Anna Karenina

Quyển 3 - Chương 13



Trừ những người thân cận, không ai ngờ Alecxei Alecxandrovitr, bề ngoài có vẻ lạnh lùng và mực thước đến thế, lại mắc một nhược điểm trái hẳn với bản tính: ông không thể dửng dưng nhìn đàn bà hoặc trẻ con khóc lóc. Thấy nước mắt là ông bối rối không còn làm gì được nữa. Chánh văn phòng và thư ký của ông biết rõ nhược điểm đó, thường căn dặn những bà đến cầu cạnh đừng có khóc, nếu họ không muốn làm lỡ việc. “Ông ấy sẽ cáu và không nghe các bà nói nữa đâu”, hai người thường bảo họ như vậy. Thực vậy, sự bối rối của Alecxei Alecxandrovitr khi thấy nước mắt thường biểu hiện bằng giận dữ. “Tôi không thể giúp gì được. Xin mời bà đi ra!”, ông thường quát lên trong những trường hợp tương tự.

ở trường đua ngựa về, khi Anna thú nhận đã dan díu với Vronxki, và ngay sau đó lấy tay che mặt khóc oà lên, mặc dầu căm ghét vợ, Alecxei Alecxandrovitr vẫn cảm thấy bối rối như mọi lần nhìn thấy nước mắt. Biết thế và hiểu rằng biểu hiện tình cảm lúc đó sẽ đâm ra lạc lõng, ông cố nén không tỏ vẻ gì. Do đó, mặt ông có cái vẻ cứng đờ như xác chết làm Anna rất kinh ngạc.

Khi về tới trước cửa nhà, ông đỡ nàng xuống xe và gắng kiềm chế mình. Ông cáo từ với vẻ lịch thiệp thường ngày và nói vài câu lửng lơ không hứa hẹn gì. Ông nói ngày mai sẽ báo cho biết quyết định của mình.

Những lời vợ nói đã xác nhận mối nghi ngờ tệ hại của ông là đúng và khiến ông vô cùng đau đớn. Nỗi đau khổ ấy càng tăng thêm do cái cảm giác thương hại kỳ lạ về mặt thể xác khi nhìn thấy vợ khóc. Nhưng khi còn một mình trong xe, Alecxei Alecxandrovitr ngạc nhiên và vui sướng thấy mình hoàn toàn dứt bỏ được cả lòng thương hại đó lẫn những nghi ngờ và đau khổ vì ghen tuông vẫn giày vò ông thời gian gần đây.

Ông có cái cảm giác của một người vừa nhổ được cái răng sâu từ lâu. Sau phút đau buốt ghê gớm, tưởng như bị nhổ ở hàm ra một cái gì đồ sộ, to hơn cả đầu mình, người bệnh, – tuy chưa dám tin hẳn vào niềm hạnh phúc đó, – đột nhiên cảm thấy cái vật bấy lâu vẫn đầu độc đời mình, thu hút tất cả sự chú ý của mình, nay không còn nữa, và anh ta lại có thể sống, suy nghĩ và quan tâm đến chuyện khác ngoài cái răng đau. Đó chính là cảm giác của Alecxei Alecxandrovitr. Nỗi đau đớn thật kỳ lạ và ghê gớm, nhưng giờ đã tiêu tan; ông thấy lại có thể tiếp tục sống và suy nghĩ những cái khác ngoài vợ mình.

“Đó là một phụ nữ hư hỏng, vô liêm sỉ, vô lương tâm, vô đạo! Xưa nay ta vẫn biết, vẫn thấy rõ điều đó, nhưng vì thương hại cô ta mà phải cố tự dối mình”, ông tự nhủ. Và ông thành thực tưởng xưa nay vẫn thấy rõ điều đó: ông nhớ lại mọi chi tiết trong quãng đời đã qua, những chi tiết xưa kia ông thấy có vẻ vô tội; giờ đây những chi tiết đó lại bộc lộ rõ ràng là vợ ông xưa nay vẫn hư hỏng sẵn. “Ta đã mắc sai lầm đem gắn bó đời mình với cô ta, nhưng sai lầm này không có gì đáng chê trách, cho nên ta không thể đau khổ được. Không phải ta phạm tội mà chính cô ấy, ông tự nhủ. Ta không việc gì phải bận tâm vì cô ấy. Đối với ta, cô ấy không còn nữa”.

