Anh Hùng Tiêu Sơn

Chương 18



Ngô Tích rất quan tâm đến sức khỏe của Bảo-Hòa. Y chạy lên miệng hầm gọi Đàm An-Hòa:

– Đàm hiệu úy. Gần đây có ông thầy châm cứu nào giỏi không?

– Có thì có đấy, nhưng ông ta ở trong Vạn-thảo sơn-trang. Từ đây đến Vạn-thảo sơn-trang ít ra một ngày đường.

Ngô Tích mau mắn:

– Một ngày thì một ngày, chúng ta dùng ngựa phi thật nhanh đến mời ông ta, hẳn mau hơn. Tên ông ta là gì?

Đàm An-Hòa lắc đầu:

– Không ai biết tên thực ông là gì, bao nhiêu tuổi. Người ta thường gọi ông là Hồng-Sơn đại phu. Ông ta gàn bướng lạ lùng. Ông ta chỉ nhận chữa trị cho những bệnh nhân mà không thầy thuốc nào chữa được. Khi ông ta muốn chữa, thì dù bệnh nhân không chịu, ông cũng đè ra chữa. Còn khi ông ta không muốn chữa thì dù tiền rừng bạc biển, dù quan quyền ông ta cũng từ chối. Thành ra lâu ngày dân chúng gọi ông là Hồng-Sơn quái nhân.

Triệu Huy, Đinh Tòan cũng đã lên mặt hầm. Đinh Toàn hỏi:

– Ông ta có biết võ công không?

– Khải tấu vương gia, thần không biết rõ.

Triệu Huy quả quyết:

– Tôi không tin ông ta chê tiền. Chúng ta cứ tới đó, trả giá gấp một vạn lần, thì ông ta ắt phải tối mắt lại mà nhận. Bây giờ thế này, phiền Đàm hiệu úy đi với chúng tôi tới Vạn-thảo sơn trang một lần xem sao.

Đinh Toàn đề nghị:

– Thế thì Ngô nhị gia, Triệu nhất gia, cùng đi với Bảo-Hòa. Còn Triệu tam gia cùng tôi chờ ở đây.

Triệu Huy nghĩ rất nhanh:

– Trong khi đại ca, nhị ca ra đi với An-Hòa. Ở đây chỉ còn mình ta, lỡ Đinh Toàn trở mặt thì e ta không địch nổi y. Lại thêm hai con nha đầu Thanh-Mai, Mỹ-Linh nữa. Ta không dại gì mà tự giam mình vào chốn nguy hiểm.

Y lắc đầu:

– Tôi bàn thế này. Chúng ta mượn chiếc xe ngựa của ông từ chở đại ca, Quỳ với Bảo-Hòa. Tôi đánh xe đó. Còn xe của chúng ta thì An-Hòa đánh, trên chở nhị ca, và hai con nha đầu. Còn Đinh vương gia cỡi ngựa.

Ngô Tích nhiều mưu trí nhất trong bọn. Y ra lệnh cho Quách Quỳ:

– Này Quỳ, sư điệt đọc không nổi những tấm bia này, nhưng chép thì hẳn được. Vậy sư điệt hãy mượn bút của công-chúa Bình-dương, chép tất cả di thư, rồi chúng ta hủy bia đi. Như vậy trên thế gian này, chỉ chúng ta có di thư mà thôi.

Quách Quỳ biết không đừng được, y lục trong bọc Mỹ-Linh, thấy đủ bút, mực nhưng không có giấy. Lục sang bọc Thanh-Mai, thấy có quyển sách khá dày, y mở ra coi. Sách viết bằng chữ Hán, ngòai bìa đề Lĩnh-Nam di sử, đầu óc y lóe một tia sáng:

– Sư thúc, mình chép bằng son, xen vào giữa những chữ in của cuốn sử này.

Triệu Huy cầm đuốc soi cho Quách Quỳ chép. Trong khi Ngô Tích lên miệng hầm truyền cho ông bà từ làm cơm ăn, cùng đem thêm đuốc với bổi xuống hầm. Tám tấm bia quá dài, Quách Quỳ phải chép liền hai mươi ngày mới xong. Trong hai mươi ngày đó, chị em Thanh-Mai bị chúng giam dưới hầm. Tuy bị tù, nhưng được cái chúng tung tiền ra, ông từ cung đốn thức ăn cực kỳ thịnh sọan.

Bảo-Hòa bị trúng độc, tuy vậy tinh thần vẫn tỉnh táo. Nàng giả vờ mê man, để bọn Tống không làm khó dễ. Còn Mỹ-Linh, nàng làm như không biết chữ, tò mò đi xem những tấm bia. Triệu Huy cười chế diễu:

– Công chúa văn hay chữ tốt, nhưng tiếc rằng đứng trước bia này, nó có chửi công chúa, thì công chúa cũng không biết.

Mỹ-Linh giả ngây, mỉm cười. Nàng lần mò đến trước tấm bia có khắc hình con rồng, nhẩm đọc:

Long-biên kiếm pháp.

Sáng tổ Lý Thân, tước phong Vạn-tín hầu.

Mỹ-Linh muốn nghẹt thở. Nàng nhớ lại trong một đêm trăng trên núi, thái-cô của nàng là sư thái Tịnh-Huyền dạy kiếm pháp Long-biên cho nàng. Bà nhấn mạnh rằng kiếm pháp này gồm hai phần. Phần căn bản có 72 thức. Mỗi thức biến hóa ra thành 36 chiêu. Phần thứ nhì là 72 thức trấn môn nối liền các chiêu lại thành một dây. Nếu học được cả hai, sẽ thành anh hùng vô địch. Bây giờ nàng thử đọc xem, biết đâu không tìm được những bí mật đã thất lạc.

