“Hôm nay cái bà già phiền phức Rachel Lynde lại đến đây, kỳ kèo tôi đóng góp mua thảm cho phòng lễ nhà thờ,” ông Harrison phẫn nộ. “Tôi ghét bà già ấy hơn bất kỳ ai trên đời. Bà ta có thể gói ghém một bài thuyết giáo, nội dung, bình luận và cách vận dụng vào trong vẻn vẹn sáu chữ rồi ném thẳng vào mặt người ta như một viên gạch.”
Anne đang ngồi ở rìa hành lang, tận hưởng vẻ diệu kỳ của làn gió Tây dịu dàng thổi qua cánh đồng vừa mới cày xới vào một buổi chạng vạng u ám tháng Mười một, miệng ngân nga một giai điệu ngắn đáng yêu giữa đám linh sam quấn quýt cuối vườn. Nghe vậy, cô bèn quay khuôn mặt mơ màng của mình lại.
“Vấn đề là ông và bà Lynde không hiểu nhau,” cô giải thích. “Đó luôn là lý do mỗi khi người ta không ưa nhau. Ban đầu cháu cũng chẳng thích bà Lynde, nhưng ngay khi hiểu được bà ấy thì cháu đã học được cách mến bà ấy.”
“Bà Lynde có thể hợp khẩu vị một số người, nhưng tôi không ăn chuối liên tục bởi vì được khuyên là cứ ăn rồi sẽ thích,” ông Harrison gầm gừ. “Còn về việc hiểu bà ta ư, tôi biết bà ta là một người lăng xăng nhiều chuyện chính hiệu và tôi đã nói thẳng như vậy.”
“Ôi, bà ấy nghe vậy chắc đau lòng lắm” Anne trách cứ. “Làm sao ông có thể nói như thế chứ? Cháu từng nói những lời khó nghe với bà Lynde hồi lâu lắm rồi, nhưng đó là khi cháu phát điên lên. Cháu không thể cố ý nói vậy được.”
“Đó là sự thật, và tôi tin vào việc luôn nói ra sự thật.”
“Nhưng ông đã không nói toàn bộ sự thật,” Anne phản đối. “Ông chỉ nói ra cái phần xấu xa của sự thật thôi. Chẳng hạn nhé, ông nói mấy chục lần rằng tóc cháu màu đỏ nhưng ông chưa bao giờ nói cho cháu biết lấy một lần là cháu có cái mũi đẹp.”
“Tôi dám chắc cháu biết điều đó mà không cần ai nói,” ông Harrison cười khằng khặc.
“Cháu cũng biết là cháu có tóc đỏ… dẫu nó đã sẫm màu hơn nhiều so với lúc trước… do vậy không cần nói cho cháu biết đâu.”
“À à, vậy thì tôi sẽ cố không nhắc đến nữa vì cháu quá nhạy cảm với điều đó. Cháu đừng chấp tôi, Anne ạ. Tôi có thói quen nói thẳng nên mọi người đừng để ý làm gì.”
“Nhưng người ta không thể không để ý. Và dẫu biết đó là thói quen của ông thì cũng chẳng đỡ gì hơn. Ông nghĩ gì về một người cứ đi lấy gai châm chích vào người khác rồi nói, ‘Xin lỗi, bạn đừng để ý… chỉ là thói quen của tôi thôi.’ Ông sẽ nghĩ ông ta bị khùng, phải không? Về phần bà Lynde, bà ấy là một người nhanh nhảu nhiều chuyện, có lẽ là thế. Nhưng ông có nói với bà ấy rằng bà ấy rất tốt bụng, luôn giúp người nghèo và chẳng nói tiếng nào khi Timothy Cotton trộm một bình bơ từ chạn nhà bà ấy rồi nói với vợ rằng ông ta mua về không? Bà Cotton khi gặp bà ấy còn chê nó có mùi củ cải, thế mà bà Lynde chỉ nói xin lỗi vì bơ không ngon.”
“Tôi cho rằng bà ấy cũng có vài điểm tốt,” ông Harrison miễn cưỡng nhượng bộ. “Đa số đều thế. Tôi cũng có vài điểm tốt đấy, dẫu có thể cháu chẳng bao giờ ngờ tới. Nhưng dù sao thì tôi cũng chẳng góp xu nào cho tấm thảm đó đâu. Tôi thấy mọi người ở nơi đây cứ mãi đi xin xỏ. Kế hoạch sơn lại tòa thị chính của cháu sao rồi?”
