Trời nắng gay gắt thiêu đốt da thịt. Cái nóng bỏng tay, cơn gió khô ráp hắt vào mặt, vào cánh tay, vào lưng khiến mồ hôi vã ra như tắm. Bao xi măng oằn trên đôi vai phồng đỏ, gánh hồ trĩu nặng trên đôi tay sưng dộp. Tôi chính thức bước vào con đường phụ hồ chuyên nghiệp.
– Nghỉ đi! Ăn cơm. – Choi dí hộp cơm nóng hổi vào tay tôi.
Tôi rửa tay một cách lười biếng. Quẹt mồ hôi nhễ nhại trên trán, má, cằm, tai vào áo. Bẩn.
Vừa nhai, tôi vờ hỏi vu vơ:
– Bọn nhà giàu đáng ghét hết à?
Thằng Choi đáp lời ồ ạt như đáp đá:
– Chứ gì nữa. Bọn nó quý con chó hơn con nghèo. Thức ăn cho chó còn ngon hơn hộp cơm này. – Nó lại lầm rầm văng tục. Chợt mắt nó dịu đi.
– Nhưng trong cái chốn toàn lũ khinh bỉ người nghèo có một nàng cực kỳ xinh đẹp. Mặt cực hiền, như thiên thần. Dù nàng mới xuất hiện đây thôi nhưng tiếng tăm thì cả thành phố này không ai không biết. Hết sẩy.
Choi đung đưa cái đầu ra điều ưng ý. Nó mà vuốt râu thì cũng giống điệu bộ thầy đồ viết được nét chữ đẹp.
Tim tôi thắt xiết. “Người ấy!”
Nhìn ánh mắt hiếu kỳ, bộ mặt đờ đẫn thích thú của tôi, Choi tiếp:
– Nàng có nhiều truyền thuyết hay lắm. Giang hồ đồn nàng có một lúm đồng tiền đáng yêu bên má trái nhưng chả bao giờ ai thấy.
Tôi nhoi lên: – Sao vậy?
– Hà hà! Bởi vì nàng chẳng bao giờ cười rạng rỡ. Mà chính xác nàng chắc chẳng cười bao giờ. Truyền thuyết nói má lúm đồng tiền ấy tiềm ẩn. Nếu chàng trai nào có thể làm nàng cười tươi như hoa hướng dương vươn mình đón nắng ban mai sẽ thấy được lúm đồng tiền xinh lung linh mê hồn ấy – Mắt Choi sáng rỡ.
Đám mây tích điện trên đầu nó mọc ra ý tưởng ham hố trở thành chàng bạch mã hoàng tử khai phá nụ cười của nàng công chúa trong câu chuyện cổ tích nó vừa tô vẽ.
Tôi cười phụ họa. Nhưng tim tôi đập thình thịch, rộn ràng. Hình như trong màn mưa tôi đã…
** Cuối cùng buổi chịu đựng cực hình ngoài trời cũng kết thúc. Tôi định rảo bước tàng hình khỏi lũ côn trùng thì…:
– Các em vào lớp tập trung để nhận giáo viên chủ nhiệm.
Hết địa ngục ngoài trời đến địa ngục trong nhà. Tôi đành để tiếng thở dài nuối tiếc xì qua tai, tan vào không khí. Vẫn dáng đi nhẹ nhàng, nét mặt dịu dàng giả tạo, tôi thướt tha trong tà áo dài trắng tinh khôi của một sản phẩm robot yểu điệu với bộ vi xử lý được lập trình siêu việt.
Cô bước vào lớp. Một giáo viên bình thường như bao giáo viên bình thường. Không quá ấn tượng, cũng không có gì nổi bật. Sau nghi lễ giới thiệu như học sinh tiểu học, cô nói:
– Bây giờ chúng ta sẽ bầu lớp trưởng. Có bạn nào ứng cử, hay tự ứng cử không?
Ong ruồi xôn xao. Có gì mà ồn??? Một con ruồi râu ria cuối lớp hăng hái:
– Thưa cô! Đại diện nam nhân 11A1 chúng em đề cử bạn Doanh Nghi. Nhất trí không các bạn nữ? – Đám ruồi vỗ tay rần rần.
Hỏi mà mắt hình viên đạn như thế ai dám chối từ. Một vài con ong hớn hở đồng ý. Số còn lại đành miễn cưỡng. Tôi trơ, lạnh – một tảng băng vô tình vô cảm.
Cô hài lòng ra mặt. Bắt đầu bài ca:
” Việt Nam đất nước ta ơi,
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn”
– Bạn Doanh Nghi là du học sinh xuất sắc mười năm liền. Sinh ra đã được thừa hưởng nền giáo dục tốt nhất thế giới mà không hề quên tiếng mẹ đẻ. Không quên niềm tự hào dân tộc. Đã đạt rất nhiều giải thưởng quốc tế như: giải nhì Olympic toán vượt cấp cho khối trung học cơ sở. Giải nhất giải không chuyên cho báo Generation mảng kinh tế. Cộng tác viên cho rất nhiều chuyên mục kinh tế, chứng khoán của hàng loạt các tờ báo nổi tiếng ở Mỹ. Thật hiếm có một tài năng hoàn hảo như vậy ở độ tuổi này. Với sự tinh tế, đầu óc thông thái chắc chắn em sẽ là một doanh nhân đầy tiềm năng trong tương lai…
Tôi hé môi cười cố tỏ ra cảm kích nhất có thể – CÓ CẦN PHẢI THẾ KHÔNG? Quả là MC chuyên nghiệp. Cô thật có tố chất trong lĩnh vực quảng cáo. Tôi đứng lên nhậm chức miễn cưỡng. Nhìn cả lớp nhưng thực chất mắt tôi chẳng thấy ai.
Lẳng lặng xách cặp ra về. Tôi xé lòng. Chẳng ai biết đến giải thưởng phong cách ấn tượng của tôi trong cuộc thi dương cầm thiếu nhi tại Việt Nam cách đây mười năm. Nó quá nhỏ so với các huy chương và giải thưởng tầm cỡ. Tôi nhắm mắt, hít thở thật sâu: “chỉ có hoàng tử mưa mới biết sự tồn tại của công chúa dương cầm.”