Nàng đọc kỹ, quả phần căn bản có 72 thức, cùng cách biến hóa, đúng như Tịnh-Huyền dạy. Nàng đọc sang phần thứ nhì, thấy có 90 câu quyết trấn môn . Đọc lần đầu nàng không hiểu gì cả. Suy nghĩ một lúc nàng thấy trong đó có nhiều thuật ngữ mà mình không hiểu. Chợt trong đầu nàng lóe lên tia sáng: hôm bị giam trong tù, Tịnh-Huyền bắt nàng học đi, học lại những thuật ngữ và dặn dò : « người xưa chép võ công, sợ rằng kẻ vô tư cách đọc được, mới chép bằng thuật ngữ đặc biệt ». Vì vậy bà bắt nàng học thuộc các thuật ngữ đó.

Vốn thông minh, Mỹ-Linh nhẩm một lúc thuộc tất cả 72 thức trấn môn cùng 90 câu quyết, rồi lần mò đi xem các tấm bia khác.

Bọn Triệu Huy tuyệt không ngờ nàng biết chữ Khoa-đẩu, chúng để nàng tự do muốn làm gì thì làm. Bọn chúng nào ngờ trong hai mươi ngày, Mỹ-Linh thuộc tất cả những gì chép trên tám tấm bia. Lúc đọc đến tấm bia có vẽ con trâu, phía dưới còn ghi chú :

Bồ-tát Tăng-gỉa nan-đà đến Lĩnh-nam hoằng dương đạo pháp vào niên hiệu vua Trưng thứ nhất. Một đêm gặp Trưng Nhị, Hồ Đề, Trần Năng trên hồ Động-đình. Ngài giảng linh Kim-cương, Bát-nhã, Lăng-gìa. Song chỉ có Trần Năng ngộ đựơc. Trong trận đánh Vương-sơn, Trần Năng đã hợp Thiền-công với nội công Tản-viên, mà thành vô địch. Nay xin chép vào đây.

Mỹ-Linh đọc tiếp:

– Người nào muốn luyện Thiền-công này, trước hết phải thấu hiểu yếu chỉ kinh Kim-cương, Lăng-gìa, Bát-nhã đã.

Mỹ-Linh cười thầm:

– Gì chứ kinh Kim-cương, Bát-nhã, Lăng-già thì mình thuộc làu từ hồi còn thơ. Sư phụ giảng đi, giảng lại cho mình đến mấy lần rồi.

Mỹ Linh là đệ tử yêu của cao tăng đắc đạo. Vì vậy nàng thấu ý nghĩ mọi kinh điển nhà Phật. Bây giờ thấy bia chép yếu chỉ luyện công, nàng hiểu liền. Ngẫm nghĩ một lúc, nàng nhẩm đọc, rồi hít hơi vận khí thử, thấy trong người khoan khóai vô cùng. Nàng không dám luyện nữa, vờ xem qua, nhẩm đọc, nghĩ:

– Để đêm ta luyện thử. Chúng tưởng ta luyện nội công Tiêu-sơn, như vậy mới yên.

Đêm đó nàng nhắm mắt luyện Thiền-công như trong bia đá dậy, thì thấy chân khí biến mất, trong lòng trống không. Nàng giật mình:

– Không xong, nếu tiếp tục luyện, chân khí ta sẽ bị tuyệt thì nguy.

Song trong đêm đó, tiềm thức làm việc, nàng tiếp tục luyện. Sáng dậy thấy trong lòng không còn gì cả, nhưng người lại khỏe vô cùng. Nàng nghĩ thầm:

– Tại sao thế nhỉ? Bao nhiêu công lực sư phụ, chú hai dạy mình biến mất rồi, mà mình lại mạnh khoẻ thế này? Mình nghe sư phụ nói, nhà Phật có bốn loại Thiền-công là Vô-ngã tướng, Vô-nhân tướng, Vô-chúng sinh tướng và Vô-thọ giả tướng. Trong bốn loại đó thì Vô-ngã tướng uy lực mạnh nhất, nhưng nay đã thất truyền. Không lẽ là thần công này?

Nàng đến tấm bia chép Phục-ngưu thần chưởng, Lĩnh-nam chỉ nhẩm học thuộc lòng.

Chiều hôm ấy, ông bà từ đem thức ăn vào cho bọn Triệu Huy. Ăn xong, Ngô Tích bàn:

– Hôm qua, chúng ta ngủ trên đền, chỉ có ba con ngạnh đầu ngủ dưới này với Quách Quỳ. Hôm nay chúng ta ngủ cả dưới này cho an ninh.

Bọn chúng gọi ông từ mang chiếu đến cho chúng. Quách Quỳ ngáp dài:

– Sao hôm nay buồn ngủ quá thế này không biết.

Câu nói của Quỳ làm mọi người cùng thấy có gì khác lạ, bởi tất cả đều buồn ngủ ríu mắt lại.

An-Hoà làm ra vẻ hiểu biết, y nói:

– Hồi chiều chúng ta ăn canh rau ngót nấu với cả rô. Rau ngót làm buồn ngủ mà thôi, không có gì lạ đâu.