Tất cả những gì dính dáng đến vợ, đến con trai (đối với nó, tình cảm ông đồng thời cũng thay đổi) đều không làm ông quan tâm nữa.

Việc duy nhất làm ông lo lắng là tìm cách tốt nhất, thích hợp, tiện lợi nhất và do đó, đúng đắn nhất, để rửa vết bùn nhơ do người vợ sa ngã vấy lên và để tiếp tục cuộc sống hữu ích, hoạt động và lương thiện.

“Ta không thể đau khổ vì việc làm nhơ nhuốc của một người đàn bà đáng khinh; ta chỉ cần tìm lối thoát tốt nhất cho hoàn cảnh oái oăm này mà cô ấy dồn ta vào. Và ta sẽ tìm thấy lối thoát đó, ông tự nhủ, mặt mỗi lúc một sa sầm. Ta không phải người đầu tiên và cũng không phải kẻ cuối cùng”. Và ngoài những thí dụ lịch sử, như câu chuyện “Nàng Helen xinh đẹp, vợ gã Menelax xấu số 1, vừa được gợi lại trong trí nhớ mọi người 2, Alecxei Alecxandrovitr nhớ tới hàng loạt ông chồng trong xã hội thượng lưu có vợ bội bạc: “Darialov, Pontavxki, hoàng thân Caribanov, bá tước Paxcudin, Dram… Phải, cả Dram nữa… một người có năng lực và chính trực như thế, Xemionov, Tsaghin, Xigonin… Cứ cho là họ mắc vào một cái lố bịch 3 phi lý, nhưng về phần ta, bao giờ ta cũng coi đó là nỗi bất hạnh đáng thương”, Alecxei Alecxandrovitr tự nhủ; thực ra đâu phải thế, chưa bao giờ ông thương xót cho những nỗi bất hạnh tương tự, và trước đây, càng thấy nhiều gương xấu vợ phụ bạc chồng, ông càng tự đánh giá mình cao hơn. “Đó là điều bất hạnh mà ai cũng có thể gặp. Bây giờ đến lượt ta. Vấn đề hiện nay là tìm cách tốt nhất đối phó với tình cảnh này”. Và ông điểm lại thái độ những người đã lâm vào hoàn cảnh tương tự như mình…

“Darialov đã đấu súng…” Hồi còn trẻ, những cuộc đấu súng rất lôi cuốn Alecxei Alecxandrovitr, chính vì, về mặt thể chất, ông vốn nhát và biết rõ điều đó. Alecxei Alecxandrovitr không thể hình dung một khẩu súng lục chĩa vào mình mà không khiếp sợ, và suốt đời ông chưa hề dùng bất cứ thứ vũ khí nào. Nỗi sợ đó thường khiến ông nghĩ tới chuyện đấu súng và tính trước những trường hợp ngẫu nhiên có thể buộc ông phải liều mạng một keo. Từ khi thành đạt và củng cố được địa vị chắc chắn, ông quên bẵng cảm giác đó: nhưng thói quen lại ngóc đầu dậy và nỗi sợ về tính nhút nhát của chính mình hôm nay bùng lên mãnh liệt đến nỗi Alecxei Alecxandrovitr phải hình dung một cuộc đấu súng dưới mọi khía cạnh và mơn trớn giả định đó trong đầu, mặc dầu biết trước đó là bất cứ trong trường hợp nào, ông cũng không dám đọ sức.

“Rõ ràng xã hội ta còn quá dã man (chứ không như bên Anh) nên còn nhiều người (trong đó có cả những người rất được ông coi trọng ý kiến) tán thành việc đấu súng; nhưng hậu quả ra sao? Cứ giả dụ ta thách hắn đấu súng; Alecxei Alecxandrovitr nghĩ thầm, và mường tượng thấy rõ ràng cái đêm thao thức sau lúc thách đấu và khẩu súng lục chĩa vào mình, ông run bắn người và biết chắc sẽ không bao giờ làm như vậy. Cứ giả dụ ta thách hắn đấu súng. Giả dụ có người dạy ta ngắm, ta bóp cò và giết chết hắn, ông nhắm mắt thầm nghĩ.

