Ấn Tượng Sai Lầm

Chương 23



Anna lái xe ra khỏi Lâu đài Wentworth, quay lên đường M25, và tìm kiếm biển chỉ đường tới sân bay Heathrow. Lúc này đã gần hai giờ chiều, vì vậy cô không còn cơ hội gọi điện cho Tina nữa, bởi vì chắc chắn Tina đang ngồi bên bàn làm việc của mình tại Phố Wall. Nhưng cô thực sự cần phải thực hiện một cuộc gọi khác nếu cô muốn có cơ hội thành công trong kế hoạch của mình.

Vừa lái xe qua làng Wentworth, Anna vừa cố nhớ lại quán ăn mà Victoria đã từng đưa cô tới để ăn tối. Rồi cô nhìn thấy một lá cờ của dòng họ Wentworth đang bay trong gió, ngang thân cột cờ.

Anna đỗ xe ngay cạnh lối ra vào quán ăn mang tên Wentworth Arms. Cô bước qua quầy tiếp tân và tiến thẳng tới quầy bar.

“Cô có thể đổi cho tôi 5 đôla được không?” cô hỏi cô gái phục vụ quầy.

“Tôi cần thực hiện một cuộc gọi điện thoại”.

“Tất nhiên, cưng”, cô ta trả lời ngay, rồi mở ngăn kéo đựng tiền và đưa cho Anna hai đồng tiền xu mệnh giá một bảng Anh. Đúng là đồ cướp ngày, Anna muốn nói với cô ta như vậy, nhưng cô không có thời gian để cãi cọ.

“Điện thoại ở ngay sau nhà ăn, phía bên phải”.

Anna quay số điện thoại mà cô đã thuộc lòng trong đầu. Chỉ sau hai tiếng chuông và một giọng nói cất lên, “Xin chào, Sotheby xin nghe”. Anna cho một đồng xu vào khe, và nói, “Làm ơn cho tôi nói chuyện với Mark Poltimore”.

“Cô chờ một chút, tôi sẽ nối máy ngay”.

“Mark Poltimore xin nghe”.

“Mark, Anna đây, Anna Petrescu”.

“Anna, một bất ngờ thật tuyệt vời. Tất cả bọn tôi đều lo cho cô. Thế cô đã ở đâu vào hôm thứ Ba?”

“Amsterdam”, cô đáp.

“Cảm ơn Chúa vì điều đó”, Mark nói. “Khủng khiếp quá. Còn Fenston?”

“Lúc đó không có mặt trong tòa nhà”, Anna nói, “và đó là lý do tại sao tôi lại gọi cho anh. Ông ấy muốn biết quan điểm của anh về bức Van Gogh”.

“Về tính xác thực hay về giá cả?” Mark hỏi. “Bởi vì nếu nói đến chuyện nguồn gốc của các bức tranh, tôi chỉ là đàn em của cô”.

“Không có gì phải nói về nguồn gốc của bức tranh này”, Anna nói, “nhưng tôi cần tham khảo thêm ý kiến của anh về giá trị của nó”.

“Tôi có biết bức này không?”

“Chân dung người cụt tai”, Anna nói.

“Bức chân dung của Lâu đài Wentworth à?” Mark hỏi lại. “Tôi đã biết gia đình này từ lâu và không nghĩ rằng họ sẽ bán bức tranh đó”.

“Tôi đâu có nói là họ sẽ bán”, Anna nói mà không giải thích gì thêm.

“Cô có thể đưa bức tranh tới đây để tôi xem kỹ hơn được không?”

“Tôi rất muốn thế, nhưng tôi không có phương tiện vận chuyển đủ độ an toàn. Tôi hy vọng anh có thể giúp cho chuyện đó”.

“Bây giờ bức tranh ở đâu?” Mark hỏi. “Trong một nhà kho an toàn ở Heathrow”.

“Thế thì tốt rồi”, Mark nói. “Hàng ngày chúng tôi đều có một chuyến hàng gửi đi từ Heathrow. Chiều mai có được không?”

“Hôm nay thì tốt hơn”, Anna nói, “anh biết ông chủ của tôi rồi đấy”.

“Cứ giữ máy nhé, tôi cần phải kiểm tra xem họ đã bay chưa”. Đường dây rơi vào yên lặng và Anna có thể nghe rõ tiếng đập thình thịch của tim mình. Cô đút đồng xu còn lại vào khe. Mark đã quay trở lại. “Cô may mắn nhé. Người phụ trách của chúng tôi sẽ nhận một vài thứ cho hãng vào lúc khoảng 4 giờ chiều. Thế nào, có ổn khong?”

