Bác Sĩ Zhivago

Chương 31



Một buổi tối cuối tháng mười một, Yuri ở trường đại học về nhà muộn, mệt lử vì từ sáng chưa ăn gì. Người ta cho chàng biết: hôm nay cả nhà bị một phen hoảng hồn vì bà Anna Ivanovna lên cơn co giật. Phải mời mấy vị bác sĩ đến. Lúc đầu, các vị ấy khuyên nên đón linh mục tới cho bà, sau lại thôi. Hiện bà đã tỉnh và thấy dễ chịu hơn, bà dặn lúc nào Yuri về thì bảo đến gặp bà ngay. Yuri vâng lời, tới ngay buồng bà, không kịp thay quần áo.

Căn buồng còn dấu vết cơn hoảng loạn vừa qua. Một nữ y tá đang yên lặng, nhẹ tay dọn dẹp các thứ trên chiếc tủ con ở đầu giường. Những chiếc khăn giấy lau miệng vò nhàu, những chiếc khăn mặt ướt dùng để ấp nước, còn quăng bừa bộn. Nước trong ống nhổ phớt hồng vì có máu, nổi lều bều các mẩu ống tiêm và các túi bông trương nước. Bệnh nhân đầm đìa mồ hôi, đang đưa lười liếm cặp môi khô. Mặt bà hốc hác hẳn so với lúc sáng, khi Yuri chào bà để đến trường.

Yuri nghĩ thầm: “Có lẽ chuẩn bệnh lầm chăng? Đủ mọi triệu chứng của bệnh viêm tiết xơ huyết. Hình như đây là bệnh biến”. Sau khi chào bà Anna, nói vài lời khích lệ chung chung mà người ta vẫn dùng trong trường hợp tương tự, chàng bảo cô y tá lui ra, rồi một tay bắt mạch cho bà Anna, tay kia thò vào túi áo tugiuaca lấy ống nghe bệnh. Bà Anna lắc đầu, ngụ ý khỏi cần, Yuri hiểu rằng bà cần ở chàng việc khác kia. Cố gắng hết sức, bà Anna lên tiếng:

– Họ định làm lễ rửa tội… Cái chết đã chực sẵn… Nó có thể đến bất cứ lúc nào… Khi người ta đi nhổ một cái răng, người ta còn sợ đau, còn chuẩn bị tinh thần. Đằng này không phải một cái răng, mà là toàn bộ thân thể, toàn bộ cuộc đời… sự sống… rắc một cái, rút ra ngoài, như lấy kìm mà nhổ… Nhưng cái đó là gì?… Chẳng ai biết… Nên tôi lo buồn và sợ lắm.

Bà Anna nói đến đấy thì ngừng lời. Nước mắt giàn giụa, Yuri không nói gì. Lát sau, bà nói tiếp:

– Cậu là người có tài… Mà tài năng, thì… phải khác người. Cậu phải biết một cái gì đấy… Hãy nói tôi nghe đi… Cho tôi yên tâm đôi chút.

Yuri đáp:

– Cháu biết nói gì với bà bây giờ?

Chàng cựa mình bối rối, đứng dậy đi vài bước rồi lại ngồi xuống.

– Trước hết, cháu cam đoan với bà rằng ngày mai bà sẽ thấy dễ chịu hơn, có các triệu chứng khiến cháu dám quả quyết như vây. Hơn nữa, cháu sẽ nói về cái chết ý thức, sự hồi sinh… Bà muốn biết quan niệm của cháu về phương diện tự nhiên học? Có lẽ để dịp khác chăng? Không, ngay bây giờ ạ? Vâng, tùy bà. Nhưng có điều phải nói ngay, chưa chuẩn bị trước, thì hơi khó cho cháu.

Và Yuri đã ứng khẩu cả một bài giảng thực sự, mà chính chàng cũng phải lấy làm ngạc nhiên.