Ông lắc đầu xua đuổi ý nghĩ ngu ngốc đó. Muốn biết phải xử sự với người vợ tội lỗi và đứa con ta như thế nào, mà lại đi giết người thì hỏi còn có nghĩa lí gì? Sau đó, ta vẫn phải quyết định cách đối xử với vợ. Và – điều này dễ xảy ra hơn và có thể nói là chắc chắn nữa – nếu chính ta bị giết hoặc bị thương ư? Thế lại càng phi lý! Hơn nữa, về phía ta, thách đấu như vậy là một hành động không trung thực. Ta há lại không biết bạn bè sẽ không đời nào cho phép ta đấu súng hay sao? Họ không cho phép một chính khách hữu ích cho nước Nga thí mạng như vậy. Thế thì sao? Biết trước việc đó nhất định không thành, ta có thách đấu thì cũng chỉ là muốn tự tô điểm bằng ánh hào quang giả dối thôi! Như thế là không trung thực, giả đạo đức, là lừa dối mình và lừa dối người khác. Nhất thiết không thể đấu súng và cũng không ai mong ta làm việc đó. Mục đích của ta là bảo toàn thanh danh cần thiết cho ta tiếp tục sự nghiệp không trở ngại”. Công việc quốc gia mà lúc nào ông cũng coi trọng, giờ đây trước mắt Alecxei Alecxandrovitr lại càng có ý nghĩa lớn lao hơn.

Sau khi đề cập và loại trừ chuyện đấu súng, Alecxei Alecxandrovitr nghĩ đến chuyện ly hôn, một giải pháp khác đã được một số ông chồng vừa điểm tới, lựa chọn. Nhớ lại tất cả những vụ ly hôn nổi tiếng (vốn rất nhiều trong xã hội thượng lưu), Alecxei Alecxandrovitr không thấy trường hợp nào có mục đích giống như mục đích ông đề ra. Trong mỗi trường hợp đó, người chồng hoặc nhường hoặc bán vợ đi, và nhờ đó người vợ tội lỗi mất quyền kết hôn có thể ăn ở với một người coi như là chồng trong một cuộc hôn nhân coi như chính thức. Còn việc ly hôn hợp pháp đưa đến kết quả thẳng tay gạt phăng người vợ phụ bạc, Alecxei Alecxandrovitr thấy không thể dùng cách đó. Hoàn cảnh sống phức tạp của ông không cho phép viện ra những chứng cớ thô bỉ theo yêu cầu của pháp luật để xác minh tội lỗi vợ; mà dù có chăng nữa, sự lọc lõi nổi tiếng của xã hội này cũng ngăn ông sử dụng chứng cớ đó, chưa kể nó sẽ làm dư luận quần chúng đánh giá ông tồi tệ hơn vợ 4.

Việc yêu cầu ly hôn chỉ dẫn đến kiện cáo điếm nhục, tạo cơ hội thuận tiện cho những kẻ kình địch lợi dụng phỉ báng và hạ thấp địa vị ông trong xã hội. Thành thử mục đích chính của ông: giải quyết hoàn cảnh mình sao cho đỡ phiền phức, cũng sẽ không đạt được bằng ly hôn. Ngoài ra nếu ông ly hôn, hoặc chỉ cần phát đơn tố tụng ly hôn là chắc chắn vợ ông sẽ cắt đứt mọi quan hệ với chồng và sống luôn với tình nhân. Vậy mà, mặc dầu tưởng đã hoàn toàn khinh bỉ và không thiết vợ, trong thâm tâm Alecxei Alecxandrovitr vẫn còn một thứ tình cảm: ông sợ rằng vợ mình có thể đường hoàng ăn ở với Vronxki và tội lỗi đâm có lợi cho nàng. Chỉ riêng ý nghĩ đó cũng đủ khiến Alecxei Alecxandrovitr tức giận đến phát rên lên vì đau khổ, làm ông phải đứng dậy đổi chỗ ngồi trong xe và cau mày chăm chú hồi lâu bọc đôi chân run rẩy, gầy gò vào tấm chăn mềm.

Ngoài ly hôn, còn có thể làm như Caribanov, Paxcudin và Dram, con người đôn hậu: sống riêng rẽ, ông nghĩ tiếp khi đã nguôi nguôi:

nhưng giải pháp này cũng có điều bất tiện như ly hôn và nhất là nó sẽ đẩy vợ ông vào trong tay Vronxki. “Không, dứt khoát không thể được! Không thể được! Ông nói to và lại quấn chặt chăn vào chân. Ta không thể đau khổ đã đành nhưng cả vợ ta lẫn hắn cũng không được phép sung sướng!”.