“Tốt, nhưng anh có thể làm ơn giúp tôi một chuyện nữa không? Nhờ anh yêu cầu họ gọi cho Ruth Parish của công ty Art Locations, ngay trước khi xe tới?”

“Không có vấn đề gì. Và bao lâu nữa chúng ta sẽ phải định giá bức tranh ấy?”

“Bốn mươi tám giờ nữa”.

“Cô sẽ chọn Sotheby nếu cô có ý định bán bức tranh ấy chứ, Anna?”

“Tất nhiên”.

“Tôi nóng lòng muốn được thấy bức tranh ấy quá rồi đấy”, Mark nói.

Anna gác ống nghe, và cảm thấy kinh sợ khi thấy mình nói dối một cách dễ dàng như vậy. Cô bắt đầu nhận ra rằng đối với Fenston, việc đánh lừa cô là một chuyện hết sức đơn giản.

Cô lái xe ra khỏi Wentworth Arms, và hiểu rằng mọi chuyện bây giờ tuỳ thuộc vào việc lúc này Ruth Parish có mặt ở văn phòng hay không. Khi ra đến đường lớn, Anna cho xe chạy trên làn tốc độ thấp và vừa điều khiển xe vừa suy nghĩ về những tình huống xấu có thể xảy ra. Liệu Ruth có biết về việc cô đã bị sa thải hay không? Biết đâu Fenston đã nói với bà ta rằng cô đã chết? Liệu Ruth có chấp nhận tư cách của cô trong một việc quan trọng như vậy? Anna biết mình chỉ có một cách duy nhất để tìm hiểu về tất cả những chuyện này. Cô thậm chí còn định gọi điện cho Ruth, nhưng rồi cô hiểu rằng bất kỳ sự cảnh báo trước nào đều giúp cho bà ta có thêm thời gian để kiểm tra lại. Nếu muốn có cơ hội, cô phải làm cho Ruth không kịp trở tay.

Anna chìm sâu vào những suy nghĩ của mình tới mức cô suýt đi qua lối rẽ vào sân bay Heathrow. Sau khi rời khỏi đường M25, cô cho xe chạy qua các biển chỉ đường tới cổng số một, số hai, số ba, số bốn và hướng thẳng tới khu nhà kho này ngay sát đường Southern Perimeter.

Cô đánh xe vào khu vực đỗ xe dành riêng cho khách ngay bên ngoài văn phòng của công ty Art Locations. Cô ngồi trong xe một lúc để lấy lại bình tĩnh. Tại sao cô không bỏ mặc mọi chuyện và chỉ việc đánh xe đi khỏi nơi này? Cô đâu có cần phải dính líu vào chuyện này, đâu có cần phải mạo hiểm như vậy. Rồi cô nghĩ tới Victoria, và vai trò vô tình của cô trong cái chết của người phụ nữ hiền lành ấy. “Xông lên đi, cô em”, Anna nói to với chính mình. “Hoặc là họ chưa biết gì, hoặc là họ đã biết tất cả, và cho dù họ đã được cảnh báo, cô em vẫn có thể thoát ra và leo lên xe chỉ trong vòng hai phút. Anna nhìn vào gương. Có nét gì khác thường khiến họ phát hiện ra không? “Tiến lên”, cô lại tiếp tục khích lệ mình và cuối cùng cô mở cửa xe ra. Cô hít một hơi thở thật sâu và bước qua đường nhựa về phía lối vào tòa nhà. Cô đẩy cửa ra và bước tới chỗ người nhân viên tiếp tân mà cô chưa từng gặp. Một sự khởi đầu không thuận lợi.

“Ruth có ở đây không?” Anna hỏi một cách vui vẻ, như thể ngày nào cô cũng ghé qua văn phòng này.

“Không, bà ấy đang ăn trưa ở Học viện Hoàng gia để thảo luận về cuộc triển lãm tranh Rembrandt sắp tới”. Anna hết sức thất vọng.

“Nhưng có lẽ bà ấy sắp về”.

“Vậy thì tôi sẽ đợi”, Anna nói và cố nở một nụ cười.

Cô ngồi xuống một chiếc ghế trong phòng đợi, cầm lên một tờ báo Newsweek cũ có in hình AI Gore ở trang bìa và giở qua các trang báo. Cô liên tục nhìn lên chiếc đồng hồ treo tường trong quầy tiếp tân; kim đồng hồ chầm chậm quay: 3.10, 3.15, 3.20.

Cuối cùng, Ruth bước qua cửa vào lúc 3.22 phút. “Có tin nhắn không?” bà hỏi cô nhân viên tiếp tân.

“Không”, cô gái đáp, “nhưng có một người phụ nữ đang chờ bà”.

Anna nín thở khi Ruth tiến lại chỗ cô.

