Tráng sĩ nói tới đây, Oanh Cơ mới nhìn sang phía đông thì thấy một góc trời sáng sủa, báo hiệu mặt trời sắp sửa xuất đầu trên các ngọn đồi. Lúc đó mới mờ mờ sáng, đủ trông rõ các sự vật trong một bức màn xam xám. Sương trong rừng dày như khói, có mặt trời lên chăng nữa, cũng còn phải đợi lâu lắm mới có ánh nắng chiếu vào cỏ cây ướt đẫm sương đêm.
Từ tối, Oanh Cơ ngồi chễm chệ trong lòng tráng sĩ, ngoan ngoãn như một đứa trẻ thơ, quên cả sượng sùng, e lệ. Nàng đầu tiên sợ cọp, sau lại sợ ma, sau nữa nghe hai cái xác cười lại càng sợ thêm, hóa nên cứ bám chặt lấy tráng sĩ rúc đầu giấu mặt vào vai chàng. Kịp lúc chàng vui miệng kể chuyện cho nàng nghe, thì nàng cứ mải mê chăm chú vào câu chuyện. Câu chuyện chàng kể lại rùng rợn ghê sợ hết sức, nên nàng càng ôm chặt sát lấy người chàng không nghĩ gì đến thẹn thùng. Ðến buổi mờ mờ sáng, nàng mới hơi tỉnh ngộ nhưng vẫn còn chưa ra khỏi cơn kinh hãi. Gia dĩ ngay dưới sàn lại có hai xác chết nằm cứng đờ ra đó, nàng không đủ can đảm ra khỏi lòng tráng sĩ dẫu biết rằng ngồi ôm lấy một người con trai lạ mặt là khó coi là vô luân lý.
Ngộ biến phải tòng quyền, nàng biết làm sao được? Nàng cứ ngồi lỳ trong lòng tráng sĩ, hai mắt lóng lánh áp vào ngực chàng, không muốn nhìn sự vật bên ngoài, sợ hoàn cảnh lại gây cho nàng một nguồn đau đớn hãi hùng thứ hai nữa. Nàng ngồi yên như thế, không cựa, không nói, tuy thức mà cũng như ngủ. Tráng sĩ tưởng nàng vì mệt mà ngủ thiếp đi, nên cũng đành ngồi đó ôm lấy nàng, như giữ gìn một bảo vật quý giá. Hai người, chả ai nói với ai một lời nào nữa; cả hai cùng thả hồn vào cõi mơ màng êm dịu.
Cặp thiếu niên xa lạ mà tự nhiên trời run rủi cho gần sát bên nhau trong trường hợp lạ lùng bi đát ấy, cặp thiếu niên đó cứ ngồi trơ trơ như một pho tượng, thức cũng chẳng phải thức, ngủ cũng không phải ngủ, cho mãi tới khi mặt trời lên cao rọi ánh sáng vào đám sương lam, làm cho sương biến thành hơi nước bay lên, khiến non sông được sáng láng mà cây cỏ được khô ráo nhẹ nhàng.
Tráng sĩ bấy giờ mới khe khẽ vỗ vào vai Oanh Cơ và cúi xuống bảo nàng:
– Bạch nhật rồi, cô ạ! Mặt trời đã chếch quá hai sào. Bây giờ chúng ta có thể xuống được rồi, còn lo liệu tống táng cho ông cả và cô hai chứ.
Oanh Cơ giật mình mở mắt ngơ ngác nhìn tứ phía; hình như mãi lúc này nàng mới rõ biết là vô tình ngồi trong lòng một thiếu niên xa lạ; nàng vùng đứng dậy, đi ra chỗ khác, hai má ửng hồng, chỉ biết cuối rạp mặt xuống chứ chả biết nói câu gì. Tráng sĩ cũng đứng dậy vươn vai, duỗi tay duỗi chân răng rắc; đoạn nhìn Oanh Cơ cười:
– Bây giờ chúng ta phải trèo xuống, tôi xin đỡ cô. Nếu cô đau chân quá, không leo cành cây được, tôi xin cõng cô đem xuống. Ta hãy nên để tử thi ông cả và cô hai ở đây, chốc nữa mượn người đến mang ra đồng phía ngoài núi cũng chưa muộn. Thôi, ta xuống đi! Cô nên theo tôi.
