Anh Hùng Bắc Cương

Chương 3: Thượng Giới Hồng-xà



Thượng giới Hồng-xà –

Y đến trước Triệu Thành quỳ gối:

– Vương gia! Tiểu tướng làm không tròn nhiệm vụ, hỏng đại kế của triều đình. Tiểu tướng xin chịu tội với vương gia.

Triệu Thành nguyền rủa thầm Nguyên-Hạnh, nhưng y vẫn hướng vào Thuận-Thiên hoàng-đế:

– Nam-Bình vương. Hồ nguyên-soái là đại công thần của thiên triều. Vương gia không thể bắt tội được. Vương gia đừng quên rằng vương gia nhận chức tước phong của thiên triều. Vương gia thành đồng liêu với Hồ nguyên soái.

Thanh-Mai biết Thuận-Thiên hoàng-đế khó có thể đối đáp trong vụ này. Nàng chỉ vào Nguyên-Hạnh:

– Bình-Nam vương công nhận Hồ Dương-Bá, được phong Đô nguyên-soái, đại công-thần thiên triều. Như vậy vương gia công nhận thiên triều chuẩn bị đánh Đại-Việt.

Nàng chắp tay hướng vào quần hùng:

– Thưa các vị anh hùng. Bình-Nam vương nhà Đại-Tống hiện giữ trọng trách việc binh bị đã công nhận rằng nhà Tống chuẩn bị đánh chiếm Đại-Việt. Vấn đề đã rõ ràng. Các vị nghĩ xem, chúng ta nên đánh hay hàng?

Hàng mấy vạn người cùng rút kiếm ra hô lớn:

– Đánh! Diệt bọn chó Ngô.

Đợi cho tiếng nguyền rủa bớt, nàng tiếp:

– Thuận-Thiên hoàng-đế dĩ nhiên không bắt tội Dương-Bá vì việc y giam công-chúa Bình-Dương, thế tử Thiệu-Thái. Bởi khi Dương-Bá làm việc đó vì bảo vệ cơ mật cuộc họp ở Hồng-hương cốc, vì Tống, vì thi hành nhiệm vụ. Vậy xin Triệu vương gia cho biết việc y giam Đỗ Lệ-Thanh thuộc truyện riêng của y hay cũng của triều Tống?

Triệu Thành lắc đầu:

– Dĩ nhiên đó thuộc truyện riêng của Hồ

nguyên soái.

Đại-sư Sùng-Đức, viện trưởng viện giới luật chùa Sơn-tĩnh bước lên đài, hướng vào Nguyên-Hạnh:

– A-di-đà Phật. Phương trượng! Người làm nhục bản tự quá đáng. Chiếu giới luật, mong phương trượng thụ hình, để giải bớt nghiệp quả.

Hồ Dương-Bá lộ mặt thực ra:

– Hồ mỗ nguyên làm đại thần Tống triều. Mỗ chỉ mượn quý tự để ẩn thân. Mỗ không hề làm cao tăng. Đã không cao tăng, thì tam qui, ngũ giới hay thất bát, hay vạn giới đối với mỗ chẳng là cái đéo gì cả. Mỗ có quyền lấy vợ, có con. Mỗ nói cho đại sư biết, trong thời gian ở Sơn-tĩnh, mỗi tháng mỗ ăn thịt một con chó. Đêm nào mỗ cũng hành lạc với trinh nữ. Mỗi tháng mỗ hút kinh nguyệt của hai thiếu nữ để luyện Hồng-thiết công. Mỗi ngày mỗ uống nước tiểu của thiếu nữ để điều khí. Đại sư đừng đem giới luật ra dọa mỗ nữa.

Sùng-Văn quát lên một tiếng. Ông phát chưởng tấn công Dương-Bá. Dương-Bá lùi một bước, trả lại một chưởng. So vai vế, Sùng-Văn ngang vai với sư phụ Nguyên-Hạnh, ông lớn tuổi hơn, nhập môn trước. Vì vậy công lực cao thâm hơn Nguyên-Hạnh nhiều. Chưởng phong của ông hùng hậu vô cùng.

Bình, bình, bình, Hồ Dương-Bá bật lui liền ba bước. Y trả lại một chưởng rất thô kệch. Chưởng của y có mùi tanh hôi không thể tưởng tượng được. Đỗ Lệ-Thanh kêu lên:

– Chu-sa nhật hồ độc chưởng.

Sùng-Văn tránh, không giám đỡ vào chưởng của y. Ông lùi bước, rồi trả lại một chưởng. Bây giờ Nguyên-Hạnh mới phản công được mấy chiêu. Mỗi chưởng của y đánh ra, có mùi tanh hôi khủng khiếp.

Quần hùng quan sát cuộc đấu đều nghĩ thầm:

– Tên Hồ Dương-Bá này quả xứng thiên tài võ học. Y dâm đãng như vậy, mà công lực đến dường này, có thua gì Đại-Việt ngũ long?

Chính Nhật-Hồ lão nhân đứng cạnh cũng phải kinh ngạc. Lão chửi thầm:

– Tên Nguyên-Hạnh này học võ công của bang Nhật-hồ Trung-quốc. Y lại bái Bố-Đại hoà thượng làm thầy. Y khéo léo phối hợp được nội công hai phái, thành một thứ nội công mới. Vì vậy tuổi y còn nhỏ, mà đâu có thua gì bọn trưởng lão của mình. Nếu y thất bại, mình phải cứu y, thu dụng y làm đệ tử, lợi biết bao?

Cuộc đấu vẫn bất phân thắng bại. Công lực Sùng-Văn cao thâm, nhưng không giám đối chưởng với Nguyên-Hạnh. Ngược lại Nguyên-Hạnh tìm đủ cách để hai chưởng chạm vào nhau, khiến Sùng-Văn bị trúng độc. Nguyên-Hạnh đánh liền mười chưởng, Sùng-Văn đều tránh được. Đến chưởng thứ mười một hai chưởng giao nhau. Bộp một tiếng. Hai chưởng dính liền. Thế là trở thành cuộc đấu nội lực.

Khoảng nhai dập miếng trầu, Nguyên-Hạnh cảm thấy nguy cơ gần kề. Vì Sùng-Văn dồn chân khí sang người hắn cuồn cuộn. Hắn nghiến răng chịu đựng được một lát, châm tay bủn rủn, mắt hoa đầu váng.

Nhật-Hồ đứng cạnh, y nghĩ thầm:

– Tên Nguyên-Hạnh quên mất rằng trong máu y đầy chất độc. Y chỉ cần phun một búng vào mặt Sùng-Văn, Sùng-Văn chịu sao thấu?

Nghĩ vậy y nhắc:

– Dùng máu cứu mạng, nguy cơ gì cũng qua.

Nguyên-Hạnh tỉnh ngộ, hắn nghiến răng cắn môi, máu chảy ra đầy miệng. Thình lình hắn phun vào mặt Sùng-Văn. Hai người đứng quá gần nhau. Vả Sùng-Văn không bao giờ ngờ một người như Nguyên-Hạnh lại phun nước miếng vào mặt ông. Tẹt một tiếng, mặt Sùng-Văn đầy nước bọt, máu.

Sùng-Văn cảm thấy ngứa ngáy khó chịu, rồi bắp thịt co giật, chân khí muốn tuyệt. Ông vội thu tay, nhảy lùi lại. Nguyên-Hạnh được thoát chết. Y đứng thẳng, hít một hơi chân khí, điều hoà nội tức, rồi nói:

– Sùng-Văn, người trúng Nhật-hồ độc thủ của ta rồi. Ta không đấu với người nữa.

Hai bóng vàng thấp thoáng, Sùng-Đức, Sùng-Minh đại sư lên đài đỡ Sùng-Văn. Sùng-Đức chỉ mặt Nguyên-Hạnh:

– Người… người thực mặt dầy. Người dùng…

Nguyên-Hạnh thản nhiên:

– Theo luật lệ Sơn-tĩnh, khi một người thắng viện trưởng giới luật viện coi như sạch tội. Ta đã thắng Sùng-Văn. Vậy bọn Sơn-tĩnh các người không thể gây rắc rối với ta nữa.

