Anh Hùng Bắc Cương

Chương 27: Cây thuốc nở hoa



Cây thuốc nở hoa — –

Đào Tam-Bách chắp tay hành lễ:

– Thiếu hiệp, cô nương. Các vị là ai, giá lâm núi Tản-viên có việc gì? Tại sao lại ra tay đánh người trong tổ đình này?

Nam nhún vui, ngửa hai tay lên trước mặt:

– Ta tên Trần Đông-Thiên. Còn đây em gái ta tên Trần Quỳnh-Hoa. Chúng ta đều là đệ tử của Tây-phương giáo chủ Hồng-thiết giáo. Chúng ta được sắc chỉ của Tây-phương giáo chủ Hồng-thiết giáo về đây thi hành sứ mạng.

Giọng nói của y lơ lớ, ấm ớ rất khó chịu.

Nghe đến tên Đông-Thiên, Quỳnh-Hoa, hai trẻ Tôn Đản, Tự-Mai đưa mắt nhìn nhau, như cùng một ý nghĩ:

– Cái tên Đông-Thiên, Quỳnh-Hoa nghe quen thuộc quá!

Chợt Tôn Đản tiến lên chắp tay vái dài:

– Thì ra hai vị trước đây do trưởng lão Lê Ba gửi sang Tây-phương du học, được giáo chủ Hồng-thiết giáo Tây-phương Bạch-Lạp thu làm đệ tử. Tại hạ nghe nói dường như hai vị là chỗ rất thân ái với Nhật-Hồ lão nhân phải không?

Hơn năm trước, Thuận-thiên cửu hùng về Thăng-long, được Khu-mật viện cho biết: Đương thời Nhật-Hồ lão nhân dùng rất nhiều người làm cây thuốc luyện công. Hồi còn theo học với sư phụ Xích-trà-Luyện, lão đã cưới một cô gái Tây-vực tên Tam Vi Anh. Lúc trở về Trung-thổ, lão lại lấy một cô gái Trung-nguyên. Khi gặp vợ của Lê Lục Vũ tên Minh-Hợp, lão cướp luôn. Sau Minh-Hợp bị quan quân giết, lão lấy một đệ tử tên Nguyễn Tuyết-Minh. Chính lão đưa Tuyết-Minh lên làm Bắc-sứ tại hội đồng giáo vụ trung ương. Sau trở về Đại-Việt lão được cống hiến nhiếu cây thuốc luyện công. Trong hàng trăm cây thuốc ấy, có một người lão rất sủng ái, sinh ra hai con. Trai, lão đặt tên Trần Đông-Thiên. Gái tên Trần Quỳnh-Hoa.

Bấy giờ Tư-Mai có đặt câu hỏi: Tại sao lão họ Nguyễn, mà lại cho con mang họ Trần. Tạ Sơn trả lời: Cũng như Hồng-thiết giáo Tây-phương. Mỗi đệ tử Hồng-thiết giáo Đại-Việt đều mang nhiều tên, nhiều họ khác nhau, với ngụ ý rằng trăm họ, nghìn tên, chung quy vẫn phải hướng về Hồng-thiết giáo. Họ Trần, họ Hồ, họ Nguyễn, họ Đặng, đều không đáng quan tâm.

Nhưng những cây thuốc Nhật-Hồ lão nhân sủng ái, Lê Ba cũng xử dụng luôn. Nên chính cây thuốc cũng không biết hai trẻ sinh ra là con của ai.

Lê Ba rất chủ quan. Y tin hai trẻ do y sinh ra, y biết sư phụ mình vốn háo danh, ích kỷ, chỉ muốn một mình đứng trên thiên hạ, như ánh sáng mặt trời, tương lai y khó tranh ngôi giáo chủ. Vì vậy y cứ giả bộ coi Đông-Thiên, Quỳnh-Hoa do Nhật-Hồ lão nhân sinh ra. Y nhất tâm sủng ái hai trẻ, làm Nhật-Hồ cảm động, tin tưởng y tuyệt đối. Cho nên lão vốn thuộc loại sư tổ sảo quyệt, mà bị y bắt giam ở dưới hầm Cổ-loa.

Lê Ba gửi Đông-Thiên, Quỳnh-Hoa sang Tây-vực du học. Hy vọng sau này nhờ thế lực của sư phụ, hai con y trở thành giáo chủ. Nhật-Hồ lão nhân tán thành ngay tức khắc.

Năm trước, giáo-chủ Tây-phương Hồng-thiết giáo Bách-Lạp nghe tin võ lâm Đại-Việt đại hội Lộc-hà, định ngôi vua. Trong khi đó, y được tin Nhật-Hồ lão nhân qua đời đã hai mươi năm, ngôi giáo chủ bỏ trống. Bách-Lạp vội cho Đông-Thiên, Quỳnh-Hoa trở về tranh ngôi vua.

Hai thiếu niên lớ ngớ không thông thế tục, về tới Bắc-biên, bị sa lưới Khu-mật viện. Do chiếu chỉ ân xá của Thuận-Thiên hoàng đế sau ngày giỗ Bắc-bình vương, cả hai được thả ra. Bây giờ cả hai xuất hiện tại đây.

Đám người Hoa-sơn hoàn toàn không biết gì về anh em Đông-Thiên. Còn đệ tử Tản-viên nghe đến tên hai người này, họ đều mở to mắt ra nhìn.

Đào Nhị-Bách hỏi:

– Nhị vị tới tổng đàn bản phái, mà không thông báo trước, nên anh em tại hạ khiếm lễ số. Mong nhị vị khoan thứ.

Lời nói của Nhị-Bách mang nhiều trách móc hơn lễ độ. Nhưng anh em Đông-Thiên sống với rợ Tây-vực quen rồi, nên chúng lại cho rằng Nhị-Bách nói thực.

Quỳnh-Hoa lắc đầu:

– Chúng ta không chấp đâu! Ta chả cần các người phải tiếp đón.

Bỗng Trí-Thành kêu thét lên be be. Mọi người nhìn lại: Tay mụ sưng vù, đỏ lòm.

Đào Nhị-Bách la lớn:

– Nhật-hồ độc chưởng.

