Bác Sĩ Zhivago

Chương 27



Ngôi nhà của hai anh em Gromeko nằm ở góc phố Sipsep – Vragiec và một con hẻm. Alexandr và Nicolai đều là giáo sư hoá học. Alexandr dạy ở Học viện Petrov, còn Nicolai ở Đại học Tổng hợp. Nicolai sống độc thân, còn Alexandr thì làm bạn với Anna Ivanovna Cruyghe, con gái một kỹ nghệ gia có nhiều xưởng luyện kim và những mỏ quặng bỏ không khai thác nữa vì chẳng mấy lời lãi, trong khu rừng bao la, gần Yuriatin, ở vùng Ural.

Đấy là một ngôi nhà hai tầng. Tầng trên có các phòng ngủ, phòng học, phòng làm việc của Alexandr và thư viện, buồng riêng của Anna Ivanovna, buồng ở của Tonia, của Yuri, còn tầng dưới dùng để tiếp khách. Với những cái màn gió màu xanh, chiếc dương cầm bóng lộn, bể nuôi cá vàng, đồ gỗ màu ôliu và những cây cảnh giống như rong biển, tầng dưới tạo ra ấn tượng một vùng đáy biển xanh xanh với những luồng nước chập chà chập chờn ru ngủ.

Hai anh em Gromeko là những người có học vấn, mến khách, yêu và rất sành âm nhạc. Họ thường mời bạn hữu tới nhà tổ chức các dạ hội âm nhạc thính phòng, trình diễn các tam thanh khúc dành cho pianô, các bản sonat cho vĩ cầm, các tứ thanh khúc cho đàn giây.

Vào tháng giêng năm một ngàn chín trăm lẻ sáu, ít lâu sau ngày cha Nicolai Vedeniapin lên đường ra ngoại quốc, người ta tổ chức một buổi hoà nhạc ở ngôi nhà phố Sipsep – Vragiec. Theo chương trình, sẽ trình diễn một bản sonat mới, soạn cho vĩ cầm, của một nhạc sĩ trẻ thuộc trường phái Taneev và một tam thanh khúc của Traikovski.

Từ hôm trước người ta đã bắt đầu dọn dẹp, kê lại bàn ghế cho rộng chỗ. Ở góc nhà, bác thợ lên giây đàn cứ so đi thử lại hàng trăm lần cùng một nốt nhạc, rồi dạo suốt lượt các phím, nghe như một trận mưa hạt cườm. Trong bếp, người ta vặt lông gà vịt, rửa rau, trộn mù tạc với dầu để làm nước chấm và trộn xà lách.

Hôm đó, mới sáng sớm, bà Sura Sledinghe, bạn thân đồng thời là người được uỷ nhiệm của bà Anna Ivanovna, đã đến quấy rầy mọi người.

Bà Sledinghe gầy và cao, nét mặt cân đối và hơi có vẻ đàn ông, nhang nhác giống mặc Sa hoàng 6, nhất là khi đã vào nhà bà vẫn đội chiếc mũ lông cừu màu xám lệch sang một bên và chỉ vén tấm mạng che mặt lên chút xíu.

Trong những lúc đau buồn và bận rộn, các buổi chuyện trò giữa hai người bạn gái đã giúp cả đôi bên dịu bớt nỗi lòng.

Hai bà nói với nhau những lời lẽ chua chát, mỗi lúc một thêm cay độc, rồi một cơn giông tố nổi lên để rồi kết thúc bằng nước mắt, và hai bên lại làm lành với nhau. Những cuộc cãi cọ thường xuyên ấy làm dịu thần kinh, như những con đỉa làm dịu chứng xung huyết.

Bà Sledinghe đã kết hôn nhiều lần, nhưng vừa ly dị xong bà lập tức quên phăng chồng cũ, chẳng bận tâm gì đến họ nữa, nên trong cách sống bà vẫn giữ được tính linh hoạt lạnh lùng của một phụ nữ cô đơn.

