Anh Hùng Bắc Cương

Chương 23: Chia hai thiên hạ



Chia hai thiên hạ. — –

Thanh-Mai thấy Phạm Trọng-Yêm ngồi bên Triệu Thành. Nàng nhìn y, tủm tỉm cười. Phạm Trọng-Yêm hỏi:

– Vương-phi! Chẳng hay Vương-phi có điều chi muốn dạy bảo?

Thanh-Mai lắc đầu:

– Hy-Văn tiên sinh hiện quản Khu-mật viện, là túi khôn của Trung-quốc. Tôi làm sao mà dạy tiên sinh? Có điều hôm nay, kỷ niệm ngày thông cảm giữa Bình-Nam vương-gia với Khai-Quốc vương. Tôi muốn tặng tiên sinh món quà.

Nàng xuất trong bọc cái túi gấm để trước mặt, rồi từ từ mở miệng túi. Nàng móc ra tập sách nhỏ. Trên bìa có mấy chữ, nét rất hoa mỹ Hy-văn thi tập. Hy-Văn là tên tự của Phạm Trọng-Yêm. Lạ thay y nhìn thấy tập sách, mặt y tái mét. Triệu Thành, Minh-Thiên, Dư Tĩnh ngơ ngác nhìn Phạm Trọng-Yêm, tự hỏi:

– Phạm Trọng-Yêm vốn sính thơ. Đi đâu y cũng mang theo tập sách nhỏ. Khi có hứng, làm thơ, rồi chép vào. Không hiểu sao tập thơ này lại nằm trong tay Thanh-Mai?

Phạm Trọng-Yêm kinh sợ cũng phải. Bởi năm trước đây, khi được Vệ-vương Đinh Toàn trao cho Triệu Thành chiếc áo của vua Đinh chép bí mật hầm đá, cất dấu thư tịch thời Lĩnh-Nam. Y thiết kế cho Triệu Thành rằng dù đền thờ Tương-liệt đại vương không hề có kinh thư, nhưng ta cứ bầy ra việc Tung-sơn tam kiệt trộm sách. Sau đó chính y giả làm gian nhân cướp kinh thư đó đi. Như vậy võ lâm thiên hạ không còn rình rập ở vùng Thanh-hoá nữa. Trong lúc y cướp sách giả từ tay Trung-sơn tam kiệt, rồi trở về chỗ trú ngụ. Y thấy trên hành lý có chữ Trần-Kiệt phái Đông-a bái kiến. Y kinh sợ tự chửi thầm:

– Thế là bao nhiêu mưu kế bị phái Đông-a khám phá ra hết rồi.

Y tìm Triệu Thành, thuật cho chủ biết, rồi thiết kế mới: Bầy ra vụ Đàm An-Hoà khám đền thờ Tương-liệt đại vương. Tôn Trung-Luận trao di thư giả cho Triệu Thành. Chính y phá nóc đền cướp lại, rồi vờ bắt sống Triệu Thành. Đến chỗ vắng, y bỏ Triệu Thành xuống giữa đồng, rồi trở về chỗ ẩn thân. Khi đi đường, y bị một nông phu chạm vào người. Đêm hôm đó, khám phá ra thi tập bị mất cắp. Y cứ tưởng bị lạc mất. Nào ngờ lại nằm trong tay Thanh-Mai.

Thanh-Mai cười rất tươi:

– Hy-Văn tiên sinh! Phụ thân tôi tuy làm chưởng môn thực. Mà người lại không phải sư phụ của tôi. Sư phụ của tôi chính là ngũ sư thúc Trần Kiệt. Hôm vu qui, ngũ sư thúc tặng cho tôi tập thơ, dạy rằng sau này sang Trung-nguyên gặp Phạm sứ, trao trả Phạm sứ, chắc Phạm sứ thích lắm.

Phạm Trọng-Yêm cảm thấy rùng mình, tự nghĩ:

– Bấy lâu nay mình bị Khu-mật viện Đại-Việt, rồi phái Đông-a theo dõi, biết hết hành tung, mà nào có hay. Mình với Vương-gia còn sống về đến đây cũng may lắm rồi.

Y đứng dậy tiếp thi tập:

– Đa tạ Vương-phi ban thưởng.

Khai-Quốc vương trịnh trọng nói:

– Bình-Nam vương-gia! Chúng ta tuy tuổi tác có khác nhau, nguồn gốc cơ thể, tiếng nói bất đồng. Nhưng hiện chúng ta đều có trách nhiệm sao cho hai tộc Hán, Việt được hạnh phúc.

Triệu Thành thấy Khai-Quốc vương nói thẳng ngay vào vấn đề. Y tự nhủ:

– Bên kia lấy lòng thành đối đãi với ta. Ta chẳng nên xảo trá.

Nghĩ vậy y nói:

– Chúng ta có mấy vấn đề cần phải giải quyết. Một là tình giao hảo giữa Tống, Việt. Hai là kho tàng Tần-Hán.

Khai-Quốc vương lắc đầu:

– Theo thiển ý, chúng ta có tới ba vấn đề. Hai vấn đề Vương gia vừa nói, chỉ là phụ. Vấn thế chính mới quan trọng.

– Xin vương gia cho biết vấn đề chính là gì?

– Đó là vấn đề chính danh.

– Chính danh?

– Phải! Học trò hỏi Khổng-tử rằng: Nếu thầy được vua trao quyền cho, thấy làm gì trước? Khổng-tử đáp: Phải chính danh. Tôi dám hỏi Vương-gia. Hiện Vương-gia cầm đại quyền, nhưng trong triều gian đảng của Lưu hậu rất nhiều. Chính bọn Đặng Đại-Bằng chẳng mưu ám toán Vương-gia do chỉ dụ của Lưu hậu đó ư? Nay, sau chuyến Nam du, uy tín Vương-gia trùm hoàn vũ. Võ lâm, anh hùng, sĩ dân đều hướng về vương gia. Vì vậy Lưu hậu mưu hại Vương-gia, lẽ đương nhiên.

Triệu Thành gật đầu:

– Vấn đề chính danh phải ra sao?

– Khắp thần dân Tống, ai cũng biết Vương-gia được phụ-hoàng cực kỳ sủng ái. Song đương thời sau khi Sở-Vương rồi Chiêu-Thành thái tử bị hại, Vương-gia không muốn lên làm vua. Thế nhưng Vương-gia lại nhất tâm nhất trí phò trợ cho Thiên-Thánh hoàng-đế. Thế nhưng… Lưu hậu muốn hại Vương-gia, sai Vương-gia đi sứ. Ý bà muốn mượn võ lâm Đại-Việt giết vương gia. Thế nhưng…

Vương chỉ vào Minh-Thiên, Phạm Trọng-Yêm:

– Một là nhờ thiên mệnh, hai là nhờ anh linh các bậc Tiên-hoàng, ba là nhờ các vị đây phò tá, Vương-gia không những thoát cạm bẫy của Lưu hậu, mà còn kết thân được với võ lâm Đại-Việt. Với uy tín của Vương-gia, nay mai trở về triều sẽ có hai vấn đề xẩy ra.