Sùng-Văn run lẩy bẩy, tỏ vẻ đau đớn vô cùng. Nguyên-Hạnh hướng vào Minh-Không đại sư:

– Đại sư! Nếu đại sư muốn tại hạ trao thuốc giải Chu-sa độc chưởng cứu đại sư Sùng-Văn, xin đại sư tha cho tại hạ rời khỏi nơi đây. Tại hạ xin nói trước thuốc giải Chu-sa độc chưởng Trung-quốc khác hẳn với Chu-sa Nhật-hồ độc chưởng Đại-Việt. Vì vậy thuốc giải của Hồng-thiết giáo Đại-Việt vô dụng.

Minh-Không đưa mắt nhìn Sùng-Văn đang đau đớn. Ngài chưa quyết định, Đỗ Lệ-Thanh lên đài cười nhạt:

– Dương-Bá! Một đời mi sảo quyệt chưa đủ sao mà mi còn dối người. Nếu mi biết chế thuốc giải Chu-sa độc chưởng, mi đâu có giam ta mười năm? Mi không có thuốc giải, mà lại nói có. Mi định lừa Minh-Không đại sư, nhưng ta đã chết đâu?

Dương-Bá bị vợ lột mặt nạ. Y giận quá, thình lình phát chiêu hướng Đỗ Lệ-Thanh. Binh một tiếng, bà bị bay tung lên cao, rơi xuống đài. Quần hùng la hoảng lên. Thanh-Mai lại bên bà bắt mạch. Bà lắc đầu, miệng phun máu có vòi, nói với Tự-An:

– Đại hiệp! Tiểu tỳ muốn nhìn thấy y đền tội.

Tự-An giận run lên. Trước đây ông đã hứa với Đỗ Lệ-Thanh rằng ông sẽ đứng chủ trì công đạo, trừng phạt Nguyên-Hạnh. Nay ông chưa ra tay, y lại giết vợ. Ông nói với Triệu Thành:

– Triệu vương gia! Trần mỗ không phải vua quan Đại-Việt, nên dù Nguyên-Hạnh có làm tam công, thượng thư Tống triều, mỗ cũng phải giết y. Mà dù ngay y có phải Ngọc-Hoàng đại đế, Diêm-La, mỗ cũng không tha.

Ông vận khí, định trong một hai chiêu đập chết y, thì Thanh-Mai đã tấn công Dương-Bá. Dương-Bá cười thầm:

– Võ công con nhỏ này mình đã biết rồi. Y thị từng bị bọn Tung-sơn tam kiệt bắt sống, dẫn đi khắp trấn Thanh-hóa. Không biết y thị có điên không, mà giám ra tay tấn công mình?

Y phát chiêu đánh trả. Bình một tiếng, y cảm thấy trời đất đảo lộn, lồng ngực muốn nổ tung ra. Tai kêu o o kéo đài vô tận. Y kinh hãi:

– Rõ ràng chưởng của con nhỏ vừa rồi không có kình lực. Tại sao chạm vào chưởng mình lại mạnh như vậy?

Y lùi lại đánh ra một chiêu Chu-sa độc chưởng. Thanh-Mai thấy mùi tanh hôi, nàng cười thầm:

– Đối với ai mi dùng độc chưởng được, chứ đối với ta e vô dụng.

Nàng nhàn tản trả lại một chiêu rất bình thường. Bình, Nguyên-Hạnh cảm thấy tay ê ê. Y phát chiêu khác.

Nhật-Hồ đứng cạnh, thấy Thanh-Mai đối chưởng với Nguyên-Hạnh, ông kinh hãi nghĩ thầm:

– Chu-sa độc chưởng khi phát ra, ai chạm vào, chỉ mấy khắc sau đau đớn vô cùng, rồi mất hết kình lực. Nay sao con nhỏ này trúng đến bốn chưởng mà vẫn vô sự. Ngược lại dường như Dương-Bá tỏ vẻ đau đớn thì phải.

Nguyên cách đây ít lâu, trong dịp viếng Thiên-trường, Đỗ Lệ-Thanh đề nghị Tự-An nghiên cứu ra một thứ võ công khắc chế Chu-sa Nhật-hồ độc chưởng. Đỗ đã giúp Tự-An một phần. Tự-An phối hợp thiền công, cùng nội công Đông-a, học thuyết kinh-ạc của y học, hoàn thành. Thiền-công vận ra ba kinh âm hoá giải độc chất cùng kình lực đối thủ. Còn nội công Đông-a phát ra ba kinh dương tấn công. Sau đó ông dạy cho các sư đệ cùng đệ tử, Bảo-Hoà, Mỹ-Linh.

Hôm nay Thanh-Mai đem ra áp dụng đấu với Nguyên-Hạnh, nên y tấn công, nàng đỡ, mà y cảm thấy đau đớn. Vì khi nàng đỡ, trong cái thủ có cái công.

Thuận-Thiên hoàng-đế cùng Khai-Quốc vương ngồi trên đài, thấy mỗi chiêu Thanh-Mai đánh ra mạnh muốn nghiêng trời lệch đất, cả hai đều kinh ngạc đến ngẩn người ra:

– Mới hôm nào, trong Long-hoa cung, công lực nàng tuy có cao, nhưng đâu có thể đến trình độ này?

Cả hai người không hiểu là phải. Nguyên Thanh-Mai được phụ thân dạy, công lực đã tới trình độ hiếm có. Tuy vậy hồi gặp Tung-sơn tam kiệt, nàng vẫn không phải đối thủ của chúng. Trên đường đi, nàng được Huệ-Sinh dạy cho cách khai thông, hoà hợp thủy hỏa, nàng tiến tới chỗ không thua gì các sư thúc. Khi đến Vạn-thảo sơn trang, được Hồng-sơn đại phu dạy học thuyết kinh lạc, nàng tự đả thông kinh mạch, nên công lực tiến tới chỗ sâu vô cùng. Khi trở về Thiên-trường lại được thân phụ dạy cho cách đả thông hết kỳ kinh bát mạch. Đến đây nàng trở thành đại cao thủ.

Tại Long-hoa đường, nàng trị bệnh cho Đoàn Huy, vô tình hút hết nội lực của một đại cao thủ bậc nhất Đại-lý. Đến đây công lực của nàng cao thâm khôn lường. Rồi Thiệu-Thái, Huệ-Sinh vận công trị bệnh, cũng truyền công lực cho nàng. Thành ra trong người nàng nội tức muốn nổ tung ra.

Nguyên-Hạnh càng đấu càng kinh sợ, vì y cảm thấy võ công của Thanh-Mai khắc chế với y. Y lùi lại đánh ra một chưởng hết sức vũ dũng. Thanh-Mai hít một hơi nói lớn:

– Đỗ phu nhân! Hãy nhìn cháu trả thù cho phu nhân đây.

Nàng đánh ngay vào giữa chưởng Nguyên-Hạnh. Bình một tiếng, người y bay bổng lên cao, rồi rơi xuống đài. Y nghiến răng, cố gắng bò dậy, nhưng rồi lại ngã xuống. Y hộc lên một tiếng, miệng phun máu có vòi.

Đỗ Lệ-Thanh cố gắng đến gần Thanh-Mai lạy bốn lạy:

– Đa tạ vương phi chu toàn cho tiểu tỳ.

Không ai hiểu tại sao Đỗ Lệ-Thanh lại gọi Thanh-Mai bằng vương phi. Chỉ duy bọn Thuận-Thiên cửu hùng biết rõ nguyên ủy. Thanh-Mai kinh ngạc, vì rõ ràng Đỗ Lệ-Thanh trúng chưởng của Nguyên-Hạnh đến không ngồi dậy được, mà sao nay bà có thể hành lễ dễ dàng. Chợt nàng hiểu ra:

– Dù sao Đỗ phu nhân cũng từng là đệ tử Hồng-thiết giáo. Mà Hồng-thiết giáo toàn một bọn dối trá đã quen. Nhân thấy Nguyên-Hạnh tấn công. Bà có thể đỡ được, mà không đỡ, đành vận công chịu đòn, gây căm phẫn cho bố con mình, đễ mình ra tay trừ Nguyên-Hạnh.

