Anna Karenina

Quyển 1 - Chương 28



“Thôi, đội ơn Chúa, thế là xong hết mọi chuyện!”. Đó là ý nghĩ đầu tiên khi Anna chào từ biệt anh trai lần cuối. Ông cứ đứng án ngữ ở cửa toa xe mói đến lúc chuông rung lần thứ ba. Nàng ngồi xuống ghế dài, bên cạnh Annusca, và nhìn chung quanh trong khoảng tranh sáng tranh tối. “Đội ơn Chúa, mai mình sẽ gặp Xerioja và Alecxei Alecxandrovitr, và cuộc đời tốt đẹp quen thuộc sẽ lại trôi như cũ”.

Vẫn với cái tâm trạng cần được bận rộn không buông tha nàng suốt ngày hôm ấy, Anna tỉ mỉ soạn sửa chỗ ngồi: với đôi bàn tay nhỏ nhắn và khéo léo, nàng mở cái túi nhỏ màu đỏ lấy ra chiếc gối rồi khóa túi lại, đặt gối lên đầu gối; và sau khi bọc chân cẩn thận, nàng ngồi xuống thoải mái. Có một bà ốm đó chuẩn bị đi ngủ. Hai bà khác bắt chuyện với Anna, và một bà già to béo vừa lấy chăn quấn đùi vừa nhận xét về vấn đề sưởi ấm trên tàu. Anna đáp lại vài câu, nhưng thấy trước câu chuyện sẽ chẳng có gì thú vị, bèn bảo Annusca lấy cái đèn túi móc vào tay ghế bành và lấy trong ví tay ra con dao rọc giấy và một cuốn tiểu thuyết Anh. Mới đầu, nàng không sao đọc nổi. Kẻ đi người lại tấp nập quá; rồi khi tàu bắt đầu chạy, thì lại không tránh khỏi tiếng động; sau hết, tuyết đập vào cửa sổ bên trái và bám vào mặt kính, rồi người soát vé đi qua, mình trùm kín mít và tuyết phủ đầy một bên người, những câu chuyện về trận bóo đang gào thét bên ngoài khiến nàng không thể tập trung tư tưởng được. Cuối cùng, tất cả đều chìm vào đơn điệu: lúc nào cũng lắc lư trong tiếng tàu chạy ầm ầm, vẫn mưa tuyết đập vào cửa kính, vẫn luồng hơi nước từ nóng bỏng chuyển sang lạnh, rồi lại từ lạnh chuyển sang nóng, vẫn những khuôn mặt ấy xuất hiện trong bóng tối chập chờn, vẫn những tiếng nói ấy, và Anna bắt đầu đọc được và hiểu nổi những điều trong sách. Annusca ngủ gà ngủ gật, hai bàn tay thô đeo găng, một chiếc đó rách, giữ chiếc xắc nhỏ màu đỏ đặt trên đầu gối. Anna Arcadievna đọc và hiểu, nhưng không hứng thù gì theo dõi câu chuyện người khác. Nàng khát khao được sống như thế. Nữ nhân vật trong tiểu thuyết săn sóc người bệnh ư… nàng nảy ra ý muốn được đi rón rén trong căn buồng có bệnh nhân: một nghị sĩ đọc diễn văn ư… nàng cũng muốn đọc bài diễn văn ấy; tiểu thư Mêri cưỡi ngựa theo sau bầy chó săn, trêu ghẹo chị dâu, và sự táo bạo của cô khiến mọi người kinh ngạc ư, nàng cũng muốn chính mình làm tất cả những điều ấy. Nhưng không có gì để làm hết, và nàng phải cố đọc, đôi tay nhỏ nhắn cứ mân mê cái cán nhẵn con dao rọc giấy.

Nhân vật chính của tiểu thuyết đó tới tuyệt đỉnh cái hạnh phúc kiểu Anh: nhận chức nam tước cùng đất đai, và Anna đang muốn cùng anh ta đi vòng quanh trại ấp thì đột nhiên, nàng cảm thấy hình như anh ta hổ thẹn, và cả nàng nữa, nàng cũng thấy hổ thẹn. Nhưng vì sao? “Mình hổ thẹn vì cái gì chứ?”, nàng tự hỏi, ngỡ ngàng bực dọc.