“Tuyệt vời. Tối thứ Sáu tuần trước Hội cải tạo Làng Avonlea vừa họp và nhận ra chúng cháu có đủ tiền quyên góp để sơn và lợp mái lại cho tòa thị chính. Đa số mọi người đều rất tích cực quyên góp, ông Harrison ạ.”
Anne là một cô gái có tâm hồn ngọt ngào, nhưng thỉnh thoảng cô vẫn có thể bơm thêm tí nọc độc vào những lời nhấn mạnh ngây thơ khi cần thiết.
“Cháu định sơn màu gì?”
“Chúng cháu định sơn màu xanh lá rất đẹp. Mái ngói đương nhiên là đỏ thẫm rồi. Hôm nay ông Roger Pye sẽ ra tỉnh mua sơn.”
“Ai sẽ sơn?”
“Ông Joshua Pye ở Carmody. Ông ấy đã lợp lại mái gần xong rồi. Chúng cháu phải giao việc này cho ông ta, vì mọi người họ Pye… có tới bốn gia đình nhà Pye lận, ông biết mà… nói rằng họ sẽ không góp một xu trừ phi Joshua làm việc này. Nội bọn họ thôi cũng đã đóng mười hai đô rồi, và chúng cháu nghĩ rằng không thể lãng phí số tiền lớn như vậy được, dẫu vài người nghĩ chúng cháu không nên nhượng bộ nhà Pye. Bà Lynde nói bọn họ luôn cố kiểm soát mọi thứ.”
“Vấn đề chính là cái tên Joshua này có làm tốt không. Nếu hắn làm tốt thì dù hắn họ Pye hay họ Pút đinh gì cũng chẳng quan trọng.”
“Nghe đồn ông ta làm việc cũng chăm chỉ lắm, nhưng người ta nói ông ta khá kỳ dị. Hiếm khi nào nói một tiếng.”
“Chỉ vậy thôi cũng đủ là người kỳ dị rồi,” ông Harrison cộc lốc. “Hay ít nhất người ở đây sẽ đánh giá ông ta như vậy. Lúc trước tôi cũng chẳng nói nhiều đâu, nhưng khi tới Avonlea thì tôi phải nói để bảo vệ mình, nếu không bà Lynde sẽ cho tôi bị câm mà mở chiến dịch quyên góp để dạy tôi ngôn ngữ bằng tay mất. Cháu phải đi rồi à, Anne?”
“Cháu phải đi đây. Tối nay cháu phải may vá vài thứ cho Dora. Hơn nữa, Davy chắc đang làm vỡ tim bác Marilla với vài trò nghịch ngợm mới đây. Ngay sáng nay, nó hỏi, ‘Bóng tối đi đâu vậy, cô Anne? Cháu muốn biết.’ Cháu bảo nó là bóng tối đi vòng qua mặt bên kia của trái đất, nhưng sau buổi sáng thì nó tuyên bố điều đó không đúng… rằng bóng tối chui xuống giếng. Bác Marilla nói hôm nay bác ấy bắt gặp nó đu mình nơi thành giếng bốn lần, cố tìm cách chạm vào bóng tối bên dưới.”
“Nó là một cục nợ đời,” ông Harrison tuyên bố. “Hôm qua nó sang đây nhổ sáu cái lông đuôi của Gừng trước khi tôi kịp chạy từ kho vào. Con chim đáng thương ủ rũ từ lúc đó đến giờ. Đám trẻ đấy chắc là hiện thân của tai họa cho gia đình cháu.”
“Mọi thứ đáng giá đều có vài phiền phức mà,” Anne thầm quyết định sẽ tha thứ cho lỗi lầm kế tiếp của Davy, dẫu đó là lỗi gì, bởi nó đã báo thù Gừng giúp cô.