Hạnh-Chân, Hạnh-Như thấy Nguyên-Hạnh bị trúng đòn. Hai đứa chạy lại vực y lên, miệng gọi:

– Gia gia! Gia gia có sao không?

Thình lình Nguyên-Hạnh vọt dậy. Y chuyển động một cái, hai tay kẹp Hạnh-Chân, Hạnh-Như vào hai nách. Y nhảy lùi lại quát lớn:

– Minh-Không! Nếu người không mở đường cho ra rời khỏi nơi đây. Ta kẹp nách một cái, hai đứa trẻ này chết liền.

Nguyên Hồ Dương-Bá vốn đại xảo quyệt. Y nghĩ muốn thoát thân, thực muôn vàn khó khăn. Vì vậy y nghiến răng chịu một chưởng của Thanh-Mai rồi bắt hai con như tín vật, hầu làm mộc cứu mạng.

Đỗ Lệ-Thanh thét lên:

– Dương-Bá, mi nhẫn tâm hại hai con mi ư?

Hồ Dương-Bá lạnh lùng, không lên tiếng.

Minh-Không đại sư nói với Trần Tự-An:

– Trần đại hiệp. Xin đại hiệp vì hai sinh mạng trẻ thơ, tha cho Hồ thí chủ rời khỏi nơi này.

Hồ Dương-Bá thản nhiên cặp hai đứa con vào nách, nhảy xuống đài, chạy thẳng một mạch.

Đỗ Lệ-Thanh đến trước Triệu Thành. Bà thủng thẳng nói:

– Vương gia, tiểu tỳ cùng Hồ Dương-Bá vốn người của Khu-mật viện sai sang Đại-Việt hành sự. Nhưng bây giờ vì hoàn cảnh, tiểu tỳ không còn của Tống nữa. Khi tiểu tỳ bị giam, đã hứa rằng nếu ai cứu thoát tiểu tỳ khỏi vòng lao lý, nguyện trọn đời làm nô bộc để đền ơn. Tiểu tỳ được Thân thế tử cứu thoát khỏi nhà tù, vì vậy tiểu tỳ xin từ giã vương gia ở đây.

Bà cúi lạy Triệu Thành bốn lạy, rồi xuống đài.

Triệu Thành bị Thanh-Mai cùng quần hùng lôi bộ mặt gian xảo, giả trá ra. Tuy biết không còn hy vọng gì nữa, y vẫn nói cứng:

– Nam-Bình vương gia. Tôi xin nhắc lại với vương gia rằng thiên triều đã nhất quyết hưng diệt, kế tuyệt. Một, lập lại nhà Lê. Hai, để một vị đại tôn sư võ lâm lên ngôi, mới có quốc danh Đại-Việt, mới có hoàng-đế với niên hiệu. Bằng không mảnh đất này vẫn mang tên Giao-chỉ, và người đứng đầu vẫn tước Giao-chỉ quận vương. Quân thiên triều sẽ tiến sang.

Nói rồi y hô bộ hạ, cùng lên ngựa, rời quảng trường.

Lập tức cả quảng trường ồn lên những tiếng bàn tán. Huệ-Phương hướng vào quần hùng:

– Thưa các vị võ lâm anh hùng. Các vị thấy rõ ràng rằng bọn Triệu Thành sang đây không với mục đích tìm con cháu nhà Lê, mà với ý đồ chuẩn bị xâm lăng Đại-Việt. Đất nước chúng ta, phải do người Việt tự cai trị. Dù Đinh, dù Lê, dù Lý cũng vậy. Ai đem lại hạnh phúc cho dân, người đó chính thống, minh quân, anh hùng. Người nào gây cho dân đói khổ, người đó thành giặc nước, hôn quân, trộm cướp.

Dương Ẩn hỏi Huệ-Phương:

– Nam-Quốc vương-phi. Nhưng lời vương-phi nói đó dường như ám chỉ đến một số người. Số người tốt thuộc họ Lý. Số người xấu, thuộc họ Lê. Vương-phi từ cô gái bình thường, một thoáng trở thành vợ một đại võ lâm cao thủ, hơn nữa Nam-Quốc vương của triều Lê đã từng có chiến công đánh Tống, bình Chiêm. Đáng lẽ vương-phi phải hết tâm bênh vực danh dự cho nhà chồng, cùng chồng đòi lại ngôi báu, bị cường thần tiếm vị. Đây vương-phi chống lại chí phục hưng của chồng đã là điều không tha thứ. Vương-phi còn bêu xấu tiên-vương bản triều. Đạo lý ở chỗ nào?

Huệ-Phương vẫn cười tươi:

– Lê tiền bối! Tiền bối dạy như vậy e sai.

Dương Ẩn quát lớn:

– Này Nam-Quốc vương-phi. Ta gọi người bằng vương-phi. Thì ít ra người cũng không thể quên rằng ta ngồi trên ghế tôn sư phái Sài-sơn, sư thúc của Nam-Quốc vương. Vương-phi không thể gọi ta bằng tiền bối, mà phải gọi bằng sư thúc.

Huệ-Phương định đem việc Dương Ẩn bắt giam Vũ Thiếu-Nhung làm cây thuốc cho Nhật-Hồ ra, để lột mặt nạ y. Nhưng tiếng Hồng-Sơn đại phu dùng Lăng-không truyền ngữ nói như rót vào tai:

– Huệ-Phương! Em đừng lột mặt nạ y vội. Cứ để cho y đóng kịch. Khi nào tối cần thiết, ta hãy đem ra.

Huệ-Phương nghe chồng nói, nàng đánh trống lảng:

– Lê tiền bối! Tôi biết chút ít về tướng mệnh. Tôi thấy tướng mệnh của tiền bối giống như con mèo ngủ, rình vồ chuột. Tôi tin rằng tiền bối đã làm điều gì không xứng đáng với vai sư thúc của phu quân tôi. Vì thế tôi mới không gọi tiền bối bằng sư thúc.

Nghe Huệ-Phương nói, Dương Ẩn kinh hồn động phách:

– Ta làm trưởng lão Hồng-thiết giáo, chỉ đệ tử thân tín cùng các vị trưởng lão biết. Con nhỏ này làm sao rõ được. Có lẽ nó đoán mò mà thôi.

Nghĩ vậy y nói:

– Nếu phu nhân cùng bất cứ đệ tử bản phái nào chứng minh được ta có hành vi trái với võ đạo phái Sài-sơn. Ta xin tự xử bằng cách rời môn phái.

Huệ-Phương chửi thầm:

– Mi tự trói mình, đừng trách ai nhé.

Nàng chắp tay:

– Nếu như vậy tiện nữ xin sư thúc đại xá cho. Còn việc sư thúc bảo tiểu nữ phải hết sức cùng chồng lo đòi lại ngôi báu. Điều này tiện nữ nào dám trễ nải. Có điều đòi lại ngôi vua bằng danh chính ngôn thuận nhất định chúng ta phải làm. Chứ đòi lại ngôi vua do bọn Tống áp lực, gây nội chiến, rồi đi đến mất nước, thà đừng đòi.

Dương Ẩn đứng dậy, chỉ tay vào mặt Huệ-Phương:

– Huệ-Phương! Người không phải chính thất của Hồng-Sơn đại phu. Người không có tư cách gì đại diện cho họ Lê. Người lại chẳng phải đệ tử bản phái, nên càng không có quyền nhân danh phái Sài-sơn. Lời người nói hoàn toàn vô giá trị. Ở đây chỉ mình ta mới có quyền đại diện bản phái. Mình Hồng-Sơn đại phu có quyền đại diện họ Lê.

Huệ-Phương thấy Dương Ẩn nổi nóng, mất bình tĩnh, nàng càng trêu già:

– Sư thúc ơi! Tiện nữ không hề nhân danh họ Lê, cũng không hề nhân danh phái Sài-sơn. Tiện nữ chỉ nhân danh một con dân Đại-Việt mà thôi.