“Anna”, bà reo lên. “Thật tuyệt vời khi được gặp lại cô”. Vậy là đã vượt qua rào cản đầu tiên. “Tôi đang băn khoăn không biết cô có còn theo đuổi công việc này sau thảm kịch ở New York hay không”. Rào cản thứ hai đã được dỡ bỏ. “Đặc biệt là khi ông chủ của cô nói với tôi rằng một ông Leapman nào đó sẽ đích thân tới lấy bức tranh”. Qua rào cản thứ ba. Không ai nói với Ruth rằng Anna bị liệt vào danh sách mất tích và có nhiều khả năng là đã chết.

“Trông cô có vẻ hơi mệt”, Ruth nói. “Cô không sao chứ?”

“Tôi khoẻ mà”, Ann vừa nói vừa loạng choạng bước qua rào cản thứ tư, nhưng ít nhất thì cô vẫn còn đứng trên đôi chân của mình, cho dù còn đến sáu rào cản nữa mới tới đích thì cô vẫn tiến lên.

“Cô ở đâu vào hôm thứ Ba ấy?” Ruth hỏi bằng một giọng đầy quan tâm. “Chúng tôi sợ xảy ra tình huống xấu nhất. Tôi thực sự muốn hỏi ông Fenston, nhưng cô biết đấy, chẳng ai có cơ hội hỏi han ông ấy điều gì”.

“Đang giải quyết công việc của công ty ở Amsterdam”, Anna đáp, “nhưng Karl Leapman gọi điện cho tôi tối hôm qua và yêu cầu tôi bay qua đây để kiểm tra xem mọi thứ đã sẵn sàng chưa, để khi ông ta hạ cánh thì chỉ việc đưa bức tranh lên máy bay”.

“Chúng tôi đã sẵn sàng hơn cả mức mà ông ấy mong muốn”, Ruth nói, “nhưng tôi sẽ lấy xe đưa cô tới nhà kho và cô sẽ được thấy tận mắt. Chờ một phút nhé. Tôi cần kiểm tra xem có ai gọi điện không và báo cho thư ký biết tôi sắp đi đâu”.

Anna đi đi lại lại một cách lo âu, băn khoăn không biết Ruth có gọi tới New York để kiểm tra câu chuyện của cô không. Nhưng bà ta gọi để làm gì? Chưa bao giờ bà ta làm chuyện đó. Vài phút sau, Ruth đã quay trở lại. “Cái này vừa được chuyển tới bàn làm việc của tôi”, Ruth vừa nói vừa đưa cho Anna một bức thư điện tử. Tim Anna như ngừng đập. “Khẳng định lại rằng ông Leapman sẽ hạ cánh vào lúc khoảng 7 giờ tối nay. Ông ta muốn chúng ta đợi trên đường băng, chuẩn bị sẵn sàng để chuyển bức tranh lên máy bay, vì ông ta định sẽ cho máy bay đỗ lại trên đường băng chỉ khoảng một giờ”.

“Đúng là Leapman”, Anna nói.

“Vậy thì chúng ta nên đi ngay bây giờ”, Ruth vừa nói vừa bước ra phía cửa.

Anna gật đầu, đi theo Ruth ra khỏi tòa nhà và nhảy lên ghế ngồi dành cho hành khách trên chiếc xe Range Rover của Ruth.

“Khủng khiếp thật, chuyện xảy ra với Phu nhân Victoria ấy”, Ruth vừa nói vừa đánh xe hướng về phía Nam của cổng hàng hoá. “Báo chí đang làm ầm lên về một vụ giết người – kẻ sát nhân bí hiểm, cắt cổ họng bằng dao làm bếp – nhưng cảnh sát vẫn chưa bắt được ai”.

Anna không nói gì, những từ “cắt cổ” và “kẻ sát nhân bí hiểm” vang trong đầu cô. Phải chăng đó chính là lý do khiến Arabella gọi cô là một phụ nữ dũng cảm?

Ruth cho xe dừng lại bên ngoài một tòa nhà bê tông không có nét gì đặc biệt. Trước kia Anna cũng đã từng tới chỗ này vài lần. Cô nhìn đồng hồ: 3 giờ 40 phút chiều.

Ruth đưa cho người nhân viên bảo vệ xem thẻ ra vào của mình. Anh ta ngay lập tức mở khoá chiếc cửa bằng thép dầy. Anh ta đi theo hai người dọc theo hành lang dài màu xám bằng bê tông. Anna có cảm giác như đang ở trong một boong ke. Người nhân viên bảo vệ dừng lại ở chiếc cánh cửa thứ hai. Trên chiếc cánh cửa này có một bảng mã. Chờ cho đến khi nhân viên bảo vệ đã lùi ra xa, Ruth bấm mật mã gồm sáu con số của mình lên bảng mã. Bà kéo mạnh chiếc cánh cửa nặng nề và hai người bước vào một căn phòng bê tông hình vuông. Một chiếc nhiệt kế trên tường cho biết nhiệt độ trong phòng là 20 độ C.

