Anna Karenina

Quyển 3 - Chương 22



Đã quá năm giờ: để đến kịp giờ hẹn và khỏi phải đi bằng ngựa riêng của chàng mà mọi người đều biết, Vronxki ngồi vào xe ngựa thuê của Yasvin và sai xà ích cho chạy hết sức nhanh. Chiếc xe cũ bốn chỗ ngồi, rất rộng. Chàng ngồi vào góc, gác chân lên ghế dài trước mặt và suy nghĩ.

ý thức mơ hồ là mình đã thu xếp xong công nợ, ký ức lờ mờ về tình bạn và những lời phỉnh nịnh của Xerpukhovxkoe coi mình như một nhân tài cần thiết và nhất là sự chờ đợi gặp mặt người yêu, tất cả hòa chung thành một cảm giác yêu đời. Tình cảm đó mãnh liệt đến nỗi chàng bất giác mỉm cười. Chàng đặt chân xuống sàn xe, gác chéo khoeo, lấy tay nắn bụng chân nây nẩy, bầm tím vì ngã ngựa hôm qua và ngả người ra sau, hít thở luôn mấy hơi căng lồng ngực.

“Tốt, tốt lắm!”, chàng tự nhủ. Chàng đã nhiều lần cảm thấy cái ý thức thú vị như vậy về thân thể, nhưng chưa bao giờ tự yêu mình, yêu thân thể mình như hôm nay. Chàng khoan khoái với cảm giác hơi đau ở cẳng chân, với sự chuyển động của bắp thịt lồng ngực khi thở. Cũng cái ngày tháng tám quang đãng và lạnh giá này, đối với Anna sao mà nặng nề tăm tối, nhưng đối với chàng lại đầy hào hứng. Mặt và cổ chàng vừa nãy nóng bừng vì cọ rửa giờ mát dịu hẳn đi. Mùi sáp bôi ria làm chàng đặc biệt thích thú trong không khí thoáng đãng. Mọi cái nhìn thấy qua tấm kính, mọi cái trong bầu không khí tinh khiết và lạnh giá, trong anh chiều tà bàng bạc, đều tươi mát, vui vẻ và cường tráng như bản thân chàng: cả những mái nhà sáng ngời dưới ánh nắng, cả những đường viền rõ nét của hàng rào và góc nhà, cả những bóng bộ hành và xe ngựa thỉnh thoảng gặp trên đường, cả những rặng cây, bãi cỏ xanh im phăng phắc, những cánh đồng với luống khoai đều đặn, cả những bóng râm đổ nghiêng từ nhà và hàng cây, bụi rậm và luống khoai, mọi cái đều đẹp như bức tranh phong cảnh tinh tế vừa vẽ và quang dầu xong.

– Nhanh lên, nhanh nữa lên! – chàng thò đầu ra ngoài cửa xe bảo xà ích và rút trong túi ra một tờ ba rúp đưa cho hắn đang quay lại phía chàng. Gã xà ích đặt tay vào một cái gì cạnh đèn xe, quất roi vun vút và cỗ xe phóng rất nhanh trên đường cái bằng phẳng.

“Mình chả cần gì cả, không cần gì ngoài hạnh phúc này, chàng nghĩ thầm, nhìn cái nút giật chuông bằng xương treo giữa hai miếng kính cửa và hình dung Anna hệt như lần gặp vừa rồi. Càng ngày mình càng yêu nàng hơn. Vườn nhà Vrege kia rồi. Nàng hiện đang ở đâu? ở đâu nhỉ? Làm thế nào tìm được nàng? Tại sao nàng hẹn mình ở đây và lại viết thêm một câu vào thư của Betxi?”, lần đầu tiên, chàng tự hỏi như vậy. Nhưng chàng không đủ thời giờ nghĩ tới việc đó nữa. Chàng bảo xà ích dừng xe trước khi tới phố, mở cửa nhảy xuống lúc xe còn đang chạy và đi ngược lên theo con đường dẫn tới ngôi nhà. Phố vắng tanh không có ai, nhưng đưa mắt nhìn sang phải, chàng liền thấy nàng.

Mặc dầu mặt nàng che mạng, chàng vui sướng nhận ngay ra nàng qua dáng đi đặc biệt, đường cong đôi vai, tư thế đầu và cảm thấy như có một luồng điện truyền khắp cơ thể. Chàng lại thấy trào lên mãnh liệt hơn cái ý thức về sự tồn tại bản thể, kể từ những cử động mềm mại của đôi chân cho tới sự chuyển động của lồng ngực khi hít thở và chàng thấy ngứa ran ở môi.

Khi chàng đến bên, nàng riết chặt tay chàng.

