Ngay lập tức có tiếng của một bạn nam kêu to: Vậy bọn tớ có phải làm bài
luyện mắt không, loa hỏng rồi, loa của cả trường đều hỏng hết rồi.
Tôi nghiêm túc nói: Chúng ta vẫn phải làm dù không có loa.
Bạn nam kia bật dậy khỏi ghế rồi lao ra giữa lớp, vẫn la toáng lên: Vẫn làm như thế là như thế nào?
Tôi nghiến răng, nói dõng dạc: Tớ sẽ làm lệnh thay loa.
Cả lớp ồ lên.
Tôi nghiêm khắc lặp lại: Các bạn phải nghe theo tiết tấu của tớ. Nào, bảo vệ thị lực, giữ mắt sáng trong, bắt đầu. Nhắm mắt lại.
Cả lớp cùng đồng loạt nhắm mắt lại, cảm giác tự hào đột nhiên dâng trào trong lòng tôi.
Bỗng nhiên, có một nữ sinh đứng bật dậy, nói: Bạn sai rồi.
Tất cả học sinh trong lớp tức thì đồng loạt mở mắt.
Tôi hỏi: Sao vậy?
Bạn nữ sinh kia nói: Phải là, vì cách mạng, bảo vệ thị lực, giữ mắt sáng trong, bắt đầu. Bạn thiếu ba chữ, vì cách mạng.
Các bạn nam trong lớp ngay lập tức la hét om sòm: Đồ phản cách mạng, đồ phản cách mạng.
Tôi sững người đứng nguyên tại chỗ. Từ đó về sau, chẳng ai gọi tôi bằng tên thật nữa, tại ngôi trường này, tên của tôi là Phản Cách Mạng. Lũ chúng
nó gọi tôi là họ Phản, tên Phản Cách Mạng. Tôi cãi lại, thế nhưng những
lời đó bị nhấn chìm trong con sóng của những âm thanh la hét đến chói
tai. Tất cả chỉ tại cô gái ấy, Lưu Nhân Nhân.
Điều khiến tôi buồn não nề hơn cả, đó là khoảnh khắc cô ấy đứng lên, với chiếc váy màu xanh lam. Chiếc váy trong những giấc mộng mà tôi đã mơ hàng vạn lần. Người
hôm ấy tôi nhìn thấy chính là Lưu Nhân Nhân. Thế nhưng, chỉ vô tình một
câu nói, cô ấy đã biến tôi thành tên Phản Cách Mạng. Tại sao lại là em,
Lưu Nhân Nhân?
Hồi ấy tôi được xem là một nhân vật nổi đình nổi
đám nhất ở trường vì thành lập Tiểu Hổ Đội. Buổi chiều hôm đó, ba đứa
chúng tôi tỏa sáng trên sân khấu được trang trí đầy bóng bay, rồi trong
khoảnh khắc ngắn ngủi cả hội trường như xẹp xuống, mọi người đều rỉ tai
nhau thì thầm về cái biệt danh mới của tôi. Mặc dù thời điểm truyền tai
nhau không cùng một lúc, nhưng nội dung thì giống nhau, cho nên ba cái
từ ấy lọt vào tai tôi không biết bao nhiêu lần. Phích Lịch Hổ đứng ở
giữa sân khấu, còn tôi đứng bên phải, ba đứa đứng đơ ra như ba ngọn
giáo, cùng hát vang một bài Oa ha ha. Nói đến lần biểu diễn không mấy
thành công này, chúng tôi cho rằng nguyên nhân chính là do việc kiểm
duyệt ca khúc quá nghiêm ngặt. Lúc đầu chúng tôi muốn hát ca khúc Yêu
của Tiểu Hổ Đội. Nhưng giáo viên chủ nhiệm cho rằng, như thế là không
tốt, mới tí tuổi đầu thì biết thế nào là yêu, ai cho phép các em yêu?
Lúc đó Phích Lịch Hổ chêm thêm một câu: Chẳng phải thầy cô luôn bảo chúng em phải yêu Tổ quốc sao?
Theo logic thì chính xác nhưng về mặt chính trị thì quả là sai lầm, cô giáo
khi đó nổi trận lôi đình, mắng chúng tôi: Bởi vì tổ quốc của chúng ta
là… Tổ quốc của chúng ta là… là một vườn hoa. Thôi được rồi không cần
nói thêm nữa, các em cứ hát bài Oa ha ha đi. Oa ha ha Oa ha ha, trên
khuôn mặt ai nấy đều nở nụ cười tươi rói, hân hoan làm sao.