Đông-Thiên lắc đầu:

– Không phải thế đâu! Ta dùng Hồng-thiết ngũ độc chưởng. Chứ không biết Nhật-hồ độc chưởng là gì cả.

Đám Hoa-sơn kinh ngạc nhìn nhau. Họ cùng rút kiếm bao vây lấy anh em Đông-Thiên. Bắc-Sơn lão nhân không hổ cao nhân đại môn phái Trung-quốc. Ông vẫy tay cho đồng môn lui lại, nói:

– Chúng ta bị gian nhân đánh lừa, vô lễ với phái Tản-viên, với võ lâm Đại-Việt, chưa biết làm cách nào giải được. Bây giờ lại dụng võ giữa từ đường thánh Tản thực còn gì vô lễ hơn. Đây thuộc tổng đường phái Tản-viên. Chúng ta bị ám toán như thế này, cứ để phái Tản-viên phát lạc.

Ông hỏi Đào Nhị-Bách:

– Đào nhị hiệp. Tôi nghe Đào nhị hiệp trước đây từng theo Hồng-thiết giáo. Xin nhị hiệp giải cho biết Hồng-thiết ngũ độc với Nhật-hồ độc chưởng khác nhau thế nào?

Đào Nhị-Bách đáp:

– Hai loại độc chưởng này vốn cùng nguồn gốc. Tất cả đều xuất phát từ Hồng-thiết kinh. Khởi đầu, Mã-Mặc, Lệ-Anh cùng nhau nghiên cứu tất cả độc chất thiên hạ, cùng cách hạ độc, phương thức chữa chép vào Hồng-thiết kinh. Sau hai người tiến xa một nước, đem năm thứ độc khắc chế nhau luyện công, luyện chưởng. Người bị trúng chưởng bị năm thứ độc nhập cơ thể thay nhau công phá đau đớn chết đi sống lại. Sau bốn mươi chín ngày, như ngọn đèn hết dầu, rồi chết. Chưởng này mang tên Hồng-thiết ngũ độc chưởng.

Trí-Thành run run hỏi:

– Có cách nào trị được không?

– Có! Hồng-thiết kinh chép cách chế thuốc giải. Bất cứ ai, sau khi trúng trúng Hồng-thiết ngũ độc chưởng, phải quỳ lạy, nhập Hồng-thiết giáo, sẽ được phát thuốc giải. Thuốc giải chỉ có hiệu lực một năm. Trong một năm đó nạn nhân phải tuyệt đối tuân hành mệnh lệnh của Hồng-thiết giáo, sẽ được phát thuốc giải tiếp. Bằng không thuốc bị cắt, chỉ có nước chết.

Y ngừng lại một chút cho cử toạ theo kịp, rồi tiếp:

– Nhật-Hồ lão nhân được giáo chủ đời thứ nhì Tây-vực tên Xích-trà-Luyện thu làm đệ tử. Lão về Trung-nguyên lập ra bang Nhật-hồ. Muốn tạo cho mình thế đứng độc lập với Hồng-thiết giáo Tây-dương, người biến đổi chưởng pháp đi, thành Chu-sa ngũ độc chưởng. Thuốc giải Chu-sa ngũ độc chưởng vừa trị được chưởng bang mình, mà cũng trị được Hồng-thiết ngũ độc chưởng. Ngược lại dùng thuốc giải Hồng-thiết ngũ độc chưởng lại không trị được Chu-sa ngũ độc chưởng.

Nghe nói đến bang Nhật-Hồ, toàn thể đám Hoa-sơn đều hiện lên mặt những nét kỳ dị, đăm chiêu. Vì từ lâu họ chỉ biết bang Nhật-hồ dùng Chu-sa ngũ độc chưởng, làm võ lâm Trung-quốc kinh tâm động phách. Họ nào ngờ bang Nhật-hồ phát xuất từ Hồng-thiết giáo Tây-vực.

Đào Nhị-Bách tiếp:

– Nhật-Hồ lão nhân truyền ngôi cho sư đệ, cũng là đệ tử của lão tên Lưu Trí-Viễn. Người trở về Đại-Việt lập ra Hồng-thiết giáo. Một lần nữa người biến đổi Chu-sa ngũ độc chưởng thành Nhật-hồ chu-sa ngũ độc chưởng. Chưởng này trộn nội công Hồng-thiết giáo với nội công Đại-Việt, có sức công hại mãnh liệt nhất. Vì vậy, dù dùng thuốc giải hàng năm, mà mỗi tháng cũng bị lên cơn đau đớn trong một ngày. Cái kinh khủng nhất, khi dùng thuốc giải Nhật-hồ chu-sa ngũ độc có thể giải được Chu-sa ngũ độc cùng Hồng-thiết ngũ độc. Ngược lại thuốc giải của hai loại chưởng kia đối với loại chưởng pháp này vô dụng.

Tây-Sơn lão nhân hỏi:

– Tôi nghe nói, muốn trị dứt các loại chưởng này, phải dùng Hồng-thiết mật công. Tại Trung-nguyên, từ khi bang chủ cuối cùng Đỗ Ngạn-Tiêu qua đời, thần công này tuyệt chủng. Bang chủ hiện thời Đặng Đại-Bằng nhiều lần sai sứ sang xin giáo chủ Hồng-thiết Tây-vực truyền cho. Nhưng đều bị từ chối. Một tin khác, nói rằng Đỗ Lệ-Thanh, con gái bang chủ cuối cùng còn giữ cuốn phổ chép mật công này. Mà y thị với chồng hiện ở bên Đại-Việt. Đại-Bằng đã phái nhiều cao thủ đi tìm, song dường như y thị chết rối, không còn người thừa kế. Sự thực ra sao?

Nhị-Bách chỉ vào Thân Thiệu-Cực:

– Bà ta còn sống. Bà đã truyền mật công này cho một kỳ nam tử, tâm địa lương thuần, học trò đức Bồ-tát Sùng-Phạm, cùng Di-Lặc Tôn-Phật. Vị kỳ nam tử đó là anh của Thân thế tử đây.

Tất cả đám đệ tử Hoa-sơn cùng bật lên tiếng úi chà.