Sư thái Tịnh-Tuệ xá Dương Ẩn, Huệ-Phương:

– Xin Dương đạo sư với Hồng-Sơn phu nhân tạm gác việc tranh luận lại. Chúng ta có nhiều điều phải làm ngay. Thứ nhất định rõ ngôi vua Đại-Việt, mà họ Lý tạm cầm bấy lâu nay.

Hoàng Liên ngồi trên ghế tôn sư phái Mê-linh. Mụ nạt:

– Tịnh-Tuệ, Bình-Nam vương Thiên-triều nói rằng người chờ kết quả quyết định của tôn sư võ lâm. Mi không phải tôn sư bản phái. Mi không có quyền bàn truyện này.

Tịnh-Tuệ chỉ vào Hoàng Liên:

– Thưa chư vị anh hùng. Vị sư thúc của bần ni đã nhận sắc phong của Tống triều, chuẩn bi cướp ngôi chưởng môn phái Mê-linh, hầu làm nội ứng cho giặc. Vì vậy phái Mê-linh không công nhận người ngồi trên ghế tôn sư nữa. Người mau rời ghế này.

Hoàng Liên cười the thé:

– Trước đây, Hoa-Minh thần ni định rằng, khi chỉ định người kế vị làm chưởng môn, sẽ dùng võ công định đoạt. Vậy Tịnh-Tuệ, người có dám cùng ta chiết chiêu không?

Sư thái Tịnh-Tuệ mỉm cười:

– Sư thúc. Ai làm chưởng môn là truyện nội bộ của bản phái. Võ đạo bản phái gốc lấy tinh thần vị quốc từ vua Trưng cùng các anh hùng thời Lĩnh-Nam. Đúng ra sư thúc làm gian tế cho giặc, bản phái có bổn phận thanh lý môn hộ. Nhưng xét lại, sư thúc tuổi đã cao, miễn cho khoản đó.

Hoàng Liên ngửa mặt lên trời cười lớn:

– Tịnh-Tuệ. Mi chưa giao đấu mà đã cụp đuôi, còn dám xưng nào chưởng môn, nào Đại-Việt ngũ long nữa không?

Mụ rút kiếm chĩa vào ngực sư thái Tịnh-Tuệ phóng một chiêu cực kỳ dũng mãnh. Sư thái Tịnh-Tuệ thản nhiên như không biết. Quần hùng thấy vậy kinh hoảng la lớn lên.

Nhưng người ta chỉ thấy bóng vàng thấp thoáng, Tịnh-Tuệ đã đứng sau Hoàng Liên. Quần hùng vỗ tay vang dội hoan hô.

Hoàng Liên xuất chiêu thình lình, mà không đạt được kết quả. Y thị thẹn quá, chuyển thân quay tròn kiếm đánh ra một chiêu thần tốc. Tịnh-Tuệ không những không tránh, bà lại lao đầu vào người y thị. Kiếm sượt qua hông bà. Tay phải bà ấn vào vai Hoàng Liên, rồi người bà bay ra sau y thị.

Hoàng Liên lạ lùng suy nghĩ:

– Trước đây bản lĩnh của sư phụ của mụ là Duyên-Tịnh còn thua ta xa. Thì ta có coi y thị ra gì? Hai chiêu vừa rồi tại sao ta lại không biết nhỉ? Hay nó đã âm thầm học được của cao nhân nào? Nhưng không phải, vì từ cách vận công đến phát chiêu đều nằm trong khuôn khổ võ công Mê-linh. Như vậy có thể ngày trước Hoa-Minh sư phụ ta thiên vị, dấu một số chiêu thức truyền cho Duyên-Tịnh, rồi Duyên-Tịnh truyền cho y thị.

Sự thực không phải thế. Khi sư thái Duyên-Tịnh biết mình sắp viên tịch. Bà gọi Tịnh-Tuệ, Tịnh-Huyền tới dặn rằng:

– Trong tất cả các đệ tử của ta, chỉ có hai con xuất gia. Sau khi ta viên tịch, Tịnh-Tuệ thay ta làm chưởng môn. Suốt cuộc đời, ta dồn tâm huyết để cố tổng hợp võ công Cửu-chân, Long-biên, Hoa-lư làm một. Nhưng chưa hoàn tất, thân thể ta đã mục. Trong ba loại võ công, thì Long-biên, với Cửu-chân cùng một tổ Vạn-Tín hầu chế ra. Xưa kia Bắc-Bình vương Đào Kỳ nhân biết học thuyết âm dương mà hợp được võ công dương của Cửu-chân với âm nhu của Long-biên. Sau khi người tuẫn quốc thuật này bị thất truyền. Cho đến nay, ngay võ công Long-biên, hay Cửu-chân cũng không còn đầy đủ, còn mong gì tổng hợp.

Bà ngừng lại, rồi tiếp:

– Phái Mê-linh thành lập đã ba đời. Sau ba đời, căn bản võ đạo khá vững. Bây giờ cần phát triển võ công. Người xưa sáng chế ra được, chúng ta cũng sáng chế ra được. Suốt cuộc đời, ta đã tổng hợp được một phần nội công Cửu-chân với Long-biên. Sau đó sáng chế ra một thứ nội công mới. Chiêu thức, ta cũng lấy tinh hoa của hai thứ võ công hỗn hợp quyền, kiếm, chưởng. Hôm nay, ta truyền cho hai con.

Bà giảng:

– Về ngoại công, ta sáng chế ra những chiêu thức khắc chế với chiêu thức cổ. Sau đó trộn lẫn đi. Tỷ dụ một chiêu võ công Cửu-chân đánh thẳng ra, tiếp theo một chiêu gạt ngang. Như vậy một người chúng ta hoá làm hai.

Thế rồi bà diễn từng chiêu một. Tịnh-Tuệ, Tịnh-Huyền cố gắng ghi nhận. Khoảng hơn tuần thì làu thông.

Sau khi Duyên-Tịnh viên tịch, Tịnh-Tuệ, Tịnh-Huyền cố gắng cùng nhau tổng hợp, sáng chế những gì sư phụ bỏ dở. Chỉ cần năm năm, hai bà đã làm xong công việc đó. Nhờ vậy sư thái Tịnh-Tuệ trở thành một trong Đại-Việt ngũ-long. Còn Tịnh-Huyền, vân du nay đây, mai đó thuyết pháp. Hai chiêu mà Tịnh-Tuệ dùng để đối phó với Hoàng Liên chính là pho võ công mới tổng hợp sáng chế ấy.

Nếu người khác, chỉ cần đánh ba chiêu không trúng đối thủ, nên tự trọng thôi đi. Mụ Hoàng Liên, một thứ mặt dầy nhất trong đám mặt dầy, mụ tiếp tục tấn công. Sư thái Tịnh-Tuệ tránh đến chiêu thứ mười, không còn chỗ nhảy tránh. Bất đắc dĩ bà phải rút kiếm phản công.

Hai đệ nhất cao thủ, xử dụng cùng một thứ võ công đấu với nhau. Người ngoài nhìn vào, có cảm tưởng như họ luyện kiếm. Nhưng sự thực, họ đã ra những chiêu cực kỳ tinh diệu.

Sư thái Tịnh-Huyền bảo Mỹ-Linh:

– Con hãy theo dõi những chiêu thức kia, để học lấy tinh hoa võ công Mê-linh. Chiêu thức của Hoàng Liên, con đều biết cả. Còn chiêu thức của sư thái Tịnh-Tuệ thì cứ một chiêu Long-biên, lại một chiêu khắc chế. Còn nội công, lại hoà lẫn âm nhu Long-biên với dương cương Cửu-chân.

Mỹ-Linh đã làu thông kiếm pháp Long-biên, bây giờ nàng theo dõi những chiêu của Tịnh-Tuệ khắc chế với những chiêu ấy. Mỗi chiêu Tịnh-Tuệ phát ra đều hung hiểm lạ thường. Có điều những chiêu đó không không nối liền với nhau thành một dây, và cũng không biến hoá như nàng học bí quyết trong động đá. Nàng nghĩ:

– Ta học hết những chiêu này, rồi dùng bẩy mươi hai thức trấn môn cùng bài quyết biến hoá ra áp dụng ắt kình lực mạnh vô cùng.