– Sự hồi sinh. Dưới dạng thô thiển nhất, như người ta vẫn dùng để an ủi những kẻ hèn yếu, quan niệm ấy xa lạ với cháu. Và những lời Chúa Kitô đã nói về người sống và người chết, cháu luôn luôn hiểu theo nghĩa khác. Người ta sẽ xếp đâu cho hết cái số cơ man bao nhiêu là người dồn lại từ bao nhiêu thiên niên kỷ? Cả vũ trụ cũng chẳng có đủ chỗ chứa họ, khiến chúa Trời, cái Thiện và Lý chí hẳn sẽ phải cuốn gói rút lui, nếu không muốn bị đè bẹp trong cảnh chen chúc tham lam của loài vật. Tuy nhiên, lúc nào cũng có một cuộc sống giống như thế tràn ngập cả vũ trụ, liên tục được đổi mới từng giờ qua muôn vàn cách kết hợp và biến hoá. Như bà đây chẳng hạn, bà vẫn lo lắng tự hỏi liệu bà sẽ có hồi sinh hay không, song thực ra thì bà đã sống lại rồi, ngay khi bà vừa cất tiếng khóc chào đời, mà bà không biết đấy thôi. Khi bà thấy đau, hỏi rằng thể xác có cảm nhận sự suy nhược của nó hay không? Nói cách khác, ý thức của bà sẽ ra sao? Nhưng trước tiên hãy xác định ý thức là gì đã. Chúng ta thử xét xem nào. Muốn dùng ý thức bắt mình ngủ đi, thì chắc chắn sẽ bị mất ngủ. Cố gắng cảm nhận một cách có ý thức sự tiêu hoá của mình, thì sẽ không thoát khỏi căn bệnh rối loạn thần kinh. Ý thức là một độc dược, một phương tiện tự đầu độc đối với ai đem áp dụng nó cho bản thân mình. Ý thức là thứ ánh sáng toả ra bên ngoài, ý thức soi sáng con đường trước mặt để ta khỏi vấp ngã. Ý thức là ánh đèn pha đặt trước đầu máy xe lửa đang chạy. Nếu ai đem quay nó rọi vào trong, tai nạn ắt phải xảy ra.

Vậy ý thức của bà sẽ ra sao? Cháu xin nhắc lại: Ý thức của bà, vâng, của bà. Nhưng bà là cái gì đã chứ? Đấy, tất cả vấn đề là ở đó Ta hãy xem xét. Bà thấy bà là thế nào, bà đã có ý thức về bộ phận nào trong thành phần của mình? Về thận, về gan, về mạch máu? Không, dù bà có cố nhớ lại đến mấy chăng nữa, luôn luôn bà bắt gặp bản thân mình trong các biểu hiện hoạt động, ở bên ngoài, trong những việc do tay bà làm ra, trong gia đình, trong những người khác. Còn bây giờ, xin hãy chú ý lắng nghe. Con người hiện diện trong những người khác, đó chính là linh hồn con người. Đấy, bà là thế đó; đấy là cái mà ý thức của bà suốt đời đã thở, đã ăn, đã uống. Đấy là linh hồn của bà, sự bất tử của bà, cuộc sống của bà trong những người khác Và nếu vậy thì sao? Bà đã sống trong những người khác, thì bà cũng sẽ sống mãi trong những người khác. Và có gì đâu nếu cái đó sau đấy sẽ được gọi là ký ức. Đó vẫn là bà đã đi vào thành phần của tương lai.

Cuối cùng, còn điểm này nữa. Chẳng có gì đáng lo ngại. Không hề có cái chết. Cái chết không phải việc của chúng ta.

Còn vừa rồi bà nhắc đến tài năng. Cái đó là chuyện khác, cái đó là chuyện của chúng ta, đang mở ra cho chúng ta. Và tài năng, hiểu theo nghĩa cao cả và bao quát nhất, chính là món quà của cuộc sống.

Thánh Giăng đã nói: “sự chết sản xuất không có”, và đây bà xem, lập luận của Ngài rất đơn giản. Sự chết sẽ không có, bởi lẽ dĩ vãng đã trôi qua. Cũng gần như Ngài muốn nói rằng: sẽ không có sự chết, bởi vì người ta đã thấy cái đó, cái đó đã cũ và chán ngấy, còn bây giờ cần có cái mới, và cái mới ấy chính là cuộc sống vĩnh cửu.

Yuri đi đi lại lại trong phòng khi nói những lời đó. Chàng bước tới bên giường, đặt tay lên đầu bà Anna và bảo: “Bà hãy ngủ đi!”. Lát sau, bà Arưla đã ngủ say…

Yuri nhẹ chân bước ra, bảo chị hầu phòng Egorovna gọi cô y tá vào buồng trông coi người bệnh. Chàng nghĩ thầm: “Quái lạ mình trở thành một gã dại bịp mất rồi. Mình chữa bệnh bằng cách huyên thuyên và đặt tay lên người bệnh”.

Hôm sau, bà Anna thấy dễ chịu hơn.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.