Bắc-Sơn lão nhân hỏi:

– Phải chăng người tên Thân Thiệu-Thái? Trong đại hội Thăng-long, người đánh bại giáo chủ Hồng-thiết Đại-Việt tên Nhật-Hồ, rồi được tôn làm giáo chủ. Hồng-thiết giáo cải thành Lạc-long giáo? Còn Nhật-Hồ lão nhân bỏ đi tu?

– Đúng thế.

Chân tay Nam-Sơn lão nhân run lên. Lão hỏi trong hơi thở dồn dập:

– Như vậy hiện có ba người trị dứt được Ngũ-độc chưởng. Một là Nhật-Hồ lão nhân. Hai là Giáo-chủ Thân Thiệu-Thái. Ba là Đỗ Lệ-Thanh.

– Không, chỉ có hai thôi. Đó là Nhật-Hồ lão nhân với Thân thế tử. Đỗ phu nhân tuy giữ mật công tâm pháp, mà công lực bà thấp, vì vậy luyện không thành.

Tây-Sơn lão nhân chỉ Tự-Mai:

– Hồi nãy hai vị này xuất chưởng tấn công Trần công tử với sư muội Trí-Thành. Tại sao chỉ một mình Trí-Thành bị trúng độc. Còn Trần công tử lại vô sự?

Nhị-Bách lắc đầu không hiểu. Y đưa mắt nhìn Tự-Mai ngụ ý để nó trả lời.

Thiệu-Cực phe phẩy quạt:

– Đào nhị hiệp. Thực giản dị. Tự-Mai luyện Thần-công của công chúa Yên-lãng. Vì vậy, không một độc chất nào xâm nhập vào người y được.

Bắc-sơn lão nhân nói với Đặng Đại-Khê:

– Đặng lão sư. Anh em bản phái vì sơ xuất, bị gian nhân đánh lừa, trót gây lầm lỗi với quý phái. Lão là người lớn tuổi nhất, giám xin lão sư rộng dung cho. Chúng ta cùng tìm cho ra ai đứng sau hai thiếu niên này mưu gây chiến giữa hai đại môn phái.

Đại-Khê thấy địa vị Bắc-sơn lão nhân cao biết mấy, mà lão đã hạ thể xin lỗi. Vì vậy ông cũng lễ phép:

– Lão nhân dạy quá lời. Tại hạ thực không dám. Ông nghĩ địa vị mình không nên dây đưa với bọn Đông-Thiên. Ông đưa mắt cho Nhị-Bách.

Nhị-Bách hiểu ý ông. Y quay lại hỏi Trần Đông-Thiên:

– Thiếu hiệp. Chẳng hay bản phái có điều gì không phải với Tây-vực Hồng-thiết giáo chủ, mà thiếu hiệp tới đây đánh thuốc độc toàn thể anh em tại hạ. Rồi lại giả chiếu chỉ của Thiên-thánh hoàng-đế, mưu đưa phái Hoa-sơn đến chỗ tuyệt diệt?

Trần Đông-Thiên sang Tây-vực học từ nhỏ. Y nhiễm lối hành xử của thói man rợ đã quen. Y nghe Nhị-Bách nói lời khiêm tốn, lại cho rằng Nhị-Bách sợ hãi. Y nhún vai, dơ ngón tay cái bên phải lên:

– Các người không có lỗi gì cả. Tuy nhiên giáo chủ lão gia muốn kho tàng Âu-lạc, nên sai ta về chiếm lấy mà thôi.

Nhị-Bách chỉ Trí-Thành:

– Vị sư thái đây bị trúng Chu-sa ngũ độc chưởng của Trần cô nương. Mong cô nương dùng Hồng-thiết thần công trị cho người.

Quỳnh-Hoa cười nhạt:

– Trị cho mụ ư? Tại sao ta phải trị cho mụ. Ta nhắc lại, nếu mụ chịu tuyên thệ nhập bản giáo, ta sẽ cho thuốc giải. Trong vòng ba năm, nếu mụ tỏ ra trung thành, lập được đại công, ta sẽ dùng thần công giải trừ cho mụ.

Thị quay lại hỏi Trí-Thành:

– Mụ ni cô kia có nghe ta nói không? Mau quỳ gối tuyên thệ trung thành với bản giáo đi.

Tam-Bách tính nóng như lửa, nghe Quỳnh-Hoa lý luận ngớ ngớ ngẩn ngẩn, y quát lên:

– Nếu mi không chịu trị cho sư thái đây, ta có biện pháp.

– Biện pháp? Bộ mi cũng muốn chết ư?

Vừa dứt câu nói, Quỳnh-Hoa phóng chưởng tấn công Tam-Bách đến vù một cái. Mùi hôi tanh nồng nặc bốc ra, làm mọi người buồn nôn. Tam-Bách lùi lại ba bước, y trả lại bằng một chiêu Phục-ngưu thần chưởng. Chưởng lực của y hùng hậu vô cùng.

Quỳnh-Hoa thấy chưởng lực Tam-Bách hùng hậu, thị vội nhảy vọt lên cao tránh, không dám trực diện đỡ. Ở trên cao, thị phóng xuống một chưởng. Tam-Bách lùi liền ba bước, rồi dùng Long-hổ chưởng, cắt ngang chưởng của thị.

Nguyên anh em Tam-Bách xuất thân từ phải Tây-vu. Sau vì lòng yêu nước, nhân Hồng-thiết giáo chủ trương yêu nước, vì dân. Cả ba bỏ theo Đỗ Xích-Thập, được Xích-Thập thu làm đệ tử, truyền võ công Tản-viên, Hồng-thiết. Cả ba luyện tới mức không thua bọn trưởng lão làm bao. Từ hôm họ bỏ Hồng-thiết giáo, trở lại phái Tản-viên, lại được Bảo-Hòa truyền cho toàn bộ Phục-ngưu thần chưởng. Hiện bản lĩnh họ ngang với các trưởng lão Lạc-long giáo.

Thấy Quỳnh-Hoa dùng độc chưởng, mà công lực kém mình xa. Tam-Bách cũng muốn dùng độc chưởng. Nếu dùng độc chưởng, chỉ cần mười chiêu, y có thể khống chế thị. Nhưng từ khi bỏ Hồng-thiết giáo, chưởng môn Bảo-Hòa cấm không được xử dụng loại chưởng ác bá này. Vì vậy y chỉ dùng Phục-ngưu thần chưởng mà thôi.