Sau
khi hát xong trở lại vị trí ngồi, đám bạn xung quanh đều bàn tán xôn xao về chúng tôi, tất nhiên là chẳng hay ho gì. Toàn bộ phần còn lại của
buổi biểu diễn tôi cứ ngẩn ngơ, lơ đãng, cho đến khi bốn cô gái lên hát
thì tôi cũng chẳng hay biết. Nhưng tôi biết, họ vừa hát ca khúc Chúc
phúc của Trương Học Hữu. Vừa sầu ai, vừa buồn thương, cuộc đời tránh sao khỏi khổ và đau, mất đi rồi, mới biết trân trọng và giữ gìn, đau thương vì biệt ly, biệt ly cho dù ngay trước mắt, nói câu tạm biệt, tạm biệt
dù chẳng phải cách xa.
Bài hát vừa kết thúc, đã nhận được những
tráng pháo tay như sấm nổ của các bạn, khiến tôi xấu hổ vô cùng khi nhớ
đến ca khúc Oa ha ha mà chúng tôi hát. Việc đó còn làm tôi nhớ đến bài
hát mà anh Đinh Đinh từng hát cho tôi nghe. Chúng tôi khi đó còn có cảm
giác đau buồn vì phải biệt ly, đó chính là lần đầu tiên tôi phải đối
diện với một cuộc chia ly quy mô lớn đến thế. Tạm biệt một thời tiểu
học, đó chính là lúc mà bạn không thể biết rằng những người bên cạnh bạn tương lai sẽ trở thành một nhân vật như thế nào.
Sau khi buổi biểu diễn kết thúc, Lưu Nhân Nhân tiến đến trước mặt tôi, nói rằng: Mình xin lỗi.
Tôi giả bộ phớ lớ nói: Sao thế cậu?
Lưu Nhân Nhân tiếp lời: Tớ không nên sửa lại câu nói của cậu, khiến cho cậu có biệt hiệu như thế. Đặt biệt hiệu cho bạn bè là một điều không tốt,
nhưng không hẳn là lỗi của tớ mà.
Tôi đáp: Mình biết, vì mình cũng ở đó mà.
Khi ấy tim tôi đập thình thịch. Tuy đã lường trước, nhưng hiện thực vô cùng phũ phàng mà tôi đã từng nghĩ đến lại bày ra trước mắt tôi lúc này, Lưu Nhân Nhân đã cao 1 mét 6 rồi, trong khi đó tôi vẫn chỉ cao có 1 mét 4.
Lời xin lỗi của cô ấy lạnh lùng và kiêu ngạo giống như một tảng băng
không hề có kẽ nứt, tôi biết đó là do cách giáo dục của gia đình cô ấy.
Tôi giống như một chú chó bé nhỏ, đang đối diện với một cục xương to hơn mình rất nhiều, không biết nên gặm kiểu gì. Mơ mộng lâu như vậy, đến
khi khoảnh khắc ấy đã trở thành hiện thực, dường như chẳng được đẹp dẽ
như thế, và tôi cũng không còn những suy nghĩ tà dâm với Hoa Tiên Tử
nữa.
Hai ngày ngay trước khi tốt nghiệp, tôi nằm lì trên giường.
Đây là khoảng thời gian khó chịu biết nhường nào, đã rất nhiều lần tôi hy
vọng mình có thể chôn đi khoảng thời gian này, một bước chạy thẳng đến
độ tuổi như anh Đinh Đinh. Trên thực tế, nó đã xảy ra rồi. Hồi ức của
tôi còn trống một khoảng thời gian của thời niên thiếu, tuổi thơ của
tôi, tuổi thanh niên của tôi, chỉ là những lát cắt đã trôi qua vùn vụt,
tôi chỉ là một người bình thường có đủ loại khẩu hiệu và biểu ngữ ghi
lại quá trình trưởng thành, những gì phổ biến thì tôi theo đuổi nó, ai
xinh đẹp thì tôi theo đuổi người đó, còn tôi đã làm gì trong suốt một
thời thiếu niên? Trong suốt những tháng năm quan trọng nhất đó, có lẽ
chỉ còn Lưu Nhân Nhân đọng lại trong ký ức tôi. Cô ấy chỉ để lại cho tôi cái biệt danh Phản Cách Mạng, luôn gắn với tôi cho đến khi tìm được
việc làm. Khi đi làm tôi đã rời xa tất cả bạn bè và môi trường thân
thuộc của mình, thế giới rộng lớn này thực sự có thể thay đổi hoàn toàn
con người bạn trong một môi trường xa lạ, tôi có thể tạo dựng một hình
ảnh mới về chính bản thân mình, không có gì là không thay đổi được, vai
diễn cũ của mình tôi đã diễn xong rồi, và đây là vai diễn mới tôi vừa
nhận được.