Oanh Cơ cả ngày hôm trước, chân bị sây sứt sưng lên đau đớn lắm, không trèo được. Tráng sĩ lại phải khi bế khi cõng, đem nàng xuống gốc cây, rồi để nàng xuống đất, chàng tháo dải lưng sồi của nàng ra, làm thành một cái võng, cho nàng ngồi, rồi chàng cõng nàng, chạy vèo vèo ra khỏi thung lũng về quán trọ của chàng.
Chàng đem nàng vào một căn phòng sạch sẽ để nàng nghỉ ngơi dưỡng sức. Rồi một mặt chàng thuê sáu người phu và đốc thúc họ vào rừng ngay để khiêng xác Văn Quản và Huyền Cơ về quán trọ; một mặt chàng nhờ chủ quán đi mua ngay cho các đồ khâm liệm cùng hai chiếc quan tài. Khi đem xác về đến nơi, tự tay tráng sĩ và Oanh Cơ tắm rửa cho hai kẻ bạc mệnh, rồi đem khâm liệm ngay. Ðám ma hôm đó thật là giản dị đơn sơ; càng giản dị đơn sơ trông lại càng thảm thiết. Một tên phu cầm một bó đuốc đi trước, rồi đến hai tên khiêng áo quan Văn Quản buộc vào một cái đòn dài. Tiếp đến áo quan Huyền Cơ cũng hai tên phu khiêng. Sau cùng đến một tên phu đem thuổng cuốc và xẻng, rồi đến tráng sĩ đỡ Oanh Cơ vừa thất thiểu lê bước vừa rũ xuống khóc như gió như mưa. Thế là hết: đám tang chỉ có bấy nhiêu người.
Ra đồng, tráng sĩ truyền cho đào rõ sâu vùi rõ chặt, lịch kịch mãi mới xong. Lúc về, hai tên phu phải quàng tay làm kiệu nâng đỡ Oanh Cơ về quán trọ.
Oanh Cơ đưa xong đám ma anh và chị thì ốm liệt giường liệt chiếu, sốt rét li bì, nói mê nói sảng. Tráng sĩ lo ngại lắm, bỏ cả cuộc săn bắn, chỉ lo thuốc thang cho nàng, và ngồi bên cạnh giường bệnh của nàng thôi. Ốm nửa tháng ròng, Oanh chỉ ăn có hồ cháo qua ngày, người gầy rạc đi như ve. Tráng sĩ thương hại lắm, chăm xóc nàng như em gái, chẳng quản lao công gì cả. Nhờ sự tận lực đó, Oanh Cơ khỏi bệnh. Tráng sĩ để nàng nằm dưỡng sức tại quán trọ; khi nàng đã ăn trả đũa, da thịt bắt đầu tươi tỉnh, lúc ấy chàng mới bảo nàng rằng:
– Nay cô khỏi rồi, tôi xin đưa cô ra Nho Quan, kẻo nữa chậm. Cô định thế nào?
– Bây giờ em ra Nho Quan làm gì? Anh chị em thác rồi, em ra đó cũng vô ích; vả chăng nhà quan phủ thiết tiệc xong từ non một tháng, nay ra đó thì còn gì nữa!
– Thế cô phải suy tính thế nào chớ! Hay là cô về núi Gôi ở với mẹ tôi, mẹ tôi sẽ yêu cô như con, tôi và anh tôi cũng quý cô như em vậy.