Cả bọn ngáp dài rồi ngủ.

Trong khi bọn Triệu Huy bàn tán, Mỹ-Linh vẫn ngồi luyện công. Trái với mọi người, nàng vẫn thấy tỉnh táo vô cùng, không hề buồn ngủ.

Nàng luyện được một lúc, thấy trong người khoan khoái vô cùng. Quay lại, từ Thanh-Mai, Bảo-Hoà cho đến bọn Triệu Huy đều ngủ rất sâu. Mỹ-Linh kinh ngạc:

– Dường như có người bỏ thuốc mê vào canh. Cho nên mọi người mới ngủ say thế này? Thế tại sao mình cũng ăn canh mà không bị trúng độc?

Chợt Mỹ-Linh nhớ lại: xưa kia công chúa Yên-Lãng Trần Năng luyện Vô-ngã tướng Thiền-công, chống được Huyền-âm độc chưởng. Vì vậy nay nàng luyện Thiền-công này, thuốc độc không ngấm vào người nàng được. Nàng nhủ thầm:

– Bất biết kẻ nào hạ độc. Ta cứ im lặng xem chúng làm gì?

Nàng vờ nằm xuống ngủ. Quả nhiên không lâu, có tiếng chân người đi nhẹ nhàng. Lát sau một bóng đen xuống hầm. Bóng đen đánh lửa, đốt lên ngọn đuốc, rồi cầm soi vào các bia đá. Mỹ-Linh nghiêng đầu nhìn. Suýt nữa nàng bật lên tiếng la. Thì ra bóng đen chính là nhà sư đã ra tay cứu Bảo-Hoà trong đại hội Lệ-Hải bà vương.

Trong đầu óc Mỹ-Linh có không biết bao nhiêu nghi vấn:

– Nhà sư trẻ này là ai? Chính phái hay tà phái? Ai sai nhà sư lên Bắc-biên theo dõi bọn Địch Thanh? Nhà sư có bản lĩnh cao lắm, mới đấu được mấy chiêu của Dư Tĩnh, Địch Thanh. Không biết có phải nhà sư đã ném đá giết con hoẵng, rồi ăn vụng nửa con hoẵng nướng không? Lại còn người ném quả bưởi đánh Triệu Huy không chừng cũng là nhà sư này cũng nên.

Nhanh như chớp, nhà sư cầm bút chép những võ công trên bia đá. Chép đến gần sáng thì xong. Nhà sư theo lối cũ ra khỏi hầm.

Mỹ-Linh cười thầm:

– Bọn Triệu Huy tưởng mình tìm ra di thư. Nào ngờ ta tự nhiên toạ hưởng. Rồi nhà sư kia cũng biết, đánh thuốc mê mọi người, vào chép di thư.

Trời sáng tỏ, bọn Triệu Huy thức giấc. Chúng tự cho rằng mình ngủ mê. Chúng bàn định đủ truyện. Cuối cùng bàn truyện đi Vạn-thảo sơn trang.

Trong khi bọn Triệu Huy bàn định, Bảo-Hòa nói sẽ vào tai Thanh-Mai, Mỹ-Linh:

– Cứ để cho bọn chúng bàn nhau. Tôi có cách thoát thân rồi. Thanh-Mai với Mỹ-Linh cứ ngoan ngoãn theo chúng đến Vạn-thảo sơn-trang.

Ngô Tích bắt Quách Quỳ kiểm điểm lại xem có sai chữ nào không. Sau khi biết chắc di thư chép lại đầy đủ, Triệu Huy, Ngô Tích cầm kiếm vạc các tấm bia đi. Phút chốc, bia chỉ còn là những phiến đá lồi lõm. Triệu Huy dẫn ba chị em Thanh-Mai ra khỏi hầm. Y cùng với Ngô Tích, Đinh Tòan đem đá lấp cửa hang như cũ,rồi kéo cái bể cạn lại che dấu vết.

Gần một tháng bị giam dưới hầm, bây giờ Bảo-Hòa mới được ra ánh sáng mặt trời. Nàng thấy ông từ với vợ con đứng bên miệng hầm, thì biết ông đã được giải cứu. Triệu Huy rút thanh kiếm múa một vòng. Tia thép sáng ngời. Y dí kiếm vào cổ ông từ. Vợ con ông kêu rú lên. Y móc trong bọc ra nén vàng đưa cho bà từ:

– Đây là phần thưởng cho ông bà. Nếu ông bà tiết lộ những gì ở đây với người khác, ta sẽ giết cả nhà.

Không đợi ông bà từ cảm ơn, Triệu Huy nói với Thanh-Mai:

– Bản tâm chúng tôi không muốn trói công chúa với cô nương. Ngặt vì các cô đều là sư tử dữ, vì vậy tôi phải vô phép. Song chúng tôi chỉ trói giới hạn để các cô vẫn đi đứng như thường, miễn các cô không chạy trốn được là đủ. Tôi xin nói trước, trên đường đi, các cô kêu lên một tiếng, bất đắc dĩ tôi phải chặt đầu các cô.

Bảo-Hòa thấy trên đầu nàng, đôi chim ưng vẫn bay lượn. Nàng vờ lui vào bụi cây đi tiểu, gọi chim ưng xuống. Nàng móc tờ giấy ở trong ống, dưới chân chim, thì ra đó là một bức thư của Thân Thiệu-Thái. Nàng đọc qua, rồi xé bỏ, huýt sáo cho chim bay đi.