– ??

– Nếu Lưu hậu không ngoan, bà sẽ để Vương-gia cầm quyền như cũ. Tống kết thân với tộc Việt. Mặt Nam yên. Tống quay mặt lên Bắc đối phó với Tây-hạ, Thổ-phồn, Khiết-đan. Trong nước trải qua thời thái bình thịnh trị. Vương-gia trở thành Y Doãn, Chu-công, Trương Lương, Khổng-Minh. Nhưng e khó thành, vì bà muốn cướp ngôi Tống lập ra Thiên-hạ Hồng-thiết giáo.

Phạm Trọng-Yêm gật đầu tỏ ý khâm phục lý luận của Khai-Quốc vương. Y nhận thấy vị Vương Đại-Việt này kiến thức, suy nghĩ giống hệt như y. Y đâu biết rằng khi từ chiến hạm vào bờ, y hiến kế cho Triệu Thành bị Mỹ-Linh, Thiệu-Thái nghe hết. Hai người đã sai chim ưng truyền tin về cho Khai-Quốc vương.

Khai-Quốc vương biết Yêm mới thực sự là người hiến kế cho Triệu Thành. Vương thấy lý luận của Yêm tỏ ra người quân tử, lại rất hợp với tình thế Đại-Việt. Vì vậy nay vương dựa theo đó bàn với Thành. Ắt Thành nghe theo.

Quả nhiên nghe vương bàn, Triệu Thành đưa mắt nhìn Phạm Trọng-Yêm, rồi hỏi:

– Xin vương tiếp cho.

– Nếu Lưu hậu ngu đần, bà sẽ tìm cách chèn ép Vương. Hiện binh quyền trong tay, lại được nhân sĩ, võ lâm qui phục. Vương chẳng cần chống đối bà làm gì, cứ khuất thân cầu hiền, trọng đãi võ lâm, phủ dụ sĩ tốt. Bên ngoài chúng tôi lại chỉ biết có Vương-gia. Bấy giờ Lưu hậu có định gây khó dễ, Vương-gia chẳng muốn, người ta cũng tru diệt bà.

Khai-Quốc vương nhìn thẳng vào mặt Triệu Thành:

– Có điều vương gia chẳng muốn làm vua. Trong khi Lưu hậu muốn hại vương. Lưu hậu có điều cơ mật cực kỳ. Nếu Vương-gia muốn, chúng ta cùng đem bí mật ấy ra công bố cho sĩ dân thiên hạ, ắt Lưu hậu phải rút về hậu cung.

Triệu Thành nhìn Minh-Thiên:

– Tôi không muốn dùng binh biến, mà chỉ muốn tỉa bọn võ quan như Tào Lợi-Dụng, Đào Tường-Phúc, Chu Bội-Sơn, Sử-vạn Na-vượng, Khiếu Tam Bản cùng mười trưởng lão bang Nhật-hồ mà thôi. Tuy nhiên… nếu như vương gia giúp, thì Tống-Việt có thể trải qua thời gian dài thanh bình.

Thanh-Mai mỉm cười:

– Chúng ta đã có loại thần công trị Nhật-Hồ lão nhân được thì cũng trị bọn chân tay Lưu hậu được.

Triệu Thành thở phào một tiếng:

– Theo vương phi, ta nên trị bọn nào trước?

– Ta cần trị từ dưới trị lên. Mười trưởng lão trực tiếp chỉ huy mười đội thị vệ. Ta trừ bọn chúng trước, cử người vào thay thế. Sau đó trị Sử-vạn, Khiếu. Cuối cùng tới Đào, Chu.

Triệu Thành, Phạm Trọng-Yêm đều gật đầu công nhận là đúng. Phạm Trọng-Yêm tiếp lời:

– Vấn đề chính danh đã xong. Bây giờ chúng ta vì trăm họ Tống, Việt, thiết kế sao cho thái bình.

Bảo-Hoà cười:

– Vấn đề thứ nhất xong, đương nhiên vấn đề thứ hai đâu cần bàn tới. Hy-Văn tiên sinh bất tất phải đề ra nữa.

Phạm Trọng-Yêm gật đầu:

– Quả như lời quận chúa dạy.

Dư Tĩnh ngơ ngác:

– Tại sao vậy?

Bảo-Hòa mỉm cười:

– Khi danh đã chính, đại quyền ở trong tay Bình-Nam vương-gia. Chỉ cần Bình-Nam vương-gia ban bố chính sách rằng Hán, Việt cùng là anh em. Các nước của Việt tộc như Đại-lý, Chiêm-thành, Chân-lạp, Xiêm-la, Lão-qua đều thuộc Đại-Việt. Tuyệt đối cấm tướng sĩ, biên cương đại thần gây hấn với Đại-Việt. Phương Nam đương nhiên có thái bình.

Phạm Trọng-Yêm đưa mắt cho Triệu Thành, rồi hỏi:

– Coi như hai vấn đề đầu đã xong. Còn vấn đề kho tàng Tần-Hán.

Khai-Quốc vương nheo mắt cười:

– Phạm sứ khéo đùa thì thôi. Kho tàng Tần-Hán, vốn gốc từ Trung-quốc, nay lại cất dấu ở cố địa tộc Việt, nhưng thuộc lãnh thổ Trung-quốc, đương nhiên của Đại-Tống, lẫn Đại-Việt. Cô gia sang đây quả có ý tìm thực. Song tìm như theo bóng tìm chim, theo tăm tìm cá. E kho tàng không có thực.

Triệu Thành tỏ ra tự tin:

– Vậy bây giờ như thế này: Trước kia Đại-Tống sang Đại-Việt tìm bản đồ. Đại-Việt đại xá cho. Ngược lại Đại-Việt sang đây tìm, Đại-Tống cũng không buồn. Ví dù như Việt tìm ra rồi, coi như Tống chậm bước. Kể từ giờ phút này, Việt nên giúp Tống tìm. Sau ngày mười tám, nếu tìm không ra, Tống bỏ cuộc. Bấy giờ mặc ý Việt làm gì thì làm.

Khai-Quốc vương nắm tay Triệu Thành:

– Bên Việt xin đặt các cao thủ dưới quyền Bình-Nam vương từ giờ khắc này cho đến hết ngày mười tám.

Vương cười nói ỡm ờ:

– Lỡ ra kho tàng bị người nào đó mang đi mất rồi, các vị tính sao?

– Thà vậy còn hơn cứ đêm tưởng, ngày mơ, bỏ thương, vương tội.

Triệu Thành, Phạm Trọng-Yêm nghe Khai-Quốc vương nói, mà y tưởng như tai ù đi. Vì không bao giờ họ nghĩ tới Khai-Quốc vương có thể nhường cho họ dễ dàng như vậy.

Dư Tĩnh cẩn thận hơn:

– Vương gia hứa chắc như vậy?

– Cô gia xin hứa.