Bà là một nhà thần trí học, nhưng đồng thời cũng thông thạo tất cả các nghi lễ chính thống giáo đến mức trong lúc toute transportée 7 bà không thể không nhắc cho các linh mục những lời họ phải đọc hay hát. “Lạy Chúa nghe thấu lời con”, “Lạy Đấng ở khắp mọi thời”, “Lạy Đấng Thánh trinh bạch” – chốc chốc lại nghe thấy câu nhắc bằng giọng khàn khàn, lắp bắp của bà.

Bà biết cả toán học, thần bí học Ấn Độ, cả địa chỉ của các giáo sư danh tiếng ở Nhạc viện Moskva, biết các cuộc gian díu và lạy Chúa, chuyện gì bà cũng tỏ tường. Bởi vậy, gặp mọi trường hợp khó xử lý trong đời, người ta dều mời bà đến phân xử và chỉ bảo.

Giờ hẹn đã tới, khách lục tục kéo đến: Adelaida Phijipovna, Ghinsơ, gia đình Phupkov, quý ông và quý bà Basuaman, gia đình Vecginski, đại tá Kapeasep. Bên ngoài tuyết đang rơi. Và mỗi khi cửa chính mở ra, một luồng gió tạt qua, những bông tuyết lớn nhỏ bay chéo như một tấm lưởi.

Khách đàn ông từ ngoài trời lạnh bước vào, lê đôi ủng cao, giả bộ bắt chưởc những đứa trẻ cao lớn vụng về và lơ đễnh; còn các bà vợ của họ ở ngoài lạnh lại tươi tỉnh hơn, mặc những chiếc áo lông để hở hai cúc cổ, quàng loại khăn lù xù các sợi tuyết len trên mái tóc hoa râm, thì cứ giả bộ bắt chước những cô ả nhẹ dạ, láu lỉnh và nham hiểm. Khi người nhạc sĩ dương cầm bước vào, vị này mới dược mời tới gia đình lần đầu, – mọi người thì thào: “Cháu ông Kiu đấy”.

Đứng bên phòng khách, nhìn qua hai cửa hông mở sang phòng ăn, người ta thấy một chiếc bàn dài như con đường mùa đông, trên đã bày các món. Đập ngay vào mắt là những tia lấp lánh trên vảy thuỷ tinh của các chai rượu. Các bình dầu, bình dấm để trên những các giá nhỏ bằng bạc trông thật hấp dẫn.

Vẻ quyến rũ các các món thịt rừng và đồ nhắm, những chiếc khăn ăn gấp hình kim tự tháp đặt trên đĩa, những giỏ hoa màu tim hm toả mùi tránh hạnh đào như chọc ghẹo khẩu vị của mọi người. Để khỏi trì hoãn cái giây phút mong đợi tận hưởng những món ăn trần tục, người ta vội thưởng thức luôn món ăn tình thần. Ai nấy đã yên vị trên các dãy ghế. Nhạc sĩ dương cầm vừa ra ngồi trước đàn, tiếng xì xào lúc trước lại truyền đi “Cháu ông Kiu đấy!”. Buổi hoà nhạc bắt đầu.

Người ta đoán trước là bản sonat sẽ buồn tẻ và chỉ làm mệt óc thính giả. Quả không sai, đã thế bản nhạc lại còn cái tội rườm rà nữa..

Trong lúc giải lao, nhà phê bình Kerimbekov và giáo sư Alexandr Gromeko bàn luận về giá trị bản Sonat. Nhà phê bình chì trích khắt khe, còn giáo sư thì bảo vệ nó. Xung quanh, khách khứa hút thuốc, đi lại và xê dịch ghế một cách ồn ào.

Nhưng rồi họ lại đưa mắt nhìn tấm khăn trải bàn trắng bóng bên phòng ăn, rồi đề nghị tiếp tục ngay phần thứ hai của chương trình. Nhạc sĩ dương cầm quay về phía thính giả và ra hiệu cho hai nhạc công cùng hoà tấu với ông. Nhạc sĩ vĩ cầm và nhạc sĩ xenlô Tyskevich đưa chiếc mã vĩ lên. Bản tam thanh khúc nức nở vang lên.