Hai bên chiết với nhau đến trên trăm chiêu, thình lình sư thái Tịnh-Tuệ bước xéo sang trái ba bước. Tay phải bà đánh một chưởng. Bình một tiếng, kiếm của Hoàng Liên bay bổng lên trời, rơi xuống bục, cắm khá sâu. Chuôi kiếm còn rung rinh mãi.

Tịnh-Tuệ dí kiếm vào cổ Hoàng Liên rồi nói với Nhật-Hồ lão nhân:

– Tiên sinh! Bần ni nghe nói quy luật của quý giáo, khi một giáo chúng dù phạm tội gì chăng nữa, cũng do người trong giáo xử. Chứ người ngoài xử, quý giáo coi như là phạm vào thể diện. Không biết có dúng không?

Nhật-Hồ gật đầu:

– Đúng thế!

Tịnh-Tuệ chỉ Hoàng Liên:

– Vị sư thái này hiện không còn liên hệ gì với bản phái. Người làm trưởng lão thứ mười trong hội đồng giáo vụ trung ương Hồng-thiết giáo. Người phạm tội gian tế cho Tống, đúng ra ai cũng có quyền tru diệt. Song bần ni biết rằng quý giáo thường xử phạt rất nghiêm tội phản quốc. Bần ni xin chờ uy giáo chủ phán xét vụ này.

– Đa tạ sư thái.

Tịnh-Tuệ nhổ kiếm, cầm chuôi trao cho Hoàng Liên:

– Tiền bối. Xin hoàn lại kiếm cho tiền bối.

Hoàng Liên chắp hai tay lại, tiếp kiếm. Thình lình mụ tung ra hai chưởng vào ngực sư thái Tịnh-Tuệ. Hai người đứng gần nhau quá. Mụ lại ra tay cực kỳ thần tốc, sư thái Tịnh-Tuệ bị trúng hai chưởng đến binh một tiếng. Bà bật lui lại ba bước, người lảo đảo, miệng mửa ra búng máu. Trong khi đó Hoàng Liên phóng liền một chưởng nữa.

Tịnh-Huyền từ dưới đài nhảy lên, định cứu sư tỷ. Nhưng Tịnh-Tuệ đã vòng tay tung ra một chưởng, kình lực mạnh kinh người. Mọi người kêu lên:

– Hải triều lãng lãng.

Hải triều lãng lãng là một chiêu chưởng độc lập của phái Cửu-chân. Xưa Thục An-Dương vương bị Triệu Đà đùng Trọng-Thủy đánh lừa mà mất nước. Lúc ngài chạy đến Thanh-hóa, khám phá ra vụ Mỹ-Châu. Sau khi giết con gái để tạ tội với quốc dân. Ngài nhớ lại năm giai đọan của cuộc đời, chế ra chiêu Hải-triều lãng lãng. Chiêu này có năm lớp. Lớp đầu mạnh hai lớp thứ nhì mạnh bốn. Lớp thứ ba mạnh tám. Lớp thứ tư mạnh mười sáu. Lớp cuối cùng mạnh ba mươi hai.

Hoàng Liên cười nhạt:

– Tưởng gì chứ chiêu này có chi lạ?

Mụ cũng phát chiêu Hải-triều lãng lãng. Binh một tiếng, cả hai người đều bật lui. Miệng Tịnh-Tuệ lại phun ra một búng máu, người lảo đảo. Hoàng Liên phát lớp thứ nhì kình phong tỏa ra ào ào. Tịnh-Tuệ cũng phát lớp thứ nhì, nhưng dường như không có chút gió nào. Khi hai chưởng sắp giao nhau, Hoàng Liên mới khám phá ra Tịnh-Tuệ phát một chiêu khắc chế, nội công âm nhu. Xùy một tiếng, người mụ bay tung xuống đài.

Tịnh-Tuệ lảo đảo muốn ngã. Sư thái Tịnh-Huyền lên đài đỡ sư tỷ. Tuy gặp nghịch cảnh, nhưng Tịnh-Huyền không hổ là công chúa, một vị ni sư đắc đạo. Bà nói với Nhật-Hồ lão nhân:

– Xin trả tiền bối Hoàng Liên lại cho tiên sinh.

Bà vực sư tỷ xuống đài.

Nhật-Hồ lão nhân nhấp nhô một cái, người lão xuống đài, rồi vọt lên, tay túm cổ Hoàng Liên. Lão liệng mụ xuống giữa đài kêu lên tiếng ầm.

Sự thực bản lĩnh Hoàng Liên đâu đến nỗi để Nhật-Hồ lão nhân bắt như bắt con gà! Chẳng qua mụ bị sư thái Tịnh-Tuệ đánh bay xuống đài, khí huyết đảo lộn, cơ thể gần như tê liệt. Vì vậy mụ bị lão bắt dễ dàng. Lão móc trong bọc ra một viên thuốc để trong lòng bàn tay phải, rồi vỗ lên đầu Hoàng Liên một cái. Mụ nghiêng đầu né sang bên cạnh. Nhưng không tránh nổi bàn tay Nhật-Hồ, viên thuốc tan thành bột nhập sâu vào da đầu mụ. Mụ rùng mình liên tiếp, rồi run run, chân tay không cử động được nữa.

Dưới đài phái Đông-a, Thanh-Mai hỏi Đỗ Lệ-Thanh:

– Đỗ phu nhân, lão Nhật-Hồ làm gì vậy?

– Lão phóng thuốc nhuyễn cân vào người Hoàng-Liên. Loại thuốc này tiểu tỳ cũng biết chế. Hôm trước, tiểu tỳ trao cho công tử Tự-Mai, để khống chế lão Vũ Nhất-Trụ. Khi thuốc này nhập da thịt, chân tay tê liệt, không hoạt động được, vận công cũng bế tắc.

Nhật-Hồ hỏi Hoàng Liên bằng giọng ngọt ngào:

– Hoàng-Liên, người còn có điều gì nói nữa không? Trước đây sư phụ thương yêu người nhất. Người đã từng là cây thuốc của sư phụ bao năm qua. Bây giờ người phạm tội không thể tha thứ. Vậy người chết để mau về với hai vị thánh Mã-Mặc, Lệ-Anh. Người sẽ được ngũ xa hồng xà chở về Thượng-giới.

Nghe đến tiếng cây thuốc, Tự-Mai đưa mắt nhìn mẹ. Cao Huyền-Nga thấy con nhìn, bà rùng mình, nghĩ lại suốt mấy năm bị giam, làm vật cho bọn Hồng-thiết giáo luyện công.

Còn Hoàng Liên nghe đến ngũ xa hồng xà chân tay run lẩy bẩy, mặt mũi tái mét, mụ định mở miệng van xin, nhưng sợ quá, nói không ra lời.

Nhật-Hồ lão nhân hướng vào quảng trường nói lớn:

– Bản giáo do lão phu đem vào Đại-Việt, từ xưa đến giờ lấy việc bảo quốc làm võ đạo chính. Trải qua mấy chục năm, thiếu gì kẻ phản giáo, phạm giáo quy, nhưng chưa từng có người nào mãi quốc cầu vinh cả. Đây là lần đầu tiên xẩy ra. Tội này thuộc loại nặng nhất. Chiếu luật lệ bản giáo, phải xử tử hình. Nhưng Hoàng Liên giữ chức trưởng lão, đã từng vào sinh ra tử, công lao biết mấy để xây dựng bản giáo, nên cho được về thượng giới bằng ngũ xa hồng xà.

Lão hướng vào giáo chúng:

– Ngũ xa hồng xà đâu. Hành sự đi.

Lão vẫy tay một cái.

Từ phía giáo chúng Hồng-thiết đẩy ra năm cái xe lớn. Năm cái xe đến trước đài thì đậu lại. Bọn giáo chúng phụ trách nhanh nhẹn, tháo, mở thực nhanh. Phút chốc, năm cái xe ráp với nhau thành một tấm cót bằng gỗ, đường kính ước năm trượng, thành cao đến ngang lưng.