Tối đó ông Roger Pye mang sơn và hôm sau ông Joshua Pye, một người lầm lì cáu bẳn, bắt đầu sơn. Ông ta sơn mà chẳng bị ai quấy rầy. Tòa thị chính nằm trên con đường được gọi là “đường dưới.” Vào cuối thu, con đường này lúc nào cũng lầy lội, cho nên người ta đi tới Carmody bằng con đường vòng xa hơn phía trên. Tòa thị chính được một rừng cây linh sam um tùm vây quanh, vì vậy phải đến thật gần mới nhìn thấy được. Ông Joshua Pye sơn nhà trong yên lặng và đơn độc, thỏa mãn tấm lòng không thích giao du của ông ta.
Chiều thứ Sáu, ông ta xong việc và về nhà ở Carmody. Ngay sau khi ông ta rời đi, bà Rachel Lynde đánh xe tới, chịu đựng đám bùn ở đường dưới chỉ vì tò mò muốn xem tòa thị chính trông thế nào trong lớp sơn mới. Khi quẹo qua góc đường cây vân sam, bà đã nhìn thấy.
Cảnh tượng trước mắt ảnh hưởng đến bà Lynde một cách kỳ lạ. Bà buông rơi dây cương, giơ tay lên trời nói: “Lạy Chúa nhân từ!” Bà nhìn chằm chằm như thể không tin vào mắt mình. Sau đó bà lăn ra cười như điên.
“Chắc hẳn là có lầm lẫn gì… nhất định là vậy. Tôi biết nhà Pye sẽ làm cho chuyện loạn xà ngầu lên mà.”
Bà Lynde đánh xe về nhà, gặp vài người trên đường và dừng lại kể cho họ nghe về tòa thị chính. Tin tức bay nhanh như đám cháy rừng. Lúc mặt trời lặn, Gilbert Blythe đang đọc sách ở nhà thì nghe người làm của ba mình kể lại, anh bèn hồng hộc chạy tới Chái Nhà Xanh, trên đường gặp Fred Wright cũng đang chạy về phía đó. Họ gặp Diana Barry, Jane Andrews và Anne Shirley tuyệt vọng hóa đá dưới cây liễu cổ thụ trụi lá trước cổng Chái Nhà Xanh.
“Điều đó không thể là sự thật, phải không Anne?” Gilbert kêu lên.
“Thật đấy,” Anne đáp, vẻ mặt thê thảm. “Bà Lynde trên đường từ Carmody về nhà đã ghé qua báo cho tớ biết. Ôi, thật là khủng khiếp! Cố gắng cải tạo để làm quái gì chứ?”
“Chuyện gì mà khủng khiếp vậy?” Oliver Sloane hỏi, anh ghé qua biếu bà Marilla hộp quà anh vừa mua ở thị trấn.
“Cậu chưa nghe nói sao?” Jane phẫn nộ. “À, chỉ đơn giản thế này… Joshua Pye đi sơn tòa thị chính màu xanh dương thay vì xanh lá… màu xanh dương ngăn ngắt chói lọi, loại chuyên dùng để sơn xe cút kít và xe ngựa ấy. Và bà Lynde nói rằng cái màu đó kinh tởm khi dùng để sơn nhà, nhất là khi kết hợp với mái ngói đỏ, kinh tởm nhất trong những màu bà từng thấy hoặc có thể tưởng tượng ra. Khi nghe tin đó, tớ sững sờ hóa đá. Thật là đau xót, sau biết bao khó khăn mà chúng ta đã trải qua.”
“Trời đất ơi, sao một sai lầm như thế có thể xảy ra nhỉ?” Diana rên rỉ.
Kẻ đáng trách trong thảm họa chẳng hay ho gì này cuối cùng cũng được quy về cho nhà Pye. Các cải tiến viên đã quyết định dùng sơn hiệu Morton-Harris, và thùng sơn hiệu này được đánh số theo màu. Người mua sơn chọn màu ưa thích trong thẻ màu và đặt mua số tương ứng. Số 147 là màu xanh lá họ lựa chọn, và khi ông Roger Pye bảo con trai John Andrew nhắn với các cải tiến viên ông ta sẽ ra tỉnh mua sơn cho bọn họ, các cải tiến viên đã bảo John Andrew nói với cha anh ta hãy mua số 147. John Andrew luôn khẳng định anh ta đã làm đúng vậy, nhưng ông Roger Pye cũng cương quyết tuyên bố John Andrew đã nói ông ta cần mua số 157. Mọi chuyện vẫn giằng co như vậy chưa có câu trả lời rõ ràng.