Bọn Triệu Huy đốc thúc cho xe lên đường. Xe của Ngô Tích có An-Hòa dẫn đường đi trước, xe chở Bảo-Hòa theo sau. An-Hòa tỏ vẻ thông thạo đường lối:

– Trên đường đi chúng ta phải vượt cửa Thần-đầu, trên núi đường uốn cong như ruột dê. Dưới chân núi là Vạn-hoa-trang, Vạn-thú-trang. Cuối cùng tới Vạn-thảo sơn-trang là nơi quái-nhân ở.

Khởi hành từ lúc mặt trời ló dạng, đến khi ánh nắng vàng úa đổ xuống đầu, thì đã qua được trên trăm dặm. Xe đang đi ngon trớn, phía trước có con ngựa phi ngược chiều, phóng như bay. Quách Quỳ tinh mắt kêu lên:

– Ngựa hoang, nó chạy một mình, không có người cỡi.

Bọn Triệu Huy cùng dương mắt nhìn. Con ngựa dần dần tới gần. Ngô Tích kêu lên:

– Lạ không kìa, ngựa có yên cương đàng hoàng, mà không người cỡi.

Triệu Huy vẫy tay ra hiệu, cả hai chiếc xe cùng dừng lại, y bảo Quách Quỳ:

– Sư điệt, cháu xuống ngăn con ngựa đó lại, bắt mà cỡi.

Quách Quỳ nhanh nhẹn nhảy xuống đứng bên đường, tay nó cầm sợi dây thắt thòng lọng. Khi con ngựa tới gần tầm, nó vung tay. Sợi dây từ từ chụp xuống đầu ngựa. Con ngựa né đầu sang bên cạnh tránh khỏi. Hai chân trước dựng đứng dậy, miệng hí lên lanh lảnh.

Quách Quỳ vung dây chụp nữa. Con ngựa lại né tránh dễ dàng. Sau khi tránh khỏi sợi dây, con ngựa hí lên, nó chụp hai chân trước xuống đầu Quách Quỳ. Quách Quỳ vọt người lên cao, định cỡi lên lưng ngựa. Khi mông y sắp chạm vào lưng ngựa, thì một bàn tay nhỏ bé tát vào mặt y hai cái. Y ngã chúi đầu xuống đất. Y vội lộn một vòng, đáp trên mặt đất.

Y ngửa mặt nhìn lên, người đánh y là một thiếu niên ngang tuổi, đang ngồi chễm chệ trên mình ngựa.

Thiếu niên chỉ mặt Quách Quỳ:

– Mày là ai, mà dám ăn cắp ngựa của tao?

Bấy giờ bọn Triệu Huy mới biết thiếu niên tinh nghịch, bám hai chân vào lưng ngựa, còn mình ẩn thân dưới bụng, thành ra ai cũng tưởng ngựa không người cỡi. Triệu Huy kinh ngạc:

– Ta là tướng cầm quân vùng biên giới bắc Trung-quốc, đối phó với Tây-hạ, nơi đây tập trung tất cả kị mã tài nhất thiên hạ, thế mà chưa từng thấy ai có bản lĩnh kị mã như thiếu niên này.

Quách Quỳ bị tát đau, ỷ có sư phụ, sư thúc bên cạnh. Nó lớn lối:

– Tao thấy ngựa mày chạy lấn đường, tao bắt. Chứ tao thèm ăn cắp con ngựa điên của mày làm gì?

Thiếu niên từ trên mình ngựa tà tà đáp xuống, nó vung roi ngựa quất vào đầu Quách Quỳ. Quách Quỳ khinh thường, tay chụp roi ngựa giật mạnh. Chỉ nghe đến vù một cái, thiếu niên bị bay bổng lên cao.

Thanh-Mai kinh hãi la lớn:

– Nguy quá!

Song nàng bị trói tay, không can thiệp được. Tiếng la vừa dứt, thì binh, binh hai tiếng, Quách Quỳ bay xuống dưới ruộng. Y đứng dậy, bùn dính đầy quần áo, đầu tóc, trông thực thảm hại.

Thì ra thiếu niên nhân cái giật của Quỳ, đã mượn sức vọt người tới, phóng vào Quỳ hai phi cước.

Quách Quỳ xổ ra một tràng tiếng Trung-quốc:

– Con mẹ mày, tên Nam-man đánh trộm.

Thiếu niên dường như không biết tiếng Trung-quốc, hỏi lại:

– Mày nói gì vậy?

Cả bọn Triệu Huy cười ồ lên. Thanh-Mai thấy thiếu niên còn nhỏ tuổi, mà bản lĩnh ngang với Tự-Mai em mình, thì biết đây là con nhà danh gia, được huấn luyện rất chu đáo. Nàng lên tiếng:

– Này em ơi, đứa trẻ này họ Quách tên Quỳ. Nó chửi em đó.

Rồi nàng dịch lại nguyên văn cho thiếu niên nghe. Thiếu niên giận lắm:

– Được, tao tát vào mặt mày đây.

Rồi nó vung tay lên. Quách Quỳ xuống chảo mã tấn, trả đòn. Cuộc đấu bắt đầu. Ngô Tích nói với Triệu Huy:

– Sư đệ, công phu luyện tập của thằng này không hơn Quách Quỳ. Nhưng võ công của nó khắc chế võ công Quách Quỳ, nên y cứ bị lâm thế bị động hoài.