Máu ghen vẫn giày vò ông khổ sở trong thời gian còn nghi hoặc, nay biến mất cùng nỗi đau khi chiếc răng đã nhổ, khi Anna thú nhận.

Nhưng máu ghen nhường chỗ cho một tình cảm khác: ông muốn chẳng những vợ không giành được phần thắng mà còn phải đền tội.

Điều đó, ông không dám thú nhận với bản thân, nhưng trong thâm tâm, ông muốn nàng phải đau khổ vì tội phá hoại yên ổn và danh dự của ông. Sau khi duyệt lại mọi khía cạnh của việc đấu súng, ly hôn, sống riêng rẽ, và gạt bỏ mọi việc đó, Alecxei Alecxandrovitr hiểu rằng chỉ còn lối thoát duy nhất: giữ vợ ở lại, giấu không cho mọi người biết chuyện xảy ra, dùng mọi biện pháp trong phạm vi quyền hạn mình để cắt đứt quan hệ bất chính đó, và nhất là (ông cũng không dám thú nhận với bản thân điều này) trừng phạt nàng. “Ta phải bảo cho cô ấy biết quyết định của ta: nói cho cô ấy biết là sau khi suy nghĩ về hoàn cảnh ê chề mà cô ấy đẩy gia đình lâm vào, mọi lối thoát khác ngoài việc giữ nguyên hiện trạng 5 đều tai hại cho cả hai bên và ta sẵn sàng duy trì hiện trạng đó với điều kiện nghiêm ngặt là cô ấy phải chiều theo ý muốn của ta, nghĩa là chấm dứt mọi sự đi lại vói tình nhân”.

Để củng cố quyết định mà ông đã dứt khoát chọn, Alecxei Alecxandrovitr đưa thêm một lập luận khác: “Chỉ có cách đó mới là hành động đúng giáo lý, ông tự nhủ, như thế ta đã không ruồng bỏ người đàn bà tội lỗi, mà còn tạo cho nàng khả năng hối cải, thậm chí còn hiến một phần sức lực để chuộc tội và cứu vớt cô ấy, dù điều đó làm ta rất khổ tâm.

Mặc dầu Alecxei Alecxandrovitr biết mình không thể có chút ảnh hưởng nào với vợ, mọi dự định đó chỉ dẫn đến dối trá, mặc dầu trong những giây phút đau đớn đó, ông không hề lúc nào nghĩ đến chuyện tìm chỗ dựa ở tôn giáo, giờ đây, khi cảm thấy quyết định của mình phù hợp với đòi hỏi giáo lý – ít nhất cũng là theo quan niệm của ông – nó cũng làm ông hoàn toàn mãn ý và phần nào yên tâm. Ông khoan khoái nghĩ rằng ngay cả trong trường hợp nghiêm trọng như thế này, cũng không ai có thể trách ông không hành động phù hợp với quy tắc của thứ tôn giáo vẫn được ông giương cao cờ giữa sự thờ ơ và lạnh nhạt của mọi người. Nghĩ thế, Alecxei Alecxandrovitr càng thấy không có lý gì quan hệ của ông với vợ lại không thể giữ gần nguyên như cũ. Tất nhiên không bao giờ ông quý trọng nàng nữa nhưng cũng không có và không thể có lý do nào khiến ông phải đảo lộn cuộc sống và đau khổ vì vợ bội bạc.

“Phải, thời gian qua đi sẽ an bài tất cả, quan hệ vợ chồng của ta sẽ trở lại như xưa. Nghĩa là sao cho ta đỡ cảm thấy rầy rà trong cuộc sống. Chính cô ta phải đau khổ, còn ta, ta không gây ra tội, cho nên không việc gì mà đau khổ”.

— —— —— —— ——-1 “La Belle Hélène”, kịch của Jacques Offenbach (1819 – 1880), nói về một người đàn bà ngoại tình. Vở này hồi đó đang thịnh hành ở Mạc-tư-khoa và Peterburg.

2 ý nói: vừa được diễn lại.

3 Ridicule (tiếng Pháp trong nguyên bản).

4 Theo pháp luật nước Nga cũ, người phạm lỗi trong ly hôn không được phép kết hôn nữa và muốn ly hôn phải có chứng cớ cụ thể bắt quả tang thông dâm.

5 Statu quo (tiếng La tinh trong nguyên bản).


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.