Anna Karenina

Quyển 2 - Chương 28



Alecxei Alecxandrovitr đến trường đua thì Anna đã ngồi cạnh Betxi trong khán đài có đủ mặt xã hội thượng lưu. Nàng thấy chồng từ xa. Hai người đàn ông đó: chồng và người yêu là hai trung tâm của đời nàng và không cần đến giác quan, nàng cũng biết chỗ nào có mặt họ. Nàng cảm thấy từ xa chồng đang lại gần và bất giác dõi theo ông ta đang tiến lên giữa đám đông. Nàng thấy chồng đến gần khán đài, khi lên mặt bề trên đáp lại những cái chào vồn vã, lúc thân ái, lơ đãng bắt tay những người ngang hàng, khi lại thấp thỏm đợi những kẻ quyền cao chức trọng trong xã hội đoái nhìn đến để ngả cái mũ tròn to đang kẹp hai chỏm tai ra chào.

Nàng đã biết tất cả cái cung cách ấy và lấy làm ghê tởm. “Tham công danh và mong ước thành đạt, tất cả tâm hồn lão ta chỉ có thế, nàng nghĩ: những quan điểm cao thượng, lòng yêu học vấn, tôn giáo, tất cả những cái đó chỉ là phương tiện để đạt tới mục đích”.

Qua cái nhìn của ông ta về phía khán đài phụ nữ (ông nhìn đúng phía nàng, nhưng không nhận ra vợ giữa cái biển the lụa, ruy băng, lông chim, ô, dù và hoa lá), nàng biết chồng đang tìm mình nhưng nàng giả tảng như không thấy.

– Alecxei Alecxandrovitr! – quận chúa Betxi gọi, ông không thấy bà nhà à? Bà ấy đây!

Ông mỉm cười, nụ cười lạnh nhạt thường ngày.

– Mọi thứ ở đây đều lộng lẫy làm quáng cả mắt, – ông nói và đi về phía khán đài. Ông mỉm cười với Anna như kiểu những người chồng thường mỉm cười khi gặp lại vợ vừa chia tay với mình xong, và chào quận chúa cùng những người quen khác theo cách tuỳ nghi đối xử:

bông đùa với phụ nữ và thăm hỏi xã giao với đàn ông. Dưới chân khán đài, có một vị tướng phụ tá nổi tiếng thông minh và học thức, vốn được Alecxei Alecxandrovitr trọng nể. Carenin bắt chuyện với ông ta.

Lúc đó là giờ nghỉ giữa hai cuộc đua nên không có gì ngăn trở họ nói chuyện. Vị tướng phụ tá chỉ trích môn thể thao này. Alecxei Alecxandrovitr cãi lại để bênh vực, Anna nghe thấy giọng chồng nhỏ nhẹ, đều đặn và không bỏ sót lời nào: tất cả những điều ông nói hình như đều giả dối và làm nàng khổ tai vô cùng.

Khi cuộc đua vượt chướng ngại bắt đầu, nàng cúi về phía trước; trong lúc dán chặt đôi mắt vào Vronxki đang bước lại gần ngựa và nhẩy lên yên, nàng nghe thấy cái giọng chối tai của chồng nói thao thao. Đang bồn chồn lo lắng cho Vronxki, nàng càng khổ tâm hơn vì cái tiếng nói nhỏ nhẹ hầu như không dứt đó mà nàng đã thuộc hết mọi âm sắc.

“Mình là một con đàn bà xấu xa, là đồ bỏ đi, nàng nghĩ, nhưng mình không thích nói dối, không chịu được sự dối trá, còn lão ta thì sống bằng dối trá. Lão biết hết, nhìn thấy hết; lão cảm thấy thế nào mà lại nói năng bình tĩnh như vậy được? Nếu lão giết mình, hoặc giết Vronxki thì có lẽ mình sẽ trọng lão đấy. Nhưng đằng này, lão chỉ cần dối trá và giữ thể diện, Anna thầm nhủ, không tự hỏi cụ thể nàng mong đợi gì ở chồng hay muốn thấy ông ta có thái độ như thế nào.

Nàng cũng không đoán được ra rằng sự hoạt bát của Alecxei Alecxandrovitr, điều đã làm nàng bực tức đến thế, chỉ biểu hiện nỗi hoang mang thầm kín của ông ta mà thôi. Như đứa trẻ vừa bị vấp đang nhảy nhót vùng vẫy để quên đau, Alecxei Alecxandrovitr cần bắt trí tuệ hoạt động để gạt xa những ý nghĩ tất nhiên phải nảy ra khi có mặt vợ và Vronxki, người giờ đây luôn luôn được nhắc đến tên.

– Trong các cuộc đua ngựa của sĩ quan, nguy hiểm là một tất yếu, – ông nói. – Sở dĩ nước Anh có thể nêu lên trong lịch sử quân sự của mình những chiến công đặc biệt oanh liệt của kị binh, chẳng qua cũng nhờ ở sự phát triển lịch sử của sức ngựa cũng như sức người.

Theo ý tôi, thể thao có tầm quan trọng lón và thường thường ta mới chỉ nhìn thấy khía cạnh bề ngoài thôi.

– Không phải bao giờ cũng là bề ngoài đâu, – quận chúa Tverxcaia nói. – Hình như có một sĩ quan đã gẫy mất hai xương sườn.

Alecxei Alecxandrovitr mỉm nụ cười thường lệ chỉ để lộ hàm răng, còn ngoài ra không có ý nghĩa nào khác.