Dư Tĩnh hướng vào Mỹ-Linh lắc đầu:

– Công chúa! Mấy hôm nay chúng tôi thấy giáo chủ Lạc-long giáo cùng lực lượng võ lâm Đại-Việt tụ về đây khá đông đảo. Họ không tìm kho tàng thì làm gì vậy?

Mỹ-Linh cau mày:

– Dư an-phủ sứ có quên không? Tôi được lệnh cô mẫu tức vua Bà Bắc-biên sai đi cùng anh Thiệu-Thái đón chân mệnh Thiên-tử. Nào ngờ chân mệnh chính thị Vương-gia. Vương gia truyền chúng tôi theo hầu. Khi ở dưới thuyền, Vương-gia được Hy-Văn tiên sinh đón đi. Anh em chúng tôi tưởng Vương-gia bị bắt cóc, vội xuống mủng, nghìn dặm tìm chúa. Rồi ban nãy, chúng tôi núp ở bụi cỏ, cứu giá kịp thời. Chứ chúng tôi đâu có chủ tâm tranh kho tàng?

Triệu Thành nghe Mỹ-Linh nói, mặt y hiện lên vẻ hân hoan không bút nào tả xiết. Y điểm lại việc Mỹ-Linh, Thiệu-Thái cứu giá, rồi khuất phục bang Nhật-hồ cho y. Lòng y tràn đầy thiện cảm với nàng.

Mỹ-Linh tiếp:

– Khi chúng tôi đến đây, anh Thiệu-Thái truyền lệnh cho giáo chúng Lạc-long giáo từ nay nhất nhất chỉ tuân chỉ Vương-gia. Khi giáo chúng thấy Giáo-chủ tới, họ tụ về xin trị Chu-sa độc tố. Chứ anh Thiệu-Thái đâu có truyền lệnh cho họ tranh kho tàng?

Khai-Quốc vương dơ tay ra hiệu cho Dư Tĩnh, Mỹ-Linh im lặng:

– Dư an phủ sứ! Theo tôi nghĩ, kho tàng Tần-Hán chắc không có. Cô gia ngờ rằng người xưa truyền ngôn với ngụ ý gì đó, mà chúng ta chưa hiểu. Bây giờ thế này…

Vương ngừng lại một lúc rồi cầm tay Bình-Nam vương:

– Giữa chúng ta, trước kia có chỗ hiểu lầm. Bên Đại-Việt chúng tôi đi bước trước: Giải Chu-sa độc chưởng cho Vương-gia cùng quý vị. Lại vừa rồi, chúng tôi ra tay cứu Vương-gia cùng quý vị khỏi bị bọn Nhật-hồ thảm sát. Cuối cùng thu phục bang Nhật-hồ từ Lưu hậu về với Vương-gia. Như vậy, chúng tôi tỏ thiện chí nhiều rồi.

Phạm Trọng-Yêm đứng dậy chắp tay xá Khai-Quốc vương:

– Anh em bên chúng tôi không bao giờ quên ân đức Vương-gia, cùng các vị. Tuy nhiên, Vương-gia cứu chúng tôi là cá nhân. Chúng tôi không thể vì cá nhân, mà bỏ đại cuộc.

Thanh-Mai gật đầu:

– Hy-Văn tiên sinh thực xứng đáng nhân tài lỗi lạc Đại-Tống. Tiên sinh khỏi cần rào trước, đón sau. Chúng tôi xin đề nghị thế này: Dù Vương-gia lên ngôi cửu ngũ, dù Vương-gia giữ trọng quyền, xin Vương-gia dùng uy tín mình, đừng để triều đình, biên cương trọng thần gây hấn với Đại-Việt. Sao cho Hoa, Việt sống những ngày thanh bình.

Minh-Thiên chắp tay:

– A-Di Đà-Phật.

Khai-Quốc vương tiếp lời Thanh-Mai:

– Ngược lại về phía Đại-Việt chúng tôi cũng làm tương tự.

Bình-Nam vương nhìn Phạm Trọng-Yêm, Minh-Thiên, rồi gật đầu:

– Tôi xin hứa như vậy.

Bảo-Hoà nhìn lên trời, nói bâng quơ:

– Hai anh tài, cùng vì quốc sự. Gốc cơ thể cùng từ vua Thần-Nông. Không biết ai là anh, ai là em?

Dư Tĩnh sợ bên Đại-Việt chiếm tiên cơ, y nói:

– Dĩ nhiên Bình-Nam vương-gia là anh.

Y tưởng bên Đại-Việt sẽ lên tiếng chống đối. Nào ngờ Khai-Quốc vương vỗ vai y:

– An phủ sứ nói vậy thực phải. Bình-Nam vương-gia là anh. Cô-gia là em.

Phía bên Tống nghe Khai-Quốc vương nói đều kinh ngạc, mở to mắt nhìn vương.

Từ Triệu Thành cho tới Dư Tĩnh, Vương Duy-Chính cho đều không hiểu cũng phải. Bởi Khai-Quốc vương là học trò của cao tăng đắc đạo. Tuy Vương chưa thụ giới, chứ sự thực Phật pháp rất uyên thâm. Cho nên đối với vương, anh hay em cũng vậy, chẳng có gì khác lạ cả. Điều quan trọng là lấy nghĩa đãi nhau.

Thanh-Mai hỏi Vương Duy-Chính:

– Vương chuyển-vận sứ! Vương có biết tại sao Bình-Nam vương gia là anh, còn phu quân tôi lại là em không?

– Tại vì Tống lớn. Việt nhỏ.

– Vương đại nhân lầm rồi. Vương đại nhân nên nhớ rằng, vua Thần-Nông sinh ra hai con. Ngài phong cho con lớn là vua Đế-Nghi làm vua phương Bắc, nay thành Trung-nguyên. Ngài phong cho con nhỏ là Lộc-Tục làm vua phương Nam, nay thành Đại-Việt. Vì vậy nay Bình-Nam vương làm chúa phương Bắc đương nhiên ở vai anh. Khai-Quốc vương làm chúa phương Nam, đương nhiên làm em. Lý do thứ nhì, xét về tuổi tác, Bình-Nam vương lớn hơn Khai-Quốc vương đến mười hai tuổi, xứng đáng làm anh cả, chứ đừng nói là anh.

Đông-Sơn lão nhân đứng dậy chắp tay hướng hai vương:

– Bần đạo lớn mật, dám xin đề nghị một điều.

Từ khi mới gặp, Khai-Quốc vương thấy Đông-Sơn lão nhân, Minh-Thiên tuy bị võ lâm Đại-Việt đánh bại, mà cả hai luôn bàn nhiều điều có lợi cho tình hoà hảo Hoa, Việt. Nay lão muốn đề nghị, Vương vui lòng:

– Xin đạo sư chỉ dạy.

– Vương gia quá lời. Bần đạo nghĩ, sao hai Vương không kết làm anh em, có phải phúc cho hai tộc Hoa, Việt không?

Mọi người đều vỗ tay hoan hô.

Bình-Nam vương nắm tay Khai-Quốc vương:

– Thiên duyên chúng ta gặp nhau. Lời của Đông-Sơn đạo sư thực phải.

