Anna Karenina

Quyển 3 - Chương 31



Levin xuống tới lưng chừng cầu thang thì nghe thấy tiếng ho quen thuộc trong phòng chờ, nhưng không rõ lắm, vì bị lẫn vào tiếng chân chàng, và chàng hy vọng mình lầm; lát sau chàng trông thấy cái bóng dáng xương xẩu dài lêu đêu rất quen thuộc với chàng. Xem ra không còn nghi ngờ gì nữa. Tuy nhiên, chàng vẫn tiếp tục hy vọng rằng mình lầm, rằng cái gã sếu vườn cao kều đang vừa ho vừa cởi áo khoác kia, không phải là ông anh Nicolai.

Levin yêu anh nhưng bao giờ cũng thấy khổ sở khi phải chung đụng với anh. Và giữa lúc này, tâm trạng đang bối rối vì tác động của những kỷ niệm cũ trở lại trong đầu và vì câu nói của Agafia Mikhailovna, chàng càng đặc biệt khổ tâm phải đối diện với anh.

Đáng lẽ là một ông khách vui vẻ, khỏe mạnh, không hề biết nỗi bối rối của chàng và có thể làm chàng khuây khoả, thì đằng này, Levin lại phải chịu đựng sự có mặt của ông anh vốn hiểu chàng đến chân tơ kẽ tóc và có thể khiến chàng bộc lộ những tư tưởng thầm kín nhất. Mà chàng lại không muốn thế.

Bất bình vì thứ tình cảm đê tiện như vậy, Levin vội chạy xuống phòng chờ; khi nhìn gần ông anh, nỗi thất vọng của chàng lập tức biến mất, nhường chỗ cho lòng thương xót. Trước kia vẻ gầy còm và bề ngoài ốm yếu của Nicolai đã đáng sợ là thế, nhưng nay ông còn hom hem hơn và hầu như kiệt sức. Chỉ còn da bọc xương.

Ông ta đứng ở cửa ra vào và lắc lắc cái cổ run rẩy để cởi khăn quàng ra. Ông mỉm một nụ cười kỳ lạ và thiểu não. Nhìn thấy nụ cười nhẫn nhục và phục tùng đó, Levin thấy cổ họng se lại.

– Thế là tôi về đến đây rồi, – Nicolai nói, giọng câm đặc, mắt không rời khuôn mặt em một giây. – Đã từ lâu tôi muốn về đây nhưng lần nào cũng không đi được. Bây giờ, tôi hồi phục rồi, – ông nói và đưa bàn tay dài xương xẩu lên vuốt râu.

– Vâng, vâng! – Levin trả lời. Và chàng càng thêm khiếp hãi khi đặt môi hôn đôi má gầy rộc và khi nhìn sát vào đôi mắt to long lanh một ánh kỳ lạ.

Vài tuần lễ trước, Levin có viết thư cho anh là sau khi bán một phần nhỏ số động sản chưa phân chia của họ, ông sẽ nhận được khoảng hai nghìn rúp. Nicolai nói mình sẽ về lĩnh tiền và nhất là lưu lại quê hương một thời gian ngắn, đặt chân lên đất mẹ đẻ, như các anh hùng trong thần thoại, thu hết sức lực trước khi hành động. Mặc dầu vai gù, vẻ gầy gò dễ sợ với vóc người cao lớn, cử chỉ ông vẫn đột ngột và nhanh nhẹn như thường. Levin dẫn anh vào phòng làm việc.

Ông anh thay quần áo rất cẩn thận, một điều khác thường ở ông, chải mớ tóc thưa và cứng rồi mỉm cười đi lên gác.

Ông ta đang trong một tâm trạng vui vẻ và niềm nở, như Levin từng biết hồi ông còn nhỏ. Ông nhắc cả đến Xergei Ivanovitr, không chút hằn học. Thấy Agafia Mikhailovna, ông còn pha trò và hỏi thăm bà tin tức những người ở cũ. Nghe tin Pacten Đênixych chết, ông rất buồn. Nỗi sợ hãi hiện trên vẻ mặt, nhưng ông trấn tĩnh ngay được.

– Bác ta cũng già rồi, – ông nói và bàn sang chuyện khác. – Phải, tôi định ở lại một hai tháng tại nhà chú, rồi sẽ quay về Moxcva. Chú biết không, Myagkôp dành cho tôi một chỗ, tôi sẽ vào làm tại công sở. Bây giờ tôi sẽ sống khác hắn. Nhân thể nói cho chú biết là tôi bỏ mụ ấy rồi.

– Maria Nicolaiepna ấy à? Thế nào? Tại sao vậy?

– ồ! Nó là một con đê tiện! Nó gây cho tôi không biết bao nhiêu chuyện bực mình! – nhưng ông không nói chuyện bực mình đó là chuyện gì. Ông không thể nói ông đuổi Maria Nicolaiepna đi chỉ vì bà ta pha trà nhạt quá và nhất là vì bà ta săn sóc ông như một người ốm. – Tóm lại, tôi muốn thay đổi hoàn toàn lối sống. Tất nhiên, tôi đã làm những chuyện bậy bạ, như tất cả mọi người, nhưng của cải là cái tầm thường nhất, tôi chẳng tiếc gì nó. Điều quan trọng, đó là sức khỏe, và đội ơn Chúa, thế là tôi bình phục rồi.

Levin lắng nghe anh và cố tìm chuyện để nói nhưng không nghĩ ra. Nicolai chắc cũng có cảm giác như vậy; ông bèn hỏi thăm công việc của em; Levin vui lòng kể chuyện mình vì chàng có thể nói mà không phải màu mè. Chàng kể cho anh nghe những kế hoạch và dự định cải cách của mình.