Hai bên đấu đến chiêu thứ năm mươi, trong khi đó ni cô Trí-Thành đau đớn lăn lộn, mồ hôi vã ra. Tôn Đản, Tự-Mai, Lê Văn cũng nhận thấy cái khó khăn của Tam-Bách: Dư công lực thắng đối thủ, mà không được xử dụng. Tự-Mai đến trước Đặng Đại-Khê hỏi:

– Sư bá. Trong phái Tản-viên, khi chưởng môn ban lệnh, toàn thể đệ tử đều nhất nhất phải tuân theo, có đúng thế không?

– Đúng vậy!

– Giả như gặp hoàn cảnh khó khăn, phải vi lệnh, mà chưởng môn vắng mặt, có cách nào vượt ra ngoài không?

— Có! Một trong những người vai vế cao hơn chưởng môn, có quyền cho phép vi lệnh.

Nói đến đây, hiểu ý Tự-Mai, ông lên tiếng nói với Tam-Bách:

– Đào tam điệt! Dĩ độc trị độc.

Tam-Bách nghe thái thượng chưởng môn cho lệnh. Y hít hơi vận Hồng-thiết công, phát chiêu Ác-ngưu nan độ. Chưởng phong toả ra cực kỳ ác liệt. Bình một tiếng, Quỳnh-Hoa bật lui liền ba bước. Tam-Bách không nhân nhượng, y phát liền ba chiêu nữa. Đến chiêu thứ ba, Quỳnh-Hoa lảo đảo muốn ngã.

Thuận-Tường thấy sư thúc Trí-Thành đau đớn quằn quại. Không biết nghĩ gì, nàng chạy lại bên Tự-Mai, nói sẽ:

– Người, người có nghe lời ta không?

Tự-Mai thấy Thuận-Tường không cau có, gây gổ với mình, trái lại ngọt ngào, hồn phách nó bay phơi phới:

– Cô nương cứ dạy. Tại hạ sẵn sàng nghe lời.

Nàng chỉ Bắc-Sơn lão nhân:

– Sư phụ nói, người… đại ca học thần công hỗn hợp dương cương Tản-viên với Vô-ngã tướng thiền công của công chúa Yên-Lãng, nên hút được nội lực của hai vị sư thúc Vương, Giáp. Sư phụ còn nhấn mạnh: Xưa kia công chúa Yên-Lãng dùng thần công hỗn hợp ấy khống chế được Huyền-âm chưởng của vợ chồng Xích-Anh trong trận đánh đồi Vương-sơn.

– Kiến thức tôn sư thực bao la. Đúng như người dạy.

– Ta có lời yêu cầu. Người… à đại ca mau khống chế hai anh em gã họ Trần, bắt chúng trị bệnh cho sư thúc Trí-Thành. Ta… ta nhất định nhớ ơn người mãi mãi.

Tự-Mai mỉm cười nghĩ thầm:

– Chị Thanh-Mai thường bảo ta: Sau này ra đời, cần phải đề phòng đàn bà. Đàn bà thường đùng cái ôn nhu, đưa mình vào chỗ chết như không. Đàn bà càng đẹp, càng khiến cho mình dễ chết. Thuận-Tường đang chửi bới ta, nay vì muốn cứu sư thúc, mà nàng phải hạ mình. Kể ra nàng cũng xứng đáng nữ trung hào kiệt. Nàng biết xử dụng nhan sắc, lại hiểu được ta. Ta chẳng dại gì lăn mình vào chỗ chết.

Nhưng khi nhìn lại, thấy đôi mắt cầu khẩn, cùng nét mặt xinh đẹp của Thuận-Tường, bao nhiêu lời dặn của chị bay biến đi đâu mất, nó trả lời:

– Cô nương đã dạy, dĩ nhiên tại hạ phải tuân.

Đúng lúc đó Tam-Bách đánh ra một chưởng như sét nổ, Quỳnh-Hoa dùng cả hai tay đỡ mà vẫn lảo đảo. Đông-Thiên đứng ngoài thấy em lâm nguy, y hú lên một tiếng, phóng chưởng đánh vào hông Tam-Bách cứu em.

Tự-Mai quát lên:

– Các người định hai người đánh một ư?

Nó vận khí bằng kinh mạch, xuất chiêu Phong-ba hợp bích, đánh cắt ngang vào chưởng Đông-Thiên. Bùng một tiếng, Đông-Thiên bật lui liền ba bước. Trong khi Tự-Mai cũng cảm thấy cánh tay tê dại. Nó nghĩ thầm:

– Tên tiểu ma đầu này công lực ghê thực. Sau khi hút nội lực của Vương Lệ-Ngọc, Giáp Kim-Qui, nội lực mình mạnh không thua gì chị Thanh-Mai, Bảo-Hòa, Mỹ-Linh, thế mà dường như không thắng được y.

Đông-Thiên lại xuất chiêu tấn công Tự-Mai. Không dám khinh địch, nó dùng Đông-a chưởng pháp chống lại. Hai bên xoay tròn lấy nhau. Một bên thô kệch, nhưng ác độc. Một bên tinh diệu đường đường chính chính. Người ngoại cuộc, khó có thể biết ai ăn ai.

Nhìn trận đấu, dù người phái Hoa-sơn, dù người phái Tản-viên đều nhận xét như nhau:

– Cứ nhìn bản lĩnh Đông-Thiên, người ta cũng nhận thấy Tây-vực giáo chủ Hồng-thiết thực xứng danh thống lĩnh giáo chúng thiên hạ. Những chiêu thức ác độc thế kia, hỏi thân xác con người làm sao chịu nổi? Còn Tự-Mai, thực không hổ danh gia đệ tử. Độc chưởng bao phủ xung quanh người, mà nó vẫn vô sự. Hà, trận đấu này tượng trưng cho lối giáo dục của Hồng-thiết với Đông-a, cho võ công Tây-vực với Đại-Việt.