Ngô Cẩm-Thi sai bầy bàn thờ Phục-Hy, Thần-Nông, Nữ-Oa. Hương khói nghi ngút. Hai Vương cùng quỳ xuống khấn:

– Hôm nay, ngày mười ba tháng mười một, năm Nhâm-Tý, bên Đại-Tống, niên hiệu Thiên-Thánh thứ năm. Bên Đại-Việt, niên hiệu Thuận-Thiên thứ mười tám. Triệu Nguyên-Nghiễm, Lý Long-Bồ xin thề trước liệt tổ Phục-Hy, Thần-Nông, thái mẫu Nữ-Oa rằng: Cả hai xin dùng hết sức mình tránh gây chiến tranh giữa hai nước. Cả hai cùng kết làm anh em. Ai bội phản lời ước này, sẽ chết dưới muôn nghìn gươm đao.

Hai người hướng vào nhau, lạy bốn lạy. Khai-Quốc vương kêu:

– Đại ca.

Bình-Nam vương gọi:

– Nhị đệ.

Tùy tùng hai bên đều dơ tay thề theo.

Thanh-Mai tiếp:

– Về vấn đề kho tàng, kể từ nay bên Đại-Việt không tranh dành. Trái lại, bên Đại-Việt sẵn sàng giúp đại ca tìm kiếm. Tiểu muội nhắc lại, kể từ ngày hôm nay. Đại-Việt chỉ tìm kiếm khi Tống bỏ cuộc.

Triệu Thành gật đầu:

– Đa tạ nhị muội.

Phạm Trọng-Yêm thành thực:

– Bên phía Khai-Quốc vương, dường như không gặp khó khăn gì. Ngược lại bên Bình-Nam vương có nhiều vấn đề nan giải. Mong bên Đại-Việt trợ giúp.

Thanh-Mai mỉm cười:

– Việc của Bình-Nam vương là việc của Khai-Quốc vương. Hy-Văn tiên sinh đừng ngại ngùng. Xin cứ nói ra.

Triệu Thành đưa mắt nhìn Mỹ-Linh:

– Dường như Lưu hậu giữ chức vụ gì tối cao trong bang Nhật-hồ Trung-nguyên. Vì vậy bà có hành tung rất bí mật. Theo cô-gia nghĩ có lẽ bà bị kiềm chế bằng Chu-sa độc chưởng. Xin Công-chúa nói với Thân thế-tử trị cho Lưu hậu. Khi trị bệnh cho bà, công-chúa ra điều kiện Lưu hậu phải rút lui khỏi chính trường.

Mỹ-Linh đưa mắt nhìn chú, hỏi ý kiến. Khai-Quốc vương gật đầu:

– Đại ca! Đại ca thử nghĩ xem, có nên trị cho bà không? Bởi trị cho bà rồi, bà trở mặt thì sao? Không lẽ bấy giờ chúng ta lại dùng Nhật-hồ độc chưởng đánh bà? Đại ca cũng như đệ, đều theo học những thiền sư đạo cao, đức trọng, đâu có thể làm việc đó?

– Ý nhị đệ thế nào?

– Thôi thế này vậy: Đệ ở xa, không hiểu nhiều về Trung-nguyên. Đệ cho Mỹ-Linh, Thiệu-Thái theo giúp Vương huynh. Vương huynh coi chúng như con cháu, tùy nghi sai bảo.

Nghe Khai-Quốc vương nói, Triệu Thành mừng qúa. Vương nắm tay Khai-Quốc vương gật mạnh, tỏ vẻ cảm ơn. Vương hỏi lại Khai-Quốc vương:

– Dường như hiền đệ trên đường đi sứ Tống triều thì phải?

– Đúng thế. Khi tới biên thùy được đại thần trong kinh ra đón với đoàn thị vệ. Đệ nhận thấy trong đoàn thị vệ có mười trưởng lão bang Nhật-hồ. Võ công họ thực cao thâm không biết đâu mà lường. Thế rồi khi đi đường bang Trường-giang xuất hiện. Trường-giang song quỷ chỉ đánh mấy chiêu đã bắt hết các trưởng lão bang Nhật-hồ đi.

Phạm Trọng-Yêm kinh ngạc, mở to mắt ra:

– Có việc đó ư?

– Hơn thế nữa, bang Trường-giang bắt cả đại thần phụ trách tiếp sứ, cùng đoàn thị vệ. Cuối cùng họ bắt sứ đoàn dẫn đi tìm kho tàng.

Triệu Thành cười:

– Chắc họ bị đánh cho thua chạy dài.

– Không, khi nhập Tống cảnh, đệ ra lệnh cho Thanh-Mai cùng năm trẻ tuyệt đối không được xử đụng võ công trên đất Trung-nguyên. Vì vậy đệ để cho họ bắt.

Phạm Trọng-Yêm than:

– Sự việc như thế này: Lưu hậu bị bang Nhật-hồ khống chế. Bà nhận mười trưởng lão giả làm thị vệ, hầu thi hành mạng lệnh của bà. Trong bang chỉ có bang trưởng, Tả, Hữu hộ giáo, ngũ sứ biết việc đó. Ngược lại Trường-giang song quái lại âm thầm qui phục Lưu hậu. Vì vậy Lưu hậu bầy ra trò cho bang Trường-giang bắt mười trưởng lão bang Nhật-hồ, ra cái điều triều đình đã hộ tống bằng lực lượng lớn, mà vẫn không bảo vệ được sứ đoàn. Trong khi đó bọn Trường-giang bắt sứ đoàn đi tìm kho tàng cho bà. Còn lực lượng bang Nhật-hồ đi đào kho tàng là hư.

Phạm Trọng-Yêm đề nghị với Khai-Quốc vương:

– Bây giờ xin Vương-gia cùng các vị nhập với sứ đoàn của Bình-Nam vương đi Biện-kinh. Hiện Lưu hậu thu dụng khá nhiều võ lâm cao thủ. Trong cuộc tranh tài Biện-kinh, người phía Đại-Việt trổ thần oai, tỉa bớt vây cánh của bà. Như vậy vừa tỏ cho bọn chủ xâm chiếm Đại-Việt kinh sợ, lại trợ giúp uy thế cho Vương-gia của chúng tôi.

Trời dần sáng. Nắng ban mai chói chang trên núi rừng vàng úa. Ngô Cẩm-Thi mời mọi người đi nghỉ. Qua một đêm mệt mỏi, ai nấy lăn ra ngủ.

Đến gần trưa, Thiệu-Thái, Đặng Đại-Bằng trở về ngôi dinh thự họ Ngô. Thiệu-Thái thấy năm ngư nhân ngồi với nhau một chỗ.

Chàng nghĩ thầm:

– Thì ra năm ngư nhân này vốn người nhà. Họ đi cùng với cậu mợ hai, hẳn không có ác ý gì với Lạc-long giáo.

Chàng cùng Mỹ-Linh đến gần, chắp tay xá:

– Năm vị huynh đệ! Hai vị trưởng lão của chúng tôi có chỗ vô phép với năm vị, bị năm vị bắt đi. Mong năm vị đại xá cho.

