
– Thiện Nhân đại sư! Quý Phương trượng vừa mới đây đã đi đâu rồi?
Thiện Nhân chợt có sắc mặt lạnh lùng khó hiểu :
– Tệ phương trương thương thế khá nặng, cần chữa trị ngay. Nếu chư vị
muốn hỏi gì, xin cứ đến tệ tự. Nhất định tệ phái xin hầu đáp. Còn bây
giờ, cáo biệt!
Sau cái vẫy tay, Thiện Nhân và tám vị tăng nhân cùng quay lưng bỏ đi
không hề biết mọi người đang nhìn theo bằng những ánh mắt nghi hoặc.
Không có Thiếu Lâm phái, Bạch Điền Quang bỗng cười dài :
– Hay lắm! Nếu tam phái Nga Mi, Điểm Thương và Võ Đang quyết bênh vực tiểu tử, Bạch mỗ không còn gì để nói. Cáo biệt!
Sau Bạch Điền Quang, Du Hoàng Vân và Trác Thiên Hữu cũng bỏ đi.
Huệ Tâm sư thái bỗng có đôi mắt nhuốm buồn khi nghe Cơ Thạch cao giọng :
– Hành vi của ba phái Võ Đang, Nga Mi và Điểm Thương hôm nay kể ra so
với sáu năm trước cũng phần nào thay đổi. Nếu sau này buộc phải đối đầu, nhất định tại hạ sẽ nghĩ đến và nương tay. Tam vị Chưởng môn, mời. Tại
hạ không tiện đưa tiễn.
Không như thái độ nhẫn nhịn của Huệ Tâm sư thái và Quách Phú, đạo trưởng Vô Lượng bước đi nhưng vẫn cố ném lại cho Cơ Thạch một câu :
– Thiếu hiệp nên biết rằng làm người phải thông suốt đạo lý cang nhu.
Cứng quá dễ gãy, mềm quá dễ đứt. Hãy nhìn lại thái độ của thiếu hiệp sẽ
biết.