Lúc giáo chúng Hồng-thiết giáo tới, họ đem theo mấy chục chục cái xe lớn, phía trước chĩa ra một ống đồng to bằng bắp chân, không ai hiểu trong đựng gì? Bây giờ thấy họ đẩy đến năm cái xe đó, kéo ống đồng chĩa vào trong cót.

Bên khán đài phái Đông-a, Đỗ Lệ-Thanh nghe đến ngũ xa hồng xà, mặt mụ hiện ra vẻ kinh hoàng. Thanh-Mai muốn hỏi, nhưng nàng im lặng, theo dõi hiện trường.

Một đội nhạc công, hơn mười người tới trước cái cót. Họ ngừng lại, lấy ống tiêu ra thổi. Tiếng tiêu nhu hoà, êm ái, nhưng người nghe cảm thấy ghê rợn như tiếng ma kêu quỷ khóc, như tiếng than van của âm hồn vọng về từ thế giới nào xa xôi.

Trên đài Nhật-Hồ lão nhân mỉm cười rất tươi, tay lão vuốt râu, khoan thai hướng vào giáo chúng:

– Giáo chúng nghe đây!

– Dạ…ạ…ạ…ạ!

Hàng mấy ngàn người đồng hô một tiếng dạ, vang vang kéo dài. Nhiều người yếu bóng vía giật bắn người lên.

Nhật-Hồ lão nhân tiếp:

– Lắng nghe chỉ dụ.

Toàn thể đội nhạc công Hồng-thiết cùng cử bản nhạc. Giáo chúng mấy ngàn người như một, đứng thẳng, mặt hướng về trước, hai tay nắm lại vung vẩy, hai chân dậm xuống đất rầm rập, mắt trợn trừng nhìn lên đài, hàm răng nghiến lại, miệng cất tiếng ca. Âm điệu hùng tráng. Sau khi bản ca chấm dứt, Nhật-Hồ lão nhân nói:

– Hơn hai mươi năm qua, bản nhân bế quan luyện công, tìm lấy phép trường sinh bất lão. Tuy phép này không thể làm cho người ta sống ngàn tuổi, nhưng từ một tới hai trăm tuổi, ta đã tìm ra. Ta hứa sẽ truyền cho những giáo chúng nào trung thành với bản giáo. Ta nhắc lại, thứ nhất trung thành với ta. Thứ nhì trung thành với giáo. Thứ ba trung thành với trăm họ…

… Khi ta vắng mặt, bản giáo phải tiềm ẩn. Các người không tránh khỏi bị các môn phái khác khinh khi, đàn áp. Ta biết thế, thương xót các người chẳng cùng. Ta mới xuất hiện có mấy ngày, mà các người đã tụ về đông đủ như thế này, chứng tỏ bản giáo vẫn còn hùng mạnh…

… Các người nên nhớ. Sở dĩ chúng ta được trăm họ theo đông đảo, vì chúng ta sống với người nghèo, trọng tình nghiã dân tộc. Thế nhưng khi ta vắng mặt, một số giáo chúng sa đọa, có nhiều hành vi làm ô danh bản giáo. Đối với những người vai vế thấp, còn có thể tha thứ. Chứ đối với những người địa vị cao, phải thẳng tay trừng trị.

Lão chỉ vào Hoàng Liên:

– Trưởng lão Hoàng Liên, địa vị chỉ thua có ta, quản lĩnh mấy nghìn đệ tử, nhưng lại phản ta, phản giáo, phản dân, làm gian tế cho Tống. Ta tuyên bố xử tử hình. Hình phạt được thi hành tại chỗ. Đó là tội. Nhưng công của trưởng lão cũng không nhỏ, nên được về thượng giới bằng ngũ xa hồng xà.

– Nào, thi hành.

Tuy kết án tử hình người, mà lão vẫn tươi cười như gặp một truyện vui mừng. Đám giáo chúng nhảy lên ca hát. Bốn giáo chúng mặc quần áo đen mang một mảnh ván lên đài. Chúng trịnh trọng đỡ Hoàng Liên cho ngồi trên tấm ván, rồi khiêng xuống đặt vào giữa cót.

Mặt mụ Hoàng Liên tái như gà đắt tiết, nhưng chân tay mụ tê liệt, không cử động được. Mụ gào lớn:

– Nhật-Hồ ! Người can tâm giết ta ư? Khi ta mới hai mươi tuổi thì gặp người. Người dụ dỗ ta làm cây thuốc cho người luyện công. Hàng tháng người uống kinh nguyệt của ta. Hàng ngày người uống nước tiểu của ta. Tình ý thâm trọng biết bao. Ta bỏ sư phụ, bỏ phái Mê-linh để theo người. Mà nay người tàn nhẫn với ta thế này à?

Mặc mụ nguyền rủa, ban nhạc Hồng-thiết lại cầm ống tiêu thổi lên bản nhạc âm thanh ma quái. Từ trong các ống đồng, những con rắn lớn nhỏ mầu đỏ bò ra, rơi xuống cót. Vừa tới cót, chúng vọt tới cắn vào người mụ Hoàng Liên. Mụ vẫy vùng, miệng kêu thét lên be be, nhưng không thoát. Hết con này, đến con khác bu vào người mụ. Khoảng ăn xong bữa cơm, trong cót nhung nhúc những rắn, chúng đói quá, bám vào quanh mụ mà cắn, mà rỉa.

Lát sau, mụ nằm im bất động, nhưng bầy rắn vẫn tiếp tục ăn thịt mụ. Cho đến khi chỉ còn bộ xương trắng ởn. Bấy giờ bọn giáo chúng mới hạ ống đồng xuống. Bầy rắn chui trở vào xe. Mấy tên giáo chúng nhặt bộ xương cho vào cái túi, rồi tháo cót, trở về vị trí.

Nhật-Hồ hướng vào đám đệ tử Hồng-thiết giáo vẫy tay:

– Ngô Bách-Vân đâu!

Nhanh nhẹn một thiếu phụ tuổi trên năm mươi vọt mình một cái như pháo thăng thiên lên đài. Mụ cúi rạp người xuống trước Nhật-Hồ lão nhân:

– Sư phụ! Đệ tử tham kiến sư phụ.

Nhật-Hồ vuốt râu mỉm cười:

– Cách đây hơn hai mươi năm, người từng là cây thuốc của sư phụ để luyện công. Trong thời gian sư phụ vắng mặt, người vẫn một lòng trung kiên. Vậy hôm nay sư phụ cử người làm trưởng lão thứ mười của bản giáo.

Ngô Bách-Vân lạy phục xuống đất:

– Đa tạ sư phụ tin cẩn, ban hồng ân.

Cái tên Ngô Bách-Vân thực không xa với võ lâm Đại-Việt. Nguyên y thị xuất thân con một đại danh y dưới thời nhà Đinh. Nhân phụ thân làm quan võ trong triều Đinh. Lão âm thầm nhập Hồng-thiết giáo. Việc làm bại lộ. Vua Đinh truyền đem chặt đầu. Trên đường ra pháp trường, giáo chúng Hồng-thiết cứu lão thoát chết. Lão trốn sang Trung-nguyên, theo nhà Tống, rồi chết ở đó. Con gái lão tên Ngô Bách-Vân, lấy một lái buôn thú vật. Hồng-thiết giáo biết thị giòng giống giáo hữu trung kiên, âm thầm giới thiệu thị cho Nhật-Hồ lão nhân. Lão nhận thị làm đệ tử, dùng thị làm cây thuốc luyện công.

Thị ít xuất hiện. Nhưng tiếng tăm tàn ác của thị lại vang lừng thiên hạ. Mụ là một con quỷ khủng khiếp nhất. Mụ chế ra lối luyện công đăc biệt. Mỗi ngày phải bắt một đứa con nít hai, ba tuổi, mổ lấy tim, óc, chưng thuốc mà ăn để luyện công. Cho nên trong vùng nào thấy con nít bị mất tích, biết rằng mụ xuất hiện ở đó.

Hôm nay, mọi người mới biết rõ mặt mụ.