Ngư nhân mũ đỏ cười khúc khích, y cầm chân ngư nhân mũ trắng giật mạnh. Chân đứt làm hai. Thiệu-Thái kinh ngạc nhìn lại: Thì ra đó chỉ là đôi guốc cao nghệu.

Mỹ-Linh chửi thầm:

– Mình đáng chết thực. Đám ngư nhân này toàn trẻ con. Chúng làm chân gỗ cao đi vào. Thành ra mình cứ tưởng rằng chúng dị hình: Mình ngắn, chân dài. Quái, chúng còn trẻ con, mà sao võ công kỳ diệu đến không tưởng tượng nổi.

Cả năm ngư nhân cùng cười hô hố. Họ thè lưỡi nhát Mỹ-Linh. Mỹ-Linh nổi giận rút kiếm ra. Ánh kiếm loé lên, chân giả năm ngư nhân đều bị tiện đứt.

Nàng uất nhất là ngư nhân mũ đỏ, bởi từ đầu tới cuối, nàng bị y trêu nhiều nhất. Kiếm vung lên, ngư nhân mũ đỏ đứng im không tránh. Mặt nạ rơi xuống. Mỹ-Linh á lên một tiếng.

Y chính là Trần Tự-Mai.

Nàng nổi giận:

– Được lắm! Thì ra cậu. Suốt mấy ngày cậu trêu chị như thế đấy.

Tự-Mai thè lưỡi ra nhát Mỹ-Linh. Mấy hôm nay, uất ức vì bị ngư nhân trêu chọc, làm nàng phải lo nghĩ, lao đao vất vả. Bây giờ nảy ra y chính là cậu em mà nàng yêu quý như yêu chính mình.

Nổi giận, nàng vung kiếm lên hướng ngư nhân mũ trắng. Mặt nạ rơi xuống.

Y chính là Tôn Đản.

Nàng lia kiếm liên tiếp, hiện ra ngư nhân mũ đen là Lê Thuận-Tông. Ngư nhân mũ xanh là Hà Thiện-Lãm. Ngư nhân mũ vàng là Lê Văn.

Cả năm bao vây nàng, thè lưỡi ra nhát. Mỹ-Linh uất quá, nàng quẳng kiếm xuống đất, chạy tới bờ suối bưng mặt khóc. Tự-Mai, Tôn Đản đuổi theo. Mỗi đứa cầm một cánh tay nàng, đưa lên miệng cắn bàn tay.

Cả năm đứa xúm vào đấm lưng, bóp chân tay cho nàng.

Trời sinh ra tâm tính Mỹ-Linh thuần hậu, lại thấm nhuần đạo Phật, vì vậy giận đấy, rồi lại bỏ qua. Nàng nắm tai Tôn Đản, Tự-Mai kéo thực mạnh, rồi cười:

– Hai thằng này cầm đầu, chứ Thuận-Tông, Thiện-Lãm, Lê Văn cho ăn kẹo cũng không dám trêu bà chị.

Tự-Mai chĩa ngón tay điểm một cái vào cùi chỏ Mỹ-Linh. Hai cánh tay nàng tê liệt. Nàng rùng mình hỏi:

– Võ công này của các em, gọi là võ công gì vậy?

Tự-Mai bóp sẽ tay Mỹ-Linh một cái, tay nàng hết tê. Nó cười:

– Gọi là điểm huyệt.

– Các em học ở đâu vậy?

– Anh cả, chị Thanh-Mai với bọn em mới chế ra đấy thôi.

Mỹ-Linh vẫy tay kéo năm cậu em phá trời lại gần, rồi hỏi:

– Phép điểm huyệt như thế nào? Mau nói cho chị nghe. Bằng không thì ốm đòn.

Tự-Mai quay lưng lại phía Mỹ-Linh:

– Chị ngon quá ta! Muốn hỏi người ta, mà lại hăm dọa ư? Không nói. Nhất định không nói.

Mỹ-Linh đấu dịu:

– Thôi Tự-Mai ngoan như con hùm, Tự-Mai dễ thương như con gấu chó. Tự-Mai dịu dàng như con đười ươi. Tự-Mai nói cho chị nghe đi.

– Chị phải đấm lưng cho em, em mới nói.

Mỹ-Linh nắm hai tay đấm lưng cho Tự-Mai. Trong khi đó Thuận-Tông, Thiện-Lãm đấm lưng cho nàng. Tôn Đản, Lê Văn hái hoa cúc dại kết lại thành vòng đeo lên cổ Mỹ-Linh.

Tự-Mai khoan thai kể.

Đoạn trên kể hành trạng của Thiệu-Thái, Mỹ-Linh khởi hành từ Thăng-long. Vậy cũng trong thời gian đó Khai-Quốc vương, Vương-phi và 5 trẻ làm gì? Xin đọc đoạn dưới.

Sau hôm đại hội Thăng-long, Thuận-Thiên hoàng-đế cử lễ cưới linh đình cho Khai-Quốc vương với Thanh-Mai. Thanh-Mai được phong Vương phi ngay từ lúc làm lễ bái Quốc-tổ, Quốc-mẫu.

Mọi việc xong xuôi, Thuận-Thiên hoàng-đế, thể theo ý kiến Trần Tự-An, để Khai-Quốc vương đi sứ Trung-quốc hầu kết thân với nhân sĩ, võ lâm Tống. Bằng mọi giá phải cho họ biết Đại-Việt vốn yêu hoà bình. Tống, Việt có cùng tổ tiên, không thể tiếp tục gây chiến. Đối với bọn chủ chiến quá khích, cần sao để họ hiểu tộc Việt không thiếu nhân tài. Nếu họ muốn gây ác cảm với ta, ta há sợ sao?

Phía Khai-Quốc vương, Tạ-Sơn đã cho Mỹ-Linh, Thiệu-Thái thi hành một phần kế hoạch, bám sát Triệu Thành. Bảo-Hòa, Thông-Mai lên Bắc-biên, thống nhất 207 khê động, sau đó sang Lưỡng-Quảng, cùng đi tìm kho tàng. Vương phối trí Lê Ngọc-Phách, Lê Thiếu-Mai để cho Tống bắt cóc. Hầu thi hành một phần kế hoạch khác.

Vương lại sai hai bang trưởng bang Hồng-hà Sử Anh, bang Đường-lang Tào Minh, thi hành phần khác kế hoạch.

Sau khi phối trí xong, vương truyền trao việc Khu-mật viện cho sư phụ Huệ-Sinh, thêm quốc trượng Trần Tự-An làm cố vấn. Tạ Sơn trực tiếp điều khiển. Tổng trấn Trường-yên cho Ngô An-Ngữ. Việc thống lĩnh mười đạo quân cho Lê Phụng-Hiểu, Lý Nhân-Nghiã, Dương Bình, Quách Thịnh. Vương dẫn Tôn Đản, Tự-Mai, Lê Thuận-Tông, Hà Thiện-Lãm lên đường Bắc-du.