Oanh Cơ cúi đầu suy nghĩ một hồi, nàng ngước mắt nhìn tráng sĩ, rồi bỗng cúi gầm mặt xuống hai má ửng đỏ, nhưng chỉ thoáng một chút mắt nàng đã mờ những lệ, nàng gạt nước mắt thổn thức nói rằng:
Em bây giờ bơ vơ cô độc, chả còn ai thân thích nào nữa, chỉ có một đứa cháu trai gọi bằng cô hiện giờ còn ở Ðại Thạch. Em đội ơn anh quá nặng, biết lấy gì báo đáp được? Nếu em nhờ ơn Trời Phật còn được sống dai dẳng ít lâu nữa, có ngày em sẽ đền đáp nghĩa anh. Nay em đang thụ trọng tang, tâm hồn tan nát, gan dạ héo hon, chưa biết định liệu ra làm sao cả. Em xin anh cứ theo đuổi các việc anh làm, đừng vì em mà phí cả ngày giờ cùng tâm lực, anh mặc em sống nốt quãng đời thừa này. Nguyện vọng duy nhất của em bây giờ là được ở chốn này cư tang và săn sóc mồ mã cho anh chị em. Em sẽ mặc chế phục sô gai trong hai mươi bảy tháng, họa là vong linh anh chị em đỡ tủi một đôi phần! Chỉ có điều em đáng ngại là mai đây, khi anh từ biệt em để trở về quê nhà anh, em sẽ chịu lẽ loi thân gái, sống giữa nơi xa lạ chả còn ai thân thích quen thuộc nữa. Em muốn nhắn thằng cháu ra để ở chung với em cho vui, và luôn để giúp đỡ em nhưng biết nhắn ai bây giờ? Cháu em tên là Nguyễn Ðức Tiêu, nó hiện ở làng Ðại Thạch cũng gần quê quán của em, vì bác em từ xưa di cư ra ở đấy, đến nay đã ba đời. Làng Ðại Thạch cũng như làng Bàn Thạch là nguyên quán của giáo phường; hai làng ấy thuộc về phủ Thọ Xuân tỉnh Thanh Hóa.
Oanh cơ nói xong, lệ nhỏ ròng ròng ướt đẫm hai gò má. Tráng sĩ nhìn nàng rất ái ngại, bảo nàng rằng:
– Cô chớ lo ngại! Cứ chịu khó ở tạm đây năm bảy hôm nữa, tôi thu xếp xong công việc cho cô, lúc đó sẽ về!
Oanh Cơ nghe lời ân nhân, ở lại trong quán trọ. Ðộ mươi ngày sau, một hôm tráng sĩ đi săn về, vui vẻ bảo nàng rằng:
– Xong việc xong rồi, bây giờ cô chỉ còn phải dọn nhà là yên ổn cả.
Chàng đem nàng đến một nơi cao ráo, nàng lấy làm ngạc nhiên thấy, từ lúc nào không rõ, chàng đã sai thợ lợp riêng cho nàng một nếp nhà rộng rãi chót vót đứng giữa một thửa vườn bát ngát mênh mông. Nàng vừa mừng rỡ, vừa ngại ngùng cảm động, bước lên thang vào sàn. Tới nơi, nàng ngã ngửa người ra: đồ đạc nồi siêu và quần áo rương hòm sắm sửa bày biện sẵn sàng cả; và trong hoàn cảnh êm ấm đó, có phải ai đâu xa lạ, rõ ràng là cháu ruột nàng Nguyễn Ðức Tiêu, ngồi chễm chệ ở một phòng trên một góc chiếc ghế đẩu.
Thấy Oanh Cơ, Tiêu mừng quá, chạy tất tưởi lại đón cô, nói tíu tít:
– Cô ơi! Cô đã mạnh chưa? Cháu nghe bác hai đây (Tiêu chỉ tráng sĩ) nói rằng chú và cô Huyền cháu đã thác vì vuốt hổ, lòng cháu đau đớn vô cùng, nhưng biết rằng cô còn sống sót, cháu sung sướng quá. Từ nay cháu ở đây với cô mãi không để cho cô ở một mình đâu cô ạ!
Ai nhắn nhủ cháu ra, mà cháu biết lần mò le lỏi tới nơi đây?
– Mấy hôm trước, có hai người về tận Ðại Thạch đón cháu, bảo cháu dẫn sang nhà cô ở Bàn Thạch. Song họ nói cho cháu rõ cô hiện ở Ðồng Giao; muốn ngụ cư tại đó, nên cho người về đón cháu và khuân vác đồ đạc ra ngoài này. Họ chọn lấy những đồ đạc còn tốt và thường dùng, đem đi, còn bao nhiêu, bỏ lại cả. Ðến Ðồng Giao, họ đem cháu lại nhà này, cháu được gặp bác hai mới rõ đầu đuôi câu chuyện.