Ông nghe chàng nói, nhưng rõ ràng việc đó không làm ông quan tâm.

Hai con người này thân thuộc, gần gũi đến nỗi có thể hiểu nhau qua mỗi cử chỉ, mỗi cách uốn giọng hơn là qua mọi lời lẽ dài dòng.

Lúc này, cả hai đều có chung ý nghĩ: bệnh tật và cái chết sắp tới của Nicolai, nó trùm lên mọi ý nghĩ khác. Cả hai đều không dám nhắc tới chuyện đó, cho nên mọi lời họ nói ra đều giả dối, vì không diễn đạt điều họ bận tâm. Chưa bao giờ Levin hài lòng vì thấy đêm đã khuya và đến giờ đi ngủ, bằng lúc nãy. Kể cả những lần tiếp khách xa lạ hoặc đi thăm long trọng, cũng chưa bao giờ chàng gượng gạo và vờ vĩnh như lúc này. Biết thế và áy náy vì thái độ đó, chàng càng đờ đẫn thêm. Chàng muốn khóc ông anh sắp chết nhưng lại phải nghe ông ta nói về cuộc đời định sống và tiếp chuyện ông.

Vì nhà ẩm và chỉ có một buồng có lò sưởi, Levin liền để anh nghỉ ở sau tấm bình phong ngăn đôi phòng ngủ của chàng.

Ông anh đã nằm vào giường. Không biết có ngủ hay không, nhưng ông trở mình, ho hắng như người ốm và lúc nào không khạc đờm ra được, ông lại càu nhàu một mình. Đôi lúc, ông thở dài thườn thượt và kêu: “Ôi! Trời ơi!”. Lúc khác, khi nghẹt thở, ông lại tức bực kêu lên:

“Ma bắt nó đi!”. Levin lắng nghe, hồi lâu không ngủ được. Chàng nghĩ ngợi rất lan man nhưng rút lại chỉ quy vào một mối: cái chết.

Cái chết, sự kết liễu không tránh khỏi của mọi sinh vật, lần đầu tiên hiện ra trước mắt chàng với một sức mạnh không cưỡng nổi. Và cái chết đó ở kia, trong người ông anh thân yêu đang rên rỉ trong giấc ngủ và quen miệng kêu gọi lung tung, lúc kêu trời, lúc gọi ma, chàng thấy cái chết đó như gần hơn nhiều so với trước. Nó cũng ở ngay trong người chàng, chàng cảm thấy thế. Nếu không phải hôm nay thì ngày mai, nếu không phải ngày mai thì sẽ là ba mươi năm nữa; trước sau cũng thế thôi! Và cái chết tất yếu đó là thế nào, không những chàng không biết, không những chàng không bao giờ nghĩ tới, mà chàng không thể và không dám nghĩ tới.

“Mình làm việc, mình muốn làm cái gì đó và mình quên rằng tất cả đều kết thúc bằng cái chết”.

Chàng ngồi trên giường, trong bóng tối, co quắp người lại, đôi tay bó gối, cố nén hơi thở gấp vì căng thẳng và suy nghĩ. Nhưng càng tập trung tư tưởng, chàng càng thấy sự thể đúng là như thế, không nghi ngờ gì nữa, và chàng đã quên không chú ý tới chi tiết nhỏ mọn đó. Cái chết sẽ đến, mọi cái đều kết liễu, chẳng vạ chi mất công làm bất cứ việc gì và không ai thay đổi được gì hết. Thật khủng khiếp, nhưng đúng như vậy.

“Nhưng mình vẫn đang sống kia mà. Phải làm gì, làm gì bây giờ?”, chàng thất vọng nghĩ thầm. Chàng thắp nến, thận trọng đứng dậy, đến ngồi trước gương và ngắm nghía khuôn mặt cùng mái tóc mình.

Đây này ở hai bên thái dương, đã có vài sợi tóc bạc. Chàng há miệng.

Những răng bên trong bắt đầu hỏng. Chàng xắn áo để lộ đôi cánh tay cuồn cuộn bắp thịt. Chàng rất khỏe. Nhưng Nicolai đang thở với phần phổi còn lại, trước kai cũng có một tấm thân cường tráng đấy thôi. Và bỗng nhiên, chàng nhớ lại hồi còn nhỏ, hai đứa thường bị ốp về giường ngủ cùng một lúc và chỉ chờ Fedor Bôgđanich ra khỏi phòng là ném gối vào đầu nhau cười khanh khách, ngay cả nỗi sợ Fedor Bôgđanich cũng không thể dẹp được niềm vui sống tràn trề và rờ rỡ đó… “Thế mà bây giò anh ấy chỉ còn cái lồng ngực rỗng và lép kia… còn mình, không hiểu rồi đây mình sẽ ra sao…” – Khoạc! Khoạc! Ma bắt nó đi! Chú làm gì mà lục đục thế, sao không ngủ đi? – anh trai chàng kêu lên.

– Em cũng không biết nữa. Có lẽ là chứng mất ngủ.

– Tôi thì ngủ ngon lắm, tôi không đổ mồ hôi trộm nữa. Chú thử lại sờ vào áo sơ mi của tôi xem có ướt không?

Levin sờ vào sơ mi của anh, đi ra sau bình phong, tắt nến, nhưng còn thức hồi lâu. Chàng chưa giải quyết xong vấn đề cuộc sống của mình, thì một vấn đề mới mẻ, nan giải khác đã hiện ra trước mắt: cái chết.

– Phải, anh ấy sắp chết, anh ấy sẽ chết vào mùa xuân này. Mình phải làm cách nào để giúp anh ấy đây? Mình biết nói gì với anh ấy?

Mình thì biết gì về chuyện đó nhỉ? Thậm chí, mình còn quên bẵng là trên đời có cái đó nữa”.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.