Trong khi dự lễ cưới Khai-Quốc vương, Hồng-Sơn đại phu, với tư cách người đỡ đầu cho Vương, cùng phu nhân Lâm Huệ-Phương về ngồi ghế chủ vị. Lê Văn cùng ngang tuổi với đám Tôn Đản. Gặp nhau, thân nhau ngay. Thế là Thuận-Thiên cửu hùng thành thập hùng.

Khai-Quốc vương cùng Vương-phi lên đường. Tùy tùng chỉ có năm ông mãnh Tôn Đản, Tự-Mai, Thiện-Lãm, Thuận-Tông, Lê Văn. Vương định khi đến Bắc-biên, họp với vua bà là công chúa Lĩnh-Nam Bảo-Hoà, phò mã Thân Thừa-Quý. Rồi mới sang Tống, Đại-lý. Vương đem theo năm cặp chim ưng làm phương tiện liên lạc.

Thủ đô Bắc-biên đóng ở động Giáp. Khi còn cách xa động Giáp hơn mười dặm, đôi chim ưng bay trên trời kêu lên mấy tiếng vui hoà.

Tự-Mai chỉ lên trời nói lớn:

– Kìa đoàn chim ưng Bắc-biên đang tiếp đón chúng ta kìa.

Mọi người nhìn lên trời, quả có năm đoàn chim ưng đang bay tới. Năm đôi chim ưng gặp bạn, lập tức kêu mấy tiếng chào đón, rồi bay trở lại. Tự-Mai ngửa mặt lên trời đếm. Nó la lớn:

– Có năm đoàn, mỗi đoàn mười con.

Đoàn chim ưng lượn một vòng trên đầu phái đoàn, rồi cùng ca hót nhịp nhàng.

Vương nói với Thanh-Mai:

– Bà chị hai dàn quân đón chúng mình đấy.

Thanh-Mai vốn kính phục bà chị chồng từ lâu. Lòng nàng rộn lên, vì sắp gặp vua Bà Bắc-biên. Nàng chỉ về phía trước:

– Kìa, chị hai tới kìa.

Vua Bà cỡi trên bành voi trắng. Có tàn vàng che. Thân phò-mã cỡi ngựa ô đi cạnh. Phía sau, một đoàn hổ, báo, voi, đười ươi, chó sói, hàng lối ngay thẳng.

Khác với Khai-Thiên vương thích lễ nghi, kiểu cách. Khai-Quốc vương giản dị, đơn sơ. Vương hỏi chị:

– Cú rừng với Thanh-Trúc về chưa?

– Về rồi. Không biết cậu sai chúng làm gì. Chị hỏi, chúng chỉ lắc đầu. Chúng mệt quá đi không nổi, vừa tới nhà cả hai lăn ra ngủ như chết. Vừa rồi có tin cậu mợ tới, cho đánh thức. Chúng vẫn nằm trèo queo ra ngủ.

Nghe chị kể, Vương bật cười:

– Chúng mệt thực chứ không phải mệt giả đâu. Hai đứa lê được về đến đây, em cho rằng may lắm rồi.

Phò mã Thân Thừa-Quý ghé tai Vương hỏi:

– Cậu định sao về Thiệu-Thái, Mỹ-Linh cùng Thiệu-Cực với Thanh-Trúc. Chúng ngang tuổi nhau, lại cùng một chí hướng. Cậu thả chúng đi với nhau như vậy, ắt chúng có tình ý. Mà có tình ý, liệu cậu chu toàn cho chúng được không?

– Sao lại không? Anh chị phải hiểu rằng tuổi chúng còn nhỏ, mà hành sự mẫn cán như thế, không phải do tài năng, mà do sự cố gắng hiệp đồng lứa đôi. Một Thiệu-Thái thành công năm, một Mỹ-Linh thành công năm. Hai đứa hợp lại kết quả không phải năm với năm là mười, mà thành hai mươi lăm. Em mong cho chúng thương yêu nhau còn không được.

– Cậu chấp thuận tình trạng trai gái tương thuận không cần cha mẹ sao? Luật nước rất nghiêm.

Thời bấy giờ trai gái tuyệt đối không được gần nhau. Việc hôn nhân, cha mẹ hoàn toàn định đoạt, con cái chí được hỏi ý kiến mà thôi. Dân chúng đã vậy. Huống hồ Mỹ-Linh, Thiệu-Thái ở vai Công-chúa, Thế-tử, mà phạm tội, e khó châm chước.

– Chúng đâu có phạm luật nước? Em được phu- hoàng ủy quyền coi Khu-mật viện. Khi chúng tuân lệnh em tức tuân chỉ phụ-hoàng. Trong khi ban lệnh, em đã dự trù trường hợp này xẩy ra rồi. Như thế chúng thương yêu nhau, cũng do tuân chỉ mà thành.

– Liệu cậu cả có đồng ý không?

– Không đồng ý cũng phải đồng ý. Ông ấy đem Mỹ-Linh cho em làm con. Như vậy em toàn quyền gả chồng. Rể em chọn là Thiệu-Thái. Còn Thiệu-Cực với Thanh-Trúc, chính em tìm cách ghép lại đấy chứ. Thân phụ Thanh-Trúc trao nó cho em. Em định liệu hết.

Vào kim trướng dinh tổng trấn Bắc-biên. Các quan văn võ của triều đình Bắc-biên tề tựu đầy đủ.

Lễ nghi tất.

Triều đình Bắc-biên không tổ chức như triều Lý, triều Tống, mà giữ nguyên như triều đình Lĩnh-Nam. Trước hết trên có vua Bà, rồi tới tam công gồm tư đồ, tư không, tư mã. Dưới có lục vị thượng thư. Triều đình thống lĩnh 207 khê động, coi như 207 nước nhỏ. Mỗi khê động có tổ chức riêng biệt.

Nguồn gốc khê động do di sản thời Lĩnh-Nam còn lại. Thời vua Hùng phong cho một trăm con cai trị trăm vùng khác nhau, bao quát từ phía Nam núi Ngũ-lĩnh xuống tận cùng biển Nam-hải. Ngày nay gồm Quảng-đông, Quảng-tây, Vân-Nam bên Trung-quốc. Toàn bộ lãnh thổ Việt-nam, Thái-lan, Cao-miên, Ai-lao hiện tại. Sau đó các Hoàng-tử lại cắt lãnh thổ mình thành nhiều mảnh nhỏ phong cho con cháu. Mỗi mảnh đó, do một lạc hầu cai trị, theo chế độ cha truyền con nối. Khi vua Trưng thành đại nghiệp, vẫn duy trì chế độ đó.

Mã Viện chiếm được Lĩnh-Nam, y bãi bỏ chế độ lạc hầu, lạc tướng, vì đó là nguồn gốc duy trì tinh thần tộc Việt. Nhưng Viện chỉ thành công ở vùng đồng bằng. Còn vùng núi non, các lạc hầu vẫn biên thùy một cõi. Truyền đến đời Lý, còn 207 lạc ấp, sử gọi là khê động, nằm trấn biên giới phía Bắc Đại-Việt. Đây là thành trì bảo vệ biên giới Hoa-Việt trong hơn nghìn năm Bắc thuộc không bị đồng hoá.