Vừa lúc đó một chiếc xe ngựa đi tới. Trên xe có một thiếu nữ nhan sắc diễm lệ, tuổi khoảng mười tám. Dường như nàng không quan tâm đến cuộc đấu, thản nhiên ngồi trên xe nhìn trời đất.

Quách Quỳ bị thiếu niên đánh trúng ba bốn cái tát, mặt nó đỏ ngầu những máu. Thiếu nữ ngồi trên xe cau mày:

– Cái thằng cà-chớn. Thời giờ đã không có, mà còn đi đùa nghịch với thằng chệt con làm gì! Có mau lên không! Tối này về nhà, tao đánh què cho biết thân.

Nghe thiếu nữ dọa, thiếu niên nói:

– Này thằng Tầu-con. Ngừng nghe. Đánh nữa chị tao phạt tao.

Miệng nói, tay đánh hai chiêu cực quái dị. Quách Quỳ trông rất rõ mà y không tránh được. Người y bay bổng lên cao, rơi xuống cái đụi. Y không ngồi dậy được nữa.

Thiếu niên nhìn thiếu nữ, méo miệng làm xấu. Thiếu nữ vung tay, roi ngựa quấn ngang người thiếu niên. Tay nàng rung một cái, thiếu niên đã bay bổng lên lưng ngựa. Trong khi lơ lửng trên không, nó nhổ một bãi nước miếng, trúng giữa mặt Triệu Huy.

Triệu Huy nổi giận:

– Thằng quỉ Nam-man.

Chửi rồi y bay người lên cao, phóng chưởng đánh thiếu-niên. Thiếu-nữ lên tiếng:

– Cái thằng hư qúa. Làm mất thời giờ. Có giải quyết mau đi không?

Chưởng của Triệu Huy đâu phải tầm thường. Thiếu niên chĩa ngón tay phóng ra một chỉ. Nếu Triệu Huy tiếp tục đánh tới, thì bàn tay y bị thương. Y vội biến chưởng thành cầm nã, định bẻ gẫy ngón tay thiếu niên. Thiếu niên hú một tiếng. Con ngựa khụy chân xuống, rồi lao về trước. Triệu Huy đánh hụt, người y rơi xuống đất.

Y quên mất thân phận một đại cao thủ của mình, rút kiếm ra chiêu Vân hoành Tần-lĩnh định chẻ thiếu niên với ngựa làm hai.

Thiếu nữ rung tay, roi ngựa duỗi ra, rồi cuốn lấy thanh kiếm của Triệu Huy. Lách cách hai tiếng, kiếm của y gẫy làm hai. Tay y chỉ còn cầm cái chuôi.

Thiếu niên méo miệng trêu bọn Triệu Huy:

– Bọn chệt, có giỏi chơi keo nữa.

Ngô Tích vung kiếm định tấn công thiếu niên.

Thiếu nữ lên tiếng:

– Các người là ai, mà đến vùng ba xã Vạn này, định ăn cắp ngựa, rồi lại muốn giết người?

Đàm An-Hòa quát lớn:

– Các người không được vô lễ. Đây là hai vị đại nhân tháp tùng Thiên-sứ đại Tống. Các người có mau xuống xe xin lỗi người ngay không? Bằng không ta bắt về dinh tuyên-vũ-sứ chặt đầu.

Thiếu nữ cười nhạt:

– Đúng ra, ta không muốn gây sự làm gì. Nhưng đây là bọn sứ Tầu, thì ta cần cho chúng mấy cái tát.

Thiếu nữ từ xe vọt người lên cao. Từ trên cao, nàng phóng chưởng đánh Triệu Huy, Ngô Tích. Hai người vội đứng dậy phát chưởng đỡ. Bình, bình, hai người choáng váng, thối lui ba bước. Còn thiếu nữ mượn đà, bay về xe. Nàng cười:

– Ta dạy dỗ mi như vậy cũng đủ rồi. Ta đi đây.

Chợt nhìn thấy ba chị em Thanh-Mai bị trói. Thiếu nữ vung roi lên. Cây roi như con rắn, mổ vào dây trói. Dây đứt hết.

Nàng hỏi:

– Các em là ai mà bị bọn này bắt trói như vậy?

Bảo-Hòa chỉ Mỹ-Linh:

– Cô này tên Lý Mỹ-Linh.

Thiếu nữ hỏi:

– Cô họ Lý à? Thế cô có liên hệ gì với Lý Công-Uẩn không?

Thời bấy giờ, muốn nói đến vua Lý Thái-Tổ, phải gọi là Thuận-thiên hoàng đế, nếu gọi tên tục ra thì phải tội chém. Nghe thiếu nữ gọi tên ông nội sách mé như vậy, Mỹ-Linh bực mình:

– Tôi là cháu nội đức hoàng đế.

Thiếu-nữ nhổ nước miếng đánh toẹt một cái, rồi hô lên:

– Đi thôi! Ta không muốn nhìn mặt con cháu thằng khỉ đột chăn trâu, ở chùa.

Nói dứt lời, nàng giật cương cho ngựa chạy. Thiếu niên quay lại méo mặt làm xấu trêu Quách Quỳ, rồi cho ngựa chạy theo.

Bọn Triệu Huy ngơ ngác nhìn nhau. Y hỏi Thanh-Mai:

– Trần cô nương kiến thức uyên bác. Cô nương có biết bọn vừa rồi là ai không?