Yuri, Tonia và Misa Gordon ngồi ở dãy thứ ba. Misa bây giờ hầu như sống một nửa cuộc đời trong gia đình giáo sư Gromeko.

Yuri ghé tai nói nhỏ với giáo sư Alexandr ngồi ngay trước mặt cậu ở dãy trên.

– Thưa ông, Egorovna làm hiệu muốn trình ông điều gì đấy?

Egorovna là chị hầu phòng của gia đình này lúc ấy đang đứng ở ngưỡng cửa. Chị nhìn về phía Yuri với vẻ thất vọng, hất hàm quả quyết về phía giáo sư Alexandr, để tỏ cho Yuri biết chị có câu chuyện cần bẩm với ông chủ ngay.

Giáo sư Alexandr quay đầu ra, nhìn Egorovna tỏ ý quở trách rồi nhún vai. Nhưng chị hầu phòng không chịu rút lui.

Thế là một tấn kịch câm được diễn từ hai góc phòng khiến mọi người bắt đầu để ý. Bà Anna Ivanovna nhìn như muốn nuốt chửng ông chồng.

Giáo sư Alexandr đành phải đứng dậy vì không thể kéo dài cái lối nói chuyện như thế mãi. Ông đỏ mặt rón rén đi ra phía cửa.

– Chị không biết xấu hổ hay sao, Egorovna. Có việc gì gấp đến nỗi chị phải gọi tôi ngay lúc này? Nói ngay đi xem nào?

Chị hầu phòng thì thầm gì đó với giáo sư.

– Checnogori nào kia?

– Thưa ông, khách sạn Checnogori ấy ạ.

– Thế thì sao?

– Anh bồi phòng do khách sạn phái đến đòi gặp ông Tyskevich ngay. Người nhà ông ta sắp chết.

– Ơ hay, sao lại chết. Để tôi nghĩ xem nào. Không ổn. Sắp xong rồi, chỉ còn một khúc ngắn nữa thôi, lúc đó tôi sẽ báo cho ông ta biết. Chứ bây giờ thì không thể được.

– Anh bồi phòng đang chờ. Có sẵn cả xe đón. Tôi đã thưa với ông là có người sắp chết, ông nghe rõ chứ ạ? Một bà quý phái đang hấp hối!

– Không là không. Đợi dăm phút nữa cũng chẳng sao.

Giáo sư Alexandr lại rón rén đi sát tường trở về chỗ cũ. Ông ngồi xuống, nhíu mày, cau có đưa tay vuốt sống mũi.

Phần một của bản nhạc vừa xong, giữa tiếng vỗ tay tán thưởng, giáo sư Alexandr tiến lên chỗ các nhạc sĩ ông bảo Tyskevich là có người nhà đến tìm, hình như có tai nạn gì đó.

Nhạc sĩ phải ra về ngay, đành bỏ dở cuộc hoà nhạc ấy. Đoạn giáo sư giơ tay đề nghị cử toạ yên lặng và nói to:

– Thưa quý ông, quý bà. Bản tam thanh khúc bất đắc dĩ phải bỏ dở. Chúng ta thông cảm với nhạc sĩ Tyskevich. Nhạc sĩ gặp chuyện buồn, buộc phải tạm biệt chúng ta. Trong giờ phút thế này, tôi không muốn để nhạc sĩ về một mình. Sự có mặt của tôi thiết nghĩ có thể cần thiết cho nhạc sĩ. Tôi sẽ đi với nhạc sĩ. Cháu Yuri, Cháu ra bảo bác Semion đánh xe ra cổng nhé, có sẵn xe rồi đấy. Thưa quý ông bà, tôi chỉ đi một lát sẽ về ngay, xin các vị cứ ở lại chơi.

Yuri và Misa xin phép được đi theo giáo sư. Hai cậu muốn đi chơi ban đêm dưới trời tuyết giá.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.