– Thưa quận chúa, ta tạm cho rằng đó không phải là bề ngoài, mà là bề trong vậy, – ông nói. – Vấn đề không phải ở đó, – và ông lại quay về phía vị tướng nãy giờ ông vẫn nói chuyện đứng đắn, – ngài đừng quên những người chạy đua là sĩ quan và họ đã chọn nghề đó: mọi thiên hướng đều có mặt trái. Cái đó trực tiếp thuộc nghĩa vụ của sĩ quan.

Một trò thể thao quái gở như đấu quyền hoặc chọi bò mộng là dấu hiệu của dã man. Nhưng thể thao có chuyên môn hóa là dấu hiệu của tiến bộ.

– Hừ, lần sau, tôi sẽ không đến đây nữa, trò này chán lắm, – quận chúa Betxi nói. – Phải không, Anna?

– Phải, nhưng mà hấp dẫn, – một bà khác nói. – Giá tôi là người La Mã, tôi sẽ đi xem tất cả mọi trò ở trường đấu.

Anna không nói gì và không rời chiếc ống nhòm vẫn luôn dõi về một phía.

Trong lúc đó, một vị tướng người cao lớn, đi ngang qua khán đài.

Alecxei Alecxandrovitr ngừng bặt đứng dậy hấp tấp nhưng trang trọng và cúi rạp xuống chào.

– Ông không dự cuộc đua à? – vị tướng hỏi đùa ông ta.

– Cuộc đua của tôi còn khó hơn, – Alecxei Alecxandrovitr kính cẩn trả lời.

Và mặc dầu câu trả lời chẳng có ý nghĩa gì cả, vị tướng vẫn ra vẻ thưởng thức được câu nói của một người thông thái và hiểu thấu ý vị mặn mà của câu pha trò 1.

– Có hai quan điểm, – Alecxei Alecxandrovitr nói tiếp: – quan điểm của người làm trò và quan điểm của người xem. Tôi cũng công nhận sự ham thích những trò vui thuộc loại này là dấu hiệu chắc chắn nhất về trình độ phát triển kém cỏi của khán giả, song le…

– Quận chúa, ta đánh cuộc nào! – tiếng Xtepan Arcaditr gọi Betxi vang lên ở dưới. – Bà đặt cuộc ai thắng nào?

– Anna và tôi, chúng tôi cuộc là hoàng thân Kudovlev thắng, – Betxi trả lời.

– Còn tôi thì Vronxki. Một đôi găng tay nhé?

– Đồng ý!

– Tuyệt nhỉ?

Alecxei Alecxandrovitr im lặng trong khi mọi người nói chuyện chung quanh, nhưng sau đó nói luôn:

– Tôi thừa nhận trừ phi là những trò chơi tu mi nam tử…

Ông định nói tiếp nhưng giữa lúc đó, có lệnh xuất phát, và mọi câu chuyện ngừng lại. Alecxei Alecxandrovitr cũng nín lặng. Mọi người đều đứng dậy, nhìn về phía ngoài. Alecxei Alecxandrovitr không thích đua ngựa nên không theo dõi các kị sĩ mà lơ đãng đưa mắt mệt mỏi nhìn khán giả. Cái nhìn của ông dừng lại ở Anna.

Khuôn mặt nàng tái xanh và nghiêm nghị. Rõ ràng nàng không thấy gì và cũng không thấy ai ngoài một người duy nhất. Bàn tay co quắp nắm chặt lấy cái quạt, nàng nhịn cả thở. Carenin quay phắt đi để quan sát những bộ mặt khác.

“Cái bà ở đằng kia và những người khác cũng đều có vẻ rất hồi hộp; đó là điều hết sức tự nhiên”, Alecxei Alecxandrovitr tự nhủ. Ông cũng muốn không nhìn vợ nhưng cặp mắt lại bất giác hướng về nàng.

Lần thứ hai, ông ngắm khuôn mặt đó, cố tình không chịu đọc ra những cái đã phơi bày lồ lộ trên nét mặt, nhưng trái với ý muốn, ông ghê sợ nhìn thấy ở đó chính cái điều ông muốn ngơ đi.

Cái ngã đầu tiên, cái ngã của Kudovlev sau con ngòi, làm mọi người xúc động, nhưng bằng vào bộ mặt tái xanh và đắc thắng của Anna, Alecxei Alecxandrovitr biết người mà vợ ông đang theo dõi không ngã. Lúc một sĩ quan khác ngã đâm đầu tưởng chết, sau khi Makhotin và Vronxki nhảy qua hàng rào lớn, toàn thể khán giả đều rùng mình kinh hãi thì Alecxei Alecxandrovitr thấy Anna thậm chí không hề chú ý tới tai nạn đó và hầu như cũng không hiểu người ta bàn tán gì chung quanh. Ông càng nhìn nàng dữ, về sau càng riết róng hơn. Anna đang để hết tâm trí vào cảnh đua ngựa mà vẫn cảm thấy cái nhìn lạnh lùng của chồng chằm chằm dán vào mặt mình.

Nàng quay đầu lại nhìn chồng một lát vẻ dò hỏi và khẽ nhíu lông mày rồi trở lại tư thế cũ.

“Chà! Cần quái gì”, tựa hồ nàng muốn nói với chồng như vậy và không thèm nhìn ông ta lần nào nữa.

Cuộc đua thật không may: trong số mười bảy kị sĩ, già nửa đã bị ngã và gẫy xương. Về cuối cuộc đua, sự xúc động chung càng thêm mãnh liệt khi thấy Đức vua cũng tỏ vẻ bất mãn.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.