Thanh-Mai mỉm cười:

– Tôi không rõ. Nếu căn cứ vào võ công, thì cũng có thể đoán được lý lịch họ. Thiếu niên có thuật kị mã siêu việt, ắt thuộc phái Sài-sơn. Phái Sài-sơn vốn là đồ tử đồ tôn của Phù-đổng thiên vương, thuật kỵ mã trên thế gian này không ai sánh kịp. Trong khi thiếu niên đấu với Quách công tử, y dùng võ công Cửu-chân, khắc chế võ công Trung-nguyên. Lại lúc đấu với Triệu tam gia, y dùng Lĩnh-nam chỉ pháp. Lĩnh-nam chỉ pháp vốn là võ công do Khất-đại-phu Trần Đại-Sinh với Bắc-bình vương Đào Kỳ chế ra. Lại khi thiếu nữ vung roi cắt đứt dây trói cho bọn tôi, chiêu thức đó do bồ tát Tăng-giả Nan-đà thời Lĩnh-nam truyền cho công chúa Trần Năng. Vì vậy khó có thể đoán ra họ thuộc phái nào.

Triệu Huy nhìn Mỹ-Linh, y cười đểu giả:

– Công chúa. Công chúa tự hào trăm họ Đại-việt đều quay đầu qui phục triều đình. Thế mà hôm nay, còn có người nghe đến họ Lý phát buồn nôn, phải nhổ nước miếng.

Mỹ-Linh lờ đi như không nghe lời Triệu Huy nói.

Mặt trời đã nhô lên khỏi ngọn tre, chiếu ánh nắng chói chang trên rừng núi. Hai chiếc xe lăn bánh trên con đường cái quan, rộng mà dài hun hút. Vì Đàm An-Hòa mặc quân phục của cấp hiệu-úy, nên dọc đường dân chúng tưởng xe quan nha đi bắt người. Tới quá Ngọ, xe vượt qua núi, rồi đổ đèo. Đàm An-Hòa chỉ khu thung lũng xanh tươi nói:

⬔Kia là Vạn-hoa sơn-trang. Chúng ta vào đó ăn cơm đã.

Đinh Toàn hỏi:

– Đàm hiệu úy có quen thuộc với trang chủ không?

– Thưa vương-gia không. Cứ như người ta kể lại, Vạn-hoa sơn trang mới được thiết lập vào đời vua Đinh. Chủ nhân là người rất giỏi nghề canh nông. Trong sơn trang trồng không thiếu thứ hoa nào cả. Sơn-trang có một quán ăn cho khách thập phương qua đường ăn ở trọ. Cho nên ai có tiền thì vào được, không cần quen biết.

Ngô Tích cho gò xe lại nói với Triệu Huy:

– Tam đệ, chúng ta dừng chân ở quán Sơn-trang kia kiếm cái gì ăn đã.

Đàm An-Hòa tán đồng:

– Quán này thuộc Vạn-hoa trang. Chúng ta dừng lại đó ăn cơm thì tuyệt.

Quách Quỳ hỏi lại:

– Đàm hiệu úy có quen biết trang chủ không?

– Không. Nhưng trang chủ mở nhà tửu lâu tiếp khách. Chúng ta có tiền thì vào được.

Triệu Huy ra lệnh cho Đàm An-Hòa:

– Chúng tôi nói tiếng Việt giọng lơ lớ. Vậy kể từ lúc vào quán, nhất thiết mọi việc do hiệu-úy lo liệu. Tôi chỉ xin nhắc lại một lời, chúng tôi theo sứ đoàn Đại-tống. Nước Đại-tống giầu có súc tích, đức kim thượng không tiếc tiền chi phí cho bọn tôi. Vì vậy ăn phải chọn những món đắt nhất, ngon nhất.

Hai chiếc xe từ từ ngừng bánh trước quán ăn. Quán không lớn, nhưng thực sạch sẽ. Trước quán có hai chậu cảnh. Trong chậu trồng hai cây hoa mào gà. Hoa nở đỏ chói. Sân quán có dàn thiên-lý. Hoa vàng rực rỡ.

Một người đàn bà, dáng người thanh nhã, tóc bạc như cước nhưng da mặt hồng hào, bước đi khoẻ mạnh. Bà thấy trong năm vị khách sang, một đứa trẻ xuống xe, theo sau là ba thiếu nữ tuyệt sắc bị trói tay thì hơi ngạc nhiên. Song trên con đường cái quan này, quan nha bắt người giải qua là thường. Bà đon đả chào:

– Kính chào qúi khách. Không biết quí khách muốn dùng cơm ở quán hay muốn vào Sơn-trang thăm hoa?

Đàm An-Hòa hách dịch:

– Đây là các vị đại nhân thuộc sứ đoàn Thiên-triều. Chúng tôi muốn vào ăn cơm trong Sơn-trang.

Nói rồi y giới thiệu tên họ, chức tước từng người.

Bà già mời bọn Triệu Huy, Đinh Tòan vào cái bàn lớn, trên bàn chưng hai bình hoa tươi, hương thơm ngạt ngào. Bà chỉ cho chị em Thanh-Mai một cái bàn bên cạnh:

– Ba cô ngồi đây.

Bà già nói:

– Xin quí khách ngồi chờ một lát, sẽ có người hướng dẫn qúi khách thăm Sơn-trang. Qúi khách dùng món ăn gì, chúng tôi xin làm dâng lên.