Dù Đông-Thiên xuất kỳ chiêu, quái độc thế nào chăng nữa, Tự-Mai vẫn ung dung trả đòn đường đường chính chính. Từ ngày ra đời, bây giờ nó mới gặp một đối thủ ghê gớm. Nó đã dùng tất cả sở học, nào phát chiêu bằng kinh mạch, nào dùng thần công của công chúa Yên-lãng, cũng chỉ ngang tay với đối phương. Cuối cùng thấy độc chưởng đối phương bao phủ khắp xung quanh hai người, nó dùng tới phương pháp của phụ thân, đẩy chất độc trở về người Đông-Thiên. Nhưng sau mỗi lần hai chưởng gặp nhau, nó thấy phương pháp ấy chỉ đủ để chất độc không nhập người mình, chứ chưa đủ đẩy trở lại Đông-Thiên.

Thiệu-Cực tuy cầm trọng quyền, nhưng kiến thức võ công của chàng không làm bao. Chàng hỏi Đặng Đại-Khê:

– Sư bá, võ công Tự-Mai cao siêu là thế, mà sao không đàn áp được Đông-Thiên?

Đại-Khê giảng giải:

– Cháu nên biết rằng võ công gồm nội công và ngoại công. Phần chiêu thức Đông-a, do tổ sư Trần Tự-Viễn thể theo Thiền-công chế ra, các đời sau theo đó bổ khuyết, sáng tạo thêm. Về nội công hoàn toàn do Thiền-công. Tuy đã biến đổi đi nhiều, nhưng căn bản vẫn không rời nguyên lý chính của nhà Phật. Dùng nội công Đông-a gồc Thiền-công nhà Phật giải trừ Hồng-thiết công, một thứ nội công ma quái, không gì hơn. Nên chi trong đại hội Lộc-hà, Tự-An, Thanh-Mai, Tự-Mai thắng các cao thủ Hồng-thiết giáo dễ dàng.

Ông ngừng lại, vì Tam-Bách đánh một chưởng hùng hậu, Quỳnh-Hoa bay bổng ra xa. Thị quằn quại định ngồi dậy, nhưng không nổi. Thị cố dơ tay phải lên vẫy vẫy, tỏ ý chịu thua.

Đại-Khê tiếp:

– Thế nhưng tại sao Tự-Mai chưa đàn áp được Đông-Thiên? Cháu phải hiểu rằng Tự-Mai tuy xuất thân danh môn, được phụ thân chân truyền. Nhưng tuổi mới mười sáu, mười bẩy, thời gian luyện tập chưa được làm bao. Công lực chưa đủ. Mới đây y hút nội lực hai cao thủ làm nội lực mình. Nhưng phàm khi hút nội lực người, cũng cần phải một tuần trăng qui liễm, hai thứ mới hòa đồng nhau. Trong khi đó Đông-Thiên tuổi hai mươi lăm, hai mươi sáu, khí huyết đang sung thịnh, nội lực phát ra tối đa. Vì vậy hiện chưa biết ai thắng ai.

Lời giải thích của Đặng Đại-Khê lọt vào tai Lê-Văn. Nó được Hồng-Sơn đại phu giảng dạy cực kỳ chu đáo về học thuyết kinh lạc, học thuyết tạng phủ, cùng học thuyết về khí huyết. Nó nghĩ thầm:

– Theo sư bá Đặng Đại-Khê, thì anh Tự-Mai chưa biến nội lực Vương, Giáp làm nội lực mình. Y học nói rằng: Tỳ chủ vận khí. Tỳ còn có tên Trung đơn điền. Vậy nếu ta chuyển chân khí về Trung đơn điền, rồi phát ra ắt có thể tổng hợp các luồng khí trong người.

Nghĩ vậy, nó nhắc Tự-Mai:

– Chuyển tất cả khí về Trung-đơn-điền, đưa xuống Thận, truyền qua huyệt Mệnh-môn, dẫn theo Đốc-mạch, rồi phát chiêu bằng Thủ-tam-dương kinh.

Tự-Mai đang gặp khó khăn, nó thấy nội tức mình đầy ắp, mà khi phát chiêu, chỉ có nội công Đông-a xuất ra mà thôi. Nay nghe Lê Văn nhắc, nó vội làm theo. Khi dẫn khí về trung đơn điền, nó cảm thấy trong người đầy ắp chân khí, thân thể nhẹ nhàng như muốn bay lên cao. Thuận tay nó phát chiêu Phong đáo sơn đầu, chưởng lực ào ào tuôn ra. Binh một tiếng, Đông-Thiên lảo đảo lùi lại.

Không bỏ lỡ cơ hội, Tự-Mai phát chiêu Đại phong tán vân. Bình một tiếng, Đông-Thiên ngã ngồi xuống đất. Y ọe một tiếng, miệng phun ra một búng máu.

Nhị-Bách túm anh em Đông-Thiên để lại với nhau. Y hỏi:

– Trần công tử! Trần cô nương. Xin hai vị dùng Hồng-thiết thần công trị độc chưởng cho sư thái Trí-Thành.

Đông-Thiên lắc đầu:

– Không… không. Tôi không thể trị được!

– Tại sao?

– Vì muốn điều trị phải có đủ công lực. Bây giờ tôi bị trọng thương, sao làm nổi?

Nhị-Bách đã luyện Hồng-thiết công, y biết Đông-Thiên nói thực. Y quay lại nói với Lê Văn:

– Lê công tử. Công tử ra tay tế độ, trị thương cho anh em gã họ Trần này, để chúng có thể cứu sư thái Trí-Thành.

Lê Văn lắc đầu:

– Hai người bị nội thương trầm trọng. Quỳnh-Hoa bị trúng Phục-ngưu thần chưởng, mà nội lực lại của Hồng-thiết giáo. Đông-Thiên bị trúng chưởng Đông-a, nội lực Tiêu-sơn pha với Hoa-sơn. Thành ra chính tà hỗn hợp công phá. Tôi e phải hơn hai tháng mới khỏi.

Thuận-Tường kêu lên:

– Hai tháng ư? Chỉ trong bốn mươi chín ngày, sư thúc Trí-Thành đã viên tịch rồi còn gì nữa? Trần công tử, có cách nào khác không?