Khi vừa ngủ dậy trong căn phòng 8301, việc đầu tiên
tôi làm là đi thẳng ra ban công nhìn xem 1988 có còn ở đó không. Ban
ngày để ý mới thấy căn phòng này được thiết kế kỳ quái, ban công có lẽ
còn rộng hơn cả căn phòng. 1988 vẫn đỗ xiêu vẹo ở bên đường. Trên ban
công còn có một van nước, tôi liền rửa mặt xúc miệng ở đó, rồi tôi mở
bản đồ, tiếp tục lên lịch trình cho chuyến đi, nghĩ chắc vẫn kịp đến đón người bạn nơi phương xa của mình. Tôi gập bản đồ lại đút vào túi quần
và mở cửa, rồi không hiểu là thứ tình cảm gì nữa, tôi bất chợt nghĩ đến
Na Na. Lúc này chắc chắn cô ấy vừa tỉnh dậy ở khách sạn Minh Châu, dù
cũng cảm thấy xấu hổ nhưng thực tình tôi không còn cách nào khác. Ít ra
cô ấy cũng có một giấc ngủ ngon hơn tôi, vì cô ấy ngủ trên chiếc giường
đắt tiền hơn tôi, không chỉ thế, trong tay cô còn có một số tiền nho
nhỏ, chí ít cũng đủ để ăn ở vài ngày, hoặc nếu dùng làm lộ phí đi đường, thì cũng có thể tìm được cha của mười đứa trẻ. Thậm chí tôi còn cảm
thấy dường như việc mình đối xử với một cô gái điếm như thế sẽ khiến
người khác cười nhạo. Nhưng tôi nghĩ anh Đinh đinh chắc chắn sẽ không
cười nhạo tôi, nghĩ thế khiến tôi cảm thấy lòng mình thanh thản hơn.
Trên thực tế, tôi của hiện tại cũng tầm tuổi với anh Đinh Đinh khi anh
ấy mất, thế nhưng mỗi khi phải dấu tranh tư tưởng với bất cứ điều gì,
tôi sẽ luôn lục tìm trong ký ức của mình, đoán xem thái độ của anh ấy
như thế nào, đương nhiên, anh ấy sẽ luôn ủng hộ tôi. Tôi tự nhủ mình
không được coi thường Na Na, thế nhưng tôi vẫn cảm thấy tận trong sâu
thẳm đáy lòng, mình vẫn bận tâm đến sự đồng hành của cô ấy. Dù thế nào
đi chăng nữa, người phụ nữ này cũng đã bước qua cuộc đời tôi, duy nhất
một điều cô ấy để lại trong lòng tôi là tôi đang mong đợi cô ấy giống
như mong đợi một người sống, chứ không phải hoài niệm về cô ấy như đang
hoài niệm một người chết. Nhưng những điều ấy cũng chẳng có nghĩa lý gì, đường dài đằng đẵng, không ngày gặp lại.
Tôi mở cửa phòng, rút ra chìa khóa của 1988, đi về đến khúc rẽ đầu tiên của cầu thang, tôi đã gặp Na Na.
Tôi đang nghĩ lẽ nào mình bị mộng du đi lạc đến khách sạn Minh Châu.
Na Na cũng đứng ngây người chôn chân dưới dất, mãi đến khi người công nhân giặt là tới phá tan bầu không khí im lặng của chúng tôi. Anh ta nói:
Hai người tránh ra một chút. Tôi và Na Na cùng đồng thời tránh sang một
bên, giọt nước mắt của cô ấy rơi xuống bậc tam cấp khi ngước nhìn tôi,
cô khẽ nói: Em xin lỗi.
Tôi cũng nói: Anh xin lỗi.
Na Na
ngày hôm nay có vẻ không giống lắm với Na Na của ngày hôm qua, trông
xinh đẹp quyến rũ hơn rất nhiều, cô ấy tự trang điểm cho mình, hơn nữa
còn trang điểm rất khá, nhưng lớp son phấn trên mặt đã nhanh chóng nhòe
đi bởi những giọt nước mắt. Cô ấy nhắc lại: Em xin lỗi.