Đàm An-Hòa nghĩ thầm : Đã vậy lão gia gọi những món thực trân quí cho bay không cung ứng nổi. Y nói:

– Chúng tôi đi đường xa, trời lại nắng. Xin cho uống trà ướp sen trước. Món thứ nhất là thịt đùi nai tơ xào với mướp hương. Món thứ nhì cho mỗi người một đùi gà hấp ngũ vị hương. Nhớ phải là đùi gà tơ đấy nhé. Món thứ ba là canh mướp đắng, nhân nhồi bên trong phải đủ tám thứ trân quí. Bà có biết tám thứ trân quí là gì không?

Bà già thấy Đàm sanh ăn, mỉm cười:

– Thưa quí khách, tám món trân quí gồm bốn loại dưới biển là tôm hùm, sò huyết, cua gạch, mực thẻ, thêm bốn thứ gia vị là nấm hương, hành tía, rau ngót, mộc nhĩ.

– Giỏi. Món thứ tư là chim cu quay, trong bụng nhồi năm thứ rau thơm. Không biết trong trang có đủ không?

– Thưa quí khách, có đủ. Một là xương xông, hai là ngổ, ba là húng tía, bốn là tỏi tía, năm là hành trắng.

– Còn tráng miệng xin cho thứ trái nào quí nhất trong trang.

Sau khi mọi người ngồi vào bàn, bà già vẫy tay gọi, một thiếu niên tuổi khoảng mười tám, hai mươi:

– Nhân-Nghĩa, mau ra giữ ngựa cho quí khách.

Nhân-Nghĩa là một thiếu niên vạm vỡ, dáng điệu hiên ngang, da tươi hồng. Y cầm cương, cột ngựa vào mấy cái cọc. Không biết y làm cách nào, mà một lát mang ra được đến ba bó cỏ xanh tươi sạch sẽ cho ngựa ăn. Như quen việc, y múc nước trong cái vại, tắm ngựa.

Ngô Tích thấy thiếu niên chu đáo, y móc trong túi ra một lượng bạc, vẫy tay gọi:

– Chú em, ta tặng chú em chút ít, gọi là thưởng công mẫn cán của chú.

Thời bấy giờ nước Đại-việt dùng tiền do vua Lý Thái-tổ mới đúc mang tên Thuận-thiên thông- bảo. Tiền đúc bằng đồng thau, có ba lọai. Đồng nhỏ nhất gọi là một tiền, rồi tới đồng năm tiền và đồng mười tiền. Một quan có sáu trăm đồng. Cứ ba quan, ăn một lượng bạc, mười lượng bạc ăn một lượng vàng. Tiền công của một đứa trẻ chăn ngựa khỏang một tiền mỗi ngày. Tự nhiên Nghiã được tới 1.800 đồng. Y cúi rập người xuống cảm ơn.

Đinh Toàn thắc mắc:

– Xá gì một chút công cho ngựa ăn, mà Ngô an-phủ-sứ phải phí tiền vậy?

Triệu Huy cười:

– Chúng ta là sứ đoàn Thiên-triều, giầu có ức vạn. Cho vậy còn là ít đó.

Quách Quỳ ngơ ngác:

– Sư thúc, cháu không hiểu.

Ngô Tích nói sẽ vào tai Qùi:

– Khi vua Tống Thái-tổ Triệu Khuông-Dẫn chiếm được vùng sông Trường-giang, lập tức mang quân thanh toán hầu hết các nước xung quanh. Tuy vậy vẫn còn sáu nước Kim, Liêu, Tây-hạ, Thổ-phồn ở phía Bắc và Đại-lý, Đại-việt ở phía Nam. Sau nhiều trận đánh với các nước phương Bắc, quân Tống bị thất bại nặng nề. Vó ngựa chinh phạt tạm dừng lại.

Y thở dài:

– Vua Tống Thái-tổ chết đi, mà lòng còn ấm ức. Ngài để di chiếu lập em trai là Triệu Khuông-Nghĩa kế nghịệp. Trong di chiếu, ngài dặn các vua kế nghiệp sau này phải chiếm hết các mước xung quanh. Vua Thái-tông thấy mở rộng lãnh địa lên phía Bắc chạm phải binh lực qúa hùng hậu của Tây-hạ, Kim, Liêu. Ngọn cờ đành chỉ xuống Nam. Khu-mật-viện nhà Tống nghiên cứu rất kỹ tình hình đất Việt tâu lên: Nước Việt trước đây có tên Văn-lang, sau đổi ra Lĩnh-nam, đất rộng, dân đông, có chữ viết, tiếng nói, văn hóa rực rỡ như Trung-nguyên. Vào thời Đông-Hán, vua Bà cai trị, một lần định đem quân đánh chiếm Trung-quốc. Từ khi vua Bà chết rồi, Lĩnh-nam bị Trung-quốc cai trị 900 năm. Cho mãi đến năm Tân-mão (931) mới có một hào kiệt tên Dương Diên-Nghệ nổi lên đánh đuổi người Hán. Song Nghệ chỉ là một thứ quân phiệt, tự xưng tiết-độ-sứ .Sự nghiệp ông kéo dai năm năm thì bị Kiều Công-Tiễn giết chết (937). Con rể ông là Ngô Quyền giết Công-Tiễn, đánh trận Bạch-đằng bắt giết thái-tử Hoằng Tháo của Nam-hán, lập triều đình (939). Nhà Ngô lập quốc, sau một ngàn năm bị cai trị, chưa kịp tổ chức thành một nước có kỷ cương thì Ngô Quyền mất (944). Đại-việt lâm vào tình trạng sứ quân. Mười hai sứ quân nổi lên đánh giết lẫn nhau. Đinh Bộ-Lĩnh thắng tất cả các sứ quân mà lên ngôi vua.