Các khê động vẫn giữ tinh thần cũ, họp nhau, tôn một phụ nữ làm vua. Thời vua Đinh, Lê vẫn tôn trọng, không đổi. Khi vua Lý Thái-Tổ lên ngôi, phong con gái thứ nhì làm:

Lĩnh-Nam bảo quốc hoà dân công chúa gọi tắt bằng danh xưng công chúa Bảo-Hoà, gả cho Thân Thừa-Quý. Công chúa dùng đức, thống nhất khê động, được tôn làm vua Bà Bắc-biên.

Về quân đội, Bắc-biên có hai loại. Một là quân của các động chủ, lạc hầu. Loại quân này, vừa làm ruộng, vừa tuần phòng trộm cắp. Hai là quân của Bắc-biên, có năm đạo mang tên Tiền-đạo, Tả-đạo, Hữu-đạo, Trung-đạo và Hậu-đạo. Mỗi đạo có bẩy ngàn hai trăm người. Đơn vị nhỏ nhất là một Thập, gồm mười người. Ba thập Bộ, một thập Kị, một thập Thú thành một Lượng. Ba lượng Bộ, một lượng Nỏ thành một Đội. Mỗi đội có hai trăm người. Một Lữ có ba đội Bộ, một đội Kị, một đội Thú. Cộng tám trăm người. Một Sư có ba Lữ. Một Đạo có ba Sư. Ngoài ra còn ba Thủy-đội, và đạo Tế-tác hơn nghìn người. Tổng cộng năm vạn.

Trong đại sảnh đường, hơn 207 Động-chủ khê động đều tề tựu, chờ đón Vương.

Vương ngỏ lời chào mừng các Động-chủ rồi nói:

– Lãnh thổ tộc Việt hiện giờ chia làm nhiều khu vực khác nhau. Thuộc hẳn Tống như Quảng-nam lộ. Quảng-nam lộ chia làm hai khu vực Quảng-nam Tây-lộ, Quảng-nam Đông-lộ. Thường gọi tắt bằng Quảng-Tây, Quảng-Đông. Tây-Bắc Quảng-nam lộ thuộc Đàm-châu, khu vực đất linh phát tích tộc Việt cũ, tức Trường-sa, hồ Động-đình. Sau gần nghìn năm Bắc thuộc, tộc Việt tại đây đã nhiều lần nổi lên dành tự chủ được một thời gian, rồi bị xâm chiếm.

Vương ngừng lại cho cử tọa theo kịp, rồi tiếp:

– Khu phía Tây, tức lãnh thổ Tượng-quận cũ. Người Việt nổi lên thành lập nước Đại-lý, trải mấy trăm năm. Họ Đoàn được tôn lên làm vua. Các vua đời trước, đã nhiều công liên lạc tộc Việt tại những vùng khác, mong thống nhất, mà chưa đạt được. Phía Nam gồm hai nước Chiêm-thành, Chân-lạp. Thời Triệu Đà chiếm Âu-lạc, các Lạc-hầu phía Nam Nhật-Nam dựa vào núi non hiểm trở, hùng cứ một phương, rồi thành lập hai nước.

… Cho đến thời Lĩnh-Nam, vua Trưng thành đại nghiệp, cử sứ vào bàn việc thống nhất. Vua Chiêm từ chối, vì nghĩ rằng mình vốn nhỏ bé, thống nhất sẽ bị Lĩnh-Nam khống chế. Chiêm-vương còn đem quân giúp Hán đánh phía sau Lĩnh-Nam, bị anh hùng Lại Thế-Cường, Trương Thủy-Hải, Trương Đằng-Giang đánh bại. Chân-lạp ở phía Nam Chiêm-quốc, thành ra không thể thống nhất với Lĩnh-Nam.

Vương đưa mắt nhìn bộ tộc Thái, rồi tiếp:

– Tộc Việt giữ được nguyên thủy tính hiền hoà phải kể giòng Thái, hậu duệ của ngài Lang-Tiêu, tổ bánh chưng, bánh dày. Giòng Thái hiện chiếm đa số ở Đại-lý, và bao trùm vùng Lão-qua, Xiêm-la. Các nơi ấy, thành lập hai nước khác nhau. Tuy hai nước khác, song họ vẫn là con rồng cháu tiên như chúng ta.

Vương nhìn phò mã Thân Thừa-Quý:

– Lạc hầu, Lạc tướng các nơi đều đã biến mất, để thành quốc-gia. Duy khu vực Bắc-biên ta, vẫn duy trì được Lạc-hầu, nay gọi bằng danh xưng khê động. Bây giờ tôi muốn biết rõ tình hình 207 khê động ra sao?

Thân Thừa-Quý vẫy tay ra hiệu. Hai viên quan đem ra cuộn trục lớn, treo lên trên tường. Trục lụa mở ra, trên vẽ tấm bản đồ Bắc-biên lớn hơn cái chiếu.

Ông chỉ lên bản đồ:

– Bắc-biên bao gồm toàn thể khu rừng núi phía Bắc Đại-Việt. Kể từ bể, Bắc giáp châu Khâm thuộc Quảng-Tây lộ, chạy dài sang Tây thuộc châu Ung, rồi tới Đại-lý. Như vậy biên giới Bắc-biên hai phần giáp Tống, một phần giáp Đại-lý. Phần giáp Tống hoàn toàn thuộc Quảng-Tây lộ.

Trong năm thiếu niên theo Khai-Quốc vương, Lê Thuận-Tông vốn tính thâm trầm nhất. Trong những ngày ở Thăng-long, nó ăn ở ngay trong Khu-mật viện, ngày đêm đọc các tấu chương về Bắc-biên.

Nó dơ tay xin hỏi:

– Thưa Phò-mã! Trước kia Đại-lý, Quảng-Tây đều thuộc lãnh thổ mình. Thời vua Trưng, từ Tả-giang, Hữu-giang trở xuống thuộc Giao-chỉ. Sự phân chia biên giới hiện thời do đâu mà có. Có từ bao giờ? Mà đến nỗi biên giới Đại-Việt phải lùi xuống Nam đến hơn hai trăm dặm như vậy?

Mọi người trố mắt nhìn đứa trẻ tuổi mười lăm, mười sáu, mà có câu hỏi thực sâu sa.

Thân Thừa-Quý đáp:

– Cháu hãy nhìn hai con sông Tả-giang, Hữu-giang. Từ biên giới Hoa-Việt đến đây thuộc đồng bằng. Thời vua Hùng, vua An-Dương, vua Trưng thuộc Giao-chỉ. Sau khi Mã Viện chiếm Lĩnh-Nam, y vẫn duy trì biên giới đó.