Bao quanh phòng là những giá gỗ, trên đó xếp đầy những bức tranh sắp được chuyển tới khắp nơi trên thế giới, tất cả đều được đóng gói trong những chiếc thùng màu đỏ đặc trưng của công ty Art Locations. Ruth kiểm tra kho hàng của mình, trước khi bước qua căn phòng tới một chiếc giá xếp đầy tranh. Bà gõ nhẹ lên chiếc thùng có ghi con số 47 ở cả bốn góc.

Anna bước theo Ruth và cố câu giờ. Cô cũng xem xét cả kho hàng, rồi xem đến thùng số 47, Vincent Van Gogh, Chân dung người cụt tai, 24×18 inch.

“Mọi thứ đều có vẻ ổn”, Anna nói vừa khi người nhân viên bảo vệ xuất hiện ở cửa.

“Xin lỗi đã ngắt lời bà, thưa bà Parish, nhưng có hai nhân viên của Sotheby đang chờ ở ngoài, nói rằng họ được lệnh nhận bức Van Gogh để đem đi thẩm định”.

“Cô có biết gì về chuyện này không?” Ruth quay sang hỏi Anna.

“Ồ, tất nhiên”, Anna nói, không để lỡ một nhịp nào, “chủ tịch yêu cầu tôi đem bức Van Gogh đi định giá để làm bảo hiểm trước khi đưa về New York. Họ chỉ cần bức tranh trong vòng một giờ, và sau đó họ sẽ trả lại ngay”.

“Ông Leapman không đề cập gì đến chuyện này”, Ruth nói. “Không thấy nói đến trong thư điện tử của ông ta”.

“Thành thật mà nói”, Anna nói, “Leapman là một người hoàn toàn mù tịt, ông ta không phân biệt nổi một bức Van Gogh với một bức Van Morrison”. Anna dừng lại. Thường thì cô chẳng bao giờ làm liều, nhưng cô không thể để Ruth gọi điện cho Fenston để kiểm tra lại. “Nếu bà còn nghi ngờ chuyện gì, tại sao không gọi điện cho Fenston để kiểm tra xem?” cô nói. “Như thế mọi chuyện sẽ rõ ràng hơn”.

Anna chờ đợi một cách lo âu trong khi Ruth cân nhắc đề nghị của cô. “Làm thế để ông ta đập vỡ đầu tôi à”, cuối cùng Ruth nói. “Không, cảm ơn, tôi nghĩ tôi sẽ nghe theo lời cô. Nhưng cô phải ký vào lệnh xuất kho?”

“Tất nhiên”, Anna nói, “Cũng chỉ là công việc bình thường của một nhân viên ngân hàng”. Cô hy vọng giọng mình nghe vẫn bình thường.

“Và cô sẽ giải thích sự thay đổi này với Leapman chứ?”

“Không cần thiết”, Anna nói, “bức tranh sẽ được trả lại từ rất lâu trước khi Leapman hạ cánh”.

Ruth trông có vẻ yên tâm, bà quay sang nói với người nhân viên bảo vệ, Số 47 .

Cả hai người cùng đi theo anh ta và theo dõi anh ta lấy chiếc thùng bọc giấy đỏ trên giá xuống rồi đưa ra chiếc xe tải chống cướp của hãng Sotheby.

“Ký vào đây”, người tài xế nói.

Anna bước lên và ký vào giấy xuất kho.

“Khi nào thì anh sẽ đưa trả lại bức tranh?” Ruth hỏi người lái xe.

“Tôi không biết gì về-”

“Tôi đã yêu cầu Mark Poltimore gửi trả lại bức tranh trong vòng vài giờ”, Anna nói chen vào.

“Tốt nhất là bức tranh phải được trả lại trước khi Leapman tới”, Ruth nói, “tôi không muốn có rắc rối với ông ta”.

“Có lẽ bà sẽ yên tâm hơn nếu tôi cùng đi với họ tới hãng Sotheby?” Anna hỏi một cách ngây thơ. “Như thế tôi có thể giục họ làm nhanh hơn một chút”.

“Không quá phiền đến cô chứ?” Ruth hỏi.

“Trong hoàn cảnh này, như thế là tốt nhất”, Anna nói rồi trèo lên chiếc xe tải và ngồi giữa hai nhân viên bảo vệ của Sotheby.

Ruth vẫy tay theo cho đến khi chiếc xe tải khuất sau chiếc cổng và hoà vào dòng xe chạy về hướng trung tâm London.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.