Quách Quỳ thắc mắc:

– Lúc Đinh Bộ-Lĩnh mới được nước, nội trị chưa vững, sao mình không đem quân sang đánh chiếm, có phải dễ dàng không?

– Có đấy chứ. Nhưng Lĩnh khôn lắm, niện hiệu Khai-bảo thứ nhì (969) y sai sứ sang cống, xin qui phục. Triều đình bàn đi, tính lại. Có ý kiến đưa ra nên đánh Giao-chỉ trước, giữ lấy vùng giầu có, rồi quay lên Bắc. Có ý kiến nên đánh Tây-hạ trước. Trong triều không có quyết định thống nhất. Cuối cùng vua Thái-tổ ban chỉ bỏ đánh Giao-chỉ. Vì Giao-chỉ quân ít nhưng võ lâm thì mạnh hơn các nước kia. Do đó triều đình ưng chuẩn, phong cho Đinh Bộ-Lĩnh làm Giao-chỉ quận vương. Con y là Đinh Liễn làm Kiểm-hiệu thái-sư, Tĩnh-hải quân tiết độ sứ, An-nam đô hộ phủ. Gã Đinh Toàn đi cùng với mình đây là con Đinh Bộ-Lĩnh. Còn truyện Đinh Bộ-Lĩnh cùng Đinh Liễn bị giết thế nào hôm qua Đinh Toàn đã nói rồi.

Ngô Tích ngừng một lát, rồi tiếp:

– Khi Lê Hoàn cướp ngôi nhà Đinh, triều đình sai Hầu Nhân-Bảo đem 20 vạn quân, ba mười vạn dân phu sang đánh, ông nội con được gửi theo giúp, bị thất bại… truyện này con biết rồi. Cho nên từ khi đức kim thượng lên ngôi, người tìm đủ mọi cách đánh chiếm Giao-chỉ. Bình-nam vương được chỉ định coi Khu-mật-viện. Đầu tiên vương gia cử năm đoàn sang dò thám, nghiên cứu tình hình… rồi đích thân vương gia dẫn bọn mình sang với năm chỉ dụ. Một là chia rẽ họ Lý với võ lâm. Hai là mua chuộc các cao thủ Giao-chỉ. Ba là tìm di thư thời Lĩnh-nam. Bốn là lôi kéo võ lâm Lĩnh-nam sang Trung-nguyên thi võ, rồi dùng họ đánh các nước phía Bắc. Khi các nước phía Bắc bị diệt, thì Giao-chỉ như cá nằm trên thớt, giết lúc nào mà chả được? Năm là trong chuyến đi này, sứ đoàn phải tỏ ra nước đại Tống giầu súc tích. Có như vậy, man dân mới hướng về Thiên-triều.

Tích bẹo má Quỳ:

– Con thấy không? Chút công ông từ chẳng làm bao, mà ta cho hai nén vàng, tổng cộng mười lượng. Còn thằng nhỏ này, công chỉ đáng một tiền, ta cho gấp 1.800 lần. Tin này đồn ra, bọn Nam-man sẽ thi nhau tìm chúng ta mà qui phục.

Một lát, hai cỗ xe từ phía chân núi đi tới. Mỗi xe có bốn con lừa kéo. Người đánh xe đi trước là một cô gái áo tím. Người đánh xe đi sau là cô gái mặc áo hồng. Trên mỗi xe có hai hàng ghế, mỗi hàng ghế ngồi được ba người.

Bà gìa kính cẩn mời khách:

– Xin mời quí khách viếng Sơn-trang,

Ngô Tích nhìn hai cô gái ngỡ ngàng:

– Đành rằng trong lịch sử còn ghi gái Việt xinh đẹp. Nhưng xinh đẹp là những tiểu thư, những con nhà giầu. Chứ có đâu hai cô gái này là thôn nữ đánh xe thuê mà cũng đẹp dường này?

Hai thiếu nữ tuổi khoảng mười sáu, mừơi bẩy, dáng người hơi cao ,lưng tròn, bàn tay trắng mịn, nước da mặt tươi hồng. Các cô mặc áo lụa, quần lụa đen. Trên người thoang thoảng tiết ra mùi hương.

Triệu Huy, Đinh Tòan, Triệu Anh, Quách Quỳ đi xe của cô gái áo tím. Ngô Tích, Đàm An-Hòa, ba chị em Thanh-Mai đi xe của cô gái áo hồng. Cô gái áo hồng thấy ba chị em Thanh-Mai bị trói, thì hơi nhăn mặt một cái, rồi thản nhiên như không.

Cô gái áo-tím tự giới thiệu:

– Tôi có tên là Nàng-Tía, được chủ nhân trao cho nhiệm vụ hướng dẩn du khách. Cô em tôi có tên Nàng-Hồng. Chúng tôi được lệnh chủ nhân thù tiếp các vị.

Đàm An-Hòa chỉ bà già tóc trắng hỏi:

– Có phải lão bà kia là chủ nhân không?

– Không. Bà có tên là Bạch-Nương, phụ trách tiếp khách.

Xe hướng chân núi lăn bánh. Đầu tiên qua cái cổng bằng đá xếp lại. Trên nóc cổng có hàng chữ đề:

« Vạn hoa sơn trang. »


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.