Mắt Oanh Cơ mờ hẳn đi vì lệ ứa trào ra. Nàng cảm động quá, vuốt ve đầu cháu rồi lại ngồi ở một chiếc ghế thấp. Tráng sĩ ngồi ở một góc giường. Oanh đợi khi tráng sĩ vô tình giữa lúc xuất kỳ bất ý, nàng ngồi xệp xuống sàn, ngoảnh về phía chàng ngồi, lạy hai lạy rất cung kính. Chàng luống cuống đứng dậy nhưng không kịp nữa, vội chạy lại đỡ nàng lên, rồi bằng một giọng nghẹn ngào:
– Ô kìa! Sao cô lại làm như vậy. Tôi chả tổn thọ mất ư? Bổn phận tôi là phải thế, cô chớ cám ơn tôi làm gì. Người ta ở đời, phải giúp đỡ lẫn nhau, có chi mà phải bận lòng. Trong nhà này, tôi đã xếp đặt đủ cả, cô có thể sống nổi trong vòng nửa năm. Trong hòm kia, có tích sẵn vài chục quan tiền, cô cứ việc lấy mà chi dụng. Sáu bảy tháng, tôi sẽ qua một lần thăm cô, khi nào cô hết tang, thì sẽ di cư đi chỗ khác, đừng ở nơi đây không tốt. Cô phải cẩn thận, chớ có đi đêm về tối, lỡ ra có sự khó lòng. Nhà này, tôi đã có ý làm cao, có hai từng sàn. Nếu động dụng gì, cô lên gác trên mà ẩn, đừng ở từng dưới nhé. Thôi công việc của tôi thế này là tạm ổn, tôi xin bái biệt cô. Cô nên thận trọng lấy mình, chớ để phụ lòng tôi đó!
Tráng sĩ nói xong, đứng dậy từ biệt, Oanh Cơ lúc ấy không hiểu thế nào, tựa như ngại ngùng quyến luyến, không nỡ chia tay. Nàng muốn giữ tráng sĩ lại chút nữa, nhưng cũng thẹn thùng không dám. Nàng sụt sùi, ứa nước mắt tiễn tráng sĩ xuống gác, muốn nói vài lời tiễn biệt mà nghẹn ngào không nói được, chỉ thỏ thẻ được một lời:
– Em xin lạy anh!
Thế là hết. Nàng đứng tựa gióng cửa sàn đờ mắt nhìn theo chàng mãi, theo mãi, tới khi bóng chàng khuất sau rặng lau, bụi chuối thì thôi. Ra đi, chàng cũng dùng dằng; lúc thất thiểu trên đường, chàng cũng ngoái cổ nhìn lại, thấy bóng nàng dựa cửa trông chàng. Trong tâm chàng, một cảm giác êm ái đầm ấm tự nhiên bừng bừng nổi dậy, làm giảm một đôi phần nỗi buồn rầu thấm thía của sự phân ly.
Chàng nện mạnh gót trên đường, cấm đầu đi thẳng, cố xua đuổi trong lòng những ý tưởng bất chính, không xứng đáng với một tay thiếu niên nghĩa hiệp như chàng… Chàng đi, đi được bao xa? Cứ hùng dũng tiến được mươi bước, là đã ngại ngùng muốn quay gót trở lại. Trở lại e bất tiện quá, chàng đành quay đầu trông lại mà thôi. Chàng vẫn thấy bóng nàng như bóng đá Vọng Phu, còn sừng sững đứng trên thang nhìn theo chàng không ngớt, nhìn mãi, nhìn mãi…
Muốn cho tâm hồn khỏi bị suy nhược, sa ngã, chàng nhắm mắt lại, vùng cẳng chạy một mạch không dám quay đầu lại.
Tráng sĩ đi rồi Oanh Cơ ở lại một mình với cháu là Nguyễn Tiêu, tại Ðồng Giao. Nhờ có tiền nong tráng sĩ để lại, nàng cùng cháu phong lưu lắm. Tuy nhiên nàng cũng cố làm lụng cho khỏi ăn không ngồi rồi, nàng mở một cửa hàng nhỏ ở trên sàn, nhận vải cắt áo quần và may vá. Nàng đoạn tuyệt hẳn với nghề ca xướng, dẫu rằng cháu nàng cũng có thể đàn tạm để nàng hát.
Còn cháu nàng giúp nàng các việc lặt vặt như là đi chợ, gánh nước v.v… Nói tóm lại, Tiêu là tai sai, hễ cứ có việc phải ra ngoài thì cậu phải gánh vác tất cả; còn nội công việc trong nhà thì có Oanh Cơ đảm đang. Một đàng ngoại giao, một đàng nội vụ. Thành ra Oanh Cơ ở đấy đến ba bốn tháng, mà chả ai biết mặt mũi nàng ra sao. Bởi vì nàng không bước chân ra khỏi cửa bao giờ. Cứ tối đến, cháu nàng ngủ ở từng sàn dưới, còn nàng thì leo lên từng cao nhất để ẩn mình.