Nhật-Hồ lão nhân hướng vào cử toạ:

– Thưa các vị anh hùng. Bất cứ ai, có thể chứng minh rằng một giáo chúng của mỗ bán nước cầu vinh, mỗ sẽ xử tử như xử trưởng lão Hoàng Liên này.

Tự-Mai bước lên đài, chắp tay xá lão:

– Lão tiên sinh! Hồi nãy tiểu bối dâng trình tiên sinh những văn kiện tố giác trưởng lão Đỗ Xích-Thập với Hoàng Liên định dâng nước cho Tống. Vì vậy lão tiên sinh đã xử tội trưởng lão Hoàng Liên. Vậy còn trưởng lão Đỗ Xích-Thập thì sao?

Lão lắc đầu:

– Tiểu công tử bàn lý thực đúng. Nhưng có điều cần xét lại. Vì Xích-Thập không biết chữ, làm sao y viết thư được? Những thư công tử cung cấp cho ta, trong đó lời lẽ rõ ra Xích-Thập. Nhưng không đủ kết tội y.

Tự-Mai cười:

– Tiên sinh ơi, tiểu bối biết rõ sắc phong của Tống triều cho Đỗ trưởng lão, hiện Đỗ trưởng lão dấu trong người. Xin tiên sinh cứ xét sẽ thấy.

Đỗ Xích-Thập nghe Tự-Mai tố, y kinh hoàng, mặt tái mét lùi lại.

Nhật-Hồ nói với Tự-Mai:

– Trần công tử. Nếu ta khám trong người Đỗ Xích-Thập, không có sắc phong của Tống triều, thay vì ta xử tử y. Ta sẽ xử tử công tử đấy.

Tự-Mai cầm kiếm đưa ra:

– Giáo chủ! Tiểu bối là đệ tử phái Đông-a. Võ đạo phái Đông-a tuyệt đối cấm hại người vô tội. Giáo chủ khám trong người Đỗ trưởng lão mà không có bằng sắc của Tống, tiểu bối xin tự tử ngay tại đây. Chứ không phải đợi đại giá của giáo chủ ra tay.

Nhật-Hồ vẫy tay gọi Xích-Thập:

– Lại đây! Lại đây! Cây ngay không sợ chết đứng. Người lại đây cho Trần công tử khám.

Xích-Thập run run, định phóng xuống đài bỏ chạy. Nhật-Hồ nhảy tới chụp Đỗ Xích-Thập. Xích-Thập vọt người lên khỏi ghế. Lão định nhảy theo bắt y, bỗng cảm thấy bên phải, bên trái bị hai kình vực như sóng biển ập vào người.

Lão lùi lại một bước, hay tay đẩy ra hai chưởng đỡ. Bình, bình. Người lão rung động mãnh liệt, chân tay tê dại. Lão nhìn lại, thì ra Phạm Hổ với Lê Đức. Lão kinh ngạc hỏi:

– Các ngươi định làm gì ta đây? Muốn phản chăng?

Bên dưới đám đệ tử lão đều đã lên trên đài đứng vây xung quanh lão thành vòng tròn. Tay người nào cũng cầm vũ khí như sẵn sàng băm vằm lão ra từng mảnh. Lão kinh hoảng run run, nhưng vẫn làm bộ bình tĩnh điểm mặt:

– A ha! Tên nào gan hãy nhảy vào trước chịu chết đi!

Thấy thầy trò Nhật-Hồ sắp giết nhau, Tự-Mai bỏ xuống đài. Thanh-Mai hỏi em:

– Tự này. Em đã thấy đủ mặt bọn đệ tử Nhật-Hồ. Chị nghe nói Nhật-Hồ có mười đệ tử. Hôm nay vắng mặt Vũ Nhất-Trụ, Hoàng Văn bị Khu-mật viện giam. Mụ Hoàng Liên vừa bị giết. Tên Lê Ba chính là Dương Ẩn ngồi kia rồi. Tên Đỗ Xích-Thập vốn người phái Tản-Viên. Còn lại năm tên kia lý lịch ra sao?

Tự-Mai chỉ lên đài:

– Gã có bộ mặt xấu kinh khủng, hai môi như hai quả chuối đen kia tên Phạm Trạch. Y đã xuất hiện, giang hồ đều biết mặt. Tên mặt mũi coi được kia tên Lê Đức. Tên to lớn kia tên Nguyễn Chí. Còn tên bịt mặt kia tên Đặng Trường. Tên mặt mũi kinh tởm chắc là lão Trịnh Hồ chủ nhân tửu lầu Động-đình hoá trang. Trong Hồng-thiết giáo, y có tên Phạm Hổ.

Nó hỏi Đỗ Lệ-Thanh:

– Đỗ phu nhân. Tôi nghe anh cả mói rằng tổ chức Hồng-thiết giáo các nơi đều theo một khuôn khổ. Trên cao nhất có giáo chủ. Kế đến tả, hữu hộ pháp, ngũ sứ, mười trưởng lão. Không biết bang Nhật-Hồ Trung-quốc có giống như vậy không?

– Khai-Quốc vương thực tinh tế vô cùng. Chẳng việc gì người không biết. Có điều từ khi sang Đại-Việt, tiểu tỳ chỉ nghe nói đến mười trưởng lão, mà chưa từng thấy ai nói đến tả, hữu sứ hộ pháp cùng ngũ sứ cả.

Tự-Mai quay sang hỏi Vũ Anh:

– Sư thúc. Sư thúc nghe nhiều, biết rộng, sư thúc có biết tả, hữu hộ pháp cùng ngũ sứ Hồng-thiết giáo lý lịch ra sao không?

Vũ Anh trả lời bằng cái lắc đầu:

– Nguyên khi Nhật-Hồ lão nhân từ Trung-thổ về, lão đi thuyết phục anh hùng khắp nơi thuộc tộc Việt lập Hồng-thiết giáo. Lão cho rằng tộc Việt mình chia thành bẩy tám mảnh, mỗi mảnh nói một thứ tiếng. Đại-lý, Xiêm-la, Lão-qua nói tiếng Thái. Quế-lâm, Nam-Hải nay thuộc Đàm-châu, Quế-châu, Quảng-Đông Nam-lộ, Quảng-Tây Nam-lộ nói pha nửa tiếng Việt, nửa tiếng Hán. Đại-Việt nói tiếng Việt, Chiêm-thành nói tiếng Chiêm, Chân-lạp nói tiếng Chân. Phong tục có nhiều khác biệt, mà muốn thống nhất, thực còn khó hơn bắc thang lên trời. Trong hoàn cảnh như vậy không ai đủ uy tín tập hợp lại được? Muốn tập hợp lại phải có một tôn giáo mạnh. Đạo Phật, đạo Lão chủ xuất thế. Khổng lại là đạo của Tầu, hơn nữa chưa có ảnh hưởng ở Đại-Việt làm bao. Còn tại Chiêm, Chân, Xiêm, Lão, Lý gần như chưa ai biết đến. Cuối cùng lão đem Hồng-thiết giáo ra thuyết. Bấy giờ anh hùng tộc Việt có hơn trăm người theo. Lão tổ chức đại hội ở hồ Động-đình tuyên bố thành lập Hồng-thiết giáo Đại-Việt.

Tôn Đản cau mặt:

– Lão thực xảo quyệt. Một mặt chủ xóa bỏ tổ tiên, tôn giáo. Một mặt lại tổ chức đại hội ở hồ Động-đình ra cái điều ta đây nối tiếp truyền thồng Kinh-Dương vương, Trưng-vương. Thế sau trên trăm hào kiệt đó đâu cả?

– Trong đại hội, lão phong cho Chu Bội-Sơn làm Tả hộ-pháp phụ trách vùng Quế-lâm, Động-đình hồ, Trường-sa. Đào Tường-Phúc làm Hữu hộ-pháp, phụ trách vùng Nam-hải.

Tự-Mai đã đọc qua phần tài liệu này ở Khu-mật viện. Nó góp ý:

– Dường như Đào Tường-Phúc thuộc phái Cửu-chân, Chu Bội-Sơn thuộc phái Khúc-giang thì phải. Nhưng thực sự trong thế gian làm gì có hai tên đó. Chẳng qua hai gã ấy dùng tên giả mà thôi.