Thuận-Tông hỏi tiếp:

– Cháu có thắc mắc nữa. Từ khi Tống lên ngôi, họ thường sai sứ sang tìm di tích cột đồng trụ trên lãnh thổ Đại-Việt. Mà hồi Mã Viện chiếm Lĩnh-Nam. Y trồng một cây đồng trụ ở biên giới Quế-lâm và Giao-chỉ. Bấy giờ biên giới là sông Hữu-giang. Vậy muốn tìm cột đồng trụ, phải tìm ở khu này, chứ có đâu ở mãi vùng biên giới hiện tại?

Suy luận của Lê Thuận-Tông làm cả đại sảnh đường đều mở to mắt ra kinh ngạc. Chính Khai-Quốc vương cũng tự chửi thầm:

– Người xưa nói rằng: Lời trẻ con ứng như thần ứng không sai. Ừ nhỉ, bao lần sứ Tống sang kiếm truyện đòi tìm cột đồng trụ, hầu định biên giới Hoa-Việt, mà cả triều đình không tìm ra lẽ từ chối. Bây giờ Thuận-Tông mới khai sáng ra. Lần sau họ sang, đuổi họ về vùng Tả-giang mà tìm.

Thân Thừa-Quý tiếp:

– Biên giới hiện tại bắt đầu từ thời vua Ngô. Trước đó, Hoa-Việt không có biên giới. Vì tất cả đều thuộc Hoa, thì phân ra làm gì? Khi vua Ngô đánh đuổi Nam-Hán, chúng chạy về Bắc, vượt qua núi non hiểm trở thì ngừng lại. Vua Ngô muốn đem quân truy kích lên Tả-giang, nhưng đem quân qua rừng núi, rất khó khăn. Trong khi vùng Tả-giang thuộc đồng bằng thông với lãnh thổ Nam-Hán. Quân Nam-Hán dễ dàng tấn công ta. Vì vậy từ đó về sau biên giới Hoa-Việt lấy vùng núi non làm ranh giới.

Ông chỉ lên bản đồ tiếp:

– Ta có 207 khê động. Tất cả thuộc Việt tộc. Thường mỗi trại do một họ sinh sống. Nhưng những khê động gần Tống, thường bị quan Tống uy hiếp, nên trại trưởng theo Tống. Quanh những khê động này, Tống cho đồn quân đề phòng. Đây, kể từ biển, các động Hợp-phố, Như-tích, Để-trạo bị Khâm-châu khống chế, thành ra thuộc Tống. Còn trại Vĩnh-an, thuộc Việt. Đau một điều cả bốn trại đều thuộc họ Hoàng. Do Hoàng Lư thống lĩnh. Họ Hoàng rất trung thành với Đại-Việt. Kế tiếp trại Thiên-long, Cổ-vạn, Tư-minh bị Ung-châu khống chế. Mà những trại đó, cũng như những châu bên Đại-Việt như Tô-mậu, Na-dương, Đình-lập, An-châu đều do họ Vi sinh sống. Thủ lĩnh hiện thời là Vi Thủ-Đan. Hôm nay Vi huynh có về đây họp, xin Vi huynh trình bầy với Khai-Quốc vương.

Một trung niên nam tử, thân thể hùng vĩ đứng dậy hành lễ với cử tọa, rồi nói:

– Họ Vi chúng tôi đời đời sống trong vùng bẩy châu Thiên-long, Cổ-vạn, Tư-minh, Tô-mậu, Na-dương, Đình-lập, An-châu. Bốn châu sau thuộc Đại-Việt, vì vậy chúng tôi tổ chức thống nhất thành châu Tô-mậu, cai quản ba động Na-dương, Đình-lập, An-châu. Còn ba động Thiên-long, Cổ-vạn, Tư-minh thuộc Tống, họ chia rẽ, không cho thống nhất. Đã vậy họ bắt học tiếng Quảng, không cho học, nói tiếng Việt. Vì vậy lâu ngày, ba châu này gần như thành người Hoa cả.

Khai-Quốc vương hỏi:

– Tôi nghe thủ lĩnh bốn châu Vĩnh-bình, Tây-bình, Lộc-châu thuộc Ung-châu bên Tống, mà nhất định chống Tống. Việc đó ra sao?

Một trung niên nam tử, dáng người như thư sinh đứng dậy hành lễ:

– Thần Vi Đại-An xin tham kiến Vương-gia. Đúng như Vương-gia phán. Quan nhà Tống không cho thần thống nhất bốn châu thuộc quyền. Thần nhất định cãi, tổ chức thống nhất quân đội, giáo dục, thương mại. Cho nên hiện quan Tống đang đe dọa. Mong Vương-gia định liệu cho.

Khai-Quốc vương vừa dứt lời, cử tọa vỗ tay vang dội. Vương tiếp:

– Bốn châu của Vi Đại-An tiếp giáp với Lạng-châu, Quang-lang, Môn-văn, Vạn-nhai của Đại-Việt. Bốn châu này hiện do ai thống lĩnh?

Thân Thừa-Quý chỉ vào một người mặt đen như nhọ chảo, nhưng giống ông như hai giọt nước. Ai trông thấy cũng biết là hai anh em:

– Thống lĩnh bốn châu này là chú Thân Thừa-Phú. Chú Phú hiện lĩnh chức Binh-bộ thượng-thư Bắc-biên.

Thân Thừa-Phú đứng dậy hành lễ.

Khai-Quốc vương hỏi vua Bà Bắc-biên:

– Em nghĩ anh Phú lĩnh chức Binh-bộ thượng-thư quá bận rộn. Vậy ta cho thống nhất năm châu của anh với bốn châu của Vi Đại-An làm một, trao cho Vi Đại-An cai quản. Như vậy thử xem quan Tống có dám gây sự không? Nếu họ gây, anh Phú lấy cớ bảo vệ đất mình, mang đại quân ra chống.

Nùng Dân-Phú chỉ lên bản đồ:

– Họ Nùng của thần sinh sống trong châu Thất-nguyên bên Đại-Việt gồm bẩy mươi động. Châu Thái-bình gồm ba mươi sáu động thuộc Ung-châu nhà Tống. Do vậy mới có nạn chia ra Nùng Việt, Nùng Tống. Lại còn nạn Nùng Quảng-nguyên, Tư-lãng nữa.

Khai-Quốc vương kinh ngạc:

– Tại sao còn có nạn ấy?

Thân Thừa-Quý đáp:

– Họ Nùng rất lớn, còn sống ở vùng Quảng-nguyên, Tư-lãng, Thượng-dung, Hạ-dung. Bốn châu này thống thuộc Lưu Nguyên. Lưu Nguyên tuy người Việt, nhưng được Tống phong chức. Lão cai trị ba châu Hoành-sơn, Ôn-nhuận, Qui-hoá. Nghiã là y cai trị bốn châu thuộc Việt, ba châu thuộc Tống. Trong bốn châu đó họ Nùng sinh sống. Ba châu sau họ Lưu sinh sống. Hiện y bị đau nặng. Theo luật lệ, y cho tổ chức đấu võ, tuyển người thay thế.

– Thể lệ tuyển như thế nào?

– Tất cả thiếu niên tuổi từ mười hai, tới mười bẩy, con cháu của dân chúng trong 207 khê động đều được tham dự.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.