Từ độ Oanh Cơ đến trú ngụ ở Ðồng Giao, trong hạt bỗng xôn xao bàn tán về một câu chuyện lạ. Ấy là chuyện làm đầu để cốt yếu cho bài thuật này đó, chuyện ả đào ở trong rừng. Cứ đêm đêm, quá trống canh hai, trong một thung lũng cách Ðồng Giao gần năm dặm người ta nghe có tiếng véo von đàn hát não nùng. Những kẻ táo bạo rủ nhau vào rừng đi xem, lúc về đều thuật đúng như thế cả. Mới đầu tiên, cả vùng kinh dị, nhưng rồi lâu dần cũng quen đi, chả ai nói đến nữa.
Chỉ riêng một mình Oanh Cơ biết đó là hồn anh chị mình hiện lên; nàng tin rằng hai anh chị mình đều thiêng liêng nên hết sức chăm chỉ lễ bái, cúng tuần cúng giỗ cho vong hồn kẻ khuất, vả lại nàng cứ sai cháu hễ ba ngày thì ra thăm mả Quản và Huyền một lần.
Oanh Cơ sống yên ổn và kiên nhẫn quảng đời hiu quạnh lặng lẽ của nàng dưới mái ngôi nhà sàn, không nghĩ gì đến tương lai cả. Thỉnh thoảng nàng cảm thấy tấm lòng dào dạt vì hình ảnh chàng tráng sĩ tự nhiên bỗng hiện ra rõ rệt trong ký ức nàng, tươi cười, khiến nàng bị trái tim vỗ đập, máu trào lên gò má, nóng bừng. Mỗi lần như thế, nàng lại cố nén lòng, lấy tay để lên ngực, rồi nhắm mắt lại, xua đuổi cái ám ảnh kia. Song nó nhất định không đi, bắt nàng cứ phải luôn luôn trông thấy. Nàng vơ vẩn đứng dậy, nâng tấm liếp con lên, tì tay vào thành song thưa vẩn vơ trông trời…
Nàng đứng như thế giờ lâu, bỗng đôi mắt nàng để ý đến những vết gì, tựa như lốt chân một vật to lớn, in sâu xuống nền đất cát, ở ngay thềm nhà nàng.
Những vết chân nhiều lắm, không biết bao nhiêu mà đếm.
Nàng đi vòng gác nhìn bốn phía, cũng đều như thế. Lại có vết ở ngoài vườn, trên luống rau, trên luống khoai; rau và khoai bị giẫm nát cả. Có lẽ là vết chân lợn lòi về đào trộm khoai chăng? Nàng đợi cháu đi chợ về, chỉ cho nó xem, nó sợ hãi lắm. Hai cô cháu bàn tán, chả biết là vết gì. Tối hôm đó, cả hai cùng không ngủ, đóng cửa ngỏ từ trước buổi sâm sẩm tối, lấy bàn ghế và gỗ chặn ngang cửa chính, xong tắt đèn đóm lên tận gác trên, hé liếp ngồi rình mỗi người một xó. Ðêm hôm ấy có trăng khuyết, ánh sáng mờ mờ thỉnh thoảng mới lọt qua vừng mây ám mà tỏa ra một lúc, rồi mất ngay, trời đất lại tối như mực. Hai cô cháu rình lâu lắm; hết canh hai đầu canh ba bỗng thấy một cái bóng đen dài, lướt đi rất nhẹ nhàng trên thềm cát và đi vòng khắp chung quanh nhà. Cái bóng ấy có hai con mắt lớn, đỏ rực như hai ngọn đèn; hai cô cháu nhận biết ngay là mắt hổ, vì vẫn nghe các người quanh vùng nói như thế.
Oanh Cơ sợ quá hét lên một tiếng ngã lăn trên sàn. Con quái vật kia, nghe tiếng động, vùng cẳng chạy mất. Thì ra một con hổ vẫn lượn qua nhà nàng. Ðêm nào cũng vậy, hai cô cháu rình bốn năm đêm, đều thấy bóng hổ lại đi tuần tiễu quanh nhà, tìm kế leo lên sàn. Cả hai cùng lo ngại cực điểm. Rạng ngày thứ năm Tiêu chạy ra chợ, tìm một thầy số dắt về. Oanh đặt tiền quẻ rồi kể đầu đuôi câu chuyện cho thầy số nghe, rồi khóc mà hỏi rằng:
– Nhờ thầy coi giúp cháu một quẻ, xem có cách gì cứu cháu thoát nạn được chăng?