Tự-Mai chạy lại khám trong người Đông-Thiên. Nó lấy ra được một bình bằng bạc, trong bình có mấy chục viên thuốc. Nó đơ lên trước mặt Đông-Thiên:

– Có phải thuốc giải không?

– Phải!

Tự-Mai trao cho Thuận-Tường một viên:

– Cô nương! Cô nương tạm dùng viên thuốc này, khiến sư thúc vô sự một năm. Trong thời gian đó, chắc sư đệ của tôi trị cho anh em Đông-Thiên, bắt chúng dùng Hồng-thiết công giải trừ vĩnh viễn độc cho cho sư thúc cô nương.

Thuận-Tường cảm ơn Tự-Mai. Nàng đến trước Trí-Thành:

– Sư thúc! Thuốc giải đây, xin sư thúc nuốt ngay cho.

Trí-Thành bỏ viên thuốc vào miệng nuốt ngay. Mụ vận nội lực cho thuốc mau tan. Lát sau, bao nhiêu đau đớn biến mất.

Bắc-Sơn lão nhân nói với Thiệu-Cực:

– Xin thế-tử hỏi cung anh em Đông-Thiên, để biết sự thực.

Thiệu-Cực phe phẩy quạt hỏi Đông-Thiên:

– Trần công tử. Xin công tử khai cho. Bằng không bản nhân phải áp dụng hình pháp.

Biết không đừng được, Đông-Thiên từ từ thuật lại.

Nguyên anh em Đông-Thiên từ Tây-vực trở về bị lọt lưới Khu-mật viện Bắc-biên, bị giam. Sau đại hội Lộc-hà. Thuận-Thiên hoàng-đế ban chỉ đại xá thiên hạ. Anh em y được thả ra. Hai người lần mò về Thăng-long, gặp một số giáo chúng Hồng-thiết du thủ, du thực, vẫn còn thích nếp sống vô luân theo phò, tôn làm giáo chủ. Anh em Đông-Thiên âm thầm xử dụng Hồng-thiềt ngũ độc chưởng khống chế rất nhiều người, bắt theo. Trong đám đó, có mấy người dưới quyền Lê Đức phụ trách về kho tàng Tần-Hán, cùng Âu-lạc.

Anh em Đông-Thiên tự biết mình không đủ lực chiếm Tản-lĩnh, đào kho tàng. Hai người trở qua Tây-vực cùng với đám bầy tôi. Đám này tâu trình lên Bách-Lạp tình hình Đại-Việt.

Tình hình võ lâm cũng như Đại-Việt, Bách-Lạp không chú ý cho lắm. Lão chỉ chú ý đến kho tàng Tần-Hán cùng Âu-lạc. Y giao cho hội đồng giáo vụ trung ương nghiên cứu. Hội đồng cử ra năm trong mười trưởng lão Hồng-thiết giáo Tây-dương sang Đại-Việt.

Hồng-thiết giáo đặt cơ sở trên dối trá, lường gạt, xảo quyệt. Một giáo chúng thoát biết bao màng lưới lên tới trưởng lão, ắt hản bản lĩnh xảo trá phải tuyệt luân. Năm trưởng lão có bản lĩnh xảo trá nhất thế gian họp bàn với anh em Đông-Thiên, cùng đám giáo chúng Đại-Việt. Chỉ thoáng qua, chúng đã nắm được tình hình.

Chúng thiết kế như sau: Năm trưởng lão cùng anh em Đông-Thiên, không đủ khả năng đánh chiếm Tản-lĩnh đào kho tàng. Chúng nghĩ rằng, phải xui cho một võ phái lớn nào đó đại chiến với phái Tản-viên. Giữa lúc hai bên đánh nhau một bị diệt, một ngất ngư. Bấy giờ chúng mới xuất hiện, diệt cả hai, đào kho tàng đem đi. Thế nhưng các võ phái lớn Đại-Việt một lòng với nhau, làm sao có thể gây cho họ chém giết đồng bào?

Chúng nghĩ đến các phái võ bên Tống. Đại-Tống có bẩy đại môn phái: Thiếu-lâm, Võ-đang, Hoa-sơn, Nga-mi, Không-động, Côn-luân, Liêu-Đông. Thiếu-lâm, Võ-đang được cầm đầu bởi các nhà tu đạo đức, khó có thể khích họ đại chiến với phái Tản-viên. Phái phái Hoa-sơn, có nhiều cao thủ nhất. Phái này đang đắc dụng ở triều đình. Chúng liền đi Hoa-sơn nghiên cứu tình hình.

Giữa lúc đó, triều đình nhà Tống ban chiếu chỉ cắt hết giải núi Hoa-sơn phong cho phái này, hầu lao tưởng việc đệ tử Đông-Sơn lão nhân như Dư Tĩnh, Địch Thanh, hiện đang giữ trọng trách biên cương đại thần.

Đám Hồng-thiết giáo Tây-vực bắt sống sứ giả, mở chiếu chỉ coi. Chúng mới nhân đó, dùng Hồng-thiết ngũ độc chưởng đánh sứ giả. Sứ giả đau đớn chết đi sống lại, đành tuân theo mệnh lệnh chúng.

Chúng phỏng theo chiếu chỉ thực, giữ nguyên nội dung, thêm vào đoạn ban cho núi Tản-viên, bắt phải lên đường tiếp nhận. Khi phái Hoa-sơn kéo đại lực lượng khởi hành Nam du. Chúng sợ khi phái này tới Bắc-biên, sẽ bị ngăn lại. Chúng giả thư Bắc-Sơn lão nhân viết cho chưởng môn phái Tây-vu, Tản-viên rằng phái Hoa-sơn xin đến thăm võ lâm đồng đạo. Đương nhiên chưởng môn phái Tây-vu Thân Thiệu-Anh chuẩn bị tiếp đón, do vậy đâu cần thẻ bài nhập cảnh? Thế là phái Hoa-sơn lọt vào trong Đại-Việt dễ dàng.

Về phía phái Tản-viên, Đào Nhị-Bách nhận được thư của phái Hoa-sơn, cũng tưởng thực. Y lập tức triệu tập đệ tử tiếp đón.