– Đúng thế! Cho đến nay, người ta cũng không biết tên thực hai gã Đào, Chu là gì. Giang hồ đồn võ công, kiến thức, văn học hai người ấy hiếm ai bì kịp. Nhật-Hồ phong cho năm cao thủ khác làm ngũ sứ. Trung ương sứ Nguyễn San phụ trách giáo chúng Chiêm-Thành. Tây-phương sứ Bun Thành phụ trách giáo chúng vùng Xiêm-la. Bắc-phương sứ Nguyễn Thúy-Minh phụ trách giáo chúng Đại-lý. Đông-phương sứ Sử-vạn Na-vượng phụ trách giáo chúng vùng Lão-qua. Nam-phương sứ Khiếu Tam Bản phụ trách giáo chúng vùng Chân-lạp. Bẩy người này được lão truyền thần công Hồng-thiết, nên họ quay ra anh hùng một cõi, không chịu quyền thống thuộc lão.

Tôn Đản hỏi:

– Thế sao cho đến nay không thấy nói đến những người này. Phải chăng họ chết hết hồi?

Tự Mai nói:

– Giang hồ mới chỉ bết danh tính bẩy hào kiệt mà thôi. Hơn trăm hào kiệt, lão chia cho bẩy người. Nhưng sau khi thấy tính chất xảo quyệt, điên khùng của Hồng-thiết giáo, anh hùng quay lại phản lão. Lão không cấp thuốc giải cho, họ chết trong đau đớn. Duy Nguyễn San, lão sai Vũ Nhất-Trụ vào Chiêm giết chết.

Nói đến đó, nó liếc nhìn Cao Huyền-Nga rồi nghĩ:

– Số kiếp mẹ mình thực long dong. Mẹ mình có cái may làm vợ một nhân vật lỗi lạc. Bọn Nhật-Hồ muốn khống chế anh hùng thiên hạ. Cho nên bọn chúng mới dùng Nhật-Hồ độc chưởng bắt mẹ mình tuân theo lệnh chúng. Lệnh của chúng chắc chắn để hại bố mình. Nếu mẹ mình không chịu nổi đau đớn, tuân theo lệnh chúng, sau chúng cũng bắt làm cây thuốc. Mẹ mình không chịu, đành gánh đau đớn trong bốn mươi chín ngày, rồi bị đem giam để biến thành cây thuốc. Không hiểu hôm nay bố mình mang mẹ mình theo để làm gì? Còn tên Phạm Hổ kia, thế nào Thuận-thiên cửu hùng cũng phải giết chết y trả hận cho mẹ mình, cho vương mẫu chị Mỹ-Linh.

Nhật-Hồ chỉ Đặng Trường:

– Trước đây, mi từng bỏ nhà theo ta. Mi tuyên thệ trung thành với ta suốt đời. Để tỏ lòng trung, mi giết cha, giết mẹ. Suốt bao năm mi cùng ta phát triển giáo. Tại sao hôm nay mi phản ta?

Đặng Trường cười nhạt:

– Sư phụ! Căn bản Hồng-thiết kinh phá bỏ tình cha con, gia đình, thầy trò. Thế vì lý do gì lão gia bắt tôi phải trung thành với lão gia? Trước đây tuân chỉ dụ của Hội-đồng giáo vụ trung ương tôi giết cha, giết mẹ, giết cả chú, bác vì những người này chống bản giáo. Thì nay, giáo chủ không thể cấm chúng tôi, giết giáo chủ để bảo tồn Hồng-thiết giáo.

Quần hùng nghe đối đáp giữa Nhật-Hồ với Đặng Trường, họ vẫn không biết y tên gì mà lại nhẫn tâm giết cả cha, mẹ, chú, bác?

Nhật-Hồ chỉ vào Dương Ẩn:

– Lê Ba. Mi là đệ tử thứ ba của ta. Mi đánh lừa ta xuống hầm, giam ta hai mươi năm, rồi còn định xả nước cho ta chết ngộp. Ta thoát ra được, nhưng vẫn tha tội cho mi. Nay mi lại phản ta nữa, thực mi không còn chút lương tâm nào.

Trừ Khu-mật viện, cùng bọn Nhật-Hồ, không ai biết mặt Lê Ba cả. Võ lâm giang hồ chỉ biết y giết người không gớm tay. Ai nghe đến tên Lê Ba cũng kinh hồn động phách. Không ngờ bây giờ nảy ra Lê Ba chính thị đạo sư Dương Ẩn, sư thúc Hồng-Sơn đại phu. Một người đạo cao đức trọng. Cả quảng trường rung động lên bàn tán xôn xao.

Trước đây Hồng-Sơn đại phu cực kỳ tôn kính Dương Ẩn, vì y có công giúp ông đoạt ngôi chưởng môn. Y lại tu hành, suốt ngày ngồi tĩnh toạ luyện công, hoặc chăm chú dạy dỗ con em trong phái. Cho nên đệ tử Sài-sơn kính trọng y như một vị tiên. Mọi bất hoà trong môn phái, đều do y hoà giải.

Chính ngay khi Vũ Thiếu-Nhung bị y đánh lén Chu-sa độc chưởng. Bà đau đớn điên loạn, y luôn ở cạnh bà, khi dùng châm cứu, khi dùng dược, cho bà giảm đau. Hồng-Sơn đại phu, với bà đều không ngờ tới. Cho đến khi bà đau quá thiếp đi, bị khâm niệm, rồi một người bí mật cậy quan tài đem bà ra cho uống thuốc phục hồi sức khoẻ. Bà mơ mơ màng màng tưởng rằng mình đang ở âm phủ. Sau đó người ta bắt bà phải phục thị Nhật-Hồ lão nhân. Lúc Mỹ-Linh, Thiệu-Thái cứu bà thoát lao tù, Nhật-Hồ lão nhân cho bà biết Lê Ba chính là Dương Ẩn. Bà không tin.

Đến lúc Lê Ba giật sập hầm, tháo nước mong giết Nhật-Hồ, Nguyễn Chí. Qua cuộc đối thoại, bà nhận ra giọng nói Lê Ba giống hệt Dương Ẩn. Tuy vậy hình ảnh đạo đức của Dương Ẩn vẫn khiến cho bà không tin.

Khi Khai-Quốc vương đưa bà về gặp lại Hồng-Sơn đại phu. Thiện ý của vương dấu hết những điều nhục nhã của bà trong thời gian làm cây thuốc. Theo vương, nói dối tuy xấu, song nói thực làm thương tâm cho chồng. Những sự thực tàn nhẫn nên dấu đi. Làm vợ Hồng-Sơn, bà biết chồng cực kỳ thông minh. Nghĩ rằng dấu diếm, trước sau, ông cũng biết. Chi bằng nói cho ông nghe, để ông định liệu kế hoạch đối phó với Hồng-thiết giáo. Cho nên bà tường thuật tỷ mỉ mọi biến cố từ khi bị dùng làm cây thuốc cho đến khi được cứu ra.

Nghe vợ kể Lê Ba chính là Dương Ẩn. Hồng-Sơn đại phu lắc đầu, nhất định không tin. Ông cho rằng Khu-mật viện dàn ra vở kịch đó, để chia rẽ ông với Dương Ẩn. Vì vậy ông quyết định cho vợ mặc quần áo như đệ tử Sài-sơn theo dự đại hội. Theo ông nghĩ trong đại hội thiếu gì đệ tử Hồng-thiết giáo đi dự, ông cần cho Dương Ẩn xuất hiện. Nếu y làm trưởng lão, ắt có người nhận diện, trắng đen sẽ rõ. Cho nên ông đề cử Dương Ẩn làm đại tôn sư phái Sài-sơn để cho mọi người cùng thấy. Suốt từ đầu đại hội, Dương Ẩn đóng vai đạo sĩ nhu nhã. Cho đến bây giờ nghe Nhật-Hồ lão nhân gọi Dương Ẩn là Lê Ba. Ông vẫn cho rằng Nhật-Hồ chia rẽ, bôi nhọ, vu hãm Dương-Ẩn.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.