Ông thầy bấm quẻ hồi lâu, nghiêm nghị nói rằng:
– Cô đừng lo. Thọ mệnh của cô vững lắm, chưa có thể chết được. Ít ra, cô cũng còn sống được lâu nữa, bây giờ chưa đáng ngại đâu. Nó không làm gì được cô cả! Cô chỉ nên bỏ tạm chốn này lánh mình xuống thuyền ở vài tháng là tự nhiên nó chán, không theo cô nữa.
Ông thầy số đó chính là cậu ruột tôi. Trong khi ông đoán quẻ cho Oanh Cơ, nàng có thuật rõ ông nghe trường hợp gặp gỡ tráng sĩ Lê Trọng Việt ra làm sao, tình hình anh chị nàng bị thác ra sao, nàng được thoát nạn thế nào, câu chuyện tráng sĩ kể cho nàng nghe thế nào, và sự giúp đỡ của tráng sĩ như thế nào v.v… Sau này, kể lại chuyện ấy tôi nghe cậu tôi nói:
– Lúc đó cậu thấy nàng bồn chồn kinh sợ quá, cậu cũng động tâm thương nàng, không muốn nói sự thực cho nàng phải lo nghĩ khiếp vía. Theo quẻ, nàng có số cọp vồ chết, chỉ sống được dăm bảy năm là cùng.
Không biết về sau nàng gặp nạn ở đâu, chỉ biết sau khi nghe thầy số chỉ bảo thì nàng bỏ tiền dành dụm ra mua một cái thuyền con, không xa hạt Ðồng Giao mấy. Nàng yên trí lánh nạn như thế độ hai tháng thì yên. Lúc bấy giờ sẽ trở về nhà cư tang anh chị như cũ, cho hết hạn hai mươi bảy tháng thì thôi, muốn dọn đi đâu cũng không muộn.
Ngờ đâu đến ở trên sông, mà nàng cũng bị hổ theo rình để bắt; ngày ngày nàng ra đầu thuyền vo gạo rửa cá, nhìn lên bờ thấy ông tướng kia ngồi chồm chỗm trố mắt nhìn nàng. Giá lần đầu, có lẽ nàng thất đảm ngã lăn xuống nước, nhưng lâu nàng cũng quen đi, chỉ tất tưởi bỏ gạo cá chạy thụt vào khoang thuyền mà thôi. Hổ rình chán, chả làm gì nổi gầm lên cút thẳng.
Oanh Cơ và cháu, sợ hãi, nhổ sào đi về khoảng sông rộng hơn, cắm thuyền tận giữa sông, không dám lại gần bờ. Như thế, hổ không làm gì ra tận giữa dòng được, hai cô cháu sẽ khỏi bị nạn hổ, lại khó qua nạn phong ba; đã không dám đậu thuyền sát kề bờ, mỗi lần có sóng, gió thì còn gì là tính mạng? Nhất là hai cô cháu không phải người chài lưới, nhỡ bị lật thuyền hẳn là chết ngộp chết trôi thôi! Nghĩ cho kỹ ở trên mặt đất cũng chết, xuống dưới sông cũng chết, chẳng thà lên mặt đất còn hơn. Tử sinh hữu mệnh, thầy số đã cho biết mình còn sống được lâu nữa, sợ gì mà chả dám về sàn ở như thường lệ. Ta chỉ việc đóng cửa ngõ cho sớm, chặn lại cho chắc, lên tận từng cao mà nằm, rút thang đi, nó giỏi cách mấy cũng không lên được. Ta cứ đừng đi đâu, ở tịt trong buồng kín, dễ gì mà bắt được ta?
Nghĩ như vậy, lựa lúc mặt trời đúng ngọ, nàng cắm thuyền vào một chỗ đông đúc, thu xếp đồ đạc, thuê một toán phu khuân vác và hộ nàng đi ngựa trở về Ðồng Giao. Tính đốt tay, hôm nàng lại nhà sàn chính là hôm cách sáu tháng về trước anh chị nàng bị chết nạn trong rừng.