Bọn trưởng lão Tây-vực Hồng-thiết tính sao giữa lúc phái đoàn Hoa-sơn sắp đến Tản-lĩnh, bấy giờ đánh thuốc độc khiến toàn thể đệ tử này chân tay vô lực. Vì vậy khi phái đoàn Hoa-sơn lên núi, lập tức bị đệ tử Tản-viên nghĩ rằng nhóm này là thủ phạm hạ độc.

Mặt khác, chúng biết Hoa-sơn tam lão võ công vô cùng cao thâm. Đặng Đại-Khê, một trong Đại-Việt ngũ long, đang trên đường về tổng đàn.

Chúng biết muôn ngàn lần, các trưởng lão của chúng không địch lại ông. Chúng mới nghĩ ra cách dùng ông diệt bọn Hoa-sơn dùm. Chúng bôi một loại thuốc độc vào tượng thánh Tản-viên, rồi đẩy lệch đi. Khi ông trở về, ắt xoay tượng lại. Chúng lại cho thuốc độc vào thức ăn, để nhóm Hoa-sơn bị trúng độc mà không sao.

Đến khi nhóm Hoa-sơn đấu võ với Đặng Đại-Khê, thuốc trên tay ông, nhập vào người họ. Hai độc hợp nhau, làm công lực họ giảm lần. Người ngoài tưởng Đại-Khê hạ hết cao thủ Hoa-sơn, rồi bị Hoa-sơn giết chết. Bấy giờ chúng xuất hiện, đào kho tàng mang đi, mặc cho võ lâm Đại-Việt với phái Hoa-sơn chém giết nhau.

Nào ngờ, giữa lúc đó, Thiệu-Cực cùng bọn Tôn Đản, Tự-Mai xuất hiện, âm mưu của chúng hoàn toàn bại lộ.

Thiệu-Cực truyền trói anh em Đông-Thiên đem về Khu-mật viện Bắc-biên thẩm vấn thêm. Thình lình có tiếng ám khí rít lên vo vo, hai con dao nhỏ phóng tới, cắt đứt dây trói cho anh em Đông-Thiên. Rồi có tiếng nói lớn:

– Khoan! Để anh em họ Trần đấy.

Tiếng nói ấm ớ rất khó nghe. Năm người từ bốn phía từ đường tiến vào. Bốn nam, một nữ. Họ trang phục rất kỳ lạ. Tóc hung hung đỏ, mũi cao, người đầy lông lá. Trong bốn nam, một người bụng phệ. Một người râu quai nón. Một người tóc bạc như cước. Một người cao nghệu.

Anh em Đông-Thiên vọt người tới sau gã bụng phệ, như để tìm lấy sự che chở.

Thuận-Tường thấy năm người bật lên tiếng la:

– Qủi! Qủi! Ối qủi.

Dường như năm người không hiểu tiếng Hoa. Họ ngơ ngác hỏi bằng tiếng Việt:

– Cái gì? Con bé kia muốn nói cái gì?

Nhị-Bách tiến ra chắp tay hành lễ:

– Quý khách từ đâu đến? Xin cho biết cao danh quý tính.

Gã bụng phệ không đáp lễ, ưỡn ngực ra trả lời:

– Quý khách từ Tây-vực đến.

Y chỉ vào ngực:

– Cao danh? Cao danh ta ư?

Tự-Mai thấy chúng có thái độ ngạo mạn, vô lễ, tính trẻ con nổi dậy, nó nói:

– Không phải cao danh, mà cẩu danh. Không phải quý tính mà là cóc tính.

Mọi người cười ồ.

– Cẩu danh, cóc tính của ta ư? Ta tên Cút-Độp.

Tự-Mai hỏi lại:

– Không phải cút, mà quít. Không phải độp, mà đớp. À vậy tên người là Chó quít đợp trộm.

Cút-Độp tưởng thực nhắc lại:

– Cao danh quý tính ta là chó quít đợp trộm.

Mọi người cười ồ.

Cút-Độp hướng vào Đông-Thiên:

– Đông-Thiên, mi nói cho bọn chúng biết cao danh quý tính của bọn ta đi.

Theo lễ giáo tộc Hoa-Việt, khi hỏi tên người, bao giờ cũng tôn lên: Cao danh, quý tính. Còn xưng mình bằng tiếng khiêm tốn: Tệ, tiểu, thiểm. Đây năm người theo thói dã man của Tây-vực, thấy Nhị-Bách hỏi cao danh, quý tính, lại tưởng rằng đối phương sợ mình, tự xưng mình là quý khách.

Đông-Thiên chỉ vào năm người, giới thiệu:

– Các người hãy lắng nghe cao danh quý tính của năm vị sư thúc ta. Năm vị hiện làm Ngũ-sứ của Hồng-thiết giáo Tây-vực.

Mọi người bật lên tiếng ồ kinh ngạc.

Tôn Đản nghĩ thầm:

– Quả thực bọn Tây-vực, hèn chi râu tóc ba phần giống người, bẩy phần giống quỷ.

Đông-Thiên giới thiệu tiếp:

– Sư thúc Cút-Độp lĩnh trung ương sứ giả. Vị tóc bạch kim kia cao danh quý tính Bẹc-Nác, lĩnh Đông-phương sứ giả.

Bẹc-Nác tiến ra vỗ ngực đồm độp.

– Vị râu quai nón cao danh quý tính Đi-Mi-Trí, lĩnh Tây-phương sứ giả.

Đi-Mi-Trí tiến ra vỗ ngực, tay vuốt râu.

– Vị cao nghệu kia, cao danh quý tính Mô-Lỗ, lĩnh Nam-phương sứ giả.

– Cuối cùng Bắc-phương nữ sứ, cao danh quý tính Du-La.

Năm người không đợi mời, tự động ngồi xuống năm cái ghế.

Du-La hỏi:

– Thằng nào lớn nhất ở đây?

Tự-Mai chỉ vào Cút-Độp:

– Thằng này chứ ai? Bụng nó to như cái trống, thân thể giống con đười ươi.

Du-La nói một tràng tiếng Tây-vực. Đông-Thiên dịch:

– Sư thúc ta muốn hỏi, trong các người tại đây, đứa nào có địa vị cao nhất. Người muốn nói truyện với y.