Đêm hôm đó, sự tuyệt vọng trống rỗng chiếm lĩnh mọi căn nhà của Avonlea nơi có các cải tiến viên sống. Bầu không khí của Chái Nhà Xanh u ám mãnh liệt đến mức cả Davy cũng ớn lạnh. Anne khóc nức nở mà chẳng ai an ủi được.
“Cháu phải khóc thôi, dẫu cháu sắp mười bảy rồi, bác Marilla ạ,” cô nức nở. “Thật là nhục nhã quá. Và nó như hồi chuông báo tử gióng lên cho hội của chúng cháu. Chúng cháu sẽ bị mọi người cười thúi đầu cho coi.”
Tuy nhiên, trên thực tế, cũng như trong giấc mơ, mọi chuyện thường diễn ra ngược lại. Người Avonlea chẳng ai cười; họ quá sức tức giận. Họ đã góp tiền sơn tòa thị chính, vậy nên họ cảm thấy mình bị tổn thương cay đắng bởi sai lầm này. Nỗi căm phẫn của công chúng dồn lên đầu nhà Pye. Roger Pye và John Andrew là đầu trò của câu chuyện vì quá cầu thả; còn Joshua Pye, ông ta đúng là một kẻ ngu ngốc bẩm sinh mới không phát hiện ván đề khi mở thùng sơn và nhìn thấy màu sơn. Joshua Pye khi bị vấn tội thì bắt bẻ lại rằng gu chọn màu của Avonlea chẳng liên quan gì đến ông ta, dẫu ông ta có nghĩ thế nào thì ông ta được thuê để sơn tòa thị chính chứ không phải để bình luận về màu sơn, và ông ta nhất định phải lấy đủ tiền công.
Các Cải tiến viên đành cay đắng giao tiền cho ông ta sau khi tham khảo ý kiến của ông Peter Sloane, một thẩm phán.
“Các cháu phải trả tiền thối,” Peter nói. “Các cháu không thể ép ông ta chịu trách nhiệm, vì ông ta nói chưa bao giờ được thông báo về màu sơn mà chỉ được giao mấy thùng sơn và bảo hãy làm việc đi. Nhưng đây đúng là một nỗi nhục nhã khủng khiếp và tòa thị chính nhìn xấu xí không chấp nhận được.”
Các Cải tiến viên xui xẻo đinh ninh là Avonlea sẽ còn thành kiến với họ hơn sau thảm họa này, nhưng thay vào đó, công chúng lại dành sự cảm thông cho họ. Mọi người thương cho nhóm thanh niên hào hứng nhiệt tình đã phấn đấu hết mức cho mục tiêu, thế mà lại bị lợi dụng như vậy. Bà Lynde khuyên họ nên tiếp tục cho nhà Pye thấy rằng trên đời này có người biết làm nên chuyện chứ không phải là đụng đâu hư đó. Ông Major Spencer nhắn ông sẽ dọn sạch mấy gốc cây trụi dọc đường phía trước nông trại của mình và tự bỏ tiền trồng cỏ thay vào. Một bữa nọ bà Hiram Sloane đến thăm trường, lấm lét gọi Anne ra hành lang để nói với cô rằng nếu “Họi” muốn trồng một vườn hoa phong lữ ở ngã ba đường vào mùa xuân thì không cần lo lắng đến con bò cái của bà ta đâu, vì bà ta sẽ giữ cái ả ăn uống phàm tục ấy cẩn thận. Ngay cả ông Harrison cũng cười khúc khích một mình, nếu quả thật ông có cười khúc khích, và bề ngoài thì hết sức thông cảm.
“Đừng để ý, Anne à. Mỗi năm sơn sẽ bị phai màu và màu càng lúc càng xấu, nhưng cái màu xanh ấy đã xấu hết mức có thể rồi, nên khi phai màu nó sẽ đẹp hơn. Mái nhà đã được lợp và sơn lại đàng hoàng. Mọi người có thể ngồi trong đó mà không sợ dột. Dù sao thì cháu cũng làm được rất nhiều chuyện mà.”
“Nhưng tòa thị chính màu xanh dương của Avonlea sẽ là trò cười của tất cả các vùng lân cận từ giờ trở đi,” Anne chua chát.
Và phải thú nhận rằng sự thật đúng là như vậy.