– Anh không giận em đã nhắn anh đến đây chứ? Em rất cần gặp anh, – nàng nói; và nếp môi nàng mím lại trang trọng, nghiêm khắc mà chàng thoáng thấy qua chiếc mạng, lập tức làm gợn tâm trạng vui sướng của Vronxki.

– Anh mà giận em ấy à? Nhưng em đi bằng gì đến đây, tại sao lại đến đây?

– Điều đó không quan trọng, – nàng nói và khoác tay chàng, – ta đi đi, em có chuyện cần nói với anh.

Chàng hiểu là có cái gì đã xảy ra và câu chuyện lần này hẳn không vui. Đứng trước Anna, chàng đâm mất tự chủ: chưa hiểu rõ duyên cớ, chàng đã thấy mối lo ngại của nàng xâm chiếm mình.

– Có gì thế em? – chàng hỏi, ghì chặt cánh tay nàng vào người và cố đoán qua nét mặt xem Anna nghĩ gì.

Nàng lặng lẽ bước vài bước, để tập trung hết can đảm, và đột nhiên dừng lại.

– Hôm qua, em chưa nói với anh, – nàng hổn hển nói, – là khi trở về nhà với Alecxei Alecxandrovitr, em đã bảo cho ông ta biết… em không còn là vợ ông ta nữa và… và em đã nói hết.

Nghe nàng nói, chàng bất giác cúi xuống, như muốn giảm nhẹ hoàn cảnh não nề của nàng. Nhưng, khi nàng nói xong, chàng bỗng thẳng người lên, bộ mặt lộ vẻ kiêu hãnh và nghiêm trang.

– Phải, phải, thế tốt hơn, một nghìn lần tốt hơn! Anh hiểu việc đó đối với em thật khổ tâm, chàng nói. Nhưng nàng không nghe chàng nói; nàng đọc ý nghĩ của Vronxki trên nét mặt. Nàng không thể biết vẻ mặt Vronxki phản ánh ý nghĩ đầu tiên nảy ra trong đầu chàng:

thế là phải đấu súng thôi, không tránh được. Nàng không bao giờ nghĩ đến chuyện đấu súng nên diễn giải vẻ mặt nghiêm trang thoáng qua đó một cách khác.

Từ khi nhận được thư chồng, thâm tâm nàng cảm thấy là mọi sự sẽ giữ nguyên như cũ, nàng sẽ không dám từ bỏ địa vị của mình và xa lìa con để gắn bó cuộc đời với người yêu. Buổi sáng ngồi chơi ở nhà quận chúa Tverxcaia càng khiến nàng tin chắc như vậy. Nhưng dù sao, đối với nàng, cuộc gặp mặt này cũng vô cùng quan trọng. Nàng hy vọng nó sẽ làm thay đổi tình thế và cứu nàng. Nếu như nghe tin đó, chàng không một phút do dự, say đắm nói luôn: “Em hãy từ bỏ tất cả và đi theo anh”, thì có lẽ nàng sẽ xa lìa con và đi ngay với chàng đấy. Nhưng tin đó không tác động đến chàng như nàng mong đợi:

chàng hình như chỉ thấy bực mình.

– Có gì mà khổ tâm. Việc đó cứ tự nhiên diễn ra thế thôi, – nàng nói, giọng ấm ức; – đây, anh xem. – Nàng rút trong găng tay ra bức thư của chồng.

– Anh hiểu rồi, anh hiểu rồi, – chàng ngắt lời, cầm lá thư nhưng không đọc và cố an ủi nàng; – anh chỉ yêu cầu, anh chỉ mong muốn có thế thôi: phá tan tình cảnh này để cống hiến đời anh cho hạnh phúc của em.

– Tại sao anh phải nói với em như vậy? – nàng nói. – Lẽ nào em lại nghi ngờ anh? Nếu em mà nghi ngờ…

– Có người đến kia kìa! – Vronxki bỗng nói và chỉ hai phụ nữ đang đi tới. – Có thể họ quen biết chúng mình, và chàng vội kéo nàng tạt vào một ngõ ngang.

– ồ! Em cần gì! – nàng nói. Môi nàng run bần bật, Vronxki như thấy nàng nhìn mình qua chiếc mạng đầy một vẻ hằn học kỳ lạ. – Phải, vấn đề không phải ở đó, em không nghi ngờ gì anh; nhưng ông ta viết cho em thế này đây, anh đọc đi. – Nàng lại ngừng bặt.