Lê Văn bước ra, nó chỉ vào Thiệu-Cực:

– Ở đây có ba loại người khác nhau. Bàn về uy quyền, luật pháp, quan chức, vị đại ca này hiện quản lĩnh Khu-mật-viện Bắc-biên, thay mặt vua Bà, được coi như lớn nhất.

Nó chỉ vào Đặng Đại-Khê:

– Về địa vị võ lâm Đại-Việt, Đặng sư bá có địa vị cao nhất trong anh em tại hạ.

Nó chỉ vào Bắc-Sơn lão nhân:

– Bàn về địa vị võ lâm Trung-quốc, lão nhân đây có địa vị cao hơn cả.

Chợt nó nghĩ tới người của phái Hoa-sơn đối với Thuận-Tường cực kỳ cung kính, nó chỉ nàng nói:

– Tuy vậy địa vị cô nương đây còn lớn hơn Bắc-Sơn lão nhân nhiều.

Nó tưởng nói vậy, Thuận-Tường sẽ phản đối. Không ngờ nàng lại mỉm cười gật đầu.

Cứ mỗi câu, Đông-Thiên lại dịch sang tiếng Tây-vực.

Cút-Độp chỉ anh em Đông-Thiên:

– Hai người này theo học với sư huynh giáo chủ của ta. Sư huynh giáo chủ ban sắc chỉ cho chúng trở về lãnh đạo giáo chúng Hồng-thiết giáo Đại-Việt. Đúng ra các người phải tôn kính. Hà cớ gì lại bắt trói? Vì vậy năm chúng ta phải xuất hiện hỏi cho ra lẽ.

Nhị-Bách tiến ra. Y chắp tay xá bọn Ngũ-sứ một cái:

– Thì ra các vị lĩnh chức Ngũ-sứ của Tây-dương giáo chủ Hồng-thiết. Các vị giá lâm Tản-lĩnh, mà tại hạ không biết trước để tiếp đón, thực có lỗi.

Đây là lối nói nhún, lối chửi xéo của người Đông-phương, ngụ ý: Đất có chủ, bọn bay âm thầm đột nhập như vậy thực vô phép. Nhưng bọn Ngũ-sứ không hiểu. Chúng cho rằng Nhị-Bách sợ chúng.

Mô-Lỗ nghiêng ngiêng cái đầu:

– Các người đã biết, ta cũng tha cho. Bây giờ các người phải làm lễ ra mắt chúng ta đi chứ?

Nhị-Bách cười nhạt:

– Tây-vực là Tây-vực. Đại-Việt là Đại-Việt. Hai nước đều có uy quyền khác nhau. Các vị lĩnh Ngũ-sứ của quý quốc, thì chỉ có thể tuyên chỉ dụ của quý giáo chủ tại Tây-vực. Chứ Đại-Việt tôi không thế nghe lời Ngũ-sứ.

Y chỉ vào anh em Đông-Thiên:

– Luật lệ Hồng-thiết giáo Đại-Việt về việc tôn giáo chủ như sau: Muốn được tôn làm giáo chủ, phải dùng võ công bản giáo thắng được giáo chủ đương nhiệm. Hoặc, khi giáo chủ về già, sẽ họp hội đồng trưởng lão, cử lấy ba người có võ công cao. Rồi đại hội đồng quản một trăm đạo lại, bầu lấy một người trong ba vị đó làm giáo chủ. Hai vị còn lại đương nhiên thành tả, hữu sứ.

Y ngừng lại cho Đông-Thiên dịch, rồi tiếp:

– Hai vị này mới trở về Đại-Việt, Hồng-thiết giáo chưa ai biết tới, không thể làm giáo chủ được. Giáo chủ Tây-vực không thể và không có quyền chỉ định ngôi giáo chủ Đại-Việt. Mà ví dù người có quyền chăng nữa cũng vô ích. Vì Hồng-thiết giáo Đại-Việt đã bỏ Hồng-thiết kinh, trở về với chủ đạo tộc Việt, lấy tinh thần khai quốc của vua Phục-Hy, Thần-Nông, tám mươi tám đời vua Hùng, vua An-Dương, vua Trưng… làm căn bản.

Cút-Độp hỏi:

– Nhật-Hồ lão nhân đâu? Lê Ba đâu?

– Nhật-Hồ lão nhân được ánh sáng Bát-nhã soi vào tâm tư, bao nhiêu ma tính, quỷ tính biến sạch, người đa thế phát quy y theo Phật rồi. Còn trưởng lão Lê Ba, chết từ lâu.

Du-La nhăn mặt hỏi:

– Vô lý. Trước đây Nhật-Hồ đã tuyên thệ nhập Hồng-thiết giáo Tây-vực. Y từng nói: Sau khi về Đại-Việt, dựng thành một nước Hồng-thiết, sẽ đem hết tượng Thích-ca, Quam-âm bổ thành củi. Thế mà nay y theo Phật ư?

Đi Mi Trí hỏi:

– Thằng Phục-Hy, Thần-Nông là những thằng nào?

Nhị-Bách chưa kịp trả lời. Tây-Sơn lão nhân quát lên:

– Tên rợ Tây-vực kia. Mi không được vô lễ với hai vị tổ Phục-Hy, Thần-Nông, bằng không chúng ta sẽ băm vằm bọn mi thành chả liền.

Đi Mi Trí nghe dịch lại, y quát lớn:

– Trên thế gian chỉ có thánh Mã-Mặc, Lệ-Anh mà thôi. Ai không theo Hồng-thiết giáo đều bị coi như ma quỷ. Chúng ta sẽ giết hết. Thằng Phục-Hy, Thần-Nông đều thuộc loại gian tà, không ai được theo chúng.

Chu Chiếu-Anh hô lớn:

– Đệ tử Hoa-sơn chuẩn bị giết bọn ma tà, bảo vệ uy danh quốc tổ Phục-Hy, Thần-Nông.

Tuy Chiếu-Anh hô đệ tử Hoa-sơn, mà đám đệ tử Tản-viên cũng rút vũ khí ra loảng xoảng.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.