Nàng bèn bỏ sách đấy và tựa vào lưng ghế bành, hai tay nắm chặt con dao rọc giấy. Không có gì khiến nàng phải hổ thẹn hết. Nàng ôn lại tất cả những kỷ niệm khi ở Moxcva. Ai nấy đều sung sướng, dễ chịu. Nàng nhớ lại đêm khiêu vũ, Vronxki cùng bộ mặt qụy lụy và mê mệt, mối quan hệ của nàng với chàng: không có gì đáng hổ thẹn trong chuyện ấy cả. Vậy mà, đúng lúc nhớ lại quóng này, cái cảm giác hổ thẹn lại càng tăng lên, và nàng thấy như một tiếng nói trong lòng, giữa lúc đang nghĩ đến Vronxki, bảo nàng: “Nóng, nóng quá, nóng bỏng”. “Như thế nghĩa là gì chứ? Nàng đổi chỗ ngồi, quả quyết tự hỏi.

Như thế là nghĩa lý gì? Mình sợ nhìn thẳng vào chuyện đó chăng? Lạ chưa! Giữa mình và anh chàng sĩ quan trẻ ranh đó, không hề và không thể có mối quan hệ nào khác với mọi người!”. Nàng khẽ bật cười khinh bỉ và lại cặm cụi đọc sách. Nhưng, lần này, rõ ràng nàng không hiểu nổi điều đang đọc. Nàng đặt con dao rọc giấy lên cửa kính, áp mặt dao nhẵn và lạnh lên má, và suýt bật cười to vì nỗi mừng vui bỗng nhiên tràn ngập trong lòng. Nàng cảm thấy gân nóo mỗi lúc một căng ra, như sợi dây đàn vĩ cầm vừa lên. Nàng thấy như mắt mình mở to lắm, ngón chân và ngón tay đang co lại, một sức nặng đè dí nàng xuống và những hình ảnh cùng âm thanh đập vào nàng với sức mạnh kì lạ trong cảnh tối chập chờn này. Mỗi lúc, nàng lại tự hỏi xem con tàu đang chạy tới hay chạy lui, hoặc dừng lại rồi.

Có phải Annusca vẫn ở cạnh hay một người đàn bà không quen nào khác? Có cái gì trên tay ghế bành kia? Cái áo choàng lông hay một con vật? Và chính mình nữa, mình có thật là mình hay là người khác đấy?”. Nàng bỗng sợ sẽ đắm mình trong trạng thái mất tri giác này.

Có cái gì lôi cuốn nàng vào đấy, nhưng nàng vẫn có thể dứt ra khỏi và cưỡng lại theo ý muốn. Nàng đứng lên để định thần, vứt mền phủ chân và cởi áo choàng ra. Một phút sau, nàng trấn tĩnh lại và hiểu ra rằng cái người gầy gò vừa bước vào, mặc áo bành tô dài màu vàng đứt cúc là bác tài xế, rằng bác ta vừa đến để xem hàn thử biểu, rằng gió và tuyết theo bác ùa vào qua cửa ra vào; nhưng tiếp đấy, mọi thứ lại nhòa đi… Anh nông dân cao lớn bắt đầu gặm nhấm bức tường; bà lóo duỗi thẳng hai chân dọc suốt toa tàu và nhả ra một đám mây đen phủ đầy toa; tiếp đó, có tiếng ken két, theo sau là tiếng đập như ta vừa xé ai ra làm hai mảnh; một tia lửa đỏ làm nàng loá cả mắt, rồi biến mất sau tường. Anna có cảm giác như rơi xuống vực thẳm. Nhưng tất cả những chuyện đó đáng lẽ phải ghê sợ lắm thì lại hóa ra trò vui. Cái người quần áo trùm kín và phủ đầy tuyết thét vào tai nàng một cái tên nào đó. Nàng đứng dậy và cố định thần; nàng hiểu ra tàu sắp đến ga và đó là người soát vé. Nàng bảo Annusca đưa áo và khăn; nàng mặc vào người rồi ra cửa.

– Bà muốn ra ngoài ạ? – Annusca hỏi.

– Phải, tôi muốn thở một chút, trong này ngột ngạt lắm.

Nàng kéo cánh cửa. Tuyết và gió ùa vào, và đẩy sập cửa lại. Nàng thấy thật ngộ nghĩnh. Nàng mở cửa và bước ra. Cơn gió như vẫn đợi nàng. Nó bắt đầu rít lên khoái trá, muốn cuốn lấy và lôi nàng đi, nhưng nàng bíu chắc một tay vào lan can giá lạnh, còn tay kia giữ khăn, nàng bước xuống sân ga và đứng núp sau toa. Gió thổi mạnh nhưng trên sân ga, sau các toa xe, có một khoảng lặng gió. Nàng khoan khoái thở đầy lồng ngực không khí lạnh giá, và nhìn quanh sân “ke” và căn nhà ga sáng đèn.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.