Lúc đọc thư, cũng như hồi nãy khi biết nàng đã bỏ chồng, Vronxki bất giác lại tự buông thả theo cái cảm giác tự nhiên xuất phát từ quan hệ giữa chàng với người chồng bị xúc phạm. Giờ đây, cầm lá thư này trong tay, chàng bất giác nghĩ có lẽ nội nhật hôm nay hoặc ngày mai sẽ nhận được ở nhà lời thách đấu và nghĩ luôn tới cuộc đấu súng đó: chàng sẽ bắn chỉ thiên và vẫn với vẻ lạnh lùng, nghiêm trang đang lộ trên nét mặt lúc này, chàng sẽ chờ người chồng bị xúc phạm bắn mình… Và lập tức, chàng nghĩ tới lời Xerpukhovxkoe vừa nói và những điều bản thân chàng suy nghĩ sáng nay; tốt hơn hết là không nên gắn bó với nhau. Nhưng chàng biết không thể nói điều đó ra với Anna.

Đọc xong thư, chàng ngước mắt nhìn nàng: cái nhìn có vẻ thiếu cương quyết. Nàng hiểu ngay chàng đã suy nghĩ mọi lẽ. Nàng biết, dù có nói gì với nàng, chàng cũng sẽ không bộc lộ hết ý nghĩ của mình.

Và nàng hiểu hy vọng cuối cùng đã tan vỡ. Đây không phải điều nàng mong đợi.

– Anh đã thấy ông ta là hạng người thế nào chưa? – nàng nói giọng run run. – Ông ta…

– Em tha lỗi, nhưng anh lại vui sướng về việc đó, – Vronxki ngắt lời. – Lạy Chúa lòng lành, xin em để anh nói hết đã, – chàng nói tiếp và đôi mắt như cầu khẩn nàng để cho chàng có đủ thời giờ phân trần.

– Anh vui sướng vì theo ông ta giả định, tình hình không thể giữ nguyên như cũ nữa.

– Tại sao lại không? – Anna cố cầm nước mắt và nói. Rõ ràng nàng không đếm xỉa đến lời chàng nói nữa. Nàng cảm thấy số phận mình quyết định rồi.

Vronxki muốn nói sau cuộc đấu súng mà chàng cho là tất yếu, tình trạng đó sẽ không thể kéo dài, nhưng chàng lại nói khác đi.

– Tình hình đó không thể tiếp tục được nữa. Anh hy vọng là bây giờ em sẽ bỏ ông ta. Anh hy vọng (chàng bối rối và đỏ mặt) là em cho phép anh được nghĩ tới việc tổ chức cuộc sống của chúng ta. Ngày mai…

Nàng không để chàng nói hết lời.

– Thế còn con em? – nàng kêu lên. – Anh xem ông ta viết đấy: bắt buộc bỏ nó mà em thì không thể và không muốn bỏ nó.

– Nhưng mà, lạy Chúa tôi, đằng nào hơn: để con ở lại hay là tiếp tục sống trong tình cảnh nhục nhã đó?

– Nhục nhã cho ai kia chứ?

– Cho tất cả chúng ta và nhất là cho em.

– Nhục nhã!… Anh đừng nói thế. Những chữ đó không có ý nghĩa gì với em cả, – nàng nói giọng run run. Nàng không muốn chàng nói dối. Nàng chỉ còn độc có mối tình của Vronxki và nàng muốn được yêu chàng. – Anh hãy hiểu từ ngày em yêu anh, mọi cái đều đã thay đổi.

Đối với em, chỉ có mối tình của anh là đáng kể mà thôi. Với mối tình đó, em thấy mình cao quý đến nỗi không có gì là nhục nhã cả. Em tự hào vì tình cảnh của mình, bởi vì… em tự hào vì… em tự hào… – nàng không nói hết câu. Những giọt nước mắt hổ thẹn và tuyệt vọng làm cổ họng nàng nghẹn lại. Nàng dừng lại nức nở khóc.

Chàng cũng thấy một cái gì chẹn lấy họng, ngứa ngáy ở mũi và lần đầu tiên trong đời, chàng tưởng sắp phát khóc. Chàng không thể nói đích xác cái gì đã làm mình xúc động: chàng thương nàng, thấy mình không giúp đỡ được nàng, và đồng thời biết chính mình là nguyên nhân nỗi bất hạnh của nàng, biết mình đã hành động xấu xa.

– Chẳng lẽ không ly hôn được sao? – chàng nói giọng yếu ớt. Nàng lắc đầu không trả lời. – Em có thể bỏ ông ta và giữ lấy con em được không?

– Được chứ, nhưng cái đó còn tuỳ ở ông ta. Bây giờ em phải đến gặp ông ta, – nàng lạnh lùng nói. Linh tính quả không lừa dối nàng:

mọi cái sẽ giữ nguyên như cũ.

– Thứ ba này anh sẽ đến Peterburg, rồi ta sẽ quyết định sau.

– Vâng, – nàng nói. Nhưng thôi đừng nói đến chuyện đó nữa.

Xe của Anna (nàng đã cho đánh về và sai đón nàng ở hàng rào vườn nhà Vrege) tiến lại gần. Anna chào Vronxki và trở về nhà.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.